KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Ðà
Hoà Thượng Tuyên Hóa giảng giải
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

 

TẬP 09

QUYỂN MƯỜI BẢY

PHẨM PHẠM HẠNH THỨ MƯỜI SÁU

 

Phạm hạnh là gì ? Chân cảnh là phạm, trí huệ là hạnh. Hoặc Niết Bàn là phạm, tu nhân là hạnh. Tóm lại, phạm hạnh tức là thanh tịnh hạnh. Vì ở trước đã có phẩm tịnh hạnh, cho nên phẩm này gọi là phẩm phạm hạnh. Phạm hạnh dùng gì làm thể ? Dùng giới, tứ đẳng, huệ, ba thứ làm thể. Giới hay ngừa ác phòng quấy. Tứ đẳng tức là từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng. Huệ tức là trí huệ Bát Nhã. Ðây là hạnh thanh tịnh tu tập của Bồ Tát. Làm thế nào mới có thể tu tập ? Kinh văn ở dưới sẽ giải thích rõ ràng, phẩm này thuộc về phẩm thứ mười sáu của kinh Hoa Nghiêm, cho nên gọi là Phẩm Phạm Hạnh Thứ Mười Sáu.

Bấy giờ, Thiên Tử Chánh Niệm bạch Bồ Tát Pháp Huệ rằng: Phật tử ! Các chúng Bồ Tát trong tất cả thế giới, nương sự chỉ dạy của Như Lai, nhuộm y xuất gia. Làm thế nào để đắc được phạm hạnh thanh tịnh. Từ bậc Bồ Tát mà chứng đắc đạo bồ đề vô thượng ?

Bồ Tát Pháp Huệ nói xong phẩm Thập Trụ rồi, bây giờ nói Phẩm Phạm Hạnh. Có vị Thiên Tử Chánh Niệm, rất cung kính quỳ xuống chắp tay hướng về Bồ Tát Pháp Huệ nói: ‘’Ðại đệ tử của Phật ! Trong tất cả thế giới hết thảy Bồ Tát phát tâm hành đạo Bồ Tát, các Ngài đều y chiếu theo pháp môn của Như Lai giáo hóa, mặc y hoại sắc, y của người xuất gia. Làm thế nào để đắc được pháp tịnh,’’ tất cả đều thanh tịnh, cho nên gọi là phạm hạnh. Nếu có hành vi chẳng thanh tịnh, thì đó chẳng phải là phạm hạnh. Bất tịnh có năm thứ:

1). Hạt giống bất tịnh: Thân thể của chúng ta là do tinh cha huyết mẹ hòa hợp mà thành, cho nên nói hạt giống chẳng thanh tịnh.

2). Chỗ ở bất tịnh: Ở trong bụng của người mẹ, trong bào thai đều là máu huyết, cho nên nói chỗ ở bất tịnh.

3). Thân chẳng thanh tịnh: Thân thể của mình là do ba mươi sáu thứ hình thành, tức cũng là do đất nước gió lửa hình thành, cho nên nói thân thể bất tịnh.

4). Ngoại tướng bất tịnh: Chín lỗ trong thân thể của chúng ta luôn chảy ra đồ bất tịnh. Hai mắt thì chảy ghèn, nước mắt. Hai tai thì có cứt ráy. Hai mũi thì chảy mũi. Miệng thì có đàm, nước bọt. Ðại tiểu tiện chảy ra phân, nước tiểu. Cho nên nói ngoại tướng bất tịnh.

5). Cứu kính bất tịnh: Sau khi người chết rồi, thân thể sình lên, sinh trùng, máu chảy, cuối cùng biến thành bộ xương khô, cho nên nói cứu kính bất tịnh. Ðây là hiện tượng năm thứ bất tịnh.
Thân thể của chúng ta là túi da hôi thối, chẳng có chỗ nào đáng ưa, cho nên người tu đạo, phải luôn tu quán bất tịnh, tức cũng là quán xương trắng, như thế mới có thể thành tựu đạo nghiệp.

Đó là: Thân, thân nghiệp. Lời, lời nghiệp. Ý, ý nghiệp. Phật, Pháp, Tăng, giới. Nên quán như vậy. Thân là phạm hạnh chăng ? Cho đến giới là phạm hạnh chăng ?

Bồ Tát nên dùng mười pháp để quán, chú ý để nghiên cứu, nghiên cứu gì là phạm hạnh ? Nói về mười pháp đó là:

1). Thân: Thân có phải là phạm hạnh chăng ?

2). Thân nghiệp: Nghiệp do thân tạo ra có phải là phạm hạnh chăng ? Nếu thân thể là phạm hạnh, nhưng thân thể là vật bất tịnh, sao có thể cho là phạm hạnh ? Vấn đề này phải nghiên cứu tỉ mỉ một phen. Chúng ta chấp trước thân thể, thương tiếc thân thể, có người mắng một câu thì chịu chẳng được, có người đánh một cái thì càng chịu chẳng được. Nếu là phạm hạnh thì sao lại thọ chẳng được ? Sao lại nổi giận ? Sao lại bị cảnh giới chuyển ? Cho nên quán thân chẳng phải là phạm hạnh. Thân chẳng phải là phạm hạnh, thì nghiệp do thân tạo ra cũng chẳng phải là phạm hạnh. Nghiệp có ba thứ: Thiện, ác, chẳng thiện chẳng ác. Nghiệp thiện và nghiệp ác đều chẳng thanh tịnh, cũng chẳng phải phạm hạnh.

3). Lời: Lời nói là phạm hạnh chăng ! Lời nói cũng chẳng phải là phạm hạnh.

4). Lời nghiệp: Ngôn ngữ tạo ra nghiệp là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải là phạm hạnh. Tại sao ? Vì miệng hay nói ra lời dối trá, thêu dệt, chưởi mắng và hai chiều, đủ thứ lời bất tịnh.

5). Ý: Ý niệm là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải phạm hạnh.

6). Ý Nghiệp: Ý niệm tạo ra nghiệp là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải phạm hạnh.

7). Phật: Phật là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải.

8). Pháp: Pháp là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải.

9). Tăng: Tăng là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải.

10). Giới: Giới là phạm hạnh chăng ? Cũng chẳng phải. Bồ Tát nên tác ý quán sát như thế. Tác ý tức là chú ý. Bậc A la hán muốn biết việc tiền nhân hậu quả, phải ở trong định quán sát, mới biết rõ nhân quả. Bồ Tát bát địa trở lên, không cần tác ý quán sát, thì lập tức thấu rõ. Nên quán sát như vậy, thân là phạm hạnh chăng ? Cho đến giới là phạm hạnh chăng ? Những vấn đề này, trong kinh văn sẽ có giải đáp.

Nếu thân là phạm hạnh, thì nên biết phạm hạnh tức chẳng phải thiện, tức chẳng phải pháp, tức là hỗn đục, tức là hôi hám, tức là bất tịnh, tức đáng nhàm, tức là trái ngược, tức là tạp nhiễm, tức là tử thi, tức là trùng tích tụ.

Nếu như nói thân là phạm hạnh ? Vậy nên biết phạm hạnh.

1). Tức là chẳng thiện: Thân thì chẳng thanh tịnh, cho nên chẳng thiện. Phạm hạnh là thanh tịnh, cho nên là thiện. Nếu nói phạm hạnh là thân, vậy phạm hạnh tức là chẳng thiện.

2). Tức là phi pháp: Thân thể có lúc làm những chuyện chẳng hợp pháp. Nếu phạm hạnh là thân, thì phạm hạnh cũng là phi pháp.

3). Tức là hỗn đục: Thân thể là vật hỗn đục bất tịnh, phạm hạnh thì thanh tịnh chẳng dơ. Cho nên nói thân chẳng phải là phạm hạnh, phạm hạnh cũng chẳng phải thân.

4). Tức là hôi hám: Thân thể là vật hôi hám. Nếu phạm hạnh là thân thể, thì phạm hạnh biến thành hôi hám.

5). Tức là bất tịnh: Thân thể là bất tịnh, chín lỗ thường chảy ra đồ bất tịnh, nếu phạm hạnh là thân thể, vậy phạm hạnh biến thành chẳng thanh tịnh. Chúng ta nên quán năm thứ bất tịnh. Trong Đại Trí Độ Luận có năm bài kệ hình dung năm thứ bất tịnh.

A. Kệ hạt giống bất tịnh:

‘’Thị thân chủng bất tịnh
Phi dư diệu bảo vật
Bất do bạch tịnh sinh
Ðản tùng uế đạo xuất.’’

Vì thân thể là do khi cha mẹ giao cấu thì có nhân duyên nghiệp, có quả báo thức mà đi thọ thai, trở thành thân thể. Cho nên hạt giống là vật bất tịnh. Chứ chẳng phải là báu vật tốt lành thành tựu, mà là do tinh cha huyết mẹ mà thành tựu. Nó chẳng phải từ nơi thanh tịnh sinh ra, mà là từ âm căn của người mẹ sinh ra, cho nên nói hạt giống chẳng thanh tịnh.

B. Kệ chỗ ở bất tịnh:

‘’Thị thân vi uế xú
Bất tùng hoa khai sinh
Diệt bất tùng diêm bặc
Hựu bất xuất bảo sơn.’’

Thân thể này là do máu thịt mà thành, vừa bẩn vừa hôi, lại chẳng thanh tịnh. Thai nhi ở trong bụng mẹ, ở dưới sinh tạng, trên nhiệt tạng, là nơi rất bẩn thỉu. Chẳng phải từ hoa sen sinh ra, do đó ‘’Hoa nở thấy Phật.’’ Tức chẳng phải từ hương diêm bặc sinh ra, cũng chẳng phải từ núi báu sinh ra, cho nên nói chỗ ở bất tịnh.
C. Bài kệ thân thể bất tịnh:

‘’Ðịa thủy hỏa phong chất
Năng biến thành bất tịnh
Khuynh hải lưu thử thân
Bất năng khiến hương khiết.’’

