SỐ 1553/2
LUẬN A TỲ ĐÀM CAM LỘ VỊ
Tác giả: Tôn giả Cù Sa (Diệu Âm)
Hán dịch: Dịch vào đời Tào Ngụy (Mất tên người dịch)
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ.

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm thứ 1: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI

Hỏi: Thế nào là bố thí?

Đáp: Tự đem của cải, vật dụng để cho, vì ba thứ tức vì mình, vì người khác, vì cả hai. Cúng dường tháp, chùa, Phật, Phật-bích-chi và A-la-hán, là vì mình thí cho chúng sinh, vì người nên bố thí cho người, cũng là vì cả hai. Ý nghĩ, ruộng vườn, tài vật tốt đẹp, được báo tốt đẹp.

Hỏi: Thế nào là ý nghĩ tốt đẹp?

Đáp: Cúng dường cùng với tâm tin tịnh.

Hỏi: Thế nào là ruộng tốt đẹp?

Đáp: Có ba thứ ruộng: (1) Ruộng có đức lớn. (2) Ruộng có nghèo khổ. (3) Ruộng có đức lớn và nghèo khổ.

Hỏi: Thế nào là ruộng có đức lớn?

Đáp: Là Đức Phật, Bồ-tát, Phật-bích-chi, A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm và Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Thế nào là ruộng có nghèo khổ?

Đáp: Là súc sinh, kẻ già bệnh, đui, điếc, câm, ngọng. Tức có vô số thứ nghèo khổ  như vậy.

Hỏi: Thế nào là ruộng có đức lớn và nghèo khổ?

Đáp: Là gồm cả hai loại trên.

Đối với ruộng có đức lớn, nếu cúng dường bố thí với tâm cung kính thì được báo lớn. Đối với ruộng có nghèo khổ, nếu cúng dường bố thí với tâm thương xót thì được báo lớn. Đối với ruộng có đức lớn và nghèo khổ, nếu cúng dường bố thí với tâm cung kính, thương xót thì được báo lớn. Đó gọi là ruộng phước tốt đẹp.

Hỏi: Thế nào là vật tốt đẹp?

Đáp: Không giết hại người khác, không trộm cắp, không cướp đoạt, không trói buộc, không đánh đập, không khinh thường người khác, không lừa dối. Đem vật trong sạch tùy theo số lượng nhiều ít bố thí đúng lúc. Đó gọi là vật tốt đẹp.

Hỏi: Thế nào là tin?

Đáp: Là nhận biết quả đời sau. Nếu là Niết-bàn thì nhất tâm không động. Đó gọi là tin tịnh.

Hỏi: Thế nào là tự trừ bỏ tham lam, keo kiệt?

Đáp: Là cung kính người. Đó gọi là cúng dường thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là phụng sự, đón tiếp, lễ bái?

Đáp: Tự tay thí cho v.v… Đó gọi là cúng dường.

Hỏi: Thế nào là ruộng khác?

Đáp: Các công đức như làm việc thiện, giữ giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, được quả v.v… Nếu có được như thế đó gọi là ruộng khác.

Cứu giúp những trường hợp tai ách khác, những thứ khổ khác, khiến họ không còn khổ, phát tâm cung cấp, thì được quả báo vi diệu. Bố thí cho Phật, tức thì tất cả đều được phước. Bố thí chúng Tăng, nếu được thọ dụng thì được tất cả phước, nếu chưa thọ dụng thì không được tất cả phước. Do cúng dường pháp nên được báo lớn. Nếu người học thông sáng, trí tuệ lớn, đem pháp cúng dường thì đó là cúng dường pháp. Người bố thí thì được giàu có. Người thọ nhận của bố thí tức được các công đức như an vui, sức khỏe, sống lâu v.v… Diệt trừ kiết thì được quả báo lớn hơn. Nếu thí cho súc sinh thì thọ nhận báo trăm đời. Nếu thí cho kẻ bất thiện thì thọ nhận báo ngàn đời. Nếu thí cho người thiện thì thọ nhận báo ngàn vạn đời. Nếu thí cho phàm phu lìa dục thì được thọ nhận báo trong ngàn vạn ức đời. Nếu thí cho người đắc đạo thì thọ nhận báo vô số đời. Nếu cúng dường cho Phật thì được thọ nhận báo cho đến đắc Niết-bàn.

Bố thí có sáu thứ nạn: (1) Bố thí với tâm kiêu mạn. (2) Bố thí vì cầu danh. (3) Bố thí vì uy lực. (4) Bố thí vì ép buộc. (5) Bố thí có điều kiện. (6) Bố thí nhằm mong cầu được báo. Đó gọi là sáu thứ nạn của bố thí.

