SỐ 1557/1
KINH A TỲ ĐÀM NGŨ PHÁP HÀNH
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam Tạng An Thế Cao, người An Tức
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

Pháp khổ, trí có thể nhận biết là pháp khổ, trí khổ pháp. Pháp tập, trí có thể đoạn trừ là trí tập pháp. Pháp tận, trí có thể nhận biết chứng đắc là trí tận pháp. Pháp đạo, trí có thể nhận biết tu tập là trí đạo pháp.

Pháp khổ: Nghĩa là hình thể nơi muôn vật đều phải suy yếu, già cỗi, chết mất, đó là khổ. Người ngu si cho là có thể thường còn nên gìn giữ bảo vệ, đây là sự ham thích. Trí có thể nhận biết đấy là khổ nên không còn hướng tới sinh tử. Đó là trí có thể nhận biết về pháp khổ.

Pháp tập: Nghĩa là tập do dục, tập do đắc, tập do dâm, tập do giận, tập do si, tập do tốt, tập do đẹp. Trí có thể nhận biết như vậy là tập. Từ tập được tận (Diệt) nên không tham dục. Đó là trí có thể nhận biết về pháp tập.

Pháp tận (Diệt): Nghĩa là người vật hội hợp đều phải tiêu tán, diệt tận, nên được cũng không mừng, mất cũng không lo. Đó là trí có thể nhận biết về pháp tận.

Pháp đạo: Nghĩa là hành đạo đạt đạo. Làm thiện được sinh lên cõi trời, tạo ác phải vào nẻo ác. Trí có thể nhận biết tu tập là biết bỏ ác theo thiện. Đó là trí có thể nhận biết về pháp đạo.

Người trí có thể hiểu rõ, nhận biết về gốc vốn không nhận biết đó là khổ. Khổ là một ý, nhận biết là khổ, đó là hai ý. Tập là một ý, nhận biết là tập, đó là hai ý. Tận là một ý, nhận biết là tận, đó là hai ý. Đạo là một ý, nhận biết là đạo, đó là hai ý. Tám ý này là ở bên ngoài.

Phi thường (vô thường), khổ, không, phi thân (vô ngã), gốc từ tập sinh, theo nhân duyên diệt, như ý chỉ cầu đạo xứ thọ nhận quán diệt.

Khổ, không, phi thân (vô ngã), do đâu được diệt? Tận (Diệt) từ khổ đến. Từ khổ được tận. Nhân nơi tận liền được không. Được không nên nhận biết thân là phi ngã (vô ngã). Bốn ý này là tùy theo khổ đế.

Những gì là khổ? Tất cả ở trong sinh tử đều là khổ. Hợp dục, cũng không hợp dục. Hợp dục: Nghĩa là các thứ mong muốn của con người đạt được. Cũng không hợp dục: Nghĩa là các thứ không mong muốn nơi tâm ý của con người. Tất cả đều là khổ. Tham từ tập xuất sinh, tùy theo phi thường, ý cầu diệt khổ từ tập được.

Những gì là pháp? Nghĩa là nhân duyên tạo ra những thứ ấy, đạt được những thứ ấy, đó là pháp. Nên nhận biết. Đã nhận biết thì trừ bỏ, ý nên đoạn trừ. Là theo khổ đế trong bốn đế.

Tập đế là chứng biết có đạo. Kiến khổ nhận biết từ tập khởi. Kiến tập nhận biết khổ, kiến tận đế (diệt đế) nhận biết là phi thường (Vô thường).

Những gì là ứng hợp? Nghĩa là vui nơi đạo, không quên đạo, thường cầu đạo, do đạo là ứng hợp.

Những gì là trí tuệ? Thường thưa hỏi đạo là trí tuệ. Đã hỏi xong tức có thể thọ nhận, có thể hành trì, đó là trí tuệ. Tập, tận diệt, đạo cũng như vậy.

Khổ là pháp của nghiệp tạo, là kiết của hành. Trí tuệ là ba mươi bảy phẩm kinh, ứng hợp là hành trì. Người hành trì đó là hành đạo. Như vậy là hành tập. Như vậy là diệt. Như vậy là đạo. Đều là tăng thượng.

