NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Từ Chí Nhất
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Từ Chí Nhất

Hôm qua nhận được thư, biết con là thiếu niên phát tâm tu Tịnh nghiệp, khôn ngăn vui mừng, hâm mộ! Muốn trả lời thư trong ngày hôm qua, nhưng vì có khách nên chưa rảnh rỗi. Nay gởi cho con một cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh, đây là căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Đọc kỹ hai bài tựa trước – sau của Quang sẽ tự biết được ý nghĩa chánh yếu. Tịnh Độ Thập Yếu, một bộ năm cuốn, đây chính là những trước thuật thiết yếu nhất của cổ nhân nhằm giảng rõ Tịnh Độ, trong bài tựa đã nói tường tận. Một bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, đây là sự tích vãng sanh xưa – nay. Một cuốn Gia Ngôn Lục, một cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, đây là những sách hết thảy mọi người nên thường đọc. Một cuốn Sức Chung Tân Lương, một cuốn Cứu Kiếp Biên, một bộ Lịch Sử Thống Kỷ; sách này có bảng phân loại. Nếu tra cứu những chuyện hiếu và bất hiếu thì tra cứu trong bảng phân loại ở đầu quyển sẽ thấy được những chuyện hiếu và bất hiếu trong cả bộ sách. Một bộ An Sĩ Toàn Thư, sách Tây Quy Trực Chỉ cũng nằm trong ấy. Nếu [các sách định gởi cho con trên đây, đem] chia làm hai gói mà [vẫn] chưa đủ thì sẽ bỏ thêm Kỹ Lộ Chỉ Quy và Vật Do Như Thử vào. Nếu đủ rồi sẽ không thêm.

Mong con hãy cung kính đọc kỹ Ngũ Kinh, Thập Yếu thì sẽ biết rõ duyên do của pháp môn Tịnh Độ. Các pháp môn được giảng trong cả một đời đức Phật đều cậy vào tự lực để tu trì, đoạn Hoặc, chứng Chân, hòng liễu sanh tử, khó khăn còn hơn lên trời! Nếu do Tín – Nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì vạn người tu, vạn người về, nhưng cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dùng những điều này để dạy người, khiến cho khắp hết thảy mọi người cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh Tịnh Độ.

Tuổi con còn thơ ấu, phải cực lực chú ý giữ gìn thân thể! Hãy đọc kỹ sách Dục Hải Hồi Cuồng trong bộ An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Có nhiều thiếu niên ý niệm tình dục dấy lên rồi bèn thủ dâm; chuyện ấy khiến thân thể bị tổn thương tột cùng, chớ nên phạm! Hễ phạm sẽ tàn hại thân thể, nhơ bẩn tự tâm, khiến cho thân thể hữu dụng bị chết yểu hoặc trở thành phế nhân yếu ớt không làm nên cơm cháo gì! Lại còn phải hằng ngày phản tỉnh, suy xét tội lỗi nơi thân, nơi tâm, ngõ hầu chẳng đến nỗi tự mình tàn hại. Nếu không, cha mẹ không nói, sư trưởng chẳng nói, bạn bè đàn đúm xúi giục nhau tạo thành thói ác ấy; chuyện này nguy ngập còn hơn đi vào vực sâu, bước trên băng mỏng đấy!

Tăng Tử có tư cách đại hiền mà đến lúc sắp chết mới nói: “Kinh Thi chép: ‘Dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng’. Từ nay trở đi, ta biết đã thoát”. Chưa đến lúc sắp chết thì vẫn thường kinh sợ, nay ta sắp chết mới biết mình không bị hãm [trong tội lỗi]. Cừ Bá Ngọc năm hai mươi tuổi biết mười chín năm trước sai trái; đến tuổi năm mươi, biết bốn mươi chín năm trước đều sai. Khổng Tử vào tuổi bảy mươi còn muốn trời cho sống thêm vài năm hoặc dăm mười năm nữa để học kinh Dịch hòng tránh lỗi lớn. Cách thánh hiền gìn giữ, trưởng dưỡng sự phản tỉnh, suy xét như vậy chính là nền tảng để học Phật liễu sanh tử. Những điều khác đã được nói tường tận trong Văn Sao và các sách khác, cho nên không viết cặn kẽ!

