NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Vương Chiếu Ly
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Vương Chiếu Ly

(thư thứ nhất)

Nhận được lá thư trước và món tiền sáu trăm đồng, liền gởi thư phúc đáp ngay. Đem một trăm đồng cậy người bạn giao cho Kim Lăng Lưu Thông Xứ. Ông ta có gởi thư cho ông, chắc đã nhận được rồi. Mấy hôm gần đây lại nhận được ba trăm bốn mươi bốn đồng, Văn Sao, An Sĩ [Toàn Thư], Gia Ngôn, Bảo Giám, bốn loại sách và bưu phí đều đã thanh toán xong xuôi. Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, chẳng bao lâu nữa sẽ được gởi đến. Lại còn có sách Học Phật Thiển Thuyết khá thích hợp sơ cơ, năm nay tôi cho in hai lần, mỗi lần hai vạn cuốn. Lại tính cho in [sách ấy] với khổ chữ Tam Hiệu Tự cho to hơn. Trong năm nay hoặc vào tháng Giêng năm tới sẽ in xong. Nếu ông cần, xin báo cho biết.

Thêm nữa, lần sau nếu chuyển tiền xin hãy gởi qua Giao Thông Ngân Hàng. Giao Thông Ngân Hàng nhận được thư, liền giao thư và tiền cùng một lúc, khá thuận tiện! Trung Quốc Ngân Hàng nhận được thư bèn gởi thư và phiếu giao tiền đến trước, yêu cầu ký tên xác nhận, lại còn phải có ngân hàng khác bảo đảm. Ý họ làm ra vẻ thận trọng, nhưng sự thật là muốn kéo dài thời gian để kiếm tiền lời, đáng ghét tới cùng cực! Cố nhiên Quang không bị trở ngại gì, nhưng những người yếu thế không được bảo chứng như thế sẽ bị họ chèn ép không ít. Thủ đoạn mượn tiếng thận trọng ấy để đặc biệt kéo dài thời gian đúng là tệ ác đến cùng cực. Nếu [ở chỗ ông] không có [chi nhánh ngân hàng] Giao Thông thì dùng ngân hàng Trung Quốc cũng được. Nếu không, chẳng cần phải nhờ họ chuyển tiền.

Trong khoảng tháng Tám, tháng Chín, Quang bảo Đại Trung Thư Cục gởi (bằng thư bảo đảm) ba mươi gói An Sĩ Toàn Thư (tức một trăm hai mươi bộ) để đền bù cho những sách bị nước ngấm ướt, ông đã nhận được hay chưa? Mấy lần thư từ đều không thấy ông nói tới. Dẫu không tính vào chi phí, nếu nhận được cũng nên báo cho biết để [người gởi] khỏi bận tâm! Tôi tính gởi Chỉ Bản sang Tân Gia Ba và quý đường[1]. Trước đây, tôi đã nhận được thư của một đệ tử ở Tân Gia Ba cho biết: So với Thượng Hải thì tiền công thợ và giá giấy ở chỗ ông ta đắt gấp mấy lần, ngàn vạn phần đừng gởi sang, chẳng biết chỗ ông như thế nào? Nếu thuận tiện, tôi liền đem Chỉ Bản gởi sang. Nếu ở chỗ ông giá còn cao hơn nữa thì cần gì phải làm chuyện thua thiệt ấy? Sẽ in ở Thượng Hải rồi đem gởi đi, so ra thuận tiện hơn! Lời này quả thật là vì Tân Gia Ba mà nói, chỉ sợ [nếu người ở Tân Gia Ba đứng ra in] sẽ đâm ra bị thiệt thòi, chứ không phải là vì tôi không bỏ được Chỉ Bản.

