LUẬN LẬP THẾ A TÌ ĐÀM
(Phật nói Luận A-tì-đàm về sự thành lập thế giới)
Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 2

Phẩm 5: VOI CHÚA LẬU-XÀ-KÌ-LỢI

Núi Chu-la-ca-la cao một Già-phù-đa rưỡi, rộng cũng vậy, ở giữa cũng vậy.

Núi Ma-ha Ca-la cao 3 Già-phù-đa, rộng cũng vậy, ở giữa cũng vây.

Núi Cù-ha-na cao một do-tuần rưỡi, bề rộng và ở giữa cũng vậy.

Núi Tu-la-bà-ha cao 3 do-tuần, rộng và ở giữa cũng vậy.

Núi Kê-la-bà cao 6 do-tuần; rộng và ở giữa cũng vậy.

Núi Càn-đà-ma-đà cao 12 do-tuần, rộng và ở giữa cũng vậy.

Núi Tu-bàn-na-bát-ta cao 24 do-tuần, rộng và ở giữa cũng vậy.

Núi Tu-bàn-na-bát-ta vào tháng mùa thu trời trong xanh không mưa. Ánh sáng chói chang. Lại cũng có nhiều người sống ở gần núi tuyết. Tháng 4 có lễ hội Cao bình địa, người tu rủ nhau đến ngắm nhìn trời, đến trên đỉnh núi Ma-ha Ca-la ngửa mặt trông về phía Bắc thì xa thấy núi kia. Ánh sáng chói lòa. Nhân đó bảo nhau đó là núi Tu-di. Ta nay đã thấy trời rồi. Đó là phía Bắc núi Tu-bàn-na-bát-ta, là nơi đẹp nhất lại có ao lớn tên là ao Mạn-đà-cơ-ni, dài 50 do-tuần, rộng 10 do-tuần. Nước ở đây trong mát, sạch ngọt dịu. Ở trong ao hoa sen mọc đầy. Bờ ao đáy ao đều dùng bằng bạc vàng, thủy tinh, lưu ly gồm 4 thứ báu làm thành bờ lũy của ao. Bạc ở ngoài cùng, tiếp đến chung quanh là nước trong và cùng một màu với các báu. Ao hồ nầy bốn bên đều có bậc cấp thông đến dưới đáy và cũng làm thành bằng 4 thứ báu. Cạnh phía Đông Nam của ao đi thẳng đến núi. Núi nầy có đá tên là Nan-đà, dài 50 do-tuần, rộng 10 do-tuần. Đá nầy đều bằng lưu ly, bằng phẳng và láng dễ yêu trông giống như phòng ốc của cung điện. Màu sắc không giống nhau, có nhiều hình tướng khác nhau, tự nhiên khắc họa tạo thành như tấm nệm phương Bắc, nào người, thú, cỏ, cây, không thiếu thứ gì. Màu sắc của vân đá nầy cũng vậy. Như hoa tai trang sức 7 thứ báu vật. Đất đai ở đây cũng vậy, tất cả đều bằng lưu ly, bằng phẳng mịn màn khả ái, có nhiều màu sắc đẹp. Nếu giẫm chân lên thì liền lún xuống, giở chân lên trở lại như cũ. Đất ở đây mềm nhuyễn như bông mịn màng, như bông vải. Cũng như vậy là núi đá Nan-đà, lúc đạp xuống thì lún chân, giở chân lên trở lại như cũ. Trong đó số đền đài không phải một, có đền bằng vàng có đền bằng bạc, pha lê lưu ly cũng vậy hoặc có 4 châu báu hợp thành. Các đền đài nầy đều là chỗ ở của các voi chúa. Ở giữa núi đá và ao hồ là nơi thắng cảnh có cây Nặc-cù-đề vương tên là Thiện Lập gốc rễ thân nhánh đầy đủ, hình dáng khả ái. Lá cây sum sê lâu không rụng gió mưa không xâm hại, như các thứ hoa trang sức cài đầu tinh xảo và các thứ hoa tai. Lại như dù che trên dưới, hình dáng cây nầy cũng vậy. Cây cao một do-tuần. Thân cây như cột, số đến 8 ngàn đều đâm thẳng xuống đất. Cho nên tên là Thiện Lập. Ở bên ngoài ao phía Tây Nam có những cảnh đẹp. Có cây Ta-la vương; tên Thiện Kiến; cành lá thân nhánh đều đầy đủ hình tướng khả ái, có lá sum sê lâu không rụng; gió mưa không xâm hại, như những tràng hoa tinh xảo người đời dùng cài tóc để trang điểm và các thứ hoa tai báu. Lại nữa hình dáng cây này như cây lọng che kín trên dưới. Cây cao 1 do-tuần, thân dưới to lớn và thẳng một nửa do-tuần mới có cành lá. Cây nầy có đường kính 5 tầm, chu vi 15 tầm, nhánh ngang tỏa ra bốn phía nửa do-tuần. Ngoài cây nầy ra còn có rừng cây Ta-la, cao thấp lần lượt, bảy lần vây quanh, cành lá che nhau bên ngoài nhìn vào thấy như là một. Những hàng cây bên trong bao vây 13 tầm. Cứ như vậy lần lượt giảm đi một tầm. Lớp cây ngoài cùng bao vây 7 tầm. Lớp cây bên trong thật cao, bên ngoài thấp dần. Cây nầy hình tướng gốc rễ thân nhánh đều đầy đủ lại rất khả ái. Lá cây sum sê lâu không rụng, gió mưa không xâm hại, như người đời trang sức tràng hoa cài tóc, tinh xảo như hoa tai ngọc báu. Cây nầy hình dáng giống như cây lọng che trên phủ dưới. Lá héo cành khô rơi xuống thì cây lại mọc kín. Nếu rơi ra ngoài rừng thì bốn bên đột xuất xuất hiện giống như cửa nhà. Đất ở dưới cây nầy được phủ cát vàng; nước hoa rải khắp, đốt các danh hương, rải các thứ hoa, treo các y báu. Ở dưới gốc cây nầy phủ đầy hoa Ta-la cùng các hoa khác khắp trên mặt đất, thật là vui thích.

Đây chính là nơi ở của voi chúa Lâu-xà-kì-lợi. Thân voi trắng tinh, bảy chi chống đất; 6 ngà đầy đủ, tùy ý biến hóa, có đại thần thông và đại oai đức.

Cứ mỗi lớp như vậy có 8 ngàn voi. Lớp thứ nhất là voi đực trắng. Lớp thứ hai là voi cái trắng. Lớp thứ ba là voi đực màu vàng. Lớp thứ tư là voi cái màu vàng. Lớp thứ năm là voi đực màu đỏ. Lớp thứ sáu là voi cái màu đỏ. Lớp thứ bảy là voi đực màu xanh. Lớp thứ tám là voi cái màu xanh. Ngoài ra voi đực voi cái màu đen thì không có trong các lớp trùng vây này.

Như vậy khi voi chúa muốn đến tắm nơi ao Mạn-đà- cơ-ni thì những con voi đen bên ngoài liền kéo nhau đi đến đó phòng vệ giữ gìn đường đi và bãi tắm.

Việc phòng bị xong rồi, bấy giờ voi chúa có các voi vây quanh đi đến ao. Các voi cái màu trắng vây quanh voi chúa xuống ao tắm, lấy nước ao kỳ cọ cho voi chúa nào rửa mặt nào rửa tai rồi khắp thân thể đều như vậy.

Trong khi voi chúa tắm, bầy voi hái các loại hoa làm thành tràng hoa phụng dâng voi chúa. Hoặc làm hoa tai; hoặc xâu thả rũ, các thứ trang sức khác nhau trang điểm thân voi chúa.

Tắm xong từ ao lên bờ đến dưới cây Nặc-cù-đề hong cho thân khô ráo. Trong quá khứ chỗ nầy là nơi có một thợ săn đã bắn giết voi chúa. Nhân đây mà trong kinh Bản Sinh có nói rõ về chuyện xưa của Bồ-tát.