Thân thể này do đất nước gió lửa bốn đại vật chất hòa hợp mà thành, hay biến thành vật chẳng thanh tịnh. Dù có dùng nước biển để tắm rửa thân thể hôi hám này, khiến cho nước biển khô cạn hết, cũng không thể rửa sạch được, khiến cho thơm tho thanh khiết.

D. Bài kệ ngoại tướng bất tịnh:

‘’Chủng chủng bất tịnh vật
Sung mãn ư thân trung
Thường lưu xuất bất chỉ
Như lậu nan thạch vật.’’

Trong thân thể có đủ thứ vật hôi bất tịnh, đầy dẫy khắp thân thể. Chín lỗ thường chảy ra vật bất tịnh không ngừng. Thân thể giống như cái túi có lỗ, chứa đầy máu mủ các thứ, luôn luôn chảy ra.

E. Bài kệ cứu kính bất tịnh:

‘’Thẩm đế quán thử thân
Tất quy ư tử xứ
Nan ngự vô phản phục
Bội ân như tiểu nhi.’’

Phải suy gẫm tỉ mỉ để quán sát thân thể này: Nó tương lai nhất định sẽ chết, chẳng cách chi khống chế được nó không chết. Bất cứ chiếu cố thân thể như thế nào ? Ðến lúc nó sẽ vong ân bội nghĩa, sẽ bỏ đi, giống như trẻ con, chẳng có cảm tình và đạo nghĩa.

6). Tức là đáng nhàm: Thân thể là vật đáng nhàm chán, khiến cho người chẳng hoan hỷ. Nếu nói thân là phạm hạnh, thì đó chẳng phải phạm hạnh khiến cho người nhàm chán chăng ? Chẳng phải. Phạm hạnh là khiến cho người hoan hỷ, cho nên nói thân thể chẳng phải là phạm hạnh.

7). Tức là trái ngược: Thân thể luôn luôn làm ra việc trái ngược với tâm ý. Giống như tâm chẳng muốn sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Nhưng thân thể cứ muốn đi làm, chẳng nghe sự chỉ huy và chi phối của tâm, đây tức là hành vi trái ngược. Phạm hạnh chẳng phải như vậy, mà là thuận tình hợp lý đi làm việc, cho nên phạm hạnh tuyệt đối chẳng phải thân thể.

8). Tức là tạp nhiễm: Vì thân là do bốn đại làm thành, cho nên tạp nhiễm. Song, phạm hạnh chẳng phải tạp nhiễm, mà là thanh tịnh, cho nên thân thể chẳng phải là phạm hạnh.

9). Tức là tử thi: Vì thân thể tương lai sẽ chết, tử thi là vật mà người chẳng hoan hỷ, còn phạm hạnh thì khiến cho người hoan hỷ, cho nên phạm hạnh chẳng phải là thân thể. Nếu như nói thân là phạm hạnh, vậy phạm hạnh chẳng phải là tử thi chăng ? Chẳng phải, phạm hạnh là thanh tịnh.

10). Tức là trùng tích tụ: Thân thể này là do nhiều vi trùng tích tụ lại với nhau mà thành. Thân người chúng ta là trùng lớn, ở trong thân thể có ngàn vạn ức trùng nhỏ, tổ chức thành một đoàn thể, cùng nhau sinh sống. Trong luận Ðại Sa Ba có nói: ‘’Trong thân người, toàn là trùng tích tụ, đầu trùng ở trong, ăn đồ con người ăn; đuôi trùng ở ngoài biện tác nhân phản.’’ Chúng ta uống nước ăn cơm, tức là trùng lớn thế trùng nhỏ làm việc. Ngàn vạn ức trùng nhỏ ngồi hưởng, chẳng phí sức lực, ăn xong rồi, rất là tiêu dao, rất là tự tại !

Trong kinh Quán Phật Tam Muội Hải có nói: ‘’Khi Phật thành đạo thì ma vương phái ba yêu nữ, đến dưới cội bồ đề, để phá đạo nghiệp của Phật, bèn nói với Phật rằng: Chúng tôi là mỹ nữ ở trên trời, nay hiến thân cho Ngài, hầu hạ Ngài, nguyện vì Ngài phục vụ những gì Ngài cần.’’ Phật ngồi yên tĩnh tọa chẳng nói gì, thân tâm chẳng động, mà phóng ra luồng hào quang trắng chiếu soi ma nữ. Lúc đó ba con ma nữ, tự quán thân mình, hôi hám vô cùng, chín lỗ chảy ra những thứ dơ bẩn thối tha. Thấy trong bụng mình ruột già ruột non, sinh tạng nhiệt tạng (thực vật chẳng tiêu hóa là sinh tạng, thực vật tiêu hóa là nhiệt tạng). Có rất nhiều trùng nhỏ du hí ở trong ruột già ruột non, du tới du lui rất tự tại. Ba con yêu nữ thấy như vậy rồi, bèn nhàm chán và bỏ đi.

Nếu thân nghiệp là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là đi đứng nằm ngồi, nhìn ngó phải trái, co duỗi cúi ngước.

Nếu như nói nghiệp do thân làm là phạm hạnh, thì thân có nghiệp đi đứng nằm ngồi, đương nhiên phạm hạnh, tức là đi đứng nằm ngồi. Song, phạm hạnh chẳng phải như thế. Thân có thể nhìn trái phải, xem trước ngó sau. Duỗi ra co vào, nhìn lên cúi xuống, những động tác đó đều là nghiệp thân tạo ra. Nếu thân nghiệp là phạm hạnh thì phạm hạnh cũng là nhìn trái phải, co duỗi ngước cúi. Song, phạm hạnh chẳng phải như thế, chẳng có động tác đó, có thể thấy thân nghiệp chẳng phải là phạm hạnh.

Nếu lời nói là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là âm thanh, gió thở, môi lưỡi họng mép, nhả ra nuốt vào, đè nén buông ra, cao thấp, trong đục.

Nếu như nói lời nói là phạm hạnh, vậy thì, phạm hạnh tức là lời nói, gió thở. Song, phạm hạnh chẳng phải âm thanh, cũng chẳng phải gió thở. Vì lời nói là dùng môi lưỡi họng mép khí quản để phát ra lời nói. Mà phạm hạnh chẳng phải tình hình như vậy. Lời nói có nhả ra nuốt vào, đè nén, buông thả. Song phạm hạnh chẳng phải như vậy. Lời nói có tiếng cao, có tiếng thấp, có âm thanh trong trẻo, có âm thanh hỗn đục, cho nên lời nói chẳng phải là phạm hạnh.

Nếu lời nghiệp là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là thưa chào hỏi thăm, nói ban đầu, lược nói rộng, nói ví dụ, nói thẳng, nói khen, nói chê, nói an lập, nói tùy tục, nói hiển rõ.

Nếu như nói nghiệp lời nói là phạm hạnh, vậy thì, phạm hạnh tức là thưa chào hỏi thăm. Song phạm hạnh chẳng phải thưa chào hỏi thăm, cho nên nói nghiệp lời nói chẳng phải là phạm hạnh. Hoặc nói ban đầu lược, hoặc nói rộng, hoặc nói ví dụ, hoặc nói trực tiếp, hoặc nói khen ngợi, hoặc nói chê bai, hoặc nói an lập, hoặc nói tùy tục, hoặc nói hiển rõ, những nghiệp lời nói này đều chẳng phải là phạm hạnh. Nếu nói nghiệp lời là phạm hạnh, thì những điều vừa nói đều biến thành phạm hạnh, song chẳng phải, cho nên nghiệp lời chẳng phải phạm hạnh.

Nếu ý là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là giác, là quán, là phân biệt, là đủ thứ phân biệt, là nghĩ nhớ, là đủ thứ nghĩ nhớ, là suy gẫm, là đủ thứ suy gẫm, là huyễn thuật, là ngủ mộng.

Nếu như nói ý là phạm hạnh, vậy thì, phạm hạnh tức là giác, là quán xem. Song phạm hạnh chẳng có giác và quán xem, cho nên ý chẳng phải là phạm hạnh. Ý thức khéo phân biệt, là đủ thứ phân biệt, mà phạm hạnh chẳng có phân biệt. Ý thức có sự nghĩ nhớ quá khứ, là nghĩ nhớ đủ thứ, mà phạm hạnh chẳng có nghĩ nhớ. Ý thức là suy gẫm, là suy gẫm đủ thứ, mà phạm hạnh chẳng có suy gẫm. Ý là huyễn thuật, ý là ngủ mộng, mà phạm hạnh chẳng có huyễn thuật và ngủ mộng. Nếu nói ý là phạm hạnh, vậy thì những điều này chẳng phải đã biến thành phạm hạnh chăng ? Song, chẳng phải, cho nên phạm hạnh chẳng phải là ý.

Nếu ý nghiệp là phạm hạnh, thì nên biết phạm hạnh tức là tư tưởng, nóng lạnh đói khát, khổ vui lo mừng.

Nếu như nói nghiệp của ý tạo ra là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là tư tưởng, nóng lạnh, đói khát, khổ vui, lo mừng. Song, chẳng phải. Vì ý hay cảm giác được sự phân biệt tư tưởng, nóng lạnh, đói khát, khổ vui, lo mừng. Nếu nói ý nghiệp là phạm hạnh, vậy thì những điều này biến thành phạm hạnh chăng ? Song, chẳng phải.

