LUẬN THÍCH MA HA DIỄN
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Đại sư Phiệt Đề Ma Đa.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 8

Đã nói về phần giải thích. Tiếp theo là nói về phần tín tâm tu hành.

Theo trong phần này tức có bảy môn. Những gì là bảy môn? Đó là: (1) Môn nêu chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị khế hợp. (2) Môn phân tích phẩm loại tín tâm. (3) Môn tu hành phương tiện thiện xảo. (4) Môn giải thích rộng về cách đối trị ma sự. (5) Môn tán thán công đức của tam muội. (6) Môn nêu hai luân đủ thiếu tăng giảm. (7) Môn khuyến khích hạng kém hướng đến hạng thắng không thoái chuyển. Đó gọi là bảy môn.

Môn nêu chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị khế hợp, tướng ấy là thế nào?

* Bản luận viết: Trong này là dựa theo hạng chúng sinh chưa nhập nơi tụ chánh định nên nói về phần tín tâm tu hành.

* Luận giải thích: Nói “Trong này là dựa theo hạng chúng sinh chưa nhập nơi tụ chánh định”, tức là đối tượng được đối trị. Đó gọi là cảnh giới của đối tượng được giáo hóa. “Nên nói về phần tín tâm tu hành”, tức là chủ thể đối trị. Đó gọi là giáo pháp của chủ thể giáo hóa. Cảnh giới của đối tượng được giáo hóa lượng ấy là thế nào? Nghĩa là gồm thâu chúng sinh của hai tụ. Những gì là hai tụ? Một là tụ định tà. Hai là tụ bất định. Vì sao? Vì hai loại chúng sinh này thảy đều chưa nhập nơi tụ chánh định. Nói khế hợp thì tướng ấy là thế nào? Đó là trong hai loại chúng sinh đều có giáo thuyết khế hợp. Tướng khế hợp ấy như thế nào? Nghĩa là muốn bao gồm các chúng sinh thuộc định tà nên nói về môn tín tâm. Muốn bao gồm các chúng sinh thuộc tụ bất định nên nói về môn tu hành. Vì sao? Vì theo thứ lớp tiếp nhận thì pháp vốn như vậy. Nghĩa là với người chưa tin thì trước là khởi tâm tin. Người đã tin thì trực tiếp tu hành. Lại nữa, vì chung nơi lợi ích.

Đã nói về môn nêu chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị khế hợp. Tiếp đến là nói về môn phân tích phẩm loại tín tâm.

* Bản luận viết: Những gì là tín tâm? Thế nào là tu hành? Lược nói về tín tâm tức có bốn loại. Những gì là bốn loại? Một là tín căn bản. Đó gọi là vui thích suy niệm về pháp chân như. Hai là tín Đức Phật có vô lượng công đức, thường nghĩ nhớ, thân cận cung kính cúng dường việc phát khởi căn thiện, nguyện cầu đạt nhất thiết trí. Ba là tín Pháp có lợi ích lớn, luôn nghĩ về việc tu hành các Ba-la-mật. Bốn là tín Tăng có khả năng tu hành chân chính để tự lợi và lợi tha, thường vui thích thân cận các chúng Bồtát, cầu học, hành như thật.

* Luận giải thích: Theo trong văn này tức có ba môn. Những gì là ba môn? Một là môn hỏi trực tiếp về phẩm loại của tín tâm. Hai là phần hỏi trực tiếp về phẩm loại của tu hành. Ba là môn lược đáp để làm rõ về tín tâm.

Nói về môn hỏi trực tiếp về phẩm loại của tín tâm: Đó gọi là hỏi tổng quát về lượng của tín tâm. Như Bản luận viết: “Những gì là tín tâm?”.

Nói về môn hỏi trực tiếp về phẩm loại của tu hành: Đó gọi là hỏi tổng quát về lượng của sự tu hành. Như Bản luận viết: “Thế nào là tu hành?”.

Căn cứ trong môn thứ ba tức có ba môn. Những gì là ba môn? Một là môn đáp tổng quát. Hai là môn hỏi tổng quát. Ba là môn đáp rộng. Nói về môn đáp tổng quát: Đó gọi là đáp tổng quát về những điều đã nói. Như Bản luận viết: “Lược nói về tín tâm có bốn loại”. Nói về môn hỏi tổng quát: Đó gọi là hỏi tổng quát về những điều đã nói. Như Bản luận viết: “Những gì là bốn loại?”. Theo trong môn thứ ba có bốn loại môn. Những gì là bốn môn? Một là môn nêu tín căn bản khiến tâm bình đẳng. Hai là môn tín Phật vui có công đức. Ba là môn tín Pháp để tinh tấn tu hành. Bốn là môn tín Tăng khiến tâm không tranh chấp.

Nói về môn nêu tín căn bản khiến tâm bình đẳng: Đó gọi là vui tin, vì pháp từ căn bản là lý chân như, do lực của vô minh có vô số sai biệt. Tất cả các tâm thảy đều hợp nhất khiến bình đẳng. Như Bản luận viết: “Một là tín căn bản. Đó gọi là vui thích suy niệm về pháp chân như”.

Nói về môn tín Phật vui có công đức: Đó gọi là vui tin Đức Như Lai Thế Tôn bậc Đại Giác vô thượng, vui cầu vô lượng vô biên tất cả công đức. Như Bản luận viết: “Hai là tín Đức Phật có vô lượng công đức, thường nhớ nghĩ thân cận cung kính cúng dường phát khởi căn thiện, nguyện cầu đạt được nhất thiết trí”.

Nói về môn tín Pháp tinh tấn tu hành: Đó gọi là vui tin nơi chư Phật ba đời, là ân cha của chính mình, là ân mẹ của chính mình, là ân thầy của chính mình, không thể thay đổi, không thể sinh diệt, là phép tắc bất động như hư không, kim cang, có lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn trong pháp không thể nghĩ bàn, thường hằng chuyển tiếp nơi tất cả thời, đối với tất cả xứ để tu hành tất cả các phẩm trợ đạo. Như Bản Luận viết: “Ba là tín Pháp có lợi ích lớn, luôn nghĩ nhớ về việc tu hành các Ba-la-mật”.