Bấy giờ các voi tùy theo màu sắc lần lượt xuống ao tắm. Tắm xong đến dưới cây vây quanh voi chúa. Voi màu đen xuống tắm sau cùng nhổ lấy ngó cây sen rửa sạch sẽ rồi trở về dưới gốc cây. Voi đực đen chuyển đưa cho voi cái đen, voi cái đen chuyển đưa cho voi đực xanh, voi đực xanh chuyển đưa cho voi cái xanh, voi cái xanh chuyển đưa cho voi đực đỏ, voi đực đỏ chuyển đưa cho voi cái đỏ. Voi cái đỏ chuyển đưa cho voi đực màu vàng, voi đực màu vàng chuyển đưa cho voi cái màu vàng, voi cái màu vàng chuyển đưa cho đực màu trắng, voi đực màu trắng chuyển đưa cho voi cái màu trắng, voi cái màu trắng chuyển đưa cho voi chúa lớn ăn. Voi chúa ăn xong lấy chỗ ngó sen còn lại lần lượt theo thứ tự phân chia ra cho bầy voi. Chỉ voi đen, nếu ăn không đủ thì sai voi đen đến ao hái để ăn cho được đầy đủ. Voi đen chỉ ăn ở ao.

Các voi này ăn ngó sen xong thì thành thân 7 phần. Nếu ăn cỏ cây lá cây thì thành ra phân nước tiểu đều cho voi đen làm thải trừ hay tống thực cũng vậy.

Voi chúa trắng nầy 4 tháng ở núi Nan-đà Xuân Đông 8 tháng thì ở dưới cây Ta-la vương Thiện Kiến. Sau đó voi chúa lại cũng thường ở tại núi Nan-đà nầy; ban ngày thì qua ở tại cây Ta-la vương Thiện Kiến, tắm rồi ăn; tất cả đều ở dưới cây Nặc-cù-đề.

Vì sao biết ?

Xưa kia khi Tịnh mạng đại trí Xá-lợi-phất thân mang bệnh phong. Y sư bảo rằng: Bệnh nầy của Đại-đức chỉ có thể trị bằng ngó sen. Bấy giờ có Tịnh mạng thần thông Mục-liên vào thuở xa xưa đã thấy ngó sen nầy, Đại-đức này liền nói như thế nầy :

Tôi sẽ qua đó để lấy ngó sen đem về đây. Mục-liên tức thời dùng thần thông qua núi Kim Biên và suy nghĩ rằng: Voi chúa nầy có thần thông lớn và oai đức lớn, có tâm kiêu mạn, cho nên quyết làm cho voi chúa sợ hãi.

Mục-liên liền hóa thân như một voi lớn, thân cao to gấp đôi voi kia. Lại còn hóa làm bầy voi quyến thuộc thân hình cũng to lớn gấp đôi vây quanh voi chúa, từ trên không bay xuống. Voi chúa trắng thấy sự việc nầy rồi, tâm hoài nghi sợ hãi, lông lá đều dựng ngược, nghĩ rằng: Có voi chúa khác, ở xứ khác đến, thần thông oai đức thân hình đều hơn ta, nay sẽ chiếm đoạt nơi ở của ta. Ngay lúc ấy Tịnh mạng Đại Mục-kiền-liên biết được sự sợ hãi nầy, thấy tướng khác thường, liền xả thần thông đã hiện các biến hóa rồi ngồi kết già ở một nơi khác.

Voi chúa trắng thấy việc ấy rồi liền suy nghĩ rằng: Không có voi chúa nào khác mà là vị Đại Tì-kheo này. Lúc ấy voi chúa tự hóa thân làm một Đồng tử cõi trời, cánh tay trang sức các của báu cõi trời, đầu đội mão trời, trên thân trang sức hoa tai, chuỗi ngọc.

Trong lúc Mục-kiền-liên đang ngồi tĩnh tọa thì Thiên Đồng tử yên lặng chắp tay, 5 vóc gieo xuống đất, kính lễ Đại-đức.

Bấy giờ Mục-liên nói với voi chúa rằng: Trưởng lão voi chúa ! Ngài có thần thông oai đức khó sánh kịp.

Voi chúa đáp: Đại-đức ! Tôi là súc sinh, có thần lực gì đâu, lại không có oai đức. Thánh sư đến đây có ý muốn gì ?

Mục-liên đáp: Ta muốn có ngó sen.

Voi chúa liền bảo voi đen: Ngươi hãy đi lấy ngó sen như ý của Đại-đức.

Voi đen liền xuống ao lấy ngó sen, rửa sạch, rồi dùng một con voi chở ngó sen lên lưng theo Đại Mục-liên bay lên hư không mà đi. Khi Mục-liên đến rồi các Tì-kheo kia liền được ngó sen nầy. Cho nên từ xưa đến nay nơi nầy được gọi là nơi voi xuống, cũng có tên là nơi gửi ngó sen, cũng có tên là nơi nhận ngó sen.

Đại-đức Xá-lợi-phất ăn ngó sen nầy rồi bệnh liền tiêu trừ. Từ khi Xá-lợi-phất hết bệnh cho đến Bát-niết-bàn thân không bệnh não. Các Tì-kheo đã ăn ngó sen nầy rồi cho biết ngó sen có dáng khả ái, vị nó nhiều đậm đặc, không cay đắng; giống như mật ong, cọng tròn dài lớn độ một thước. Mỗi cọng như vậy nước tiết ra đầy một bình bát.

Có các Tì-kheo khác dùng thần thông đến bên núi Kim Biên kia đã thấy sự việc về lại đây nói như vậy.

Bấy giờ Thế Tôn vì các Tì-kheo mà nói nhân duyên nầy; cho nên biết được sự việc như vậy.

Phẩm 6 : BỐN THIÊN HẠ

Bấy giờ Phật nói: Thiên hạ có 4: một là Diêm-phù-đề, hai là Tây Cù-da-ni, ba là Đông Phất-vu-đãi và bốn là Bắc Uất-đan-việt.

Lúc ấy có Tì-kheo bạch Phật rằng:

Kính bạch Thế Tôn ! Nơi Diêm-phù-đề nầy đất đai có to lớn không ?

Phật bảo Tì-kheo: Diêm-phù-đề lớn, biên giới phía Đông 2 ngàn do-tuần, Tây Bắc hai bên cũng đều 2 ngàn do-tuần. Biên giới phía Nam chỉ 3 do-tuần. Chu vi 6 ngàn 3 do-tuần. Mặt bằng như xe và tất cả chúng sinh ở nơi ấy mặt giống với mặt đất. Nơi Diêm-phùđề có đầy đủ sông núi. Ở giữa núi sông là các quốc gia.

Bấy giờ Tì-kheo bạch Phật:

Thế Tôn ! Tây Cù-da-ni hình thể lớn chăng ?

Phật bảo Tì-kheo: Tây Cù-da-ni lớn. Rộng 2 ngàn 3 trăm 33 do-tuần. Lại mỗi do-tuần chia ra một phần ba. Chu vi 7 ngàn do-tuần. Địa hình khối tròn không có núi mà có sông. Ở giữa các sông nầy là các quốc gia; nhân dân giàu có an lạc, không có trộm cướp, nhiều người hiền lành đầy khắp các nơi.

Khi ấy Tì-kheo lại bạch:

Thế Tôn ! Đông-phất-tì-đề địa hình lớn nhỏ ?

Phật bảo Tì-kheo: Đông-phất-tì-đề lớn. Rộng 2 ngàn 3 trăm 33 do-tuần. Lại mỗi do-tuần chia một phần ba. Chu vi 7 ngàn do-tuần. Địa hình là khối tròn như mặt trăng, có nhiều núi, chỉ có một con sông. Ở giữa các núi ấy là các quốc gia, nhân dân giàu có an lạc, không có trộm cướp, nhiều người hiền lành, đầy khắp các nơi. Tất cả các núi đều là vàng báu. Những dụng cụ làm nông đều bằng vàng ròng. Một trong các con sông ấy tên là Tát-xà. Bờ sông trông rất đẹp mắt. Tịnh mạng Tân-đầu-lô lập Tăng Già-lam ở bên bờ sông ấy.

Vì sao biết được sự việc nầy ?

Xưa ở nước Ba-la-nại có một Tì-kheo và một Sa-di đều có thần thông từ Ba-la-nại qua Đông Tì-đề hạ xuống. Lúc ấy Sa-di nầy lấy một viên đá muốn để mài kim, liền mang đá ấy về lại Ba-la-nại để ở trong chùa, đêm đó đá phóng ra ánh sáng lớn. Khi ấy Tì-kheo hỏi Sa-di rằng:

Con có lấy vật gì nơi kia đem về đây không ?

Đại đức ! Con có đem về một viên đá để làm đá mài dao cạo tóc và mài kim may vá.

Tì-kheo liền bảo Sa-di rằng:

Con hãy đem đá ấy trả lại cho nước kia.

