NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Lưu Đức Huệ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Lưu Đức Huệ

Mười mấy hôm trước đã nhận được bộ Luận Mạnh Phân Loại[1] của lệnh nghiệp sư là tiên sinh Tây Tuyền do ông gởi tới. Vì mục lực không đủ, lại thêm công việc bề bộn, những chữ chú thích lại quá nhỏ chẳng dễ đọc nên cũng không rảnh rang để xem, chỉ xem đại lược khi rảnh rỗi đôi chút mà thôi, chứ hoàn toàn chưa xem trọn. Nếu sách này được hoàn thành vào năm năm trước thì Quang sẽ thay đổi hình thức trình bày [của cuốn sách] cho đọc đỡ tốn công lại dễ xem. Phần chánh văn in bằng cỡ chữ Nhị Hiệu Tự (phần chánh văn trong cuốn sách hiện thời in bằng cỡ chữ Nhị Hiệu Tự), phần chú giải in bằng cỡ chữ Tam Hiệu Tự, phần Đảnh Cách[2] sẽ in thêm một vạch mực thì chủ và bạn[3] sẽ dễ phân biệt. Phần chú giải in chữ to thì người lớn tuổi cũng đọc được.

Hiện thời vật giá đắt đỏ, dân nghèo cùng, đối với mỗi quyển bèn xuống dòng, in tiếp theo đó[4] sẽ đỡ tốn giấy nhiều lắm. Phàm với mỗi chương trong một quyển, [cũng trình bày] như trong phần Mục Lục: Ghi số mục trong phần Đảnh Cách, phía dưới ghi thiên mấy, chương mấy để kẻ thư sinh xem đến chẳng đến nỗi mất công giở tìm Mục Lục. Luận Ngữ Phân Loại chia làm hai cuốn Thượng và Hạ. Cuốn Thượng dầy hơn một chút, đối với các thiên Thực Lục của chư tử trong cuốn Hạ đừng bỏ giấy trống. Chuyện của người trước đã thuật xong, bèn thêm một vạch mực [ngăn cách giữa hai chuyện] cho khỏi lẫn lộn. Những chỗ giáp trang, mặt trước mặt sau đều ghi [số trang, số quyển]. Cuốn Hạ bỏ giấy trắng quá nhiều, quá hao tốn giấy, hãy dồn một nửa cuốn Thượng sang cuốn Hạ. Trong cuốn Hạ, đối với các tiết (các phân đoạn thuật hành trạng) của cùng một người hãy sắp xếp liên tiếp, sẽ rất hợp lẽ! Trong phần Chánh Văn có những đoạn không quan trọng, khẩn yếu thì không cần phải in cao lên[5] cũng là một cách để đỡ tốn giấy. Đấy là phương cách do Quang nhiều năm quen tay tính toán in sách nay kính cẩn nói với ông; tùy ông và mọi người liệu định, chứ Quang không buộc phải nhất định làm như thế.

Như muốn lưu thông rộng rãi, nếu một bộ giảm được một trang giấy (chú ý) thì một vạn bộ sẽ giảm được một vạn trang (chú ý); mười vạn bộ giảm được mười vạn trang (chú ý), phí tổn ấy chẳng nhỏ đâu! Còn soạn lời tựa thì do mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, nên cố nhiên phải nhờ bậc thông hiểu trong làng Nho viết, chứ Quang quả thật chẳng thể dùng tâm hay mắt được! Gắn phần ngăn cách[6] cho sách Luận Mạnh Phân Loại (phần thượng, phần hạ của Luận Ngữ Phân Loại, phần thượng, phần hạ của Mạnh Tử Phân Loại) thì vừa nhìn liền thấy rõ, chớ nên để lộn xộn không phân ra.

Hiện thời sắp chữ theo chữ chì[7] sẽ đỡ tốn tiền hơn khắc ván mà nét chữ cũng rõ và đẹp hơn, in bằng giấy Tàu hay dùng giấy Tây đều được. Nếu muốn lưu thông nhiều, hãy nên [bảo nhà in] làm Chỉ Bản (khoảng bốn, năm, sáu bức) thì mấy chục vạn cuốn cũng in được. Bản khắc ván, nếu in theo cách của Nam Kinh Kinh Phòng (Xưởng In Kinh ở Nam Kinh) tại Dương Châu, in được năm sáu ngàn bộ đã nhòe nhoẹt. In theo cách của Thư Điếm thì có thể in được hơn một vạn bộ do họ không ép mạnh nên chữ in ra dường như có, dường như không. Sách của Kinh Phòng in ra không một chữ nào chẳng rõ nét.

