LUẬN LẬP THẾ A TÌ ĐÀM
(Phật nói Luận A-tì-đàm về sự thành lập thế giới)
Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 10

Phẩm 25: ĐẠI TAM TAI

1. Hỏa tai

Phật Thế Tôn nói: Một tiểu kiếp gọi là một kiếp. 20 tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. 40 tiểu kiếp lại cũng có tên là một kiếp. 60 tiểu kiếp cũng có tên là một kiếp. 80 tiểu kiếp có tên là một đại kiếp.

Sao một tiểu kiếp gọi là một kiếp?

Lúc ấy Tì-kheo Đề-bà-đạt-đa ở trong địa ngục thụ quả báo đã xong, Phật Thế Tôn nói là trụ thọ 1 kiếp. Như vậy một tiểu kiếp có tên là một kiếp.

Sao 20 tiểu kiếp cũng có tên là một kiếp?

Như ở cõi trời Phạm Tiên Hành có thọ mạng là 20 tiểu kiếp. Đối với các Phạm thiên nầy Phật nói trụ thọ là một kiếp. Như vậy 20 tiểu kiếp lại có tên là một kiếp.

Vì sao 40 tiểu kiếp lại gọi là một kiếp?

Như tuổi thọ của cõi trời Phạm Chúng là 40 tiểu kiếp thì Phật nói trụ thọ ở đó là một kiếp. Như vậy 40 tiểu kiếp lại có tên là một kiếp.

Vì sao 60 tiểu kiếp gọi là một kiếp?

Như tuổi thọ ở cõi trời Đại Phạm là 60 tiểu kiếp, Phật bảo trụ thọ ở đó là một kiếp. Như vậy 60 tiểu kiếp lại gọi là một kiếp.

Vì sao 80 tiểu kiếp gọi là một đại kiếp?

Phật nói trong kiếp thế giới tan hoại, trong kiếp thế giới tan hoại rồi trụ, trong kiếp thế giới khởi thành, trong kiếp thế giới khởi thành rồi trụ trong A-tăng-kì thì gọi là kiếp. Lúc thế giới tan hoại A-tăng-kì gọi là kiếp. Thế giới tan hoại rồi trụ A-tăng-kì gọi là kiếp. Thế giới khởi thành A-tăng-kì gọi là kiếp.

Thế giới khởi thành rồi trụ, tan hoại có ba nguyên nhân. Một là do lửa mà tan hoại; hai là do nước mà tan hoại và thứ ba là do gió mà tan hoại. Như vậy Phật Thế Tôn nói:

Nầy các Tì-kheo! Nguyên nhân của sự tan hoại ấy có 3 loại. Một là do lửa tan hoại; hai là do nước tan hoại; ba là do gió tan hoại.

Nầy các Tì-kheo! Tan hoại trên đỉnh có 3 loại. Một là trời Thắng Biến Quang, hai là trời Biến Tịnh, ba là trời Quảng Quả. Phật Thế Tôn lại nói:

Nầy các Tì-kheo! Tan hoại trên đỉnh có 3 loại. Một là trời Thắng Biến Quang, hai là trời Biến Tịnh, ba là trời Quảng Quả.

Vì sao trời Thắng Biến Quang cho đến Biến Tịnh và trời Quảng Quả là 3 đỉnh tan hoại?

Nầy các Tì-kheo! Khi lửa đốt tan hoại thì tất cả chúng sinh nơi hạ giới tu Đệ nhị thiền sinh lên trời Thắng Biến Quang. Khi thủy tai làm tan hoại thì tất cả chúng sinh bậc dưới tu Đệ tam thiền, sinh lên trời Biến Tịnh. Khi phong tai làm tan hoại tất cả chúng sinh ở bậc dưới tu Đệ tứ thiền sinh lên trời Quảng Quả.

Phật nói hỏa tai làm tan hoại là do sự tan hoại của trời Thắng Biến Quang. Thủy tai tan hoại là do sự tan hoại của trời Biến Tịnh. Phong tai tan hoại là do sự tan hoại của trời Quảng Quả.

Lại nữa các Tì-kheo! Có 2 sự tan hoại. Một là chúng sinh nơi thế giới ấy tan hoại. Hai là chính thế giới tan hoại. Trong 10 tiểu kiếp chúng sinh trong thế giới tan hoại. Kế đến 10 tiểu kiếp là chính thế giới tan hoại.

Phật bảo các Tì-kheo! Sự tan hoại ấy đầu tiên là bắt đầu từ sự tan hoại ở cõi trời Thắng Biến Quang, nguyên nhân ở Đệ nhị thiền. Lúc đó người ở cõi Diêm-phù-đề thọ mạng 80 ngàn tuổi và người nữ đến 500 tuổi mới lấy chồng. Lúc ấy loài người có 7 thứ bệnh như: Đại, tiểu tiện, hàn, nhiệt, tâm dâm dục, đói, già. Lúc ấy tất cả các nước đều giàu có an lạc, không có oán tặc và cũng không có trộm cắp. Các châu, quận, huyện, ấp, nhân dân, thôn xóm lại cùng nghe được tiếng gà gáy của nhau. Canh tác tuy ít mà thu hoạch được nhiều. Lúc ấy loài người thụ dụng quả do công lao thì ít, mà thụ dụng quả do thiện nghiệp đời trước thì nhiều. Nhà cửa, xe cộ, y phục, tài bảo đời đời như ý đầy đủ. Lúc đó có 2 cảnh giới giảm mất. Một là sân nhuế, hai là ý bách não. Cả 2 cảnh giới nầy lớn mạnh. Một là không sân nhuế; hai là ý không bức bách. Lúc ấy con người giảm lìa 10 ác, tu hành 10 thiện, yên ổn hưởng thụ không cần tìm cầu. Hoặc tụ tập nơi đình quán, hoặc ở nơi nhà nghỉ, hoặc nơi tụ tập đông người, hoặc dạo chơi dưới gốc cây. Người ta truyền tụng như thế này:

Xưa con người sinh ra ở thời kiếp trược vì do tham dục 5 trần tăng mạnh nên hoặc cha mẹ con cái cùng nhau tranh giành. Anh em chị em bà con bạn bè đánh đá nhau, huống là người khác. Lúc ấy con người khởi lên tranh giành rồi sau đó cho đến dùng tay chân vũ lực, hoặc dùng gạch đá, hoặc dùng cây gậy rồi dao gậy uy hiếp cho đến sát hại. Do 5 trần này khởi lên các ác. Cho nên phải bỏ 5 trần. Như vậy chán ghét chê trách dục trần, nói rõ tội lỗi của 5 trần. Lúc ấy con người tư duy về tội lỗi của 5 trần và phiền não của hạ giới, quán công đức vi diệu của Vô giác quán định. Tu tập Nhị thiền sau khi xả bỏ thọ mạng rồi liền sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy Dục giới chư thiên biến thân. Giống như con tê giác ngày đêm 3 lần đi khắp thế giới ra lệnh và nói rằng:

Nầy Thiện nam tử! Thiện nữ nhân! Vô giác quán định rất vi diệu an lạc. Cho nên các ngươi tu hành trụ ở trong đó, lúc ấy con người ở đầu hôm, cuối đêm nghe lời nói rồi vui mừng hoan hỷ, xả trừ mọi sự phiền tạp, nhiếp tâm tọa thiền, quán dục trần là tội lỗi, quán Vô giác quán định có đại công đức. Tức được Đệ nhị thiền, sau khi xả thọ mạng sinh lên trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy con người thường hay làm vui cho kẻ khác là công việc chính. Hoặc ca, hoặc múa, hoặc múa dao kiếm, hoặc đánh trống thổi kèn, hoặc xướng ca tán tụng, hoặc trang sức thân thể. Những người ấy sáng tác ca khúc, thơ, truyện.

Xưa khi con người sinh trong đời kiếp trược là do tham đắm 5 dục trần tăng thượng. Hoặc cha mẹ con cái tranh giành nhau; anh em, chị em, bà con bạn bè đánh đá nhau, huống là người khác. Lúc ấy con người khởi lên tranh giành rồi sau đó cho đến dùng tay chân vũ lực, hoặc dùng gạch đá, hoặc dùng cây gậy rồi dao gậy uy hiếp cho đến sát hại. Do 5 trần này khởi lên các ác. Cho nên phải bỏ 5 trần. Như vậy chán ghét chê trách dục trần, nói rõ tội lỗi của 5 trần. Lúc ấy con người tư duy về tội lỗi của 5 trần và phiền não của hạ giới, quán công đức vi diệu của Vô giác quán định. Tu tập Nhị thiền sau khi xả bỏ thọ mạng rồi liền sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Các trời từ trời Thắng Biến Quang xuống đi khắp thế giới bằng cách ẩn giấu thân hình. Rồi ra lệnh cho các thiện nam tử, thiện nữ nhân rằng: Vô giác quán định là diệu lạc tịch tịnh. Cho nên các ngươi tu hành phải trụ trong đó. Lúc ấy con người ở đầu hôm cuối đêm khi nghe tiếng chư thiên nói liền vui mừng hoan hỷ khởi tâm tin vui. Tất cả cư gia, thôn ấp, châu quận, cho đến người trong nước lớn đều khởi tâm tinh tiến, quán sát tội lỗi dục trần của hạ giới, quán công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng liền sinh lên trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy có ngoại đạo xuất gia chỉ bày cho tất cả cư gia, thôn ấp, châu quận cho đến người trong nước lớn khiến xuất gia, có vô số quyến thuộc vây quanh rồi lần lượt du hành khắp nước và rao nói những lời như trên.