Thứ nhất là khổ. Những gì là khổ? Tất cả xấu ác, không vừa ý, là khổ. Đã nhận biết khổ, nên không tham dục liền hành đạo, không lìa đạo là ứng hợp để hành trì. Khổ sinh có gốc. Khổ là những gì? Gốc từ muôn vật. Muôn vật không có, cũng không diệt. Đã không sinh diệt thì con người cũng không lo. Đã không lo thì con người cũng không có khổ.

Thứ hai là tập. Những gì là tập? Ý tùy theo ái là tập. Đoạn trừ ái thì không có tập. Dùng những hành gì để đoạn trừ ái? Muôn vật đều từ nhân duyên sinh. Đoạn trừ nhân duyên thì không còn sinh nữa. Nên làm thế nào để đoạn trừ nhân duyên? Là giữ ý, niệm đạo. Đã giữ ý, niệm đạo, thì ý không được có hai niệm, nên ở nơi đạo. Đó là tập.

Thứ ba là tận (Diệt). Những gì là diệt? Pháp khổ là ở nơi muôn vật. Do hư hoại nên phải lo buồn. Đã lo buồn nên già. Đã già nên bị bệnh tật suy yếu rồi chết. Đó gọi là bên ngoài đều là pháp khổ. Vì sao các pháp bên ngoài đều là pháp khổ? Vì nghiệp tạo của mình chưa đoạn trừ. Vì sao nghiệp tạo của mình chưa đoạn trừ? Vì sinh tử chưa diệt. Vì sao sinh tử chưa diệt? Vì không phải là một ý (Nhất tâm). Vì sao không phải là một ý? Vì không gắn với thiền pháp. Vì sao không gắn với thiền pháp? Vì không thọ nhận thật hành như lời Phật dạy. Đó gọi là pháp bên ngoài diệt. Những gì là trong diệt? Là ý luôn được giữ gìn. Đã được giữ gìn rồi thì ý khác không thể sinh. Ý khác đã không thể sinh nên diệt trừ kiết. Kiết đã diệt trừ rồi thì nghiệp tạo hết. Nghiệp tạo đã hết thì không còn sinh tử. Đó gọi là pháp bên trong diệt.

Thứ tư là đạo. Những gì là đạo? Khổ có thể đoạn trừ do ý đạo, gọi là tám thứ. Những gì là tám thứ? An ban thủ ý (Quán sổ tức) như thế là tám hành ý. Không rơi vào sinh tử, chỉ có gắn liền với đạo. Đã gắn liền với đạo nên đoạn được ba sự đứng đầu. Những gì là ba sự? Là khổ, tập, tận. Đã đoạn được khổ, tập, tận nên được định. Đã định thì nơi hướng đến liền được đạo. Thế nào là được đạo? Là khổ đã diệt không còn sinh. Đó là được đạo.

Có năm pháp hành. Những gì là năm? (1) Sắc (Sắc pháp). (2) Ý (Tâm pháp). (3) Sở niệm pháp (Tâm sở hữu pháp). (4) Biệt ly ý hành (Tâm bất tương ưng hành pháp). (5) Vô vi (Vô vi pháp).

Thế nào là Sắc? Tất cả sắc được tạo đều ở nơi bốn hành (bốn đại chủng), cũng từ bốn hành sinh ra. Bốn hành: Là địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng, cũng từ nhân của bốn hành. Sắc được tạo là những gì? Là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. Sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc), cùng một xứ không đổi.

Thế nào là Ý (Tâm pháp)? Là ý, tâm, thức. Đó là những gì? Là sáu thức thân. Sáu thức thân là những gì? Là nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và tâm thức.

Thế nào là Sở niệm pháp (Tâm sở hữu pháp)? Là pháp sở niệm cùng sinh khởi với ý. Đó là những gì? Là thống (Thọ), tưởng, hành, dương (tư), niệm, dục, ý định, tuệ, tín, tấn, kế niệm, tham, không tham, thiện bản, bất thiện bản, bất phân biệt bản, tất cả kiết phược, tiện lao (phiền não). Từ đó khởi trí tuệ, kiến, chỗ cần yếu cũng hiện có. Các pháp như thế đều cùng có với ý. Đó gọi là ý sở niệm pháp.

