LUẬN LẬP THẾ A TÌ ĐÀM
(Phật nói Luận A-tì-đàm về sự thành lập thế giới)
Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: ĐỊA ĐỘNG

Như Phật Bà-già-bà và A-la-hán nói:

Tôi nghe như vầy, một thời Phật Thế Tôn ở đại thành Xá-vệ, tinh xá Tì-xá-khư Ưu-bà-di Lộc tử mẫu, nơi lầu gác Hoa Sen, cùng chúng Đại Tì-kheo, tất cả là A-la-hán đã hết các lậu đạt được tự lợi, hết các kết tâm được tự tại, việc làm đã xong, đã xả bỏ gánh nặng, chính trí giải thoát, chỉ trừ A-nan.

Bấy giờ cả cõi đất chấn động, lúc đó Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử đang ở trong đại chúng liền từ tòa ngồi đứng dậy trịch vai áo bên phải, đầu gối phải chấm đất chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Phật bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì đại địa chấn động ?

Phật bảo Tì-kheo Phú-lâu-na: Nay ông hãy nhất tâm nghe kỹ suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt giải thích.

Có 2 nhân duyên khiến đại địa chấn động. Những gì là hai ?

Tì-kheo ! Đó là địa giới trụ trên thủy giới, là thủy giới trụ trên phong giới, là phong giới trụ nơi không giới.

Tì-kheo ! Có khi đại phong thổi động thủy giới. Khi thủy giới động, tức động địa giới. Đó là một nhân duyên nên đại địa động.

Tì-kheo ! Lại có chư thiên có thần thông oai đức lớn, nếu muốn chấn động đại địa tức có thể khiến động. Nếu các Tì-kheo có đại thần thông và đại oai đức quán địa tướng khiến nhỏ, thủy tướng khiến lớn, muốn khiến địa động cũng có thể làm chấn động. Đó là nguyên nhân thứ hai, cho nên khiến địa động.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này, nói kệ rằng:

Thủy giới làm phong động,

Địa động do thủy động,

Là một nhân duyên động.

Là thật như có nói

Chư thiên và Tì-kheo

Đại oai thần làm động.

Là hai nguyên nhân động.

Để điều phục người ác.

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử: Có ngọn gió tên Tì-lam-bà. Gió này thường thổi đều động không ngừng. Sức gió đi lên, có gió thổi xuống, có gió động vòng quanh. Gió ấy bình đẳng chuyển đều đặn chi trì lẫn nhau, dày 9 ức 6 vạn do-tuần, rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần, giáp vòng 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần. Ranh giới bên trên phong giới này là thủy giới. Thủy giới trên dưới đều hoàn toàn an trụ đứng yên không tràn tán loạn, dày 4 ức 8 vạn do-tuần, rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần, giáp vòng 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần. Ranh giới bên trên thủy giới này là địa giới. Ranh giới trên dưới đều hoàn toàn an trụ bất động, dày 2 ức 4 vạn do-tuần, rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần, giáp vòng 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần.

Phật Thế Tôn nói: Tì-kheo ! Có đại địa ngục tên là Hắc ám. Mỗi mỗi thế giới bên ngoài đều không bao che. Chúng sinh trong đó đưa tay lên xem cũng không trông thấy. Tuy có mặt trời mặt trăng có sức chiếu sáng cũng không chiếu sáng được sắc nơi đó. Phật nói: Như vậy địa ngục Hắc ám trụ ở nơi đâu ? Hai thế giới có ngoại biên là thiết luân, gọi là ngoại giới là địa ngục lạnh: một tên Át-phù-đà, hai tên Niết-phù-đà, ba tên A-ba-ba, bốn tên A-tra-tra, năm tên Ưuhống-hống, sáu tên Uất-ba-lũ, bảy tên Câu-vật-đầu, tám tên Tô-kiệnđà-cố, chín tên Phân-đà-lợi-cố, mười tên Ba-đầu-ma.

Phật bảo Phú-lâu-na v.v… các Tì-kheo: Như nước Ma-giàđà lượng bằng 10 Bà-ha-ma, 1 Bà-ha-ma bằng 20 Khư-lợi. Có một lượng mè như vậy dồn vào một nơi, giả sử có một người hết 1 trăm năm đến lấy đi một hạt.

Tì-kheo ! Đống mè ấy còn dễ hết, mà ta còn chưa nói hết thọ mạng ở địa ngục Át-phù-đà.

Gấp 10 lần địa ngục Át-phù-đà là thọ lượng của Niết-phù-đà. Gấp 10 lần địa ngục Niết-phù-đà là thọ lượng của A-ba-ba, cho đến địa ngục Ba-đầu-ma cũng như vậy.

Tì-kheo ! Tì-kheo Cù-đà-li đối với Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên sinh ác tâm bất tín, do ác tâm ấy đọa địa ngục Ba-đầu-ma.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ rằng:

Là người ở thế gian,

Như búa sinh trong miệng.

Do nói lời ác mà

Lấy búa tự chém thân.

Đáng trách mà lại khen,

Đáng khen lại chê trách,

Khẩu nghiệp nên bị suy,

Suy nên không thụ lạc.

Nếu kỷ xá thất tài,

Tận vật và tự thân,

Người ấy tội còn nhẹ.

Nếu với Tu-già-đà

Sinh ác tâm không tin,

Thì tội nặng hơn kia.

Trăm ngàn Niết-phù-đà,

Át-phù-đà 3 ức,

Sáu vạn và 5 ngàn,

Nếu phỉ báng thánh nhân.

Tạo ác khẩu ác tâm,

Như lượng đọa địa ngục.

Tì-kheo Cù-già-li

Đọa ngục Ba-đầu-ma.

Phỉ báng Đại Thanh

Văn Xá-lợi và Mục-liên.