Xưa khi con người sinh trong đời kiếp trược là do tham đắm 5 dục trần tăng thượng. Hoặc cha mẹ con cái tranh giành nhau; anh em, chị em, bà con bạn bè đánh đá nhau, huống là người khác. Lúc ấy con người khởi lên tranh giành rồi sau đó cho đến dùng tay chân vũ lực, hoặc dùng gạch đá, hoặc dùng cây gậy rồi dao gậy uy hiếp cho đến sát hại. Do 5 trần này khởi lên các ác. Cho nên phải bỏ 5 trần. Như vậy chán ghét chê trách dục trần, nói rõ tội lỗi của 5 trần. Lúc ấy con người tư duy về tội lỗi của 5 trần và phiền não của hạ giới, quán công đức vi diệu của Vô giác quán định. Tu tập Nhị thiền sau khi xả bỏ thọ mạng rồi liền sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy chúng sinh trong địa ngục liền suy nghĩ rằng: Xưa chúng ta đã tạo nhiều nghiệp ác, bất thiện, cho nên ta bây giờ phải đến đây thụ khổ. Do ý nầy mà đối với ngục tốt không sinh tâm oán hận. Lúc ấy chúng sinh nơi địa ngục không có cảnh giới của tâm sân nhuế; không có ý bức bách não hại, tự nhiên sinh trưởng tăng đủ thiện tâm. Do hậu báo thiện nghiệp đời trước nên xả bỏ địa ngục thụ sinh làm người. Khi sinh vào làm người rồi tư duy về tội lỗi của dục trần, quán công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Khi ấy các chúng sinh ở trong địa ngục suy nghĩ như thế nầy: Chúng ta vì xưa tạo các nghiệp ác, bất thiện nên mới sinh vào chốn nầy chịu khổ. Do ý này nên đối với ngục tốt không sinh tâm giận oán. Bấy giờ chúng sinh trong địa ngục không sân hận, cũng không bức não, tự nhiên sinh trưởng đầy đủ thiện tâm. Do hậu báo thiện nghiệp đời trước, sau khi xả bỏ thọ mạng rồi sinh vào cõi người. Khi sinh vào loài người rồi tư duy về tội lỗi dục trần, quán công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng lại sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lúc ấy có những chúng sinh trong địa ngục nhưng vì ngục tốt suy nghĩ như thế này: Chúng ta do ác nghiệp thụ sinh đến đây. Những tội nhân này cũng do ác nghiệp đến đây thụ khổ. Ta sao lại gây tàn hại đối với chúng ? Rồi liền sinh không giận dữ, không bách hại, tự nhiên sinh trưởng đầy đủ thiện tâm. Do hậu báo thiện nghệp đời trước, xả thọ mạng rồi được sinh làm người. Khi sinh vào loài người rồi tư duy về tội lỗi dục trần, quán công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng lại sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Bấy giờ có các loài thuộc thủy sản như rùa, cá, ba ba v.v… đều sinh tâm từ không ăn nuốt nhau, chỉ ăn rong và rau cỏ dưới nước và những vật chết tự nhiên mới lấy ăn. Cho đến có thể tự đói khát mà chết, chứ không muốn sát hại vật khác để ăn thịt. Không có sân nhuế, không có bức não. Lúc ấy sinh trưởng các thiện tâm, tâm thương chúng sinh. Do hậu báo thiện nghiệp đời trước nên sau khi xả bỏ thọ mạng rồi sinh trong cõi người. Khi sinh vào loài người rồi tư duy về tội lỗi của 5 trần và phiền não của hạ giới, quán công đức vi diệu của Vô giác quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng lại sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lại có những chúng sinh trên đất liền như sư tử, hổ báo, mèo, chồn v.v… cũng đều sinh tâm từ bi không ăn thịt lẫn nhau, khi đói thì ăn cỏ, khát thì uống nước suối. Nếu có vật chết tự nhiên mới ăn thịt. Thà đói mà chết, chứ không sát hại vật khác để tự cứu mình. Không sân nhuế, không có ý bách hại. Lúc ấy sinh thiện tâm và tâm yêu thương. Do hậu báo thiện nghiệp đời trước nên sau khi xả bỏ thọ mạng rồi, sinh vào trong cõi người. Khi sinh vào cõi người rồi liền suy nghĩ tội lỗi của 5 trần và phiền não hạ giới, quán công đức vi diệu của Vô giác quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Tất cả loài ngạ quỷ sinh tâm thương yêu nhau và tất cả có thể sinh thiện như trước đã nói. Sau khi xả bỏ thọ mạng rồi được sinh làm người. Khi đã được làm người rồi liền suy nghĩ tội lỗi của 5 trần, quán Vô giác quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả bỏ thọ mạng rồi, sinh vào cõi trời Thắng Biến Quang. Các chúng sinh ở cõi A-tu-la cũng như vậy.

Lúc ấy người ở cõi Tây Cù-da-ni, ở nơi cõi đó cũng tu tập Nhị thiền. Sau khi đạt được Nhị thiền rồi, từ đó sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Nếu người thụ sinh ở cõi Diêm-phù-đề mà được Nhị thiền cũng sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Người ở cõi Đông Tì-đề-ha, hoặc tại nơi đó tu tập Nhị thiền thì từ đó sinh vào cõi trời Nhị thiền. Nếu đến cõi Diêm-phù-đề để tu tập Nhị thiền thì cũng từ đó sinh lên cõi trời thứ 2. Người ở Bắc Uất-đan-việt sau khi xả bỏ thọ mạng rồi, liền sinh lên cõi trời Lục Dục. Hoặc tại cõi trời tu tập Nhị thiền rồi sinh lên Nhị thiền, hoặc từ cõi trời thứ 6 sinh vào Diêm-phù-đề tu tập Nhị thiền, cũng sinh vào cõi trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy trời Tứ Đại Thiên Vương, trời thứ 33, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Tiên Hành, trời Phạm Chúng, hoặc tại những cõi trời nầy tu tập Nhị thiền, sau khi xả bỏ thọ mạng rồi, lại sinh vào trời Thắng Biến Quang. Hoặc từ cõi trời sinh vào cõi Diêm-phù-đề, tu tập Nhị thiền, cũng sinh vào cõi trời Thắng Biến Quang.

Nầy các Tì-kheo! Lúc bấy giờ tất cả các địa ngục đều trống rỗng. Tất cả những con đường súc sinh cũng trống rỗng. Tất cả đường quỷ thần cũng trống rỗng. Tất cả đường A-tu-la cũng lại rỗng không. Tây Cù-da-ni, Nam Diêm-phù-đề, Đông Tì-đề-ha, Bắc Uất-đan-việt tất cả đều trống rỗng. Tứ Thiên Vương Thiên, cõi trời thứ 33, Dạma, Đâu-suất-đà, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, Phạm Tiên Hành, Phạm Chúng tất cả đều trống rỗng. Tất cả chúng sinh lúc ấy ở trong 1 ngàn thế giới đều trống rỗng. Chỉ còn có Đại Phạm Vương. Do nhân duyên như vậy lần lượt tất cả chúng sinh trong thế giới đều tan biến hết. Trong lúc ấy 10 tiểu kiếp trôi qua.

Nầy các Tì-kheo! Lúc bấy giờ khí thế giới thứ 2 tan hoại, kế tiếp là 4 đại tan hoại, hỏa tai tan hoại. Lúc ấy cả thời gian dài trời không mưa một giọt, không rơi một hạt nào. Thế rồi ở cõi Diêm-phùđề cây cỏ thuốc và tất cả những hạt mầm đều cháy khô, lần lượt cháy hết, không sinh trở lại.

Nầy các Tì-kheo! Tất cả những pháp hữu vi là vô thường như vậy, là không thường hằng như vậy, là nơi không an ổn, ngắn ngủi, đổi thay, phá hoại, không thể cứu vớt, thật không phải nơi bóng mát để nương tựa.

Nầy các Tì-kheo! Do nghĩa nầy mà các pháp hữu vi rất đáng nhàm chán. Cần phải ly dục phải xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Trải qua thời gian quá dài lâu như vậy ở nơi cõi nầy có mặt trời thứ hai xuất hiện. Trong thế gian mặt trời nóng chói gấp bội mặt trời cũ. Do mặt trời ấy mà cõi Diêm-phù-đề tất cả ao hồ và sông lạch nhỏ đều khô kiệt một giọt không còn.