Hỏi: Thế nào là giữ giới?

Đáp: Có hai thứ luật nghi: Luật nghi bất thiện và luật nghi thiện.

Hỏi: Thế nào là luật nghi bất thiện?

Đáp: Nghĩa là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đó gọi là ba thứ luật nghi ác của thân. Nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, đó gọi là bốn thứ luật nghi ác của miệng. Tham lam, giận dữ, tà ác, đó gọi là ba thứ luật nghi ác của ý.

Hỏi: Thế nào là sát sinh?

Đáp: Có sự sống của người khác, nhận biết là sự sống của người khác, nhưng cố tình cướp đoạt mạng sống, như vậy là sát sinh. Có vật thọ dụng của người khác, nhận biết là vật thọ dụng của người khác, nhưng vẫn cố ý trộm cắp, cướp đoạt, như vậy là trộm cắp. Có phụ nữ là sở hữu của người khác, nhận biết như vậy, nhưng cố ý muốn cùng hành dâm với họ, hoặc đúng chỗ hoặc không đúng chỗ. Tự có vợ nhưng quan hệ không đúng lúc đúng chỗ, như vậy là tà dâm.

Nếu biết nói là không biết, không biết nói là biết, nếu nghi nói là không nghi, không nghi nói là nghi, đó gọi là nói dối. Nếu có thật ý muốn chia cách nhưng nói khác đi, đó gọi là nói hai lưỡi. Vì tâm nhiễm ô, đối với người khác nói lời không nhã nhặn, không đáng yêu, đó gọi là nói lời thô ác. Nói lời vô nghĩa không phải lúc như vậy, đó gọi là nói lời thêu dệt.

Đối với của cải vật dụng của người khác, do tham ái nên cho là của mình, như vậy là tham lam. Thấy người kia vui vẻ, ta muốn cho họ đau khổ, như vậy là giận dữ. Tà ác (Tà kiến) có hai thứ: Vật có thật nhưng nói là không có, đấy là thấy nghe điên đảo.

Thế nào là vật có thật nhưng nói là không có? Như nói không có tội, không có phước báo, không có đời nay, đời sau, không có cha mẹ, không có Phật, Phật-bích-chi, A-la-hán, người đắc đạo khác v.v… Như vậy gọi là vật có thật nhưng nói là không có.

Thế nào là điên đảo? Thấy, nghe việc tốt xấu, cho là trời làm, không phải là quả của hành báo, như vậy là tà ác, đó gọi là ba thứ nghiệp bất thiện. Ăn năn, trừ bỏ ba nghiệp này, đó gọi là ba thứ nghiệp thiện. Thường xuyên xa lìa ba hành ác, hành trì ba hành thiện, đó gọi là giữ giới vững chắc.

Bố thí, giữ giới, thiền định, tư duy tất được ba quả báo tốt đẹp: Đó là của cải giàu có, được sinh lên cõi trời và được giải thoát. Những ruộng phước thế gian: cha mẹ, người già bệnh, người thiện, phàm phu lìa dục, bảy hạng hữu lậu, bốn đạo hướng, bốn đạo quả, người nhập xuất định diệt tận, Phật-bích-chi, Bồ-tát, Phật, Tỳ-kheo, Tăng, người đi lại đói khát.

 

Phẩm thứ 2: GIỚI ĐẠO

Ba cõi: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Trong ba cõi này có năm thứ đạo: Đạo địa ngục, súc sinh, quỷ thần, người, trời và trung ấm.

Thế nào là đạo địa ngục? Địa ngục lớn có tám thứ: (1) Tăng thời phi. (2) Hắc thằng. (3) Hợp hội. (4) Lỗ lạp. (5) Ma-ha-lỗ-lạp. (6) Bát-na. (7) Ba-đa-bát. (8) A-tỳ. Mỗi mỗi địa ngục lớn đều có mười sáu địa ngục quyến thuộc.

Thế nào là đạo súc sinh? Nghĩa là các loài không có chân, hay hai chân, bốn chân, nhiều chân, hoặc đi dưới nước, đi trên đất liền, bay nơi hư không.

Thế nào là đạo quỷ thần? Quỷ thần có nhiều thứ thân.

Hành bất thiện của cõi dục có ba thứ: thượng, trung, hạ. Địa ngục là báo thượng, súc sinh là báo trung, ngạ quỷ là báo hạ.

Thế nào là đạo người? Có bốn thứ người: (1) Người châu Đông Phất-vu-đãi. (2) Người châu Tây Cù-da-ni. (3) Người châu Nam Diêm-phù-đề. (4) Người châu Bắc Uất-đơn-viết.

Cõi dục do bốn thứ báo của hành thiện sinh ra.

