LUẬN LẬP THẾ A TÌ ĐÀM
(Phật nói Luận A-tì-đàm về sự thành lập thế giới)
Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 20: VÌ SAO?

Vì sao có đêm? Vì sao có ngày? Bởi vì có ngày nên mới có đêm và vì có đêm nên mới có ngày. Tự tính của dục giới là tối tăm. Ánh sáng mặt trời ẩn khuất thì trở thành đêm. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi, tức là ngày.

Vì sao có đen tối ? Vì sao có nửa trắng sáng ? Do mặt trời nửa tối, do mặt trời nửa sáng. Mặt trời thường theo mặt trăng vận hành và mỗi ngày một gần nhau. Cứ 4 vạn 8 ngàn 80 do-tuần là mặt trời sẽ ngày một xa ra cũng như vậy. Nếu khi gần nhau thì mặt trăng mỗi ngày một bị che khuất 3 do-tuần và 1 phần 3 do-tuần. Do việc nầy nên 15 ngày mặt trăng bị che nên ban ngày mặt trời có một nửa tối. Khi mặt trời xa mặt trăng cũng 4 vạn 8 ngàn 80 do-tuần thì mặt trăng rời khỏi mặt trời mỗi ngày 3 do-tuần và 1 phần 3 do-tuần. Do việc nầy mà 15 ngày trăng hoàn toàn sáng. Thế gian gọi là nửa tháng có trăng. Nếu hoàn toàn cách ly thì mặt trăng tròn đầy. Thế gian gọi đây là nửa tháng có trăng. Nếu hợp chung một nơi là đi cùng thì thế gian gọi đây là mặt trời đầy nửa đen.

Nếu mặt trời tùy theo sau mặt trăng vận hành và ánh sáng mặt trời chiếu lên ánh sáng mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng thô cho nên bị chiếu sinh ra bóng và bóng của mặt trăng nầy trở lại che mặt trăng. Cho nên thấy mặt trăng nửa sau không tròn. Do việc nầy rồi lần lần che khuất. Đến 15 ngày thì mặt trời che mặt trăng hoàn toàn và theo sau gọi là nửa tháng tối. Nếu mặt trời đi trước mặt trăng thì càng ngày càng sáng rõ cũng như vậy. Cho đến 15 ngày hoàn toàn viên mãn. Khi đi trước thì gọi tên là nửa tháng sáng.

Vì sao mùa đông gọi là Hê-mạn-đa ?

Vì mùa này tuyết rơi cái lạnh đã đến. Do đó mà mùa đông gọi là Hê-mạn-đa. Thế gian lập tự tính này gọi là Hê-mạn-đa.

Vì sao mùa xuân gọi là Cầm Hà ?

Khi mặt trời chiếu đốt nóng chính là lúc khát nước. Cho nên nói mùa xuân là Cầm Hà. Thế gian lập tự tính này gọi tên là Cầm Hà.

Vì sao mùa hạ gọi là Bạt-ta ?

Khi mùa mưa, lúc nghi có mưa bắt đầu trong năm, nên gọi mùa hạ là Bạt-ta. Thế gian lấy tự tính nầy gọi tên là Bạt-ta.

Vì sao mùa đông lạnh ? Vì sao mùa xuân ấm áp ? Vì sao mùa hạ lạnh nóng ?

Mùa đông thì nước ngấm lâu ngày nên cỏ cây do ẩm thấp, chưa khô và đất còn ướt, hỏa đại chiếu xuống hơi nước bốc lên. Do đó mà biết dưới nước sâu thì ấm, chỗ nước cạn thì lạnh. Tiết đông đã đến, mặt trời đi đường ngoài chiếu đốt không lâu thì khí dương bên trong tiêu hóa mau. Do việc nầy nên mùa đông thì lạnh.

Vì sao mùa xuân ấm áp ?

Là thời tiết Cầm Hà thủy giới dài lâu đã giảm dần, cỏ cây khô trên đất đã ấm, hơi nước thấm xuống; hơi ấm tăng lên. Vì sao biết ? Nước sâu thì lạnh, nước cạn thì ấm. Khi mùa đông qua rồi, mặt trời chiếu vào đường bên trong lâu dài hơn và trong thân hơi ấm, nên gọi là xuân.

Vì sao mùa hạ lại lạnh, nóng?

Vì đại địa đang vào tháng 8 và mặt trời thường chiếu sáng, mây lớn tạo mưa tưới tán khắp đất; nên hơi nóng oi bức. Khi gió thổi thì tiêu khí oi bức và trở thành lạnh. Nếu gió không nổi lên thì thành nóng. Cho nên Bạt-ta có lúc lạnh, lúc nóng.

Vì sao địa ngục tên là Nê Lê ?

Vì không có vui thú. Không có sự thích thú, không có ra khỏi; không có phúc đức. Do không trừ được nghiệp xuất ly nên sinh vào trong đó. Lại có thuyết nói rằng con đường ấy đối với Dục giới là thấp kém nhất, gọi là phi đạo. Do việc nầy nên gọi địa ngục là Nê Lê.

Vì sao cầm thú tên là Để-lật-xa ?

Là do nghiệp nịnh hót mà thụ sinh nơi nầy. Lại có thuyết nói rằng con đường nầy chúng sinh đa phần che giấu việc mình làm nên gọi là Để-lật-xa.

Vì sao ngạ quỷ đạo gọi là Thiểm-đa-diêm-ma-la ?

Vì vua tên là Thiểm-đa cho nên chúng đồng loại với vua nầy, nên gọi là Thiểm-đa. Lại có thuyết nói con đường nầy cùng với con đường khác qua lại thiện ác thông nhau; nên gọi là Thiểm-đa.

Vì sao A-tu-la đạo gọi là A-tu-la ?

Vì không nhẫn được việc lành, không thể một lòng chịu để ý lắng nghe điều hay. Giáo hóa nhiều cách nhưng không động tâm. Do kiêu mạn cho nên không hạng biết phục thiện, lại cũng không phải trời; nên gọi tên là A-tu-la.