Nói về môn tín Tăng khiến tâm không tranh chấp: Đó gọi là vui tin nơi tất cả vô lượng Tăng chúng Bồ-tát lấy hai hạnh thù thắng làm phẩm đức bên trong của mình, hoặc xa, hoặc gần, tùy lúc tự nghe, tùy lúc tự thấy, tùy lúc tự nghĩ, đi đến trụ xứ của Tăng, chí tâm lắng nghe, thọ nhận các loại giáo pháp sâu xa, các loại Khế kinh điển thâm diệu, các loại luận thuyết rộng lớn, các loại lý lẽ, các loại sự việc mầu nhiệm, không đoạn dứt. Như Bản luận viết: “Bốn là tín Tăng có khả năng tu hành chân chính để tự lợi mình lợi tha, thường vui thích thân cận các chúng Bồ-tát, cầu học, hành như thật”.

Đã nói về môn phân tích phẩm loại của tín tâm. Tiếp theo là nói về môn tu hành phương tiện thiện xảo.

* Bản luận viết: Tu hành có năm môn, có thể thành tựu tín này. Những gì là năm môn? Một là môn thí. Hai là môn giới. Ba là môn nhẫn. Bốn là môn tấn. Năm là môn chỉ quán.

Thế nào là tu hành môn thí? Nếu thấy tất cả những người đến cầu xin, thì của cải vật dụng hiện có tùy theo sức mà thí cho để tự xả bỏ tâm xan tham khiến những người kia hoan hỷ. Nếu gặp người đang bị ách nạn nguy hiểm bức bách khiến rất sợ hãi, thì tùy theo khả năng của bản thân thí cho họ sự vô úy. Nếu có chúng sinh đi đến cầu pháp, thì tùy nơi bản thân mình có thể hiểu biết mà tạo phương tiện giảng nói cho họ, không nên tham cầu danh lợi và sự cung kính, chỉ có ý niệm tự lợi lợi tha để hồi hướng về Bồ-đề.

Thế nào là tu hành môn giới? Đó là không giết hại, không trộm cắp, không dâm loạn, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói dối, không nói thêu dệt, xa lìa các thứ tham lam, ganh ghét, dối gạt, dua nịnh, sân hận, tà kiến. Nếu là người xuất gia thì vì diệt trừ phiền não cũng nên xa lìa những nơi náo nhiệt thường ở chốn vắng lặng, tu tập các hạnh như thiểu dục, tri túc, đầu đà v.v…, cho đến một lỗi nhỏ thì tâm cũng sinh sợ hãi, hổ thẹn, cải hối, không được xem thường đối với những giới cấm do Đức Như Lai đã chế định, nên tránh mọi thứ tỵ hiềm, không khiến chúng sinh vọng khởi tội lỗi.

Thế nào là tu hành môn nhẫn? Nghĩa là phải nhẫn chịu những sự não hại của người khác, tâm không ôm giữ báo thù, cũng nên nhẫn chịu đối với các pháp như lợi, suy, chê khen, xưng tán, trách cứ, khổ vui.

Thế nào là tu hành môn tấn? Đó gọi là đối với những sự việc thiện, tâm không lười nhác thoái chuyển, lập chí kiên cường xa lìa khiếp nhược. Nên nhớ nghĩ về từ quá khứ lâu xa đến nay, thân tâm giả nhận tất cả thứ khổ lớn không có lợi ích. Vì vậy nên siêng năng tu các công đức để tự lợi lợi tha xa lìa các nỗi.

Lại nữa, nếu người tuy tu hành tín tâm, nhưng do từ đời trước đến nay có nhiều tội nặng và nghiệp chướng xấu ác, vì bị các loại tà ma quỷ quái loạn động, hoặc vì các sự việc của thế gian lôi kéo trói buộc, hoặc vì bệnh khổ não hại. Có rất nhiều thứ chướng ngại như vậy, vì thế cần phải dũng mãnh tinh tấn, ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối khuyến thỉnh tùy hỷ, hồi hướng nơi quả vị Bồ-đề luôn không dừng bỏ để tránh được các chướng nạn và căn thiện tăng trưởng.

Thế nào là tu hành môn chỉ quán? Nói chỉ là ngăn chận tướng của tất cả cảnh giới, tùy thuận nơi nghĩa quán của Xa-ma-tha. Nói quán là phân biệt tướng của nhân duyên sinh diệt, tùy thuận nơi nghĩa quán của Tỳ-bát-xá-na. Thế nào là tùy thuận? Do hai nghĩa này dần dần tu tập, không lìa bỏ nhau, đều cùng hiện ở trước. Nếu tu chỉ thì trụ nơi xứ tĩnh lặng, ngồi ngay ý thẳng, không dựa vào hơi thở, không dựa vào hình sắc, không dựa vào không, không dựa vào đất nước lửa gió, cho đến không dựa vào thấy nghe hiểu biết, tất cả các tưởng tùy theo niệm đều trừ bỏ, cũng loại trừ ý tưởng trừ bỏ, vì tất cả các pháp xưa nay là vô tướng, niệm niệm không sinh, niệm niệm không diệt, cũng không được theo tâm nghĩ đến cảnh giới bên ngoài, sau thì dùng tâm loại trừ tâm. Nếu như tâm dong ruổi thì nên thâu giữ khiến trụ nơi chánh niệm. Chánh niệm này nên biết chỉ là tâm không có cảnh giới bên ngoài. Tức lại tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm không thể thủ đắc. Hoặc từ chỗ ngồi đứng dậy, hành tác, đi lại tiến dừng, nơi tất cả thời thường nghĩ đến phương tiện tùy thuận quán xét, luyện tập lâu dài trở nên thuần thục thì tâm kia được trụ. Vì tâm dừng trụ nên dần dần mạnh mẽ, nhanh nhạy, tùy thuận được nhập nơi tam muội chân chư, chế phục hết các thứ phiền não, tín tâm tăng trưởng nhanh chóng thành tựu bất thoái. Chỉ trừ những hạng nghi hoặc không tin và hủy báng, tội lỗi, nghiệp chướng nặng, ngã mạn, lười nhác, những loại người như vậy tức không thể nhập. Lại nữa, dựa vào tam muội này thì nhận biết pháp giới là một tướng. Nghĩa là pháp thân của hết thảy chư Phật, cùng với thân chúng sinh là bình đẳng không hai, tức gọi là tam muội nhất hành. Nên biết chân như là căn bản của tam muội. Nếu người tu hành thì dần dần có thể sinh vô lượng tam muội.

