NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN THÍCH LUẬN
Thế Thân Bồ-tát tạo
Tùy Thiên Trúc Tam tạng Đạt-ma Cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 4

Phải biết thắng tướng thắng ngữ 2 – 1

Chương 1: Tướng

Luận nói: Đã nói về y chỉ rồi. Vậy thấy tướng như thế nào? Đây lược nói có 3 thứ là tướng y tha, tướng phân biệt và tướng thành tựu. Trong đây cái gì là tướng y tha? Thức A-lê-da là chủng tử hư vọng phân biệt nhiếp thu các thức.

Các thức là những gì? Là thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, ứng thụ thức, chính thụ thức, thế thức, số thức, xứ thức, ngôn thuyết thức, tự tha sai biệt thức, thiện ác hai đường sinh tử thức. Trong đây thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, ứng thụ thức, chính thụ thức, thế thức, số thức, xứ thức, ngôn thuyết thức, các thức này từ chủng tử ngôn thuyết huân tập sinh. Tự tha sai biệt thức từ chủng tử ngã kiến huân tập sinh. Thiện ác hai đường sinh tử thức từ chủng tử hữu phần huân tập sinh. Các thức này thâu nhiếp tất cả giới thú và phiền não v.v…dựa vào tha tướng hư vọng phân biệt nên được hiển hiện. Các thức này thâu nhiếp mọi hư vọng phân biệt, chỉ là thức lượng, không có, không thật, hiển hiện do nương tựa. Đó là tướng y tha.

Giải thích: Nay giải thích về tướng y tha. Nói sơ lược tức là nói tóm tắt. Nói “thâu nhiếp các hư vọng phân biệt” vì hư vọng phân biệt là thể tính. Trong đây thân thức là nhãn v.v… 5 giới. Thân giả thức là nhiễm ô ý. Thụ giả thức là ý giới. Ứng thụ thức là sắc v.v… 6 ngoại giới. Chính thụ thức là 6 thức giới. Thế thức là sinh tử tiếp nối không đứt. Số thức là tính toán. Xứ thức là khí thế giới ngôn thuyết. Nói thức, nghĩa là thấy, nghe, hay, biết 4 thứ ngôn thuyết. Chín thức này đều có y chỉ, thấy nghe v.v…các danh ngôn huân tập sai biệt làm nhân. Tự tha sai biệt thức là y chỉ vào sai biệt của thân, lấy ngã kiến huân tập làm nhân. Thiện ác hai đường sinh tử thức là vô lượng nẻo đường sinh tử, từ chủng tử hữu phần huân tập sinh. Các thức này là nói tiếp các thức đã nói trước. Thâu nhiếp phiền não tất cả giới thú nghĩa là các phiền não trong tam giới ngũ thú. Thâu nhiếp là thể tính của thức kia. Nói “tướng y tha” nghĩa là dựa vào cái khác làm thể. Trong đây hư vọng phân biệt thâu nhiếp là thể tính của kia. Nói “ không có, không thật do y chỉ hiển hiện” là nhân hiển hiện cái không có, không thật. Trong đây không có là vì không thật thể. Như ngã, trần là không thật. Trong cái không có mà chấp lấy, ví như ngã, tức là không có mà có tướng ngã hiển hiện. Sự y chỉ đây gọi là hiển hiện y chỉ. Nói y chỉ là nhân nơi nghĩa, cho nên tức là tướng y tha.

Luận nói: Trong đây cái gì là tướng phân biệt? Là cái nghĩa hiển hiện trong cái chỉ có thức lượng mà không có nghĩa.

Giải thích: Trong tướng phân biệt nói không có nghĩa, tức là ví như không có thật ngã. Đây chỉ có thức lượng nghĩa là trong cái không có nghĩa, mà hiển hiện ra. Ví như ngã, chỉ là một cái gì tương tự hiển hiện mà thôi. Nghĩa hiển hiện là tướng sở thủ hiển hiện. Ví như vô ngã mà tướng ngã hiển hiện.

Luận nói: Trong đây cái gì là tướng thành tựu? Tức trong tướng y tha, nghĩa tướng của nó rốt ráo là không có.

Giải thích: Tướng thành tựu là đây không có, không có thật nghĩa. Trong nhân hiển hiện, nó không hiển hiện thật nghĩa vì nó không có. Như ngã tướng, tương tự như thật mà không có, nhưng vô ngã là có.

Luận nói: Trong đây, thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, phải biết là nhãn v.v… 6 nội giới. Ứng thụ thức, phải biết là sắc v.v…6 ngoại giới. Chính thụ thức là nhãn v.v… 6 thức giới. Còn các thức khác là sai biệt của các thức này. Phải biết những thức này chỉ là duy lượng, vì không có nghĩa. Trong đây lấy gì làm ví dụ? Lấy thí dụ chiêm bao v.v…để hiển thị. Ví như trong chiêm bao, lìa nghĩa chỉ còn có thức. các thứ sắc thanh hương vị xúc nhà cửa núi non v.v… nghĩa tương tự như tướng hiển hiện nhưng trong đó không có thật nghĩa. Do thí dụ đó nên biết rằng tất cả mọi nơi duy chỉ có thức, lấy thức làm đầu. Lại có những thí dụ khác như ảo hóa, con nai khát nước, đau mắt v.v…Phải biết cũng như chiêm bao, khi thức dậy, mọi thứ chỉ có thức.

