SỐ 1573/1
LUẬN NHẤT THÂU LÔ CA1
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

Tánh tự thể vô thường

Thể như thế vô thể

Tánh tự thể vô thể

Nên nói không, vô thường.

Hỏi: Do nghĩa gì nên tạo ra Luận gồm một kệ này, thuyết minh về những nghĩa gì, đả phá những hạng người nào?

Đáp: Vì người đọc tụng đối với các Bộ rộng lớn sinh tâm biếng trễ, mệt mỏi. Lại vì các bậc thông tuệ trước đã học rộng vô lượng các luận, ở trong biển pháp của Đức Như Lai tư duy nơi diệu nghĩa nhưng sinh biếng mệt. Đối với nghĩa chẳng khác nơi tự thể không của vô thường, sinh nghi về tướng dị biệt. Vì nhằm đoạn trừ nghi ấy, nên tạo ra Luận này.

Thuyết minh về nghĩa gì? Nay sẽ nói: Nghĩa là tất cả pháp vô thường, tự thể là không. Tự thể không, không lìa vô thường. Tự tánh của tất cả pháp tự thể là không, thế nên không có thường. Hết thảy chư Phật và các bậc Duyên giác, Thanh văn, ở trong pháp không mà được xuất ly, không phải là ở trong pháp đoạn, thường của các hành mà được giải thoát. Kệ nói:

Diệt không trụ thể hữu

Tức thành nơi thường kiến

Nếu cho thời sau diệt

Tức thành nơi đoạn kiến.

Do nghĩa này nên nói tất cả pháp tự thể là không. Chư Phật, Duyên giác, Thanh văn, La-hán, ở trong nghĩa ấy đạt được lợi ích.

Đả phá những hạng người nào nay sẽ nói.

Nếu người có chỗ thủ đắc, lìa nơi các hành, nói có vô thường, tức không phải là chánh kiến. Nếu vô thường lìa hữu vi, vô thường tức thường cũng như hư không. Nếu như vậy tức hữu vi, vô vi, thể không sai biệt. Nếu hữu vi cùng với vô vi hợp, là vô vi hợp thì bình không thể phá bỏ. Nếu vô vi cùng với hữu vi hợp, là hữu vi hợp thì Niết-bàn có thể hoại diệt. Nếu không khác tức tất cả các pháp không thể hủy hoại, như Niết-bàn là thường, không phải duyên sinh. Nếu các hành không phải là nhân duyên sinh, thì Niết-bàn không khác với hư không, tức pháp hữu vi không gọi là vô thường. Nếu các hành không phải là nhân duyên sinh, là vô thường, tức hư không, Niết-bàn không gọi là thường. Nếu như vậy thì hữu vi, vô vi không có pháp thù thắng. Nếu vô thường lìa hữu vi, cũng gọi là vô thường, thì hữu vi lìa thường, nên gọi là thường, nhưng điều này không đúng. Nếu là như vậy vì sao trong kinh nói như vầy: “Do nghĩa gì mà nói? Ông nay đã nói là vì nghĩa gì mà nêu bày?”. Nghĩa ông đã nói hôm nay là không ưng, không phải là ông đã tư duy tà về đối tượng có thể lường xét, thế nên ông nói không phải là chánh kiến. Nếu người có chỗ thủ đắc, cho pháp quá khứ, hiện tại, vị lai tự thể là thành, nên biết người ấy tức không phải là chánh kiến. Vì sao? Vì đã sinh kiến chấp không nhân. Nếu nói thể của vị lai không phải là nhân duyên sinh mà tự thể thành, thì pháp hiện tại cũng không phải là nhân duyên sinh, thể của tự tánh thành, vì tự tánh của hiện tại, vị lai là bình đẳng không sai biệt. Nếu tánh bình đẳng thì pháp hiện tại có đều từ duyên sinh, pháp vị lai vì sao không phải là duyên sinh? Nay ông nói nghĩa này là do kinh nói, hay là dựa theo nghĩa mà nói? Nói không tương ưng thì không có nghĩa lý sâu xa. Nếu không có nghĩa lý sâu xa thì không thể tin. Nếu pháp vị lai không là nhân duyên sinh, tự tánh thành, thì pháp vị lai cũng như hư không, không có nhân duyên, lìa nhân duyên nên không phải nhân duyên sinh tức thể của vị lai không thật. Vì không vị lai, nên hiện tại, quá khứ cũng không. Vì hiện tại, quá khứ không nên ba đời là vô thể.