Trong đó chúng sinh bàng hành, tưởng hướng thượng. Giống như con tắc kè hằng bò quanh ngoài bìa Thiết luân. Thân lượng đó như Át-đa-đại do chạm gió lạnh thân bị nứt nẻ. Ví như trái dưa chín, như rừng tre bị lửa cháy tiếng nổ lốp bốp. Cũng như vậy chúng sinh bị chạm gió lạnh nứt xương, tiếng nứt răng rắc nghe xa. Do nghe tiếng đó chúng biết có các chúng sinh thụ sinh trong đây. Hoặc khi đi lại chạm nhau. Do đụng chạm nhau mà được biết có các chúng sinh thụ sinh trong đây.

Bấy giờ chư Phật Thế Tôn xuất hiện ra đời, lúc đó ánh sáng lớn quá hơn sức đại oai thần của chư thiên chiếu khắp trong đó. Nhân ánh sáng này chúng được trông thấy nhau suy nghĩ rằng có các chúng sinh thụ sinh trong đây. Nếu có chúng sinh trong đây chết đi phần nhiều sinh nơi địa ngục băng lạnh này ở ngoài Thiết luân. Nếu các thế giới khác có chúng sinh chết đi sinh vào địa ngục băng lạnh, phần nhiều các thế giới kia sinh ở ngoài Thiết luân, trung gian giữa 2 thế giới là nơi rất hẹp 8 vạn do-tuần, dưới không đáy trên không bao che, chổ rộng nhất là 16 vạn do-tuần.

Bấy giờ Tịnh mạng A-nan đang ở trong đại chúng liền từ tòa ngồi đứng dậy trịch vai áo bên phải , gối phải chấm đất chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Phật bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Con từ khi theo Thế Tôn được nghe pháp cú này, con từ miệng Thế Tôn thụ trì chính nghĩa này:

Quá khứ có Phật tên Thi-khí, lúc ấy có một Đệ tử thần thông lớn thứ nhất tên là A-tì hống. Vị Tì-kheo an tọa trong Tứ thiền Phạm xứ dùng ánh sáng của một ngón tay chiếu khắp một ngàn thế giới, bằng một âm thanh thuyết pháp một ngàn thế giới đều hiểu rõ chính nghĩa.

Thế Tôn ! Đệ tử chư Phật oai thần còn như vậy. Chư Như Lai thì lượng ấy như thế nào ?

A-nan hỏi xong, Phật liền đáp:

A-nan ! Tì-kheo A-tì hống này là địa vị Đệ tử. Còn ở địa vị chư Phật Thế Tôn thì không thể suy lường.

Thứ hai, Tịnh mạng A-nan lại bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Con từ khi theo Thế Tôn được nghe pháp cú này, con từ miệng Thế Tôn thụ trì chính nghĩa này:

Quá khứ có Phật tên Thi-khí, lúc ấy có một Đệ tử thần thông lớn thứ nhất tên là A-tì hống. Vị Tì-kheo an tọa trong Tứ thiền Phạm xứ dùng ánh sáng của một ngón tay chiếu khắp một ngàn thế giới, bằng một âm thanh thuyết pháp một ngàn thế giới đều hiểu rõ chính nghĩa.

Thế Tôn ! Đệ tử chư Phật oai thần còn như vậy. Chư Như Lai thì lượng ấy như vậy nào ?

A-nan hỏi xong, Phật liền đáp:

A-nan ! Tì-kheo A-tì hống này là địa vị Đệ tử. Còn ở địa vị chư Phật Thế Tôn thì không thể suy lường. Cho đến hỏi lần thứ ba Phật cũng đáp như vậy.

Đến lần hỏi thứ tư xong, bấy giờ Phật bảo A-nan:

Nếu ở nơi có một mặt trời mặt trăng đi giáp một vòng gọi là một thế giới. Từ một đến một ngàn, trong đó có một ngàn mặt trời mặt trăng, một ngàn núi chúa Tu-di, một ngàn Tứ đại Thiên vương, một ngàn trời Đao-lợi, một ngàn trời Dạ-ma, một ngàn trời Đâu-suấtđà, một ngàn trời Hóa Lạc, một ngàn trời Tha Hóa Tự Tại, một ngàn trời Phạm Phụ, một ngàn trời Phạm Chúng, nơi đây Đại Phạm vương là chủ của một ngàn thế giới. Vua thống lãnh tự tại không lệ thuộc vào ai khác, biết thành việc khác, Sơ thiền thượng thượng phẩm nên được tự tại. Đại Phạm Thiên vương trụ ở nơi đó được gọi là đệ nhất.

A-nan ! Nơi Phạm vương thống lãnh có 4 ngàn đại châu, 4 ngàn đại thụ, 4 ngàn đại long cung, 4 ngàn chỗ ở của kim súy điểu vương, 7 ngàn sông lớn, 9 ngàn núi lớn, 8 ngàn rừng lớn, 8 ngàn địa ngục lớn, một ngàn địa ngục của vua Diêm-la, 2 ngàn biển lớn, 16 ngàn vườn địa ngục, gọi là một Tiểu Thiên thế giới.

Lại nữa, gấp một ngàn lần là một Trung Thiên thế giới. Lại nữa, gấp một ngàn lần là một Đại Thiên thế giới.

A-nan ! Nếu Như Lai tác ý muốn chiếu sáng muốn thuyết pháp, thì ánh sáng chiếu khắp Đại Thiên thế giới mà thuyết pháp tất cả đều hiểu. Nếu lại muốn quá Đại Thiên thế giới thì tùy ý Như Lai, chúng sinh trong đó không ai không thấy nghe phóng quang thuyết pháp.

A-nan ! Nếu Như Lai muốn phóng quang thuyết pháp, ngồi ở nơi A-ca-ni-tra Thiên Phạm, hoặc Đại Thiên hoặc quá Đại Thiên, ánh sáng chiếu khắp dùng 8 phần tiếng Phạn thuyết pháp cú nghĩa, khắp cả được hiểu rõ.

A-nan ! Ánh sáng này của Như Lai và âm thanh thuyết pháp không chúng sinh nào không thấy không nghe. Khi ấy không có chúng sinh nào không đủ căn tính.