Nói như chiêm bao tất cả chỉ có thức, vậy vì sao khi thức dậy không chuyển được như thế? Người có trí giác chân thật cũng chuyển như vậy. Như chính khi chiêm bao sự hiểu biết này không sinh. Khi tỉnh dậy trí biết này mới sinh. Cũng như vậy, chưa được trí giác chân thật thì trí này không sinh. Nếu được trí giác chân thật thì trí này liền sinh. Nếu chưa có trí giác chân thật làm sao đối với duy thức có thể khởi so sánh biết được? Do A-hàm và đạo lý mà biết được. A-hàm như là trong Kinh Thập Địa Thế Tôn nói 3 cõi chỉ có tâm. Lại nữa trong Kinh Giải Tiết, Thế Tôn nói như sau:

Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc hỏi Thế Tôn rằng: Những cảnh tượng được thấy trong Tam-muội với tâm trong định có thể nói là khác nhau hay không khác nhau? Thế Tôn bảo Di-lặc là không khác.

Bởi vì sao? Định tâm duyên, duy thức hiển. Ta nói là thức.

Thế Tôn! Nếu cảnh tượng trong Tam-muội không khác tâm trong định thì làm sao tâm ấy lại chấp thủ tâm ấy?

Di-lặc! Không có một pháp nào là năng thủ pháp khác, nhưng tâm kia sinh như vậy tức cũng hiển hiện như vậy. Ví như nhân cái mặt của mình mà trông thấy ảnh rồi nói ta thấy ảnh. Tức là cái ảnh trông thấy đó khác với cái mặt của mình. Tâm kia sinh khởi cũng như vậy. Tức ở nơi ngay tâm kia nói là có vật khác có thể thấy. Do A-hàm và đạo lý này mà được thấy rõ.

Giải thích: Nói “đây chỉ có thức” là như Kinh Thập Địa và Kinh Giải Tiết đã nói. Phan duyên này do duy thức hiển hiện nên ta nói duy thức là do phan duyên duy thức hiển hiện. Đây là có nghĩa gì? Là để hiển thị duy thức thức tách rời nghĩa. Do đó thức thâu nhiếp. Phật nói: Ta nói là thức hiển hiện, cảnhngiới Tam-muội kia là thức. Nhưng sinh khởi như vậy là do tướng loại kia sinh. Nói “ở trong lấy làm nghĩa riêng”, “ở trong” tức là ở trong cảnhn giới Tam-muội. Nói “lấy làm nghĩa riêng” là ảnh tượng của thức kia gọi là vật riêng khác bị chấp thủ là thể.

Luận nói: Như vậy trong trường hợp tĩnh tâm, nếu thấy ảnh tượng màu xanh, tức thấy tự tâm, không có nghĩa riêng có vật màu xanh. Do đạo lý này, Bồ-tát trong tất cả thức, phải so sánh mà biết rằng đó chỉ là thức lượng. Lại nữa cái xanh thấy đó không phải do thức nhớ ra, vì cảnh giới thấy đây đang hiện hữu trước mắt. Cho nên cái thức nghĩ nhớ những gì đã nghe và suy nghĩ cũng chỉ là phan duyên cảnh của quá khứ nên cũng là duy thức. Do sự so sánh suy lường này, tuy chưa được gọi là trí giác chân như nhưng cũng có thể so sánh mà biết được lý duy thức.

Giải thích: Cảnh giới Tam-muội này, những ảnh tượng màu xanh v.v… cũng không phải thức nghĩ nhớ. Bởi vì sao? Vì không phải như trước đã thấy, mà ngay ở nơi đó nghĩ biết như vậy vì nó hiện tiền. Thức nghĩ nhớ thì mù mờ, còn đây thì hiện tiền thấy một cách rõ ràng. Nếu nói nghe và suy nghĩ huân tập nhiều lần thì tuy nó là quá khứ nhưng sau khi nghĩ nhó, nó sinh ra như xưa. Nói “đây cũng như vậy” tức là cái nghe và suy nghĩ đã thuộc về quá khứ, nay không có, trong cái không có đó nếu sinh trở lại thì đây là thức tương tự như kia mà sinh, chứ không phải đó là cái nghe và suy nghĩ đã diệt trong quá khứ. Cho nên nghĩa này cho thấy việc thành duy thức trần là không thể có được.

Luận nói: Như trước đã nói các thứ thức, ví như chiêm bao v.v… trong đó thức thể của nhãn thức v.v… là duy thức, thức thể của nhãn căn v.v… là sắc thì đạo lý duy thức làm sao có thể thấy chúng như A-hàm và đạo lý đã nói ở trước? Nếu chúng là thức thể vì sao hiển hiện tựa như sắc? Vì là một loại trụ vững liên tục chuyển. Các phiền não điên đảo trụ giữ cho nên nếu khác đây thì trong vô nghĩa không thành nghĩa điên đảo. Nếu không có các phiền não chướng trí chướng này nhiễm thì không thành. Cái này không thì thanh tịnh cũng không thành. Cho nên nhãn v.v… được sinh khởi như vậy. Ở đây có bài kệ rằng:

Loạn nhân và loạn thể,

Là sắc thức thể và

Chẳng phải sắc thức thể,

Trước không sau cũng không.