Lúc ấy Sa-di theo lời Tì-kheo nói, liền đem đá ấy ném vào dòng nước sâu của sông Ba-la-nại. Liền khi ấy dòng sông kia lại phóng ra ánh sáng lớn. Tất cả rùa cá các loài thủy tộc đều hiện rõ. Nhân dân nước ấy tranh nhau đến xem đầy dẫy đầy chật ngõ hẻm không có chỗ vào cửa được. Tất cả đều nghĩ là rồng hiện thần thông.

Bấy giờ Tì-kheo cùng Sa-di buổi sáng vào thành khất thực, thấy người ta tụ tập vô số bên bờ sông, cửa thành bít lối, thật khó vượt qua, bèn hỏi Sa-di rằng:

Trước đây con đem đá bỏ ở đâu ?

Sa-di đáp:

Đại đức ! Con đã quăng hòn đá ấy vào sông sâu rồi.

Tì-kheo lại bảo Sa-di:

Con hãy lấy hòn đá ấy đem trả lại chốn cũ.

Sa-di liền theo lời dạy và đến trước chỗ mọi người đang xem lặn sâu xuống nước mà lấy hòn đá ấy. Áo quần không ướt rồi phóng lên hư không bay đi, mang trở lại chỗ cũ.

Các Tì-kheo qua nước ấy về nhiều vô số vô lượng đều nói như vậy.

Bấy giờ Thế Tôn vì các vị Tì-kheo mà nói nhân duyên nầy. Cho nên được biết.

Bấy giờ Tì-kheo bạch Phật:

Thế Tôn ! Đất nước Bắc Uất-đan-việt lớn nhỏ thế nào ?

Phật bảo Tì-kheo: Bắc Uất-đan-việt lớn. Biên giới phía Đông dài 2 ngàn do-tuần, phía Tây cũng 2 ngàn do-tuần. Phía Nam Bắc cũng vậy. Chu vi 4 bên là 8 ngàn do-tuần. Chung quanh có thành núi bằng vàng bao bọc và đất toàn bằng vàng ròng. Ngày đêm thường sáng sủa.

Đất của Uất-đan-việt nầy có 4 đức: một là bình đẳng, hai là tịch tĩnh, ba là tinh khiết và bốn là không gai góc.

Nói bình đẳng là ở nước kia không có hầm hố, cũng không có hang động, không nghiêng lệch, không có chỗ cao thấp, không bùn đất lầy lội cho nên gọi là bình đẳng.

Nói tịch tĩnh nghĩa là trong nước kia không có các giống sư tử, hổ báo, gấu, rắn độc, trùng độc hại người cho nên gọi là tịch tĩnh.

Nói tịnh khiết nghĩa là ở trong nước kia không có tử thi của người, xác chết của rắn, xác chết của chó những vật bất tịnh. Người trong nước đó khi đi đại tiểu tiện mặt đất nứt ra thu nhận rồi khép lại nên có tên là tịnh khiết.

Nói không gai góc nghĩa là nước kia không có cây có gai nhọn, không có cây có mùi hôi cho nên gọi là không gai góc. Trong nước đó có cỏ tên là Xa-tì màu xanh đậm hình dáng thật dễ thương giống như lông cổ con chim công, chạm đến thật mịn màng như áo Cachân-lân. Áo Ca-chân-lân nghĩa là áo không thể nhiễm ô, mùa hạ mặc mát, mùa đông mặc ấm. Lại như áo A-thời-na đốt không cháy. Cỏ ấy mềm mại cũng giống như vậy. Ở đây cỏ Xa-tì phủ khắp mặt đất; bốn mùa không mọc dài không điêu tàn luôn chỉ 4 tấc.

Các con sông của nước này có nước tám công đức. Bờ bãi và đáy sông đều toàn là cát vàng. Nước chảy đều đặn không tăng giảm. Bờ đê bằng vàng kiên cố, không bao giờ sụp đổ. Phật nói như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Tì-kheo: Chim Già-lâu-la ở trong bốn châu. Ở giữa 2 châu Đông Phất-tì-đề và Nam Diêm-phù-đề thì có châu Giàlầu-la. Giữa Nam Diêm-phù-đề và Tây Cù-da-ni có châu Già-lâu-la. Ở giữa châu Cù-da-ni và Bắc Uất-đan-việt có châu Già-lâu-la. Phía Tây Cù-da-ni và phía Bắc Uất-đan-việt có châu Già-lâu-la. Phía Bắc Uất-đan-việt và phía Đông Phất-tì-đề có châu Già Lâu La là những châu có chim chóc, chu vi một ngàn do-tuần. Châu nầy hình khối tròn. Tất cả đều là rừng song mây Phù lưu và có chim Già-lâu-la ở trong rừng nầy. Ngoài châu ấy là nước, và là nơi rồng ở. Rồng ở tụ nơi đây giống như chim kia chứa thức ăn uống, khi đói lấy ăn.

Chim Ca-lâu-la có tất cả 4 loại: Một là hóa sinh, hai sinh nơi ẩm ướt, ba là sinh trứng, bốn là sinh thai. Tất cả loài rồng cũng có 4 loại sinh. Hóa sinh Ca-lâu-la có thể ăn 4 loại rồng. Thấp sinh Ca-lâu-la ăn 3 loại rồng trừ rồng hóa sinh. Noãn sinh ăn 3 loại khác ăn hai loại sau. Thai sinh ăn 3 loại khác ăn 1 loại sau.

Khi chim ăn 2 cánh xòe ra quạt nước tung lên 50 do-tuần. Nhân đó bắt rồng đem lên trên cây mà ăn. Chim ăn còn thừa giống như xương voi rơi ngổn ngang trên mặt đất cho nên 4 châu thường có mùi hôi.

Giữa 2 châu Đông Phất-tì-đề và Nam Thiệm-bộ có châu chim Ca-lâu-la ở. Nơi ấy có cây tên là Khúc Thâm Phù Lưu, gốc rễ thân nhánh đều đủ, hình dáng khả ái, lá cây rậm rạp lâu không tàn, mưa gió không xâm nhập. Cũng giống như những đồ trang sức tinh xảo ở đời như tràng hoa và các đồ đeo tai. Như những cây dù lọng che từ cao đến thấp, hình tướng cây ấy cũng giống như vậy. Cây cao 100 do-tuần, gốc cây to thẳng 50 do-tuần, nhánh lá tỏa ra 4 phía che rợp 100 do-tuần. Gốc cây phía dưới đường kính 5 do-tuần chu vi 15 do-tuần.

Ca-lâu-la vương tên là Tì-na-đê-da ở trên cây nầy và Đại Long vương tên là Ma-na-tư muốn cùng vua chim chơi đùa xuất hiện ra rừng Phù Lưu. Khi ấy vua chim bắt rồng nầy để trên cành cây, mà vua rồng thì quá lớn lại biến hóa có thể làm cho thân dài ra. Thế nên vua chim lại nắm lấy rồng bắt trở lại cây. Thân rồng dài bao khắp cả cây. Rồng nặng nên làm cây gãy ra từng khúc. Lúc ấy vua chim biết sự việc rồi thả rồng ra suy nghĩ: Con rồng Ma-na-tư nầy làm hỏng chỗ ta ở. Khi ấy vua chim Tì-na-đê-da khởi tâm sân hận, lui về ở một nơi khác thầm ôm sầu não : Rồng Ma-na-tư có thể mạnh hơn ta.

Bấy giờ vua rồng lại biến thành một Đồng tử trên trời, dùng vàng báu cõi trời trang sức nơi 2 tay; đội mão trời, đeo hoa tai, toàn thân trang sức chuỗi ngọc, đến chỗ vua chim ở mà nói rằng:

Này bạn hiền ! Người có việc chi ưu sầu khổ não mà ở riêng một mình trong lòng không an ?

Vua chim trả lời: Ta bị rồng Ma-na-tư, làm hỏng chỗ ở của ta.

Đồng Tử đáp: Này bạn hiền ! Người lại có thể ăn thịt rồng đó sao ? Làm hỏng chỗ ở của người mà còn khổ não thì với quyến thuộc của rồng khổ não đến thế nào ? Nếu người còn bắt rồng thì chắc chắn chỗ ở của người sẽ không thành.

Thế rồi 2 vua rồng và vua chim cùng thề với nhau vĩnh viễn là bạn lành của nhau không tổn hại nhau. Vì nhân duyên ấy cây nầy tên là Khúc Thâm Phù Lưu.