Thế nào là Biệt ly ý hành (Tâm bất tương ưng hành pháp)? Là pháp đã biệt ly với ý không chung. Đó là những gì? Là đắc, không tư tưởng, chánh tân, chánh bất tư, tưởng, niệm tưởng, hạ bối, khổ đắc, đắc xứ, đắc chủng, nhập sinh, lão tử, phi thường, danh tự,  tuyệt cụ, như ứng. Cùng các pháp khác cũng phân biệt ý hành như thế. Đó gọi là biệt ly ý hành.

Thế nào là Vô vi? Là không diệt, chưa lìa diệt, không cần thọ.

*

Địa chủng là tánh cứng chắc. Thủy chủng là tánh ẩm ướt. Hỏa chủng là tánh nóng ấm. Phong chủng là tánh khởi lên.

Nhãn căn là sắc căn làm chỗ nương dựa cho nhãn thức. Nhĩ căn là sắc căn làm chỗ nương dựa cho nhĩ thức. Tỷ căn là sắc căn làm chỗ nương dựa cho tỷ thức. Thiệt căn là sắc căn làm chỗ nương dựa cho thiệt thức. Thân căn là sắc căn làm chỗ nương dựa cho thân thức.

Thế nào là sắc? Là các sắc đoan nghiêm, sắc không đoan nghiêm và sắc trung gian, cùng các hiển sắc, hình sắc. Đầu tiên là một thức nhận biết sắc tức nhãn thức. Tiếp theo là tâm thức (ý thức). Như vậy sắc kia do hai thức nhận biết. Nhận biết như thế nào? Là cả hai thứ nhãn thức và tâm thức cùng nhận biết.

Thế nào là thanh? Là các tiếng từ thọ hành xuất sinh. Cũng có tiếng không từ thọ hành xuất sinh. Tiếng từ thọ hành xuất sinh là gốc. Tiếng không từ thọ hành xuất sinh là thọ gốc. Một thức đầu tiên nhận biết là nhĩ thức. Tiếp theo là tâm thức nhận biết. Tức tiếng do hai thức cùng nhận biết

Thế nào là hương? Hoặc là hương của rễ, hương của thân cây, cành, hoa, quả, hạt, hương tốt, hương xấu. Đó gọi là hương. Một thức đầu tiên nhận biết là tỷ thức. Tỷ thức nhận biết rồi thì tâm thức liền nhận biết. Các hương như vậy là do tỷ thức và tâm thức cùng nhận biết.

Thế nào là vị? Là các vị chua, ngọt, mặn, lạt, đắng, cay, cũng là vị nhận biết do ăn uống. Một thức đầu tiên nhận biết là thiệt thức. Thiệt thức nhận biết rồi thì tâm thức liền nhận biết. Các vị như vậy là do thiệt thức và tâm thức cùng nhận biết.

Thế nào là tế hoạt (xúc )? Là các xúc hoặc trơn, hoặc thô, hoặc nhẹ, nặng, hoặc lạnh, nóng, hoặc đói, khát. Một thức đầu tiên nhận biết là thân thức. Thân thức nhận biết rồi thì tâm thức cùng nhận biết.

Một phần của xúc này là do thân thức, tâm thức cùng nhận biết.

Thế nào là sắc? Nếu thức tưởng vướng mắc nơi sắc pháp thì như thế nào? Hoặc là thân thiện, thân bất thiện không nhận biết.

Hoặc thường một thức nhận biết là tâm thức (ý thức).

*

Thế nào là nhãn thức? Là nhân nương dựa nơi nhãn căn để nhận biết các sắc.

Thế nào là nhĩ thức? Là nhân nương dựa nơi nhĩ căn để nhận biết các tiếng.

Thế nào là tỷ thức? Là nhân nương dựa nơi tỷ căn để nhận biết các hương.