Giải thích: Thức thể của nhãn thức v.v… chẳng phải sắc nên mới thành duy thức. Thức thể của nhãn căn v.v… là sắc vì sao thành duy thức? Điều này như trước trong A-hàm và đạo lý đã nói rõ. Nói “một loại trụ vững liên tục chuyển” nghĩa là một loại là vì tương tự, trụ vững là trụ lại qua nhiều thời gian. Do phiền não chướng trí chướng các điên đảo phiền não làm nhân, cho nên trụ giữ tức là nhân. Nếu lìa các sinh khởi như vậy thì không phải nghĩa là nghĩa tâm điên đảo. Nếu không có phiền não chướng này nhiễm và trí chướng này nhiễm thì không có. Nghĩa này lấy bài kệ hiển thị. Nói “Loạn nhân và loạn thể” là thể của sắc thức và thể của phi sắc thức. Nếu theo thứ tự đó thì thể của sắc thức là loạn nhân, phi sắc thức là loạn thể. Thể của nhân là sắc thức nếu không thì thể của quả là phi sắc thức cũng không,

Chương 2: Sai biệt

Luận nói: Vì sao thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, ứng thụ thức, chính thụ thức đều hòa hợp cùng sinh trong tất cả loài có thân? Là để có đầy đủ sự thụ dụng của đời sống.

Vì sao thế thức v.v… các thức như trước nói có các thứ thức sinh? Vì từ vô thủy sinh tử lưu chuyển không dứt, vì có vô lượng cõi chúng sinh, vì thế giới vô lượng, vì ngôn ngữ và việc làm vô lượng, vì tiếp nhận và thụ dụng vô lượng sai biệt, vì thụ dụng của nghiệp ái phi ái vô lượng sai biệt, vì thụ vô lượng sinh già chết sai biệt.

Vì sao lập các thức này thành duy thức? Lược nói có 3 tướng: Một là duy lượng, vì vô sở hữu. Hai là duy nhị, nghĩa là chỉ có 2 là tướng phần của thức và kiến phần của thức. Ba là duy chủng chủng, nghĩa là nhiều tướng sinh khởi khác nhau. Các thức này không có nghĩa cho nên gọi là duy lượng. Nhãn v.v… các thức có tướng và kiến. Lấy sắc v.v…làm tướng, lấy các thức kia làm kiến, cho đến thân thức làm kiến. Ý thức thì lấy nhãn v.v…tất cả thức thể cho đến pháp thức làm tướng, lấy thức của ý thức làm kiến, vì ý thức có khả năng phân biệt vả lại tựa như tất cả thức sinh khởi. Ở đây có bài kệ như sau:

Duy lượng, nhị, chủng chủng,

Người tu quán ngộ nhập.

Khi ngộ nhập duy tâm,

Tâm đó cũng lìa diệt.

Giải thích: Thế nào là đầy đủ thụ dụng của thân phần? Tức chỉ thân thức, thân giả thức, thụ giả thức v.v… 5 thức. Nói “nên biết tất cả có thân” nghĩa là nhất thời đều có, nói “cộng hữu” nhất thời cùng sinh. Nói “làm rõ” tức là vì thể của nhân nên thành lập nghĩa của 3 thứ duy thức, như trong chính văn trường hàng và kệ này đã hiển thị. Trong trường hàng nói duy lượng, nghĩa là chỉ là thức lượng, cho nên tất cả các thức đều chỉ là thức lượng. Bởi vì sao? Bởi nghĩa của thức là vô sở hữu, chỉ có 2 thành lập ra có tướng và kiến. Cho nên một thức này một phần thành tướng, phần thứ hai thành kiến. Đây là nhãn thức v.v…chia làm hai phần. Nói “thành lập các thứ khác nhau” nghĩa là vốn là một thức này tùy theo hiện khởi mà một phần sinh ra nhiều tướng khác nhau, phần thứ hai làm năng thủ. Nếu ý thức sở thủ thì kia nhãn thức v.v…cho đến pháp thức là tướng, ý thức này là kiến. Nói “ các thứ” nghĩa là chỉ ý thức làm việc ấy, vì bất định. Còn các thức khác có cảnh giới nhất định. Lại nữa vì là không phân biệt, cho nên nếu là năng phân biệt thì gọi là kiến. Do đạo lý ấy mà thành duy thức. Kệ nói “nhập duy lượng” là vì không có nghĩa, “nhập duy nhị” là vì thức có tướng và kiến, “nhập chủng chủng” là do thức sinh các thứ tướng mạo. Nói “Người tu quán ngộ nhập” nghĩa là người tu hành tương ưng. Vì sao khi ngộ nhập duy tâm, tâm này cũng lìa diệt? Là vì do chính khi ngộ nhập duy tâm thì nghĩa không có, thức cũng không có. Nghĩa đã không có sở thủ thì làm gì có được tâm năng thủ. Nói “duy nhị và chủng chủng” nghĩa là chỉ nói nhập nhân duyên duy lượng, các nghĩa khác như trước đã nói.

Luận nói: Có một số luận sư nói chỉ một ý thức này tùy theo nơi y chỉ sinh mà có được tên ấy, như tư nghiệp của ý được tên là thân nghiệp, khẩu nghiệp. Ý thức này ở tts cr nơi y chỉ sinh các thứ tướng mạo. Tựa như 2 mà sinh chỉ tựa như nghĩa. Tựa như phân biệt nên tất cả nơicũng tựa như xúc mà sinh. Trong cõi Sắc ý thức y chỉ thân nên như các sắc căn khác y chỉ thân vậy.