Nầy các Tì-kheo! Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường như vậy, như trước đã nói rõ, cho đến hãy nên xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Lại trải qua một thời gian dài lâu như vậy ở nơi đây lại có mặt trời thứ 3 xuất hiện; mặt trời này nóng gấp đôi mặt trời thứ 2. Do mặt trời nầy mà ở cõi Diêm-phù-đề những sông sâu hồ lớn đều cạn hết không còn một giọt nước.

Nầy các Tì-kheo! Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường như vậy, như trên đã nói rõ, cho đến nên phải xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Trải qua một thời gian dài thì có mặt trời thứ 4 lại xuất hiện, mắt trời nóng chói gấp đôi mặt trời thứ 3. Do mặt trời nầy mà ở cõi Diêm-phù-đề nơi hồ A-na-bà-đạt và Mạn-đà-kì-ni, các sông giữa 7 rừng và 4 con sông lớn, những nơi như vậy các con sông lớn nhất, sâu nhất chảy nhanh vào biển khô kiệt không còn một giọt.

Nầy các Tì-kheo! Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường như vậy, như trước đã nói rõ, cho đến phải xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Trải qua một thời gian dài lâu như vậy mặt trời thứ 5 lại xuất hiện. Mắt trời nóng chói gấp đôi mặt trời thứ 4. Do mặt trời nầy mà nước biển trong ngoài đều giảm xuống 1 trăm dotuần, rồi giảm xuống 2 trăm, 3 trăm, 4 trăm cho đến 1 ngàn do-tuần, tất cả nước biển đều giảm. Lần lượt nước giảm đến 2 ngàn, 3 ngàn, 4 ngàn cho đến 1 vạn rồi 2 vạn cho đến 6 vạn do-tuần.

Nầy các Tì-kheo! Lúc đó nước biển chỉ còn sâu độ 7 Đa-la; hoặc 6 Đa-la, hoặc 5, hoặc 4, hoặc 3, hoặc 2, hoặc 1 Đa-la.

Nầy các Tì-kheo! Như vậy nước biển bấy giờ chỉ còn hoặc sâu 7 tầm, như vậy lần lượt giảm xuống cho đến 1 tầm.

Nầy các Tì-kheo! Như vậy nước biển chỉ còn cho đến trán, hoặc nách, hoặc ngực, eo, rốn, đầu gối, cẳng chân, mắt cá.

Nầy các Tì-kheo! Bấy giờ nước biển chỉ còn không ngập một lóng ngón tay.

Nầy các Tì-kheo! Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường như vậy, như trước đã nói rõ, cho đến phải nên xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Trải qua một thời gian dài như vậy, mặt trời thứ 6 lại xuất hiện. Mặt trời nóng chói gấp đôi mặt trời thứ 5. Do mặt trời nầy mà thế giới đại địa, trong ngoài các biển lớn cho đến núi chúa Tu-di trước tiên bốc khói, khói tụ lại rồi che khắp, ví như lò hầm đồ gốm trước tiên ra khói, khói tụ tập lại rồi che cả đất và biển lớn cho đến núi Tu-di. Do mặt trời thứ 6 nầy, khói bao phủ cũng như vậy.

Nầy các Tì-kheo! Các pháp hữu vi đều vô thường như vậy, như trước đã nói rõ, cho đến phải nên xả bỏ.

Nầy các Tì-kheo! Trải qua một thời gian dài lâu như vậy thì mặt trời thứ 7 xuất hiện. Mặt trời nóng chói gấp đôi mặt trời thứ 6. Do mặt trời nầy mà thế giới đại địa, biển lớn trong ngoài cho đến núi chúa Tu-di tất cả đều phát hỏa thiêu tất cả thành một ngọn lửa xuyên suốt một thời gian dài không tắt.

Nầy các Tì-kheo! Núi chúa Tu-di kia bị ngọn lửa lớn đốt cháy suốt một thời gian dài, trên đỉnh hằng trăm do-tuần đều bị tiêu hủy, hoặc 2 trăm, 3 trăm cho đến 1 ngàn do-tuần sụp đổ tiêu tan như vậy. Lúc ấy ngoài tứ đại, tất cả lửa tự nhiên phát ra, thế giới, trời đất đều bị thiêu đốt, phát ra một ngọn lửa lớn. Rồi sức nóng ấy hút nước ở thủy luân giống như một cái mâm đồng đốt nóng rồi cho một ít nước lên là bị hút khô hết. Thế giới đại địa nầy biến thành một tính lửa hút nước dưới thủy luân cũng như vậy. Giống như bơ đem lửa đốt thì cháy hết không còn chút tro. Như vậy đại địa và trong ngoài biển lớn cho đến núi chúa Tu-di tất cả đều phát hỏa và ngọn lửa lúc ấy cũng giống như vậy. Tạo thành một ngọn lửa và thiêu đốt tất cả không còn một chút tro than.

Lúc ấy địa luân đều mất hết, thủy luân và phong luân đều cháy tiêu và ngọn lửa nầy từ thủy luân nổi lên cho đến chỗ vua Đại Phạm. Lúc ấy Đại Phạm xả bỏ thọ mạng và nơi ở sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Lúc ấy đất đai ở Đại Phạm cung điện rộng lớn đều có ánh sáng tròn đầy khả ái, xem không chán mắt, màu sắc thuần trắng, vi diệu tịnh khiết, nhất thời bị thiêu rụi không còn gì. Chỗ Phạm vương ở vốn bản lai yên ổn như vậy là vì do lửa đã diệt trong một thời gian dài. Tất cả khí thế giới bên ngoài tan hoại hết trong một thời gian dài, đã qua 20 tiểu kiếp. Lại nữa, tiếp đến 20 tiểu kiếp, trong đó 1 ngàn thế giới trống trơn không có sở hữu, giống như một hang động đen ngòm tbên trên không có gì che và kéo dài trong 20 Tiểu kiếp.