Một bức Chỉ Bản có thể đúc thành sáu bảy lần bản in kẽm. Hễ mỗi lần đúc kẽm thì xưởng in lớn chạy bằng máy in có động cơ, in mấy chục vạn cuốn cũng chẳng sao! Xưởng in nhỏ không mua nổi máy in có động cơ, in được chừng một vạn bộ là cùng; chữ lại thô vụng vì bị máy ép chữ ép lâu ngày, chữ kẽm liền bị lõm xuống, bẹt ra, cho nên chữ thô mà không rõ nét. Khi sắp chữ cần phải cậy người hết sức cẩn thận giảo chánh, đối chiếu. Thủ tục giảo chánh đối chiếu xưởng in sẽ cho biết; nhưng hiện thời Quang chỉ có thể nói là Quang chẳng thể dính dáng vào được vì không có mục lực lẫn tinh thần, mong hãy sáng suốt soi xét. Bìa sách nên dùng loại giấy da bò một trăm hai mươi bảng[8], cứng chắc đến tột bậc. Loại bìa [cho cuốn] sách [mẫu] này giá vẫn không rẻ mà lại dở tệ, không chắc chắn, cần gì phải tốn tiền để mua loại giấy tạp ấy? (Ngày Hai Mươi Hai tháng Sáu năm Dân Quốc 26 -1937)

Con người ai nấy đều thích dễ coi, chỉ có tôi là thích cứng chắc bởi trước đây đã có người khuyên tôi dùng loại bìa sách nhuộm màu. Quang thấy loại bìa ấy mắc tiền nhưng không cứng chắc, mặc cho người ấy nói thế nào cũng không chịu. [Do vậy] biết người đời phần nhiều là thích bày vẽ bề ngoài, chẳng xét đến lợi – hại. Trình – Châu chú giải sách cũng là bày vẽ bề ngoài, chỉ mong được tiếng là những nhà Lý Học tinh thông rộng rãi, chê nhân quả, bác luân hồi, đến nỗi nẩy ra cái họa giết cha giết mẹ. Nếu nhà Nho ai nấy đề xướng nhân quả thì đâu đến nỗi thế đạo nhân tâm suy hãm cùng cực đến mức này?

***

[1] Luận Mạnh Phân Loại là gọi tắt của Luận Ngữ Phân Loại và Mạnh Tử Phân Loại.

Lệnh nghiệp sư là tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng thầy của người khác.

[2] Đảnh Cách là lối in chữ đầu dòng cao hơn một chữ so với những dòng bên cạnh. Đảnh Cách thường dùng để in dòng đầu của Chánh Văn hay đề mục của một tiết, một đoạn.

[3] Chủ ở đây là phần chánh văn, Bạn là phần chú giải.

[4] Theo cách in phổ biến thời ấy, giữa mỗi quyển của cùng một bộ sách, phải bỏ trống ít nhất một trang. Ở đây, Tổ đề nghị, chỉ chừa một hàng trống giữa hai quyển.

[5] Đề Đầu hay Đài Đầu là in cao hơn những dòng khác một chữ, gần giống như Đảnh Cách. Điểm khác biệt giữa Đảnh Cách và Đài Đầu là Đảnh Cách chỉ in cao một dòng đầu, còn Đề Đầu là in cao lên một chữ cả đoạn.

[6] Nguyên văn Thư Thiêm. Trong lối in sách theo lối cổ, trước mỗi quyển thường gắn một mảnh giấy nhỏ, ghi rõ từng quyển này gồm mấy chương, mỗi chương gồm mấy tiết, mỗi tiết gồm mấy đoạn, giống như tiểu mục lục của từng quyển để người đọc dễ thấy được kết cấu của một quyển, dễ tìm khi muốn tra cứu. Chữ Thư Thiêm hiện thời chỉ dùng để dịch nghĩa chữ bookmark, tức sợi dây được gắn vào gáy sách để đánh dấu phần đã đọc.

[7] Đây là lối in chữ do Guttenberg phát minh bằng cách dùng những chữ đã đúc sẵn, sắp vào khuôn in rồi phun mực, ép xuống giấy để in. Gọi là “chữ chì” (duyên tự) chứ thật ra mỗi một chữ được đúc bằng hỗn hợp thiếc, chì và antimon. So với lối in khắc ván, cách này nhanh và hiệu quả hơn, nhưng nay đã thất truyền vì phải tốn nhiều chữ đúc sẵn, phải in thử để thầy cò (corrector) sửa những chữ bị thợ sắp sai. Chữ chì lại còn có chứa chất độc, gây nguy hại cho sức khỏe của thợ in.

[8] Nguyên văn “nhất bách nhập bảng ngưu bì chỉ”. “Nhất bách nhập bảng” là cách người Trung Hoa diễn dịch khái niệm “loại giấy này có thể chịu đựng độ kéo tối đa là 120g trên một mét vuông”. Ngưu Bì Chỉ (Kraft Paper) là một loại giấy thô dày cứng chế bằng bột tạp từ các loại gỗ của cây lá kim (như thông, tùng) đã được tẩy màu bằng acid sulfuric, thường có màu vàng nhờ nhờ hoặc vàng hơi nâu như lông bò. Thoạt đầu, giấy này chế bằng da bê hay da nghé nên gọi là Ngưu Bì Chỉ, chuyên dùng làm bìa sách. Tới khi chế bằng bột gỗ, do giấy có màu giống lông bò nên người Trung Hoa vẫn quen gọi là Ngưu Bì Chỉ.