SỐ 1555/2
LUẬN NGŨ SỰ TỲ BÀ SA
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm thứ 1: PHÂN BIỆT SẮC, phần 1

Kính lạy Phật, Pháp, Tăng

Con nay theo sức mình

Muốn nơi biển Đối pháp

Chọn ít nghĩa chân thật.

Xót thương các đệ tử

Giải thích hay sinh tuệ

Luận năm sự diệt ngu

Khiến mở bày hiểu rõ.

Tôn giả Thế Hữu vì nhằm đem lại lợi ích cho hữu tình, nên tạo ra ra Luận Ngũ Sự, con nay sẽ giải thích:

Hỏi: Giải thích Luận Ngũ Sự này để làm gì?

Đáp: Vì muốn mở bày nghĩa sâu ẩn. Nếu chưa mở bày nghĩa sâu ẩn này thì khác nào như có “Kho báu nơi lòng đất” chưa khai phát, khiến thế gian không thể hoan hỷ thọ dụng. Nếu nghĩa sâu ẩn này được mở bày, tức như có “Kho báu nơi lòng đất” lúc đã được khai phát, thế gian liền có thể hoan hỷ thọ dụng.

Lại, như mặt trời, mặt trăng tuy có đủ ánh sáng uy nghi, nhưng lúc bị mây v.v… che khuất, tức không được chiếu rõ. Nếu trừ bỏ các thứ ngăn che kia, thì sự việc chiếu sáng liền thành. Văn từ của Bản Luận này nên biết cũng như vậy. Tuy đã lược biện về vô số thắng nghĩa, nhưng nếu không giải thích rộng, thì không sáng tỏ. Vì khiến được sáng tỏ, nên tôi sẽ giải thích.

Hỏi: Đã biết cần phải giải thích nhân của Luận Ngũ Sự. Vậy do đâu Tôn giả tạo ra Luận này?

Đáp: Do có đệ tử lo sợ do phải nghe giữ rộng. Vì muốn khiến dựa vào sự tóm lược để hiểu biết về tự tướng, cộng tướng. Nghĩa là Tôn giả kia thường khởi suy nghĩ: Làm thế nào để khiến các đệ tử v.v… đối với tự tướng và cộng tướng của tất cả pháp nên nương dựa nơi văn tóm lược để hiểu biết rõ. Vì hiểu biết rõ, dụ như núi Kim Cang, các thứ gió ác kiến không thể làm nghiêng động. Nếu không hiểu biết rõ thì như hoa cỏ lau bị gió ác kiến thổi rạp. Các thứ gió ấy thổi xoáy tung trong khoảng không do dự. Như vậy, vì muốn khiến các đệ tử khởi sự hiểu biết vững chắc, nên tạo ra Luận này.

Hỏi: Thế nào là tự tướng, cộng tướng của các pháp?

Đáp: Các thứ cứng chắc, ẩm ướt, ấm nóng v.v… là tự tướng của các pháp. Vô thường, khổ v.v… là cộng tướng của các pháp. Thế gian này tuy ở nơi tự tướng của các pháp có thể nhận biết, nhưng đối với cộng tướng thì đều không thể nhận biết. Như vậy, vì muốn khiến các chúng đệ tử đối với pháp của hai tướng có thể nhận biết như thật, nên tạo ra Luận này.

Hỏi: Đã biết duyên cớ cần tạo Luận Ngũ Sự, vậy vì sao Luận này lại gọi là Luận Ngũ Sự?

Đáp: Do trong Luận này phân biệt về năm sự việc, thế nên luận được mang tên là Luận Ngũ Sự. Tức là dựa vào nghĩa của xứ có thể sinh sự việc, không khác.

Các Đại Luận sư của A-tỳ-đạt-ma đều nói như vầy: Sự có năm thứ: (1) Sự tự tánh. (2) Sự đối tượng duyên. (3) Sự trói buộc. (4) Sự đối tượng nhân. (5) Sự thâu nhận. Nên biết, ở đây chỉ nói đến Sự tự tánh.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói có năm pháp?

Đáp: Vì nghĩa của sự so với pháp cũng không khác.

