NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

17. ĐỪNG ĐỂ CHO CON EM MÌNH TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA NHỮNG LẦM LỖI CỦA MÌNH

Các bậc cha mẹ thân mến,
Ai trong chúng ta sanh ra cũng đều muốn được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Con cái chúng ta cũng vậy, các em cũng muốn hạnh phúc, cũng muốn được sống trong một tổ ấm gia đình có cha có mẹ có anh chị em ruột thịt của mình. Vẫn biết rằng trong xã hội hôm nay, có những cái chúng ta không thể cưỡng cầu được, chẳng hạn như chuyện cha mẹ ly dị, con cái bơ vơ, theo cha thì mất mẹ, theo mẹ thì mất cha. Dù sống với cha hay với mẹ, thì một nửa hồn của các em cũng ngấm ngầm thương đau, và nửa hồn còn lại chỉ vui cái vui gượng gạo. Tại sao con cái chúng ta phải lãnh trọn hậu quả những việc làm không do các em quyết định ? Tại sao các em phải trả cái giá quá đắc cho những việc không phải trách nhiệm của các em hở quý vị ? Những bậc cha mẹ, nhứt là những người con Phật phải nhìn thấy cho được điểm nầy, để ngay từ đầu, nên phải vô cùng cẩn trọng trong việc chọn lựa người phối ngẫu của mình. Nếu cần thì khoan hẳn lập gia đình, hoặc đợi cho đến lúc nào tự lòng mình có thể bảo mình là khi lập gia đình thì cả hai người sẽ sẵn sàng hy sinh những dị biệt cá nhân, để cùng lo cho con cái. Các bậc cha mẹ phải luôn nghĩ rằng: “ta với mình tuy hai mà một.” Tuy hai về thể xác, nhưng phải một về tinh thần, phải dồn tất cả vật chất lẫn tinh thần để cùng lo cho tương lai của con cái. Chừng nào nghĩ được như vậy thì chừng đó hẳn lập gia đình. Quý vị ơi ! Khi có chuyện long trời lỡ đất xảy đến cho con trẻ: chuyện cha mẹ ly dị, thì con trẻ sẽ bị kẹt giữa hai lằn đạn của quý vị. Trong cuộc chiến tranh ly dị, con trẻ sẽ lãnh đủ tất cả mọi cuộc tấn công, dù cuộc tấn công từ cha hay từ mẹ. Lúc ly dị thì ai trong quý vị cũng tự biện minh là mình phải và người kia là sai trái. Vậy thì con cái biết phải nghe ai ? Vì với con trẻ, cả cha lẫn mẹ đều là những thần tượng, các em đâu muốn nghe ai nói xấu về thần tượng của mình. Các em đâu muốn thần tượng của mình bị sụp đổ. Đó là nỗi khổ đầu tiên của các con em trong một gia đình có cha mẹ ly dị. Ngoài ra, các em sẽ phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng dài, có khi vết hằn ấy sẽ ăn sâu và gậm nhấm suốt cuộc đời con trẻ. Nhiều em vì quá thất vọng chán chường nên đi đến sa ngã vào những thói hư tật xấu, hoặc nghiện ngập xì ke ma túy, hoặc gia nhập vào băng đảng, chôn vùi cả một vùng tương lai tươi sáng đang chờ đón các em. Quý vị thân mến, dù quý vị là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng vậy, không một tôn giáo nào chấp nhận chuyện ly dị. Ly dị là chuyện của con người, đúng ra phải nói rằng ý niệm ly dị và sống đời buông thả, bỏ mặc cho vật dục lôi kéo, chỉ mới được du nhập vào Việt Nam mới hơn năm mươi năm nay thôi. Trước đó, cha anh chúng ta chưa hề nghe, chưa hề biết ly dị là gì. Trước đó, mặc dù lắm khi hôn nhân được định đoạt bởi mẹ cha, nhưng tất cả các thế hệ cha anh chúng ta đã sống thủy chung đến trọn đời hết kiếp. Cho dù thời gian, không gian và hoàn cảnh bây giờ có khác, ngày xưa cha anh chúng ta đã làm được, chúng ta nếu cố gắng, cũng sẽ làm được. Mong được như vậy lắm quý vị ạ !