Thế nào là thiệt thức? Là nhân nương dựa nơi thiệt căn để nhận biết các vị.

Thế nào là thân thức? Là nhân nương dựa nơi thân căn để nhận biết các xúc chạm.

Thế nào là tâm thức? Là nhân nương dựa nơi tâm căn (ý căn) để nhận biết các pháp.

*

Thế nào là thống (Thọ)? Là tánh nhận lãnh. Đây cũng là ba thứ, thiện, ác, không phân biệt phước họa.

Thế nào là tưởng? Là tánh nhận biết khắp. Đây cũng chia làm ba hạng là ít, nhiều và vô lượng.

Thế nào là nguyện lạc? Là ba sự hòa hợp, cũng là ba hạng: Ưa thiện, ưa ác, cũng không thiện cũng không ác.

Thế nào là ý niệm? Đây cũng là ba hạng: Thiện, ác, không phân biệt thiện ác.

Thế nào là dục? Là các thứ dục.

Thế nào là tác ý? Là hợp ý.

Thế nào là ý? Là nhớ nghĩ.

Thế nào là tư duy? Là một ý (nhất tâm).

Thế nào là tuệ? Là quán xét pháp.

Thế nào là tín? Là vừa ý.

Thế nào là tinh tấn? Là quán niệm.

Thế nào là kế (Suy tính)? Là suy niệm, khiến mong cầu tăng thêm hy vọng, mong muốn. Đó gọi là kế.

Thế nào là phân biệt niệm? Là đối tượng quán, chủ thể quán, tùy thuận nhau không đoạn tuyệt. Đó gọi là niệm.

Thế nào là kế niệm? Ý khác lớn là suy tính (kế), ý nhỏ là niệm. Đó là kế, niệm có sai biệt.

Thế nào là tham? Là không tùy theo pháp thiện, không tín chí thành. Là không hành, không nên hành. Đó gọi là tham.

Thế nào là không tham? Là thuận theo pháp thiện, tín chí thành, là hành, nên hành. Đó gọi là không tham.

Thế nào là thiện bản? Có ba thiện bản: Thiện bản không tham, thiện bản không sân, thiện bản không si. Đây gọi là thiện bản.

Thế nào là bất thiện bản? Bất thiện bản có ba thứ: Tham là bất thiện bản, sân hận là bất thiện bản, ngu si là bất thiện bản. Đó gọi là bất thiện bản.

Thế nào là bất phân biệt bản? Có năm thứ không phân biệt: Ái không phân biệt, kiến không phân biệt, kiêu mạn không phân biệt, si không phân biệt, nghi không phân biệt. Đó gọi là bất phân biệt bản.

Thế nào là kiết? Có chín kiết: (1) Kiết trì niệm (kiết ái). (2) Kiết tắng (kiết sân). (3) Kiết kiêu mạn. (4) Kiết si (kiết vô minh). (5) Kiết tà (kiết kiến). (6) Kiết thất nguyện (kiết thủ). (7) Kiết nghi. (8) Kiết tật (kiết ganh ghét). (9) Kiết xan (kiết keo kiệt).

Thế nào là kiết trì niệm? Là tham ái trong ba cõi.

Thế nào là kiết tắng? Là ở nhân gian không thể dứt bỏ.

Thế nào là kiết kiêu mạn? Kiết kiêu mạn có bảy thứ: (1) Kiêu mạn. (2) Mạn. (3) Tự mạn. (4) Tự kế mạn. (5) Khi mạn. (6) Bất như mạn. (7) Tà mạn.

Thế nào là kiêu mạn? Là không bằng ta, cho ta là hơn. Nếu bằng ta, cho ta là bằng. Từ đó kiêu mạn, ý tự chấp khởi lên, ý thức hợp ý. Đó gọi là kiêu mạn.

Thế nào là mạn? Trong nhóm đồng cho ta là hơn. Trong nhóm hơn cho ta là bằng. Từ đó sinh kiêu mạn, cũng tự cho mình là hơn. Đó gọi là mạn.

Cũng nói là kiêu mạn mạn, vì là tất cả đã hợp hội. Đó gọi là tự mạn.