Giải thích: Có các Bồ-tát muốn khiến chỉ có một ý thức tuần tự sinh khởi. Nay sẽ làm rõ điều này. Ví như tư nghiệp của ý mà được tên là thân nghiệp khẩu nghiệp, nghĩa là như tư nghiệp của ý từ nơi thân sinh ra gọi là thân nghiệp, từ miệng sinh ra gọi là khẩu nghiệp. Ý nghiệp cũng vậy. Như vậy một ý thức nếu y chỉ nơi mắt sinh thì được tên là nhãn thức. Cũng như vậy cho đến y chỉ thân sinh được tên thân thức. Trong đây lìa ý thức ra ngoài không có thức nào khác, chỉ trừ thức A-lê-da. Nếu ông nói nhãn v.v… các căn không phân biệt, nếu ý thức y chỉ đó sinh cũng phải không phân biệt, như nhiễm ô ý y chỉ nhiễm ô nên sinh khởi cũng nhiễm ô. Đây cũng phải như vậy nghĩa là như luận nói ở tất cả mọi nơi y chỉ sinh các thứ tướng mạo tựa như hai mà sinh, chỉ là nghĩa tương tự cho nên tương tự phân biệt, vì vậy mà chẳng ngại gì. Trong đây tất cả chỗ y chỉ là y chỉ các nơi như mắt v.v… Các thứ tướng mạo tương tự như hai mà sinh là chỉ là nghĩa tương tự nên phân biệt tương tự. Do 2 câu này nên có thể hiểu được. Hai câu này nói tức là một thức có một phần tương tự duy nghĩa mà sinh, còn phần thứ hai là ở trong nghĩa tương tự, phan biệt tương tự mà sinh, cho nên nói như trước không có lỗi. Lại nữa tất cả mọi nơi cũng tương tự xúc mà sinh nghĩa là ở nơi sắc xứ, tâm tại trong định, 5 thức không khởi hiện hành, trong sắc thân có nội thụ sịnh. Nói “như các sắc căn khác y chỉ nơi thân” nghĩa là như nhãn căn v.v…y chỉ nơi thân. Các căn này do y chỉ nơi thân nên ngay nơi tự thân có khả năng làm tổn ích. Ý thức cũng vậy, y chỉ thân nên khiến thân tổn ích. Nên biết rằng lại còn nghĩa khác như thân căn y chỉ nơi thân, nếu có ngoại duyên đến xúc, tức ngay trong thân căn tương tự xúc sinh. Khi tương tự xúc này sinh liền tự y chỉ trong thân làm tổn ích. Ý thức cũng vậy, vì y chỉ thân nên khi tương tự xúc sinh tức ngay nơi thân làm tổn ích.

Luận nói: Ở đây có bài kệ như sau:

Đi xa đi một mình,

Không thân ở hang trống.

Điều phục tâm khó phục ,

Ta nói là Phạm hạnh.

Giải thích: Các Bồ-tát thành tựu kia đã nói, nên dẫn kệ trong A-hàm. Nói đi xa tức là phan duyên tất cả cảnh giới. Đi một mình là không có người thứ hai. Không thân là lìa sắc thân. Ở hang trống là ẩn trong hang trống rỗng của sắc thân. Có thể điều phục là tác dụng tự tại. Khó điều phúc là chỉ các xấu ác.

Luận nói: Như kinh nói những cảnh giới 5 căn đi đến ý thức đều có thể thụ dụng, vì ý thức là chỗ dựa của chúng.

Giải thích: Lại A-hàm có nói các cảnh giới mà 5 căn này đi đến ý thức đều có thể thụ dụng. Nghĩa là nơi căn đi đến là cảnh giới. Ý thức này có thể phân biệt tất cả pháp, nên mỗi mỗi cảnh giới đều thụ dụng nên nói là có thể thụ dụng. Các căn y chỉ nơi ý thức là vì ý thức là thể của nhân của các căn kia khi sinh. Bởi vì sao? Vì nếu ý có duyên khác thì nhãn v.v… không sinh.

Luận nói: Lại như kinh nói trong 12 nhập, 6 thức thân là ý nhập.

Giải thích: Lại có A-hàm nói 6 thức thân gọi là ý, vì không có tên thức nào khác. Phật nói 6 thức thân gọi là ý nhập. Cho nên được biết chỉ độc có ý mà thôi.

Luận nói: Nếu có an lập thức thể là nghĩa của thức A-lê-da, thức thể ở trong đó, thì tất cả thức thể thành lập là tướng, thức thể, thức thể của ý thức và các y chỉ là kiến. Nên biết rằng chúng là thức thể của tướng mạo, là nhân sinh kiến kia. Nghĩa tương tự hiển hiện là y chỉ sinh kiến kia.

Giải thích: Cũng thành lập thức A-lê-da là tướng kiến 2 thức. Ý thức và y chỉ là kiến phần của thức A-lê-da. Các thức thể của nhãn v.v… và tất cả pháp là tướng phần. Những thứ này là thức thể của A-lê-da cho nên chúng là thức thể của tướng mạo nghĩa là thể của nhân sinh thức của nhãn v.v…thành chỗ phan duyên cho kia. Nói “là nhân sinh kiến cho kia” là khởi kiến nơi kia gọi là kiến của kia. Vì hiển hiện nghĩa sở kiến của kia nên có thể làm nhân cho kiến của ý thức tương tục trụ không gián đoạn, cho nên nói là có khả năng làm y chỉ cho sinh ra kiến.