Nếu Phật là phạm hạnh, thì sắc là Phật chăng ? Thọ là Phật chăng ? Tưởng là Phật chăng ? Hành là Phật chăng ? Thức là Phật chăng ? Tướng là Phật chăng ? Tốt là Phật chăng ? Thần thông là Phật chăng ? Nghiệp hành là Phật chăng ? Quả báo là Phật chăng ?

Nếu như nói Phật là phạm hạnh, vậy thì sắc uẩn là Phật chăng ? Thọ uẩn là Phật chăng ? Tưởng uẩn là Phật chăng ? Hành uẩn là Phật chăng ? Năm uẩn này là hư vọng, đều là không, đều chẳng phải Phật. Vậy sắc thọ tưởng hành thức đều là không, Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp có phải là Phật chăng ? Chẳng phải. Vì Phật là vô tướng, cho nên chẳng phải là phạm hạnh. Có thần thông là Phật chăng ? Có nghiệp hành là Phật chăng ? Có quả báo là Phật chăng ? Ðều chẳng phải. Nếu nói Phật là phạm hạnh thì chẳng phải.

Nếu pháp là phạm hạnh, thì vắng lặng là pháp chăng ? Niết Bàn là pháp chăng ? Không sinh là pháp chăng ? Không khởi là pháp chăng ? Không thể nói là pháp chăng ? Không phân biệt là pháp chăng ? Không chỗ hành là pháp chăng ? Không hợp tập là pháp chăng ? Không tùy thuận là pháp chăng ? Không chỗ đắc là pháp chăng ?

Nếu như nói pháp là phạm hạnh, song pháp là vắng lặng chẳng động, cho nên pháp chẳng phải là phạm hạnh. Phạm hạnh là tu hành mà thành, pháp vốn là vắng lặng. Niết Bàn cũng là pháp. Tuy do tu hành mà đắc được Niết Bàn, song Niết Bàn chẳng tu hành. Phạm hạnh là tu hành thanh tịnh, mà thành phạm hạnh. Cho nên Niết Bàn là pháp; chứ chẳng phải phạm hạnh. Pháp là không sinh, tuy không sinh nhưng chẳng phải là phạm hạnh. Pháp là không sinh, chẳng có thể tánh. Phạm hạnh phải tu hành, mới có được phạm hạnh thanh tịnh. Không thể nói cũng là pháp, tuy không thể nói, nhưng chẳng phải là phạm hạnh. Không phân biệt cũng là pháp, tuy không phân biệt, nhưng chẳng phải là phạm hạnh. Pháp tuy lìa phân biệt, chẳng có chỗ hành. Không chỗ hành cũng là pháp, nhưng chẳng phải là phạm hạnh. Không tập hợp cũng là pháp, vì pháp là vốn có, không cần hòa hợp mà thành, không cần tạo tác. Song chẳng phải phạm hạnh. Pháp thì chẳng tùy thuận tất cả cảnh giới, cho nên không tùy thuận là pháp, nhưng chẳng phải là phạm hạnh. Pháp vốn không chỗ đắc, nhưng không chỗ đắc chẳng phải là phạm hạnh. Có nhiều lý do vừa nói ở trên, chứng minh pháp chẳng phải là phạm hạnh.

Nhận rằng pháp là phạm hạnh, đây là chẳng thành lập. Vì tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều chẳng phải là phạm hạnh. Tại sao phải nói như vậy ? Vì dạy bạn đừng chấp trước. đừng chấp trước phạm hạnh, có Phật có Pháp có Tăng, hành sở vô sự. Tu hành đừng có sự chấp trước, nếu chẳng có sự chấp trước thì sẽ chứng được thật tướng. Do đó:

‘’Chứng đắc thật tướng vô nhân pháp
Diệt khử A tỳ chư nghiệp tội.’’

Thật tu đến trình độ không ta, không người, không chúng sinh, không thọ mạng, thì người cũng không, pháp cũng không. Tự tánh liễu liễu, sẽ chứng được thật tướng lý thể. Tội nghiệp vô gián nhiều như số cát sông Hằng bèn lập tức tiêu diệt. Nếu chẳng có chấp trước thì tất cả pháp hữu vi và pháp vô vi đều tồn tại. Phá được chấp trước thì tất cả đều không. Cảnh giới này như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Ðây là chứng được thật tướng lý thể, đắc được thọ dụng chân chính.

Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, song môn nào cũng đều là số một. Tại sao phải nói như vậy ? Vì Phật đã từng nói: ‘’Pháp thì bình đẳng, chẳng có cao thấp, gọi là A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề (Vô thượng chánh đẳng chánh giác).’’ Pháp hợp cơ với ai, thì là số một, chẳng hợp với căn cơ, thì phải chăng là số hai ? Cũng chẳng phải. Chẳng hợp với căn cơ bạn, nhưng hợp với căn cơ của tôi; chẳng hợp với căn cơ tôi, mà hợp với căn cơ người khác. Bạn tôi và họ đều có căn cơ khác nhau, hợp cơ là số một, chẳng hợp cơ là bình đẳng. Chẳng cao, chẳng thấp, chẳng hơn, chẳng kém. Tức nhiên như vậy thì mọi người đừng ở nơi pháp sinh ra phân biệt, tự tìm phiền não. Do đó:

‘’Phân biệt danh tướng chẳng biết nghỉ
Vào biển đếm cát chỉ tự khốn.’’

Phân biệt pháp này, phân biệt pháp kia, phân biệt tất cả danh tướng, chẳng khi nào xong. Trong một đời, phân biệt danh tướng cũng phân biệt chẳng rõ ràng. Giống như xuống đáy biển đếm từng hạt cát thử xem có bao nhiêu ? Vĩnh viễn cũng đếm chẳng được. Vậy phải làm thế nào ? Phải chọn pháp môn tương ưng, pháp môn nào mà mình hoan hỷ, thì y theo pháp mà tu hành, tương lai sẽ có sở thành tựu.

Nếu như nghiên cứu bộ kinh này là thật, bộ kinh kia là giả, nghiên cứu mấy mươi năm, khi đến lúc chết vẫn chẳng biết được rõ ràng. Do đó, cho nên phải lựa chọn một pháp môn, chuyên tâm tu hành, thì có thể sẽ thành tựu đạo nghiệp.

Khi Phật còn ở đời, thì có vị đệ tử ngu si nhất, tên là Chu Lợi Bàn Ðà Gia. Anh ta rất ngu si, bất cứ dạy anh ta pháp gì, anh ta cũng đều quên. Phật thương xót anh ta, chỉ dạy anh ta một pháp. Dạy anh ta niệm ‘’chổi quét‘’ hai chữ. Anh ta hằng ngày quét đất, trong miệng niệm ‘’chổi quét.’’ Niệm tới niệm lui cuối cùng khai ngộ, chứng quả A la hán. Khai ngộ như thế nào ? Một ngày nọ, anh ta đang quét đất, tâm nghĩ, quét đi rác rến bên ngoài, thì cũng phải quét đi rác rến trong tâm, tức cũng là bụi bặm tham sân si chẳng thanh tịnh. Từ công án này nhìn lại thì pháp chẳng định pháp, hợp căn cơ là pháp hay. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói:

‘’Pháp vốn chẳng đốn tiệm
Mê ngộ có mau chậm.’’

Pháp chẳng có phân biệt đốn (mau), chẳng có phân biệt tiệm (chậm), mê hoặc và khai ngộ, có sớm có muộn. Do đây đủ thấy, pháp giống như chìa khóa, dùng để mở ổ khóa. Nếu đã mở được ổ khóa rồi, thì chìa khóa nên buông bỏ. Nếu chẳng buông bỏ, tức là chấp trước. Do đó:

‘’Qua sông rồi chẳng cần thuyền nữa.’’

Ðã đến được bờ sông bên kia, thì không cần vác thuyền đi nữa, phải bỏ thuyền ở trên bờ, đây mới là tự tại, mới được giải thoát. Tu hành thì phải phá chấp trước, nếu vẫn còn chấp cái ta, chấp người, chấp pháp, thì chẳng được giải thoát.

Nếu Tăng là phạm hạnh, thì hướng dự lưu là Tăng ? Quả dự lưu là Tăng ? Hướng nhất lai là Tăng ? Quả nhất lai là Tăng ? Hướng bất hoàn là Tăng ? Quả bất hoàn là Tăng ? Hướng A la hán là Tăng ? Quả A la hán là Tăng ? Tam minh là Tăng ? Lục thông là Tăng ?

Nếu như nói Tăng là phạm hạnh, vậy thì:

1). Hướng dự lưu là Tăng chăng ? Chẳng phải Tăng. Vì Tăng phải có bốn vị trở lên mới gọi là Tăng, do đó ‘’chúng là Tăng,’’ vậy phạm hạnh chẳng phải là Tăng. Dự lưu là sơ quả A la hán, tiếng Phạn là Tu Ðà Hoàn. Lại dịch là nhập lưu, ‘’Nhập vào dòng pháp tánh Thánh nhân, ngược dòng lục trần phàm phu.’’ Chẳng nhập vào sắc thinh hương vị xúc pháp. Chưa đoạn sạch tam giới kiến hoặc là hướng, tức là thú hướng nhân vị Tu Ðà Hoàn. Kiến hoặc là gì ? Tức là đối cảnh khởi tham ái. Ðối trước cảnh giới sinh khởi tâm tham và tâm ái. Tham tức là chiếm làm của mình. Ví như mắt thấy sắc thì sinh tâm tham sắc trần; tai nghe tiếng thì sinh tâm tham thinh trần; mũi ngửi hương thì sinh tâm tham hương trần; lưỡi nếm vị thì sinh tâm tham vị trần; thân xúc giác thì sinh tâm tham xúc trần; ý biết pháp thì sinh tâm tham pháp trần. Cảnh giới sáu căn đối với sáu trần, bèn sinh ra tâm tham. Thấy vật, nếu hoan hỷ thì sinh tâm ái. Mắt thấy sắc thì ái sắc trần; tai nghe tiếng thì ái thinh trần; mũi ngửi hương thì ái hương trần; lưỡi nếm vị thì ái vị trần; thân xúc giác thì ái xúc trần; ý biết pháp thì ái pháp trần. Ðây gọi là kiến hoặc.

