SỐ 1662/4
KINH BỒ ĐỀ HÀNH
(Bodhicaryâvatāra)

Thánh Long Thụ Bồ-tát sưu tập tụng
Tam tạng Đại sư Thiên Tức Tai dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: CA NGỢI TÂM BỒ-ĐỀ

(I. Bodhicittânuśaṃsā )

Như Phật, diệu pháp thể vô biên,

Phật tử chính tâm quy mạng lễ.

Phật cam lồ giới thường chở che,

Con nay ca ngợi đều y pháp.

Thuyết này là thuyết chưa từng có,

Chẳng phải chuyên chính một mình con.

Con không tự tha những lúc ấy,

Mà tự tư duy quán sát làm.

Những lúc phát tâm quán sát ấy,

Khiến thiện pháp con được tăng trưởng.

Khi thấy như vậy cõi Ta-bà,

Đó chính là cõi Phật Thế Tôn.

Cõi ấy sát-na khó được sinh,

Được sinh làm người phải vui mừng.

Suy nghĩ nếu lìa tâm Bồ-đề,

Lại nữa đến nay lấy gì được?

Như mây che khuất đêm tối tăm,

Điện chớp ánh sáng sát-na hiện.

Oai đức của Phật lợi như thế,

Sát-na phát ý người được phúc.

Cho nên thiện ít sức tuy yếu,

Có thể phá được nghiệp đại ác.

Như vậy nếu phát tâm Bồ-đề,

Thiện này dũng tiến đến được kia.

Suy nghĩ vô lượng vô biên kiếp,

Thấy Phật đều nói chân thật này.

Nếu không hạnh phúc được hạnh phúc,

Tăng trưởng cứu độ vô số loài.

Vì các hữu tình trong các khổ,

Khiến lìa trăm ngàn các thứ khổ.

Hưởng nhiều hạnh phúc trăm ngàn thứ.

Do hằng không lìa tâm Bồ-đề.

Con đấng Thiện Thệ bị trói buộc,

Ở trong luân hồi chẳng được yêu.

Nếu chốc lát nói tâm Bồ-đề,

Người trời hoan hỷ đều quy mạng.

Nếu ai thụ trì bất tịnh tượng,

Cho là Phật tượng là vô giá.

Như thuốc biến hóa thành kiên lao,

Đẳng tu trì diệu Bồ-đề tâm.

Tâm Bồ-đề báu nghiệm vô biên,

Giá trị thế gian không thể dụ.

Điều ngự, hành nhân cùng bạn lữ,

Đều khiến thụ trì cho bền vững.

Cây chuối không thật mà sinh thật,

Sinh thật cây chuối mà thân tàn.

Cây Bồ-đề tâm mà thanh tịnh,

Hằng sinh quả tốt mà không hết.

Đã tạo các tội nghiệp bạo ác,

Nương tâm Bồ-đề sát-na thoát.

Dũng mãnh nương nhờ không cả sợ,

Hữu tình ngu si sao không nương?

Ví như kiếp tận nổi lửa dữ,

Chốc lát đốt hết củi tội nghiệp.

Ca ngợi Từ Tôn vô lượng lời,

Đó gọi là: Hay thay người trí!

Các thứ giác tâm kia,

Chính trí mà bình đẳng.

Tâm thệ nguyện Bồ-đề,

Mà hành Bồ-đề hạnh.

Như đi và muốn đi,

Đó là phân biệt nói.

Trí phân biệt nói rồi,

Chỗ làm như dùng trí.

Tâm nguyện của Bồ-đề,

Quả lớn bánh xe quay.

Phúc nên không gián đoạn,

Cũng như ý muốn đi.

Nếu kia là vô biên,

Hữu tình giới giải thoát.

Với kia tâm bình đẳng,

Nguyện Bồ-đề không lui.

Nếu kia thích ngủ nghỉ,

Và có nhiều mê say,

Gián đoạn nơi dòng phúc,

Như không, vô sở hữu.

Diệu Tý mà hỏi đây,

Các hữu tình ý kém,

Mà giải thoát được sinh,

Do mình hay Như Lai?

Bèn tư duy trừ khỏi

Khổ não của hữu tình,

Khiến khổ não hết rồi,

Đạt được vô lượng phúc.