Hỏi: Vì sao Luận này chỉ biện về năm pháp?

Đáp: Có thuyết nói: Câu hỏi này là phi lý, vì hoặc giảm hoặc tăng đều cùng có vấn nạn.

Có thuyết cho: Luận này lược hiển bày về thể loại có sai biệt của các pháp không cùng tạp loạn để gồm thâu tất cả pháp, nên chỉ nói năm. Nếu gồm chung nơi năm để lập tên một pháp, thì tuy là lược nói gồm thâu hết các pháp, nhưng không thể làm sáng tỏ về thể loại có sai biệt của năm pháp như tâm v.v… khiến không cùng lẫn lộn

Nếu nói hữu lậu, vô lậu là hai, thì hữu học, vô học không phải là hai mà là ba. Cõi dục, sắc, vô sắc cùng không hệ thuộc là bốn, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Há không nêu ra tên gọi tức nhận biết có năm. Vì sao phần đầu của luận trước hết là nêu số năm?

Đáp: Như sợi chỉ xâu buộc hoa, vì để dễ mang giữ. Nghĩa là như dùng sợi chỉ xâu suốt các hoa, có thể dễ cầm nắm, dễ tổ điểm cho đầu và thân. Như vậy, về nghĩa số hoa được kết liền với nhau, có thể cầm nắm dễ dàng, là dễ trang nghiêm nơi tâm tuệ. Hoặc trước nêu rõ về số lượng, sau liệt kê về danh, là theo nghi thức cũ của người tạo luận. Nên biết nghĩa của tiếng pháp có nhiều thứ. Nghĩa là: Hoặc có xứ cho điều giảng nói gọi là pháp. Như Khế kinh nói: “Ông nên lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông giảng nói rộng về pháp diệu”.

Hoặc lại có nơi nói công đức gọi là pháp. Như Khế kinh nói: “Bí-sô nên biết! Pháp là chánh kiến, tà kiến không phải là pháp”.

Hoặc còn có chỗ cho vô ngã gọi là pháp. Như Khế kinh nói: “Các pháp vô ngã”. Nên biết ở đây vô ngã gọi là pháp. Pháp nghĩa là có thể giữ gìn, hoặc có thể nuôi lớn. Có thể giữ gìn là đối với mình. Nuôi lớn là đối với người khác.

Hỏi: Vì sao trong Luận này trước hết là biện về sắc pháp?

Đáp: Vì trong tất cả pháp sắc là rất thô, vì là cảnh nơi đối tượng duyên của tất cả thức, vì là môn cần thiết cho người mới đi vào pháp Phật. Nghĩa là người nhập pháp Phật có hai môn cam lộ: (1) Quán bất tịnh. (2) Trì tức niệm (Quán sổ tức). Người dựa nơi Quán bất tịnh để vào pháp Phật thì quán sắc là đối tượng được tạo. Kẻ dựa vào Trì tức niệm để nhập pháp Phật thì quán gió là chủ thể tạo.

Hỏi: Vì dựa vào nghĩa nào nên nói là sắc?

Đáp: Lần lượt chứa nhóm, lần lượt tan hoại, gieo trồng sinh trưởng, oán thân hội ngộ, có thể hoại, có thể thành, đều là nghĩa của sắc. Đức Phật nói về biến hoại nên gọi là sắc. Biến hoại tức là nghĩa có thể não loạn hủy hoại.

Có thuyết nói: Do biến đổi, gây trở ngại nên gọi là sắc.

Hỏi: Cực vi vô biểu trong quá khứ, vị lai đều không có biến đổi, gây trở ngại, tức nên không gọi là sắc?

Đáp: Cực vi ấy cũng là sắc, vì có được tướng sắc. Các sắc ở quá khứ tuy không có biến đổi, gây trở ngại, nhưng chúng đã từng biến đổi, gây trở ngại, nên lập tên sắc. Các sắc ở vị lai tuy chưa biến đổi, gây trở ngại, nhưng chúng sẽ biến đổi, gây trở ngại, nên cũng lập tên sắc. Như mắt ở quá khứ, vị lai, tuy không thể thấy, nhưng là đã từng thấy, sẽ thấy, nên lập tên mắt. Vì được tướng kia nên ở đây cũng như vậy. Mỗi mỗi cực vi tuy không có biến đổi, gây trở ngại, nhưng có thể tích tập nên nghĩa biến đổi, gây trở ngại là thành. Các vô biểu sắc tuy không có biến đổi, gây trở ngại, nhưng vì tùy theo đối tượng nương dựa, nên được tên là biến đổi, gây trở ngại.

