LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM TRANG NGHIÊM THỨ 17

(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần 2, Phẩm Vô Phược Giải thứ 15)

KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm (Kinh Đại bát nhã ghi: Mặc áo giáp Đại thừa), thế nào là đại trang nghiêm? Thế nào là Bồ-tát có thể đại trang nghiêm?

Phật dạy Tu-bồ-đề: Bồ-tát ma-ha-tát đại thừa đại trang nghiêm là Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật trang nghiêm; bốn niệm xứ trang nghiêm cho đến tám Thánh đạo phần; nội không trang nghiêm cho đến vô pháp hữu pháp không; mười lực cho đến mười tám pháp không chung và Trí nhất thiết chủng trang nghiêm. Biến thân như Phật trang nghiêm, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cũng chiếu khắp thế giới như hằng hà sa số ở phương đông, phương tây, nam, bắc, bốn góc trên dưới cũng như vậy. Ba ngàn đại thiên thế giới sáu cách rung động, cũng rung động cả thế giới như hằng hà sa số ở phương đông, phương tây, nam, bắc, bốn góc trên dưới cũng như vậy. Bồ-tát ma-ha-tát ấy trú Thí ba-la-mật đại thừa đại trang nghiêm, là ba ngàn đại thiên thế giới biến thành lưu ly, hóa làm Chuyển luân Thánh vương, tùy sự ưa muốn của chúng sinh, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, y phục, đồ nằm, hương hoa, anh lạc, hương giã, hương ướp, phòng xá, đèn đuốc, thuốc thang các thứ cần dùng, đều cấp cho đủ, cho rồi thuyết pháp là nên nói sáu pháp Ba-la-mật. Chúng sinh nghe pháp ấy, không bao giờ lìa sáu Ba-la-mật, cho đến khi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại thừa đại trang nghiêm.

Tu-bồ-đề! Thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng ở trước mặt, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cho đến các thứ cần dùng đều cấp cho hết.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có chúng sinh, có cấp cho chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát cũng như vậy, hóa làm Chuyển luân Thánh vương, đầy đủ các thứ, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cho đến các thứ cần dùng đều cấp cho hết, tuy có bố thí mà thật không cho gì, vì cớ sao? Tu-bồ-đề! Vì tướng các pháp như huyễn vậy.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Giới ba-la-mật, hiện sinh vào nhà Chuyển luân Thánh vương, lấy mười thiện đạo giáo hóa chúng sinh, lại lấy bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, giáo hóa chúng sinh. Người mới nghe được pháp ấy cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không lìa pháp ấy, thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, lấy mười thiện đạo giáo hóa bảo làm; lại lấy bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung giáo hóa bảo làm.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có chúng sinh giáo hóa bảo làm mười thiện đạo, cho đến mười tám pháp không chung chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy. Lấy mười thiện đạo giáo hóa chúng sinh bảo làm, cho đến mười tám pháp không chung mà thật không có chúng sinh làm mười thiện đạo, cho đến mười tám pháp không chung, vì cớ sao? Vì các pháp như huyễn vậy.

Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Nhẫn ba-la-mật, giáo hóa chúng sinh nhẫn nhục.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Nhẫn bala-mật giáo hóa chúng sinh trú trong Nhẫn ba-la-mật?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát từ khi mới phát tâm lại đây, đại trang nghiêm như vầy: Nếu hết thảy chúng sinh đến mắng nhiếc, đao gậy làm tổn hại, Bồ-tát ma-ha-tát không khởi một niệm đối với việc ấy, cũng dạy hết thảy chúng sinh làm hạnh nhẫn nhục như vậy, thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, khiến tu nhẫn nhục, ngoài ra như trên đã nói.

Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Tinh tấn ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Tinh tấn ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Tinh tấn ba-la-mật?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, thân tâm tinh tấn, giáo hóa chúng sinh, thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng, dạy khiến tu thân tâm tinh tấn, ngoài ra như trên đã nói. Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang-nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú Thiền ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Thiền bala-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba-la-mật?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong các pháp, không thấy pháp hoặc loạn hoặc định. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-hatát trú trong Thiền ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba-la-mật, cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa Thiền ba-la-mật; thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu Thiền ba-la-mật, ngoài ra như trên đã nói.

Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Bát-nhã ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Bát-nhã ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bát-nhã ba-la-mật?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không có pháp được bờ kia, bờ này, như vậy là Bồ-tát ma-ha-tát trú trong Bát-nhã ba-la-mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bátnhã ba-la-mật, thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu Bátnhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm là ở trong mười phương thế giới số như hằng hà sa, tùy chỗ ứng hợp, tự biến thân trú trong Thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật, cũng dạy chúng sinh khiến tu Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã bala-mật. Chúng sinh ấy tu pháp ấy cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa pháp ấy. Tu-bồ-đề! Thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu sáu Ba-la-mật, ngoài ra như trên đã nói.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm là tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người trú trong Thí ba-la-mật, không dạy ngần ấy người trú trong Thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy; không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người trú trong bốn niệm xứ, không dạy ngần ấy người trú trong bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy; cũng không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người khiến được quả Tuđà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, Bích-chi Phật đạo, Trí nhất thiết chủng, không dạy ngần ấy người khiến được quả Tu-đà-hoàn, cho đến Trí nhất thiết chủng. Ta sẽ khiến vô lượng vô biên vô số chúng sinh trú trong Thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật, dựng lập chúng sinh nơi bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, khiến vô lượng vô biên vô số chúng sinh được quả Tu-đà-hoàn cho đến Trí nhất thiết chủng; thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng, dạy khiến tu sáu Ba-la-mật, cho đến chứng được Trí nhất thiết chủng. Ngoài ra như trên đã nói.

Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm.

LUẬN: Ở trên Phú-lâu-na nói đại trang nghiêm và tướng phát đại thệ trang nghiêm, nay Tu-bồ-đề khởi niệm rằng: Phú-lâu-na chưa được trí nhất thiết, tuy nói Đại Trang nghiêm, hoặc có sai lầm, nên hỏi Phật để thủ lấy quyết định. Phật vì Tu-bồ-đề nói Thí ba-la-mật đại trang nghiêm, cho đến Trí nhất thiết là quả báo của thiện pháp nên được sức thần thông lớn của Bồ-tát; vì hạng chúng sinh mến đạo xuất gia nên hóa làm thân Phật, phóng ánh sáng lớn, chiếu mười phương thế giới, rung động đại địa, khiến chúng sinh phát tâm tu thiện pháp, tùy căn cơ thích hợp mà thuyết pháp cho, khiến được ba thừa, vì chúng sinh tại gia ham vui, làm Chuyển luân Thánh vương, biến ba ngàn đại thiên thế giới thành lưu ly, vì không chướng ngại, cưỡi xe bảy báu, thân phóng hào quang, mưa các bảo vật, tùy chúng sinh cần dùng, đều khiến cho đầy đủ, vậy sau nói pháp Bồ-tát. Bồ-tát trú trong đại thừa, lấy hai sự bố thí làm lợi ích chúng sinh, đó là tài thí và pháp thí, chúng sinh nghe rồi tu sáu Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung, đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa pháp ấy. Bồ-tát tuy trú trong biến hóa ấy cũng không sinh chấp trước tướng đối với các pháp, cũng không tự cao. Tu-bồ-đề khởi niệm rằng: Bồ-tát hành được đại sự như vậy. Lại chưa sạch hết các lậu hoặc, làm sao không đắm trước các pháp, cũng không sinh tâm tự cao được? Trong đây Phật tự nói thí dụ, thí như thầy huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm các thứ vật, tùy chỗ người cần đều có thể cho hết. Tubồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có cho chăng? Có người thọ nhận, có người cần dùng chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Đó chỉ là hư dối, thật không có gì.

Phật dạy: Bồ-tát cũng như vậy, tuy hiện làm thân Phật, thân Chuyển luân Thánh vương, lấy của và pháp thí cho chúng sinh, cũng như thầy huyễn thuật thật không có cho gì, vì sao? Vì các pháp rốt ráo không, như huyễn. Năm Ba-la-mật kia cũng như vậy, tùy theo nghĩa mà phân biệt.