* Luận giải thích: Theo trong văn này tức có năm môn. Những gì là năm môn? Một là môn nêu tổng quát để đáp lại những câu hỏi ở trước. Hai là môn thông đạt về câu hỏi tổng quát đã nêu. Ba là môn lược đáp để kiến lập môn số. Bốn là môn lược hỏi đáp rộng để nói chi tiết. Năm là môn tán thán tam muội thù thắng.

Nói về môn nêu tổng quát để đáp lại những câu hỏi ở trước: Đó là đáp tổng quát đối với các câu hỏi trước kia. Như Bản luận viết: “Tu hành có năm môn, có thể thành tựu tín này”.

Nói về môn thông đạt về câu hỏi tổng quát đã nêu: Nghĩa là hỏi tổng quát về những gì đã nêu kia. Như Bản luận viết: Những gì là năm môn?

Nói về môn lược đáp để kiến lập về môn số: Đó gọi là kiến lập môn số chính. Như Bản luận viết: “Một là môn thí. Hai là môn giới. Ba là môn nhẫn. Bốn là môn tấn. Năm là môn chỉ quán”. Do đâu đã theo thứ lớp như vậy? Đó là vì tu hành sáu độ theo pháp thứ lớp như thế.

Tiếp theo trong môn lược hỏi đáp rộng để nói chi tiết, tức có năm môn. Do có năm môn nên quán xét kỹ. Trong năm loại môn này, mỗi mỗi loại đều có đủ hai môn. Những gì là hai môn? Một là môn lược hỏi. Hai là môn đáp rộng. Như thứ lớp ấy không lẫn lộn về số lượng, nên xét chọn kỹ.

Trong môn thứ nhất tu hành môn thí: Nói: Thế nào là tu hành môn thí? Tức là môn lược hỏi. Nghĩa là nêu ra câu hỏi thì các môn về sau nên nhận biết như vậy. Theo trong môn đáp rộng thì có ba loại thí. Những gì là ba loại? Một là tài vật thí. Hai là tùy ứng thí. Ba là giáo pháp thí.

Nói về tài vật thí: Nghĩa là nếu có chúng sinh đến nơi cư trụ của mình xin những vật mình hiện có, thì không nghi ngờ, tùy thời tùy xứ, thảy đều thí cho không luyến tiếc. Những thứ vật nào gọi là tài vật? Có bao nhiêu thứ vật? Đó là có hai thứ tài vật. Những gì là hai thứ? Một là vật bên trong. Hai là vật bên ngoài. Đối với vật bên trong cũng có hai thứ. Những gì là hai thứ? Một là không sắc. Hai là có sắc. Nói không sắc: Đó là tâm thức. Nói có sắc: Đó là các căn. Nếu có chúng sinh đến nơi chốn mình cư trú cầu xin tâm thức của mình thì không tiếc rẻ, tùy thời thí cho khiến người kia hoan hỷ. Nếu có chúng sinh đến nơi chốn mình cư trú, tùy theo chỗ dùng cầu xin mình mỗi mỗi các căn tốt đẹp có hình sắc, tức liền không tiếc rẻ tùy thời thí cho khiến người ấy hoan hỷ. Đây gọi là hai thứ tài vật bên trong. Đối với vật bên ngoài cũng có hai thứ. Những gì là hai thứ? Một là có thức. Hai là không thức. Nói có thức: Tức là những loại như vợ con, nô tỳ v.v… Nói không thức: Tức là những loại như cung điện, nhà cửa, y phục, vật dụng trang nghiêm. Nếu có chúng sinh đến nơi mình cư trú cầu xin những thứ vật này, tức liền tùy thời giúp cho không luyến tiếc khiến người ấy hoan hỷ. Đây gọi là hai thứ tài vật bên ngoài. Như Bản luận viết: “Nếu thấy tất cả những người đến cầu xin những thứ tài vật hiện có, thì tùy theo sức mà thí cho, để tự xả bỏ tâm xan tham khiến những người kia hoan hỷ”.

Đã nói về tài vật thí. Tiếp đến là nói về tùy ứng thí. Thế nào gọi là tùy ứng thí? Nghĩa là hoặc có chúng sinh năm căn bị hoại mất không thể đầy đủ. Hoặc có chúng sinh gặp nhiều bệnh khổ không được an ổn. Hoặc có chúng sinh tâm ý ngu tối không thể hiểu rõ, hành giả lúc này do là hiền sĩ, tức tùy theo những yêu cầu, tùy theo những ứng hợp, tùy theo những thích nghi, tùy theo những sử dụng, có thể khéo chọn lựa, có thể khéo phân biệt, để trừ bỏ những khổ não kia khiến được hoan hỷ. Vì thế nói là tùy ứng thí. Như Bản luận viết: “Nếu gặp người đang bị ách nạn nguy hiểm bức bách khiến rất sợ hãi, tùy bản thân mình có thể đảm nhận thì thí cho sự vô úy”.