Con tên là Giám Chương[1], lại còn có trí huệ chân chánh thì không gì chẳng hợp với Phật, thánh, không gì chẳng thuận với pháp thế tục. Người đời nay hễ hơi thông minh bèn cuồng vọng, đấy đều là vì chẳng biết nghĩa “vì việc học mà [đạo đức] ngày càng tăng thêm, vì đạo mà [thói hư] ngày càng tổn giảm”. “Vì việc học mà [đạo đức] ngày càng tăng thêm” chính là lấy đạo đức của thánh hiền chất chứa trong thân tâm ta. “Vì đạo mà [thói hư] ngày càng tổn giảm” là từ đấy phản tỉnh, suy xét nghiêm ngặt, sao cho khởi tâm động niệm trọn chẳng phạm tội lỗi gì! Nếu không, dẫu là bậc văn tài lỗi lạc vẫn chẳng thể vì việc học, huống hồ vì đạo! Hiện nay thời cuộc nguy hiểm, hãy nên khuyên hết thảy già – trẻ – trai – gái hằng ngày thường kiền thành niệm thánh hiệu Quán Thế Âm như một kế sách bậc thượng để cầu hòa bình, giữ gìn thân mạng. Trừ cách này ra, không tìm được cách nào khác đâu! Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ rày chỉ nên xem các sách như Văn Sao v.v… đừng gởi thư đến nữa, do không có sức để thù tiếp vậy!

Trước đây, thầy đã gởi pháp danh, kinh sách [cho con]. Thư lần này gởi đến, con chỉ ghi là “cẩn bẩm” (kính thưa), không khỏi quá ngạo mạn! Pháp Niệm Phật tùy theo cơ nghi, chớ nên chấp chặt. Nhưng trong hết thảy pháp, chọn lấy một pháp quan trọng nhất thì không chi bằng “lắng tai nghe kỹ”: Niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, âm thanh lọt vào tai; đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm như thế, nghe như thế. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm thầm trong tâm, đều nghe như thế. Khi niệm thầm, trong tâm vẫn có tướng của tiếng, chứ không phải là không có tiếng. Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Khi niệm Phật có thể lắng tai nghe kỹ chính là cách nhiếp trọn sáu căn. Bởi lẽ, tâm niệm thuộc về Ý Căn, miệng niệm thuộc về Thiệt Căn, tai nghe thì mắt chẳng nhìn chi khác, mũi chẳng ngửi gì khác, thân chẳng buông lung, biếng nhác. Vì thế gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm thì tạp niệm dần dần dứt, cho đến không còn, vì thế gọi là “tịnh niệm”.

Thường giữ cho tịnh niệm liên tục chẳng gián đoạn sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội. Tam Ma Địa chính là tên khác của tam-muội. Chúng ta tùy phần tùy sức niệm, tuy chưa thể đạt ngay được tam-muội, nhưng sẽ gần với tam-muội. Chớ nên nghĩ là dễ dàng rồi muốn mau đạt, kẻo sẽ dấy lên các ma sự! Người đắc Niệm Phật tam-muội thì trong đời này đã dự vào địa vị thánh nhân. Vì thế, hãy nên tự lượng! Pháp Tùy Tức[2] chính là pháp thứ chín được nói trong môn Thử Sanh Tha Sanh Thập Niệm Nhất Niệm (đời này, đời khác, mười niệm, một niệm) của cuốn Bảo Vương Tam Muội Luận, tức cuốn thứ năm của bộ Tịnh Độ Thập Yếu, xem [sách ấy] sẽ tự biết. Vì thế, chẳng cần phải nói nhiều. Mong hãy sáng suốt soi xét. Đang trong lúc đại kiếp đối đầu, quốc gia lẫn thân mạng mất – còn chẳng chắc này, cố nhiên hãy nên nhất tâm niệm Phật, niệm Quán Âm để cầu hòa bình. Đừng nên hờ hững cầu tri giải mở mang để mong trở thành bậc thông gia vậy!

***

[1] Giám Chương có nghĩa là soi xét, thấy biết rõ ràng, rạng rỡ.

[2] Pháp Tùy Tức được luận Bảo Vương Tam Muội (do ngài Phi Tích soạn vào đời Đường) nói tới ở đây, vốn xuất phát từ kinh Bi Hoa, do ngài Mật Tô (tiền thân của A Súc Bệ Phật khi còn tu nhân) chế ra. Theo đó, thay vì lấy xâu chuỗi để niệm Phật, hành nhân dùng hơi thở thay cho xâu chuỗi. Hễ thở ra bèn niệm Phật một câu, hít vô bèn niệm Phật một câu.