– Lại nữa, do nhân duyên Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, nên làm Chuyển luân Thánh vương giàu sang trong loài người, do các Ba-la-mật khác hoặc làm Phạm vương, hoặc làm pháp thân Bồ-tát.

Hỏi: Ngoài sáu Ba-la-mật còn có pháp gì có thể trang nghiêm không?

Đáp: Các công đức đều thu nhiếp trong sáu Ba-la-mật. Có người nói còn có trí Ba-la-mật và phương tiện Ba-la-mật v.v… ở trong mười phương thế giới số như hằng hà sa, tùy chỗ đáng độ, bày các nhân duyên thuyết pháp khiến chúng sinh trú trong sáu Ba-la-mật.

– Lại nữa, quyết định thệ nguyện gọi là đại trang nghiêm, nghĩa là Bồ-tát không khởi niệm rằng: Ta độ ngần ấy người khiến trú trong Thí ba-la-mật, mà không thể độ người khác. Cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy, cũng không khởi niệm rằng: Ta khiến ngần ấy người được quả Tu-đà-hoàn mà không thể khiến ngần ấy người được quả Tu-đà-hoàn; cho đến thành Phật đạo cũng như vậy. Ta sẽ khiến hết vô lượng vô số chúng sinh trú trong các công đức, Thí ba-la-mật cho đến Trí nhất thiết chủng, như thầy huyễn thuật, như trước đã nói; ấy gọi là phát thệ nguyện đại trang nghiêm.

KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thếtôn! Như ý nghĩa con theo Phật nghe được Bồ-tát ma-ha-tát không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm, vì các pháp tự tướng không, nghĩa là sắc, sắc tướng không; thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không; mắt, mắt tướng không cho đến ý, ý tướng không; sắc, sắc tướng không, cho đến pháp, pháp tướng không; nhãn thức, nhãn thức tướng không cho đến ý thức, ý thức tướng không; nhãn xúc, nhãn xúc tướng không cho đến ý xúc, ý xúc tướng không; thọ do nhãn xúc làm nhân duyên sinh, thọ tướng không, cho đến thọ do ý xúc làm nhân duyên sinh, thọ tướng không.

Bạch đức Thế Tôn! Thí ba-la-mật, Thí ba-la-mật tướng không; cho đến Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật tướng không. Nội không, nội không tướng không; cho đến vô pháp hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không tướng không; bốn niệm xứ, bốn niệm xứ tướng không, cho đến mười tám pháp không chung, mười tám pháp không chung tướng không; Bồ-tát, Bồ-tát tướng không. Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên ấy nên biết Bồtát ma-ha-tát ấy không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy! Như lời ông nói. Tubồ-đề! Trí nhất thiết chủng, chẳng phải pháp tạo tác, chúng sinh cũng chẳng phải pháp tạo tác, Bồ-tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Trí nhất thiết chủng chẳng phải pháp tạo tác, chúng sinh ấy cũng chẳng phải pháp tạo tác, Bồ-tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì người làm không thể có được, nên Trí nhất thiết chủng chẳng phải pháp tạo tác sinh khởi. Các chúng sinh ấy cũng chẳng phải tạo tác sinh khởi, vì sao? Tu-bồ-đề! Vì sắc chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác; thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác. Mắt chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác cho đến ý chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác. Sắc cho đến pháp, nhãn thức cho đến ý thức, nhãn xúc cho đến ý xúc, thọ do nhãn xúc làm nhân duyên sinh cho đến thọ do ý xúc làm nhân duyên sinh chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác.

Tu-bồ-đề! Ngã chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, cho đến kẻ biết, kẻ thấy chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì các pháp ấy rốt ráo không thể có được.

Tu-bồ-đề! Mộng chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì rốt ráo không thể có được. Huyễn, tiếng vang, bóng, sóng nắng, biến hóa chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì rốt ráo không thể có được. Tu-bồ-đề! Nội không chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được, cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.