Đã nói về tùy ứng thí. Tiếp đến là nói về giáo pháp thí. Thế nào gọi là giáo pháp thí? Đó là có chúng sinh, hoặc đúng lúc và không đúng lúc, hoặc thân và không thân, hoặc tôn quý và không tôn quý, hoặc ngu tối và không ngu tối, hoặc người nam và không phải người nam, hoặc người nữ và không phải người nữ, hoặc xấu ác và không xấu ác, hoặc là người và không phải là người v.v… Những loại như vậy đến nơi mình cư trú, lúc muốn cầu pháp tức thì không tiếc, phát khởi tâm đại từ bi rộng lớn tròn đầy vô lượng vô biên, quyết định đoạn trừ nghi kia, phân biệt để loại trừ phiền não, từ từ tăng thêm trí tuệ, thâu giữ người ấy không rơi vào đường ác, khiến đạt đến Đại Bồ-đề vô thượng. Vì vậy nói là giáo pháp thí. Như Bản luận viết: “Nếu có chúng sinh đến cầu pháp thì tùy nơi bản thân mình có thể hiểu biết mà tạo phương tiện giảng nói cho họ, không nên tham cầu danh lợi và sự cung kính, chỉ có ý niệm về tự lợi lợi tha để hồi hướng Bồ-đề”.

Đã nói về sự tu hành môn thí. Tiếp đến là nói về sự tu hành môn giới. Theo trong môn này tức có bốn môn. Những gì là bốn môn? Một là môn kiến lập giới tướng nêu rõ tông chỉ. Hai là môn thành tựu thắng xứ của giới phẩm. Ba là môn đầy đủ giới hành không xem thường. Bốn là môn gìn giữ không khiến bị hủy báng.

Nói về môn kiến lập giới tướng nêu rõ tông chỉ: Nghĩa là kiến lập mười loại giới thanh tịnh để phòng chuyển. Như Bản luận viết: “Thế nào là tu hành môn giới? Đó là không giết hại, không trộm cắp, không dâm loạn, không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác, không nói dối, không nói thêu dệt, xa lìa tham lam, ganh ghét, dối trá, dua nịnh, sân hận, tà kiến”.

Nói về môn thành tựu thắng xứ của giới phẩm: Nghĩa là nếu nhằm đạt đầy đủ giới phẩm, tức thường nên xa lìa xứ tạp loạn, phân tán, gần gũi nơi thắng xứ tịch tĩnh. an trụ trong ấy không lìa bỏ. Như Bản luận viết: “Nếu là người xuất gia vì để diệt trừ phiền não, cũng nên xa lìa những chốn náo nhiệt thường ở nơi vắng lặng”.

Nói về môn đầy đủ giới hành không xem thường: Nghĩa là tu hành các thứ hành diệu dấy khởi tâm tin tưởng sâu xa, không được xem thường giới luật là thầy mẹ do Đức Như Lai đã chế định. Như Bản luận viết: “Tu tập các hạnh như thiểu dục, tri túc, đầu đà v.v… cho đến một tội lỗi nhỏ thì tâm cũng sinh sợ hãi, hổ thẹn, hối cải, không được xem thường đối với các giới cấm của Đức Như Lai đã chế định”.

Nói về môn gìn giữ không khiến bị hủy báng: Nghĩa là hộ trì giới là con người của mắt Phật trọn không bị phá mất. Đầy đủ tự lợi tức vô số các chúng sinh phóng dật tỵ hiềm, không khiến phát khởi vọng tưởng tội lỗi. Đầy đủ lợi tha tức trang nghiêm viên mãn nơi biển đại giác. Như Bản luận viết: “Nên tránh các thứ tỵ hiềm, không khiến chúng sinh vọng khởi tội lỗi”.

Đã nói về việc tu hành môn giới. Tiếp đến là nói về việc tu hành môn nhẫn. Theo trong môn này tức có hai môn. Những gì là hai môn? Một là môn hiển thị nhẫn lược là điều phục ngã. Hai là môn hiển thị nhẫn rộng là vô ngã.

Nói về môn hiển thị nhẫn lược là điều phục ngã: Nghĩa là nếu có chúng sinh tạo ra cảnh giới của A thế da (ý lạc) xấu ác khiến não loạn tâm mình, hành giả lúc ấy tâm có thể nhẫn chịu không biến động, bức não. Như Bản luận viết: “Thế nào là tu hành môn nhẫn? Đó là nên nhẫn chịu những sự não hại của người khác, tâm không ôm giữ trả thù”.

Nói về môn hiển thị nhẫn rộng là vô ngã: Nghĩa là hoặc có chúng sinh, đem các thứ tài vật như thức ăn uống, y phục v.v… thí cho mình khiến có được lợi ích an vui. Hoặc có chúng sinh dùng các thứ tướng gây sợ hãi như dao gậy v.v… đến nơi mình cư trú, tổn diệt các thứ y chánh của mình khiến không được tự tại. Hoặc có chúng sinh dùng vô số ngôn ngữ uế tạp như nói thô ác phỉ báng, hoặc gần hoặc xa để chê bai mình. Hoặc có chúng sinh dùng vô số phẩm đức như chánh trụ v.v… để ca ngợi bản thân mình. Ở trong các loại sự việc như vậy, tâm của hành giả luôn bình đẳng kiên cố, bất động như núi Tu Di. Như Bản luận viết: “Cũng nên nhẫn chịu đối với các pháp như lợi suy, chê khen, xưng tán, trách cứ, khổ vui”.