Thế nào là đạo trời? Cõi dục có sáu tầng trời: (1) Trời Tứ Thiên vương. (2) Trời Đao lợi. (3) Trời Diêm. (4) Trời Đâu thuật. (5) Trời Ni ma la (Trời Hóa ứng thanh). (6) Trời Tha hóa tự tại. Trong cõi dục có sáu thứ báo thiện sinh.

Mười bảy xứ của cõi sắc là: Phạm ca di, Phạm phú lâu, Ma ha phạm, Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang diệu, Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Quả thật, Đắc đức, Đại quả, Bất phiền, Bất não, Thiện quán, Khoái kiến, A ca nị trá. Bốn thiền có ba thứ báo thượng, trung, hạ. Mười hai xứ sinh báo xen tạp hữu lậu, vô lậu của bốn thiền. Thánh nhân của năm Tịnh cư sinh ở ba xứ. Thánh nhân, phàm phu cùng sinh ở xứ Đại quả. Phàm phu được định vô tưởng, sinh ở trời Vô tưởng.

Cõi vô sắc gồm: Không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hữu tưởng vô tưởng xứ. Do được định vô sắc là theo thứ lớp sinh nơi xứ vô sắc. Tùy theo sức của định nên được xứ sinh. Đó là đạo trời.

Vì muốn thọ nhận, muốn sử dụng, muốn cất giữ, do nhân duyên này nên nói là cõi dục. Không có dục, có sắc, do nhân duyên này nên nói là cõi sắc. Cõi vô sắc có bốn ấm, do nhân duyên này nên nói là cõi vô sắc.

Thọ mạng trong cõi dục: Năm mươi năm trong nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Tứ Thiên vương. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Tứ Thiên vương thọ mạng là năm trăm năm trên cõi trời, tương đương với số chín vạn năm trong nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Tăng thời phi. Như vậy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Tăng thời phi thọ mạng là năm trăm năm.

Lại nữa, một trăm năm trong nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Đao lợi. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Đao lợi thọ mạng là một ngàn năm trên cõi trời, tương đương với số ba ức sáu vạn năm trong nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Hắc thằng. Như vậy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Hắc thằng thọ mạng là một ngàn năm.

Lại nữa, hai trăm năm trong nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Diêm. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Diêm thọ mạng là hai ngàn năm trên cõi trời, tương đương với số mười bốn ức bốn vạn năm trong nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Hợp hội. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Hợp hội thọ mạng là hai ngàn năm.

Lại nữa, bốn trăm năm trong nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Đâu thuật. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Đâu thuật thọ mạng là bốn ngàn năm trên cõi trời, tương đương với số năm mươi bảy ức sáu vạn năm trong nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Lỗ lạp. Như vậy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Lỗ lạp thọ mạng là bốn ngàn năm.

Lại nữa, tám trăm năm nơi nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Hóa ứng thanh. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Hóa ứng thanh thọ mạng là tám ngàn năm trên cõi trời, tương đương với số hai trăm ba mươi ức bốn vạn năm nơi nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Ma-ha-lỗlạp. Như vậy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Ma-ha-lỗ-lạp thọ mạng là tám ngàn năm.

Lại nữa, một ngàn sáu trăm năm nơi nhân gian là một ngày một đêm ở cõi trời Tha hóa tự tại. Như vậy ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, trời Tha hóa tự tại thọ mạng là một vạn sáu ngàn năm trên cõi trời, tương đương với số chín trăm hai mươi mốt ức sáu vạn năm nơi nhân gian, cũng là một ngày một đêm trong địa ngục Bát-na. Như vậy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, địa ngục Bát-na thọ mạng là một vạn sáu ngàn năm.

Địa ngục Tăng khát (Ba-đa-bát) thọ mạng là nửa kiếp, địa ngục A tỳ thọ mạng là một kiếp. Thọ mạng trong đạo súc sinh có loài chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay, hoặc nửa ngày, một ngày, một tháng, một năm, mười năm, một trăm ngàn vạn ức năm, cho đến một kiếp. Trong đạo ngạ quỷ, thọ mạng cho đến bảy vạn năm. Thọ mạng của người châu Nam Diêm-phù-đề hoặc vô số năm, hoặc chỉ đến mười năm. Thời nay, con người có thọ mạng trên dưới một trăm năm. Người châu Tây Cù-da-ni có thọ mạng hai trăm năm mươi năm.

Người châu Đông Phất-vu-đãi có thọ mạng là năm trăm năm. Người châu Bắc Uất-đơn-viết có thọ mạng là một ngàn năm, không tăng giảm. Chúng sinh ở xứ khác thọ mạng có tăng giảm.

