LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ-ĐỀ TÂM
Bồ-tát Liên Hoa Giới tạo
Tây Thiên dịch kinh Tam tạng Truyền pháp
Đại sư Thí Hộ phụng chiếu dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 4

Lại nữa trong đây như Kinh Bảo Vân nói: Bồ-tát làm sao được pháp Đại thừa? Nghĩa là nếu Bồ-tát khéo học tất cả pháp. Kia tuy có học mà khi học và pháp sở học đều bất khả đắc. Tuy trong học quyết định vô sở đắc, và cũng không ở trong pháp nhân duyên kia mà khởi đoạn kiến.

Như Kinh Thánh Pháp Tập nói: Thế nào là các việc làm của Bồ-tát? Nghĩa là trong các việc làm thân ngữ ý của Bồ-tát, trường thời gian không bỏ tất cả chúng sinh, nội tâm phát khởi Đại bi tăng thượng, vì muốn lợi lạc các chúng sinh nên nghĩ như thế này: Nếu các hạnh ta đang làm và đã làm đều cho tất cả chúng sinh thí làm lợi ích rộng lớn an lạc. Bồ-tát tuy quán các uẩn như huyễn, nhưng trong đó cũng không sinh chán bỏ, tất cả việc làm đều không chướng ngại.

Xứ như hư không mà trong đó cũng không sinh chán bỏ, tất cả việc làm đều không chướng ngại.

Giới như độc rắn mà trong đó cũng không sinh chán bỏ, tất cả việc làm đều không chướng ngại.

Lại nữa tuy quán sắc như đám bọt nước, nhưng cũng không lìa bỏ săc thân tướng hảo của Như Lai.

Thụ như bong bóng nước nổi, nhưng cũng không ở trong thiền định Tam-ma-địa Tam-ma-bát-để của chư Như Lai xuất sinh diệu lạc mà không khởi phương tiện.

Tưởng như sóng nắng mà cũng không ở trong trí Như Lai không khởi thắng tưởng.

Hành như cây chuối nhưng cũng không ở trong tất cả Phật pháp mà không làm.

Thức như người làm trò ảo thuật nhưng cũng không ở trong 3 nghiệp trí của Như Lai là tiền đạo mà không làm. Như vậy tất cả việc làm đều không chướng ngại.

Lại nữa các kinh đều nói: Phải biết tuệ và phương tiện chính là hạnh các Bồ-tát làm. Cho nên các Bồ-tát trong vô số tất cả hạnh kia thường phát khởi tuệ và phương tiện, quán tưởng tu hành trường thời gian không gián đoạn. Như vậy tức được 12 phần vị. Các địa vị này được an lập rồi, trong các địa vị ấy thắng thượng công đức thảy đều đầy đủ.

Nói 12 phần vị, là nói Tín giải hạnh địa cho đến Phật địa. Trong các địa này chỉ trừ Phật địa, ngoài ra đều bao gồm dị sinh và Bồ-tát. Trong đây Tín giải hành địa, là chưa chứng được lý 2 vô ngã, một mực phát khởi kiên cố tín giải, ma chướng không thể động, sức tín giải kia cũng chưa có thể quán thật tính duy thức, chỉ ở trong pháp tín giải kiên cố lập Giải hạnh địa. Lại nữa trong các địa tùy thích hợp đều đủ vô số các công đức Tam-ma-địa tổng trì giải thoát thần thông.

Như Kinh Bảo Vân nói: An lập 4 thứ Thuận quyết trạch phần, mà 4 vị kia có nhuyến, trung, thượng trí quang minh xuất ra. Bốn thứ này đều quán các pháp vô ngã. Trong đó nếu có trí quang minh nhuyến phẩm phát sinh, đó là Noãn vị, tên định chứng được kia gọi là Minh đắc. Nếu có trí quang minh trung phẩm phát sinh, đó là Đảnh vị, tên định chứng được kia gọi là Minh tăng. Nếu có trí quang minh tối thượng ngoại vô đối ngại phát sinh, trong phần vị của tâm lìa tướng năng thủ, đó gọi là Nhẫn vị, tên định chứng được kia gọi là Nhất phần nhập. Nếu trong tướng năng thủ sở thủ đều vô sở đắc, dùng trí không 2 quyết định ấn 2 thủ tướng không kia, đó gọi là Thế đệ nhất vị, tên định chứng được kia là Vô gián. Từ Vô gián này nhập duy thức tính. Trong đây tổng lược các thuyết như vậy đều gồm trong Tín giải hành địa.