Đối tượng nương dựa là gì? Là bốn đại chủng. Do bốn đại chủng kia biến đổi, gây trở ngại, nên vô biểu của chúng gọi là sắc. Như lúc thân cây lay động, thì bóng cây cũng lay động theo. Hoặc theo phần nhiều, như gọi là đoạn thực. Hoặc biểu hiện về nội tâm, nên gọi là sắc. Hoặc biểu hiện về nghiệp trước, nên lập tên sắc.

Thế nào là sắc?

Hỏi: Vì sao Tôn giả lại nói lên lời này?

Đáp: Vì trước đã nói tóm tắt, nay là muốn biện luận rộng. Hoặc là sắc có thấy có đối, hoặc là sắc không thấy có đối, hoặc là sắc không thấy không đối, gồm thâu chung gọi là các sắc hiện có.

Nói tất cả, nghĩa là những sắc này đã gồm thâu toàn bộ các sắc.

Bốn đại chủng:

Hỏi: Vì sao đại chủng chỉ có bốn?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Câu hỏi này là phi lý, vì nếu có giảm hoặc tăng đều cùng có nghi vấn. Ở đây do không trái với pháp trướng, nên nói bốn là không lỗi.

Có thuyết cho: Vì nhằm ngăn chận ngoại đạo nói đại chủng có năm, nên chỉ nói bốn thứ, vì ngoại đạo kia cho hư không cũng là đại chủng.

Hỏi: Vì sao hư không không gọi là đại chủng?

Đáp: Vì hư không không có tướng của đại chủng. Nghĩa là hư không là đại, không phải là chủng, do là pháp thường trụ, không có tạo tác.

Đại đức Diệu Âm cũng nói như vầy: Hư không và đại chủng về tướng của chúng đều khác. Hư không tuy là đại, nhưng thể không phải là chủng. Lại, các đại chủng nếu có thể tạo thành thân thì đa số là thuộc về dị thục nơi nghiệp của hữu tình. Hư không không có tướng dị thục của nghiệp kia. Thế nên hư không nhất định không phải là đại chủng.

Hỏi: Đã nói về đại chủng, vậy thế nào là nghĩa của đại chủng?

Đáp: Vì cũng là chủng, cũng là đại, nên gọi là đại chủng. Như thế gian nói đại địa, đại vương.

Hỏi: Ở đây đã nói về chủng là nghĩa gì?

Đáp: Là có thể tích tập nhiều, có thể gây chướng ngại lớn. Là có thể hành tác sự việc lớn, nên gọi là chủng.

Hỏi: Bốn đại chủng này đã hành tác những sự việc gì?

Đáp: Bốn đại chủng này có thể tạo nên các sắc được tạo. Nghĩa là dựa vào các sắc tích tập của bốn đại, sắc chướng ngại lớn đều được sinh trưởng, như vậy gọi là sự việc đã hành tác của đại chủng.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của tạo? Là nhân hay là duyên? Nếu là nghĩa của nhân, thì bốn đại chủng này đối với năm nhân của sắc được tạo đều không có. Vậy làm sao có thể nói sự tạo tác kia là nghĩa của nhân? Nếu là nghĩa của duyên, thì các sắc được tạo, trừ pháp của mình, pháp còn lại đều là tăng thượng duyên. Đây tức là không hợp lý, vì chỉ có bốn đại chủng là có thể tạo?

Đáp: Có thuyết nói: Tạo ra là nghĩa của nhân. Tuy bốn đại chủng đối với sắc được tạo không có nghĩa của năm thứ nhân như tương ưng v.v…, nhưng lại có riêng năm nhân như sinh v.v…, tức là sinh, nương, lập, trì, dưỡng.