A-nan ! Như Lai ở trên trời A-ca-ni-tra nói âm thanh này, tuyên thuyết danh cú này:

Các ngươi thụ Phật dạy,

Khởi cung kính chính cần,

Quán tu ở trong đó,

Ra khỏi nạn 3 cõi.

Trừ diệt quân vua chết

Như voi phá nhà tranh.

Nếu trụ trong Phật pháp

Mà không khởi phóng dật,

Người ấy xả sinh tử,

Đến hết biên giới khổ.

Bấy giờ A-nan liền từ tòa ngồi đứng dậy trịch vai áo bên phải gối phải quỳ sát đất chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Phật bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Con nay hy hữu lợi dưỡng. Con nay khéo được lợi hy hữu. Con được đại sư đầy đủ thần thông oai đức rộng lớn.

Khi ấy Tịnh mạng tên Ưu-đà-di đang ở trong đại chúng cách Phật không xa. Tì-kheo Ưu-đà-di bảo A-nan rằng: Nếu đại sư của ông đủ các oai đức đại thần thông, ông được cái gì ? Bấy giờ Thế Tôn bảo Tì-kheo Ưu-đà-di:

Ông chớ nên tác ý trái với tâm của A-nan, nếu trước ta đã không thụ ký cho A-nan đời này được quả A-la-hán. Nhân tín tâm này sinh các nghiệp báo sẽ qua 36 lần làm vua trời Tha Hóa Tự Tại, cho đến qua 36 lần làm vua trời Đao-lợi, huống chi là Chuyển luân thánh vương, dòng vua Sát-lợi thụ chức quán đảnh, cho đến làm vua 4 Thiên hạ .

Ưu-đà-di ! Tì-kheo A-nan ta xưa đã thụ ký. Ta nói trong cõi Dục chúng sinh nhiều nhất là loài sinh trong nước. Loài sinh nơi đất thì ít. Những loài sinh nơi đất thì loài súc sinh nhiều, loài người ít. Trong loài người, hạng phá giới nhiều, hạng giữ giới ít. Trong hạng giữ giới thì phàm phu nhiều thánh đệ tử ít. Trong thánh đệ tử hạng hữu học nhiều hạng vô học ít. Trong hạng vô học giải thoát đúng kỳ nhiều phi thời giải thoát ít. Như vậy A-la-hán phi thời giải thoát, thế gian khó được. Ta thụ ký A-nan được như vậy.

Có các ngoại đạo nói rằng cõi đại địa này hằng đi mãi không ngừng nghỉ. Nên trả lời rằng điều đó không đúng. Nếu thật như vậy thì khi ta ném vật gì lên vật ấy phải rơi xuống phía sau.

Lại nữa các ngoại đạo nói rằng cõi đại địa này hằng rơi xuống phía dưới. Nên trả lời họ rằng điều đó không đúng. Nếu thật như vậy khi ta ném vật gì lên vật đó phải không rơi xuống đất.

Lại nữa các ngoại đạo nói rằng mặt trời mặt trăng tinh tú hằng trụ một chỗ bất di bất dịch. Đại địa tự chuyển thì nghi là trời xoay. Nên trả lời họ rằng điều đó không đúng. Nếu như vậy thì bắn không đến đích.

Lại nữa các ngoại đạo nói đại địa hằng nổi lên theo gió qua lại. Nên trả lời họ rằng điều đó không đúng. Nếu thật như vậy đất thường cùng động. Nếu không như vậy tướng đất như thế nào ? Đất trụ bất động. Tôi nghe chư Phật Thê Tôn đã nói nghĩa như vậy.

Phẩm 2: NAM DIÊM-PHÙ-ĐỀ

Phật bảo Tì-kheo có cây tên là Diêm-phù. Nhân tên cây đặt tên cõi đất là Châu Diêm-phù-đề. Cây này mọc ở vùng phía Bắc Diêm-phù-đề, bờ phía Nam sông Nê-dân-đà-la. Thân chính của cây này ở chính giữa châu. Từ thân chính, góc Đông Tây mỗi bên đều một ngàn do-tuần. Cây này sinh trưởng đầy đủ hình dáng đẹp đẽ nhánh lá che nhau dày kín, lá nhiều giữ lâu không rụng, gió mưa không thể xâm nhập.

Tì-kheo ! Ví như thợ kết tràng hoa trang sức tràng hoa và trang điểm hoa trên tai, hìnhf tướng cây ấy cũng đẹp đẽ như vậy. Bên trên như chiếc lọng hoa lần lượt che nhau cao một trăm do-tuần. Dưới gốc to thẳng không tì vết. Năm mươi do-tuần mới có nhánh lá. Đường kính thân cây rộng 5 do-tuần. Chu vi 15 do-tuần . Mỗi nhánh ngang ra 50 do-tuần. Quãng cách giữa khoảng một trăm do-tuần. Giáp vòng 3 trăm do-tuần. Quả chín ngon không gì bằng. Giống như mật ong ngon ngọt không biết chán. Quả lớn bằng cái chậu, hạt nhỏ, giống như hạt của trái Diêm-phù của thế gian, trên có hình chim chóc như hình của cung điện của khỉ, như voi lớn 60 tuổi. Đó là 2 giống chim thú thường ăn trái cây này. Nhánh phía Đông trái cây phần nhiều rơi xuống đất Diêm-phù-đề, ít rơi xuống nước. Nhánh phía Tây trái cây phần nhiều rơi xuống đất Diêm-phù-đề, ít rơi xuống nước. Nhánh phía Nam trái cây đều rơi xuống đất. Nhánh phía Bắc trái cây đều rơi xuống sông cho cá ăn. Rễ cây đều được cát vàng bao bọc. Vào mùa xuân khi mưa, phía dưới không thấm ướt. Mùa hè thì không nóng. Mùa đông không có gió lạnh. Dưới cây có Càn-thát-bà và thần Dược-xoa ở.

Những việc như vậy làm sao biết ?

