SỐ 1566/15
BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

MỤC LỤC

*********

Lời thưa của người Việt dịch: Nội dung của Luận này (N0 1566, 15 quyển) là giải thích quảng diễn về 446 bài kệ nơi 27 phẩm của Trung Luận. Và như lời Tựa do Đại sư Tuệ Trách viết, Bát Nhã Đăng Luận là một tên gọi khác của Trung Luận. Nếu so với bản Luận Thích 1 (N0 1564, 4 quyển, 39 trang) thì Luận này có số trang nhiều hơn hẳn (trên 85 trang), nhưng về văn nghĩa, cách diễn đạt thì rất khó đọc, khó lãnh hội, nhất là nơi 9 quyển đầu. Xin nói rõ hơn về mỗi mỗi phẩm được giải thích gồm có 3 phần: Phần mở đầu nói qua nghĩa chính của phẩm và Phần sau cùng nêu dẫn kinh để làm rõ sự thành tựu. Hai phần này đều ngắn, văn nghĩa rõ, dễ hiểu, người dịch không có khó khăn gì để Việt dịch. Nhưng Phần giải thích quảng diễn, có rất nhiều phần nhiều đoạn không hiểu tác giả nói về gì. Tham khảo nơi Bản 1 (N0 1564) thì thấy cách diễn đạt của hai bên là hoàn toàn khác nhau. Trong khi nơi Bản 1 các luận điểm được nêu bày hợp lý, lô gích thì ở Bản này người Việt dịch có cảm tưởng là tác giả đã lạc đề, chỉ đến khi nêu dẫn kinh thì ý nghĩa mới trở lại.

Có hai lý do khiến chúng tôi cho đây không phải là lỗi của người Hán dịch:

1. Đại sư Ba La Phả Mật Đa La (565-633) cũng là một dịch giả Hán dịch tiêu biểu ở đầu thế kỷ 7 TL đời Đường. Dịch phẩm của Đại sư, ngoài Luận này còn có Kinh Bảo Tinh Đà La Ni (N0 402, T13, 10 quyển, tương đương với phẩm thứ 9 của Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, N0 397, 60 quyển). Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh của Bồ-tát Vô Trước (N0 1604, T31, 13 quyển). Mà dịch vào đời Đường là thời kỳ các từ ngữ, thuật ngữ Phật học đã tương đối phong phú, dồi dào, không còn những khó khăn của thời kỳ dò dẫm ở trước. Đối chiếu với Luận N0 1578 ở sau (cùng tác giả) người Việt dịch cũng gặp phải văn nghĩa rất khó đọc, khó hiểu (trừ đoạn cuối), dù vị Hán dịch Luận ấy là Pháp sư Huyền Tráng. Chẳng lẽ Pháp sư Huyền Tráng không đủ khả năng để chuyển dịch, khiến văn nghĩa của câu văn Hán dịch tối nghĩa, khó đọc? Nhưng Luận N0 1578 chỉ có 2 quyển, hơn 12 trang!

2. Phần nêu dẫn kinh nơi Luận này (N0 1566) câu văn Hán dịch sáng rõ dễ hiểu, dù nội dung của những đoạn kinh ấy nêu giảng các vấn đề cao siêu vi diệu. Vậy tại sao nơi phần Nêu dẫn kinh thì dịch giả dịch được? Còn phần Giải thích quảng diễn thì người đọc không thể hiểu nổi? Đọc không hiểu mà vẫn phải Việt dịch! Đó là nỗi khổ tâm của người Việt dịch. Chúng tôi đã dịch hàng mấy ngàn trang Luận Tạng (1/4 tập 25, toàn tập 26, 27, 28 v.v… nhưng chưa gặp lối diễn giải nào như nơi Luận này!) Như vậy là chúng tôi chỉ căn cứ vào nghĩa của chữ, của câu để dịch, thêm một vài giới từ, liên từ để tạo sự thuận hợp tạm, chứ không hiểu là tác giả nói về gì. Tất nhiên cũng có những phần, những đoạn hiểu được, hoặc hiểu lờ mờ, nhưng nơi 9 quyển đầu, những phần này không nhiều. Từ quyển 10 –> 15, tình hình có khá hơn, tức phần có thể hiểu được chiếm đa số. Ví như phẩm 26 (Quán Về Duyên Khởi Của Thế Đế) thì hầu hết là hiểu được. Đoạn cuối của Luận cũng như vậy.

Tóm lại, xin độc giả nên có những ghi nhận như thế trước khi đọc Luận này (N0 1566/15) cũng như Luận sau (N0 1578).