Lại có thuyết cho: Tạo ra là nghĩa của duyên. Tuy sắc được tạo, trừ tự tánh của nó, tất cả các pháp khác đều là tăng thượng duyên, nhưng bốn đại chủng là tăng thượng duyên gần của sắc được tạo, không phải pháp khác. Như nói sắc của mắt là duyên của nhãn thức. Ở kia nói thắng duyên đây cũng nên như vậy.

Hỏi: Từng có là sắc không phải là bốn đại chủng, cũng không phải là sắc được tạo của  bốn đại chủng chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là một, hoặc hai, hoặc ba đại chủng. Vì một, hai, ba này không gọi là bốn. Lại, các đại chủng không phải là đối tượng được tạo.

Hỏi: Vì sao đại chủng không phải là đối tượng được tạo?

Đáp: Vì tướng của sắc nhân sắc quả đều khác nhau. Hoặc các đại chủng nếu thuộc về đối tượng được tạo, là bốn tạo một hay là ba tạo một? Nếu các đại chủng, bốn có thể tạo một, thì đất v.v… cũng nên trở lại tạo ra đất v.v… Tức là các pháp nên đợi tự tánh. Nhưng tất cả pháp không đợi tự tánh, chỉ dựa nơi duyên khác mà có tác dụng. Nếu các đại chủng, ba có thể tạo một, thì số lượng nhân đã thiếu, nên không thể tạo được. Như nhân của sắc được tạo tất phải đủ bốn.

Hỏi: Đã nhận biết rõ chung về đại chủng và đối tượng được tạo. Lại muốn nghe về tướng riêng của hai thứ này. Những gì là đại chủng? Tướng của chúng thế nào?

Đáp: Giới của đất v.v… gọi là đại chủng. Tánh cứng chắc v.v… là tướng của chúng.

Hỏi: Nếu tánh cứng chắc v.v… là tướng của đất v.v… thì đối tượng tướng và chủ thể tướng há không thành một chăng?

Đáp: Nếu như đấy thành một thì cũng không có lỗi. Vì vậy Tỳbà-sa nói như vầy: Tự tánh, ngã, vật, tướng, bản tánh v.v… về danh ngôn tuy khác nhưng về nghĩa thì không khác. Nên không thể nói các pháp lìa tự tánh mà có tướng. Như nói: Niết-bàn tịch tĩnh là tướng, tức không phải lìa tịch tĩnh mà có riêng Niết-bàn. Đây cũng nên như vậy. Vì thế không có lỗi. Ở đây nói tánh cứng chắc tức là thể cứng chắc của phần cứng chắc, là căn cứ theo chủng loại mà nói. Tánh cứng chắc là giới đất, nhưng tánh cứng chắc này có vô biên sai biệt. Nghĩa là trong nội pháp thì móng, tóc v.v… là khác. Nơi pháp bên ngoài thì có đồng, thiếc v.v… là khác. Lại, trong nội pháp thì tánh cứng chắc của tay, chân v.v… là khác. Pháp bên ngoài cũng như vậy, nên tánh cứng chắc là vô biên.

Hỏi: Nếu như vậy, tánh cứng chắc tức nên thuộc về cộng tướng, vì sao nói là tự tướng của đất v.v…?

Đáp: Tánh cứng chắc tuy có nhiều, nhưng là biểu hiện chung. Như đất có nhiều biến đổi, ngăn ngại, nhưng biểu hiện chung là sắc uẩn. Do đối tượng biểu hiện đã là một nên không phải là cộng tướng.

Có thuyết nói: Tánh cứng chắc gồm thâu chung hai tướng nhưng quán ba đại chủng tức thành tự tướng. Nếu quán về loại cứng chắc, có trong ngoài cùng vô biên sai biệt, lại thành cộng tướng. Như tánh biến đổi gây trở ngại gồm thâu chung hai tướng, nhưng quán bốn uẩn còn lại tức thành tự tướng. Nếu quán về tánh của sắc mười một thứ phẩm loại sai biệt lại thành cộng tướng. Lại như khổ đế, tướng của nó là bức bách, nhưng khi quán ba đế thì tướng ấy thành tự tướng. Nếu quán năm uẩn hữu lậu có sai biệt, tức tướng bức bách này lại thành cộng tướng. Vì tánh cứng chắc cũng vậy nên chung cho hai thứ.