Hữu tình khổ vô biên,

Làm sao chữa trị khỏi,

Khiến mỗi mỗi an vui,

Được vô biên công đức?

Lấy gì lợi cha mẹ,

Và quyến thuộc bà con,

Được trời và người tiên,

Bà-la-môn tịnh hạnh?

Loại hữu tình như vậy,

Là quá khứ ngủ mơ.

Chẳng nguyện cho tự lợi,

Chỉ nguyện cho lợi tha,

Hữu tình tối thắng bảo,

Hi hữu nào được sinh?

Các thứ muốn lợi tha,

Chẳng riêng mình tự lợi.

Hoan hỷ: giống thế gian,

Tinh tiến: thuốc thế gian.

Tâm báu và có phúc,

Mà kia làm sao nói?

Làm sao các hữu tình,

Được tất cả hạnh phúc?

Vì phát tâm Bồ-đề,

Cúng dường chư Như Lai.

Mê ái lạc khoái lạc,

Là dụ cho oan khiên.

Xa lìa hay làm theo,

Đều do từ ý mình.

Nếu kia cầu khoái lạc,

Thì khổ não vô biên.

Chứa các hạnh phúc thiện,

Các khổ não tiêu trừ.

Phá hủy nhân mê hoặc,

Hay thay, sao không được?

Gần gũi thiện tri thức,

Cũng được phúc như vậy.

Làm lợi ích hồi hướng,

Kia ắt được ca ngợi.

Làm thiện không cầu lợi,

Gọi đó là Bồ-tát.

Nếu ai bố thí bữa ăn nhỏ,

Tu thiện cúng dường cho thế gian.

Thí cho lớn nhỏ như mòng muỗi,

Chúng cũng hạnh phúc được nửa ngày.

Làm sao đạt được như Năng Nhân,

Để độ vô biên hữu tình hết.

Hữu tình không hết như hư không,

Tất cả trí cầu tự viên mãn.

Phật tử tĩnh niệm mà tư duy,

Phiền não khởi sinh tâm tạo tác.

Thường sinh phiền não lại sinh nghi,

Phật bảo người này đọa địa ngục.

Phật tử nếu phát tâm Bồ-đề,

Diệt hết tội lớn được quả tốt.

Con nay quy mạng tâm Ma-ni,

Cứu độ hữu tình được an lạc.

Phẩm 2: TÂM BỒ-ĐỀ THÍ CÚNG DƯỜNG

( II. Pāpadeśanā )

Đoan nghiêm Ma-ni tâm cung kính,

Phụng cúng dường lên đức Như Lai.

Cùng với thanh tịnh diệu Pháp bảo,

Phật công đức hải lượng vô biên.

Thế gian có các loài hoa quý,

Cho đến quả ngon cùng thuốc thang,

Có các ngọc báu, nước tinh khiết,

Đều đem hoan hỷ mà cúng dường.

Đá quý trong núi và báu vật,

Rừng cây cho đến nơi tĩnh lặng,

Tràng hoa trang nghiêm, cây tươi tốt,

Kết quả sum sê nặng trĩu cành.

Nhân gian trên trời các thứ hương,

Cho đến kiếp thụ và bảo thụ,

Nước ao trong sạch và trang nghiêm,

Thiên nga chim trời hót tiếng hay,

Lúa má tự nhiên không gieo cấy,

Các thứ trang nghiêm đem cúng dường.

Sánh bằng hư không, lượng rộng lớn,

Tất cả mọi thứ đều thụ dụng.

Con nay xin nguyện dâng hiến hết,

Cúng dường tối thượng Phật Mâu-ni.

Vì con không bỏ tâm Đại bi,

Nhận lãnh cúng dường vật tối thượng.

Con do vô phúc chịu bần cùng,

Chẳng có chút gì đặc biệt cúng.

Con nay suy nghĩ vì tự tha,

Xin Phật nhận cho tùy lực thí.

Tự thân con thí tất cả Phật,

Đem tự thân biến khắp tất cả.

Gia bị con làm thượng hữu tình,

Hữu tình hằng thường Phật giáo hóa.

Con được Như Lai gia bị rồi,

Hóa lợi hữu tình không sợ hãi.