Luận nói: Đã thành lập các thức thể như vậy là duy thức, các nghĩa đã rõ ràng có thể thấy.

Làm sao biết được là phi hữu?

Như Thế Tôn nói Bồ-tát đầy đủ 4 pháp được tùy thuận nhập tất cả thức thể vô nghĩa. Một là thức tướng biết khác nhau. Như ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, đồng một vật nhưng do thức thể thấy khác nhau. Hai là biết không có cảnh giới, do thức sinh như phan duyên quá khứ, vị lai và hình ảnh trong mộng. Ba là biết lìa dụng công mà được không điên đảo. Như phan duyên nghĩa trong nghĩa thật hữu. Thức thì không điên đảo do không dụng công mà được trí chân thật. Bốn là trí tùy thuận 3 tuệ. Như các Bồ-tát và người đắc định, được tâm tự tại cho nên tùy ý muốn mà nghĩa kia hiển hiện. Như có người tu quán đắc Xa-ma-tha, khi tu pháp quán chỉ dùng ý niệm, nghĩa liền hiển hiện. Lại được trí vô phân biệt, khi trụ vô phân biệt tất cả nghĩ không hiển hiện. Các nghĩa do tùy thuận 3 tuệ và nhân duyên trước cho nên nghĩa vô sở hữu liền được thành tựu. Trong nghĩa này phải nói 6 kệ. Sau sẽ nói trong phần Tăng thượng tuệ học thắng tướng. Nghĩa là ngạ quỷ, súc sinh, người v.v…

Giải thích: Một là thức tướng biết khác nhau nghĩa là những sự khác nhau đó là do thức duyên nghĩa gọi là tướng và biết trong cái tướng đó. Biết không cảnh giới, do thức sinh, nghĩa là thấy không có cảnh phan duyên mà là do thức sinh, như quá khứ v.v…Biết lìa dụng công mà được không điên đảo nghĩa là nếu như nghĩa được hiển hiện liền có như vậy thì không cần phải khởi đối trị mà được không điên đảo, hiểu biết như vậy. Tùy thuận 3 trí nghĩa là trí này biết các nghĩa đều tùy thuận 3 nghĩa. Và người được định nghĩa là Thanh Văn, Bích-chi-phật v.v… Được tâm tự tại nghĩa là đã được tùy tâm làm, tùy tâm thích muốn. Nghĩa kia hiển hiện tức như là nếu muốn cõi đất biến thành nước hay lửa thì liền thành như ý nghĩ. Được Xa-ma-tha nghĩa là đã được Tam-ma-đề. Người tu pháp quán là người tu hành quan sát trong các Tu-đa-la. Chỉ dùng ý nghĩ thì nghĩa hiển hiện, nghĩa là trong một nghĩa,tùy theo các thứ tác ý thì có các tướng hiển hiện. Đã được trí vô phân biệt nghĩa là nếu như nghĩa được hiển hiện là có thì không được trí vô phân biệt. Vì trí này là thật có nên phải biết nghĩa nó quyết định là phi hữu.

Chương 3: Phân biệt

Luận nói: Nếu chỉ có nghĩa thức hiển hiện sở y chỉ gọi là tính y tha thì vì sao, nhân duyên gì gọi là y tha? Từ tự huân tập chủng tử sinh nên là y tha. Y tha là duyên sinh rồi, không có công năng, qua một sát-na tự trụ nên gọi y tha.

Giải thích: Nếu chỉ có nghĩa của thức hiển hiện y chỉ nghĩa là lìa nghĩa, chỉ có thức thể là nghĩa, nhân của hiển hiện là ngay nơi thức thể là y tha.

Nếu tự nhiếp lấy sao gọi là y tha, nhân duyên gì gọi là y tha? Vì nhân của chính nó sinh ra, sinh ra rồi không có năng lực mà trụ được, tức nơi sự tự nhiếp lấy này gọi nó là cái khác, cho nên gọi là y tha.

Luận nói: Nếu tính phân biệt dựa vào cái khác, không thật có mà nghĩa hiển hiện, làm sao thành phân biệt? Vì sao nói là phân biệt? Vì nó là nhân sinh ra ý thức phân biệt điên đảo đối với vô lượng tướng mạo, cho nên thành phân biệt. Không có tự tướng, chỉ thấy phân biệt nên gọi phân biệt.

Giải thích: Dựa vào cái khác nghĩa là y chỉ vào tính y tha của duy thức. Không thật có là không có tự thể. Nghĩa hiển hiện là có nghĩa có thể thấy. Nhân duyên gì gọi là phân biệt? Câu này sau sẽ tuần tự nói đến. Nói vô lượng tướng nghĩa là tướng của tất cả cảnh giới. Ý thức phân biệt, tức ý thức là phân biệt. Nhân sinh điên đảo là nhân phan duyên khi ý thức vọng khởi điên đảo. Không có tự tướng là không có thể. Chỉ thấy phân biệt là chỉ thấy loạn thức.

Luận nói: Nếu tính thành tựu, tính phân biệt rốt cuộc là tướng vô sở hữu thì thành tựu là thành tựu như thế nào? Vì nhân duyên gì nói là thành tựu? Thể không thay đổi nên được thành tựu. Cảnh giới thanh tịnh nên vượt trội hơn tất cả trong các thiện pháp. Do nghĩa tối thắng đó nên nói là thành tựu.