Nếu có Thể tức là thường kiến, không nhân sinh. Nếu đệ tử của Phật có chỗ thủ đắc về kiến, tức cùng với ngoại đạo Ca-tỳ-la v.v… không sai biệt. Luận này không phải vì các ngoại đạo như Ca-tỳ-la, Ưu-lâu-ca v.v… mà vì các ông những người đồng kiến giải với họ, nên tạo ra Luận này.

Vừa nói nhằm phá trừ những hạng người nào? Vì khiến cho các ông những người có chỗ thủ đắc, đoạn trừ tà kiến, nên tạo ra Luận này.

Về câu nghĩa nơi kệ của Nhất Thâu Lô Ca nay sẽ giải thích.

Kệ nêu:

Tánh tự thể vô thường.

Tự thể gọi là có sinh. Có sinh nên gọi là thể. Người có chỗ thủ đắc ở trong pháp này, tâm chấp giữ làm thể. Pháp này ở trong ấm giới nhập có âm thanh duyên chuyển. Như nói một thể, hai thể, nhiều thể. Như người này, người kia một, hai, rất nhiều, đều có tự thể, nên gọi là tự thể. Như tính chất cứng, ướt, nóng, động của đất nước lửa gió đều có tự tánh. Như thế mỗi mỗi thứ đều có tự thể của tự tướng nên nói là tự thể. Người có chỗ thủ đắc, cho sinh trụ diệt là đồng tướng, nghĩa ấy không đúng. Vì tánh của tự thể là vô thường, tức tên gọi của thể kia do người có chỗ thủ đắc phân biệt nên sinh. Vì thế lìa các pháp thì không có thể vô thường, do tự tướng vô thường. Như Đức Phật nói với các Tỳ-kheo: “Tất cả các hành thảy đều vô thường”. Như theo đấy mà nói, lìa pháp có tự tướng của vô thường, thì điều ấy không đúng. Nếu ông không hiểu rõ thế nào là vô thường, tôi nay sẽ nói.

Kệ nêu:

Thể như thế vô thể.

Thể, vô thể: Là chỗ phân biệt của ông về vô thường, tức vô thường kia là vô thể, do đó thể là vô thể. Tự tánh vô thể nên nói là vô thể.

Kệ nêu:

Tánh tự thể, vô thể.

Lìa vô thể lại không có thể riêng, nên nói tự thể là vô thể. Nếu ý ông cho lìa vô thể mà có thể, thì nghĩa ấy không đúng, do ông lấy pháp này không phải là kinh nói. Nếu cho vô thể là tự thể, thì cũng không đúng, do trong kinh không nói. “Thưa Đức Thế Tôn! Ở trong những kinh nào thuyết giảng pháp như vậy?”. Nơi các kinh của chư Phật Thế Tôn đều không có nghĩa ấy. Do không phải kinh nói nên không thành tựu, không phải là nghĩa đã giảng nói trong kinh của bậc Đại Thánh, tức không nên tin. Do đó không phải chỉ ngôn thuyết mà có thể thủ chứng.

Kệ nêu:

Nên nói không, vô thường.

Như trong Kinh Điều Phục Tam Mật Đề nói: Đức Phật bảo Tam-mật-đề: Mắt là không, vô thường, không gì là không động, không gì là không hủy hoại, không gì là không biến đổi. Vì sao? Vì tánh là như thế. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đức Thế Tôn ở trong kinh này nói về không, nói về vô thường. Do nghĩa ấy nên biết các pháp là không, là vô thường. Vô thường là vô thể. Thế nên tánh của các pháp tự chúng là vô thể, tức nghĩa vô thể thành. Nếu có thể hội nhập nơi nghĩa của kinh như thế, thì nghĩa ấy tức thành. Nếu không hội nhập nơi kinh, thì nghĩa ấy tức hoại. Do chỗ nêu bày của Tôi hội nhập nơi kinh, nên nghĩa kia tức thành. Vì vậy tánh tự nó là vô thể, nên nghĩa lý kia thành tựu.

(Luận Nhất Thâu Lô Ca, một quyển, gồm thể tánh của các pháp, pháp, vật, sự, có tên gọi khác nhưng nghĩa đồng. Vì thế, hoặc nói thể, hoặc nói tánh, hoặc nói pháp, hoặc nói có, hoặc nói vật v.v… tất cả đều là sai biệt của có. Chánh âm gọi là Tư Bà Bà, hoặc dịch là Thể của Tự Thể, hoặc dịch là Hữu pháp của Vô pháp, hoặc dịch là Tánh của Vô tự tánh).

HẾT