Vì sao Thiên đạo gọi là Đề-bà ?

Nói là Đề-bà vì làm những việc lành. Do làm việc lành nên sinh vào đường nầy. Lại cũng nói Đề-bà có nghĩa là quang minh, thường có ánh sáng. Lại nữa Đề-bà được gọi là Thánh đạo. Lại nữa Đề-bà cũng còn gọi là ý lạc. Lại Đề-bà cũng có tên là thượng đạo. Lại Đề-bà cũng có nghĩa là hay tu, hay tạo tất cả những nghiệp lành. Do ý nghĩa nầy nên gọi là Đề-bà.

Vì sao nhân đạo gọi là Ma-nậu-sa ?

Vì một là thông minh, hai là ưu thắng; ba là ý tinh tế; bốn là chính giác, năm là trí tuệ tăng trưởng; sáu là có khả năng phân biệt hư, thật, bảy là khí cụ của Thánh Đạo; tám là thông tuệ nghiệp nên mới được sinh vào đó. Cho nên nói nhân đạo là Ma-nậu-sa.

Vì sao đất nầy tên là Diêm-phù-đề ?

Nguyên do là có cây Diêm-phù-đề nên gọi tên.

Vì sao gọi tên là Tây Cù-da-ni ?

Đất nầy nằm phía Tây Diêm-phù và do sự buôn bán tất cả trao đổi bằng bò và bò ấy tên là Cù-da-ni. Cho nên tên đất ấy gọi là Tây Cù-da-ni.

Vì sao gọi tên là Đông Tì-đề-ha ?

Đất nầy nằm phía Đông Diêm-phù, hình tướng khả ái, nhiều lợi dưỡng cho nên gọi là Đông Tì-đề-ha.

Vì sao gọi là Bắc Uất-đan-việt ?

Đất nầy nằm phía Bắc Diêm-phù-đề, tâm tính ngay thẳng và hiền lành, tất cả đều hơn các nơi khác, nên gọi là Bắc Uất-đan-việt.

Vì sao Đệ nhất Thiên gọi là Đại Vương Thiên Đề- đầu-tra ?

Vì trong Tứ Thiên Vương làm tăng thượng, làm thượng thủ.

Vì sao Đệ nhị Thiên gọi là Đao-lợi ? Vì là Đế chủ trong 33 vua trời, vương vị tự tại nên gọi là Đao-lợi Thiên.

Vì sao Đệ tam Thiên tên là Dạ-ma ?

Vì ngày đêm bất cứ lúc nào khi nói cũng đều thốt lên những lời bất khả tư nghì hoan lạc, cho nên gọi tên là Dạ- ma.

Vì sao Đệ tứ Thiên gọi là Đâu-suất-đà ?

Vì thỏa mãn hoan lạc và tự biết đầy đủ. Đối với 8 Thánh đạo không bao giờ cho là đầy đủ cho nên gọi là Đâu-suất-đà Thiên.

Vì sao Đệ ngũ Thiên gọi là Duy-ma-la-ni ?

Vì trong đây chư thiên như ý tạo tác cung điện, vườn, rừng, tất cả thú vui để thụ lạc, cho nên gọi là Duy-ma-la-ni.

Vì sao Đệ lục Thiên gọi là Ba-la-duy-ma-bà-xa ?

Vì những cung điện, vườn, rừng, tất cả các thú vui được kia hóa tác, trong đó được tự tại nghĩ rằng ta thụ lạc. Cho nên gọi là Ba-laduy-ma-bà-xa.

Vì sao Đệ nhất Phạm gọi là Phạm Tiên Hành ?

Nếu người từ Dục giới trước khi nhập vào Sắc Giới phải đến nơi nầy; nên gọi là Phạm Tiên Hành.

Vì sao Đệ nhị gọi là Phạm Chúng ?

Vì Đại Phạm Vương có nhiều quyến thuộc; cho nên gọi tên là Phạm Chúng.

Vì sao Đệ tam gọi là Đại Phạm ?

Vì là trung gian của Tối Thắng Sơ thiền do tạo nghiệp sinh, tự tại không liên hệ ai khác và có thể quan sát phân biệt với việc khác. Vì đã sinh, phải sinh đều tự chủ, cho nên có tên là Đại Phạm.

Vì sao Đệ nhị Sơ thiền Thiên gọi là Thiểu Quang ?

Là vì khi nói ra lời nói thì trong miệng phát ra một ít ánh sáng, cho nên gọi là Thiểu Quang.

Vì sao Đệ nhị tên là Vô Lượng Quang ?

Là khi chư thiên nói, miệng phát ra rất nhiều ánh sáng chiếu rọi, cho nên có tên là Vô Lượng Quang.

Vì sao Đệ tam Phạm gọi là Biến Thắng Quang ?

Là khi chư thiên nói thì miệng phát ra ánh sáng khắp tất cả nơi, viên mãn vô dư, cho nên có tên là Biến Thắng Quang.

Vì sao Đệ Tam thiền cõi trời đầu tiên gọi là Thiểu Tịnh ?

Là trong chư thiên thụ lạc ít, tương ưng với tịch tĩnh, ái lạc của Tam thiền.Vì sự thụ lạc nầy ít; cho nên gọi là Thiểu Tịnh.

Vì sao gọi trời thứ 2 là Vô Lượng Tịnh ?

Là khi chư thiên vui hơn cái vui tịch tĩnh trước và tương ưng với Tam thiền, cho nên gọi là Vô Lượng Tịnh.

Vì sao trời thứ 3 gọi là Biến Tịnh ?

Là khi thụ lạc đầy đủ; thân tâm cứu cánh vô dư và tịch tĩnh ái lạc tương ưng với Tam thiền. Chư thiên hưởng thụ điều nầy gọi là Biến Tịnh.

Vì sao trời đầu tiên của Tứ thiền gọi là Vô Vân ?

Vì khổ lạc ở trước đã diệt và đối với phương tiện phía trước như ưu, hỷ đã hết. Trong đó xả thụ, trí niệm đều thanh tịnh. Khi chư thiên thụ trong đó được xả thụ nầy gọi là Vô Vân.