Tu-bồ-đề! Bốn niệm xứ chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung, chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì pháp ấy rốt ráo không thể có được. Tu-bồ-đề! Các pháp như như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được. Tát-bà-nhã và Trí nhất thiết chủng chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.

Do nhân duyên ấy, Tu-bồ-đề! Tát-bà-nhã chẳng phải pháp tạo tác, sinh khởi, chúng sinh ấy cũng chẳng phải pháp tạo tác, sinh khởi. Bồ-tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy. Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như con xem xét nghĩa của Phật dạy: Sắc không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói không mở.

Bấy giờ Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử nói với Tu-bồ-đề rằng: Sắc là không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức là không trói không mở.

Tu-bồ-đề nói: Như vậy, như vậy! Sắc là không trói không mở, thọ, tưởng, hành, thức là không trói không mở.

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử hỏi Tu-bồ-đề rằng: Thế nào là sắc không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói không mở?

Tu-bồ-đề nói: Sắc như mộng không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức như mộng không trói không mở. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức như tiếng vang, như bóng, như huyễn, như sóng nắng, như biến hóa không trói không mở.

Này Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử! Sắc quá khứ không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức quá khứ không trói không mở. Sắc vị lai không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức vị lai không trói không mở. Sắc hiện tại không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức hiện tại không trói không mở, vì sao không trói không mở? Vì sắc ấy không có gì, nên không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức không có gì, nên không trói không mở, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.

Này Phú-lâu-na! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức lành không trói không mở; sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng lành không trói không mở. Sắc vô ký không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức vô ký không trói không mở. Sắc thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói không mở, vì sao? Vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh, nên không trói không mở.

Này Phú-lâu-na! Hết thảy pháp không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh.

Này Phú-lâu-na! Thí ba-la-mật không trói không mở; Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.

Này Phú-lâu-na! Nội không cũng không trói không mở, cho đến vô pháp hữu pháp không cũng không trói không mở. Bốn niệm xứ không trói không mở, cho đến mười tám pháp không chung cũng không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không trói không mở; Trí nhất thiết, Trí nhất thiết chủng không trói không mở. Bồ-đề không trói không mở, Phật cũng không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.

Này Phú-lâu-na! Các pháp như như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, pháp vô vi không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.

Này Phú-lâu-na! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, không trói không mở; bốn niệm xứ cho đến Trí nhất thiết chủng không trói không mở. Bồ-tát ấy trụ trong Thí ba-la-mật cho đến trụ trong Bát-nhã ba-la-mật, không trói không mở; trú trong bốn niệm xứ không trói không mở, cho đến trú trong Trí nhất thiết chủng không trói không mở, thành tựu chúng sinh không trói không mở, tịnh quốc độ Phật không trói không mở, sẽ cúng dường chư Phật không trói không mở, sẽ nghe pháp không trói không mở, trọn không lìa chư Phật không trói không mở, trọn không lìa các thần thông không trói không mở, trọn không lìa năm mắt không trói không mở, trọn không lìa môn Đà-la-ni không trói không mở, trọn không lìa các Tam-muội không trói không mở, sẽ sinh Đạo chủng trí không trói không mở, sẽ được Trí nhất thiết chủng không trói không mở; Chuyển Pháp luân không trói không mở, an lập chúng sinh nơi tam thừa không trói không mở.

Như vậy Phú-lâu-na! Bồ-tát ma-ha-tát tu sáu Ba-la-mật không trói không mở, sẽ biết hết thảy pháp không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh.

Phú-lâu-na, ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đại trang nghiêm không trói không mở.

LUẬN: Tu-bồ-đề nói: Như nghĩa con được nghe Phật dạy không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm, vì sao? Vì tự tướng không vậy.

Hỏi: Tu-bồ-đề cớ sao nói như vậy?