Quá khứ tội nghiệp đều lìa xa,

Vị lai các tội không tái phạm.

Ao Bảo quang minh thật vui thích,

Lọng trời trang nghiêm phụng chân như.

Nước trong thanh tịnh lại sáng loáng

Nhà tắm tráng lệ ngát hương thơm

Bình báu lớn chứa đầy nước thơm,

Lại cắm các thứ hoa thơm đẹp.

Tắm gội Như Lai thân vô cấu,

Con xin tán vịnh dâng ca nhạc,

Thanh tịnh hương xông thượng diệu y,

Và dùng lọng che tối thượng sắc.

Con nay dâng hiến thượng y phục,

Xin Phật từ bi nạp thụ cho.

Các thứ áo trời mềm mại đẹp,

Trang nghiêm vi diệu và tối thượng,

Cúng dường Như Lai và Phổ Hiền

Cùng với Văn-thù Quán Tự Tại.

[ Từ đây trở xuống có 53 kệ và Phẩm Trì ( Bodhicittaparigraha )

32 kệ, Phẩm Bất phóng dật (Bodhicittapramāda ) 49 kệ ]

Phẩm 3: HỘ GIỚI

( V. Samprajanyarakṣaṇa )

Trì giới là giữ tâm, Giữ cho thật kiên cố.

Tâm mà không giữ được,

Thì làm sao giữ giới?

Như voi say không trị,

Không lo sợ khổ đau.

Buông thả như voi say,

Sẽ vào A-tì ngục.

Nhớ thường nắm giữ dây,

Trói cột tâm voi lại,

Thì không sợ buông lung,

Được tất cả an lạc.

Nếu buộc được một tâm,

Tất cả đều buộc được.

Nếu hàng phục một tâm,

Tất cả tự hàng phục.

Sư tử gấu cọp sói,

Và Dạ-xoa La-sát,

Với lính canh địa ngục,

Thảy đều là kẻ oán.

Nếu sợ tất cả oán,

Vô lượng khổ não tụ.

Đều do tâm mà ra,

Phật Thế Tôn đã nói.

Địa ngục các thứ khổ,

Như là hoàn sắt nóng.

Ai làm, cái gì sinh?

Tham sân si mà có.

Do chúng các tội tâm.

Phật sinh nơi thế gian,

Ba cõi tâm tịch diệt,

Cho nên không sợ hãi.

Nếu xưa tu bố thí,

Thì đời nay không nghèo.

Nay nghèo chớ phiền muộn,

Quá khứ làm sao hối?

Nếu ai có chút tâm,

Tu Đàn Ba-la-mật,

Cho nên nói quả báo,

Đồng tất cả bố thí.

Nếu người tâm trì giới,

Ghét ai mà sát hại,

Tâm giận là oan gia,

Giết hết như hư không.

Đại địa rộng vô biên,

Da nào phủ cho hết.

Chút ít da làm dép,

Đi đâu che đến đó.

Tính ngoại ngã cũng vậy,

Nếu có khuyên bảo ai,

Chỉ khuyên nơi tự tâm,

Ngoại ngã tự nhiên ẩn.

Thân nghèo mà không phúc,

Quả kia cùng đi theo.

Nếu tâm thí một áo,

Cảm quả và tăng phúc.

Nếu tu trì các hạnh,

Tâm niệm hằng không bỏ.

Tất cả không vụ lợi,

Dối giả phải lìa xa.

Tất cả tâm tài pháp,

Phải kín đáo quán sát.

Lìa khổ được an vui,

Kia được siêu thế gian.

Con làm sao tu hành?

Tu hành chỉ giữ tâm.

Cho nên con quán tâm,

Thường xuyên mà gìn giữ.

Như khỉ thăm vết thương,

Nhất tâm mà chăm sóc.

Con người ác như vậy,

Thường xuyên giữ lấy tâm.

Sợ vết thương khổ não,

Nhất tâm con thường hộ.

Phá hoại sự hòa hợp,

Vết thương tâm không sợ,

Thường hành động như thế,

Không làm việc người ác.

Không làm người phạm tội,

Thì tự nhiên không sợ.

Con muốn suốt cuộc đời,

Làm lợi hạnh cúng dường.