Đã nói về việc tu hành môn nhẫn. Tiếp đến là nói về sự tu hành môn tấn. Theo trong môn này tức có hai môn. Những gì là hai môn? Một là môn nêu chung về tu hành tinh tấn. Hai là môn giải thích riêng về tu hành tinh tấn. Nói về môn nêu chung về tu hành tinh tấn: Nghĩa là đối với các loại sự việc tốt đẹp, tâm kia chuyển thành hơn hẳn, siêng năng mong muốn tinh tấn, trọn không ngừng dứt. Như Bản luận viết: “Thế nào là tu hành môn tấn? Đó là đối với những sự việc thiện thì tâm không lười nhác thoái mất, lập chí kiên cường xa lìa khiếp nhược”. Căn cứ trong môn giải thích riêng về tu hành tinh tấn thì có hai môn. Những gì là hai môn? Một là môn tu hành tinh tấn không chướng ngại. Hai là môn tu hành tinh tấn có chướng ngại.

Nói về môn tu hành tinh tấn không chướng ngại: Đó là hành giả khởi lên ý niệm như vầy: Ta từ nơi thời vô thủy quá khứ đến nay, chỉ thọ nhận thân tâm hư vọng không thật. Hoàn toàn không thể nhận lấy thân tâm kim cang bất hoại, không có nhân duyên nào khác, chỉ vì trong hành diệu không siêng năng hành trì. Ta nếu lười nhác không hành trì như trước, thì hướng về đời vị lai, cũng lại thọ nhận thân tâm hư vọng hoàn toàn không có lợi ích, không có kỳ hạn xuất ly. Tự thân của ta hãy còn không được xuất ly đều mất phần tự lợi, huống hồ là cứu giúp các loại chúng sinh còn lại có nhiều khổ não để gồm đủ lợi tha? Khởi niệm này rồi, tức liền phát khởi tâm đại tinh tấn, tu tập biển nhân hành, trang nghiêm quả vị đức mãn, kiến lập hai lợi không thiếu sót thiên lệch. Như Bản luận viết: “Nên nhớ nghĩ về quá khứ lâu xa đến nay, giả nhận khổ lớn của tất cả thân tâm không có lợi ích. Vì vậy nên siêng năng tu các công đức để tự lợi lợi tha, nhanh chóng xa lìa các khổ”.

Nói về môn tu hành tinh tấn có chướng ngại: Đó là nếu có chúng sinh, có nghiệp chướng từ vô thủy quá khứ còn lại, bị quân ma, ngoại đạo và quỷ thần xấu ác não loạn tức không thể tu hành. Hoặc có chúng sinh, bị vô số các sự việc của đời hiện tại lôi kéo trói buộc nên không thể tu hành. Hoặc có chúng sinh luôn bị tất cả các loại bệnh khổ bức não nên không thể tu hành. Những chúng sinh thuộc loại như vậy, tuy tai nghe được phép tắc mẫu mực, ngôn từ tôn quý, trong mắt nhìn thấy tướng văn giáo thuyết giảng, nhưng không thể siêng năng tu hành để sinh tâm chán bỏ, mong cầu. Nhưng nếu tâm của các chúng sinh đó dũng mãnh tinh tấn, phát khởi vô số phương tiện thắng diệu, giữ tâm có thể lãnh nhận, thì biển nghiệp chướng dần dần dứt sóng, núi lớn công đức càng ngày càng hiện rõ đỉnh cao, tám thứ gió không thổi động, chín thứ kiết không trói buộc được. Như Bản luận viết: “Lại nữa, nếu người tuy tu hành tín tâm, nhưng vì từ đời trước đến nay có nhiều tội nặng và nghiệp chướng xấu ác, đã bị các loại tà ma quỷ quái nhiễu loạn. Hoặc bị các loại công việc của thế gian lôi kéo trói buộc. Hoặc bị các thứ bệnh khổ não hại. Có rất nhiều các thứ chướng ngại như vậy, vì thế phải nên dũng mãnh tinh tấn, ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh tùy hỷ, hồi hướng về quả vị Bồ-đề, luôn không dừng bỏ, để tránh được các chướng nạn và căn thiện tăng trưởng”.

Đã nói về việc tu hành môn tấn. Tiếp đến là nói về việc tu hành môn chỉ quán. Theo trong môn này tức có bốn môn. Những gì là bốn môn? Một là môn nêu chung, giải thích chung về luân chỉ. Hai là môn nêu chung, giải thích chung về luân quán. Ba là môn giải thích tóm lược, quyết trạch về tùy thuận. Bốn là môn giải thích rộng, quyết trạch về luân chỉ.

Nói về môn nêu chung giải thích chung về luân chỉ: Nghĩa là dừng dứt tâm suy nghĩ nhận biết, ngăn chận tư duy tán loạn, an trụ vào trong một tánh tịch tĩnh, không ra ngoài nơi tướng của tất cả cảnh giới, tùy thuận định, nêu lên nghĩa của quán Đà-a-la. Như Bản luận viết: “Thế nào là tu hành môn chỉ quán? Nói là chỉ, tức là dừng dứt tướng của tất cả cảnh giới, tùy thuận nơi nghĩa quán của Xa-ma-tha”.

Nói về môn nêu chung, giải thích chung về luân quán: Nghĩa là nói rõ sự lựa chọn về đạo lý của nhân duyên, phân biệt kỹ về hình tướng của vô thường, có thể khéo thông đạt, có thể khéo nhận biết khắp, tùy thuận với quán, nêu lên nghĩa của quán Đà-a-la. Như Bản luận viết: “Nói là quán, là phân biệt về tướng sinh diệt của nhân duyên, tùy thuận nơi nghĩa của quán Tỳ-bát-xá-na”.

Nói về môn giải thích tóm lược, quyết trạch về tùy thuận: Đó là định tùy thời thì quán kia tức thuận. Quán tùy thời thì định kia tức thuận. Nên đầy đủ và đầy đủ, không lìa không chuyển. Như Bản luận viết: “Thế nào là tùy thuận? Do hai nghĩa này nên dần dần tu tập không lìa bỏ nhau, đều cùng hiện tiền”.