Xưa ở thành Vương-xá có 2 Tì-kheo đủ sức thần thông cùng kết bạn với nhau, nghe Phật nói tướng cây Diêm-phù như vậy, 2 Tì-kheo cùng bảo nhau rằng: Chúng ta nên qua Diêm-phù đó xem. Rồi nói: Ta đi. Liền tới chỗ cây thấy trái cây chín rơi xuống đất tự vỡ ra. Một Tì-kheo cho tay vào lỗ cuống, đến tận cánh tay mà không tới hạt, bèn rút tay ra bị trái cây nhuộm đỏ cả cánh tay, giống như vấy nước chiên đàn đỏ. Quả cây ấy có mùi thơm nhiễm tâm người, bấy giờ Tì-kheo ấy dùng mũi ngửi mùi thơm của trái cây. Vị Tì-kheo thứ hai hỏi:

Ông có muốn ăn không ?

Trưởng lão ! Tôi không thích ăn. Việc này hy hữu không thể nghĩ bàn, là lìa dục kết rất rộng lớn. Bởi vì sao ? Nếu người chưa lìa dục ngửi mùi hương này liền sinh tâm khí mà phát điên cuồng. Có các ngoại đạo lìa dục nếu ngửi mùi hương này thì thoái lui mất địa vị ly dục.

Hai vị Tì-kheo ấy trở về thành Vương-xá thuật lại việc này. Lúc đó có một người tên là Trường Hĩnh vốn dòng vua chúa, họ Câu-lợi do quả báo nghiệp đời trước được thần thông. Người này có tướng mạo oai thần như thế này: Nếu đi trong nước, chân trước chưa xuống nước chân sau đã di chuyển. Nếu đi trên cỏ, tuy cỏ chưa rạp bước chân đã dời. Nếu đi trên lá cây, lá cây chưa xẹp xuống chân sau đã bước qua. Giày dép giẫm đi không gặp khó khăn trở ngại.

Người tên Trường Hĩnh này theo Phật được nghe cây Diêmphù này như vậy như vậy liền bạch Phật rằng:

Thế Tôn ! Con nay nếu đi sẽ đến được cây Diêm-phù chăng ?

Đáp: Đến được.

Người ấy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải 3 vòng, mặt hướng về phương Bắc từ đó mà đi. Đi qua các núi: một tên Tiểu hắc sơn, hai tên Đại hắc sơn, ba tên Đa mao ngưu sơn, bốn tên Nhật quang sơn, năm tên Ngân sơn, sáu tên Hương thủy sơn, bảy tên Kim biên sơn. Người nầy lên trên đỉnh núi Kim biên sơn quay mặt hướng Bắc, nhón mình nhìn ra xa chỉ thấy toàn tối tăm sợ hãi mà lui.

Phật hỏi: Ông đã đến cây Diêm-phù chưa?

Đáp: Chưa đến.

Phật hỏi: Ông đã thấy gì ?

Người nầy đáp: Chỉ thấy tối đen.

Phật bảo: Màu tối đen ấy, chính là cây Diêm-phù.

Người nầy lại đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải 3 vòng, rồi lại nhắm hướng Bắc mà đi. Lại đi qua 7 núi: một tên núi Chu-laca-la, hai tên núi Ma-kha-ca-la, ba tên núi Cù-hán, bốn tên núi Thủla, năm tên núi Khể-la, sáu tên núi Càn-đà, bảy tên núi Tu-bạt-cơ. Lại trải qua 6 nước lớn: một là nước Cưu-lưu, hai là nước Cao-lạp-tì, ba là nước Tì-đề-ha, bốn là nước Ma-ha Tì-đề-ha, năm là nước Uấtđa-la-mạn-đà, sáu là nước Sa-hi-ma-la-dã. Đây là tên của 6 nước lớn. Lại vượt qua 6 rừng cây lớn, giữa rừng có sông, qua khỏi 7 con sông lại qua rừng A-ma-la và rừng Ha-lê-lặc cho đến cành phía Nam của cây Diêm-phù-đề. Từ trên cành cây phía Nam đi đến cành cây phía Bắc người nầy cúi xuống dòm thấy phía dưới có tướng nước và khác với bình thường, rất trong trẻo thấu suốt tới đáy, không có một vật che chắn.

Người nầy trông thấy rồi liền nghĩ rằng: Ta có thần thông, nay ở xứ nầy có thể thành tựu chăng ? Nhân đó mới lội chân xuống nước, tay vịn cành cây. Khi chân tiếp nước liền chìm như đá. Đối với thần thông nầy không thể thành tựu. Đây là nước loại gì vậy ? Rất nhẹ rất dịu. Nếu lấy nước ấy đổ vào trong nước sông thì nổi trên mặt nước như bơ như dầu. Nếu lấy nước thông thường đổ vào nước ấy thì nước thường liền chìm như đá.

Người nầy hái lấy một quả nơi cây Diêm-phù rồi trở lại thành Vương-xá, dâng lên Thế Tôn. Phật nhận quả ấy rồi bẻ ra nhiều miếng đem cho đại chúng và nước của trái kia dính nơi tay Phật. Lúc ấy Phật lấy tay nầy đánh vào núi đá và cho đến nay màu đỏ ấy vẫn còn như xưa không khác, chỗ ướt cũng không khô và dấu tay còn thấy rõ. Nhân ngày xưa chia quả ấy ra nhiều mảnh vậy. Nhân xưa kia Phật đã chia trái cây ra từng miếng mà đá nầy có tên là Phiến phiến nham.

Lúc ấy Phật bảo Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp lấy trái cây Diêm-phùđề nầy đem cho Ca-diếp:

Ca-diếp ! Ngươi hãy ăn quả nầy.

Ca-diếp hỏi Phật: Sa-môn Đại Cù-đàm làm sao có quả nầy ?

Phật bảo Ca-diếp: Đây là quả của cây tên Diêm-phù.