Phật bảo: Nầy các Tì-kheo! Lúc ấy thế giới lại sắp khởi thành. Khi pháp thế gian đầu tiên khởi lên thế giới, nếu có chúng sinh đã sinh trưởng nghiệp có thể cảm quả báo Đại Phạm. Xả bỏ báo trước rồi đến nhập vào thân trung ấm. Nhân Sắc giới 4 đại hòa hợp, đất ở Đại Phạm cung điện tự nhiên khởi. Ánh sáng trắng quang minh chiếu sáng các nơi, sắc tướng viên mãn, xem không chán mắt, tâm thường yên vui, chưa có người ở.Các chúng sinh này do xưa đã tạo nghiệp; nên có thể cảm báo được nơi ở khả ái, đẹp đẽ. Do nghiệp xưa đó cảm báo Sắc giới tứ đại và tứ đại sở tạo sắc. Do nghiệp xưa và Sắc giới tứ đại cung điện tức thành Sắc giới tứ đại. Ở nơi cung điện nầy lại cũng do nhân duyên. Các nghiệp đã tạo ở đời trước chỉ là tăng thượng duyên.

Phật bảo: Các vị Tì-kheo! Như vậy ở chỗ của Đại Phạm vương có nhân, có duyên được khởi lên được tạo thành. Bản lai các pháp vốn do nhân duyên khởi. Trụ xứ của Phạm vương lớn bằng một tứ thiên hạ. Lúc ấy Phạm vương đang ở thân trung ấm, thấy được nơi nầy và khởi tâm dục ái muốn ngồi ở nơi đó, tức thời khởi lên niềm ưa thích nên thụ sinh và một mình trụ nơi đó 10 tiểu kiếp, lấy sự hỷ lạc làm thức ăn, y vào sự hỷ lạc mà trụ, ý sinh hóa thân, tự nhiên chiếu sáng. Tự tại mà trụ qua 10 kiếp rồi. Phạm vương nầy khởi tâm dục ái, khởi tâm không an nghĩ rằng: Mong các chúng sinh cùng đến ở với ta. Khi Phạm vương đã nguyện xong thì chúng sinh ở Nhị thiền nghiệp hết xả thọ mạng thoái lui thụ sinh cùng loại với Phạm vương. Các chúng sinh ấy thấy Đại Phạm nầy, xưa nay vốn ở đây một mình nên chấp như thế này: Ta xưa sinh ở cõi trên đã thấy Đại Phạm nầy ở riêng một mình, nay từ trên xuống đây cũng thấy ở một mình chẳng khác gì xưa. Rồi lại chấp như thế này: Người nầy là Phạm vương, là bậc tôn quý nhất đã tạo tác sinh thành. Là nguyên do đầu tiên tạo tác ra chúng sinh. Người nầy thành thần lực tự tại, là người cha thứ nhất đã sinh và sẽ sinh mọi vật. Chúng ta ngày nay đều từ người đó sinh ra. Vì sao như vậy? Ta từ xưa đến nay thấy người đó ở đây độc nhất tự sinh ra trước.

Lúc ấy Phạm vương suy nghĩ rằng: Ta là Đại Phạm là bậc sao quý nhất tạo tác sinh thành. Chúng sinh đầu tiên do ta tạo tác. Ta được thành thần lực tự tại, ta là cha tất cả chúng sinh đã sinh và sẽ sinh. Tất cả thế gian đều từ ta hóa sinh. Vì sao như vậy? Do xưa ta khởi tâm như vầy: Nguyện các chúng sinh kia cùng đến ở với ta. Ứng theo tâm nguyện của ta mà chúng liền đến. Ta trước ở đây thấy chúng sinh về đây. Đại Phạm vương này, đối với các chúng sinh thọ mạng dài nhất, hình sắc đẹp nhất, có tiếng tăm lớn, có thần thông lớn và uy đức lớn. Các Phạm chúng thọ mạng ngắn, hình sắc, tiếng tăm, thần lực, uy đức tất cả đều không bằng chỗ của Phạm vương. Tất cả Phạm chúng lần lượt đầy khắp. Bản tính tự nhiên của thế giới khi mới khởi là nhân Sắc giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Chỗ ở riêng của Phạm vương cung điện và đất đai tự nhiên hiện ra. Màu sắc thuần trắng, vi diệu tinh khiết; ánh sáng khả ái, xem không chán mắt, chỗ ở chưa có người là các chúng sinh. Nghiệp xưa đã tạo nên có thể cảm báo chỗ ở khả ái, chỗ ở đẹp đẽ và do nghiệp xưa nên cảm báo Sắc giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Do nghiệp xưa và Sắc giới tứ đại cung điện, tức thành Sắc giới tứ đại. Đối với cung điện nầy cũng nhân cũng duyên. Nghiệp tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật nói: Nầy các Tì-kheo! Như vậy riêng cung điện Phạm vương có nhân, có duyên được khởi, được thành. Bản lai như vậy đều do nhân duyên khởi và chỗ riêng một mình của Phạm vương nầy nhân đây mà lần lượt đầy khắp. Bản tính xưa nay của các Phạm thiên làm sinh khởi thế giới là do Sắc giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Cung điện của cõi trời Phạm Tiên Hành và đất tự nhiên sinh khởi hiện lên sắc thuần trắng, vi diệu, tinh khiết, chói sáng, khả ái, xem không chán mắt. Chỗ ở chưa có người là chúng sinh xưa đã tạo nghiệp có thể cảm báo sự khả ái thắng diệu của trụ xứ. Do nghiệp xưa nên cảm đến Sắc giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Do nghiệp trước và Sắc giới tứ đại cung điện, liền thành Sắc giới tứ đại. Ở nơi cung điện nầy cũng nhân, cũng duyên, các nghiệp tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật nói: Nầy các Tì-kheo! Như vậy cõi Phạm Tiên Hành có nhân, có duyên mà được khởi được thành. Bản lai do nhân duyên như vậy mà khởi là trụ xứ của trời Phạm Tiên Hành. Tất cả trời Phạm Thiên Tiên hành lần lượt đầy khắp. Bản tính xưa nay khi thế giới khởi là do Dục giới tứ đại và tứ đại sở tạo sắc.Trời Tha Hóa Tự Tại, các cung điện và chỗ ở do tự nhiên khởi, hiện ra vàng, bạc, lưu ly và pha lê, 4 báu hợp thành chói sáng khả ái, xem không chán mắt. Ở nơi chưa có người là các chúng sinh do xưa đã tạo các nghiệp có thể cảm báo được trụ xứ khả ái, thắng diệu. Do nghiệp xưa cho nên có thể chiêu cảm Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Lại do nghiệp xưa nên và Dục giới tứ đại cung điện, tức thành Dục giới tứ đại. Đối với cung điện nầy cũng nhân, cũng duyên, nghiệp tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật bảo: Nầy các Tì-kheo! Như vậy các cung điện của cõi trời Tha Hóa Tự Tại và có nhân, có duyên nên được khởi được thành. Bản lai như vậy do nhân duyên khởi, Cõi trời Tha Hóa Tự Tại này tất cả chư thiên dần dần đầy khắp. Bản lai khi thế giới của chư thiên như vậy khởi là do Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc.