Lại nữa 10 địa tức 10 phần vị. Từ trước Thế đệ nhất, Vô gián, Sơ tâm được nhập kiến đạo. Đã được Thánh tính, sinh đại hoan hỷ, cho nên nói đây là Hoan hỷ địa. Đây có thể phân chứng lý 2 vô ngã, được pháp vô tính, trí chân thật sinh, lìa tất cả hý luận phân biệt. Trong đây có thể đoạn 112 hoặc do kiến đoạn, ngoài ra 3 cõi chung có 16 hoặc do tu đoạn, như ứng mà đoạn. Ở địa vị này Bồ-tát được trí bình đẳng, tự lợi lợi tha, được viên mãn Thí Ba-la-mật-đa, an trụ Tam-ma-địa. Cho đến chưa có thể xa lìa hủy phạm cấu nhiễm vi tế, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên nhị địa.

Ở nhị địa kia có thể lìa tất cả sự phạm giới cấu nhiễm, cho nên gọi đây là Ly cấu địa. Ở địa vị này Bồ-tát có thể xa lìa mọi phạm giới cấu nhiễm vi tế, được viên mãn Giới Ba-la-mật-đa. Cho đến chưa có thể thành tựu thắng Tam-ma-địa, Tam-ma-bát-để và Văn tổng trì, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên tam địa.

Ở tam địa kia có thể phát ra vô lượng ánh sáng thắng trí, cho nên gọi đây là Phát quang địa. Ở địa vị này Bồ-tát được khắp tất cả thắng Tam-ma-địa và Văn tổng trì, kham nhẫn các khổ. Trong Nhẫn Ba-la-mật-đa được viên mãn rồi, trong tất cả Tam-ma-bát-để xả bỏ ái tâm. Cho đến chưa có thể rộng tu pháp Bồ-đề phần, nhưng nếu phân chia mà được thì tiến lên tứ địa.

Ở tứ địa kia tuệ của pháp Bồ-đề phần cháy có thể thiêu đốt các củi phiền não, cho nên nói đây là Diệm tuệ địa. Ở địa vị này Bồ-tát đã lìa các khuyết giảm về phân biệt ngữ, ý, khéo tu pháp Bồ-đề phần không khuyết giảm, được viên mãn Tinh tiến Ba-la-mật-đa. Cho đến chưa có thể tác quán 4 đế, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên ngũ địa.

Ở ngũ địa kia, đối với sinh tử Niết-bàn dùng phương tiện khéo léo quán sát bình đẳng, thắng tu tập trong những khó thắng nhất, cho nên gọi đây là Nan thắng địa. Ở địa vị này Bồ-tát trong 4 Thánh đế có thể khéo quán sát và tu tập nhiều được viên mãn Định Ba-la-mật-đa. Từ Thuận quyết trạch phần ra đến trong địa này mới được hạnh vô tướng. Cho đến chưa có thể tác quán duyên sinh, nhưng nếu phân ia mà được thì tiến lên lục địa.

Ở lục đia kia thắng tuệ đủ rồi, có thể chuyển tất cả Phật pháp thắng hiện tiền môn, cho nên gọi đây là Hiện tiền địa. Ở địa vị này Bồ-tát có thể khéo quán sát pháp duyên sinh, được viên mãn Tuệ Bala-mật-đa, được hạnh vô tướng. Cho đến chưa có thể viên mãn hạnh này, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên thất địa.

Ở thất địa kia trong vô công dụng phương tiện đạo tuy chưa có thể đầy đủ để đi xa, cho nên gọi đây là Viễn hành địa. Ở địa vị này Bồtát quán tất cả tướng đều như ảo hóa, hiểu rõ chân thật tướng dụng, tất cả đều không trở ngại, có thể thành tựu hạnh vô tướng, được viên mãn Phương tiện Ba-la-mật-đa. Cho đến chưa có thể đấy đủ hạnh vô công dụng, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên bát địa.

Ở bát địa kia các tướng dụng đều không thể động, cho nên gọi đây là Bất động địa. Ở địa vị này Bồ-tát được tốt hạnh vô tướng công dụng, được viên mãn Nguyện Ba-la-mật-đa. Cho đến chưa có thể phân biệt tất cả tướng, thuyết pháp tự tại, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên cửu địa.