Trong 4 cõi Thiên hạ và 4 châu có chim, đất nầy lớn nhất cho nên nay nói. Còn mỗi mỗi châu như 8 châu bao vây quanh là Ngưu Châu, Dương Châu, Già Tử Châu, Bảo Châu, Thần Châu, Hầu Châu, Tượng Châu, Nữ Châu. Còn 7 châu kia cũng như vậy. Nghĩa nầy Phật Thế Tôn đã nói, tôi nghe như vậy.

Phẩm 7: SỐ LƯỢNG

Bấy giờ Phật bảo Tì-kheo Phú-lâu-na:

Đất đai thế giới nầy hình khối tròn như mâm đèn đồng, như bàn xoay của thợ đồ gốm. Thế giới nầy cũng như vậy, giống như mâm đèn ngoài biên nhô lên là núi Thiết Vi. Giống như chính giữa mâm đèn nhô cao lên, như giữa thế giới nầy có núi chúa Tu-di vậy. Núi Tu-di nầy do 7 thứ báu hợp thành, hình sắc khả ái, bốn góc ngay ngắn. Ví như người thợ mộc giỏi khéo dùng dây dọi ống mực để dựng trụ cột vuông vắn thẳng ngay thế nào thì núi Tu-di cũng vậy. Phân nửa chìm vào trong nước 8 vạn do-tuần và phân nửa nhô lên mặt nước cũng 8 vạn do-tuần. Chung quanh 4 phía nầy một bên 8 vạn do-tuần. Chu vi 32 vạn do-tuần. Biển lớn tận cùng bên trong gọi là biển Tu-di. Biển nầy sâu 8 vạn do-tuần, rộng 4 vạn do-tuần, một bên dài 16 vạn do-tuần. Chu vi 64 vạn do-tuần.

Ngoài biển có núi, tên gọi là Càn-đà; núi nầy ngầm dưới biển 4 vạn do-tuần và nhô khỏi mặt nước cũng vậy. Bề rộng cũng 4 vạn do-tuần. Núi ấy một cạnh dài 24 vạn do-tuần. Chu vi là 96 vạn dotuần. Phía bên ngoài biển nầy cũng có núi tên là Càn-đà, sâu 4 vạn do-tuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài 32 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 28 vạn do-tuần.

Ngoài biển có núi tên I-sa-đà; ngầm sâu trong biển 2 vạn dotuần và nhô lên khỏi mặt biển cũng vậy, rộng cũng vậy. Một bên dài 36 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 44 vạn do-tuần.

Ngoài núi có biển cũng tên I-sa-đà sâu 2 vạn do-tuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài 40 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 60 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên Ha-la-trí ngập sâu trong nước 1 vạn do-tuần và nhô khỏi nước cũng vậy, chiều rộng cũng vậy. Một bên 44 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 76 vạn do-tuần.

Ngoài núi lại có biển, cũng có tên Ha-la-trí sâu 1 vạn do-tuần, rộng cũng như vậy. Một cạnh dài 36 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 84 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi, tên là Tu-đằng-ta, sâu trong nước 5 ngàn do-tuần, nhô lên khỏi mặt nước cũng như vậy, rộng cũng như vậy. Một bên dài 47 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 88 vạn do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên Tu-đằng-ta sâu 5 ngàn do-tuần rộng cũng như vậy. Một bên dài 48 vạn do-tuần. Chu vi là 1 trăm 92 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là A-sa-can-na sâu trong nước 2 ngàn 5 trăm do-tuần, nhô ra khỏi biển cũng vậy, rộng cũng như vậy. Một bên dài 48 vạn 5 ngàn do-tuần. Chu vi 1 trăm 94 vạn do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên là A-sa-can-na sâu 2 ngàn 5 trăm do-tuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài 49 vạn do-tuần. Chu vi 1 trăm 96 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi, tên là Tì-na-đa sâu trong nước 1 ngàn 2 trăm 50 do-tuần, nhô ra khỏi nước cũng như vậy, rộng cũng vây. Một bên dài 49 vạn 2 ngàn 5 trăm do-tuần. Chu vi 1 trăm 97 vạn do-tuần.

Ngoài núi lại có biển, cũng tên Tì-na-đa, sâu 1 ngàn 2 trăm 50 do-tuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài 49 vạn 5 ngàn do-tuần. Chu vi 1 trăm 98 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi, tên là Ni-dân-đà sâu dưới nước 6 trăm 25 do-tuần nhô lên mặt nước cũng như vậy, rộng cũng như vậy. Một bên dài 49 vạn 6 ngàn 2 trăm 50 do-tuần. Chu vi 1 trăm 98 vạn 5 ngàn do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên Ni-dân-đà, sâu 6 trăm 25 dotuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài 49 vạn 7 ngàn5 trăm do-tuần. Chu vi 1 trăm 99 vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên Thiết Vi, sâu dưới nước 3 trăm 12 dotuần rưỡi, nhô lên khỏi mặt nước cũng như vậy, rộng cũng như vậy. Chu vi 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần.

Từ phía núi Ni-dân-đà cho đến núi Thiết Vi là 3 ức 6 vạn 3 ngàn 2 trăm 88 do-tuần. Từ biển Ni-dân-đà đến núi Thiết Vi là 3 ức 6 vạn 2 ngàn 6 trăm 63 do-tuần. Từ phía Nam của Diêm-phù-đề đến núi Thiết Vi là 3 ức 6 vạn 6 trăm 63 do-tuần. Từ giữa Diêm-phù-đề đến phía giữa Tây Cù-da-ni là 3 ức 6 vạn 6 ngàn do-tuần. Từ phía Bắc của Nam Diêm-phù-đề đến phía Bắc của Bắc Uất-đan-việt là 4 ức 7 vạn 7 ngàn 5 trăm do-tuần. Từ phía cực Tây của mé nước núi Thiết Vi có nước bao bọc độ 12 ức 2 ngàn 8 trăm 25 do-tuần. Nước chung quanh núi Thiết Vi chu vi là 46 ức 8 ngàn 4 trăm 75 do-tuần. Từ trên đỉnh núi Tu-di bên nầy đến bên kia đỉnh Tu-di là 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần. Từ giữa núi Tu-di nầy đến gữa núi Tu-di kia là 12 ức 8 vạn 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần. Từ chân núi Tu-di nầy đến chân núi Tu-di kia là 12 ức 3 ngàn 15 do-tuần.

Nghĩa này Thế Tôn đã nói và tôi nghe như vậy.

Phẩm 8: CÕI TRỜI

Phật bảo Tì-kheo: Núi chúa Tu-di nầy gồm 4 phía Đông Tây Nam Bắc.

Phía Đông được tạo thành bằng vàng ròng; phía Tây bằng bạc, phía Bắc bằng lưu ly, phía Nam bằng pha lê. Ở tất cả các phía đều có những vật báu làm thành. Núi Tu-di có 7 đức tính tối ưu. Ở trên đỉnh núi, ngay giữa thì bằng phẳng, là nơi đẹp hơn cả. Đó là thành Thiện Kiến của trời Đao-lợi. Chu vi 4 phía là 10 ngàn do-tuần. Thành toàn bằng vàng bao bọc chung quanh cao 1 do-tuần. Trên thành có tướng thấp, cao nửa do-tuần, cổng cao 2 do-tuần. Ngoài có cổng 2 lớp cao 1 do-tuần rưỡi. Mỗi mỗi do-tuần đều có cổng.

Bốn mặt thành có hàng ngàn cửa lầu. Các cửa thành nầy làm toàn bằng các thứ báu, trang sức các thứ ngọc ma-ni. Ví như đất phía Bắc đẹp như tấm thảm dệt, nào hình người, phi nhân, rồng, thú, cỏ cây và các loại hoa đều đầy đủ, lại như hoa tai trang sức đủ các thứ báu. Các cổng thành cũng như vậy, hoặc có tất cả tướng chúng sinh, các loại cây cỏ, tạp hoa trang sức bên ngoài. Phía bên cổng thành thì trang nghiêm những đội quân voi, quân ngựa, quân xa. Trụ tại cổng thành có các Thiên tử mặc giáp cầm binh trượng tụ tập trong đó để giữ nước, hoặc muốn đi thăm viếng, hoặc để cho tôn nghiêm.