Ca-diếp hỏi: Con không thể ăn quả nầy. Sa-môn chỉ tự lấy ăn. Lúc ấy chư thiên thần lại gửi quả Diêm-phù đến cúng dường Phật hoặc nơi thành Xá-vệ hoặc thành Vương-xá, nước Ca-tỳ-la-vệ v.v… Phật thụ nhận rồi, phân ra cho đại chúng. Các Tì-kheo khác ở nơi Diêm-phù trở lại nước nầy nói. Tỳ-kheo Mục-liên cũng từng qua đó, trở lại nơi nầy, lần lượt vì các Tì-kheo mà nói. Vì nhân duyên đó nên biết việc nầy.

Phẩm 3: SÁU NƯỚC LỚN

Ngoài cây Diêm-phù còn có 2 rừng, như hình bán nguyệt vây quanh cây nầy. Bên trong có rừng tên Kha-lê-lặc, ngoài tên là A-ma-lặc. Quả A-ma-lặc khi chín vị rất ngon, không cay, không đắng, ngọt như mật ong. Quả hình lớn nhỏ như 2 cái hộc. Hạt nầy như tự tính của hạt A-ma-lặc. Quả Kha-lê-lặc khi chín vị ngon, không cay, không đắng, như mật ong; quả hình lớn nhỏ. Gấp đôi quả trước, hạt lại cũng như vậy.

Ở phía Nam rừng A-ma-lặc lại có 7 cánh rừng khác, 7 con sông xen cách nhau. Rừng ở tận cùng phía Bắc tên Yêm-la, tiếp tên Diêmphù, thứ ba tên Ta-la; thứ tư tên Đa-la, thứ 5 tên rừng người, thứ 6 tên rừng thạch lựu, thứ 7 tên rừng Kiếp-tất-tha. Các quả này lúc chín thì không cay không đắng, ngọt như mật ong. Rừng người có quả giống như hình người, như loại người dòng vua chúa ở Diêm-phù, họ Câu-lê. Trang sức đẹp đẽ như khi trai 16 tuổi gái 15 tuổi đi lấy vợ lấy chồng vậy. Quả của rừng người cũng khả ái như vậy. Cuống của quả nầy có hình thù như búi tóc của người.

Kẻ chưa ly dục mà thấy quả nầy liền sinh tâm yêu mến. Các ngoại đạo có người ly dục nếu thấy quả nầy thì thoái lui mất thiền định, dục tâm liền sinh trở lại. Khi quả nầy chín, chỉ có chim tranh nhau ăn, chim ăn thừa lại rơi xuống đất. Còn như rừng Thi-đà thì thật đáng chán ghét. Những người thoái định trông thấy tướng nầy rồi, liền sinh chán lìa và trở về lại định cũ.

Hai rừng này rộng 50 do-tuần; Đông Tây đều giáp biển. Mỗi rừng đều có sông, rộng 50 do-tuần; Đông Tây giáp biển; rừng và sông liên tục tiếp nối trên đất Diêm-phù-đề cây rừng che khuất 7 trăm do-tuần.

Phía Nam rừng Kiếp-tất-tha có 6 nước lớn. Nước phía cực Nam tên Cao Lưu. Kế tiếp là Câu-lạp-bà. Thứ ba là Tì-đề-ha. Thứ tư là Ma-ha Tì-đề-ha; thứ năm là Uất-đa-la-mạn-đà. Phía cực Bắc tên là Xá-hỉ-ma-la-da. Người trong 6 nước nầy đều ngay thẳng hiền lành; tu 10 thiện pháp. Tự không sát sinh, không sai bảo người khác sát sinh. Những con thú sắp chết, tự đến nơi người, khi tự nó chết rồi người ta mới lấy thịt. Xứ ấy có nhiều bò tót, lông đuôi dùng lợp nhà. Đất nầy sinh lúa mạch; không cần cày cấy, lúa này thành hạt không có vỏ cám. Người nước nầy xay nấu làm cơm, mùi vị ngon ngọt; giống như mật ong.

Vì sao mà biết được?

Vì trong quá khứ lâu xa có một vị vua xuất gia. Rồi phu nhân của vua cũng xuất gia. Quốc sư Bà-la-môn cũng xuất gia theo. Sau khi đã xuất gia rồi đều lìa bỏ các tướng, vào núi học đạo. Phu nhân của vua khi có kinh sạch sẽ xong liền đến chỗ vua diện kiến tâu vua rằng:

Đại Vương ! Nay thiếp có kinh. Người xưa rất quý trọng đường con cái, mà vua bỏ đi xuất gia, không phải theo ý của thiếp. Nghĩ sự việc hệ trọng này e không thể được. Rồi cùng hòa hợp để có một đứa con phúc đức. Khi 2 người nam nữ cùng giao hợp là lúc thác thai. Rồi phu nhân bỏ vua mà đi. Trải qua ngày tháng, sau đó bụng lớn. Từ làng đến quận huyện cho đến các châu, người người đều mắng nhiếc rằng: Người đàn bà này không có đạo tâm gì cả, đã xuất gia mà còn phá giới. Bà vương phi nghe được rất hổ thẹn.

Khi ấy quốc sư Bà-la-môn đã đắc đạo thành người tiên có được 5 thần thông đang ở nơi một khu rừng nọ. Vương phi nghe vị Bà-lamôn đang ở tại rừng kia cho nên đến đó tìm kiếm gặp được quốc sư rồi, quốc sư hỏi vương phi :

Việc mang thai nầy là ai làm ?

Vương phi đáp: Do vua làm.