Giải thích: Kia rốt cuộc là tướng vô sở hữu, nghĩa là vì tính của phân biệt là lấy vô sở hữu làm tính. Nói vì sao và nhân duyên gì thì như đã nói trong tính y tha ở trước. Thể không thay đổi nghĩa là không hư dối, như thành thật. Nói do cảnh giới này thanh tịnh nên vượt trội trong tất cả thiện pháp, tức là cái thể của cảnh giới thanh tịnh này là vượt trội nên gọi là thành tựu. Như cái áo đã hoàn thành xong.

Luận nói: Lại nữa có năng phân biệt, có sở phân biệt. Vậy trong tính có phân biệt, cái gì là năng phân biệt, cái gì là sở phân biệt, cái gì là tính phân biệt? Ý thức là năng phân biệt. Vì phân biệt nên ý thức này từ chủng tử danh ngôn huân tập, chủng tử tất cả thức thể danh ngôn huân tập mà sinh ra có vô lượng chủng tử phân biệt, phân biệt tất cả mọi nơi, vì có khả năng phân biệt như vậy nên gọi là năng phân biệt. Lại nữa tính y tha là sở phân biệt. Lại nữa do nhân duyên này khiến tính y tha thành sở phân biệt. Đó là tính phân biệt do nhân duyên này cho nên khiến tính y tha hiển hiện nghĩa tương tự như nghĩa. Lại nữa thế nào là phân biệt năng phân biệt? Phan duyên cái gì, thủ tướng mạo gì? Thế nào là chấp trước? Phát ngôn như thế nào? Làm sao lưu bố, làm sao tăng ích? Phan duyên nơi danh nên thủ lấy tính y tha làm tướng, chấp trước nơi kiến, nhân giác quán phát ngôn, kiến v.v…4 thứ lưu bố làm lưu bố, thật trong vô nghĩa có nghĩa tăng ích. Hãy phân biệt như vậy.

Giải thích: Thế nào là phân biệt? Ý thức là phân biệt. Tính y tha là sở phân biệt. Do nhân duyên này khiến thành phân biệt. Để hiển thị điều này nên luận nói phan duyên nơi danh v.v… Thủ tính y tha làm tướng tức là thủ lấy danh tự như nhãn v.v… trong tính y tha làm tướng. Bởi vì sao? Chấp thủ tướng kia rồi sinh khởi phân biệt. Kiến là chấp trước, nghĩa là cái tướng chấp thủ kia, quyết định cho là như vậy. Giác quán khởi phát ngôn, nghĩa là như chỗ chấp trước, dùng giác quán làm nhân mà nói ra. Kiến v.v…4 thứ ngôn thuyết, nói ngôn thuyết là những điều nói ra. Kiến, văn, giác, tri, tức thấy nghe hay biết 4 thứ lưu bố. Cộng tướng lưu bố thật không có nghĩa, bởi nếu có nghĩa tức là tăng ích. Điều này có nghĩa là cái được lưu bố thật không có nghĩa mà chấp thủ cho là có nghĩa.

Luận nói: Lại nữa vì sao 3 tính này thể của chúng là khác nhau hay không khác nhau? Nên nói chẳng phải khác, chẳng phải không khác. Tính y tha này do đạo lý khác thành y tha. Do đạo lý khác tức đây thành phân biệt. Do đạo lý khác tức đây thành thành tựu.

Vì đạo lý khác nào đây thành y tha? Y tha huân tập chủng tử sinh nên thành y tha. Vì đạo lý khác nào đây thành phân biệt? Cùng với tướng phân biệt làm nhân duyên nên đây thành phân biệt. Vì đạo lý khác nào đây thành thành tựu? Như sở phân biệt rốt cuộc không có như vậy. Vì đạo lý khác nào nơi một thức thể là tướng mạo của tất cả các thứ thức thể? Thức thể của thức A-lê-da là các thứ tướng mạo của các sinh khởi thức. Phải biết là vì nó duyên tướng sinh khởi.

Giải thích: Với phân biệt là tướng nhân duyên, nghĩa là ý thức là năng phân biệt. Vì năng phân biệt này thủ lấy thể của cảnh giới mà sinh, cho nên nó tức là phân biệt. Ý thức này phân biệt tướng kia chấp thủ là thể của cảnh giới sở phân biệt. Vì nghĩa đó nên tính y tha thành tính phân biệt. Như phân biệt ý thức chính phân biệt, khi sở phân biệt thì phân biệt này hoàn toàn không có. Do nghĩa này nên tính y tha thành tình thành tựu.

Luận nói: Tính y tha có mấy thứ? Đại khái có 2 thứ. Một là y tha chủng tử huân tập. Hai là y tha nhiễm tịnh không thành tựu. Do 2 thứ y tha này nên gọi là y tha. Tính phân biệt cũng có 2 thứ là tự tính phân biệt và sai biệt phân biệt nên gọi là phân biệt. Tính thành tựu cũng có 2 thứ là bản tính thành tựu và thanh tịnh thành tựu nên gọi là tính thành tựu.

Giải thích: Thể nhiễm tịnh không thành tựu nên gọi là y tha, nghĩa là do tính y tha phần phân biệt thành nhiễm, phần vô phân biệt thành tịnh. Trong 2 phần này, nếu là một phần thì không thành tựu. Tự tính phân biệt là như mắt v.v… có tự tính của mắt làm việc phân biệt này. .Sai biệt phân biệt là như mắt kia v.v… tự tính có vô thường v.v… các sai biệt làm việc phân biệt này. Tự tính thành tựu là hữu cấu chân như. Thanh tịnh thành tựu là vô cấu chân như.

