NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

NGÓN TAY BỊ THƯƠNG

Chuyện phát sinh vào năm 1995.

Ngày nọ, do tôi không cẩn thận, ngón út trái bị kẹt cửa gây thành vết thương. Tôi thấy không có gì đáng lo, nhưng vợ tôi nhất quyết ép phải băng lại (kể từ sau khi học Phật rồi, nhà tôi không có trữ thuốc men chi), do vậy tôi đành lấy chút bông gòn đậy lên vết thương rồi cột vải băng sơ sài, cốt yếu là để cầm máu mà thôi.

Chiều đó, tôi đến bệnh viện bàn chuyện cùng Bác sĩ Hoàng, ông thấy ngón tay tôi băng quá ẩu tả bèn rịt thuốc, bó lại đàng hoàng cho tôi. Tôi không từ chối, nhưng sau đó tôi trả tiền thì ông nói:

– Chỉ là chuyện vặt, có tốn kém gì to tát đâu mà ông đòi trả tiền?

Tôi bảo:

– Người học Phật như chúng ta “Hễ không phải của mình thì một xu cũng không được lấy. Huống nữa là lấy nhiều hơn thế”…

Bác sĩ Hoàng liền nói:

– Xem như đó là “của tôi cho ông”…

Vì vậy tôi mới chịu thôi, không ép ông lấy tiền nữa.

Trước lúc từ giã, Bác sĩ Hoàng trao cho tôi xấp băng keo cá nhân còn lại (gồm chín miếng), bảo tôi hãy đem về cất, để dành khi cần thì có mà xài (cho tiện lợi)… Tôi nhận xong, nhất quyết đưa tiền, thì ông nói:

– Tôi thường đến nhà ông ăn cơm uống trà, ông cũng tốn tiền mua thức ăn khoản đãi, vậy khoản tiền này để tôi lo, không được hay sao?

Trước lúc quay về, tôi chưa yên tâm nên cứ dặn dò ông mãi:

– Nhất định phải nhớ trả tiền giùm cho tôi đó nha!

Ông cười gật đầu.

Hôm sau, vết thương nơi ngón út trái đã tạm lành. Qua hôm sau nữa thì ngón trỏ phải của tôi lại bị thương chảy máu, tôi lâp tức lấy băng keo ra xài. Thầm nghĩ: “Bác sĩ Hoàng đưa cho mình mang về cất xài đúng là thật tiện lợi!”.

Khi con gái tôi tan học về nhà, vừa vào cổng nó đã hỏi:

– Ba à, ngón trỏ phải của ba vì sao lại bị thương vậy?

Tôi đáp:

– Do ba không cẩn thận bị kẹt tay!

Nó bảo:

– Không phải vậy đâu! Mà… băng dán trên tay… là do ba mua về hả?

Tôi đáp:

– Tiền mua băng là do Bác sĩ Hoàng cho… Con tôi vừa nghe lật đật nói liền:

– Nhưng Bác sĩ Hoàng không có trả tiền, cũng không lưu tâm gì đến chuyện này! (Bởi ông cho rằng mình là Bác sĩ của bệnh viện, dù có lấy chút bông, băng… tặng ba thì cũng chẳng hề gì). Ba ơi! Chỗ này ba sai rồi! vốn là ba không nên tích trữ đồ phi pháp để… tiện dùng! Ba không thấy hiện tại mình đang bị thương tiếp để… “dùng cho tiện”… hay sao?

Tôi bảo:

– Bác sĩ Hoàng có hứa với ba hẳn hoi mà, ông ta không thể nào chẳng trả tiền giúp cho ba!

– Vậy thì bây giờ ba hãy gọi điện để xác minh, là sẽ rõ ngay thôi!

Thế là tôi gọi điện hỏi Bác sĩ Hoàng:

– Này tiên sinh, ông có trả tiền băng keo giùm cho tôi không hả?