Vì sao trời thứ 2 gọi là Sinh Phúc ?

Phúc nghĩa là trí, niệm, xả v.v… tương ưng với các thiền mà sinh, sinh rồi thụ dụng như 3 chi nầy cho nên gọi là Sinh Phúc.

Vì sao trời thứ 3 gọi là Quảng Quả ?

Quảng có nghĩa là dung chứa rộng lớn quả do công lực và báo sinh ra. Hai thứ nầy có thể gồm thâu định tuệ và y chỉ ly dục. Cho nên có tên là Quảng Quả.

Vì sao trời thứ 4 tên là Vô Tưởng Thiên ?

Là khi chư thiên không có tưởng thì có gì là tưởng ? Thông và biệt 2 tưởng đều khác với sinh báo. Vì trong đây không có, duy chỉ có sắc ấm và bất tương ưng hành ấm; cho nên gọi là Vô Tưởng Thiên.

Vì sao gọi là Na-hàm Thiên ?

Một gọi là Thiện Hiện. Xưa ở nhân địa, có thể làm cho thấy nghĩa thực không điên đảo, có thể làm cho tiếp nhận, có thể hiểu rõ, cho nên có tên là Thiện Hiện.

Vì sao vị thứ hai gọi là Thiện Kiến ?

Xưa ở nhân địa, tăng đủ thọ mạng, 4 chi, tiền bạc và tài sản của kẻ khác và hay bảo vệ tốt các việc lợi ích. Trong đó sinh chính kiến, không trừ, không lấy. Do trước là Thiện Hiện và như nhân nầy nên gọi là Thiện Kiến.

Vì sao vị thứ ba gọi là Bất Phiền ?

Vì xưa tại nhân địa, không làm tổn não kẻ khác, không có ý làm hại, không có ý bức bách. Nhân trước là Thiện Hiện cùng với nghiệp nầy cho nên gọi là Bất Phiền.

Vì sao vị thứ tư gọi là Bất Thiêu ?

Trong đó chư thiên xưa tại nhân địa, không thiêu thân mình, không làm khốn khổ thân và không thiêu người khác, không làm khốn khổ người khác. Tự mình và kẻ khác đều làm cho vui, mau chóng thông suốt. Nhân trước là Thiện Hiện và với nghiệp nầy, nên gọi là Vô Thiêu.

Vì sao vị thứ năm gọi là A-ca-ni-tra ?

Ca-ni-tra gọi là hạ phẩm. Đã qua 17 địa trước rồi, lại có từ trời hạ phẩm đến trời cứu cánh trong đó Bát-niết-bàn. Lại có chư thiên tên A-ca-ni-tra đến Bát-niết-bàn cho nên có tên là A-ca-ni-tra.

Vì sao ở Vô Sắc giới trời thứ nhất gọi là Không Vô Biên Nhập ?

Không ở đây có nghĩa là phi sở tác, phi hữu vi, không thể trở ngại. Quá hơn ngại tướng có nhiều hữu tướng. Một tưởng tâm sở duyên nên không hai không khác. Do nơi không này mà nghiệp sinh. Cho nên gọi là Không Vô Biên Nhập.

Vì sao thứ hai gọi là Thức Vô Biên Nhập Thiên ?

Thức đây là ý thức thứ 6. Thức nầy ở bên trong nên vi tế hơn ngoại không. Quá hơn ngại tướng và quá hơn ngoại tướng. Một tưởng tâm sở duyên nên không hai không khác. Do nơi thức nầy mà nghiệp sinh cho nên gọi là Thức Vô Biên Nhập.

Vì sao vị thứ ba tên là Vô Sở Hữu Nhập Thiên ?

Vô Sở Hữu nghĩa là trừ ra 2 tướng thô trước, lìa ngoài 2 điều nầy không có cảnh giới nào khác. Quá nội ngoại tướng một tưởng tâm sở duyên, không hai không khác. Nhân nơi tâm này mà nghiệp sinh, cho nên gọi là Vô Sở Hữu Nhập.

Vì sao vị thứ tư tên là Phi Tưởng Phi Phi Tưỏng Nhập Thiên?

Phi Tưởng có nghĩa là vi tế; không phải 7 định trước; nên nói là Phi Tưởng. Phi Phi Tưởng là nếu vô tưởng định và vô tâm định, như vậy 2 định nầy gọi là Vô Tưởng Định. Vì đồng với vô tâm cho nên nay là hữu tâm, vì vậy gọi là Phi Phi Tưởng Định. Do định nầy mà nghiệp sinh, cho nên nói là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Nhập.

Từ Diêm-phù-đề trở xuống 2 vạn do-tuần là nơi gọi là Vô gián đại địa ngục.

Từ Diêm-phù-đề trở xuống 1 vạn do-tuần là Dạ-ma Thế Gian địa ngục. Ở giữa 2 ngục nầy còn nhiều địa ngục khác.

Từ Diêm-phù-đề trở lên 4 vạn do-tuần là Tứ Đại Thiên Vương Thiên.

Từ Diêm-phù-đề hướng lên 8 vạn do-tuần là trụ xứ của trời thứ 33.

Từ Diêm-phù-đề trở lên 16 vạn do-tuần là trụ xứ của Dạ-ma Thiên.

Từ Diêm-phù-đề trở lên 3 ức 2 vạn do-tuần là trụ xứ của Đâusuất-đà Thiên.

Từ Diêm-phù-đề trở lên 6 ức 4 vạn do-tuần là trụ xứ của Hóa Lạc Thiên.

Từ Diêm-phù-đề trở lên 12 ức 8 vạn do-tuần là trụ xứ của Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Có Tì-kheo hỏi Phật Thế Tôn:

Từ Diêm-phù-đề đến xứ Phạm Thiên gần xa ?

Phật bảo Tì-kheo:

Từ Diêm-phù-đề đến cõi Phạm Thiên thật xa, thật cao, khác nhau, xa nhau.