Hóa Lạc Thiên, cung điện và đất tự nhiên sinh khởi, hiện ra vàng, bạc, lưu ly cùng với pha lê, gồm 4 báu tạo thành ánh sáng khả ái, xem không thấy chán. Chỗ ở chưa có người là các chúng sinh do xưa đã tạo các nghiệp nên có thể chiêu cảm chỗ trú xứ khả ái đẹp đẽ. Do nghiệp xưa nên có thể chiêu cảm Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Lại nữa do nghiệp xưa và Dục giới tứ đại cung điện liền thành Dục giới tư đại. Ở cung điện này cũng nhân, cũng duyên, và nghiệp đã tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật bảo: Nầy các Tì-kheo! Như vậy ở nơi trời Hóa Lạc có nhân, có duyên nên được khởi được thành. Bản lai đều do nhân duyên khởi như vậy. Trụ xứ của cõi trời Hóa Lạc này tất cả chư thiên lần lượt đầy khắp. Bản lai khi thế giới khởi là do Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Trời Đâu-suất-đà cung điện và xứ sở tự nhiên khởi, hiện ra vàng, bạc, lưu ly và pha lê, 4 báu tạo thành ánh sáng khả ái, xem không thấy chán. Chỗ chưa có người ở là chúng sinh xưa đã tạo các nghiệp rồi có thể chiêu cảm được trụ xứ khả ái đẹp đẽ. Do nghiệp cho nên có thể cảm đến Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Lại nữa do nghiệp xưa và Dục giới tứ đại cung điện, liền thành Dục giới tứ đại. Đối với cung điện nầy cũng nhân, cũng duyên, và nghiệp tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật bảo: Nầy các Tì-kheo! Như vậy ở cõi trời Đâu-suất-đà, cung điện và đất ở đó có nhân có duyên được khởi được thành. Bản lai như vậy do nhân duyên sinh khởi. Đây là trụ xứ của cõi trời Đâu-suất, tất cả chư thiên lần lượt đầy khắp. Bản lai khi thế giới sinh khởi là do Dục giới tứ đại và tứ đại sở tạo sắc. Cung điện ở cõi trời Dạ-ma và cõi trời đều tự nhiên sinh khởi, hiện ra vàng, bạc, lưu ly và pha lê, gồm 4 báu hợp thành ánh sáng đẹp đẽ, xem không chán. Ở đó có người là những chúng sinh, ngày xưa đã tạo các nghiệp có thể cảm được trụ xứ khả ái đẹp đẽ. Do nghiệp xưa có thể cảm đến Dục giới tứ đại và Tứ đại sở tạo sắc. Lại nữa, do nghiệp xưa và Dục giới tứ đại cung điện liền thành. Dục giới tứ đại cung điện đối với cung điện nầy cũng nhân, cũng duyên, nghiệp đã tạo đời trước chỉ làm tăng thượng duyên.

Phật bảo: Nầy các Tì-kheo! Như vậy cõi trời Dạ-ma có nhân, có duyên nên được khởi được thành. Bản lai như vậy là do nhân duyên khởi. Trụ xứ của cõi Dạ-ma nầy tất cả chư thiên lần lượt đầy khắp. Lúc ấy Dạ-ma Thiên nhớ lại xưa thế giới cũng như con người ngủ dậy nhớ chuyện trong mộng, như được thần thông nhớ chuyện đời trước. Trời Dạ-ma này nhớ thế giới cũng như vậy. Lúc ấy chư thiên liền suy nghĩ rằng: Ta bây giờ đến đây để xem lại hạ giới. Nghĩ rồi cùng bảo nhau rằng: Chúng ta cùng đến xem các trời khác nơi kia.

Đáp rằng: Nào ta cùng đi!

