LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM
Long Mãnh Bồ-tát tạo
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Bài tụng LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM

Sai biệt 12 chi,

Năng Nhân nói duyên sinh.

Phiền não, nghiệp, và khổ,

Trong 3 đều gồm thâu.

Trước 89 phiền não,

2 và 10 là nghiệp.

Còn 7 tập là khổ.

12 chỉ gồm 3.

Từ 3 sinh ra 2.

Từ 2 sinh ra 7.

1 lại sinh ra 3.

Đây hữu , số luân chuyển.

Các nẻo chỉ nhân quả,

Trong dó không chúng sinh.

Chỉ từ nơi không pháp,

Lại sinh nơi không pháp.

Tụng, đèn, kính và ấn,

Hỏa tinh chủng mai thanh.

Các uẩn kết nối nhau,

Người trí phải quán sát.

Với sự rất vi tế,

Nếu thấy có đoạn thì

Kia nhân duyên bất thiện,

Chưa thấy nghĩa duyên sinh.

Trong đây không thể thấy,

Cũng không chút an lập.

Lấy chân mà quán chân,

Thấy chân mà giải thoát.

Giải thích LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM

Trong đây có Sa-môn thích học hỏi, khéo ghi nhớ hành trì, hiểu ngộ, quán sát và biết lựa trừ bỏ chỗ phiền toái chọn lấy chỗ giản dị.

Một hôm vị ấy đến chỗ yết kiến Đức Phật, đem giáo pháp của Như Lai hỏi như thế này:

Thưa Đức Bạc-già-phạm! Phân biệt 12 chi Năng Nhân nói duyên sinh. Vậy chúng thâu nhiếp ở đâu, nay con muốn được nghe?

Phật biết Sa-môn kia không rõ 12 pháp duyên sinh nên muốn hỏi chân nghĩa, liền bảo rằng: Phiền não, nghiệp, và khổ trong 3 thứ đều bao gồm hết. Phân biệt theo kinh điển mà nói, trong đây có 10 và 2 nên gọi là 12 chi tức sai biệt cho nên nói là sai biệt. Như các chi phần của một cỗ xe, nên gọi là chi.

Vắng lặng thân khẩu nên gọi là Năng Nhân nói. Năng Nhân nói, là giải thích rõ ràng nên có các tên khác. Pháp 12 duyên sinh chẳng phải phát xuất từ tự tính mà quyết định ở con người cá biệt. Khi con người chìm đắm vào cảnh giới hư giả thì tự nhiên tùy theo dục vọng mà sinh khổ. Hoặc nhân chợt gặp thì sinh khởi. Đó là nhân duyên sinh.

Pháp sai biệt của 12 chi này, trong phiền não, nghiệp, và khổ nương tựa vào nhau giống như lấy tay bó một bó lau. Phiền não, nghiệp, và khổ đều bao gồm hết thảy 12 pháp duyên sinh . Nói hết thảy nghĩa là không còn sót.

Hỏi: Thế nào là phiền não? Thế nào là nghiệp? Thế nào là khổ? Các pháp sai biệt này thâu nhiếp như thế nào?

Đáp: Trước tiên 8, 9 phiền não. Pháp 12 chi sai biệt ban đầu là vô minh, thứ 8 là ái, thứ 9 là thủ. 3 pháp này thâu nhiếp trong phiền não.

Thế nào là nghiệp?

2 và 10 là nghiệp. 2 là hành. 10 là hữu. 2 pháp này gồm thâu trong nghiệp.

Ngoài ra 7 thứ còn lại đều là khổ. Nghĩa là ngoài những thứ thâu nhiếp trong nghiệp và phiền não, 7 thứ còn lại là khổ. Đó là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, sinh, và lão tử. Nói đều là tức lời nói bao gồm, như bao gồm nỗi khổ yêu thương chia lìa, oán ghét gặp gỡ, mong cầu chẳng được. Cho nên pháp 12 chi này trong khổ phiền não đều thâu nhiếp hết. Nói duy chỉ là nghĩa ngăn chận. Là pháp nói trong kinh đều thâu nhiếp hết trong đây không sót.

Hỏi: Nghĩa này đã biết, còn phiền não, nghiệp, và khổ kia tương sinh như thế nào xin vì giải thuyết.