2). Quả dự lưu là Tăng chăng ? Chẳng phải, vậy phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Dự lư có thể nói là dự bị tham gia vào dòng Thánh, có thể làm Thánh nhân. Ðoạn sạch tam giới tám mươi tám sử kiến hoặc là quả dự lưu. Chứng đắc kiến đạo vị (quả vị thấy đạo), và là hữu học vị. Gì là tám mươi tám sử ? Vì chúng sinh tam giới, đối với sự lý bốn đế (khổ tập diệt đạo) chẳng thấu hiểu, cho nên mê hoặc, phát sinh mười sử. Mười sử phân làm hai loại, một là lợi sử, tức là phiền não cấp tánh. Hai là độn sử, tức là phiền não mạn tánh. Lợi sử tức là thân kiến, biên kiến, giới thủ, kiến thủ, tà kiến. Ðộn sử tức là tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm mạn, tâm nghi. Cộng lại là mười hoặc, khiến cho chúng sinh lưu chuyển trong tam giới. Tại dục giới có ba mươi hai hoặc, khổ đế có mười hoặc, tập đế có bảy hoặc, diệt đế có bảy hoặc, đạo đế có tám hoặc. Tại sắc giới có hai mươi tám hoặc, khổ đế có chín hoặc, tập đế có sáu hoặc, diệt đế có sáu hoặc, đạo đế có bảy hoặc. Tại vô sắc giới cũng có hai mươi tám hoặc, đồng với sắc giới. Lại có mười sáu tâm, tức là khổ pháp nhẫn, khổ pháp trí, khổ loại nhẫn, khổ loại trí; tập pháp nhẫn, tập pháp trí, tập loại nhẫn, tập loại trí; diệt pháp nhẫn, diệt pháp trí, diệt loại nhẫn, diệt loại trí; đạo pháp nhẫn, đạo pháp trí, đạo loại nhẫn, đạo loại trí. Ðến mười lăm tâm thì gọi là hướng dự lưu, đến mười sáu tâm thì gọi là quả dự lưu. Chứng được sơ quả Thánh nhân, thì đoạn trừ được tám mươi tám phẩm kiến hoặc, đối với cảnh giới chẳng khởi tâm tham ái, song đối với phương diện lý luận vẫn chẳng rõ ràng. Sơ quả Thánh nhân có định lực, chẳng bị cảnh giới làm lay động, mà chuyển được cảnh giới. Do đó:

‘’Người chuyển được cảnh giới
Cảnh chẳng chuyển được người.’’

Lúc này, mắt thấy hình sắc trong chẳng có, tai nghe việc đời tâm chẳng hay, đây tức là nhập vào dòng pháp tánh Thánh nhân, nhưng phải thọ bảy lần sinh tử.

3). Hướng nhất lai là Tăng chăng ? Chẳng phải, vậy phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Nhất lai là nhị quả A la hán, tiếng Phạn là Tư Ðà Hàm. Tức là một lần sinh về trời, một lần xuống nhângian thọ sinh. Ðã đoạn được dục giới sáu phẩm tư hoặc trước. Sẽ đoạn một đến năm phẩm là hướng nhất lai, đã đoạn sạch sáu phẩm là quả nhất lai. Gì là tư hoặc ? Tức là mê lý khởi phân biệt. Ðối với lý luận chẳng rõ ràng, thì sinh ra tâm phân biệt. Nếu tâm nghĩ: ‘’Họ chẳng có trí huệ, tôi có trí huệ. Họ không thể làm được việc, tôi sẽ làm được việc.’’ Ðây tức là đối với sự lý nhận thức chẳng rõ ràng mà vọng sinh phân biệt.

4). Quả nhất lai là Tăng chăng ? Chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Nhị quả là tu đạo vị, còn là hữu học vị, đã đoạn tư hoặc sáu phẩm. Tư hoặc có tám mươi mốt phẩm. Tam giới có chín địa, mỗi địa, mỗi địa có chín phẩm tư hoặc. Tại dục giới có một địa, tên gọi là ngũ thú tạp cư địa, có chín phẩm tư hoặc. Tại sắc giới có bốn địa, tên gọi là ly sinh hỷ lạc địa, định sinh hỷ lạc địa, ly sinh diệu lạc địa, xả niệm thanh tịnh địa, cộng lại có ba mươi sáu phẩm tư hoặc. Tại vô sắc giới có bốn địa, tên gọi là không vô biên xứ địa, vô sở hữu xứ địa, phi tưởng phi phi tưởng xứ địa, cộng có ba mươi sáu phẩm tư hoặc.

5). Hướng bất hoàn là Tăng chăng ? Chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Bất hoàn là tam quả A la hán, tiếng Phạn là A na hàm, còn dịch là bất lai. Vì đã đoạn dục giới ba phẩm tư hoặc sau, cho nên chẳng trở lại dục giới thọ sinh tử. Sẽ đoạn bảy phẩm đến tám phẩm là hướng bất hoàn, đã đoạn chín phẩm là quả bất hoàn.
6). Quả bất hoàn là Tăng chăng ? Cũng chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Tam quả là tu đạo vị, còn là hữu học vị, từ bậc nhị quả đến bậc tam quả là hướng bất hoàn. Khi đã

chứng được bậc tam quả là quả bất hoàn. Tam quả A la hán, đã đoạn sạch chín phẩm tư hoặc.

7). Hướng A la hán là Tăng chăng ? Cũng chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. A la hán là tiếng Phạn, có ba ý nghĩa:

I. Sát tặc: Giết hết tất cả tặc phiền não.

II. Bất sinh: Tam quả vĩnh viễn đoạn sinh tử, đã chứng nhập hữu dư Niết Bàn, do đó ‘’Không sinh không diệt.’’

III. Ứng cúng: Xứng đáng thọ nhận trời người cúng dường. Sẽ đoạn bảy mươi hai phẩm tư hoặc của tám địa còn lại là hướng A la hán, đã đoạn sạch tám địa bảy mươi hai phẩm tư hoặc là quả A la hán.

8). Quả A la hán là Tăng chăng ? Cũng chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Tứ quả là chứng đạo vị, còn là vô học vị, không cần học nữa. Ðến đây chẳng thọ phần đoạn sinh tử, nhưng còn có biến dịch sinh tử. Sơ quả là kiến đạo vị, đến đây không thể tin ý niệm của mình. Vì định lực của mình chưa kiên cố, nếu tin ý niệm của mình thì sẽ sai lầm. Phải cẩn thận coi chừng. Khi nào chứng được tứ quả A la hán, thì mới có thể tin ý niệm của mình. A la hán là quả vị của Tỳ Kheo. Tỳ Kheo là nhân, A la hán là quả. Tại nhân địa gọi là khất sĩ, tại quả địa gọi là ứng cúng. Tại nhân địa khất thực, trên thì khất pháp của chư Phật để nuôi dưỡng pháp thân; dưới thì khất thực nơi chúng sinh để nuôi dưỡng sắc thân. Tỳ Kheo có ba ý nghĩa:

I. Khất sĩ, sĩ khất thực. Ôm bát đi khất thực, thọ trời người cúng dường để dưỡng mạng sống.

II. Hai là bố ma. Khi Tỳ Kheo thọ giới cụ túc, thì đức giới Hòa Thượng hỏi:

– ‘’Ông phát tâm bồ đề chăng‘’ ?

– Ðáp: ‘’Ðã phát tâm bồ đề.’’

– Lại hỏi: ‘’Ông có phải là đại trượng phu chăng‘’ ?

– Ðáp: ‘’Là đại trượng phu.’’

Lúc này, tất cả Dạ Xoa cùng truyền báo cho nhau, địa Dạ Xoa truyền báo cho không hành Dạ Xoa, không hành Dạ Xoa lại truyền báo cho Thiên ma, truyền báo gì ? Truyền báo quyến thuộc của Phật tăng thêm một người, còn quyến thuộc của ma thì bớt đi một người. Ma vương nghe rồi thì hoảng hốt lo sợ, tâm nghĩ: ‘’Sức lực của ta càng ngày càng suy yếu, sức lực của Phật càng ngày càng tăng thêm.’’ Do đó phát sinh tâm sợ hãi, cho nên gọi là bố ma.

III. Phá ác, tức là phá ác phiền não; giết tặc vô minh, vô minh phiền não là gốc rễ làm hại pháp thân huệ mạng, cho nên phải phá ác.

9). Tam minh là Tăng chăng ? Cũng chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Tam minh tức là thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh. Thiên nhãn minh biết được tướng sinh tử đời quá khứ. Lậu tận minh biết được tướng khổ đời hiện tại, và có trí huệ đoạn tất cả phiền não.