Lúc ấy chư thiên đều kết bạn lại khắp cả và nói rằng: Xưa nơi đây có núi chúa Tu-di. Ở trong núi ấy có thành Thiện Kiến Thiên. Ở đây có ao báu Nan-đà, ở đây có vườn báu Nan-đà. Ở xứ nầy cũng có ao Chất-đa-la và vườn các loại xe Chất-đa-la. Ở đây là ao Ác Khẩu và vườn Ác Khẩu. Ở đây là ao Tạp Hoa và vườn Tạp Hoa. Ở đây là ao nước Ba-lợi-chất-đa ngang 4 ức 8 vạn do-tuần, rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần. Chu vi 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần. Thật là to lớn không gì sánh được. Bên trên thủy luân này có một địa giới là Đại Vị Kiếp. Đầu tiên cảm khởi ngày đêm dần dày thêm chuyển thành cứng. Giống như khi nấu sữa rồi đông lạnh, dày cao che bên trên và đại giới của Đại Vị lúc mới khởi cũng như vậy. Đại địa giới nầy nhiều lần khởi lớn lên đầy khắp tất cả. Lớn 2 ức 4 vạn do-tuần. Rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 do-tuần. Chu vi 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần. To lớn không gì hơn. Ở dưới đất nầy sâu 1 ức 6 vạn toàn do vàng ròng hợp thành. Bên trên còn 8 vạn vàng, bạc, đồng, thiếc v.v… cùng 7 giới xen lẫn làm thành. Lúc đó địa giới mềm mại tùy thứ. Giống như chất sữa đóng ván . Đất nầy cũng mềm mại như vậy. Ở chính giữa địa luân này, y theo nghiệp tăng thượng duyên của chúng sinh nên 4 phương gió thổi thành nội hải nổi lên núi Tu-di. Có gió mang đất, có gió tụ thành, có gió thổi tạo thành hình Tu-di. Có gió tạo ra 4 đảnh núi Tu-di, mở thành Thiện Kiến đắp thành Thiện Kiến, tạo ra ao Nan-đà và vườn Nan-đà, tạo ra ao Chất-đa-la và vườn Chất-đa-la. Ao Chúng Xa và vườn ao Ác Khẩu. Ao Tạp Hoa và vườn cây Ba-lợi-chất-đa. Cho đến vườn Câu-tì-la-la và biển Do-càn-đà, núi Do-càn-đà, núi biển I-sa-đà, núi biển Khư-la-chi, núi biển Thiện Kiến, núi biển Mã Nhĩ, núi biển Tì-na-đa, núi biển Ni-dân-đà và ở trong tứ Thiên hạ các châu lục tạo thành và các biển cả khởi lên Thiết Vi Sơn. Như vậy các cây và vườn Câu-tì-la-la, ở đây ngày xưa có đá báu Bàn Trụ Kiếm-bà-ba và ở nơi đây ngày trước có Thiện Pháp Đường; nơi đây ngày xưa có biển lớn, nơi đây có núi Du-càn-đà và biển Du-càn-đà. Ở trong đây có núi I-sa-đà và biển I-sa-đà. Ở trong đây có núi Khư-la-chi và biển Khư-la-chi. Nơi đây có núi Thiện Kiến và biển Thiện Kiến. Có núi Mã Nhĩ và biển Mã Nhĩ. Ở trong đây có núi Tì-na-đa và biển Tì-na-đa. Ở trong đây có núi Ni-dân-đà và biển Ni-dân-đà. Ở trong đây có tứ Thiên hạ và trong đây có châu lục đất đai và bên ngoài là biển lớn. Ở trong đây có núi Chước-kha-bà-la. Trời Dạ-ma thân hình to lớn bay đi rất nhanh. Do đi nhanh cho nên chạm vào phong luân. Bởi vì phong luân nầy là căn bản của phong luân Na-la-diên. Gió này thổi rất mạnh thổi đến đâu cũng đến đầy khắp tất cả. To 9 ức 6 vạn do-tuần, rộng 12 ức 3 ngàn 4 trăm 50 dotuần. Chu vi 36 ức 1 vạn 3 trăm 50 do-tuần. So với chỗ nầy không có gì sánh nổi. Gió nầy cứng mạnh, vật không thể xâm vào. Nếu người có sức của Na-la-diên cầm gậy Chấp Kim Cương cũng không thể đẩy gió nầy, đao trượng tự gãy mà phong luân không bị tổn hại. Ở trên không trung của phong luân có nước mưa chảy lớn như lâu đài, hoặc như trục xe, hoặc như bánh xe ngày đêm không dừng nghỉ, như nước sông dâng cả ngàn năm. Thủy giới nầy tụ lại chung quanh gió, có tên là Nhiếp Trì. Ngày đêm thường khởi lên làm cho nước không thể tán loạn. Như vậy thủy giới tăng dần chưa nghỉ. Nước nầy càng ngày càng lớn đến đâu cũng được rồi đầy cả khắp nơi rồi khởi thành thế giới do nghiệp đời trước mà cảm đến sức mạnh của gió tạo thành và lại còn có gió bên ngoài bao vây mà khởi thành.

Tây Cù-da-ni và Đông Phất-bà-đề lại có gió bốn phương bốn góc tạo thành. Bắc Uất-đan-việt lại có gió như nửa Tỳ Bà mà thành. Ở Nam Diêm-phù-đề gió tạo thành núi, kế đến là tạo thành đỉnh núi. Khi gió thổi thì hoặc chính hoặc một bên mà làm thành tướng núi, hoặc bằng hoặc nhọn. Lại có gió khởi lên một bên rất nhanh và các bên khác thì chậm. Tướng núi một bên thì lõm, các bên kia thì bằng phẳng. Lúc gió thổi thì đánh sâu vào nhau và quay trở lại khi ra liền thành hang động. Có gió đập thật sâu phía dưới và không thoát ra. Phía sau núi bị hổng chính là do gió nầy. Cho nên thành đất 4 thiên hạ hoặc sâu, hoặc cao, hoặc có nơi hiển hiện cao 8 vạn do-tuần; hoặc có nơi sâu xuống 4 vạn do-tuần. Lại cũng có nơi cao 4 vạn do-tuần, sâu 2 vạn do-tuần. Lại cũng có nơi cao 2 vạn do-tuần, sâu 1 vạn do-tuần. Lại cũng có nơi cao 1 vạn do-tuần, sâu 5 ngàn do-tuần. Lại cũng có nơi cao 5 ngàn do-tuần, sâu 2 ngàn 5 trăm do-tuần. Lại cũng có nơi cao 2 ngàn 5 trăm do-tuần, sâu 1 ngàn 2 trăm 50 do-tuần. Lại cũng có nơi cao 1 ngàn 2 trăm 50 do-tuần, sâu 6 trăm 25 do-tuần. Lại cũng có nơi cao 6 trăm 25 do-tuần, sâu 3 trăm 12 do-tuần rưỡi. Do nhân duyên này tất cả khí thế giới khởi tạo đã thành. Lúc ấy 2 loại giới khởi lớn lên là địa giới và hỏa giới. Hai giới này khi phong giới nổi lên thổi làm hỏa giới chưng luyện địa giới. Phong giới thường xuyên khởi thổi tất cả mọi vật tạo thành ra cứng chắc. Sau khi đã cứng chắc rồi, tất cả các loại quý giá đều hiện ra, rồi trời mưa xuống như lầu lớn dần dần như bánh xe cho đến trục xe hoặc như suối phun vô số ngàn năm, đầy cả hào thành Thiện Kiến và ao Na-đà, ao Chúng Xa, ao Ác Khẩu, ao Tạp Hoa. Biển trong lớn, biển Do-càn-đà, biển I-sa-đà, biển Khư-la-chỉ, biển Thiện Kiến, biển Mã Nhĩ, biển Tì-na-đa, biển Ni-dân-đà, ở giữa tứ Thiên hạ có các châu lục đất đai, biển ngoài lớn của vùng đất chính giữa 4 thiên hạ do nhân duyên nầy mà nước đầy khắp tất cả thế giới. Đối với cõi trời Đao-lợi và trời Tứ Thiên Vương khi xả báo ở cõi trời thụ sinh vào đây. Lại có chư thiên thọ mạng hết, phúc hêt, từ trên cõi trời đọa xuống thụ sinh vào cõi người trong 4 thiên hạ.