Mỗi mỗi thân mạng hết,

Thiện tâm không thoái lui.

Con muốn giữ gìn tâm,

Nay thành kính chuyên làm.

Ở trong mỗi tâm niệm,

Tất cả phương tiện hộ.

Ví như người bệnh nặng,

Không chịu nổi các thứ,

Tâm tán loạn cũng vậy,

Không làm được sự nghiệp.

Tâm tán loạn không định,

Nghe suy nghĩ quan sát,

Như đồ đựng bị lủng,

Không thể chứa được nước.

Bởi vì người nghe nhiều,

Mà với phương tiện tin,

Lầm lỗi tâm bất định,

Bị tội không tĩnh lặng.

Vì tâm không quyết định,

Mê lầm bị giặc bắt.

Có bao nhiêu phúc thiện,

Rơi mất nơi chỗ ác.

Các giặc cướp phiền não,

Bị ma ám tung hoành.

Do Ma-la phát khởi,

Phá hoại sinh mạng thiện.

Giữ gìn ý căn môn,

Ác không thể lôi kéo,

Nghĩ khổ não tội kia,

Lần lượt được an trụ.

Hay thay! Theo thầy dạy,

Mà được thiện niệm sinh.

Vâng theo lời thầy dạy,

Phải nhất tâm cung cấp.

Với chư Phật Bồ-tát,

Sát-na tâm quyết định.

Phải sợ sệt nghĩ nhớ

Trước vẻ mặt từ ái.

Tâm bụi bặm bất định,

Là đi không trở lại.

Nếu biết giữ ý môn,

Định trụ không tán loạn.

Con nay giữ tâm này,

Thường xuyên trụ như vậy.

Ví như cây không rễ,

Không sinh nhánh lá xấu.

Mắt quan sát sắc tướng,

Biết hư giả không thật.

Thường quán kỹ mọi vật,

Cho nên không đắm trước.

Do thấy mà quan sát,

Quan sát khiến không lầm.

Khi đã quan sát rồi,

Không sợ vì thiện đến.

Muốn đi không biết đường,

Trông 4 phương mà sợ.

Quyết định phương hướng rồi,

Quán tâm hành cũng vậy.

Người trí khi khởi hành,

Suy nghĩ trước và sau,

Là tốt hay là xấu,

Như vậy việc không hỏng.

Không trụ nơi thân này,

Lìa thân thì làm sao?

Làm sao trụ thân này

Mà phải quán trung gian?

Quán nội tâm cũng vậy,

Phải dùng các phương tiện.

Lấy pháp làm trụ cột,

Buộc vào không cho thoát.

Phải dùng ý như vậy

Quán cái ngã ở đâu.

Các thức đều như vậy,

Giữ khiến trụ sát-na.

Nếu sợ nhân nghiệp lực,

Hướng tìm cầu an lạc,

Thì tu Thí và Giới,

Cho đến được đại xả.

Nếu tu nhân Bồ-đề,

Không tư duy nào khác,

Một mực tu tự tâm,

Khởi kiến giải như vậy.

Tu các thiện như vậy,

Không khởi tâm sợ hãi,

Khiến cho các phiền não,

Quyết định không tăng trưởng.

Các thứ chính ngôn thuyết,

Có rất nhiều kiến giải.

Quán sát xem hiểu rõ,

Phá lưới nghi đắc quả.

Như cỏ dại bị cắt,

Niệm Phật, giới nhẫn được.

Sát-na tu hạnh này,

Đạt được quả thù thắng.

Muốn nơi các chính thuyết

Thảy đều được thông suốt,

Phải quán chiếu tự tâm,

Thường tu hành tinh tiến.

Như cây cỏ vô tình,

Không nói năng tạo tác.

Thấy tự tâm cũng vậy,

Quyết định khiến như thế.

Nếu tâm khởi khinh mạn,

Thì như người mê say,

Chỉ cầu khen ngợi mình,

Chẳng phải kẻ tu hành.

Nếu ai đối với ta

Mà sinh tâm phỉ báng,

Thì đó là sân si,

Trụ tâm như cây gỗ.

Cây gỗ không phân biệt,

Nào lợi dưỡng, tôn ti,

Cũng chẳng là quyến thuộc,

Cho đến là thừa sự.