Bốn phía ngoài thành có 7 lớp rào báu bao vây chung quanh. Phía sau cùng làm toàn bằng vàng, đến bằng bạc, thứ ba bằng lưu ly; thứ tư là pha-lê. Ba lớp phía ngoài lấy các thứ báu làm gốc. Phía ngoài 7 lớp là 7 hàng cây Đa-la vây bọc.

Cây cuối cùng lấy vàng làm gốc, tiếp đến là bạc, thứ ba là lưu ly, thứ tư pha-lê. Ngoài 3 lớp nầy, thì lấy các thứ quý giá làm căn bản. Cây Đa-la bằng vàng thì dùng các báu như bạc, lưu ly, pha-lê làm hoa lá và quả cũng vậy. Cây Đa-la bằng bạc thì dùng vàng ròng, lưu ly, pha-lê làm hoa lá và quả cũng vậy. Cây Đa-la bằng lưu ly thì dùng vàng, bạc, pha-lê làm hoa lá. Cây Đa-la bằng pha lê thì dùng vàng, bạc, lưu ly làm hoa lá.

Ngoái ba lớp hoa lá quả đều là các báu tạo thành. Cây Đa-la này khi gió nhẹ thổi động phát ra những âm thanh vi diệu có thể làm cho chúng sinh khởi lên 5 thứ trói buộc : Một là sinh tâm yêu thích, hai là khởi trói buộc, ba là khởi mê loạn, bốn là sinh chấp trước, năm là không chán lìa. Giống như 5 phần âm nhạc, như nhạc sư giỏi cùng tấu lên nhạc 5 âm, có thể khiến chúng sinh khởi 5 thứ dục tâm. Âm thanh của cây nầy cũng như vậy. Giữa 7 hàng cây ấy nơi nơi đều có những ao hoa báu. Ngang dọc một trăm cung cầu vồng, đầy cả nước trời, 4 thứ báu làm gạch, đáy ao bờ ao toàn làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Bốn bên hồ nầy dùng gạch 4 thứ báu làm bậc cấp. Ở mỗi ao như vậy đều có vô lượng hoa do 5 thứ báu làm thành là vàng, bạc, lưu ly, pha-lê-kha, kha-lê-đa. Ở trong những ao nầy có 4 thuyền báu nổi trên mặt nước là vàng, bạc, lưu ly và pha lê.

Lại có đủ 8 thứ phương tiện du hý trên nước: một là thủy lầu, hai là hòm bằng 7 báu đựng nước tắm, ba là đồ đánh nước để tạo ra âm nhạc, bốn là chỗ nước cạn để vui chơi, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là vòng báu của vịt nước, tám là lầu dây văng, quay tròn trong đó nam nữ chư thiên đi thuyền dạo chơi. Trong lúc đó thuyền nhanh chậm tùy theo tâm mình muốn. Nam nữ chư thiên tác ý muốn đi thuyền, thuyền liền đến. Nếu chư thiên có ý muốn hái hoa kia thì hoa liền đến. Do quả báo, tự nhiên nổi gió thổi các thứ hoa rải khắp chư thiên. Lại có loại gió đặc biệt thổi những tràng hoa để trang nghiêm nơi thân và cổ, hoặc làm thành mũ đội đầu, hoặc làm chuỗi anh lạc, hoặc làm nên những đồ trang sức nơi cánh tay, cho đến thắt lưng hoặc cổ chân.

Bốn bên bờ ao có 5 thứ cây báu: một bằng vàng, hai bằng bạc, ba bằng lưu ly, bốn bằng pha-lê-kha, năm bằng kha-lê-đa. Giữa các hàng cây đều có những đền đài bằng 5 thứ báu làm thành. Chư thiên nam nữ sống ở trong đó. Ở bên ngoài thành có nhiều chư thiên khắp trong nước. Bên ngoài cây Đa-la có 3 lớp hào báu. Mỗi lớp hào rộng 2 do-tuần, sâu một do-tuần rưỡi, dưới rộng trên hẹp như hình miệng hồ. Ở nơi hào nầy nước trời đầy khắp và lại do 4 thứ gạch báu tạo thành là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Ở 4 bờ hào nầy cũng do 4 thứ gạch báu tạo thành bậc cấp. Mỗi mỗi hào lại có vô lượng hoa 4 thứ báu. Lại có 4 thứ thuyền báu nổi trên ấy, đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê làm thành.

Lại có đủ 8 thứ phương tiện du hý trên nước: một là thủy lầu, hai là hòm bằng 7 báu đựng nước tắm, ba là đồ đánh nước để tạo ra âm nhạc, bốn là chỗ nước cạn để vui chơi, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là vòng báu của vịt nước, tám là lầu dây văng, quay tròn trong đó nam nữ chư thiên đi thuyền dạo chơi. Trong lúc đó thuyền nhanh chậm tùy theo tâm mình muốn. Nam nữ chư thiên tác ý muốn đi thuyền, thuyền liền đến. Nếu chư thiên có ý muốn hái hoa kia thì hoa liền đến. Do quả báo, tự nhiên nổi gió thổi các thứ hoa rải khắp chư thiên. Lại có loại gió đặc biệt thổi những tràng hoa để trang nghiêm nơi thân và cổ, hoặc làm thành mũ đội đầu; hoặc làm chuỗi anh lạc; hoặc làm nên những đồ trang sức nơi cánh tay, cho đến thắt lưng hoặc cổ chân.

Cũng như vậy, ở giữa hào là các đền đài là nơi ở của chư thiên thể nữ. Khoảng giữa các đền đài có bố trí các vạc báu lớn. Trong mỗi vạc như vậy đều trồng các thứ cỏ hoa có 5 màu khác thường, đều xếp thành hàng. Nơi 3 lớp hào nầy có cây 7 báu bao bọc chung quanh, gồm có vàng, bạc, lưu ly, pha lê, màu quý hoa sen, ốc, đá, kha-lê-đa v.v… Ở trong rừng cây nơi nơi đều có ao hoa 7 báu. Nước trời sung mãn cho đến những thuyền báu dạo chơi và các đền đài là nơi ở của nam nữ Thiên chúng. Có nhiều chư thiên ở khắp cả nước như trên đã nói.

Lúc ấy 7 hàng cây báu ở phía ngoài hào nở 7 cành hoa bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê cho đến kha-lê-đa v.v..

Ở trong rừng ấy các Thiên nữ hoan ca tấu nhạc, vô lượng Thiên tử từ thành lớn ra, vào rừng xem nghe. Rồi ở trong thành ấy các Thiên tử cũng vui ca tấu nhạc. Các Thiên nữ bên ngoài cũng vào thành xem nghe. Nhân đó lui tới vui chơi. Thành lớn nầy chia làm bốn phần. Ở giữa thành bằng vàng là nơi ở của Đế Thích, 12 do-tuần, mỗi mỗi đều có cổng, 4 phía có 4 trăm 99 cửa, lại có 1 cửa nhỏ. Như vậy thành có tất cả 500 cửa. Thành được vệ binh canh giữ 4 bên. Bên bờ hào có các thứ cây, ao, rừng, cung điện để hát xướng vui chơi du hí, tất cả đều trang nghiêm đẹp đẽ như trước đã nói.

Ở giữa thành nầy là nơi ở của Thích Đề Hoàn Nhân. Lầu báu nhiều tầng gác, tên là Bì-thiền-diên-đa, dài 500 do-tuần, rộng 2 trăm 50 do-tuần, chu vi 1 ngàn 5 trăm do-tuần, cột cao 9 do-tuần đều làm bằng bốn thứ báu. Một là bằng vàng, hai bằng bạc, ba bằng lưu ly, bốn bằng pha lê. Gạch đế chân cột làm bằng 4 thứ báu. Lầu nầy 4 phía đều có 4 bậc cấp. Tất cả các bờ tường đều làm bằng 4 thứ báu. Cả 3 tầng đều có bao bọc chung quanh. Tầng một bằng vàng, tầng hai bằng bạc, tầng ba bằng lưu ly. Ở mỗi mỗi tầng đều có 3 lớp chuông linh, khi gió thổi động tạo ra tiếng hay, giống như 5 phần âm nhạc. Như trước có nói tiếng cây Đa-la có thể làm cho chúng sinh khởi lên ngũ dục trói buộc. Tòa lầu gác nầy 4 bên đều có lầu khước địch. Phía Đông có 36. Ba mặt mỗi nơi 25. Tất cả là 101 sở, mỗi mỗi lầu khước địch vuông 2 do-tuần, chu vi 8 do-tuần. Trên mỗi lầu khước địch lại có lầu báu cao nửa do-tuần để làm lầu quan sát. Cứ mỗi lầu khước địch có 7 Thiên nữ và mỗi mỗi Thiên nữ đều có 7 thể nữ. Bên trong các lầu gác có 7 vạn 7 trăm phòng. Mỗi phòng có 7 Thiên nữ; mỗi mỗi Thiên nữ cũng có 7 thể nữ. Các Thiên nữ đều là chính phi của Đế Thích. Các khước địch bên ngoài và các phòng bên trong nầy có đến 4 ức 9 vạn 4 ngàn 9 trăm. Chính phi có 34 ức 6 vạn 4 ngàn 3 trăm. Thể nữ phi và thể nữ hợp lại là 39 ức 5 vạn 9 ngàn 2 trăm.