Lúc ấy vị tiên nhớ lại vua ngày xưa khi ra đi có làm một cái nhà lá liền bảo vương phi:

Người nên nghỉ lại đây, tôi sẽ đi tìm rau củ trái cây, cung cấp cho người. Vương phi y lời vào ở lại nơi đó. Rồi người tiên như pháp mà nhặt hái rau củ quả cung cấp cho vương phi. Phi mang thai đủ tháng hạ sinh 2 con; một nam một nữ. Đến khi dứt sữa, người tiên đuổi vương phi ra đi bảo : Giờ người nên đi xa, tôi sẽ tùy theo đó mà lo rau củ quả nuôi 2 đứa trẻ này. Phi y lời để lại 2 đứa con ra đi. Người tiên tùy theo đó mà lo rau quả để nuôi dưỡng 2 trẻ nầy. Hai đứa trẻ khá lớn đã hiểu biết. Lúc ấy người tiên đi lấy những quả sống và chín để lẫn lộn thử 2 đứa trẻ xem chúng có khả năng tự phân biệt được chăng. Quả chín chúng ăn, quả sống chúng vất bỏ. Người tiên nghĩ : Những đứa trẻ này đã lớn, tâm đã biết ý thức, có thể phân biệt quả sống quả chín. Ta nay phải cho chúng ở nước nào giàu có an ổn để lập nghiệp. Do có 5 thần thông nên đã thấy được nơi có lúa mạch, liền dùng thần lực dắt 2 đứa trẻ bay đi trên hư không đến đó đặt chúng xuống đất và dạy cho chúng rằng:

Loại cỏ nầy gọi là lúa mạch. Rồi người tiên tự cắt lúa xay gạo nấu ăn và dạy nhiều điều khác nữa. Các con từ nay phải y theo phương pháp nầy làm lương thực. Các con ở đây chớ nên buồn rầu, ta sẽ thường xuyên đến thăm các con.

Từ đó cả 2 đứa bé sống nơi đất nầy. Người tiên sau đó đã có nhiều lần đến thăm. Hai đứa trẻ nầy theo ngày tháng trưởng thành, nam nữ các căn mỗi mỗi thành tựu và chúng kết thành vợ chồng, rồi sinh ra con cháu, chia thành 6 nước.

Bấy giờ Đại vương đã học đạo xong, bỏ thân người, sinh về cõi trời, xả bỏ thân trời lại trở lại làm thân người. Thụ thân người rồi, y theo chính pháp vô thượng của Phật nói xuất gia học đạo cho đến được 6 pháp thần thông vô ngại. Vì có 6 phép thần thông nên đã quán thấy túc mạng đời trước của mình, thấy 6 nước lớn nên mới tác ý suy nghĩ rằng sáu nước nầy đều là con cháu của ta, vì yêu thương người dân của 6 nước nầy, nên đến đó khất thực, được cơm lúa mạch trở về tự ăn một mình bất kể ăn trước các Tì-kheo khác. Các Tì-kheo gọi tên Tì-kheo nầy mà mạ nhục lớn:

Ngươi là trưởng lão xan tham tật đố. Ôi ! Ngươi là người ác được cơm lúa mạch này ăn riêng một mình bất kể các Tì-kheo.

Tì-kheo đáp rằng:

Ta nay không phải vì tật đố mà không bố thí cho các ông. Vì sao vậy ? Như thức ăn đây, kẻ chưa ly dục thì không thể ăn được. Lúc ấy vị Tì-kheo qua 3 lần rửa bát, qua 2 lần bỏ đi, lần cuối cùng lấy một ít nước thí cho các Tì-kheo. Diêm-phù-đề không có một mùi vị gì là bằng mùi vị nầy được. Rồi vị Tì-kheo nầy, vì các Tì-kheo khác lần lượt nói về nhân duyên của mùi vị món ăn nầy: Sáu nước lớn kia vốn là con cháu của ta, cho nên để làm lợi ích cho người của nước kia nên đến đó xin ăn. Ngoài ra cũng có Tì-kheo khác đến đó khất thực. Đại Mục-kiền-liên cũng đã đến đó khất thực. Phật Thế Tôn vì các Tìkheo nói về nhân duyên của 6 nước nầy; cho nên được biết về việc của 6 nước lớn. Xong phẩm Sáu nước lớn.

Phẩm 4: THẦN DẠ-XOA

Thuở ấy trong Diêm-phù-đề có 2 quần thể núi. Phía Nam sông Hằng có núi tên Ta-đa-kì-lợi. Phía Bắc sông Hằng có núi Hê-ma-bạtđa. Các núi trong quần thể Ta-đa-kì-lợi các núi lớn nhất gồm một tên Tát-xà, hai tên Tần-ha, ba tên Mạt-xa, bốn tên Át-xa-bà, năm tên Gian-ha-kì-lợi, sáu tên Ba-lê-da-đa-la. Trong núi Hê-ma-bạt-đa có những núi lớn nhất như: một tên Chu-la-ca-la, hai tên Ma-ha Cala, ba tên Cù-ha-na, bốn tên Tu-la-bà-kế, năm tên Kê-la, sáu tên Càn-đà-ma-đà, bảy tên Tu-bàn-na-bát-sa. Tất cả các thần ở sông phía Nam của núi đều có tên là thần Bà-đa-kì-lợi. Nếu ở sông phía Bắc của núi thì tất cả thần đều có tên là thần Hê-ma-bạt-đa. Thần Bàđa-kì-lợi nầy thống lãnh các thần ở sông phía Nam. Cho nên gọi là vương. Còn thần Hê-ma-bạt-đa là thống lãnh các thần ở sông phía Bắc nên cũng gọi là vương.

Vì sao biết được ?

Có một thần vương tên Hê-ma-bàn, sống ở núi Hê-ma-bạt-đa, vị thần vương nầy là trưởng lão cao niên nhất, và địa vị cao nhất. Khi bị bệnh khốn khổ vị thần kia chết. Vị thần ấy có một Thái tử tên Hêma-bạt-đa, gọi đến để chỉ bảo, liền nói với con rằng:

Cha đã được nghe từ xưa thần Dạ-xoa là trưởng lão tối cao đã gặp Phật quá khứ, từng gặp Phật Ca-diếp và nghe nói Phật Thích-ca Mâu-ni sắp xuất hiện ra đời. Như cha xem tướng và thấy được nhân duyên thì Phật Thích-ca nầy không bao lâu nữa sẽ xuất thế. Nếu cha nửa chừng bỏ mạng không kịp gặp Phật thì con phải qua yết kiến Phật. Được gặp Phật chắc chắn con sẽ được lợi ích lớn.

Thái tử hỏi: Làm sao khiến con biết được Phật ra đời ?