Tì-kheo ! Ví như tháng 9 ngày 15 lúc mặt trăng tròn có một người ở tại xứ Phạm kia phóng 1 viên gạch vuông vức 1 trăm trượng xuống hạ giới mà không có gì cản trở, đến trăng tròn tháng 9 năm sau thì đến Diêm-phù-đề. Phạm xứ và Diêm-phù-đề xa như vậy. Từ Phạm Thiên đến Thiểu Quang Thiên lại gấp đôi trước. Từ Thiểu Quang Thiên đến Vô Lượng Quang Thiên lại xa gấp đôi trước. Từ Vô Lượng Quang Thiên đến Biến Thắng Quang Thiên lại xa gấp đôi. Từ Biến Thắng Quang Thiên đến Thiểu Tịnh Thiên lại cũng xa gấp đôi trước. Từ Thiểu Tịnh Quang Thiên đến Vô Lượng Tịnh Thiên lại gấp đôi như vậy. Từ Vô Lượng Tịnh Thiên đến Biến Tịnh Thiên lại xa gấp đôi. Từ Biến Tịnh Thiên đến Vô Vân Thiên lại xa gấp đôi. Từ Vô Vân Thiên đến Sinh Phúc Thiên lại xa gấp đôi. Từ Sinh Phúc Thiên đến Quảng Quả Thiên lại xa gấp đôi. Từ Quảng Quả Thiên đến Vô Tưởng Thiên lại xa gấp đôi. Từ Vô Tưởng Thiên đến Thiện Hiện Thiên lại xa gấp đôi. Từ Thiện Hiện Thiên đến Thiện Kiến Thiên lại xa gấp đôi. Từ Thiện Kiến Thiên đến Bất Phiền Thiên lại xa gấp đôi. Từ Bất Phiền Thiên đến Bất Thiêu Thiên lại xa gấp đôi. Từ Bất Thiêu Thiên đến A-ca-ni-tra Thiên lại xa gấp đôi nữa.

Rồi nói kệ rằng:

Từ A-ca-ni-tra

Đến đất Diêm-phù-đề

Phóng một hòn đá lớn

Sáu vạn năm ngàn năm

Năm trăm ba mươi lăm

Khoảng giữa không trở ngại

Mới đến được Diêm-phù.

Người cõi Diêm-phù nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi ra vào không ngại. Người cõi Diêm-phùđề nếu du hành, chỉ có thể đến Đại Tiểu Hắc Sơn. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua Tây Cù-da-ni nầy. Con người nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi ra vào không trở ngại. Nếu du hành thì chỉ có thể đến được mé biển. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua Đông Phất-bà-đề. Con người nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi vào ra không ngại. Nếu du hành thì chỉ có thể đến được mé biển. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua Bắc Uất-đan-việt được. Con người nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi vào ra không ngại. Nếu du hành thì chỉ có thể đến được bên chân núi. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua cung điện của Tứ Thiên Vương Thiên. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi vào ra vô ngại được. Nếu du hành thì có thể đến bên trong núi Thiết Vi.

Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua cung điện của Đao-lợi chư thiên. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở vách núi vào ra vô ngại. Nếu có du hành thì chỉ đến ranh giới núi Thiết Vi.

Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua khỏi cung điện của chư thiên Dạ-ma, Đâu-suất-đà, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại và Phạm Tiên Hành, Phạm Chúng. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi vào ra không trở ngại. Nếu du hành thì chỉ được trong 1 thế giới. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua khỏi các cung điện của Đại Phạm Vương Thiên. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể ở nơi vách núi, vào ra không trở ngại. Nếu du hành, tuy có thể trong 1 ngàn thế giới. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể qua từ Đệ Nhị thiền cho đến cung điện của A-ca-ni-tra Thiên. Cũng như trước nói. Nếu du hành, chỉ có thể trong 1 ngàn thế giới. Nếu lìa thần thông và tha công lực không thể qua khỏi đại địa ngục này, bởi Đại ngục tốt làm vua giàu có tự tại. Diêm-la xứ địa ngục thì có Diêm-la vương làm vua giàu có tự tại. Tất cả cầm thú và thủy La-sát thì Bà-lâu-na vương làm vua giàu có tự tại. Các rắn, rồng v.v… thì Bà-tu-kết Long vương làm vua giàu có tự tại. Các rồng lớn thì Ma-na-tư Long vương làm vua giàu có tự tại. Các voi rồng thì Lâu-xà-kỳ-lợi Long vương làm vua giàu có tự tại. Các chim bay thì Ca-lâu-la vương làm vua giàu có tự tại. Các chúng sinh 4 chân đi trên bộ thì Sư Tử vương làm vua giàu có tự tại. Tất cả đường quỷ thì Quỷ Tôn vương làm vua giàu có tự tại. Tất cả hàng A-tu-la thì 4 Tu-la vương làm vua giàu có tự tại : 1. La-hầu, 2. Ba-la-đà, 3. Tì-ma-chất-đa, 4. Bà-lợi-tì-lô-giá. Trong Diêm-phù-đề thì Chuyển Luân vương làm vua giàu có tự tại. Vua một xứ làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Cũng có lúc không có vua như kiếp sơ mới thành lập. Tây Cù-da-ni thì Chuyển Luân vương làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Cũng có lúc không có vua như kiếp sơ mới thành lập. Đông Phất-bà-đề thì Chuyển Luân vương làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Cũng có lúc không có vua như kiếp sơ mới thành lập. Bắc Uất-đan-việt thì Chuyển Luân vương làm vua giàu có tự tại. Có lúc không vua. Ở Tứ Thiên vương thì 4 đại Thiên vương làm vua giàu có tự tại. Đao-lợi Thiên thì Tam Thập Tam Thiên làm vua giàu có tự tại. Dạ-ma Thiên thì Tu-dạ-ma vương làm vua giàu có tự tại. Đâu-suất-đà Thiên thì Thiện Túc Ý vương làm vua giàu có tự tại. Hóa Lạc Thiên thì Thiện Hóa vương làm vua giàu có tự tại. Tha Hóa Tự Tại Thiên thì Tự Tại vương làm vua giàu có tự tại.