10). Lục thông là Tăng chăng ? Cũng chẳng phải. Vậy, phạm hạnh cũng chẳng phải là Tăng. Lục thông tức là: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, lậu tận thông. Thiên nhãn thông thấy được trên trời, nhân gian, địa ngục. Họ khởi tâm động niệm cũng đều thấy biết được. Thiên nhĩ thông nghe được thần trên trời, quỷ địa ngục, người thế gian nói chuyện, đều nghe được rất rõ ràng. Tha tâm thông biết được trong tâm của người khác suy nghĩ gì. Túc mạng thông biết được nhân duyên quả báo những người khác trong vô lượng kiếp về trước. Thần túc thông hay toại tâm như ý, du hành thế giới, biến hóa vô cùng, ẩn hiển khó dò, có cảnh giới thần thông như vậy không thể nghĩ bàn. Lậu tận thông hay đoạn tuyệt tất cả tập khí mao bệnh, vô minh phiền não, vọng tưởng dục niệm. Chẳng có chấp trước, tức cũng là vô lậu, vô lậu thì sẽ không đến tam giới để thọ sinh tử nữa.

Nếu giới là phạm hạnh, thì đàn tràng là giới chăng ? Hỏi thanh tịnh là giới chăng ? Dạy oai nghi là giới chăng ? Ba lần nói Yết Ma là giới chăng ? Hòa thượng là giới chăng ? A Xà Lê là giới chăng ? Cạo tóc là giới chăng ? Mặc y Cà Sa là giới chăng ? Khất thực là giới chăng ? Chánh mạng là giới chăng ?

Giới, tiếng Phạn là Thi La, giới là phòng quấy ngừa ác, tức cũng là cấm thân tâm tạo tội lỗi. Giới có nhiều thứ: Năm giới, tám giới, là giới luật của người tại gia. Mười giới là giới luật của Sa Di.

Mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh là giới Bồ Tát, người tại gia và xuất gia đều thọ được. Còn có giới cụ túc, là giới luật của người xuất gia. Giới Tỳ Kheo có 250 giới; Tỳ Kheo Ni có 348 giới. Những giới này đều là răn dạy đừng làm các điều ác, làm các điều thiện.

Giới còn có bốn thứ, tức là:

a. Giới pháp.
b. Giới thể.
c. Giới hạnh.
d. Giới tướng.

Giới pháp tức là pháp do Phật chế ra. Giới thể tức là lãnh nạp giới pháp nơi tâm, công năng ngừa ác phòng quấy. Giới hạnh tức là tùy thuận giới thể, mà thân ngữ ý ba nghiệp làm như pháp, chẳng phạm tội lỗi. Giới tướng tức là năm giới, mười giới, giới cụ túc .v.v…

Khi Phật còn ở tại thế, thì dùng Phật làm thầy. Phật vào Niết Bàn rồi, thì lấy giới làm thầy. Cho nên giới rất là quan trọng. Người tu đạo, nhất định phải y chiếu giới luật mà tu trì, không thể đi ngược lại với giới luật. Pháp luật thế gian dùng để ngăn trị thân đã phạm tội rồi, còn giới luật dùng để điều phục trước khi tâm phạm tội, khiến cho chánh tâm mà không làm việc phạm pháp. Cho nên Phật giáo hay điều phục chúng sinh cang cường thành nhu hòa, khiến cho họ tin nhân quả, làm người dân tốt, tức cũng là làm Phật giáo đồ kiền thành.

Nếu như nói giới luật là phạm hạnh thì:

1). Ðàn tràng thọ giới là giới chăng ? Chẳng phải. Phải có mười phương chư Phật đến truyền giới, thì đó mới là giới.

2). Hỏi thanh tịnh là giới chăng ? Chẳng phải. Khi truyền giới thì Yết Ma Hoà Thượng sẽ hỏi người thọ giới rằng: ‘’Trong quá khứ ông có làm việc chẳng đúng quy cụ chăng ? Nếu có làm thì có thể sửa lỗi làm mới chăng ? Khôi phục thanh tịnh chăng‘’? Hỏi thanh tịnh chẳng phải giới, giới luật được truyền mới là giới.

3). Dạy oai nghi là giới chăng ? Chẳng phải. Khi thọ giới thì Hòa Thượng Giáo Thọ dạy giới tử thọ giới học tập bốn oai nghi lớn đi đứng nằm ngồi. Do đó:

‘’Hành như phong
Lập như tùng
Tọa như chung
Ngọa như cung.’’

Người xuất gia khi đi thì nhẹ như gió thoảng, không để nghiêng đông nhìn tây. Khi đứng thì thân thẳng như cây tùng, chẳng giao động. Khi ngồi thì vững như đại hồng chung, ngồi ngay ngắn. Khi nằm thì phải nằm tư thế cát tường. Tay phải kê dưới đầu, tay trái duỗi thẳng ra, mặt hướng về phía tây, thân nghiêng như cây cung. Oai nghi có ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Cho nên người xuất gia, cử chỉ hành động, lời nói đều phải hợp với tiêu chuẩn oai nghi. Tức là có oai đáng sợ, có nghi đáng kính. Tóm lại, bất cứ đi đứng nằm ngồi đều phải hợp với oai nghi, hợp với giới luật.

4). Ba lần nói Yết ma là giới chăng ? Chẳng phải. Ðó chỉ là một thứ nghi thức. Khi truyền giới cụ túc thì Ðức giới Hòa thượng hỏi ba lần, yết ma, giáo thọ, tôn chứng đáp ba lần. Ðây là ba lần yết ma. Tức cũng là ba lần tuyên đọc trịnh trọng, cẩn thận ba lần thông qua.

5) Hòa thượng là giới chăng ? Chẳng phải. Hòa thượng là người thế Phật truyền giới. Hòa thượng dịch ra là lực sinh, tức là ba thừa đạo lực, năm phần pháp thân, đều do lực này mà sinh.

6). A Xà Lê là giới chăng ? Chẳng phải. Hành vi của vị này làm mô phạm cho đệ tử. Xuất gia thọ giới phải trải qua tam đàn đại giới, đàn thứ nhất là thọ giới Sa di, đàn thứ hai là thọ giới cụ túc, chánh thức trở thành Tỳ Kheo hoặc Tỳ Kheo Ni. Ðan thứ ba là thọ giới Bồ Tát. Tại gia hay xuất gia đều có thể thọ giới này. Vẫn phải có tam sư thất chứng, mới hợp pháp. Tam sư tức là: Ðức giới Hoà thượng, Yết ma Hòa Thượng, giáo thọ Hòa thượng. Còn phải có bảy vị tôn chứng. Giới đức hòa thượng là người xuất gia được nương tựa. Yết ma hòa thượng là người truyền nghi thức quy cụ. Giáo thọ hòa thượng người giảng dạy quy luật của giới. Thất chứng là bảy vị luật sư đến chứng minh, mới hoàn thành pháp độ giới cụ tức.

7). Cạo tóc là giới chăng ? Chẳng phải. Ðây là tướng Tỳ Kheo. Khi xuất gia thì phải cử hành lễ xuống tóc, biểu thị chẳng có phiền não, chẳng có kiêu ngạo, xa lìa pháp hữu vi thế gian, tịnh tu pháp vô vi xuất thế.

8). Mặc y ca sa là giới chăng ? Chẳng phải. Cà sa dịch là màu bất chánh, có phân ra y năm điều, y bảy điều và y chín điều .v.v…

9). Khất thực là giới chăng ? Chẳng phải. Tỳ Kheo đi khất thực để sống, đó là vì nuôi dưỡng sắc thân, khiến cho chẳng có tâm tham.

10). Chánh mạng là giới chăng ? Chẳng phải. Tỳ Kheo phải sống một cách chánh đáng. Phải khất thực thanh tịnh để duy trì mạng sống. Không thể dùng năm thứ tà mạng để sống. Năm thứ tà mạng đó là:

A). Trá hiện tướng lạ: Hiện ra hình dạng đặc biệt, khác với mọi người, xí đồ cầu lợi dưỡng.

B). Tự nói công đức: Tự tuyên truyền mình làm những công đức gì ? Mình làm việc thiện gì ? Mục đích của mình mong cho mọi người cúng dường.

C). Chiêm tướng cát hung, và vì người nói: Chiêm bói tướng mặt, phê bát tự, thôi mạng lý, vì người nói cát hung, để cầu lợi dưỡng.

D). Cao thanh hiện oai, khiến người kính sợ: Cố ý nói lớn tiếng, hiện ra vẻ đại oai đức, khiến cho người sinh tâm kinh sợ và tâm cung kính, để cầu lợi dưỡng.

E). Rộng nói cúng dường, để động lòng người: Ðối với người nói cư sĩ nào đó cúng dường như thế nào ? Cư sĩ nào đó cúng bao nhiêu tiền hương dầu ? Khiến cho người nghe động tâm, tự động dâng cúng. Ðây là lối mưu sinh không chính đáng. Phàm là dùng nhân duyên để duy trì mạng sống đều là tà mạng. Phải khất thực hoặc tìm phương thức thọ người cúng dường, mới làm phước điền Tăng.

Một lần nọ, tôn giả Xá Lợi Phất ôm bát vào thành khất thực, được thức ăn rồi, bèn ngồi dưới gốc cây ăn. Lúc đó có một vị Phạm Chí đến tên là Tịnh Mục.

– Hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: ‘’Ngài là hạ khẩu thực chăng‘’?

– Ðáp: ‘’Chẳng phải.‘’

– Lại hỏi: ‘’Ngài là ngưỡng khẩu thực chăng‘’?

– Ðáp: ‘’Chẳng phải.’’

– Lại hỏi: ‘’Ngài là phương khẩu thực chăng ?‘’

– Ðáp: ‘’Chẳng phải.’’

– Lại hỏi: ‘’Ngài là duy khẩu thực chăng ?‘’

– Ðáp: ‘’Chẳng phải.’’