Luận nói: Lại có 4 thứ phân biệt là tự tính phân biệt, sai biệt phân biệt, hữu giác phân biệt và vô giác phân biệt. Hữu giác là biết rõ ngôn thuyết của chúng sinh. Vô giác là không biết rõ ngôn thuyết của chúng sinh.

Giải thích: Biết rõ ngôn thuyết nghĩa là có trí về ngôn thuyết. Không biết rõ ngôn thuyết là như bò dê tuy có phân biệt nhưng không có khả năng về tên gọi hay chữ viết.

Luận nói: Lại có 5 thứ phân biệt. Một là tự tính dựa theo tên gọi mà phân biệt nghĩa. Như tên gọi như thế này là có nghĩa như thế này. Hai là tự tính dựa vào nghĩa mà phân biệt tên gọi. Như nghĩa như thế này thì gọi tên là thế này. Ba là tự tính dựa vào tên mà phân biệt tên. Như phân biệt trong các tên mà không biết nghĩa. Bốn là tự tính dựa vào nghĩa mà phân biệt nghĩa. Như phân biệt trong các nghĩa mà không biết tên. Năm là dựa vào danh nghĩa mà phân biệt danh nghĩa. Như nghĩa này là thể như vậy tên như vậy.

Lại nữa gồm chung tất cả phân biệt thì có 10 thứ. Một là phân biệt căn bản, tức là thức A-lê-da. Hai là phân biệt tướng sở duyên, như thức thể của sắc v.v…Ba là phân biệt tương tự, tức là cùng y chỉ thức thể của nhãn thức v.v… Bốn là phân biệt tướng biến đổi, như già v.v…, lạc thụ v.v…, tham v.v…, thời tiết biến đổi v.v…, các biến đổi như địa ngục v.v… các thú, cõi Dục v.v… Năm là phân biệt các biến đổi tương tự, tức như trên đã nói các biến đổi trong những biến đổi. Sáu là phân biệt cái gì người khác trao cho mình, tức phân biệt nhân duyên nghe phi chính pháp, nhân duyên nghe chính pháp. Bảy là phân biệt không đúng, nghĩa là nhân duyên người ngoài Phật pháp nghe phi chính pháp. Tám là phân biệt đúng, nghĩa là nhân duyên người trong Phật pháp nghe chính pháp. Chín là phân biệt chấp trước, nghĩa là phân biệt nhân duyên không chính tư duy, căn bản là thân kiến cùng với các phân biệt tương ưng với 62 kiến. Mười là phan biệt tạp loạn, tức là 10 thứ phân biệt của các Bồ-tát.

Giải thích: Gồm chung tất cả phân biệt có 10 thứ phân biệt. Để nói 10 thứ này nên trong đó phân biệt căn bản là các phân biệt căn bản tự thể, phân biệt tức cũng là thức A-lê-da. Phân biệt về tướng là lấy tướng mạo làm tướng, tức phân biệt sắc v.v…các thức thể. Phân biệt tương tự là trong các chủng loại tướng kia, nếu phân biệt sinh ra năng phân biệt trong các sở phân biệt đó thì có tên này, tức là thức thể của nhãn thức v.v…và y chỉ. Phân biệt tướng biến đổi, nghĩa là kia duyên tướng nếu biến đổi, tức phân biệt thể danh của tướng biến đổi như già nghĩa là thân suy nhược 4 đại biến đổi, phân biệt trong đó gọi là phân biệt tướng biến đổi. Nói v.v.. là gồm có bệnh, chết v.v… Lạc thụ v.v… nghĩa là thân có biến đổi ra tướng cũng vậy. Nói v.v… là gồm có khổ và bất khổ bất lạc v.v… Tham v.v… cũng vậy. Nói v.v… là gồm có sân, si v.v…Uổng hoành và thời tiết biến đổi, nghĩa là trong tướng biến đổi của thân nếu phan duyên sinh phân biệt. Uổng hoành nghĩa là giết, trói v.v…Thời tiết biến đổi là tướng biến đổi vì thời tiết lạnh nóng v.v… Địa ngục v.v…, nói v.v…là gồm có súc sinh, ngạ quỷ. Cõi Dục v.v…, nói v.v… là gồm cả cõi Sắc và Vô sắc. Phân biệt biến đổi tương tự nghĩa là tựa như kia duyên tướng nhãn thức v.v… có các biến đổi, nơi cái thể biến đổi tương tự này khởi sinh phân biệt, tức như trước nói sự biến đổi trong cái già v.v… Bởi vì sao? Vì trong khi trụ trong cái già v.v… nhãn thức v.v… cũng sinh biến đổi. Phân biệt cái gì người khác rao cho mình nghĩa là cái gì người khác nói là có 2 thứ, đó là nhân duyên nghe phi chính pháp và nhân duyên nghe chính pháp. Hai thứ phân biệt các pháp này là do nghe pháp sinh thiện bất thiện, cũng được giải thích như vậy. Phân biệt không đúng tức là việc nghe phi chính pháp là nhân. Người ngoài pháp này tức những người xuất gia ngoại đạo. Phân biệt dúng là việc nghe chính pháp là nhân, Người trong pháp này là người trong Phật pháp. Phân biệt chấp trước là việc tư duy không đúng là nhân, như Tu-đa-la nói ngã kiến là y chỉ 62 kiến v.v…và phân biệt tương ưng với các kiến chấp này. Phân biệt tán động, tức là 10 thứ phân biệt của các Bồ-tát.