Bác sĩ la lên:

– Ôi trời ơi! Chỉ là chút việc cỏn con mà sao ông cứ đeo mãi trong lòng vậy hả? Tôi không còn nhớ tới nữa…

Tôi cười bảo ông:

– Nhờ ông anh có nhã ý muốn tôi “lấy đại” băng về dự trữ cho “tiện dùng” nên quả thực là “rát tiện” đó: Hôm qua ngón út trái của tôi bị thương mới vừa lành, thì hôm nay ngón trỏ phải lại bị thương tiếp (cho xứng với mớ băng phi pháp ông đưa tôi tích trữ)… Này Tiên sinh, ông làm ơn làm phước… mau mau trả tiền giùm cho tôi đi! Nếu không, tôi sẽ phải bị thương 8 lần nữa cho đủ với 9 miếng băng “cất giữ bất hợp pháp” này đó!

Nghe vậy, Bác sĩ Hoàng lật đật xuất tiền ra trả ngay.

Do tôi dùng băng cứu thương “là của công”, không phải là “của riêng nhà Bác sĩ Hoàng”, tất nhiên “phải trả tiền”.

Ngày nọ lúc ăn cơm, cánh tay tôi đột nhiên bị đau nhức như bị vật gì kẹp vào. Đau đến tôi phải bật tiếng rên. Con tôi nói:

– Ba à, trên cánh tay ba con thấy có cái kìm nhổ đinh (vô hình) đang kẹp thịt ba, ba có lấy trộm kìm của ai không hả?

Vừa nghe vậy tôi liền đáp:

– Không phải chỉ có kìm, mà còn các thứ khác như: Tua-vít, mỏ lết v.v… Nghĩa là nguyên bộ đồ nghề sửa xe đạp. Đấy là vào thuở “mười năm tai kiếp” xa xưa… Lúc ấy do công xưởng ngưng hoạt động nên vật dụng đồ nghề trong đó ai cũng có thể đem về, ba cũng lấy hộp đồ nghề sửa xe, hiện giờ vẫn còn trong nhà mình. Hồi đó con chưa sinh ra! Đây đúng là “muốn người đừng biết trừ phi mình đừng làm”. Thực là “tự làm tự chịu!” mà…

Tôi nói xong cánh tay cũng hết đau. Đến nay đồ nghề vẫn còn ở trong rương tôi, trở thành “Giới sư” nhắc nhở tôi về Luật báo ứng nhân quả: “Tự làm tự chịu”.

Những việc nhỏ thế này, tôi nghĩ chư độc giả ắt sẽ có nhiều người phạm phải. Xin quý vị vào những lúc rãnh rang, hãy tĩnh tâm tự kiểm điểm thật kỹ xem, mình có lấy “của công”, những đồ thuộc kho xưởng tư nhân hay quốc gia… đem về làm “của riêng nhà mình” hay không? Phải tính luôn cả giấy, bút… nghĩa là: Từ mẩu bút chì cho đến một xu nhỏ (bất cứ vật nào không thuộc về mình mà lấy thì đều là tội!). Quý vị cần phải nhớ ra hết, mà sám hối cho đủ. Những đồ vật trót lấy phi pháp đó quý vị có thể quy ra thành tiền, dùng vào việc in kinh, phóng sinh, làm từ thiện v.v… đều có thể giúp diệt tội. Phải biết, một phần trăm đồng vẫn là một đồng, chút ác nhỏ nếu không đoạn dứt mà tích chứa lâu ngày sẽ biến thành tội to! Vì giọt nước chảy lâu cũng có thể soi thủng đá. Lỗi nhỏ còn phải sám hối, huống chi là tội lớn!

Trong xã hội hiện nay: Tâm tham, sân, si của con người rất nặng (có thể vì tiền mà làm đủ tội ác). Đệ tử Phật cùng tất cả chúng sinh trên thế giới cần phải tự thắp đuốc trí tuệ lên, chiếu soi tâm mình, đem lại ánh sáng cho xã hội.