Thế nào là tự kế mạn? Là năm ấm nơi tự thân cho là ngã, tự chấp tự niệm. Từ đó tự khởi mạn mạn, tự biết ý sinh, ý khởi, hợp ý. Đó gọi là tự kế mạn.

Thế nào là khi mạn? Chưa được cho là được, chưa biết cho là biết, chưa diệt hết cho là đã diệt hết. Từ đó khởi kiêu mạn, ý tự chấp, ý quán khởi, hợp ý. Đó gọi là khi mạn.

Thế nào là bất như mạn? Là đối với hạng hơn hẳn mình nhiều phần chấp cho là mình chỉ thua kém phần ít. Từ đó khởi kiêu mạn, ý sinh tự chấp, tự thấy, ý khởi hợp ý. Đó gọi là bất như mạn.

Thế nào là tà mạn? Không phải là người Hiền tự chấp cho mình là người Hiền. Từ đó khởi kiêu mạn, tự sinh ý, tự nghĩ, tự chấp, ý khởi hợp với niệm. Đó gọi là tà mạn.

Bảy thứ mạn này gọi là kiết kiêu mạn.

Thế nào là kiết si? Là những ngu si hiện có trong ba cõi. Đó gọi là kiết si.

Thế nào là kiết tà? Kiết tà có ba thứ: (1) Thân tà (Thân kiến). (2) Biên tà (Biên kiến). (3) Tà tà (Tà kiến). Thế nào là thân tà? Là chấp cho thân này là ngã, là có. Đó gọi là thân tà. Thế nào là biên tà? Là chấp theo: (1) Đoạn diệt. (2) Thường còn. Đó gọi là biên tà. Thế nào là tà tà? Là gốc của tranh cãi, hủy hoại phước. Đó gọi là tà tà. Ba thứ ấy gọi là kiết tà (Kiết kiến).

Thế nào là kiết thất nguyện (Kiết thủ)? Mất gốc, không thọ nhận công, ân. Đó gọi là kiết thất nguyện. Hai thứ mất này gọi là kiết thất nguyện.

Thế nào là kiết trộm? Có hai thứ trộm gọi là kiết trộm: (1) Trộm thọ. (2) Trộm giới. Thế nào là trộm thọ? Là năm ấm, suy niệm cho là tôn quý, không có gì vượt hơn. Từ đó ý dục sinh khởi, cho là có thể dùng. Đó gọi là trộm thọ. Thế nào là trộm giới? Là chấp giữ các thứ giới sai lạc cho đấy là tịnh, là xuất ly, là giải thoát. Đó gọi là trộm giới. Hai thứ trộm này gọi là kiết trộm.

Thế nào là kiết nghi? Là nghi đối với bốn đế. Đó gọi là kiết nghi.

Thế nào là kiết tật? Ý rối loạn là tật. Đó gọi là kiết tật.

Thế nào là kiết xan? Là không thể chế ngự ý. Đó gọi là kiết xan.

Như thế là tất cả kiết.

Thế nào là phược? Bị trói buộc chặt là phược, nên nói là phược.

Thế nào là sử? Có bảy sử: (1) Sử dục. (2) Sử bất khả. (3) Sử dục thế gian. (4) Sử kiêu mạn. (5) Sử si. (6) Sử tà. (7) Sử nghi.

Thế nào là sử dục? Là có năm sử gọi là sử dục: Thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn trừ. Thuộc cõi dục do kiến tập đoạn trừ. Thuộc cõi dục do kiến tận đoạn trừ. Thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn trừ. Thuộc cõi dục do tư duy đoạn trừ. Đó gọi là năm sử, được gọi là sử dục.

Thế nào là sử bất khả? Là có năm sử gọi là sử bất khả: Tức các sử bất khả do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ, và các sử bất khả do kiến tư duy (tu đạo) đoạn trừ. Đó gọi là năm sử, được gọi là sử bất khả.