Đáp: Phật dạy nghĩa phát đại trang nghiêm rất sâu, khó được khó hiểu. Chúng sinh ở trong hội chúng nghe việc ấy, tâm hoặc bị thối mất. Trang nghiêm rốt ráo Không, như vậy cũng do sức thần thông nên trong một lúc có thể khắp đến thế giới mười phương số như hằng hà sa, chúng sinh thích ý nói đây là việc thánh chúa, chúng ta làm sao biết được, vì thế nên Tu-bồ-đề nói phát đại trang nghiêm chẳng phải sâu chẳng phải khó, chẳng phải chỉ phát đại trang nghiêm, tự tướng không, dễ tu dễ được. Sắc, trong sắc định tướng không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Nếu Bồ-tát biết được tướng Không tịch diệt của các pháp như vậy, mà không bỏ bổn nguyện tinh tấn, cho nên gọi là phát đại trang nghiêm chẳng phải khó được. Phật ấn chứng lời Tu-bồ-đề nói, nên nói “như vậy”. Pháp tạo tác đều là hư dối, nên nói Tát-bà-nhã là pháp không tạo tác, vì chúng sinh rốt ráo không, cũng là pháp không tạo tác. Phật dạy người làm là không thể có được, nên hết thảy chẳng phải tướng tạo tác. Vì chúng sinh không thể có được, nên người làm không thể có được, vì người làm không thể có được, nên Tát-bà-nhã chẳng phải tướng tạo tác sinh khởi.

* Lại nữa, sắc cũng không thể làm, vì pháp không, cho đến các Phật pháp cũng như vậy. Tu-bồ-đề gọi trong các pháp không có tướng định làm, như huyễn, tuy không có sự thật mà có tướng đi lại, vì thế nên Phật dạy như huyễn, như sóng nắng, không có tướng tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.

Khi ấy người nghe suy nghĩ rằng: Mười tám Không có thể phá hết thảy pháp, thế là có tác dụng, thế thời là thật, nghĩa là có tạo tác? Vì vậy nên Phật dạy: Nội không không tạo tác, cho đến vô pháp hữu pháp không, mười tám pháp không chung cũng không có tạo tác.

Hoặc nói: Mười tám không là hữu vi hư dối không thật, nên có thể không tạo tác, còn như, pháp tánh, thật tế, là pháp chơn thật, nên phải có tạo tác, vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi mỗi mỗi đều có nhân chung, pháp vô vi cũng làm nhân cho pháp có tạo tác? Nên Phật dạy: Như như, pháp tánh, thật tế, pháp trụ, pháp vị, cũng không tạo tác.

Lại hoặc nói: Bồ-tát, Phật, Trí nhất thiết chủng, là pháp thật có, có thể có tạo tác? Vì vậy nên Phật nói: Pháp ấy cũng vì rốt ráo không, nên cũng không tạo tác, vì tướng tạo tác do nhân duyên sinh.

Hành giả nghĩ rằng: Phật pháp rất khó, rất là hy hữu, các pháp đều không tạo tác, không trói không mở, chúng ta làm sao sẽ từ khổ được thoát? Thế nên Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Như con biết nghĩa của Phật nói năm uẩn không trói không mở; nếu rốt ráo không, không có người làm thì ai trói ai mở? Pháp người phàm phu hư dối không thể có được nên chẳng phải trói, pháp thánh nhân rốt ráo không, không thể có được nên chẳng phải mở. Năm uẩn như mộng, và năm uẩn trong ba đời, năm uẩn thiện bất thiện, hết thảy pháp cũng như vậy, cho đến thật tế, cũng như vậy, vì không có gì, vì lìa, vì không sinh, nên không trói không mở; ấy gọi là đạo Bồ-tát không trói không mở của Bồ-tát ma-ha-tát. Ở trong đạo ấy, các phiền não không kéo rơi vào trong phàm phu, cho nên nói không trói, không lấy các pháp vô lậu phá phiền não nên nói không mở.

Giáo hóa chúng sinh, tịnh quốc độ Phật, cho đến năm thần thông, năm mắt, các môn Tam-muội, Đà-la-ni, trọn không lìa Phật, và an lập chúng sinh nơi tam thừa cũng không trói không mở, vì cớ sao? Vì các pháp không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh, vì rốt ráo không.

Do các nhân duyên như vậy, ấy gọi là tướng Bồ-tát đại trang nghiêm, nghĩa là không trói không mở.