Tòa nhà tròn nơi chính giữa trên cùng nhiều tầng lầu gác của Bì-thiền-diên rộng đến 30 do-tuần, chu vi 90 do-tuần, cao 45 do-tuần. Đây là chỗ ở của Thích Đề Hoàn Nhân. Tất cả do lưu ly làm thành. Đất đai đều mềm mại, toàn là những đồ quý báu giống như đất ở phía Bắc được trang trí như những tấm thảm đẹp đẽ. Người và phi nhân, rồng, thú, cỏ, cây cho đến các loài hoa xen tạp không có gì nơi đây không đủ. Lại cũng có những đồ quý giá trang sức như hoa tai rất nhiều. Nơi ở của Đế Thích cũng như vậy. Tất cả đều do lưu ly làm thành các báu trang nghiêm. Đất đai ở đây mịn màng. Chân đạp lên đất liền lún xuống và khi giở chân lên thì trở lại như cũ, giống như bông tơ mịn, như bông vải Đâu-la-miên. Nơi ở của Đế Thích cũng như vậy. Chân xuống liền chìm và khi giở chân thì nổi lên. Các loại hoa bay khắp nơi, hương xông tỏa khắp, treo các áo trời cùng các tràng hoa báu. Thích Đề Hoàn Nhân cùng với các xá-chỉ A-tu-la nữ cùng ở đó. Đế Thích hóa thân cùng ở với các hậu phi. Tất cả các hậu phi đều nghĩ rằng Đế Thích đang sống với ta. Chân thân của Đế Thích đang ở cùng ta.

Trụ xứ 4 bên trong nội thành có đường đi, phố xá, chợ búa tất cả đều ngay thẳng. Các thành nầy có nơi có 4 nhà tương ưng nhau, có nơi nhiều nhà nhọn cao tầng, có nơi nhiều lầu cao tầng, có nơi nhà cửa chọc lên mây, có nơi 4 bên là khước địch, tùy theo phúc đức mà các thứ báu được tạo thành, ngay thẳng đoan chính.

Đường ở Thiên thành có đến số 500, lối đi thông nhau, hàng nào hàng nấy rõ ràng như đường bàn cờ. Bốn cửa thông nhau, Đông Tây có thể thấy nhau. Phố xá chất đầy hàng hóa. Chợ đầu tiên là chợ bán lúa gạo, chợ thứ 2 bán y phục, chợ thứ 3 bán các hương thơm, chợ thứ 4 bán đồ ăn uống, chợ thứ 5 bán tràng hoa, chợ thứ 6 bán đồ nghề, chợ thứ 7 là chợ dâm nữ. Chợ nào cũng có hàng quán và ở trong chợ thì Thiên tử, Thiên nữ tới lui mua bán, trả giá mắc rẻ, kèo nài thêm bớt, tính toán cân đo đủ các cách mua bán. Tuy làm việc ấy nhưng chỉ cốt vui chơi, không lấy không cho, không có tâm thuộc về mình, phải thoát khỏi sự ham muốn mới ra đi. Nếu nghiệp phù hợp thì tùy ý mà lấy. Nếu nghiệp không phù hợp thì nói: Vật nầy quý giá, không phải của tôi.

Bốn bên vệ đường được bố trí voi, ngựa, xe, binh lính và các Thiên tử có mặt trong đó, hoặc để bảo hộ, hoặc để vui chơi, hoặc để cho tôn nghiêm. Những đường đi trong chợ tất cả đều bằng lưu ly, mịn láng khả ái, đều do các thứ báu làm thành, giống như đất phía Bắc như những tấm thảm mềm mại được trải ra vậy. Rồng, thú, hoa, cỏ đều như trước đã nói. Cho đến xông hương rải hoa cùng treo Thiên y cũng như vậy.

Lại ở các nơi có dựng tràng phan và ở trong đại thành không ngớt nghe các âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng ốc, tiếng Ba-na-bà, tiếng trống, tiếng Mâu-trừng-già, tiếng kèn lá, tiếng âm nhạc. Lại cũng có những lời nói như : Hay thay hãy đến đây ! Hay thay hãy đến đây ! Mời ăn uống ăn uống, ta nay xin cúng dường. Đó là thành lớn Thiện Kiến, nơi trụ xứ của Đế Thích.

Lại nữa, trời cũng có châu, quận, huyện và thôn xã. Chu vi khắp trên núi Tu-di. Phía Tây Bắc đại thành Thiện Kiến, từ cổng ra ngoài 20 do-tuần có Thiện Pháp Đường của chư thiên trời Đao-lợi, đường kính 30 do-tuần, chu vi 90 do-tuần, cao 45 do-tuần, đều do lưu ly làm thành. Đất đai mềm mại nhu nhuyến, đều bằng các thứ báu, giống như tấm thảm đẹp đẽ được trải nơi đất phía Bắc. Hình người và phi nhân, rồng, thú, cỏ, cây cùng các hoa tạp có trang trí đầy đủ cả.

Lại như có hoa đeo tai dùng để trang sức thật đầy đủ. Thiện Pháp Diệu Đường cũng như vậy, nhu nhuyến khả ái. Chân đạp xuống đất liền chìm, nhưng khi giở chân lên thì trở lại như cũ, các thứ trang nghiêm đầy đủ như đã nói ở trước.

Có 3 lớp bao bọc chung quanh : một làm bằng vàng ròng, hai là bằng bạc, ba bằng lưu ly. Mỗi một tầng có 3 lớp chuông linh báu, khi gió thổi thì phát ra âm thanh vi diệu, giống như 5 phần âm nhạc, như trước đã nói. Tiếng cây Đa-la có thể làm cho chúng sinh khởi 5 thứ dục ràng buộc.

Ở giữa đền đài có cây cột lớn làm bằng các thứ báu vút thẳng cao khỏi đền đài, trên chót cùng cây cột có tướng bánh xe bằng vàng bằng vàng, trang sức đẹp đẽ. Cây cột lớn ở giữa này chu vi 1 do-tuần, đường kính 1 phần 3. Một rui có 16 cây cột, mỗi cột lại có 16 cột nhỏ vây bọc chung quanh. Mỗi rui có 2 trăm 72 cây cột chống đỡ. Các rui chia làm 3 phần, mỗi một phần có 4 ngàn 52 cây vây quanh. Ba phần là 1 vạn 2 ngàn 1 trăm 56 cây. Cộng chung lại tất cả là 32 ức 6 ngàn 4 trăm 32 cây cột và những cột nầy thẳng xuống tới đất trên thì không tới rui chừng một sợi tóc. Hoặc có cây, trên tới rui mà dưới không đến đất chừng một sợi tóc. Vì ý nghĩa đó cho nên Thiện Pháp Đường này trụ tại không trung, không thể hiểu rõ được.

Bốn bên cửa nhà là : một là chính Đông, hai là chính Tây, ba là chính Nam, bốn là chính Bắc. Ở bên ngoài Thiện Pháp Đường nơi nơi đều có những ao báu lớn, chứa đầy nước trời, 4 thứ báu làm gạch xây đáy ao bờ ao cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê làm thành. Bốn bên ao cũng có gạch báu làm bậc cấp. Trong mỗi ao có vô lượng hoa do 5 báu tạo thành, gồm vàng, bạc, lưu ly, pha lê, kha-lê-đa. Trong các ao nầy có những chiếc thuyền bằng 4 thứ báu nổi đi trong ao.