Căn cứ trong môn giải thích rộng, quyết trạch về luân chỉ tức có bốn môn. Những gì là bốn môn? Một là môn nhân duyên thành tựu của luân chỉ. Hai là môn trực tiếp chỉ ra cách tu hành luân chỉ. Ba là môn tu hành luân chỉ được lợi ích. Bốn là môn lựa chọn giới hạn hội nhập không hội nhập. Theo trong môn thứ nhất thành tựu nhân duyên của luân chỉ tức có mười lăm loại. Những gì là mười lăm loại? Đó là: (1) Nhân duyên của trụ xứ tịch tĩnh. (2) Nhân duyên riêng một mình không chung. (3) Nhân duyên của nơi chốn cư ngụ tốt đẹp. (4) Nhân duyên của y phục đầy đủ. (5) Nhân duyên của thức ăn uống đầy đủ. (6) Nhân duyên của kiết giới hộ tịnh. (7) Nhân duyên của nhà cửa được tạo lập. (8) Nhân duyên của ngôn ngữ không xuất sinh. (9) Nhân duyên tạo lập tọa tượng. (10) Nhân duyên an tọa nơi tòa kia. (11) Nhân duyên của thời gian xuất nhập. (12) Nhân duyên của thiện hữu tri thức. (13) Nhân duyên ấn định nhận biết tà chánh. (14) Nhân duyên trồng rừng cây thiện. (15) Nhân duyên khâm phục vòng chữ. Đó gọi là mười lăm loại nhân duyên lớn.

Nói về nhân duyên của trụ xứ tịch tĩnh: Nghĩa là nếu tu tập môn luân chỉ kia thì nên ở những nơi chốn vắng lặng, như núi rừng, xa lìa các chốn xóm làng náo loạn. Vì sao? Vì trong các chốn tán loạn thì môn luân chỉ ấy khó thành tựu.

Nói về nhân duyên riêng một mình không chung: Nghĩa là nếu như tu tập môn luân chỉ ấy, thì trong một giới nội có hai người cùng trụ là không hợp lý. Vì sao? Vì khởi động phiền não.

Nói về nhân duyên của nơi chốn cư ngụ tốt đẹp: Nghĩa là nếu tu tập môn luân chỉ, thì nơi chốn cư trú là ở trong hai phương đông tây, còn nơi phương nam bắc tức không nên ở. Vì sao? Vì có luân giác.

Nói về nhân duyên của y phục đầy đủ: Đó là nếu tu tập môn luân chỉ, tất nên dùng ba loại áo. Những gì là ba loại? Một là loại màu vàng. Hai là loại màu đỏ. Ba là loại màu trắng. Ba loại áo như thế đồng dùngt trong một lúc. Vì sao? Vì loài sâu Tỳ-xoa-la không thể vào được.

Nói về nhân duyên của thức ăn uống đầy đủ: Đó là nếu tu tập môn luân chỉ, tất phải dùng loại lúa Già-ma-y-đà-da phơi khô, vì những loại hạt lúa khác thì không thể dùng. Vì sao? Vì hạt Giàma-y-đà-da ấy có tánh tiên. Lại nữa, nếu không dùng các loại Bà ni la, thì thời gian thọ dụng chỉ dùng từ giữa, vì không định rõ.

Nói về nhân duyên kiết giới hộ tịnh: Tức là nếu tu tập môn luân chỉ, thì cách nhà mình ở trong khoảng một câu-lô-xá, tụng một trăm mười biến đại thần chú. Tướng ấy là thế nào? Đó tức là tụng chú: Đát điệt tha na la đế, bà xoa ni, a ma da ca đà đế bà bà a a bà bà di đà, xà khư na, ô ha y đà đế, yểm yểm yểm yểm đế, đa bạt đà đà da, ma na thi chỉ đế, xa đà ni phiệt, xoa la ni cưu ha a ha cưu đa thi yểm a đà đà đế, ma ha già da đế, ma ha a già da đế, kiện đa ni, a la a la a la a la a la a la a đế sa bà ha. Nếu tụng chú này xong, tức liền kiết giới hộ tịnh. Vì sao? Vì vô số các loại độc hại không thể vào được.

Nói về nhân duyên của nhà cửa được tạo lập: Nghĩa là nếu xây dựng nhà cửa dành cho sự việc tu tập pháp định, phải có đủ mười sự việc. Những gì là mười sự việc? Đó là: (1) Sự việc về cửa ngõ: Chỉ hướng về phương đông không phải là phương khác. (2) Sự việc về cao thấp: Phía đông cao dần lên, còn phía tây thì thấp dần. (3) Sự việc về góc vuông: Ở trong một phương đều cách nhau một trượng. (4) Sự việc về phẩm trùng: Là chồng lên mười lớp.

(5) Sự việc về vật dụng để làm: Là chỉ dùng năm loại không phải các loại khác. Những gì là năm loại? Một là vàng. Hai là bạc. Ba là đồng. Bốn là sắt. Năm là gỗ tùng. (6) Sự việc về bậc cửa: Là ngang bằng với khoảng đất nơi đó không sai khác. (7) Sự việc của lớp cửa: Là có mười lớp cửa. (8) Sự việc của chốt cửa: Là không có tiếng kêu phát ra. (9) Sự việc của tường vách: Độ cao một trượng và chồng mười lớp. (10) Sự việc ra vào: Trong các cửa ấy đều tụng thần chú. Tướng ấy là thế nào? Nghĩa là nếu như mở ra thì tụng chú: Nam ma dạ đế, ma ha cưu tỳ na ha, a la bà đề, đà đà a già độ, bát chỉ a chỉ thi, già bà ni nặc đế, bà chỉ ma tỳ ma, bà chỉ ma a na, a na thi chỉ ni thi chỉ sa bà ha. Nếu tụng thần chú này một ngàn biến, tức liền thuận theo thời gian, thảy đều khai thông. Nếu là lúc vào thì tụng chú: Nam mô nam chỉ na, nam mô phiệt thi đà, nam mô nam a đế, nam mô nam a lê na, nam mô kiện đà ni sa bà ha. Nếu tụng thần chú này một ngàn năm trăm biến xong, tức liền thuận theo thời gian, thảy đều mở đóng.