Đáp: Từ 3 sinh nơi 2 là từ 3 phiền não sinh nơi 2 nghiệp. Từ 2 sinh nơi 7 là như trên đã nói các pháp khổ.. 7 sinh nơi 3 là các phiền não. Lại từ 3 phiền não sinh nơi 2 nghiệp. Hữu này chuyển vần hư bánh xe quay. Nói hữu là có 3 thứ là Dục, Sắc, và Vô sắc. Trong đó lưu chuyển không dứt. Chúng sinh trong thế gian tự trôi nổi lưu chuyển. Nói này, là hiển thị nghĩa bất định chứ không phải như lưu chuyển lần lượt sinh vào các hữu. Điều này là bất định.

Hỏi: Thế nào là thân chúng sinh tự tại? Thân tự tại đó có tác dụng như thế nào?

Đáp: Các nẻo thú như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, trừ ngoài giả danh chỉ có nhân quả. Trong tất cả các thú cũng không có chúng sinh. Đó là ý nghĩa chân thật. Cũng không phải sau khi an lập giả danh rồi thì có hữu. Giả lập tạo thành chỉ là cảnh giới, không thể thành thật vật.

Hỏi: Nếu như vậy, ai là người từ thế gian này đến thế gian khác?

Đáp: Không có các pháp cực vi từ thế giới này di chuyển đến thế giới khác. Tuy nhiên chỉ có từ nơi pháp không trở lai sinh nơi pháp không, từ không có ngã, ngã sở, nghiệp phiền não, 5 thứ nhân của không trở lại sinh không không có ngã ngã sở và pháp của 7 thứ quả khổ. Trong 7 thứ pháp khổ đó không có ngã, không có ngã sở. Do đó trong pháp khổ đó không có pháp hữu hình nào nắm được cái không có ngã, không có ngã sở. Tất cả pháp đều từ tự tính pháp vô ngã. Từ trong tự tính pháp vô ngã trở lại sinh tự tính pháp vô ngã. Nên biết như vậy và nói cho người khác như vậy.

Hỏi: Từ pháp tự tính vô ngã trở lại sinh pháp tự tính vô ngã có gì làm ví dụ?

Đáp: Như trong kệ tụng nói sự tụng kinh, ngon đèn, gương, ấn, hỏa tinh, hạt, mai chua, âm thanh là những ví dụ. Như Lai dùng các ví dụ này xác lập tự tính vô ngã pháp, và sự thành tựu đời khác cũng là tự tính vô ngã pháp. Điểm này phải được hiểu rõ.

Ví như thầy tụng kinh, nếu chuyển đến đệ tử thì sau thầy không có ngôn thuyết cho nên không đến đệ tử. Người đệ tử tụng cũng không do từ đâu được. Thành ra giữa 2 cái, không có liên hệ nhân quả. Tâm thức của người khi lâm chung với thầy tụng kinh cũng vậy. Bởi thành, thường, là lỗi, do đó không thể di chuyển sang đời khác. Đời khác cũng không từ đâu được, thành không có nhân quả. Cho nên như thầy tụng với đệ tử tụng, tức kia khác với kia không thay thế cho nhau. Cũng như vậy, từ ngọn đèn sinh ngọn đèn, dựa vào tượng có hình tượng, hình ảnh hiện trong gương, từ con dấu in thành chữ, từ hỏa tinh ( chỉ mặt trời: người dịch chú ) phát ra lửa, từ hạt sinh mầm, từ mai chua sinh nước dãi, từ âm thanh phát ra tiếng vang, tức kia khác kia không âthy thế cho nhau được. Như vậy, người có trí phải biết các uẩn nối kết nhau không di chuyển. Nói uẩn tức sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Nói nối kết nhau liên tục là diệt rồi từ cái nhân đó sinh các cái khác. Không có một pháp cực vi nào từ đời này di chuyển sang đời khác. Cho nên lưu chuyển là từ tập khí của hư vọng phân biệt sinh. Trong kệ tụng nói “ phải ” tức là phải quán ngược lại, phải quán các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã thì đối sự sẽ không ngu mê. Không ngu mê thì không tham, không tham thì sân không sinh, nếu không sân thì không có nghiệp, nếu không có nghiệp thì không chấp lấy, nếu không chấp lấy thì không tạo hậu hữu, nếu không có hữu thì không sinh, nếu không sinh thì thân tâm không sinh khổ. Như vậy không nhóm họp 5 thứ nhân thì không sinh quả ở các nơi khác. Đó chính là quả giải thoát, dứt trừ các ác kiến đoạn thường. Ở đây có 2 bài tụng có thể dùng để tổng kết:

Với sự rất vi tế,

Nếu thấy có đoạn thì

Kia nhân duyên bất thiện,

Chưa thấy nghĩa duyên sinh.

Trong đây không thể thấy,

Cũng không chút an lập.

Lấy chân mà quán chân,

Thấy chân mà giải thoát./.

(HẾT)