Người cha đáp: Nơi nhà của con chưa từng có châu báu xuất hiện. Phải biết lúc đó là có Như Lai xuất hiện. Lại có thần vương tên Ta-đa-kì-lợi, sống ở trong nước Ma- già-đà. Con nên cùng với thần vương ấy kết thành bạn bè, cùng lập thệ nguyện rằng ta cùng ngươi ở chung một nơi nếu khi thấy được những kỳ bảo hy hữu xuất hiện thì báo cho nhau biết.

Sau khi phụ vương dạy bảo cho người con rồi liền xả mạng. Thái tử cúng lễ ma chay cho cha, tôn trọng ghi nhớ di chúc của cha. Nhân đó qua sông, tìm gặp thần vương Ta-đa-kì-lợi. Đến nơi thần rồi, đối diện nói năng cùng nhau hòa hợp tương kính, đồng ngồi một chỗ. Đoạn thần Hê-ma-bạt-đa bảo vua Ta-đa-kì-lợi rằng:

Thưa ngài ! Khi cha ta sắp mất có nói như trên rồi qua đời. Cho nên nay ta nói cho ngài biết việc đó. Khi nào thấy trong nhà có vật quý xuất hiện thì phải báo cho nhau biết.

Ta-đa-kì-lợi đáp: Như vậy. Như vậy.

Hai người lập thệ ước với nhau rồi, mỗi người trở về lại chỗ ở của mình. Sau đó nơi chỗ ở của vua Hê-ma-bạt-đa có vật báu lạ xuất hiện. Đó là hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, lám toàn vàng kim, cọng bằng các thứ báu. Khi ấy có một vị thần thấy hoa sen, vội qua đó thưa với nhà vua:

Vua có biết không ! Thật là trân bảo kỳ lạ đời chưa từng có, nay đã xuất hiện hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, lá bằng vàng kim, các thứ báu làm cọng. Đây là vật báu của trời. Xin vua đến xem.

Lúc ấy thần vương nghe nói liền ra hồ thấy hoa sen đầy đủ nghìn cánh, lớn như bánh xe đều gồm những vật báu tạo thành, trang nghiêm kỳ lạ. Sau khi thấy việc ấy rồi; tâm sinh quái sợ, khắp người rởn lông, rồi tự xuống ao cung kính chắp tay đảnh lễ 3 lần, đi nhiễu chung quanh 3 vòng suy nghĩ. Ta xưa đã từng gặp bạn lành bảo ta rằng : Nơi ngươi ở, nếu có vật quý lạ, nên báo ta biết.

Do đó sai sứ giả qua báo cho thần vương Ta-đa-kì-lợi nói:

Thưa ngài ! Nay nơi trụ xứ của chủ tôi có vật hy hữu đã xuất hiện, đầy đủ tướng báu. Ngài nên cùng tôi đến đó xem.

Bấy giờ là lúc Thế Tôn đã xuất hiện ở đời, chính pháp đã được tuyên thuyết, hoàn toàn tịch tĩnh và bây giờ đang Niết-bàn, hướng đến Bồ-đề. Tu-già-đà có dạy như vậy.

Khi ấy vua Ta-đa-kì-lợi nhớ lại việc nầy liền suy nghĩ rằng: Ta xưa đã từng có bạn lành đến báo cho ta rằng:

Chỗ ở của ngài là nơi chư Phật Thế Tôn đắc đạo. Nếu Phật xuất thế rồi, ngài nên báo cho ta biết. Đây là điều mong ước. Cho nên ta phải báo tin.

Vua Ta-đa-kì-lợi liền sai sứ đi đến nói với vua rằng:

Thưa ngài ! Nếu một hoa sen, làm được lợi ích gì ? Nếu một trăm hay một ngàn thì được lợi ích gì ? Nơi đất nước của ta chưa từng có vật báu nay đã xuất hiện. Những gì gọi là báu ? Đó là Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri đã xuất thế. Nay ngài nên đến cộng sự việc quý báu nầy.

Ngày 15 tháng 9 nhân lúc Bố-tát, Hê-ma-bạt-đa có 500 vị thần cùng vây quanh, cầm hoa sen, mặt hướng phía Nam mà đi, khuất vào không trung mà đi đến nơi Vua Ta-đa-kì-lợi. Vua ấy lại đem 500 chúng thần cùng vây chung quanh đến nghinh đón vua nơi phía Nam sông Hằng cùng nhau tụ tập gặp gỡ rồi, vua Hê-ma-bạt-đa nói kệ hỏi các thần kia rằng:

Nay mười lăm, ngày tịnh,

Bốn vua lại đến đây.

Chúng ta thờ thầy nào ?

Ngài tin đấng Ứng Cúng.

Bấy giờ vua Ta-đa-kì-lợi liền nói kệ đáp rằng:

Đó là Phật Thế Tôn

Ở thành Ma-già-đà.

Vì diệt tất cả khổ

Thuyết pháp tất cả trí.

Các khổ và khổ tập,

Khổ diệt, lại không sinh

Tám phần, khổ, diệt, đạo

Vô não hướng Niết Bàn.

Cho nên ngài và ta

Nên đến thờ người ấy.

Tất cả không thể sánh

Nên ta tin Ứng Cúng.

Bấy giờ Hê-ma-bạt-đa nghe kệ ấy rồi tâm rất sợ hãi, chân lông đều dựng đứng, hoài nghi chưa tin, ba lần biện luận.

Thưa ngài ! Ngài nói Thế Tôn xuất thế phải không ?

Đáp: Thưa ngài ! Tôi nói Phật bảo đã ra đời.

Sau hai, ba lần hỏi và đều được đáp như vậy.

Lúc ấy vị thần vương núi phía Bắc liền dùng sức suy nghĩ 4 pháp cảnh giới oai nghi đi đứng của chư Phật, rồi hỏi thần vương ở núi phía Nam dùng kệ hỏi rằng:

Tâm Phật nơi chúng sinh,

Được an lập tốt chăng ?

Yêu ghét 2 tư duy

Đã diệt hết được chăng ?

Lúc ấy thần vương ở núi phía

Nam nói kệ đáp rằng:

Tâm Phật đối chúng sinh

Chân thật được an lập.