Hỏi: Nếu như thế thì làm sao kiến lập tự tướng, cộng tướng riêng biệt không cùng tạp loạn?

Đáp: Do quán đãi nên không có lỗi tạp loạn. Nghĩa là nếu quán kia lập làm tự tướng, thì chưa từng quán kia để lập làm cộng tướng. Nếu lại quán đây lập làm cộng tướng, thì chưa từng quán đây để lập làm tự tướng. Cho nên tự tướng, cộng tướng theo quán đãi để lập.

Hỏi: Đã nhận biết tướng của đại chủng đều có khác. Vậy đại chủng tạo nghiệp thì khác nhau như thế nào?

Đáp: Giới đất có thể gìn giữ hai loại đi đứng khiến không té ngã. Giới nước có thể gồm thâu những sự việc trái nhau của tánh khiến không lìa tan. Giới lửa có thể nung chín những loại vật không chín khiến không hư nát. Giới gió có thể khiến các vật được tăng trưởng, hoặc lại lưu dẫn. Đó gọi là các đại chủng đều riêng khác về tạo nghiệp.

Hỏi: Đất, nước, lửa, gió đều có hai tánh: Nghĩa là tánh cứng chắc và tánh thuộc về sắc. Vì sao một pháp được có hai tướng?

Đáp: Một pháp có nhiều tướng, điều này đâu có lỗi gì? Như Khế kinh nói: Mỗi mỗi thủ uẩn có vô lượng thứ tướng như bình v.v… Hoặc tánh cứng chắc v.v… là thuộc về tự tướng của giới đất. Trong đó, tánh của sắc là thuộc về cộng tướng của giới đất v.v… Nên ở một pháp có hai thứ tướng: (1) Tự tướng. (2) Cộng tướng, cũng không trái lý.

Hỏi: Như vậy bốn giới có thể cùng lìa nhau chăng?

Đáp: Bốn giới này lần lượt định rõ không cùng lìa nhau. Làm sao nhận biết được? Vì như Khế kinh đã nói. Kinh Nhập Thai viết: Lúc yết-lạt-lam, nếu có giới đất không có giới nước, thì tánh của nó sẽ khô ráo, tức nên phân tán. Đã không phân tán nên biết nhất định có giới nước, có thể gồm thâu.

Nếu có giới nước không có giới đất, thì tánh của nó là tan hòa, tức nên trôi chảy hết. Đã không trôi chảy hết nên biết nhất định có giới đất có thể gìn giữ.

Nếu có giới nước không có giới lửa, thì tánh của nó là nhuần ướt, tức nên hư nát. Đã không hư nát nên biết nhất định có giới lửa có thể nung chín.

Nếu có giới lửa không có giới gió, thì tánh của nó tức nên không có nghĩa tăng trưởng. Đã tăng trưởng dần nên biết nhất định có giới gió làm lay động.

Hỏi: Nếu như vậy theo Khế kinh nói phải làm sao thông hợp? Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Ở trong thân này, giới lửa nếu phát ra, hoặc tức khiến xả bỏ mạng, hoặc sinh khổ cận tử.

Đáp: Kinh ấy dựa vào sự tăng thạnh, không tăng thạnh để nói, không nói Thể của lửa trong thân vốn không.

Hỏi: Giới đất với đất có gì khác nhau?

Đáp: Giới đất là tánh cứng chắc, còn đất là hình tướng được hiển bày. Giới đất là chủ thể tạo, còn đất là đối tượng được tạo. Giới đất là xúc xứ, do thân thức nhận biết, còn đất là sắc xứ, do nhãn thức nhận biết. Đó là giới đất và đất có sai biệt. Nước, lửa, gió, hoặc giới nước, giới lửa, giới gió cũng như thế.