Thế nào là sử dục thế gian? Là có mười sử gọi là sử dục thế gian. Dục thuộc cõi sắc do kiến khổ đoạn trừ. Dục thuộc cõi sắc do kiến tập đoạn trừ. Dục thuộc cõi sắc do kiến tận đoạn trừ. Dục thuộc cõi sắc do kiến đạo đoạn trừ. Dục thuộc cõi sắc do tư duy đoạn trừ. Cùng các dục thuộc vô hữu sắc do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ, và các thứ dục kia do tư duy đoạn trừ. Đó gọi là mười sử, gọi là sử dục thế gian.

Thế nào là sử kiêu mạn? Có mười lăm sử gọi là sử kiêu mạn: Là các kiêu mạn thuộc ba cõi: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô hữu sắc (cõi vô sắc) do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo cùng tư duy (tu đạo) đoạn trừ. Mười lăm sử này gọi là sử kiêu mạn.

Thế nào là sử si? Có mười lăm sử gọi là sử si. Là si thuộc cõi dục do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo cùng tư duy đoạn trừ. Và si thuộc cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo cùng tư duy đoạn trừ. Mười lăm sử này gọi là sử si.

Thế nào là sử tà? Có ba mươi sáu sử gọi là sử tà: Trong ấy gồm mười hai sử thuộc cõi dục, mười hai sử thuộc cõi sắc và mười hai sử thuộc cõi vô sắc. Đó gọi là ba mươi sáu sử tà (Sử kiến).

Mười hai sử tà thuộc cõi dục: Là các sử tà thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn trừ có năm: Là thân tà (Thân kiến), biên tà (Biên kiến), tà tà (Tà kiến), trộm kiến (Kiến thủ) và trộm giới (Giới cấm thủ). Các sử tà thuộc cõi dục do kiến tập đoạn trừ có hai: Là tà tà và trộm kiến. Các sử tà thuộc cõi dục do kiến diệt đoạn trừ cũng có hai như kiến tập. Các sử tà thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn trừ có ba: Là tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.  Đó gọi là mười hai sử thuộc cõi dục.

Mười hai sử tà thuộc cõi sắc và mười hai sử tà thuộc cõi vô sắc: Cũng nói như ở cõi dục: Do kiến khổ đoạn trừ năm. Do kiến tập đoạn trừ hai. Do kiến diệt đoạn trừ hai. Do kiến đạo đoạn trừ ba.

Trên đây là ba mươi sáu sử, gọi là ba mươi sáu sử tà (Sử kiến).

Thế nào là sử nghi? Có mười hai sử gọi là sử nghi. Là nghi trong ba cõi: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ. Đó gọi là mười hai sử nghi.

Sử là trần hay là não? Có lúc có trần không có não: Là trừ trần, còn lại là những pháp loạn ý niệm. Đó là não không phải là trần.

Theo đấy khởi có tám thứ: (1) Thùy. (2) Minh (Miên). (3) Lạc. (4) Nghi. (5) Ỷ. (6) Tứ thái. (7) Bất quý. (8) Bất tàm. Vì thế nói là tám thứ khởi.

Thế nào là hiệt (Trí)? Là có mười trí: (1) Pháp trí. (2) Tỷ trí. (3)

Tri nhân tâm trí. (4) Xảo trí. (5) Khổ trí. (6) Tập trí. (7) Diệt trí. (8) Đạo trí. (9) Tận trí. (10) Vô vi trí (Vô sinh trí).

Thế nào là pháp trí? Là các trí vô lậu nhận biết về các hành, về nhân của các hành, các hành diệt, các hành đoạn do đạo thuộc cõi dục. Lại, pháp trí là các trí vô lậu trong địa của pháp trí. Đó gọi là pháp trí.

Thế nào là tỷ trí? Là các trí vô lậu nhận biết về các hành, về nhân của các hành, các hành diệt, các hành đoạn do đạo thuộc cõi sắc, vô sắc. Lại, tỷ trí là các trí vô lậu trong địa của tỷ trí. Đó gọi là tỷ trí.

Thế nào là tri nhân tâm trí? Là trí nhận biết rõ về tâm tâm sở pháp của người khác tương tợ nơi các hành thuộc cõi dục, cõi sắc, chứng đắc một phần pháp vô lậu hiện tiền. Đó gọi là tri nhân tâm trí.