Yêu ghét 2 tư duy

Diệt hết hằng không còn.

Thần Vương phía núi Bắc liền hỏi lại bằng kệ rằng:

Phật có nói dối chăng ?

Lời nói vô não chăng ?

Không nói ly gián chăng ?

Nói nghĩa có không chăng ?

Thần vương núi phía Nam dùng kệ đáp lại rằng:

Phật không nói vọng ngữ

Không nói lời khắc khổ .

Không nói lời ly gián

Nói nghĩa đúng như lượng.

Thần vương núi phía Bắc lại hỏi bằng kệ rằng:

Phật không lấy trộm chăng ?

Không tổn hại mạng chăng ?

Xa lìa phóng dật chăng ?

Không tổn thiền định chăng ?

Thần vương núi phía Nam nói kệ đáp rằng:

Phật không trộm của ai.

Nên hộ mạng kẻ khác.

Xa lìa các phóng dật.

Không tổn sâu thiền định.

Thần vương núi phía Bắc lại hỏi kệ rằng:

Phật không nhiễm ái dục,

Tâm tịnh không nhơ chăng ?

Trải qua dòng vô minh

Được pháp nhãn tịnh chăng ?

Thần vương núi phía Nam đáp:

Không đắm nơi dục trần.

Tâm địa rất thanh tịnh.

Trải qua dòng vô minh

Chứng được pháp nhãn tịnh.

Thần vương núi phía Bắc lại hỏi:

Phật đủ sáng suốt chăng ?

Đủ pháp thanh tịnh chăng ?

Bốn lưu đã dứt chăng ?

Đời sau đã hết chăng ?

Thần vương núi phía Nam lại đáp rằng:

Phật đầy đủ sáng suốt.

Pháp thanh tịnh đã lâu.

Bốn lưu đã diệt hết,

Cho nên không sinh lại .

Lúc ấy thần vương núi phía Bắc nghe rồi tâm sinh hoan hỷ, liền nói kệ tán thán:

Trí giả ý thành tựu

Tất cả việc đã xong.

Và thân miệng thanh tịnh

Ca ngợi đủ sáng suốt.

Thần vương núi phía Nam tâm miệng hoan hỷ nói kệ ca ngợi rằng:

Tâm Phật tịch thanh tịnh,

Thân miệng hay lợi người.

Mười lực không thể sánh,

Nay theo ngài khen ngợi.

Trí giả tâm thành tựu

Cùng với nghiệp thân miệng.

Đầy đủ pháp sáng suốt.

Liền cùng ngài qua xem.

Hôm nay rằm Bố-tát,

Lúc 4 vua du hành.

Tâm giải thoát không nhiễm.

Ta cùng ngài lễ bái.

Bấy giờ Thế Tôn đang ở thành Vương-xá, dưới cây Nặc-cù-đề, hai thần vương có ngàn thần vây quanh đến nơi Đức Phật. Khi đến trước Phật, liền trịch vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Lúc ấy vua núi Bắc dùng kệ để hỏi rằng:

Hay nói cũng hay làm,

Độ lưu hằng vô lậu.

Dáng đi như sư tử

Phật không nhiễm thế pháp.

Đưa tất cả qua bờ,

Mong đợi nên đến hỏi.

Chúng sinh sinh nơi nào,

Số số tập có chỗ,

Chấp giữ là vật gì,

Mà thụ khổ nơi đâu ?

Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ để đáp thần vương Hê-ma-bạt-đa rằng:

Chúng sinh sinh 6 nơi,

Số số tập 6 chỗ.

Chấp trì sáu loại pháp,

Sáu xứ thụ khổ não.

Thần vương núi phía Bắc lại hỏi Phật, kệ rằng:

Thủ ấy là thủ gì ?

Mà khiến chúng sinh khổ ?

Xin đáp hỏi xuất ly,

Làm sao giải thoát khổ ?

Thế Tôn dùng kệ để đáp lại thần vương Hê-ma-bạt-đa rằng:

Thế gian có 5 trần,

Ta nói tâm thứ sáu.

Trong đó lìa dục nhiễm,

Là giải thoát khỏi khổ.

Chúng sinh được xa lìa,

Đã nói lượng như lý.

Vì nay ngươi đã hỏi

Cho nên đáp xuất ly.

Thần vương núi phía Bắc lại hỏi Phật rằng:

Ai qua dòng chảy xiết,

Ngày đêm không mệt mỏi.

Thăm thẳm không chỗ vin,

Dòng sâu ai không chìm ?

Thế Tôn dùng kệ đáp lại thần vương Hê-ma-bạt-đa rằng:

Thường giữ giới thanh tịnh.

Tinh tiến không loạn tâm.

Suy nghĩ trong chính niệm.

Do trí qua khó qua.

Dục tưởng không có dục,

Đè bẹp sắc trói buộc,

Hằng diệt tâm hỷ ái,

Người nầy quyết không chìm.

Lúc ấy Nam Bắc cả hai vua núi đồng thời nói kệ để tán thán Phật rằng:

Chúng con nay thấy tốt,

Đến đúng nay sáng rõ.

Chúng con gặp Chính Giác

Diễn nói đạo cam lồ.

Tên không diệt mất, thấy nghĩa thật,

Thường ưa vấn nạn, không chấp trước.

Cùng tột trí tuệ ắt giải thoát.

Đi trên đường Thánh, đại tiên nhân.

Hơn ngàn chúng Dạ-xoa

Nghe tên có oai thần

Tất cả quy y Phật

Là Vô Thượng Sư ta.

Lúc đó ba Dạ-xoa đều ngồi ba góc. Cho nên đến bây giờ con đường ấy tên là Lăng Giác. Khi ấy Thế Tôn ở dưới gốc cây, cho nên cây nầy gọi là Cù-nặc Đàm-cù-đề. Nhân việc của 2 Dạ-xoa này cho nên biết có Nam Bắc hai núi. Xong phẩm Thần Dạ-xoa.

HẾT QUYỂN 1

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10