Hỏi: Đã nhận biết rõ đủ tướng của bốn đại chủng: Cứng chắc, ẩm ướt, ấm nóng, lay động, đều lần lượt trái nhau. Như bốn rắn độc cùng ở trong một chiếc hòm nhỏ, ví như thân. Lại muốn hỏi về tướng của sắc được tạo kia, vậy những gì gọi là sắc do chúng tạo ra?

Đáp: Sắc được tạo kia là nhãn căn v.v… Vì nhãn tức căn, nên gọi là nhãn căn. Như nói hoa sen xanh. Các căn khác cũng như vậy.

Hỏi: Năm thứ như nhãn v.v… cũng thuộc về giới, xứ, vì sao trong đây chỉ nói về căn?

Đáp: Vì muốn phân biệt về ngoại cảnh như sắc v.v… Nghĩa là nếu nói giới, xứ là nhãn v.v… thì nghĩa của căn có sai biệt, thật khó nhận biết, thế nên trong đây chỉ nói riêng về căn. Đó tức chỉ rõ trong sắc được tạo, bên trong gọi là căn, bên ngoài gọi là nghĩa của căn.

Hỏi: Trong đây đã nói về căn. Vậy nghĩa của căn là thế nào?

Đáp: Tăng thượng, hơn hết, hiện thấy, sáng rõ, vui quán vi diệu đều là nghĩa của căn.

Hỏi: Nếu nghĩa tăng thượng là nghĩa của căn, thì các pháp hữu vi lần lượt tăng thượng, vô vi cũng là hữu vi tăng thượng, tức tất cả pháp đều nên là căn chăng?

Đáp: Vì dựa vào sự vượt hơn để lập căn, nên không có lỗi này. Nghĩa là tăng thượng duyên có hơn có kém, nên biết phần vượt hơn được kiến lập làm căn.

Hỏi: Căn nào ở đâu, có bao nhiêu tăng thượng?

Đáp: Trong năm căn, mỗi căn đều có bốn sự tăng thượng: (1) Trang nghiêm thân. (2) Dẫn dắt nuôi sống thân. (3) Sinh khởi thức v.v… (4) Sự việc không chung.

Trước, biện biệt về nhãn căn: Trang nghiêm thân: Nghĩa là thân tuy có đủ các phần căn khác, nếu thiếu nhãn căn thì trở nên xấu xí.

Dẫn dắt nuôi sống thân: Nghĩa là mắt có thể trông thấy các sắc an nguy để tránh nguy theo an, khiến thân trụ lâu.

Sinh khởi thức v.v…: Nghĩa là dựa vào nhãn căn thì tất cả nhãn thức và pháp tương ưng đều được sinh khởi.

Sự việc không chung: Nghĩa là tác dụng trông thấy sắc, chỉ thuộc về nhãn căn. Hai mươi mốt căn khác không có tác dụng này.

Tiếp theo là biện về nhĩ căn: Trang nghiêm thân: Nghĩa là kẻ tai điếc thì không đáng yêu thích.

Dẫn dắt nuôi sống thân: Nghĩa là tai có thể nghe tiếng tốt xấu để tránh xấu theo tốt, khiến thân trụ lâu.

Sinh khởi thức v.v…: Nghĩa là dựa vào nhĩ căn, tất cả nhĩ thức và các pháp tương ưng đều được sinh khởi.

Sự việc không chung: Nghĩa là tác dụng nghe tiếng chỉ thuộc về nhĩ căn. Hai mươi mốt căn khác không có tác dụng này.

Tỷ, thiệt, thân căn, về trang nghiêm thân như nói về nhãn, nhĩ căn.

Dẫn dắt nuôi sống thân: Nghĩa là ba căn này thọ dụng đoạn thực, khiến thân trụ lâu.

Sinh khởi thức v.v…: Nghĩa là dựa vào ba căn thì tỷ, thiệt, thân thức và các pháp tương ưng đều được sinh khởi.

Sự việc không chung: Nghĩa là tác dụng ngửi, nếm, nhận biết về hương, vị tiếp xúc thuộc về tỷ, thiệt, thân căn, không phải căn khác.

Hỏi: Năm căn như vậy có những đức tốt đẹp nào? Cái gì là tự tánh? Nghiệp dụng như thế nào?