Ở cửu địa kia đủ tối thắng tuệ, khéo nói các pháp, cho nên gọi đây là Thiện tuệ địa. Ở địa vị này Bồ-tát được tối thắng 4 vô ngại giải, tuệ lực tương ưng, được viên mãn Lực Ba-la-mật-đa. Cho đến chưa có thể ở trong pháp hội nơi các cõi Phật tùy ứng hóa hiện thuyết pháp lợi sinh tự tại viên mãn, nhưng nếu phân chia mà được thì tiến lên thập địa.

Ở thập địa kia có thể ở trong tất cả thế giới vô biên bủa mây pháp lớn, rưới mưa cam lồ, cho nên gọi đây là Pháp vân địa. Ở địa vị này Bồ-tát thắng trí tương ưng, thuyết pháp lợi sinh, làm các việc giáo hóa đều được tự tại. Cho đến chưa có thể trong tất cả mọi nơi, tất cả tướng được trí vô ngại, nhưng nếu có thể phân chia mà được thì tiến lên Phật địa.

Các hành tướng thiết lập các địa như trên có nói trong Kinh Hòa Hợp Giải Thoát.

Lại nữa các địa này có nhiều chỗ nói rộng về tướng thanh tịnh và phần vị của uẩn v.v… sợ rườm rà nên đây trích dẫn.

Lại nữa Phật địa tức một phần vị. Ở Phật địa này tất cả thắng tướng đều đầy đủ, tất cả công đức đều viên mãn, đã có thể tột cùng khắp tất cả biên tế, không có phần vị nào hơn đây. Công đức trong Phật địa dẫu chư Phật dùng ngôn từ vi diệu cũng không thể nêu lên khen ngợi một phần. Cho nên phải biết công đức chư Phật vô lượng vô biên không thể tính kể. Chỉ trí tự nhiên của Phật Thế Tôn quán mà tự chứng biết. Như trong Kinh Hoa Nghiêm có nói về công đức cũng chỉ một phần chưa thể nói hết được. Huống chi nay tôi tạo luận này đâu dám dùng ngôn từ nào mà ca ngợi ư? Lại nữa các công đức trong Phật địa là gồm chung hết tất cả nghĩa thù thắng, như Kinh Lăng-già có nói.

Tụng:

Cần phải hiểu rỏ 3 thân là

Bao gồm tất cả thân chư Phật.

Tối thượng thắng nghĩa pháp sở y,

Cho nên khai hiển 3 thân tướng.

Tự tính thân và chính báo thân

Hóa thân là 3 tối thắng thượng.

Phân biệt chư Phật có các thân,

Sơ thân với 2 làm y chỉ.

Đã tu khó làm hạnh hy hữu,

Trăm thứ mài luyện an nhẫn tâm.

Chỗ có tất cả các thiện môn,

Đều được tích tập không bỏ sót.

Từ vô lượng kiếp đã tu tập

Đại thừa pháp môn tối thượng diệu.

Tất cả chướng ngại đều trừ hết,

Diệt sạch không sót được thanh tịnh.

Trong nhân có các chướng vi tế,

Trong quả trí lực đều nhổ bỏ.

Ví như vừa mở hòm châu báu,

Rực rỡ chiếu sáng khắp tất cả.

Tùy thuận thế gian hiện có sinh,

Chịu khổ cần cầu Bồ-đề quả.

Thuyết pháp hóa lợi trăm ngàn môn,

Biến khắp tất cả làm thiện thí.

Như Lai cao hiển lại bất động,

An trụ thế gian Đại thánh tôn.

Như núi Tu-di vua các núi,

Trông thấy nguy nga cao vòi vọi.

Vĩ đại tâm bi làm căn bản,

Khéo xuất sinh Tam-ma-địa môn.

Khắp trong 3 cõi hiện thân này,

Tất cả không đâu chẳng thị hiện.

Như vầng mặt trời phóng ánh sáng

Khắp cả thế gian đều chiếu soi.

Chư Phật Thánh trí diệu quang minh,

Biết được các pháp cũng như vậy.

Chỗ chứng quả của người Thanh Văn,

Ra khỏi thế gian là tối thắng.

Mà trong sở đắc của Thanh Văn,

Lại cũng chẳng bằng Duyên Giác địa.

Duyên Giác nếu so Bồ-tát địa,

Thì trong các phần chẳng được một.

Bồ-tát so với Phật Như Lai,

Trong gấp nhiều phần chẳng được một.

Như Lai chỗ chứng quả Bồ-đề,

Vô lượng công đức bất tư nghị.