Tất cả ở trong cõi Dục giới có Ác Ma vương làm vua giàu có tự tại. Trong 1 ngàn thế giới có Đại Phạm Thiên vương làm vua giàu có tự tại. Thế gian và chư thiên Ma vương; nơi chỗ Đại Phạm, nơi Samôn, Bà-la-môn và nơi người trời thì Như Lai A-la-hán, Tam-miệu Tam-phật-đà Pháp làm vua giàu có tự tại.

Nếu tại Diêm-phù-đề bé mới sinh đầy 4 tháng tuổi, thì lớn bằng bé mới sinh ở Tây Cù-da-ni. Ở Đông Phất-bà-đề bé mới sinh lớn bằng bé sinh được 5 tháng tuổi ở Diêm-phù-đề.

Nếu ở Diêm-phù-đề bé sinh đủ 6 tháng tuổi bằng bé mới sinh ở Bắc Uất-đan-việt.

Như Diêm-phù-đề bé được 6 tuổi, thì bằng trẻ mới sinh nơi Tứ Thiên Vương trẻ cũng như vậy. Sinh được 7 ngày thì lớn như cha mẹ.

Như Diêm-phù-đề trẻ sinh ra được 7 tuổi thì bằng trẻ sơ sinh nơi xứ Đao-lợi Thiên cũng như vậy, và sinh được 7 ngày là thành người lớn.

Như trẻ em sinh ở Diêm-phù-đề được 8 tuổi thì bằng trẻ sơ sinh ở cõi Dạ-ma Thiên cũng như vậy. Sinh ra 7 ngày thì thành người lớn.

Như ở Diêm-phù-đề đứa trẻ sinh ra được 9 tuổi, thì bằng trẻ sơ sinh ở Đâu-suất-đà Thiên cũng như vậy, và sinh ra được 7 ngày thì thành người lớn.

Từ Hóa Lạc Thiên cho đến A-ca-ni-tra Thiên nói hình tướng sinh trưởng nầy cũng đầy đủ như vậy. Ở Diêm-phù-đề một tầm rưỡi thì ở Tây Cù-da-ni một tầm. Ở Tây Cù-da-ni một tầm rưỡi thì ở Đông Phất-bà-đề là 1 tầm. Ở Đông Phất-bà-đề 1 tầm rưỡi thì ở Bắc Uất-đan-việt là 1 tầm.

Tứ Thiên Vương Thiên 1 Già-phù-địa, tức một phần tư do-tuần. Thân của Tứ Thiên Vương dài 2 Già-phù-địa thì thân ở Đâu-suất Thiên dài nửa do-tuần. Thân của Đế Thích dài 3 Già-phù-địa thì thân của Dạ-ma Thiên dài 1 do-tuần. Thân ở Đâu-suất Thiên dài 2 do-tuần thì thân ở Hóa Lạc Thiên dài 4 do-tuần. Thân của Tha Hóa Tự Tại Thiên dài 8 do-tuần. Tất cả Sắc giới cho đến A-ca-ni-tra đều có chiều dài 12 do-tuần. Từ Diêm-phù-đề đến A-ca-ni-tra Thiên, chiều dài của tự thân là khác nhau 4 khuỷu tay.

Sắc thân của chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề nhiều loại không giống nhau. Có sắc trắng như người ở các nước Dạ-bà-na Bàlợi-kha Chỉ-na v.v… Có sắc đen như ở các nước Bạt-bà-la Kiếm-bồxà v.v… Có sắc xanh như ở các nước Đà-mi-la Tân-ha-la v.v… Có sắc đỏ trắng như ở các nước Thủ-đà- kha, nước Tì-la v.v… Có sắc vàng như ở các nước Cơ-la-đa và Kế Tân v.v…

Ở Đông Phất-bà-đề, Tây Cù-da-ni chỉ trừ sắc đen, ngoài ra đều giống như Diêm-phù. Bắc Uất-đan-việt tất cả nhân dân đều toàn màu trắng. Còn Tứ Thiên Vương Thiên thì có 4 màu sắc. Có màu xanh, màu đỏ, màu vàng và màu trắng. Tất cả màu sắc của chư thiên ở cõi Dục đều như vậy.

Vì sao chư thiên ở cõi Sắc lại có 4 loại ?

Khi mới thụ sinh, thấy hoa xanh biếc thì thân có màu xanh. Các màu khác cũng như vậy.

Y phục của người cõi Diêm-phù-đề có Ca-ba-bà, Sô-ma, Kiêuxa-da, áo lông, áo gai, áo bông, áo cỏ, áo vỏ cây, áo da thú, áo ván gỗ, áo cây Kiếp-ba.

Ở Tây Cù-da-ni người ta mặc áo Ca-ba-bà, áo Sô-ma, áo Kiêuxa-da, áo lông, áo gai, áo cỏ; áo vỏ cây, áo da thú, áo ván gỗ, áo vỏ cây Kiếp-ba.

Người ở Đông Phất-bà-đề thì mặc áo Ca-ba-bà, áo Sô-ma, áo Kiêu-xa-da, áo lông, áo gai.

Người ở xứ Uất-đan-việt thì mặc áo vỏ cây Kiếp-ba, dài 20 khuỷu tay và rộng 10 khuỷu tay. Nặng 1 Ba-la.

Trời Tứ ThiênVương cũng mặc y Kiếp-ba như vậy, dài 40 khuỷu tay, rộng 20 khuỷu tay. Nặng nửa Ba-la.

Đao-lợi Thiên cũng mặc Kiếp-ba, dài 80 khuỷu tay; rộng 40 khuỷu tay, nặng 1 Ba-la một phần tư.

Dạ-ma thiên mặc áo Kiếp-ba, dài 1 trăm 60 khuỷu tay; rộng 80 khuỷu tay, nặng 1 Ba-la 1 phần 8.

Đâu-suất-đà thiên mặc áo Kiếp-ba, dài 3 trăm 20 khuỷu tay; rộng 1 trăm 60 khuỷu tay, nặng 1 Ba-la 1 phần 16.