– Ông Tịnh Mục lại hỏi: ‘’Thực (ăn) có bốn thứ, nay tôi hỏi Ngài, Ngài đều nói chẳng phải. Tôi thật chẳng hiểu, xin Ngài từ bi, giải thích có được chăng ?‘’

– Tôn giả Xá Lợi Phất nói: ‘’Người xuất gia, hợp thang dược, trồng ngũ cốc, trồng cây quả để sinh sống, đây là nuôi mạng sống bất tịnh, gọi là hạ khẩu thực. Quán xem tinh tú mặt trời mặt trăng, gió mưa sấm chớp, nói cát hung để sinh sống, đây là nuôi mạng sống bất tịnh, gọi là ngưỡng khẩu thực. Ði khắp nơi phan duyên, nịnh bợ kẻ có quyền có thế, hoặc thông sử bốn phương, khéo ăn khéo nói, đây là nuôi mạng sống bất tịnh, gọi là phương khẩu thực. Học tập chú thuật, bói toán cát hung, để duy trì đời sống, đây là nuôi mạng sống bất tịnh, gọi là duy khẩu thực.’’ Lại nói: ‘’Tôi chẳng rơi vào bốn thứ thực này, mà là khất thực thanh tịnh để nuôi mạng sống.’’

Phạm chí Tịnh Mục nghe rồi sinh tâm đại hoan hỷ, tin hiểu pháp của tôn giả Xá Lợi Phất nói mà chứng đắc quả Tu Ðà Hoàn, tức cũng là sơ quả A la hán. Tỳ Kheo chẳng có bốn thứ thực này, mới là chánh mạng. Tỳ Kheo phải tu bát chánh đạo. Tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Tu các pháp đều là chánh, cho nên chẳng đọa vào trong năm tà mạng. Giữ giới thanh tịnh mới thật là phạm hạnh. Phạm hạnh thanh tịnh chẳng thuộc về mười pháp vừa nói ở trên. Vì nhân duyên này, cho nên phải xem giới tướng là không, đừng có chấp trước.

Quán như vậy rồi, thì đối với thân chẳng thủ lấy, sự tu chẳng chấp trước, nơi pháp chẳng chỗ trụ. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại vắng lặng, chẳng ai tạo nghiệp, chẳng ai thọ quả báo, đời này chẳng di động, đời khác chẳng biến đổi.

Như ở trên vừa đưa ra mười pháp quán.

1). Đối với thân chẳng thủ lấy: Quán sát nơi thân mình, cũng tìm chẳng ra chỗ của phạm hạnh.

2). Sự tu chẳng chấp trước: Nếu tu hành thì không nên trụ ở phạm hạnh. Nếu trong tâm có chấp trước rằng: Tôi tu phạm hạnh, như thế thì chẳng đến được cảnh giới người không và pháp không.

3). Nơi pháp chẳng chỗ trụ: Ðối với tất cả pháp cũng chẳng có chấp trước.

4). Quá khứ đã diệt: Ðời quá khứ đã diệt rồi, chẳng tồn tại.

5). Vị lai chưa đến: Ðời vị lai thì chưa đến.

6). Hiện tại vắng lặng: Ðời hiện tại gì cũng chẳng có.

7). Chẳng ai tạo nghiệp: Tức nhiên ba đời đều không, thân cũng không, tâm cũng không, thế giới cũng không, hết thảy tất cả đều không, thì đương nhiên chẳng có ai tạo nghiệp.

8). Chẳng ai thọ báo: Ðã chẳng có ai tạo nghiệp, thì lại có ai thọ báo ? Cho nên chẳng có ai thọ báo.

9). Ðời này chẳng di động: Thế giới này cũng chẳng di động.

10). Ðời khác không biến đổi: Thế giới khác cũng chẳng biến đổi, vẫn như thế.

Trong đây pháp nào gọi là phạm hạnh ? Phạm hạnh từ đâu đến ? Thuộc sở hữu của ai ? Thể là ai ? Do ai làm ? Là có ? Là không ? Là sắc ? Là chẳng phải sắc ? Là thọ ? Là chẳng phải thọ ? Là tưởng ? Là chẳng phải tưởng ? Là hành ? Là chẳng phải hành ? Là thức ? Là chẳng phải thức.

Ở trong đây pháp nào là phạm hạnh ? Chẳng có, đều là không, tất cả các pháp đều chẳng phải là phạm hạnh. Vậy, phạm hạnh từ đâu sinh ra ? Phạm hạnh này thuộc về sở hữu của ai ? Ai là chủ nhân của nó ? Ðều chẳng có. Bổn thể của phạm hạnh này đáo để là ai ? Ai tạo ra phạm hạnh này ? Lại quán sát phạm hạnh này có chăng ? Vẫn không có. Sắc thọ tưởng hành thức là pháp năm uẩn. Sắc thuộc về sắc pháp, thọ tưởng hành thức thuộc về tâm pháp. Phạm hạnh có thuộc về sắc uẩn chăng ? Trong sắc uẩn chẳng có phạm hạnh. Phạm hạnh có thuộc về thọ uẩn chăng ? Trong thọ uẩn chẳng có phạm hạnh. Phạm hạnh có thuộc về tưởng uẩn chăng ? Trong tưởng uẩn chẳng có phạm hạnh. Phạm hạnh có thuộc về hành uẩn chăng ? Trong hành uẩn chẳng có phạm hạnh. Phạm hạnh có thuộc về thức uẩn chăng ? Trong thức uẩn chẳng có phạm hạnh.

Quán sát như vầy: Vì pháp phạm hạnh không thể được. Vì pháp ba đời đều vắng lặng. Vì ý chẳng chấp lấy. Vì tâm chẳng chướng ngại. Vì chỗ tu hành không hai. Vì phương tiện tự tại. Vì thọ pháp không tướng. Vì quán pháp không tướng. Vì biết Phật bình đẳng. Vì đủ tất cả Phật pháp. Như vậy gọi là phạm hạnh thanh tịnh.

Quán sát như vầy:

1). Vì pháp phạm hạnh không thể được: Vì pháp phạm hạnh là không chẳng chỗ có, vì pháp này là không thể đắc được.

2). Vì pháp ba đời đều vắng lặng: Vì đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại, tất cả pháp đều vắng lặng, chẳng có một thật thể.

3). Vì ý chẳng chấp lấy: Vì trong ý thức cũng chẳng chấp lấy, cũng chẳng có chấp trước.

4). Vì tâm chẳng chướng ngại: Vì trong tâm cũng chẳng có tất cả mọi chướng ngại.

5). Vì chỗ tu hành không hai: Vì chỗ tu hành đều là pháp môn không hai và trung đạo liễu nghĩa.

6). Vì phương tiện tự tại: Vì pháp phương tiện này tự tại.

7). Vì thọ pháp không tướng: Vì tất cả đều không tướng. Sắc thọ tưởng hành thức năm uẩn, đều là không.

8). Vì quán pháp không tướng: Vì hay quán sát pháp không tướng.

9). Vì biết Phật pháp bình đẳng: Vì biết Phật pháp, tâm pháp, chúng sinh pháp, đều là bình đẳng.

10). Vì đủ tất cả Phật pháp: Vì tất cả chúng sinh đầy đủ tất cả Phật tánh, tất cả pháp tánh, không thiếu không thừa. Như vậy chẳng chấp trước, quét tất cả pháp, lìa hết thảy tướng, đó mới là phạm hạnh thanh tịnh chân chánh.

Khi chúng ta tu hành, thì cần phải đạt đến một niệm không sinh. Một niệm đều chẳng có, lại có pháp gì để được ? Nếu một niệm không sinh thì đầy đủ tất cả pháp. Tất cả pháp đều vắng lặng, đây tức là phạm hạnh thanh tịnh.

Lại nên tu tạo mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Trí xứ phi xứ. Trí quá hiện vị lai nghiệp báo. Trí các thiền giải thoát tam muội. Trí các căn thắng liệt. Trí đủ thứ giải. Trí đủ thứ giới. Trí nhất thiết chí xứ đạo. Trí thiên nhãn vô ngại. Trí túc mạng vô ngại. Trí vĩnh viễn đoạn tập khí.

Ở trên nói về phạm hạnh là hư vọng chẳng có thật thể. Phạm hạnh Bồ Tát tu là thanh tịnh quang minh chẳng có hình tướng. Song, minh bạch đạo lý này rồi, lại nên tu tập mười pháp môn trí huệ. Mười pháp môn này còn gọi là Thập lực của Như Lai. Vì có trí huệ này, cho nên mới có sức lực này. Có sức lực này rồi, thì mới có thể đoạn hoặc chứng chân. Ðoạn hoặc chứng chân được, là vì có mười lực này. Những gì là mười trí pháp? Đó là:

1). Trí xứ phi xứ: Phật là xứ, địa ngục là phi xứ. Phật là giác xứ, địa ngục là mê xứ. Tại giác xứ đắc được quang minh, tại mê xứ thì đắc được đen tối. Lại có lối nói khác, có đại trí huệ chiếu soi các pháp thật tướng, đây là xứ. Chẳng có trí huệ thì ở trong ba cõi chẳng biết thoát khỏi, đây là phi xứ. Lại có một lối nói khác, xứ tức là xứ sở giác ngộ, phi xứ tức là xứ sở mê hoặc. Tóm lại, chứng được Thánh quả, tức là xứ. Ðọa lạc ba đường ác, tức là phi xứ. Minh bạch tất cả các pháp thật tướng là xứ, chẳng minh bạch tất cả các pháp thật tướng là phi xứ. Ðoạn vọng chứng chân là xứ, mê hoặc chẳng ngộ là phi xứ. Có trí huệ thì phân tích được vô lượng đạo lý. Phật có trí huệ biết được thị xứ phi xứ.

2). Trí quá hiện vị lai nghiệp báo: Bồ Tát nên tu tập pháp này, quán sát trong quá khứ tạo nghiệp ác, đời này thọ ác báo; đời quá khứ tạo nghiệp thiện, thì đời này thọ quả báo thiện; đời hiện tại tạo nghiệp ác, thì đời sau thọ ác báo; đời hiện tại tạo nghiệp thiện, thì đời sau thọ báo thiện; đời vị lai cũng đồng đạo lý này.

