SỐ 1663/1
BỒ ĐỀ TÂM QUÁN THÍCH
Tây Thiên dịch kinh Tam tạng truyền giáo
Đại sư Pháp Thiên phụng chiếu dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Quy mạng Bản sư

Đại giác Thế Tôn.

Con nay lược thích

Bồ-đề tâm quán.

Như Phật đã nói từ tâm sinh tất cả pháp. Nay tôi sẽ bàn về tâm Bồ-đề.

Tính là thế nào? Là lìa tất cả tính.

Tất cả tính là gì? Là tính của uẩn xứ giới. Vì tâm Bồ-đề lìa thủ xả nên pháp vô ngã, tự tính bình đẳng. Bản lai không sinh vì tự tính là không. Nói tất cả tính, là nói tính ngã. Tức là tính ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bổ-đặc-già-la, Ma-noa-phược-ca v.v… mà các tính đó không phải tâm Bồ-đề.

Ý đó như thế nào? Nghĩa là các tính ngã v.v… trong tự tính lìa tất cả tướng mà sinh ngã kiến, rồi từ ngã kiến sinh tất cả phiền não mà không sinh tâm kia.

Hoặc nói uẩn xứ giới cũng lìa thủ xả. Nghĩa là tính của uẩn xứ giới là lý chân thật bất khả đắc.

Sao gọi là sắc tướng không có thật? Nghĩa là sắc uẩn do 4 đại hợp thành. Bốn đại là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới. Sự hợp thành đó lại sinh ra 5 sắc là săc thanh hương vị và xúc.

Bốn đại và 5 sắc kia mỗi mỗi đều có tự tính bất khả đắc. Như vậy, tất cả các pháp đều như thế. Cho nên biết sắc là hư giả, do đó biết sắc uẩn là không. Ví như do cây có bóng cây, cây mất thì bóng cây mất. Thụ uẩn cũng vậy.

Sao gọi là thụ? Thụ có 3 thứ là khổ thụ, lạc thụ, và phi khổ lạc thụ. Ba thụ này có nhân duyên với nhau.

Lại có 2 thứ là thân thụ và ý thụ. Thân thuộc về sắc uẩn. Thân là bất khả đắc, cho nên nếu không thân tức không có thụ. Cũng không thể nói, chẳng phải ngắn chẳng phải dài, chẳng phải sắc chẳng phải tướng, vô thật, vô trước, bất khả tri. Thân thụ như thế, ý thụ cũng vậy.

Thụ uẩn như vậy thấy thụ uẩn là không, tưởng uẩn cũng hư giả không thật, do duyên lự thâu nhiếp mà duyên lự kia là bất khả đắc cho nên tức phi duyên lự. Vì phi duyên lự nên thấy tưởng uẩn là không. Tưởng uẩn như thế, hành uẩn cũng vậy.

Các hành do tâm tạo tác, thiện ý ghi nhớ, là vô sở hữu, cho nên tâm pháp sinh ra sắc uẩn v.v…, nhất nhất đều không có sinh. Cho nên biết nghiệp tướng của hành uẩn là không thật cũng không chủ tể, tức thấy hành uẩn là không. Hành uẩn như thế, thức uẩn cũng vậy. Cho đến nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý, các nhãn thức v.v… kia nhất nhất tự tính đều bất khả đắc. Mắt kia duyên hữu sắc rồi từ duyên sinh ra thức, không duyên tức không sinh thức, mà nhãn sắc với sắc uẩn kia là không phân giới hạn. Sự phân biệt nhãn sắc này tức phi nhãn sắc vì không có thức sinh. Nhãn thức như thế, nhĩ tỹ thiệt thân ý cũng như vậy. Như vậy biết rằng thức này y chỉ Ma-nẵng thức. Do y chỉ Ma-nẵng thức nên liền phát sinh pháp quá khứ vị lai hiện tại.

Sao gọi là pháp quá khứ vị lai hiện tại? Nghĩa là quá khứ đã diệt, vị lai chưa sinh, hiện tại chẳng dừng trụ. Do đó biết thức uẩn là không. Như vậy nhất nhất nói uẩn xứ giới mỗi mỗi phân biệt tự tính đều không. Nói kia phi vô tính là nói chân thật. Ví dụ như không hạt giống thì không sinh mầm ra cây. Cho nên nói uẩn xứ giới kia cũng lìa thủ xả.

Sao gọi là tâm Bồ-đề không thủ không xả? Như Phật bảo: Bí mật chủ! Tâm Bồ-đề kia Như Lai ứng chính đẳng giác biết rõ tâm ấy chẳng phải xanh chẳng phải vàng chẳng phải đỏ chẳng phải trắng, chẳng phải màu hồng, chẳng phải màu Phả-chi-ca, chẳng phải ngắn chẳng phải dài, chẳng phải tròn chẳng phải vuông, chẳng phải sáng chẳng phải tối, chẳng phải nam chẳng phải nữ chẳng phải hoàng môn. Lại nữa, Bí mật chủ! Tâm Bồ-đề chẳng phải tính của Dục giới, chẳng phải tính của Sắc giới, chẳng phải tính của trời, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, người, phi nhân v.v… Cho đến Nhất thiết trí tìm cũng không có được. Như vậy tâm thủ là phi hữu.

Sao có nói xả? Lại nữa như Phật bảo: Bí mật chủ! Tâm Bồ-đề chẳng phải trong chẳng phải ngoài chẳng phải trung gian nên không thể có được. Ý ông thế nào? Bởi tự tính vắng lặng. Lại nữa, Bí mật chủ! Tâm Bồ-đề kia Nhất thiết trí tìm cũng không thể có được, làm sao có thể có thủ xả? Như vậy đối với pháp được lìa thủ xả, bình đẳng vô ngã như tất cả pháp vô ngã cũng vậy. Như Phật có nói Tâm Bồ-đề cũng vậy. Tất cả pháp là không, vô tướng, vô ngã. Các pháp là tướng tịch tĩnh vô tịch tĩnh.

Tâm vốn bình đẳng, bản lai bất sinh cũng phi bất sinh còn nói là tính gì? Là tính không.

Tính không như thế nào? Là như hư không. Như Phật có nói tính không của hư không, không có ví dụ, nên tâm Bồ-đề cũng như vậy. Cái tên Bồ-đề là phi tính phi tướng, vô sinh vô diệt, phi giác phi vô giác. Nếu biết như vậy thì đó là tâm Bồ-đề.

Lại như Phật bảo: Bí mật chủ! Như thật hiểu rõ nơi tự bản tâm thì pháp vô hữu cũng không thể được, cho nên gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Lại bảo: Bí mật chủ! Phải nơi tự tâm quán như thật rồi, sau phát khởi phương tiện quán nơi chúng sinh, biết các chúng sinh vì không biết như thật nơi tự giác tính mà khởi nghi vọng điên đảo chấp trước chịu các thứ khổ lớn trong luân hồi. Ta do đó nên khởi tâm Đại bi khiến các chúng sinh như thật chứng giác nơi tự tâm. Đó tức gọi là tâm Bồ-đề, là tâm lợi ích, tâm an lạc, tâm cao tột, tâm pháp giới thiện giác. Dùng trí như vậy nhiếp hóa chúng sinh nên gọi là tâm Bồ-đề. Phát tâm này được phúc đức cũng như hư không, không có biên giới. Và biển công đức kia cũng vô lượng. Cho dù kiếp hết công đức không hết. Như vậy gọi là phát tâm Nhất thiết trí căn bản tối thượng Bồ-đề./.

(HẾT)