Lợi tha không tự lợi,

Chỉ muốn vì tất cả,

Cho nên nói tâm mình,

Trụ vững như cây gỗ.

Nhất tâm trụ như gỗ,

Với bà con bạn bè,

Cho đến với 3 nghiệp,

Không sinh yêu ghét sợ.

Quán sát nơi phiền não,

Như hư không, không chấp.

Phải dũng mãnh kiên cường,

Thường xuyên mà thụ trì.

Không thiện nào thẹn, sợ,

Nhất tâm cầu cho được.

Thanh tịnh trụ Tam-muội,

Thì được người tôn trọng.

Dù địa vị ấu thơ,

Không làm ai buồn giận.

Tự mình không giận ai,

Từ bi hằng như thế.

Con thụ trì Thiền-na,

Khiến ý hằng tĩnh lặng.

Vì tất cả hữu tình,

Hằng ở nơi vô tội.

Niệm niệm từng giây lát,

Đa thời là tối thắng.

Như vậy tâm thụ trì,

Bất động như Tu-di.

Diều hâu tham ăn thịt,

Người tham thiện cũng vậy.

Thân tâm không tu hành,

Làm sao được xuất ly?

Làm sao giữ thân ý,

Trong mọi thời siêng năng.

Các người làm việc gì,

Đều phải tâm chuyên nhất.

Ngu mê không tự chế,

Vọng tham như thân gỗ.

Thân này do bất tịnh,

Làm sao lại luyến ái?

Xương cốt thịt liên kết,

Ngoài trang trí lớp da.

Tự biết khiến không tham,

Giải thoát bằng gươm tuệ.

Cắt đứt các thân phần,

Cho thấy trong tinh tủy.

Quan sát kỹ tư duy

Làm sao thấy có người?

Nhất tâm quán như vậy,

Xét kỹ chẳng thấy người.

Làm sao thân bất tịnh,

Mà tham ái giữ gìn?

Trong thai ăn bất tịnh,

Sinh ra uống máu sữa.

Không ăn uống như vậy,

Làm sao tạo thân này?

Báo, diều giống tham ăn

Không phân biệt thiện ác.

Như người tham ái thân

Thụ dụng thành nghiệp quả.

Chỉ giữ thân như vậy

Đến chết không từ, nhẫn,

Với báo, diều không khác.

Người sao làm như thế?

Thân chết thức không ở,

Áo cơm đâu giữ lại?

Thân chết thức ra đi,

Làm sao tham thụ dụng?

Cho nên nay tác ý

Không tham việc như vậy.

Như vậy không xa lìa,

Bị các bất thiện kia.

Tựa như thân con người,

Chi thể cầu thành tựu.

Thụ thân, trí không tăng,

Trở lại chịu khốn đốn.

Ở đời thân không thân,

Mặt nên thường vui vẻ.

Như vậy thường tự chế,

Tâm niệm hằng không bỏ.

Cười không nên lớn tiếng,

Không giỡn ném đệm ngồi,

Nhẹ tay đánh người khác,

Đức tin hằng tự giữ.

Như kẻ trộm, mèo, cò,

Đi không nghe tiếng động.

Tu tâm cũng như vậy,

Phải lìa các thô động.

Điều gì người không ưa,

Không nghĩa lợi không nói.

Hằng được các đệ tử,

Ngưỡng vọng mà yêu kính.

Tất cả điều nói ra,

Nghe rồi khiến xưng thiện.

Vui làm các việc phúc,

Khen ngợi khiến hoan hỷ.

Trung thật nói đức kia,

Người nghe tâm ắt vui.

Khi muốn khen ngợi kia,

Trước hãy xem đức hạnh.

Tu các việc hoan hỷ,

Khó được kia thành tâm.

Siêng tu đức lợi tha,

Sẽ được báo an lạc.

Yêu ghét khổ nên bỏ,

Vì khổ lớn kiếp sau.

Khổ này ta không trụ,

Kiếp sau an vui lớn.

Lời thiện, tiếng nhỏ nhẹ,

Tâm bi nghe sinh vui.

Làm cho người vừa ý,

Sẽ tin lời chân thật.

Hằng nghĩ thương hữu tình,

Yêu hộ như đôi mắt.