Luận nói: 1.tán động không có tướng, 2.tán động có tướng, 3.tán động tăng ích, 4.tán động tổn giảm, 5.tán động một chấp, 6.tán động khác chấp, 7.tán động tự tính, 8.tán động sai biệt, 9.tán động lấy nghĩa theo tên, 10.tán động lấy tên theo nghĩa. Để đối trị 10 thứ tán động này trong tất cả Bát-nhã Ba-la-mật đều nói đến trí vô phân biệt. Phải biết những chướng ngại và đối trị này đều có đầy đủ trong nghĩa Bát-nhã Ba-la-mật. Kinh nói: Bồ-tát làm thế nào thực hành Bát-nhã Ba-la-mật? Xá-lợi-phất ! Bồ-tát này đối với Bồ-tát không thấy Bồ-tát. Không thấy Bồ-tát là không thấy Bát-nhã Ba-la-mật, không thấy tu hành, không thấy sắc, không thấy thụ tưởng hành thức. Bởi vì sao? Tự tính của sắc là không, phi không, nên gọi là không. Nếu sắc không tức chẳng phải sắc, cũng chẳng phải khác không cho nên có sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Bởi vì sao? Xá-lợi-phất ! Chỉ có tên gọi là sắc. Tự tính không sinh không diệt không nhiễm không tịnh, giả lập tên mượn tạm phân biệt các pháp. Cái tên tạm mượn này lại cứ lưu hành rồi tùy theo chỗ lưu hành mà khởi sinh chấp trước. Bồ-tát đối với thứ danh tự này nhất thiết đều không thấy. Không thấy nên không chấp trước. Như sắc cho đến thức cũng vậy. Phải biết rằng câu Bátnhã Ba-la-mật này có thể thông đạt nghĩa của 10 thứ phân biệt này.

Giải thích: Trong đây nói “Tán động không có tướng” tức là duyên cái không có này làm tướng, gọi là tán động. Để đối trị tán động này nên trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói thật có Bồ-tát. Nói thật có tức là hiển thị rằng Bồ-tát thật có cái thể không. Ngay nơi cái không đó là cái thể, nên gọi là thể của không. Tán động có tướng, nghĩa là duyên tướng hữu vi, gọi là tán động. Để đối trị tán động này nên trong kinh ấy nói không thấy có Bồ-tát, nghĩa là không thấy lấy phân biệt y tha làm thể. Do ý này nên tán động tăng ích là đối trị cái này. Vì vậy trong kinh ấy nói tự tính của sắc là không, là hiển thị tính phân biệt sắc không. Tán động tổn giảm, tức là đối trị với cái này nên trong kinh ấy nói “bất không”, nghĩa là sắc pháp như là bất không vậy. Tán động một chấp, tức là để đối trị lại cái này nên trong kinh nói cái sắc không này chẳng phải sắc. Bởi vì sao? Nếu tính y tha với tính thành tựu là một thì tính y tha cũng phải như tính thành tựu, là cảnh giới thanh tịnh. Tán động chấp khác là để đối trị cái chấp này, nên kinh nói chẳng phải sắc khác không. Bởi vì sao? Nếu 2 cái này có khác nhau thì pháp và pháp tính cũng phải khác nhau. Chấp khác nhau là không đúng, như pháp vô thường và vô thường không thể có khác nhau. Đứng về tính phân biệt nên nói sắc tức là không, không tức là sắc. Bởi tính phân biệt sắc vô sở hữu tức là không. Cái không này là cái sắc vô sở hữu, chẳng phải như tính y tha với tính thành tựu. Tán động tự tính, nghĩa là để đối trị cái này, nên kinh nói: Xá-lợi-phất ! Chỉ có danh gọi là sắc. Vì tự tính của sắc là vô sở hữu. Tan động sai biệt, nghĩa là để đối trị cái này nên kinh nói tự tính không sinh không diệt không nhiễm không tịnh. Trong đó nếu sinh tức có nhiễm, nếu diệt tức có tịnh. Do không sinh không diệt nên tức không nhiễm không tịnh. Các câu này, nghĩa của nó là như vậy. Như tán động lấy nghĩa theo tên, nghĩa là tùy theo tên mà lấy nghĩa tức là tán động. Để đối trị cái này kinh nói giả lập các thứ danh tự. Phân biệt các pháp nhiều thứ khác nhau, nghĩa là lấy tên theo nghĩa, tức là tán động này. Để đối trị cái này, nên kinh nói giả lập tên tạm rồi lưu hành, nghĩa là không phải tự tính của nghĩa có tên như vậy. Để đối trị 10 thứ tán động này nên nói Kinh Bát-nhã Ba-la-mật. Do thuyết này là nhân, nên sinh trí vô phân biệt.

Luận nói: Nếu do đạo lý khác, tính y tha được thành 3 tính. Vì sao 3 tính này không được thành một? Do đạo lý khác nên thành tính y tha, chứ không phải do đạo lý ấy nên thành phân biệt và thành tựu. Do đạo lý khác nên thành tính phân biệt, chứ không phải do đạo lý ấy nên thành y tha và thành tựu. Do đạo lý khác nên thành thành tựu, chứ không phải do đạo lý ấy nên thành y tha và phân biệt.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10