Lại có 8 thứ vui chơi dưới nước : Một là thủy lầu, hai là bể đựng nước tắm bằng 7 báu, ba là dụng cụ dùng để kích vào nước tạo ra âm nhạc, bốn là tạo nước chảy xiết để vui chơi, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là vòng báu của vịt nước, tám là lầu dây văng, quay tròn trong đó nam nữ chư thiên đi thuyền dạo chơi. Trong lúc đó thuyền nhanh chậm tùy theo tâm mình muốn. Trên không trung các hoa tự nhiên tụ đến, trang nghiêm thân thể chư thiên, cho đến các chư thiên ở các cung điện cũng đều đầy đủ như vậy.

Ở bên ngoài Thiện Pháp Đường có vườn rừng lớn, bao bọc tường thành bằng vàng chu vi 1 ngàn do-tuần, thành cao 1 do-tuần, nhô lên nửa do-tuần, có cửa cao 2 do-tuần, rộng 12 do-tuần. Mỗi nơi đều có cửa, gồm 99 cửa; mỗi cửa lại có một cửa nhỏ. Các cửa nầy đều do các báu tạo thành, trang sức bằng ngọc báu ma-ni, giống như đất ở phía Bắc như trải những tấm thảm mịn màng êm dịu, có trang sức hoa văn.

Ở trước cửa lại có 4 quân phòng vệ như trên đã nói. Bên ngoài 7 lớp rào bao bọc như trên đã nói. Có 7 hàng cây Đa-la vây quanh như trên đã nói. Xen giữa các hàng cây có các ao báu, cách nhau 1 trăm đường tên bắn như trên đã nói. Có 5 loại hoa quý như trên đã nói, và thuyền làm bằng 4 thứ báu như trên đã nói. Trên bờ ao có cây 5 thứ báu như trên đã nói. Cho đến các đền đài được làm bằng 4 thứ báu là chỗ ở của nam nữ chư thiên.

Ở bên ngoài thành nầy là 3 lớp hào cũng toàn bằng các thứ báu như trên đã nói. Mỗi mỗi hào rộng 2 do-tuần, sâu 1 do-tuần rưỡi, hình thù như cái miệng ao, dưới rộng trên hẹp, chứa đầy nước trời như trên đã nói. Giữa các hào là đất, có la liện đền đài của các dâm nữ. Ở ngoài 3 lớp hào có rừng cây bảy báu bao bọc chung quanh như trên đã nói.

Lúc ấy ở trong rừng tất cả các hoa đều nở đẹp; các tiên nữ ca hát. Các Thiên tử từ thành của Pháp Đường ra đi, vào vườn xem nghe. Trong đó cũng có Thiên tử thổi sáo và các Thiên nữ từ Thiện Pháp Đường cũng ra vườn để xem. Nhân đó chư thiên nam nữ hằng vui chơi.

Từ góc cửa phía Tây Bắc của đại thành đến cửa của Thiện Pháp Đường là 20 do-tuần, rộng 10 do-tuần, đất đai bằng phẳng, làm bằng lưu ly mềm dịu khả ái, trang nghiêm các thứ báu, giống như đất phía Bắc đẹp như trải thảm có hoa văn hình người và phi nhân, ngựa, xe, hoa, cây đủ các thứ, lại như hoa tai các báu hợp thành. Đường đi ở đây cũng cũng vậy, đặt chân xuống thì lún giở chân lên đất trở lại như cũ, mềm mại như bông vải bông đâu-la-miên, đường sá ở đây như vậy. Có 3 lớp báu bao bọc chung quanh bằng 4 thứ báu. Mỗi lớp đều có 3 tầng chuông linh báu vây quanh, mỗi chuông báu như vây đều do 4 thứ báu tạo thành. Khi gió thổi động, phát ra âm thanh vi dỉệu, có thể làm cho chư thiên khởi lên 5 dục trói buộc.

Hai bên đường có 2 con sông hẹp gọi là Trường Hình. Cũng dài 20 do-tuần, rộng 10 do-tuần, tự nhiên chứa đầy nước 8 công đức. Hai bên bờ sông nầy đều xây bằng gạch 4 thứ báu như trước đã nói. Sông nầy 4 bên đều có đường bậc cấp và đều làm bằng 4 thứ báu như trước đã nói. Trong nước sông nầy có hoa 5 thứ báu như trước đã nói. Có thuyền bằng 4 thứ báu nổi trong đó. Có đủ 8 thú vui chơi dưới nước. Khi lên thuyền dạo chơi đi chậm đi nhanh tùy ý thích như trước đã nói.

Ở đây chư thiên cần hoa gì đến thì tùy theo ý muốn liền có hoa đến. Đó là do quả báo thiện mà được như vậy. Mưa các hoa báu rải khắp chư thiên. Lại có gió đặc biệt thổi những tràng hoa, tùy theo thân hình mà trang điểm trên thân, cánh tay, cổ, chân… tự nhiên đính vào.

Hai bên bờ sông lại có 5 thứ cây báu, la liệt đầy khắp như trước đã nói. Xen giữa những hàng cây có các ao báu, và đền đài báu có chư thiên nam nữ vô lượng vô số ở đầy trong đó. Lúc ấy nếu Chư thiên cõi Đao-lợi muốn vào nơi vườn nầy, thì ở Thiện Pháp Đường có ngọn gió gọi là Hợp tụ, nhóm họp các hoa cũ lại rồi thổi cho ra ngoài. Đất trở nên sạch sẽ không còn hoa héo. Rồi có ngọn gió khác tên gọi là Thế Đao, thổi hoa mới từ vườn ngoài và nơi các ao hồ, gồm nào hoa màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Khi lấy hoa rồi gió hợp tụ thổi tập trung các hoa ấy vào trong Pháp Đường, trải khắp trên đất, tạo ra nhiều hình tượng khác nhau. Hoặc hiện ra các nghi trượng bằng vàng bạc, hoặc hiện hình hoa sen, hoặc hình những tấm thảm, hoặc hình dê, hoặc hình sư tử đùa giỡn, hoặc hiện ra hình voi, ngựa, xe, bộ binh v.v… hoặc hiện ra hình hươu nai, hoặc hiện ra hình Ca-lầu long mã. Nhân đó lần lượt trải khắp cả mặt đất nơi Thiện Pháp Đường. Hoa ngập đến đầu gối, trang nghiêm đầy đủ.

Lúc đó chư thiên vây quanh Đế Thích cung kính tôn trọng đi vào phía sau vườn và bên cạnh cây trụ ở giữa Thiện Pháp Đường, nơi có tòa sư tử. Thích Đề Hoàn Nhân lên tòa ngồi, tả hữu hai bên mỗi bên có 16 Thiên vương xếp hàng ngồi. Chư thiên khác ngồi theo thứ tự cao thấp.

Lúc ấy Thiên Đế Thích có 2 Thái tử; một tên Chiên Đàn, hai tên Tu-tì-la là 2 đại tướng quân của trời Đao-lợi, là trời thứ 33, ngồi bên trái và bên phải.

Lúc ấy Đề-đầu-lại-trá Thiên vương ngồi phía cửa Đông cùng với các Đại thần và quân lính, chư thiên được cung kính vào ngồi bên trong.

Lúc đó Tì-lưu-lặc-xoa Thiên vương ngồi phía cửa Nam cùng với các Đại thần và quân lính, chư thiên được cung kính vào ngồi bên trong.

Lúc đó Tì-lưu-bát-xoa Thiên vương ngồi phía cửa Tây cùng với các Đại Thần và quân lính, chư thiên được cung kính vào ngồi bên trong.

Lúc đó Tì-sa-môn Thiên vương ngồi phía cửa Bắc cùng với các Đại Thần và quân lính, chư thiên được cung kính vào ngồi bên trong.

Đây là 4 Thiên Vương ở nơi Thiện Pháp Đường; thế gian lành dữ đều tấu lên cho Đế Thích và trời Đao-lợi.

Lúc ấy Phật Thế Tôn nói việc nầy rằng : Tì-kheo ! Ngày mồng 8 mỗi tháng là ngày Tứ Thiên vương cùng Đại thần đi vi hành khắp thế gian lần lượt quan sát. Ngay ngày ấy dù ít dù nhiều, tất cả những người thụ trì 8 giới, dù ít dù nhiều đều làm việc bố thí, dù ít dù nhiều tu hành phúc đức, dù ít dù nhiều cung kính cha mẹ cho đến các Samôn Bà-la-môn, bậc tôn trưởng trong gia đình.