Tóm lại, tạo nghiệp gì thì thọ báo đó, tơ hào chẳng sai. Tại sao phải tạo nghiệp ? Vì khởi hoặc. Tại sao khởi hoặc ? Vì vô minh tác quái. Một niệm vô minh bất giác, thì sinh ra tướng nghiệp, tướng chuyển và tướng hiện, đây là tướng tam tế. Tam tế sinh ra rồi, thì tạo ra đủ thứ nghiệp, thì phải thọ đủ thứ báo. Do đó:

‘’Muốn biết nhân đời trước
Đời này mình đang thọ
Muốn biết quả đời sau
Đời này mình đang làm.’’

Ðây là nói rõ ràng nhất về nhân quả. Phật có trí huệ biết được nghiệp báo ba đời phải thọ.

3). Trí các thiền giải thoát tam muội: Các thiền tức là hết thảy tất cả thiền na. Thiền na dịch là tư duy tu. Tư duy tu tức là tham. Thế nào gọi là tham ? Giống như dùng khoan để khoan lỗ. Khoan lỗ thông rồi, đây gọi là tham, tức cũng là tham suốt qua. Gì là tham suốt qua ? Tham suốt qua Phật tánh vốn có. Tức cũng là phá được vô minh. Phá được vô minh rồi thì thấy được trí huệ quang minh. Vô minh tức là không thấu rõ, phàm là cảnh giới đến, nhìn chẳng thấu, buông chẳng đặng, chấp trước cảnh giới, thì bị cảnh giới lay chuyển, đây là chẳng có tham thấu đặng. Nếu chuyển được cảnh giới thì tức là có định lực. Tham đến một niệm chẳng sinh, vốn chẳng có một vật thì có tin tức tốt, đã gần kề khai ngộ.

Chúng ta học Phật, dù học bao nhiêu năm, nếu chẳng phá được chấp trước thì học bao nhiêu cũng vô dụng, chỉ trở thành khẩu đầu thiền, do đó có câu:

‘’Hay nói mà chẳng hay làm
Tức giống như người đá.’’

Tu hành thì đừng chấp trước cảnh giới. Bất cứ cảnh giới gì đến, đều phải nhận thức nó. Cảnh thuận cũng tốt, cảnh ngịch cũng tốt, đều vô sở vị, đây gọi là ‘’cửa ải trước mặt.’’ Nếu ‘’cửa ải trước mặt‘’ chẳng phá được, thì chẳng có công phu định lực; nếu cửa ải trước mặt phá được, tức là có công phu định lực. Gì là cửa ải trước mặt ? Tức là có người ở trước mặt bạn khen ngợi bạn, hoặc phỉ báng bạn, mà bạn chẳng động tâm. Ðây tức là cảnh giới của Bồ Tát Thập Trụ.

Cảnh giới thiền có tứ thiền. Chứng được cảnh giới ban đầu thiền, thì lúc nào nơi nào cũng đều có thể nhập định. Nhập định thì mạch máu sẽ ngừng lại, giống như ‘’hoạt tử nhân.‘’ Chứng được cảnh giới nhị thiền, thì một khi ngồi sẽ nhập định, chẳng những mạch máu ngừng lại mà hô hấp cũng ngừng lại. Tuy nhiên bộ hô hấp bên ngoài ngừng, nhưng bộ hô hấp bên trong vẫn hoạt động, tức cũng là hơi thở ở lỗ mũi ngừng, nhưng tại lỗ chân lông sẽ bắt đầu hô hấp. Chứng được cảnh giới tam thiền, thì cho đến niệm cũng chẳng còn nữa, song vẫn biết mình đang ngồi thiền. Lúc này, chân chánh một niệm chẳng sinh. Sơ thiền rất hoan hỷ, nhị thiền ở trong định rất hoan hỷ, tam thiền thì xả bỏ hoan hỷ, đắc được một thứ diệu lạc chẳng không chẳng sắc. Tứ thiền gọi là xả niệm thanh tịnh địa. Ðây là một thứ cảnh giới trong thiền định, chứ chẳng phải là chứng được quả vị. Có vị Tỳ Kheo vô tri nhận lầm tứ thiền là tứ quả, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Vì chẳng minh bạch quá trình tu hành, chưa chứng quả mà nói chứng quả; chưa đắc được trí huệ mà nói đắc được trí huệ; chưa khai ngộ mà nói đã khai ngộ. Kết quả phạm tội đại vọng ngữ, đoạ vào địa ngục cắt lưỡi.

Giải thoát có tám giải thoát, còn gọi là tám bối xả, trái với phiền não tam giới mà xả ly. Tám giải thoát là gì ?

a). Trong có sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
b). Trong không sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
c). Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ.
d). Không vô biên xứ giải thoát.
e). Thức vô biên xứ giải thoát.
f). Vô sở hữu xứ giải thoát.
g). Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
h). Diệt thọ tưởng định tác chứng cụ túc trụ.

Diệt thọ tưởng định hay khiến cho sáu thức của tâm diệt mà chẳng khởi.

Tam muội dịch là chánh định, chánh thọ. Lìa tán loạn là định, tức là một lòng chú ý nơi tịnh cảnh, khiến cho tâm chẳng tán loạn. Phật có trí huệ biết được các thiền giải thoát tam muội.

4). Các căn thắng liệt: Các căn tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn, đều có thắng liệt. Phật có mười lực trí huệ, hay quán sát được các căn thắng liệt của tất cả chúng sinh. Căn tánh của tất cả chúng sinh, ai nên trồng căn lành ? Căn lành của ai đang tăng trưởng ? Căn lành của ai đã chín mùi ? Căn lành của ai được giải thoát ? Phật đều biết rất rõ ràng, Ngài có trí huệ này.

5). Trí đủ thứ giải: Tất cả chúng sinh, đều có trí huệ khác nhau, tư tưởng, kiến giải. Chúng sinh minh bạch pháp gì ? Thì Phật dùng pháp phương tiện để giáo hóa. Do đó ‘’Biết mình biết người, bách chiến bách thắng.’’ Trước hết phải biết mình, sau đó biết người, như thế mói giáo hóa chúng sinh được. Phật có trí huệ đủ thứ giải.

6). Trí đủ thứ giới: Phật có trí lực đủ thứ giới. Biết chúng sinh có giới hạn ngàn sai vạn biệt, cảnh giới của mỗi loài chúng sinh đều khác nhau. Dù khác nhau như thế nào, Phật cũng đều nhận chứng được, Ngài có lực trí huệ này.

7). Trí tất cả chí xứ đạo: Phật biết tu hành đạo gì ? Ðến được nơi nào ? Nghĩa là tu pháp gì thì chứng được quả vị đó. Ðây là trí huệ tất cả rốt ráo. Phật có lực trí huệ này.

8). Trí thiên nhãn vô ngại: Thiên nhãn thông thì chẳng chướng ngại, quán sát được ba ngàn đại thiên thế giới, quán sát chúng sinh trên trời và chúng sinh ở nhân gian, căn tánh của họ là thiện, là ác ? Hoặc là sinh, là tử ? Chẳng có chướng ngại. Phật có lực trí huệ vô ngại này.

9). Trí túc mạng vô ngại: Túc mạng tức là nhân duyên đời đời kiếp kiếp trong quá khứ. Căn lành sâu hay cạn ? Trong một đời học Phật pháp, hay nhiều đời học Phật pháp ? Hiểu rõ đủ thứ nhân duyên rồi, thì biết nên dùng pháp gì để giáo hóa chúng sinh. Phật có lực trí huệ này.

10). Trí vĩnh viễn đoạn tập khí: Tập khí tức là mao bệnh. Trong đời đời kiếp kiếp, học rất là nhiều tập khí ô nhiễm, muốn đoạn cũng chẳng đoạn được. Tại sao ? Vì chẳng có trí huệ. Ví như, tham mặc quần áo đẹp, tham ăn vật ngon, tham ở nhà tốt, tham ngồi xe mới. Phàm là cầu hưởng thụ đều là tập khí. Tập khí ở trong ruộng thức thứ tám, chứa rất nhiều, chẳng cách chi nói hết được. Giống như người chẳng có tập khí tham tiền tài, mà có tập khí ham sắc đẹp; có người chẳng có tập khí ham sắc đẹp, mà có tập khí ham xe mới; có người chẳng có tập khí ham xe mới, mà có tập khí ham uống rượu. Tóm lại, tuy chẳng có tập khí tham quần áo, ăn uống, chỗ ở, nhưng có tập khí rượu, sắc, tiền tài. Hết thảy tập khí đều gọi là lậu. Nếu có tập khí thì có hữu lậu. Có lậu thì làm mất đi bảo bối của mình. Cho nên người tu đạo phải cẩn thận coi chừng, thời khắc giữ gìn cẩn thận bảo bối thân mình, đừng để mất đi ! Phật có lực trí huệ vĩnh viễn đoạn tất cả tập khí, chẳng những mình sớm đã đoạn, mà còn khiến cho tất cả chúng sinh cũng học tập Phật pháp, vĩnh viễn đoạn sạch tất cả tập khí.

Nơi thập lực của Như Lai, mỗi mỗi quán sát. Trong mỗi mỗi lực, có vô lượng nghĩa, đều phải hỏi han. 

Bồ Tát tu tập phạm hạnh thanh tịnh, đối với mười lực trí huệ của Như Lai, phải mỗi mỗi quán sát, nghiên cứu kỹ càng. Trong mỗi lực trí huệ đều có vô lượng vô biên nghĩa lý. Mỗi thứ nghĩa lý đều phải tự mình quán sát nghiên cứu. Nên hỏi han chính mình, nghĩa là hồi quang phản chiếu, cầu nơi chính mình.