Nếu như thời, xứ chỗ nên làm,

Tùy thuận phương tiện mà khéo chuyển.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Năm căn thanh tịnh diệu dụng thành.

Trong 12 vị công đức môn,

Tất cả nghĩa đều có thể chuyển.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Tất cả ý đạo đều thanh tịnh.

Như chỗ sở chứng đều phải biết,

Tất cả vô cấu vô phân biệt.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Gồm các nghĩa lợi đều thanh tịnh.

Cõi Phật thanh tịnh như chỗ ứng,

Tất cả tự tại mà xuất hiện.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Tất cả phân biệt đều thanh tịnh.

Thường thời chỗ làm không hư hoại,

Khéo tu tất cả trí sự nghiệp.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Tất cả thanh tịnh khéo an trụ.

Đã được vô trụ Đại Niết-bàn,

Viên mãn chư Phật câu thanh tịnh.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Tất cả pháp nhiễm đã thanh tịnh.

Không xen phiền não không tì vết,

Thường nhập hạnh diệu lạc chư Phật.

Trong quả sở chứng tối thắng thượng,

Tưởng như hư không đều thanh tịnh.

Tích tập rộng lớn thắng nghĩa môn,

Lìa các sắc tướng mà quán sát.

Như Lai hóa tướng rất rộng lớn,

Hạnh vô lượng này đều thanh tịnh.

Trí Thành sở tác thật khó lường,

Chư Phật vô cấu thắng y chỉ.

Trong đây phải biết pháp giới thanh tịnh tức chân như của tất cả pháp làm chính nhân của tự tính tất cả pháp không điên đảo, mà có thể xuất sinh chư Phật và trí của chư Phật, lìa các chướng nhiễm, thiết lập pháp môn tổng trì Tam-ma-địa và vô lượng các hạnh phúc trí khác, thành tựu sự nghiệp lợi lạc tất cả chúng sinh, cho đến thành thục tất cả chủng tử văn trì chính pháp. Tất cả các tướng như vậy đều được thành tựu.

Nói trí của chư Phật, tức là 4 trí. Đầu tiên là Đại viên kính trí. Trí này xa lìa tướng ngã ngã sở và lìa phân biệt năng thủ sở thủ, không xen tạp tất cả phiền não cấu nhiễm, trong tất cả các tướng sở duyên, sở hành, sở tri không mất không ngu, trí ảnh tướng sinh, hiện chủng nương tựa gìn giữ. Nhất thiết trí sở y thanh tịnh đó là chân như sở duyên vô phân biệt trí. Hai là Bình đẳng tính trí. Được thắng thượng sở duyên, trí này có thể quán tự tha bình đẳng, đã có thể an trụ nơi vô trụ Niết-bàn, khởi Đại từ bi tùy theo đi đến tất cả, hiện thân hiện cõi, dùng phương tiên rốt ráo tương ưng. Ba là Diệu quán sát trí. Gồm khắp tất cả Tam-ma-địa Tam-ma-bát-để, các pháp môn tổng trì, trong tất cả phần vị sở tri, chuyển một cách vô ngại và có thể phát sinh báu thắng công đức, phương tiện hiện thân, khéo đoạn các nghi, tùy theo chỗ ứng có thể thuyết pháp tốt. Bốn là Thành sở tác trí. Có thể dùng các thứ phương tiện bất tư nghì, vì người khác thành thục tất cả sở tác, như ứng hóa độ tất cả chúng sinh. Các tướng như vậy là 4 trí.

Tụng:

Phần vị 3 thân hai hai một,

Hai pháp hai báo một hóa thân.

Chư Phật thanh tịnh trong pháp giới,

Dẫu một dẫu nhiều, tính không lập.

Ý trong đây là pháp thân thanh tịnh giống như hư không không hình tướng. Từ đó trong thân lưu xuất tất cả pháp. Tất cả đều là bạch pháp tối thắng vi diệu không tỉ dụ. Chân lý thanh tịnh là nhân Đại lợi lạc, xuất sinh tối thượng thiện lạc của Phật địa, có thể viên mãn biển pháp vô tận, lại có thể đầy đủ diệu tuệ thanh tịnh, tức có thể thành tựu tâm Đại Bồ-đề.

Trên đây là sơ lược sưu tập các đoạn văn cốt yếu trong các kinh, giải thích nghĩa của tâm Bồ-đề. Chỉ có Phật Bồ-tát có thể tận cùng tri kiến./.

(QUYỂN 4 TRỌN BỘ HẾT)

Pages: 1 2 3 4