Tì-kheo ! Ngày 14 mỗi tháng là ngày Thái tử của Tứ Thiên Vương đi vi hành khắp thế gian lần lượt quan sát. Ngay ngày nầy, dù nhiều dù ít tất cả những người thụ trì 8 giới, dù nhiều dù ít tất cả đều hành bố thí, dù nhiều dù ít tu hạnh phúc đức, dù nhiều dù ít cung kính cha mẹ cho đến Sa-môn Bà-la-môn, những người tôn trưởng trong gia đình.

Tì-kheo ! Ngày 15 mỗi tháng là ngày Tứ Thiên vương đi vi hành khắp thế gian lần lượt quan sát. Ngay ngày nầy, dầu nhiều dầu ít, tất cả những người thụ trì 8 giới, dù nhiều dù ít, tất cả hành bố thí, dầu nhiều dầu ít tu hành phúc đức; dù nhiều dù ít cung kính cha mẹ và Sa-môn Bà-la-môn, những người tôn trưởng trong gia đình. Nửa tháng tối trăng cũng vậy.

Tì-kheo ! Lúc ấy nếu không có nhiều người thụ trì 8 giới, nếu không có nhiều người tu hạnh bố thí, nếu không có nhiều người tu hành phúc đức, nếu không có nhiều người cung kính cha mẹ Samôn Bà-la-môn và bậc tôn trưởng trong gia đình. Tì-kheo ! Thì lúc đó nơi Thiện Pháp Đường của trời Đao-lợi khi tập họp lại và Tứ Thiên vương đến nơi chính tòa trình lên Đế Thích các việc ở thế gian bạch rằng:

Thiện Tôn ! Không có nhiều người thụ trì 8 giới, không có nhiều người tu hạnh bố thí, không có nhiều người cung kính cha mẹ Sa-môn Bà-la-môn và những người tôn trưởng trong gia đình. Khi ấy chư thiên trời Đao-lợi và Thích Đề Hoàn Nhân nghe việc nầy rồi sinh tâm ưu não nói như thế nầy:

Việc này không tốt, việc này không như pháp. Nếu như con người không có nhiều người thụ 8 giới, không có nhiều người tu hành bố thí, không có ai tu hành phúc đức, không nhiều người cung kính cha mẹ Sa-môn Bà-la-môn và những người tôn trưởng trong gia đình thì quyến thuộc của chư thiên sẽ giảm thiểu và bạn hữu của Tula ngày càng tăng nhiều.

Tì-kheo ! Nếu có nhiều người thụ trì 8 giới, tu hạnh bố thí nhiều, tu phúc nhiều, cung kính cha mẹ nhiều Sa-môn Bà-la-môn và người trưởng thượng trong gia đình thì lúc ấy Tứ Thiên vương đến Pháp Đường trình lên Đế Thích những việc của thế gian, bạch rằng:

Thiện Tôn ! Có nhiều người thụ trì 8 giới, nhiều người tu hạnh bố thí, nhiều người tu phúc, nhiều người cung kính cha mẹ Sa-môn Bà-la-môn và những người tôn trưởng trong gia đình, thì lúc ấy Tứ Thiên vương ở cõi trời Đao-lợi nói rằng: Tâm sinh hoan hỷ nói là việc ấy thật tốt, là như pháp. Nếu có nhiều người thụ trì 8 giới, tu hành bố thí nhiều và làm phúc nhiều, cung kính phụ mẫu Sa-môn, Bà-la-môn nhiều và những người tôn trưởng trong gia đình thì quyến thuộc của chư thiên càng ngày càng nhiều; bạn lữ của Tu-la càng ngày càng giảm ít.

Tì-kheo ! Lúc ấy Thích Đề Hoàn Nhân từ tòa ngồi của mình, là tòa ngồi của chư thiên, nơi chính tòa trung ương, theo tâm của chư thiên khiến hoan hỷ mà nói kệ rằng:

Mỗi tháng ngày mồng tám

Mười bốn và mười lăm

Trong tháng ngày hai ba

Mười chín và ba mươi

Ba thời ngày mười lăm

Thụ trì tám phần giới

Tĩnh tâm mà nhiếp trị

Nếu thụ trì bố tát

Người nầy tu bảy pháp

Tương lai sẽ như ta.

Tì-kheo ! Bài kệ của Thích Đề Hoàn Nhân đây là bài ca tà, không phải là bài ca đúng, là lời nói tà không phải lời nói đúng. Vì sao như vậy ?

Tì-kheo ! Vì Thích Đề Hoàn Nhân chưa giải thoát sinh, chưa giải thoát già, chưa giải thoát chết, chưa giải thoát ưu, chưa giải thoát bi, chưa giải thoát khổ, chưa giải thoát não, chưa giải thoát 5 ấm.

Tì-kheo ! Nếu có Tì-kheo thành A-la-kha, diệt hết các lậu, tu đạo cứu cánh, chính tri giải thoát, dứt hết các kết hữu, Tì-kheo như vậy mới có thể nói kệ nầy là những lời nói đúng:

Mỗi tháng ngày mồng tám

Mười bốn và mười lăm

Trong tháng ngày hai ba

Mười chín và ba mươi

Ba thời ngày mười lăm

Thụ trì tám phần giới

Tĩnh tâm mà nhiếp trị

Nếu thụ trì bố tát

Người nầy tu bảy pháp

Tương lai sẽ như ta.

Tì-kheo ! Bài kệ của Tì-kheo này mới là bài ca đúng, không phải bài ca tà, mới là lời nói đúng không phải lời nói tà. Vì sao như vậy ?

Tì-kheo này đã giải thoát sự sinh, đã giải thoát sự già, đã giải thoát sự chết, đã giải thoát sự ưu, đã giải thoát sự bi, đã giải thoát sự khổ, đã giải thoát sự não, đã giải thoát 5 ấm. Rồi liền nói lời Kìdạ rằng:

Tứ Thiên vương Đại thần

Ngày mùng tám tuần hành.

Tứ Thiên vương Thái tử

Mười bốn xem thế gian

Mười lăm ngày hơn hết

Tứ vương nghe việc tốt

Nên tự đến thế gian

Quan sát việc lành dữ

Lúc ấy Tứ Thiên vương

Ở nơi Thiện Pháp Đường

Chư thiên vân tập lại

Tấu các việc lành dữ.

Là ý người thế gian

Tương ưng cùng đạo pháp.

Thiện Tôn ! Có nhiều người

Hành thí, thụ Bố-tát,

Lại hay siêng tu đạo

Nam nữ phúc tăng lên.

Lúc ấy trời Đao-lợi

Tin tưởng lòng hoan hỷ

Thường thường sinh tùy hỷ

Tứ Thiên vương nói rằng

Chư thiên thêm quyến thuộc

Lần lần thêm được nhiều

Nguyện Tu-la bạn lữ

Ngày ngày càng giảm đi.

Tùy nhớ nghĩ chính giác

Chính pháp nói Thánh chúng

Chư thiên ở an lạc

Tâm thường sinh hoan hỷ.

Thế gian xuất thế gian

Hay sinh ra làm người.

Nếu nương Phật Pháp Tăng

Trụ ở nơi Tam Bảo,

Ta nay vì các ngươi

Nói tam hiền thiện đạo.

Nếu người cầu chân thật

Bỏ ác tu việc lành

Không có như bán buôn

Do ít mà được nhiều.

Như các trời Đao-lợi

Làm thiện ít sinh Thiên

Đế Thích và chư thiên

Đại phúc đức đa văn,

Tụ tập Thiện Pháp Đường

Và các trụ xứ khác,

Nam nữ hay hành hương

Tứ vương đều tâu bày.

Thanh tịnh Thiên yêu mến

Huân tập khắp chư thiên

Chư thiên tử hình sắc không giống nhau, y phục cũng khác nhau, bởi các trang sức quý báu khác nhau. Ở nơi Thiện Pháp Đường có hoa báu 4 màu, người hoa đẹp đẽ, ánh chiếu rực rỡ. Ví như các báu chứa trong những nhà báu thế nào thì Thiện Pháp Đường nầy cũng đẹp và khả ái như thế ấy.

Vì sao tòa nhà nầy gọi là Thiện Pháp ? Vì là nơi chư thiên tập trung để phần nhiều ca ngợi tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng, là nơi phân biệt việc tà chính của thế gian, tuyên thuyết nhiều con đường xuất thế. Vườn tược các nơi không có việc nầy, cho nên gọi nơi đây là Thiện Pháp Đường. Việc này Phật Thế Tôn đã nói và tôi nghe như vậy.

HẾT QUYỂN 2

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10