Nghe rồi nên khởi tâm đại từ bi quán sát chúng sinh mà chẳng lìa bỏ. Suy gẫm các pháp, chẳng có ngừng nghỉ. Thực hành nghiệp vô thượng, chẳng cầu quả báo. Biết rõ cảnh giới, như huyễn như mộng, như bóng, như tiếng vang, cũng như biến hóa.

Bồ Tát tu phạm hạnh thanh tịnh, minh bạch thấu rõ vô lượng nghĩa lý và pháp môn, tự mình nghiên cứu kỹ càng. Hoặc ở nơi chư Phật nghe rồi, thì nên sinh tâm vô duyên đại từ đồng thể đại bi. Chư Phật Bồ Tát chẳng thấy lỗi lầm của chúng sinh. Tại sao ? Vì các Ngài xem lỗi lầm của chúng sinh như lỗi lầm của chính mình, cho nên đầy đủ tâm đại bi, nghĩa là ban vui cho chúng sinh, cứu khổ của chúng sinh. Quán sát hết thảy chúng sinh, chẳng màng căn tánh chúng sinh thắng hay liệt, đều bình đẳng mà giáo hóa. Chúng sinh lợi căn thì dạy pháp Bát Nhã, chúng sinh độn căn thì dạy pháp nhân quả, chẳng có chúng sinh nào bị xả bỏ. Tôn giả A Nan nói: ‘’Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, sẽ không thủ chứng quả vị Nê Hoàn.’’ Ðây là đại nguyện rất vô thượng. Nguyện độ chúng sinh, chẳng phân biệt chúng sinh, cho nên chẳng xả bỏ chúng sinh. Phải suy gẫm nghĩa lý tất cả pháp, tám vạn bốn nghìn pháp môn đều phải nghiên cứu minh bạch. Vì cầu đạo vô thượng, lúc nào cũng tinh tấn, cho nên chẳng ngừng nghỉ. Tu hành nghiệp vô thượng (Phật đạo) mà làm công đức vô thượng, vun bồi phước huệ vô thượng. Mà chẳng cầu quả báo tốt, khi đắc được công đức lành, hoàn toàn hồi hướng cho tất cả chúng sinh; mình chẳng có xí đồ quả báo tốt. Do đó ‘’Thi ân bất cầu báo,’’ đây là tâm từ bi của Bồ Tát. Bồ Tát thấu rõ cảnh giới, nhận thức rất rõ ràng, chẳng có chấp trước, cho nên biết tất cả cảnh giới, đều là pháp hữu vi, như huyễn hóa, như mộng tưởng, như hình bóng, như tiếng vang, đều là hư vọng không thật. Cũng như biến hóa, tự không hóa có, tự có hóa không. Do đó ‘’biến hóa vô cùng,’’ tất cả cảnh giới đều như vậy.

Nếu các Bồ Tát hay quán hành tương ưng như vậy. Ở trong các pháp chẳng sinh hai kiến giải, thì tất cả Phật pháp sẽ sớm được hiện tiền.

Nếu như các Bồ Tát hay quán sát đủ thứ pháp ở trước, mà được tương ưng với các pháp. Tương ưng là gì ? Tức là cứu kính minh bạch nghĩa lý của bản thể, chiếu thấu tất cả pháp, tương ưng hợp mà làm một thể, chẳng phân ra đó đây. Ðây là đạo lý hai mà chẳng hai, chẳng hai mà hai. Lúc này, đối với tất cả pháp môn chẳng sinh hai kiến giải, môn nào cũng đệ nhất nghĩa. Tuy chẳng có hai thứ giải pháp, nhưng lại sinh ra vô lượng nghĩa. Tuy sinh vô lượng nghĩa, vẫn là pháp môn không hai. Nếu hay quán hành như thế thì hết thảy các pháp môn, lập tức chiếu thấu minh bạch. Ðó sẽ tương ưng với pháp, chẳng sinh hai kiến giải. Như vậy, tất cả Phật pháp sẽ sớm hiện tiền.

Lúc ban đầu phát tâm, liền được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Biết tất cả pháp, tức tâm tự tánh, thành tựu huệ thân, chẳng do người khác mà khai ngộ.

Lúc ban đầu phát tâm bồ đề, liền chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. A dịch là vô, nậu đa la dịch là thượng, tam dịch là chánh, miệu dịch là đẳng, bồ đề dịch là giác. Tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chánh giác là địa vị của hàng nhị thừa, hàng nhị thừa với phàm phu khác nhau. Phàm phu thì không giác, là người chẳng có giác ngộ. Hàng nhị thừa là tự giác, là người tự mình giác ngộ. Chánh đẳng là địa vị của Bồ Tát. Bồ Tát khác với hành nhị thừa. Hàng nhị thừa tuy tự giác, mà không thể giác ngộ kẻ khác. Song, Bồ Tát đã tự giác rồi, lại giác ngộ kẻ khác, có tâm từ bi hơn hàng nhị thừa, cho nên thật hành đạo Bồ Tát. Vô thượng là địa vị của Phật. Phật khác với Bồ Tát. Bồ Tát tuy đã viên mãn tự giác và giác tha, nhưng giác hạnh chưa viên mãn. Phật thì ba giác đều viên mãn, cho nên xưng là Phật. Và chẳng có ai cao hơn Phật. Cho nên vô thượng chánh đẳng chánh giác là quả vị của Phật.
Lúc đó, Bồ Tát biết tất cả pháp duy tâm tạo. Trong bổn kinh có nói:

‘’Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Hãy quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo.’’

Cho nên nói tất cả pháp đều không lìa khỏi tự tánh. Nếu lìa khỏi tự tánh thì chẳng có tất cả pháp. Nếu có thể quán sát nghiên cứu như thế, thì chiếu thấu các pháp thật tướng, liền thành tựu trí huệ thân. Huệ thân này chẳng phải từ bên ngoài mà đắc được, mà là do mình giác ngộ cảnh giới này, mới chứng được huệ thân tam muội. Lục Tổ Huệ Năng có nói:

‘’Khi mê thì thầy độ
Khi ngộ thì tự độ.’’

Tức là đạo lý này. Lúc khai ngộ thì có cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cảnh giới này chẳng phải cầu bên ngoài mà là tự chứng. Nếu có cảnh giới khai ngộ, thì phải nhờ bậc thiện trí thức ấn chứng, bằng không thì không thể thành lập. Song, thiện trí thức ấn chứng, phải là người khai ngộ. Khi Lục Tổ ở núi Huỳnh Mai, thì Ngũ Tổ chứng minh Ngài khai ngộ, cho nên đến Quảng Ðông hoằng dương Phật Pháp, truyền Phật tâm ấn, giáo hóa chúng sinh. Các vị chú ý ! Khai ngộ chẳng phải tự mình thừa nhận, mà là do bậc thiện tri thức đã khai ngộ ấn chứng, mới gọi là khai ngộ. Trong Phật giáo, phải giữ quy cụ, tất cả hết thảy đều phải hợp với pháp độ, dần dần xu hướng tiến về con đường khai ngộ mà đi. Không giữ quy cụ thì chẳng hợp với pháp độ, tự xưng làm tổ sư thì không thể được.

Cảnh giới của Bồ Tát, vượt qua cảnh giới của A la hán. Cảnh giới của A la hán đã phá được ngã chấp, mà chưa phá được pháp chấp. Ngã không pháp chẳng không, còn chấp trước tất cả pháp là thật có. Cảnh giới của Bồ Tát là ngã, pháp, đều không. Vốn chẳng biết có mình. Chẳng biết có, chẳng biết không, chẳng biết trái, chẳng biết phải, tất cả chấp trước đều phá. A la hán đã dứt được phần đoạn sinh tử (nhục thể), nhưng chưa dứt được biến dịch sinh tử (tinh thần). Bồ Tát thì hai tử nói trên đã dứt được, mà nhập Vô Dư Niết Bàn.

Gì là phần đoạn sinh tử ? Tức là bạn có phần của bạn, tôi có phần của tôi; bạn có hình đoạn của bạn, tôi có hình đoạn của tôi. Mỗi người đều có một phần, có một đoạn, cho nên gọi là phần đoạn sinh tử. Cũng có thể nói, tất cả chúng sinh trong ba cõi đều theo nghiệp mà thọ sinh. Trồng nghiệp thiện thì sinh về đường lành, gieo nghiệp ác thì sinh về đường ác. Nhân duyên gì thì chịu quả báo đó, mà chuyển biến tuổi thọ và hình thể, thảy đều khác nhau, cho nên có phần đoạn sinh tử.

Gì là biến dịch sinh tử ? Tức là niệm niệm trôi qua, niệm niệm biến đổi. Tức cũng là địa vị tu hành biến đổi, hình tướng cũng biến đổi, càng biến thì càng dễ. Lại có thể nói, khi Bồ Tát tu hành thì tâm cảnh trước, khác với tâm cảnh sau. Tức là sinh tử của tâm, chứ không phải sinh tử của thân. Do đó: ‘’Biến thân thô thành chất tế, đổi mạng ngắn thành trường thọ.’’ Cho nên gọi là biến dịch sinh tử.

Phần đoạn sinh tử là sinh tử trong ba cõi, chứng được tứ quả A la hán mới chấm dứt được. Biến dịch sinh tử là sinh tử ngoài ba cõi, chứng được Bát địa Bồ Tát thì mới chất dứt được. Phần đoạn sinh tử là sinh lý sinh tử. Biến dịch sinh tử là tâm lý sinh tử.