KINH NI CÀN TỬ HỎI NGHĨA VÔ NGÃ
Bồ-tát Mã Minh biên tập
Nhật Xứng v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Bấy giờ các Ni-càn tử trong lòng có kiến giải khác, phát khởi nghi hoặc, tìm đến chỗ người hiểu Đại thừa. Đến nơi cung kính chắp tay làm lễ hỏi nghĩa vô ngã khiến trừ ám độn:

Như Phật đã nói xin vì tôi khai thị. Nếu nói thân này không có ngã thì tối thượng ngã kia cũng không có. Vì sao trong thân hiện thấy khóc cười mừng vui giận tức ngã mạn tật đố các việc ? Nó có hay không không thể quyết định, xin nhân giả vì tôi dứt trừ.

Người hiểu Đại thừa bảo Ni-càn tử rằng: Cái ngã tối thượng mà ông chấp, chắc chắn là hư vọng. Lấy cái gì gọi là có, lấy cái gì gọi là không ? Cả trong 2 cái này đều không có sở đắc. Nếu lấy tự thân tóc móng da thịt gân xương mỡ tủy ruột rà tay chân tất cả thân chi là cái ngã tối thượng, tìm kiếm trong ngoài nào có thấy đâu ?

Lúc đó Ni-càn tử bạch người trí rằng: Tôi dùng con mắt thịt nên không thấy được. Những người có thiên nhãn có thể thấy.

Người trí nói: Cũng chẳng phải thiên nhãn có thể thấy. Vì tự tính của nó là không, chẳng phải hiển sắc cũng chẳng phải hình sắc, có gì có thể thấy ?

Ni-càn tử nói: Chắc chắn nó là không ư ?

Người trí nói: Nếu nói là không, làm sao hiện thấy từ nhân duyên sinh các tướng khóc cười v.v… ?

Nếu nói là có, hoặc nói là không, cả hai đều tà vọng, chẳng phải chính lý.

Ni-càn tử nói: Nếu có nếu không đều không nên nói, làm sao thân này hiện có trụ ?

Người trí nói: Không có một phần nhỏ nào thấy có tướng trụ.

Ni-càn tử nói: Nếu không trụ, tức đồng hư không.

Người trí nói: Như ông đã nói như hư không.

Ni-càn tử nói: Nếu vậy các tướng khóc cười làm sao điều khiển ?

Người trí nói: Ở trong nghĩa đó có 2 thứ: một là thế tục, hai là thắng nghĩa.

Y theo thế tục mà nói thì có tự tha, mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-giàla, tác giả, thụ giả, của cải, vợ con, bà con bạn bè, sai biệt như vậy.

Y theo thắng nghĩa mà nói thì không tự tha, mạng giả, cho đến bạn bè v.v… các việc, cũng không có chút phần các tướng sai biệt.

Nếu nói theo thế tục thì có sinh diệt, quả báo thiện ác. Nếu trong thắng nghĩa thì không sinh diệt, quả báo thiện ác. Pháp chân như kia tự tính thanh tịnh, không có phiền não, không có nhiễm ô, cũng không giác liễu, xưa nay vắng lặng. Nói như vậy là tự tính chân như.

Dùng kệ tụng làm rõ lại nghĩa này:

Nay sẽ nói 2 thứ:
Thế tục, thắng nghĩa đế.
Thế tục tức thế pháp,
Thắng nghĩa không gì hơn.
Hữu tình y thế tục,
Tăng trưởng nơi phiền não.
Ở lâu trong luân hồi,
Không rõ pháp thắng nghĩa.
Do y thế tục nên,
Tự tha sinh biến kế.
Khởi phân biệt nghi hoặc,
Mà thụ các khổ não.
Phàm phu ngu si kia,
Từ lâu chịu bức bách.
Không tu nhân xuất ly,
Sao biết lý giải thoát ?
Người ngu thường y chỉ,
Pháp thế gian sinh diệt.
Giong ruổi trong 5 thú,
Liên miên không dứt được.
Do không thấu thắng nghĩa,
Thì không diệt được khổ.
Lần lữa chịu luân hồi,
Như tằm tự trói buộc.
Như mặt trời mặt trăng,
Xoay vần không ngừng nghỉ.
Chúng sinh trong 3 cõi,
Qua lại cũng như vậy.
Các hành đều vô thường,
Biến đổi từng sát-na.
Xa lìa pháp thế tục,
Phải cầu thắng nghĩa đế.
Cho đến ở cõi trời,
Và cả Càn-thát-bà,
Chẳng khỏi vô thường kia,
Đều là quả thế tục.
Dạ-xoa cùng quỷ thần,
Được trì minh thành tựu.
Chẳng khỏi đọa ác thú,
Đều là quả thế tục.
Nhân thiên ngũ dục lạc,
Chắc chắn phải xả bỏ.
Nơi tâm Bồ-đề kia,
Thường dùng tuệ quán sát.
Tự tính không đắm trước,
Tất cả thảy đều không.
Siêu vượt các hý luận,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng cứng cũng chẳng mềm,
Chẳng nóng cũng chẳng lạnh,
Chẳng xúc, chẳng chấp thụ,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng dài và chẳng ngắn,
Chẳng tròn cũng chẳng vuông,
Chẳng vi tế chẳng thô,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng trắng và chẳng đỏ,
Chẳng đen cũng chẳng vàng,
Chẳng hình sắc hiển sắc,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng sắc chẳng ánh sáng,
Chẳng động, chẳng trói buộc,
Chẳng trụ như hư không,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Lìa tư duy quan sát,
Chẳng cảnh giới ngoại đạo,
Với Bát-nhã tương ưng,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Không giống, không đối đãi,
Không sánh, thường vắng lặng,
Tự tính vốn ngưng đọng,
Là tướng tâm Bồ-đề.
Như bọt tụ bóng nổi,
Như ảo hóa sóng nắng,
Vô ngã cũng vô thường,
Tất cả chẳng bền vững.
Thân này như cái phôi,
Đựng đầy những hư ảo.
Cùng 3 độc tương ưng,
Rốt ráo không, chẳng có.
Như mặt trăng trong mây,
Sát-na mà chẳng hiện.
Dùng Bát-nhã rất sâu,
Rõ hữu vi như huyễn.
Chúng sinh khí thế gian,
Tất cả như chiêm bao.
Do tự tâm phân biệt,
Tâm ấy cũng như mộng.
Nếu ai y chính lý,
Dùng tuệ mà tu tập,
Lìa bỏ các chướng nhiễm,
Mau được đạo vô thượng.
Bát-nhã tối thắng này,
Chư Phật đều ngợi khen.
Người trí khéo trù tính,
Cần cầu pháp vô thượng.
Lìa lỗi lầm hữu vi,
Chứng thắng đức chân thường.
Do đây được giải thoát,
Tất cả không nhiễm trước.
Khi ấy chúng ngoại đạo,
Nghe rồi sinh hoan hỷ.
Khéo quan sát trừ nghi,
Được ngộ trí Đại thừa./.

HẾT