Nói về nhân duyên của ngôn ngữ không xuất sinh: Nghĩa là nếu vì tu tập môn luân chỉ thì đối với tất cả thời, đối với tất cả xứ đều không phát ra lời nói. Vì sao? Vì thuận theo lời nói kia thì tâm thức xuất hiện.

Nói về nhân duyên tạo lập tọa tượng: Nghĩa là nếu vì tạo hình tượng ngồi để tu định, phải có đủ năm sự việc. Những gì là năm? Đó là: (1) Sự việc của vật dụng để làm: Là dùng gỗ cây tùng. (2) Sự việc về độ cao: Là như phân nửa thân mình không thêm bớt. (3) Sự việc về góc vuông: Là trong một phương thì đều cách nhau bốn thước. (4) Sự việc về phương hướng: Chỉ hướng về phương đông không phải là phương khác. (5) Sự việc về dụng cụ trên chỗ ngồi: Chỉ dùng Đà-la-đế màu vàng và các tọa cụ màu vàng.

Nói về nhân duyên an tọa nơi tòa ngồi kia: Nghĩa là nếu vì tu tập môn luân chỉ ấy, tức phải có đủ mười sự việc để an tọa nơi chỗ ngồi đó. Những gì là mười sự việc? Đó là: (1) Về chân ngang nhau: Hai ngón tay cái đặt giữa cuối hai đầu gối đều cùng hợp với nhau khiến không sai khác. (2) Về đầu gối ngang nhau: Là hai đầu gối giữ cho cân bằng khiến không sai lệch. (3) Về lưng thẳng: Lưng phải thẳng đứng không nghiêng lệch và chùn xuống. (4) Về tay chồng lên: Hai tay đối nhau. Tay phải đặt dưới tay trái đặt trên, tay trái đặt dưới thì tay phải đặt trên. Trải qua một ngày rồi thì thay đổi lẫn nhau không quên mất. Lại cũng hai tay đó đặt trên các căn. (5) Về cổ thẳng: Tánh chất của cổ là thẳng đứng không động thì định được kiến lập. (6) Về mặt nhìn thẳng: Tướng mạo của mặt không ngước lên không cúi xuống khiến luôn cân bằng. (7) Về tướng miệng: Tướng của miệng ấy không rộng không hẹp chỉ mở ra bình thường. (8) Về tướng mũi: Hơi thở ra vào khiến không sai trái. Không xuất sinh một thứ. (9) Về tướng mắt: Mắt ấy mở ra vừa phải thư thái, không hướng lên, không hướng xuống. (10) Về chỗ dừng mắt: Đặt ánh mắt đó vào trong vòng chữ đại hư không, ở yên như thế luôn không lìa nhau. Đó gọi là mười sự việc.

Nói về nhân duyên của thời gian xuất nhập: Nghĩa là nếu tu tập môn luân chỉ, tức chỉ dùng hai thời gian là vào giờ thìn và giờ ngọ, vì trong những thời gian khác với thời gian này thì không ra vào.

Nói về nhân duyên của thiện hữu tri thức: Nghĩa là nếu vì tu tập môn luân chỉ, thì làm bạn với những người có trí tuệ sâu xa.

Nói về nhân duyên ấn định nhận biết tà chánh: Nghĩa là nếu vì tu tập môn luân chỉ, thì tùy theo khoảng cách đến hình tượng đó, cần phải thủ ấn kim cang, tức liền nhận biết rõ đâu là tà, đâu là chánh. Tướng ấy là thế nào? Nghĩa là tức tụng chú: Đát điệt tha mạn na ô đà đế, bà la chỉ đà ni, già thi di đá da, yểm a thi đế na sa bà ha. Nếu như tụng thần chú này bốn ngàn sáu trăm năm mươi biến xong, thì trong hình tượng kia hiện ra hai vòng chữ. Tức nếu là người tà vạy thì hiện ra vòng chữ tà. Nếu là người chánh trực thì hiện ra vòng chữ chánh. Theo đấy để phân biệt.

Nói về nhân duyên trồng rừng cây thiện: Nghĩa là nếu như vì người tu tập môn luân chỉ, thì trong khoảng phía trước nhà mình ở nên trồng hai loại cây thuộc loại đại an lành. Những gì là hai loại? Một là cây tùng. Hai là cây thạch lựu.

Nói về nhân duyên khâm phục vòng chữ: Nghĩa là nếu như vì người tu tập môn luân chỉ, tất nên ghi tạc vòng chữ vương mà thôi. Ghi tạc nơi xứ nào? Đó là nơi tâm tư. Vì nghĩa gì tất hiện ra vòng chữ này? Nghĩa là vòng chữ này thì chư Phật nơi ba đời và vô lượng vô biên hết thảy Bồ-tát đều lấy đó làm đại ân đối với sư trưởng, đại ân đối với cha mẹ, đại ân đối với trời đất, đại ân đối với biển cả. Vì nhân duyên ấy nên là người tu tập môn chỉ phải làm hiện ra vòng chữ này. Như vậy, nhân duyên tuy có vô lượng, nhưng nay trong Luận Ma Ha Diễn này, chỉ nêu rõ nhân duyên thứ nhất, không nêu rõ các nhân duyên khác, là vì nêu lên phần đầu để gồm thâu phần sau. Như Bản luận viết: “Nếu tu môn chỉ thì trụ nơi xứ tịch tĩnh”.