Đáp:: Đức của nhãn căn: Nghĩa là cùng với nhãn thức và pháp tương ưng của nó làm chỗ dựa. Tự tánh của nhãn căn tức là sắc tịnh. Có thể trông thấy các sắc là nghiệp dụng của nhãn. Ba sự việc của bốn căn kia giống như nhãn, nên biết. Trong đây lại nói có nghiệp dụng nơi căn, không phải tất cả căn là chỗ nương dựa của thức. Vì sắc này lắng sạch, nên gọi là sắc tịnh. Hoặc lại trong đây cùng với nhãn thức v.v… làm chỗ nương dựa. Là làm sáng tỏ về chỗ đồng phận nơi căn. Nói sắc tịnh là làm rõ về bỉ đồng phận.

Hỏi: Thế nào là đồng phận và bỉ đồng phận nơi căn? Hai thứ như vậy đều gọi là mắt thì đâu có khác gì nhau?

Đáp: Căn có nghiệp dụng gọi là đồng phận. Căn không có nghiệp dụng gọi là bỉ đồng phận. Như có thể trông thấy sắc gọi là mắt đồng phận, không trông thấy sắc gọi là bỉ đồng phận.

Sự khác nhau của bỉ đồng phận nơi mắt có bốn thứ: (1) Có mắt của bỉ đồng phận trong quá khứ: Nghĩa là không thể trông thấy các sắc đã diệt. (2) Có mắt của bỉ đồng phận trong hiện tại: Nghĩa là không thể trông thấy các sắc hiện nay đã diệt. (3) Có mắt của bỉ đồng phận ở vị lai: Nghĩa là không thể trông thấy các sắc sẽ diệt. (4) Có mắt ở vị lai nhất định không sinh.

Mắt đồng phận có sai biệt chỉ có ba thứ. Nghĩa là trừ mắt ở vị lai nhất định không sinh. Bốn căn như nhĩ căn v.v… như nhãn căn nên  biết. Hoặc lại có năm thức đều có hai chỗ dựa: (1) Đều cùng thời sinh. Nghĩa là năm căn như nhãn v.v… (2) Là vô gián diệt: Nghĩa là ý căn. Chỉ nói thức dựa nơi ý dồi dào vô gián. Song nói năm thể của sắc tịnh nên đồng. Do vậy nói sắc tịnh là để phân biệt về ý vô gián. Cùng với thức như nhãn v.v… là nói về đối tượng nương dựa. Hiển bày về căn như nhãn v.v… có sai biệt có năm. Do đấy, nên nói đối tượng nương dựa của năm thức cùng với đẳng vô gián duyên khác nhau đều có bốn trường hợp: Các căn như nhãn v.v… cùng sinh là trường hợp thứ nhất. Tâm sở vô gián diệt là trường hợp thứ hai. Tâm vô gián diệt là trường hợp thứ ba. Trừ các thứ đã nêu trước, pháp còn lại là trường hợp thứ tư.

Hỏi: Cái gì có thể trông thấy sắc? Là nhãn căn trông thấy hay là nhãn thức trông thấy? Là tuệ cùng với nhãn thức tương ưng trông thấy sắc hay là tâm tâm sở hòa hợp nên trông thấy?

Đáp: Về chỗ nghi của ông, tất cả đều có lỗi. Nếu nhãn căn trông thấy, thì lúc thức khác hoạt động tức nên không thấy sắc, sao không cùng nhận lấy tất cả cảnh?

Nếu nhãn thức trông thấy, các thức chỉ lấy sự phân biệt nhận biết làm tướng, không phải thấy làm tướng, há có thể trông thấy sắc? Nếu tuệ cùng với nhãn thức tương ưng mà thấy, tức nên thừa nhận tuệ tương ưng với nhĩ thức mà nghe. Tuệ kia đã không phải nghe thì tuệ đây làm sao trông thấy? Nếu tâm, tâm sở hòa hợp nên có thể trông thấy, thì các tâm, tâm sở hòa hợp không nhất định. Nghĩa là nhãn thức thiện cùng với hai mươi hai tâm sở tương ưng. Nhãn thức bất thiện cùng với hai mươi mốt tâm sở tương ưng. Nhãn thức hữu phú vô ký cùng với mười tám tâm sở tương ưng. Nhãn thức vô phú vô ký cùng với mười hai tâm sở tương ưng.