Hóa Lạc Thiên cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên đều mặc y phục, tùy tâm và lớn nhỏ và nặng nhẹ cũng vậy.

Y phục của người cõi Diêm-phù-đề thì ăn mặc nhiều loại không giống nhau; hoặc có tóc dài, rẽ làm hai búi; hoặc cạo tóc râu, hoặc để một búi trên đỉnh còn bao nhiêu thì cạo gọi là búi tóc Chu-la. Hoặc nhổ tóc râu, hoặc cạo tóc râu, hoặc thắt bím, hoặc để tóc, hoặc cạo ở trước để ở sau cho tròn, hoặc khỏa thân, hoặc mặc y phục che phần trên bỏ truồng phần dưới, hoặc ở trần chỉ che phần dưới. hoặc trên dưới đều che kín, hoặc chỉ ngăn che trước sau.

Người ở Tây Cù-da-ni trang sức đều để tóc trên dưới đều mặc y phục như nước Thủ-đà-a-tì-la. Người ở Đông Phất-bà-đề thì trang sức cạo tóc phía trước để tóc phía sau. Y phục trên dưới mặc quấn quanh mình, như 2 nước Ương-già, và Ma-già-đà vậy.

Người ở Bắc Uất-đan-việt thì trang sức bằng những râu tóc đen, thường giống như cạo, cứ 5 ngày thì tóc tự nhiên dài ra, nhưng bề ngang bẳng 7 lóng tay không tăng giảm.

Tứ Thiên Vương Thiên thì trang sức nhiều cách không giống nhau. Hoặc có tóc dài chia ra làm 2 búi, hoặc cạo râu tóc, hoặc để một búi trên đỉnh còn bao nhiêu thì cạo bỏ, gọi là búi Chu-la, hoặc nhổ bỏ râu tóc, hoặc cạo tóc cạo râu, hoặc thắt bím, hoặc để dưỡng tóc, hoặc cạo phía trước để phía sau cho tròn. Hoặc có người khỏa thân; hoặc có người mặc y phục, hoặc che phần trên để truồng phần dưới, hoặc ở trần mà che phần dưới, hoặc trên dưới đều che kín, hoặc chỉ che trước sau. Chư thiên Dục giới cũng đều trang sức như vậy.

Chư thiên Sắc giới không mặc y phục, nhưng nếu mặc cũng không khác. Đầu tuy không búi tóc, giống như đội mão, không có tướng nam nữ, hình dạng chỉ một loại.

Người Diêm-phù-đề ăn cơm gạo tẻ, lúa mì, lúa mạch, ăn thịt cá, ăn rau củ quả.

Người Tây Cù-da-ni ăn uống cũng ăn cơm gạo tẻ, lúa mì, lúa mạch, ăn thịt cá, ăn rau củ quả. Hay dùng sữa nhiều.

Người Đông Phất-bà-đề ăn cơm gạo tẻ, lúa mì, lúa mạch, cá thịt, rau củ quả, nhiều nhất là cơm tẻ.

Người Bắc Uất-đan-việt chỉ ăn cơm gạo tẻ, nhưng loại này không trồng mà tự mọc, không phải xay giã mà gạo tự sạch không có cám sắc, hương, vị, xúc tất cả đều tuyệt hảo, ngọt ngào như vị của mật ong. Trong ấy có cây tên là Đôn-trị-chỉ-la. Cây nầy ra quả giống như cái nồi, lại giống như một thứ trái cây có nước uống được và có sọ như quả dừa. Nếu người muốn ăn, lấy trái cây nầy để đựng nước.

Lại cũng có loại đá gọi là Thụ-đề lấy trái cây nầy đặt lên trên đá thì đá tự nhiên sinh lửa, rồi người ta lấy gạo bỏ vào để nấu và không phải đong lường hay canh chừng thổi nấu, khi thành cơm rồi thì đá kia tự nhiên nguội lại. Lại cũng dùng trái cây đó đựng cơm và nếu có ai đó đến cần ăn cứ tùy ý lấy mà không ai có ý nghĩ người kia thí, ta là người ăn, cũng không ai có ý nghĩ ta thí cho người kia. Ăn xong bỏ đó mà đi thì đất tự nhiên nứt ra các dụng cụ và thức ăn thừa rơi xuống rồi đất khép lại như cũ.

Tứ Thiên Vương Thiên đều ăn vị Tu-đà. Sáng ăn một vốc, chiều ăn một vốc. Ăn vào rồi chuyển thành phần của thân. Vị Tu-đà này do vườn rừng ao hồ tự nhiên sinh. Vị Tu-đà này cũng có thể hóa ra Khư-đà-ni 8 thứ ẩm thực. Tất cả chư thiên Dục giới cũng ăn như vậy. Chư thiên Sắc giới từ Sơ thiền cho đến Biến Tịnh đều dùng niềm vui làm sự ăn uống. Chư thiên bên trên đều dùng ý nghiệp làm sự ăn uống.

Người ở Diêm-phù-đề buôn bán hay dùng vàng bạc, cốc, mễ v.v… hoặc các tạp vật ngọc trai ma-ni các báu, hoặc lấy chúng sinh làm vật mua bán trao đổi.

Ở Tây Cù-da-ni buôn bán trao đổi chỉ dùng bò.

Đông Phất-bà-đề buôn bán giao dịch hay dùng lúa gạo.

Bắc Uất-đan-việt không có giao dịch.

Tứ Thiên Vương giao dịch buôn bán hoặc dùng vàng bạc hay lúa gạo v.v… hoặc các tạp vật như ngọc trai, ma-ni các báu. Hoặc lấy chúng sinh để làm vật buôn bán. Tất cả cõi Dục giới chư thiên đều như vậy cả.

Sắc giới thì không giống với Uất-đan-việt.