Đã nói về môn nhân duyên thành tựu của luân chỉ. Tiếp đến là nói về môn trực tiếp chỉ ra cách tu hành luân chỉ. Theo trong môn này tức có bảy môn. Những gì là bảy môn? Đó là: (1) Môn giữ tâm quyết định. Tức tâm ấy quyết định trong lý chân không là bất sinh bất diệt. Như Bản luận viết: “Ngồi ngay ý thẳng”. (2) Môn không chấp nơi thể của thân. Có thể khéo thông tỏ thân này là rỗng lặng, là không, tự tánh vốn có ấy là không thể thủ đắc. Như Bản luận viết: “Không dựa vào hơi thở, không dựa vào hình sắc, không dựa vào hư không, không dựa vào đất nước lửa gió”. (3) Môn không chấp vướng nơi tâm thức. Có thể khéo thông đạt về tâm suy xét nhận biết, tự tánh thì rỗng lặng không thật có. Như Bản luận viết: “Cho đến không dựa nơi thấy nghe hiểu biết. Tất cả các tưởng theo niệm đều trừ bỏ, cũng loại trừ luôn tưởng ấy”. Từ đây trở xuống là nêu rõ về nhân duyên tạo nên thân tâm kia rỗng lặng là hoàn toàn không. Như Bản luận viết: “Vì tất cả các pháp xưa nay là vô tướng, niệm niệm không sinh, niệm niệm không diệt. Cũng không thể theo tâm nghĩ về cảnh giới bên ngoài”. (4) Môn không chấp vướng nơi không chấp vướng: Tức tâm của chủ thể loại trừ cũng loại trừ luôn. Như Bản luận viết: “Sau thì dùng tâm loại trừ tâm”. (5) Môn tập hợp các thứ phân tán thành một: Là gồm thâu tâm tán động đặt vào trong một tâm. Như Bản luận viết: “Tâm nếu dong ruổi thì nên thâu giữ lại, khiến trụ nơi chánh niệm”. (6) Môn hiển thị về chánh niệm: Là làm rõ các pháp chỉ là một tâm. Như Bản luận viết: “Chánh niệm này nên biết chỉ là tâm không có cảnh giới bên ngoài. Tức lại tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm không thể thủ đắc”. (7) Môn luôn hành không lìa: Tâm định như vậy nơi tất cả thời, nơi tất cả xứ, luôn luôn tương tục không dừng. Như Bản luận viết: “Nếu từ chỗ ngồi, đứng dậy, đi lại tiến dừng, nơi tất cả thời hành tác đều luôn nghĩ đến phương tiện tùy thuận quán xét”.

Đã nói về môn trực tiếp chỉ ra cách tu hành luân chỉ. Tiếp đến là nói về môn tu hành luân chỉ đạt được lợi ích. Nghĩa là nếu có người có thể tu tập định này, dần dần chuyển biến thì làm khô cạn biển phiền não, làm vỡ tan núi lớn nghiệp chướng, hội nhập định chân như, thông hiểu tất cả các pháp, đến nơi không còn thoái chuyển. Như Bản luận viết: “Hành tập lâu dài tâm kia thuần thục thì được an trụ. Vì tâm an trụ nên dần dần mạnh mẽ, nhanh nhạy, tùy thuận được nhập nơi tam muội của chân chư, điều phục hết các thứ phiền não, tín tâm tăng trưởng nhanh chóng thành tựu bất thoái”.

Đã nói về môn tu hành luân chỉ đạt được lợi ích. Tiếp đến là nói về môn lựa chọn giới hạn hội nhập không hội nhập. Theo trong môn này tức có hai ý. Những gì là hai ý? Một là ý hội nhập hướng đến. Hai là ý không hội nhập. Nói về ý hội nhập hướng đến: Nghĩa là hoặc có chúng sinh hướng nhập nơi pháp thâm diệu, tâm không có nghi. Hoặc có chúng sinh nghe được pháp thâm diệu, tâm họ quyết định không sinh không tin. Hoặc có chúng sinh nghe được pháp thâm diệu, tức liền tôn trọng không sinh hủy báng. Hoặc có chúng sinh không có nghiệp chướng nặng. Hoặc có chúng sinh không có tâm ngã mạn. Hoặc có chúng sinh không có tâm biếng nhác. Sáu loại người như vậy, hội nhập nơi chủng tánh Phật quyết định không nghi. Đó gọi là ý hội nhập hướng đến.

Nói về ý không hội nhập: Nghĩa là nếu có chúng sinh trái với sáu tướng nêu trên, thì vĩnh viễn đoạn dứt chủng tử của Tam bảo, quyết định không nghi. Đó gọi là ý không hội nhập. Như Bản luận viết: “Chỉ trừ những kẻ nghi hoặc, không tin, hủy báng, tội lỗi nghiệp chướng nặng, ngã mạn, lười nhác. Những loại người như vậy là không thể hội nhập”.

Đã nói về môn lược hỏi đáp rộng để nói chi tiết. Tiếp đến là nói về môn tán thán tam muội thù thắng. Theo trong môn này tức có hai môn. Những gì là hai môn? Một là môn nêu thể lớn vô biên thù thắng. Hai là môn nêu quyến thuộc vô tận thù thắng.

Nói về môn nêu thể lớn vô biên thù thắng: Là tu tập tam muội này thì thông đạt hết thảy vô lượng các pháp Phật, đồng một thể tướng không có sai biệt. Như Bản luận viết: “Lại nữa, dựa nơi tam muội này tức nhận biết pháp giới là một tướng. Nghĩa là pháp thân của hết thảy chư Phật, cùng với thân của chúng sinh là bình đẳng không hai, tức gọi là tam muội nhất hành”.

Nói về môn nêu quyến thuộc vô tận thù thắng: Đó tức là tam muội của chân chư, có thể vì tất cả vô lượng vô biên tam muội kim cang làm chỗ căn bản đích thực để có thể xuất sinh, tăng trưởng. Như Bản luận viết: “Nên biết chân như là căn bản của tam muội.

Nếu người tu hành thì dần dần có thể sinh khởi vô lượng tam muội”.

HẾT – QUYỂN 8

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10