Vì người trụ chân thật

Ắt sẽ được thành Phật.

Kia chân thật được thành,

Đều được lợi bè bạn.

Sát-na tu công đức,

Lìa khổ an vui lớn.

Công đức ân cần tu,

Hằng làm thì tự được.

Không khoe, không che giấu,

Ai nói các việc đó,

Đàn Ba-la-mật v.v…

Là thù diệu tối thượng?

Biệt hành phi tối thượng,

Lợi hạ không viễn ly.

Phật lợi tha như vậy,

Hằng thường rất tha thiết.

Thầy 3 cõi nhập diệt,

Người xuất gia phân biệt,

Ăn có đúng không đúng,

Nào không rời 3 y.

Toan cầu thân diệu pháp,

Không khổ não chúng sinh.

Với chúng sinh như vậy,

Tùy ý được đầy đủ.

Xả phi phải đến cùng,

Xả ấy phải bình đẳng.

Tâm bi thường thanh tịnh,

Quả báo tự viên mãn.

Tâm tịnh và trọng pháp,

Không cầm các binh khí,

Không cầm lọng che đầu,

Không các điều khinh mạn.

Là người nam người nữ,

Nói pháp thật rộng sâu.

Không phân người hơn kém,

Khiến chúng đều bình đẳng.

Pháp mà không rộng lớn,

Và làm điều phi pháp,

Tránh xa không kính lễ,

Ưa nói về Đại thừa.

Tăm xỉa răng, nước bọt,

Không nhổ bỏ nơi sạch.

Nơi nước sạch nhà sạch,

Không được đại tiểu tiện.

Ăn không ngoạm đầy miệng,

Cũng không nhai ra tiếng.

Khi ăn không nói chuyện,

Cũng không mở miệng lớn.

Ngồi không được rung chân,

Đi cũng không huơi tay.

Không đi xe cùng gái,

Cũng không cùng ngồi nằm.

Những điều trái luật nghi,

Người thấy sẽ không thích.

Mọi người đã trông thấy,

Xa lìa không tôn kính.

Nếu có ai hỏi đường,

Không dùng một tay chỉ.

Phải đưa cả 2 tay

Chỉ đường người đi đến.

Phàm trong khi đi bộ,

Không hoai tay nói chuyện,

Cũng chớ nên búng tay,

Giữ oai nghi như vậy.

Dù thầy đã diệt độ,

Phải học 4 oai nghi,

Giữ giới hạnh không bỏ,

Chắc chắn được Thánh quả.

Bồ-tát hạnh vô biên,

Giáo hóa cũng vô lượng,

Phải dùng tâm thanh tịnh,

Mà quyết định phụng hành.

Trong một ngày một đêm,

Chia ngày ba đêm ba,

Hành đạo khắp sám hối,

Trụ tâm Phật Bồ-đề.

Mình trụ tâm Bồ-đề,

Cũng khiến người đạt được.

Phật tử trụ học giới,

Nhất tâm giữ như vậy.

Phật giới thể thanh tịnh,

Chẳng thấy có mảy may.

Hằng làm hạnh như vậy,

Phúc kia không thể lường.

Vô thủy làm hữu tình,

Hằng làm mà không khác.

Là hữu tình như vậy,

Hóa tất cả giác ngộ.

Phải biết thiện tri thức,

Như mạng không thể bỏ.

Bồ-tát giới tối thượng,

Pháp Đại thừa cũng vậy.

Giải thoát nương thầy học,

Mà được sinh cát tường.

Phật Phật nói trí kinh,

Đọc kinh thấy giới pháp.

Nếu ai tâm hộ giới,

Thực hành ắt đã thấy.

Hoặc thân vị tâm vị

Phải vi tế quán sát.

Miệng tụng thân không hành,

Thì nào có được chi?

Ví như người bệnh nặng,

Chỉ nói thuốc men suông.

Trong Kinh Hư Không Tạng,

Nói Mô-la-ba-để,

Nếu thấy tập giới định,

Rộng như trong kinh nói,

Thánh Long Thụ Bồ-tát

Nhất tâm tập hợp lại.

Tùy có ở nơi nào,

Khuyên hằng kính cúng dường.

(QUYỂN 1 HẾT)

Pages: 1 2 3 4