Thế nào là xảo trí? Là trí hiện hành nơi thế gian. Đó gọi là xảo trí.

Thế nào là khổ trí? Là trí vô lậu ở nơi năm thọ ấm, nhận biết rõ tánh vô thường, khổ, không, phi thân (vô ngã). Đó gọi là khổ trí.

Thế nào là tập trí? Là trí vô lậu ở nơi nhân hữu lậu sinh khởi nhân tập sinh duyên. Đó gọi là tập trí.

Thế nào là diệt trí? Là trí vô lậu do tác ý ở trong diệt khởi diệt tĩnh diệu ly. Đó gọi là diệt trí.

Thế nào là đạo trí? Là trí vô lậu do tác ý ở trong đạo khởi đạo như hành xuất. Đó gọi là đạo trí.

Thế nào là tận trí? Là trí đã tự nhận biết khổ, đã trừ bỏ tập, đã chứng đắc diệt, đã tu hành đạo. Từ trí này ý thấy biết được ứng hợp. Đó gọi là tận trí.

Thế nào là vô vi trí? Là trí tự nhận biết khổ đã hết không còn nhận biết nữa. Tập đã đoạn trừ xong không còn đoạn nữa. Diệt đã chứng đắc không còn chứng nữa. Đạo đã tu tập không còn tu nữa. Từ trí này, những sự thấy biết luôn phân minh, chứng đắc hiện tiền. Đó gọi là vô vi trí.

Mười trí trên gọi là trí.

Thế nào là kiến hiện có? Các trí hiện có là kiến, nhưng có khi kiến không phải là trí. Tức là tám nhẫn từ hiện quán biên sinh. Là khổ pháp trí nhẫn, khổ thí trí nhẫn. Tập pháp trí nhẫn, tập thí trí nhẫn. Tận pháp trí nhẫn, tận thí trí nhẫn. Đạo pháp trí nhẫn, đạo thí trí nhẫn. Nên nói là kiến.

*

Thế nào là đức (Đắc)? Đạt được pháp là đắc.

Thế nào là không có tư tưởng, tư duy (Đẳng chí vô tưởng)? Là đã lìa dục của cõi Biến tịnh (Nhất thiết tịnh), chưa lìa dục của cõi trên, do tác ý của tưởng xuất ly nên trước hết lấy tâm tâm pháp diệt làm tánh. Đó gọi là không có tư tưởng tư duy.

Thế nào là diệt tư duy (Định diệt tận)? Là đã lìa dục của vô sở hữu xứ, do ngừng dứt tác ý của tưởng là trước hết, lấy tâm tâm pháp diệt làm tánh. Đó gọi là diệt tư duy.

Thế nào là không tư tưởng (Vô tưởng sở hữu)? Là các chúng sinh sinh nơi trời Vô tưởng, lấy tâm tâm pháp diệt làm tánh. Đó gọi là không tư tưởng.

Thế nào là niệm căn (mạng căn)? Là thọ mạng trong ba cõi.

Thế nào là hội (Chúng đồng phần)? Là con người đồng cư ngụ.

Thế nào là đắc xứ? Là đồng quận, huyện (Được các cảnh).

Thế nào là đắc chủng? Là được năm ấm.

Thế nào là đắc nhập? Là được các nhập trong ngoài.

Thế nào là sinh? Là ấm thành tựu.

Thế nào là lão? Là ấm chín muồi.

Thế nào là chỉ hành (Trụ)? Là các hành hiện có, không hoại.

Thế nào là vô thường? Là đã sinh lại mất.

Thế nào là danh tự? Là nhận biết, phân biệt.

Thế nào là tuyệt? Là câu chữ đã đầy đủ.

Thế nào là chánh dụng? Là các chữ hợp lại.

Thế nào là không? Là hư không, không có gì, không có chướng ngại, không có sắc.

Thế nào là tận còn chưa lìa? Là đã hết, không còn nữa, không còn hệ thuộc.

Thế nào là tận? Là vô vi vượt qua thế gian.

Đó gọi là năm pháp.

HẾT