Người Diêm-phù-đề hoặc tự sát sinh, hoặc sai người giết thịt để ăn. Tây Cù-da-ni cũng vậy. Đông Phất Đề-bà người ta không sát sinh, cũng không sai người sát sinh. Nếu có vật tự chết thì lấy thịt ăn. Bắc Uất-đan-việt không tự sát sinh, không sai người khác sát sinh, vật chết rồi cũng không ăn thịt. Tứ Thiên Vương thì tự giết và sai người giết, không ăn thịt con vật chết. Đao-lợi chư thiên tự giết, sai người giết; vật chết rồi cũng không ăn thịt.. Từ Dạ-ma Thiên đến A-ca-ni-tra không tự sát sinh, không sai người sát sinh và vật chết rồi cũng không ăn thịt.

Người ở Diêm-phù-đề nếu bà con chết thì tống táng bằng cách thiêu tử thi trong núi rồi bỏ, hoặc bỏ xuống nước, hoặc chôn dưới đất; hoặc để nơi đất trống. Tây Cù-da-ni, Đông Phất-bà-đề cũng làm như vậy.

Người Bắc Uất-đan-việt nếu có bà con chết không tống táng, không thiêu, không bỏ mà đem tử thi cho chim ăn và đem tử thi vào núi sau khi chết để cho chim ăn.

Tứ Thiên Vương nếu có quyến thuộc chết cũng không tống táng, không thiêu, không bỏ. Người chết như ánh sáng tắt, không còn lưu dấu vết. Tất cả chư thiên ở cõi trên nữa cũng đều như vậy.

Ở cõi Diêm-phù-đề có 5 loại cây : cây bằng vàng, cây bằng bạc, cây bằng Pha-lê-kha, cây bằng lưu ly, cây bẳng Kha-lợi-đa. Ở Tây Cù-da-ni và Đông Phất-bà-đề cũng như vậy. Bắc Uất-đan-việt chỉ có cây Kha-lợi-đa còn 4 loại kia thì không. Tứ Thiên Vương cũng có 5 loại cây báu như trên đã nói. Tất cả chư thiên của cõi Dục, cũng có 5 loại cây giống như vậy. Ở cõi Sắc giới đều không có cây.

Ở cõi Diêm-phù-đề có 5 loại hoa như : vàng, bạc, pha lê, lưu ly, Kha-lợi-đa. Tây Cù-da-ni, Đông Phất-bà-đề cũng như vậy. Bắc Uất-đan-việt có cây tên là Tán-đa-na và hoa nầy đều bằng thứ báu Kha-lợi-đa. Tứ Thiên Vương Thiên cũng có 5 loại hoa. Tất cả Dục giới cũng như vậy. Còn Sắc giới đều không có.

Trong cõi Diêm-phù-đề có đền đài bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, Kha-lợi-đa. Có nhà cửa bằng cây, hoặc bằng đá, đất. Tây Cù-dani cũng như vậy. Đông Phất-bà-đề đền đài đều làm bằng vàng không làm thứ gì khác. Bắc Uất-đan-việt có cây tên là Mạn-thù-sa, cao giống như một đền đài lớn, lá che rợp khắp, sương gió không vào. Tất cả mọi người đều dùng làm nhà ở.

Tứ Thiên Vương thiên có 5 loại đền đài bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê và Kha-lợi-đa. Tất cả chư thiên ở cõi Dục đều như vậy.

Sắc giới chư thiên đều có đền đài, tất cả đều bằng báu màu trắng. Ở đó xưa khi còn ở nhân địa, chư thiên hay có tâm muốn làm việc bố thí để mong được quả báo. Nay quả địa là được cung điện, màu sắc tối tăm không sáng sủa. Nếu như chư thiên trong nhân địa không có tâm xan lẫn, làm việc bố thí mà không mong cầu quả báo : như ta có, kia không; ta là chủ, kia không không phải chủ. Đó là đạo lý chính đáng, là tương ưng với pháp. Nếu có chủ thí và không có chủ thí, nếu hành bố thí tâm an tịnh yên ổn là tâm trang nghiêm, là tâm trị tịnh, cho nên hành bố thí do tâm như vậy thì nơi quả địa được cung điện có ánh sáng quang minh vi diệu, không có tối tăm.

Người ở Diêm-phù-đề nếu lìa thần thông và do tha công lực, thì không thể thấy suốt được các sắc che chắn bên ngoài thành vách núi. Tây Cù-da-ni, Đông Phất-bà-đề, Bắc Uất-đan-việt, nếu lìa thần thông và do tha công lực tức không thể thấy suốt các sắc che chắn bên ngoài thành vách núi.

Tứ Thiên Vương Thiên nếu lìa thần thông và tha công lực, ngay tại xứ mình cũng không thể thấy các sắc che chắn bên ngoài thành vách núi. Nếu nhìn xa nhiều lắm là chỉ thấy sắc bên trong núi Thiết Vi. Nếu lìa thần lực và tha công lực không thể thấy tận bên ngoài núi nầy.

Đao-lợi Thiên ở tại cung điện nếu lìa thần lực và tha công lực thì không thể thấy các sắc che chắn bên ngoài thành vách núi. Nếu nhìn xa nhiều lắm là chỉ thấy sắc bên trong núi Thiết Vi. Nếu lìa thần lực và tha công lực thì không thể thấy rõ bên ngoài núi Thiết Vi. Từ cõi trời Dạ-ma đến Phạm Chúng tất cả đều như vậy.

Đại Phạm Thiên Vương khi ở tại cung điện của mình nếu lìa thần lực và tha công lực thì không thể thấycác sắc che chắn bên ngoài thành vách núi. Nếu thấy xa thì chỉ thấy trong 1 ngàn thế giới. Nếu lìa thần thông và tha công lực thì không thể thấy hết được.