Lúc đó con người lấy sự hỷ lạc làm thức ăn, y vào sự hỷ lạc mà tồn tại, ý sinh hóa thân, tự nhiên sáng chiếu, sống an lạc, phi hành trong hư không. Lúc ấy mặt trời và mặt trăng chưa xuất hiện và trên trần thế cũng chưa có tinh tú. Ngày đêm không phân biệt, năm tháng, 4 mùa, 8 tiết không rõ, nam nữ không phân biệt, cũng không có cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng con cái, không có người ở không có chủ nhà. Một mực thụ dụng tự tại an lạc. Chưa có họ tên và loại chúng sinh. Lúc ấy thủy giới giảm dần chảy xuống chỗ thấp, biển lớn lúc tăng lúc giảm khai mở nhiều sông nên nước giảm từ từ. Có đất đai phì nhiêu cung cấp nhiều vị ngon ngọt. Sinh trưởng trên đất nhiều sắc hương, xúc, vị, khả ái, đầy đủ như mật ong, không đắng, chát, cay. Đất đai phì nhiêu cho các vị cũng như vậy. Lúc đó các mùi vị ngon đầy cả. Bấy giờ có một người ngửi thử hương vị nầy khởi tâm đắm trước rồi ngón tay nhón lấy vị ấy nếm biết ngon ngọt như mật ong nên vốc lấy mà ăn. Những người khác thấy người nầy ăn ngon ấy không hề gì nên bắt chước lấy ăn. Khi con người ăn những vị ngon của đất rồi thân thể cứng cáp và nặng nề từ đó về sau không thể phi hành trên không như trước nữa.

Lúc ấy ánh sáng đẹp đẽ nơi thân nhân đấy cũng mất. Khi ánh sáng mất rồi thì sự tối tăm trở lại như xưa. Khi 4 thiên hạ bị che tối thì 2 vầng mặt trời mặt trăng mới xuất hiện. Trên thế gian mặt trời mặt trăng xuất hiện rồi tiếp đến tinh tú xuất hiện, tinh tú xuất hiện rồi từ đó phân chia ngày đêm. Ngày đêm phân chia rồi hiện rõ nửa tháng, một tháng. Nửa tháng, một tháng hiển hiện rồi thì đầy đủ 4 thời, 8 tiết và năm. Như vậy, qua nhiều thời gian thế gian được hình thành. Như vậy, trải qua nhiều thời gian 60 Tiểu kiếp đã kết thúc. Lúc ấy chúng sinh ăn mùi vị của đất này, nương vào đất này mà tồn tại qua thời tiết dài lâu. Trong đó chúng sinh ăn mùi vị nhiều thì hình dung xấu xí, thiếu uy đức và ít sức thần thông. Nếu trong đây chúng sinh ăn mùi vị ít thì thân thể khả ái, có uy đức, thần lực tự tại. Do nhân duyên ấy mà sắc hình của chúng sinh có hơn kém. Do sự hơn kém nầy mà sinh tâm hơn thua. Do tâm nầy mà nói: Ta hơn ngươi, ngươi không bằng ta. Lúc ấy các ác pháp bắt đầu hoành hành ở thế gian. Do chấp sự hơn thua nầy mà các vị, sắc, hương của đất từ đây không còn nữa.

Lúc ấy con người hòa hợp tụ tập lại ưu não, khốn khổ rồi khóc lóc, than rằng: Ôi! Pháp ác đã xuất hiện trên thế gian. Do từ hình sắc mà sinh kiêu mạng hủy báng người khác. Do ác pháp nầy làm mất mùi vị thù thắng không thể nghĩ bàn như sắc, hương, xúc của ta. Lúc ấy con người ăn những đồ ngon và nói rằng: Ôi! Thật giống ngày xưa ta đã ăn mùi nầy rồi, rồi nhớ nghĩ sầu não. Những câu nói này đến bây giớ tất cả đều quên hết, không ai còn nhớ để nói lại. Khi vị nầy mất rồi lại có vị khác tên là Địa Bì, sắc, hương, vị, xúc tất cả đều ngon ngọt như mật ong. Lúc ấy con người đều đến ăn; nương vào đồ ăn nầy mà tồn tại dài lâu. Trong khi đó có nhiều người tham mùi vị nên đã ăn nhiều Địa Bì hình dung xấu xí, uy đức mỏng manh và ít sức thần thông. Trong đó có chúng sinh ăn mùi vị ít, nên hình dung khả ái, thân có uy đức, thần lực tự tại. Do nhân duyên nầy mà tất cả chúng sinh hình tướng có hơn kém. Do sự hơn kém nầy mà sinh ra tâm hơn thua. Do tâm nầy mà có nói: Ta hơn ngươi, ngươi không bằng ta. Do pháp ác nầy tiếp hoành hành ở đời tranh chấp hơn thua. Sắc hương của Địa Bì mất đi từ đó./.

HẾT QUYỂN 10, TRỌN BỘ

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10