Đã không quyết định thì làm sao hòa hợp được? Đáp: Nhãn căn có thể trông thấy, nhưng phải hợp với phần vị của nhãn thức, không phải thức khác. Ví như nhãn thức có tác dụng phân biệt nhận biết sắc là do dựa nơi mắt mới có. Lại, như thọ v.v… có tác dụng lãnh nạp v.v… tất dựa nơi tâm. Ở đây cũng nên như vậy. Do lý sâu xa này, nên lúc thức khác hoạt động, mắt đã nhận thức về khoảng không, không thể trông thấy sắc, cũng không cùng nhận lấy tất cả cảnh mất mát, do trong một sự nối tiếp nhau không có hai tâm chuyển.

Hỏi: Vì sao có đủ sáu đối tượng nương dựa, đối tượng duyên, nhưng trong một sự nối tiếp lại không có sáu thức cùng chuyển?

Đáp: Vì đẳng vô gián duyên chỉ có một. Lại có nghĩa khác: Nếu nhãn thức trông thấy, thì cái gì lại có thể nhận thức (Thức)? Nếu tuệ trông thấy thì cái gì lại có thể nhận biết (Tri)? Nếu tâm, tâm sở hòa hợp có thể trông thấy thì mỗi mỗi nghiệp dụng của các pháp không đồng. Ở đây nhất định không có nghĩa hòa hợp mà thấy. Lại tức nên trong một thể có hai tác dụng, tức thừa nhận có tác dụng có thể trông thấy và lãnh nạp v.v…

Lại có nghĩa khác. Nếu thức trông thấy: Vì thức không có đối tức nên có thể trông thấy sẽ bị các sắc gây trở ngại. Tuệ và sự hòa hợp nên biết cũng như vậy. Thế nên nhãn căn được gọi riêng là thể thấy.

Hỏi: Đã nhận biết tác dụng của thấy chỉ thuộc về nhãn căn, vậy lúc mắt thấy sắc là hai hay là một?

Đáp: Sự việc này không quyết định. Nếu lúc mở hai mắt nhìn các sắc, thì hai mắt đều cùng thấy. Lúc một mắt mở, một mắt che lại, tức ở trước mặt trông thấy hai mặt trăng v.v… Nếu nhắm một mắt, che một mắt, thì sự việc tức không. Thế nên lúc có cả hai mắt đều cùng trông thấy.

Lại nữa, Luận Phát Trí nói về nhân đều cùng trông thấy. Nghĩa là lúc mở hai mắt thì trông thấy phân minh v.v… Hai tai, hai mũi, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Vì sao hai mắt, hai tai, hai mũi, tuy đều là hai nơi nhưng chỉ lập một căn?

Đáp: Hai vị trí như mắt v.v… nhưng về thể loại chỉ có một. Vì hai cảnh của đối tượng nhận lấy thuộc về một giới. Hai chủ thể nương dựa nơi thức chỉ thuộc về một thức. Lại, cả hai đều cùng thời là chủ thể nhận lấy cảnh, nên tuy có hai xứ nhưng chỉ lập một căn. Như nữ căn, nam căn, tức thuộc về thân căn, thế nên ở đây không lập riêng căn. Cực vi của nhãn căn hiện bày khắp trên tròng mắt, đối nơi cảnh mà trụ như hoa Hương lăng. Cực vi của nhĩ căn ở bên trong lỗ tai xoay vòng mà đứng như cuộn vỏ cây hoa. Cực vi của tỷ căn ở trong sống mũi xoay trên, hướng dưới như hai móng tay. Cực vi của thiệt căn ở khắp trên lưỡi hình như bán nguyệt, nhưng ở trong lưỡi có lượng như lông, tóc, không có cực vi của thiệt căn. Cực vi của thân căn ở khắp nơi các phần thân.

HẾT – QUYỂN THƯỢNG

Pages: 1 2