Người ở Diêm-phù-đề nếu cầu hôn con gái nhà người, nhà gái hứa gả rồi mới được đón tiếp. Cũng có tục mua bán vợ lẽ, nữ tỳ. Xứ Tây Cù-da-ni và Đông Phất-bà-đề cũng như vậy. Người ở xứ Bắc Uất-đan-việt thì không gả không cưới cũng không mua bán. Nếu người con trai muốn lấy người con gái thì nhìn người con gái ấy. Nếu người con gái muốn lấy người con trai thì cũng nhìn giống như vậy. Nếu người con gái không thấy người con trai nhìn mình thì những người con gái khác báo nói : Người kia nhìn mày kìa ! Rồi 2 người thành vợ chồng. Nếu người con trai không thấy người con gái nhìn mình thì những người con trai khác báo nói : Cô ấy nhìn cậu kìa ! Rồi 2 người thành vợ chồng. Nếu tự gặp nhau thì liền theo nhau ở chung nơi khác.

Ở cõi Tứ Thiên Vương nếu muốn cầu hôn Thiên nữ thì gia đình người nữ hứa hôn rồi mới được đón tiếp. Mọi việc gả bán, tất cả chư thiên Dục giới đều giống như vậy.

Người ở cõi Diêm-phù-đề có nam căn và nữ căn hòa hợp với nhau. Người ở Đông Phất-bà-đề và Tây Cù-da-ni, Bắc Uất-đan-việt đều giống như vậy. Cõi Tứ Thiên Vương và Đao-lợi Thiên nam nữ hòa hợp cũng giống như vậy. Ở cõi Dạ-ma thì chư thiên thực hiện dục bằng cách ôm nhau. Ở cõi Đẩu Suất Thiên thì thực hiện dục bằng cách cầm tay nhau. Ở cõi Hóa Lạc Thiên thì chư thiên thực hiện dục bằng cách cười với nhau. Ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên thực hiện dục bằng cách nhìn nhau.

Người ở cõi Tây Cù-da-ni thụ các dục lạc gấp đôi người ở cõi Diêm-phù-đề. Cho đến cái dục của chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại cũng hơn gấp đôi cõi Hóa Lạc .

Người nữ ở Diêm-phù-đề ăn uống thô sơ, có thai sinh con, cho con bú. Người Tây Cù-da-ni, Đông Phất-bà-đề cũng như vậy. Người nữ ở Bắc Uất-đan-việt cũng có người ăn uống thô sơ, mang thai, sinh con nhưng không cho con bú. Nếu sinh ra con trai hay con gái xong thì đem để ở ngã tư đường, rồi người mẹ lấy ngón tay cho vào trong miệng con và nếu người đi đường đi ngang qua thấy cũng lấy tay cho vào miệng đứa trẻ. Nhân việc ngón tay chạm vào thân thể mà lớn lên.

Nam nữ ở Uất-đan-việt thì sống riêng không ở lẫn lộn nhau. Nếu người nam sau khi sinh 7 ngày thành người lớn thì nhập vào đám con trai. Nếu người nữ sau khi sinh 7 ngày thành người lớn liền nhập vào đám con gái. Khi nam nữ có tác ý dục thì cùng đến dưới cây Mạn-thù-sa. Cây ấy che khuất tức dục sự thành. Nếu cây ấy không che, thì lìa nhau, tức biết là tà dâm, liền không dám phạm.

Ở cõi Tứ Thiên Vương thì các thiên nữ không có ăn thức ăn xấu, không mang thai, lại cũng không có con và cũng không cho con bú. Nam nữ chư thiên hoặc từ đầu gối trở lên hoặc ở miên xứ đều có thể sinh con. Nếu ở nơi đầu gối người mẹ và miên xứ mà sinh thì thiên nữ nghĩ rằng đây là con của ta và thiên nam cũng nói đây là con của ta, tức là chỉ một cha một mẹ. Nếu ở nơi đầu gối người cha và miên xứ người cha mà sinh thì tuy chỉ có một cha mà tất cả thê thiếp đều là mẹ.

Người ở cõi Diêm-phù-đề trong một đời thực hiện việc dục vô số lượng lần. Nhưng cũng có người tu phạm hạnh thanh tịnh cho đến chết cũng không làm chuyện dục lạc.

Người ở Tây Cù-da-ni thì nhiều dục, nhưng trong một đời chỉ đến 12 lần, trong đó có khi là vài lần hoặc cho đến 10 lần. Nhưng cũng có những người tu hành thanh tịnh cho đến chết không dâm dục.

Người ở cõi Đông Phất-bà-đề cũng đa dục và trong một đời số lần là 7, người trung bình thực hiện 5 hoặc 6 lần. Cũng có người tu hạnh thanh tịnh đến chết cũng không làm việc dâm dục.

Ở Uất-đan-việt người đa dục, trong một đời chỉ có 5 lần, trung bình thì 3 hay 4 lần. Cũng có người tu hạnh thanh tịnh suốt đời không làm việc dâm dục.

Cõi Tứ Thiên Vương Thiên thì cả đời việc hành dục vô lượng vô số. Nhưng những vị tu thanh tịnh thì đến chết không dâm dục. Tất cả chư thiên ở Dục giới đều như vậy cả.

Tất cả người nữ khi chạm xúc là cảm thấy thích. Còn tất cả người nam khi đồ bất tịnh chảy ra là có thích thú. Tất cả người nam lấy bất tịnh làm dục. Tất cả chư thiên thì khí tiết ra làm thích thú. Người cõi Diêm-phù-đề có 3 nhân duyên hơn cõi Uất-đan-việt và cõi Đao-lợi.

Thế nào là 3 ?

Một là mạnh khỏe, hai là chế ngự và ba là ở trong Phạm hạnh.

Người Uất-đan-việt cũng có 3 nhân duyên hơn người ở Diêmphù-đề và Đao-lợi Thiên :

Một là không có cái thuộc về ta, và không chứa giữ. Hai là thọ mạng quyết định 1 ngàn tuổi. Ba là sau đó sẽ được sinh lên cõi trời Đao-lợi.

Chư thiên lại có 3 nhân duyên hơn người Diêm-phù-đề và Uấtđan-việt :

Một là thọ mạng dài lâu. Hai là hình tướng đẹp đẽ. Ba là khoái lạc tối đa.

Nghĩa nầy Phật Thế Tôn nói, tôi nghe như vậy.

HẾT QUYỂN 6

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10