Hiện tại, tôi tính tìm cách đem Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư, Quán Âm Tụng, Thọ Khang Bảo Giám chế ra bốn bức Chỉ Bản nữa vì vốn chỉ có hai bức. Năm ngoái bị cháy mất một bức, chỉ còn giữ được một bức. Tuy Trung Hoa Thư Cục có hai bức, nhưng họ chẳng chịu cho mượn dùng; giá in sách của họ còn đắt hơn những thư cục khác. Do vậy, Quang lại muốn bỏ ra một ngàn đồng để chế thành mấy bức Chỉ Bản để tạo duyên cho người sau này có được sách. Hiện thời Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, Học Phật Thiển Thuyết, Gia Đình Bảo Giám, Kỷ Văn Đạt Bút Ký Trích Yếu, Giang Thận Tu Phóng Sanh Sát Sanh Hiện Báo Lục, Liên Trì Phóng Sanh Văn Hợp San, Long Thư Tịnh Độ Văn, Hộ Pháp Luận, chín loại này đều phải chế ra bốn bức Chỉ Bản [cho mỗi cuốn] để người mai sau dễ lưu thông. Quang làm người trọn chẳng có tâm riêng tư, vì thế suốt đời chẳng thâu nhận đồ đệ, chẳng lập môn đình, chẳng kết xã lập hội. Được ai tặng tiền, nếu Quang chẳng dùng để in sách thì liền dùng để cứu trợ tai nạn, chẳng để nghiệp của chính mình bị tăng trưởng vì tiền của người khác. Huống chi nay đã sáu mươi tám tuổi rồi, tháng ngày chẳng còn nhiều, đúng là lúc [chỉ nên] tạo duyên vãng sanh Tây Phương cho chính mình và người khác mà thôi! (Ngày Mười Bốn tháng Mười năm Dân Quốc 17 – 1928, viết dưới đèn)

(thư thứ hai)

Thư ngày mồng Chín chắc ông đã nhận được rồi, hôm nay tôi gởi hai mươi lăm gói sách Khuê Phạm, [tổng cộng] năm mươi bộ (bốn mươi bốn đồng). Mỗi bộ tám cắc tám xu. Cảm Ứng Thiên Trực Giảng sáu mươi ba gói, tức một ngàn lẻ tám cuốn (một ngàn cuốn là một trăm hai mươi đồng). Mỗi cuốn là một cắc hai xu. Bưu phí (mười ba đồng hai cắc, tổng cộng một trăm bảy mươi bảy đồng hai cắc. Còn tám cuốn bỏ thêm không tính). Tổng cộng là tám mươi tám gói. Khoản tiền ấy hễ tính là biết ngay. Khoản tiền này hãy nên gởi thẳng về chùa Thái Bình ở bến Trần Gia, Thượng Hải, giao cho đại sư Minh Đạo thâu nhận thì không sợ bị sai sót. Hễ nhận được, Sư sẽ gởi biên nhận ngay.

Cảm Ứng Thiên Trực Giảng in ra hai vạn bộ. Một ngàn bộ này vốn là những sách gởi trước vì Quang không lâu nữa sẽ về Phổ Đà. Thoạt đầu lúc in sách Khuê Phạm, không có mấy người đứng ra chịu trách nhiệm [bỏ tiền in], Trần Chánh nhận lo một ngàn bộ, những cuốn còn lại do Quang ứng ra. Sau cùng đảm nhiệm ba ngàn bộ đã xong; vì thế; Quang gộp khoản tiền năm trăm đồng của ông Chánh với hai trăm đồng của sư Chân Đạt và ông Tôn Thái Thừa để kết duyên vụn vặt[2] và cho người khác thỉnh. Năm sau nếu thời cuộc yên ổn, chắc sẽ tái bản được! Nếu ông muốn đứng ra chịu tiền in thì hãy nên thông báo trước. Sách này tám cắc tám xu một cuốn, vốn là tự mua giấy, tự đem in theo lối thạch bản, tự đóng sách. Nếu không, chẳng tốn tới một đồng hai cắc [cho mỗi cuốn] sẽ chẳng thể in được (Đại Trung Thư Cục tính một đồng hai cắc, Trung Hoa Thư Cục tính giá một đồng năm cắc hai xu) mà giấy vẫn khó được tốt như vậy. Hiện thời lòng ham muốn của con người tung hoành, nếu chẳng lấy khuôn mẫu tốt đẹp của cổ nhân để giữ yên tai mắt, chấn chỉnh chí khí thì họ sẽ hùa nhau chìm đắm[3] theo những tà thuyết kia hết, buồn thay! (Ngày Mười Bảy tháng Mười Một, viết vào lúc đã thắp đèn).

***

[1] Tiếng gọi công sở, dinh thự hoặc chùa miếu, điện thờ của người khác một cách trang trọng.

[2] Ý nói gởi tặng một hai cuốn cho những người quen biết hoặc những người hỏi đạo để kết duyên nên gọi là “kết duyên vụn vặt”.

[3] Nguyên văn “tải tư cập nhược”, đây vốn là một câu trích từ kinh Thi, bài Tang Tang, phần Đại Nhã: “Kỳ hà năng thục, tải tư cập nhược”. Theo Trung Quốc Khổng Tử Võng, câu này có nghĩa là: “Làm sao có thể tốt đẹp cho được! Chẳng qua là kéo nhau xuống nước hết mà thôi”.