Đó là thọ mạng của chúng sinh trong cõi dục.

Thọ mạng trong cõi sắc: Trời Phạm ca di thọ mạng là nửa kiếp. Trời Phạm phú lâu thọ mạng là một kiếp. Trời Ma ha phạm thọ mạng là một kiếp rưỡi. Đó là thọ mạng của cõi thiền thứ nhất.

Trời Thiểu quang thọ mạng là hai kiếp. Trời Vô lượng quang thọ mạng là bốn kiếp. Trời Quang diệu thọ mạng là tám kiếp. Đó là thọ mạng của cõi thiền thứ hai.

Trời Ước tịnh (Thiểu tịnh) thọ mạng là mười sáu kiếp. Trời Vô lượng tịnh thọ mạng là ba mươi hai kiếp. Trời Biến tịnh thọ mạng là sáu mươi bốn kiếp. Đó là thọ mạng của cõi thiền thứ ba.

Trời Quả thật thọ mạng là một trăm hai mươi lăm kiếp. Trời Đắc đức thọ mạng là hai trăm năm mươi kiếp. Trời Đại quả thọ mạng là năm trăm kiếp. Trời Vô phiền (Bất phiền) thọ mạng là một ngàn kiếp. Trời Vô não (Bất não) thọ mạng là hai ngàn kiếp. Trời Thiện quán thọ mạng là bốn ngàn kiếp. Trời Khoái kiến thọ mạng là tám ngàn kiếp. Trời A-ca-ni-trá thọ mạng là một vạn sáu ngàn kiếp. Đó là thọ mạng của cõi thiền thứ tư.

Đó là thọ mạng của chúng sinh trong cõi sắc.

Thọ mạng trong cõi vô sắc: Cõi không xứ thọ mạng là hai vạn kiếp. Cõi thức xứ thọ mạng là bốn vạn kiếp. Cõi bất dụng xứ thọ mạng là sáu vạn kiếp. Cõi hữu tưởng vô tưởng thọ mạng là tám vạn kiếp. Đó là thọ mạng của chúng sinh trong cõi vô sắc.

Số lượng thọ mạng của chúng sinh trong ba cõi là như vậy.

 

Phẩm thứ 3: TRỤ THỰC SINH

Có bốn thức trụ: Thế nào là bốn? Sắc, thống (Thọ), tưởng, hành. Trong cõi dục, cõi sắc, thức phần nhiều duyên với sắc mà trụ. Thức của không xứ, thức xứ phần nhiều duyên với thống (thọ) mà trụ. Thức của bất dụng xứ phần nhiều duyên với tưởng mà trụ. Thức của hữu tưởng vô tưởng xứ phần nhiều duyên với hành mà trụ.

Có bốn thứ ăn: Tức có bốn thứ ăn khiến mạng căn của hữu tình được thêm lớn. Thế nào là bốn thứ ăn (Thực)? (1) Đoàn thực. (2) Lạc thực. (3) Ý tư thực. (4) Thức thực.

Đoàn thực thuộc về ba nhập là hương, vị, tế hoạt (Xúc trong sáu trần) nhập. Vì sao không thuộc về sắc nhập? Đoàn thực là thức ăn mắt thấy được. Mạng căn của hữu tình có lớn nhưng không tăng thêm. Đoàn thực có hai thứ là có thô và có tế. Thế nào là đoàn thực thô? Cơm, bánh, tất cả là như vậy. Thế nào là đoàn thực tế? Thức uống, những thứ hương xoa thân.

Thế nào là Lạc thực (Xúc thực)? Mắt, cánh lạc (Xúc trong mười hai nhân duyên), tai mũi lưỡi thân cùng tiếp xúc. Ý hữu lậu tiếp xúc, có thể nối tiếp đến đời sau không dứt. Lạc thực phần nhiều là ở chim đẻ trứng, như ngỗng, nhạn. Tất cả là như vậy.

Ý tư thực phần nhiều là trùng, cá đẻ trứng trong nước, tất cả là như vậy. Thức thực phần nhiều là ở cõi Hữu tưởng vô tưởng và chúng sinh trung ấm.

Đoàn thực phần nhiều ở trong cõi dục. Ba thứ ăn còn lại phần nhiều là trong cõi sắc, vô sắc.

Đoàn thực là thô nhất. Lạc thực tế hơn. Ý tư thực là tế kế tiếp.

Thức thực là tế nhất.

Bốn thứ sinh: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh. Thân trung ấm nơi cõi trời, địa ngục, tất cả đều là hóa sinh.

Quỷ thần có hai thứ sinh: Thai sinh và hóa sinh.

Chúng sinh khác có bốn thứ sinh. Chúng sinh ở trong hóa sinh cùng một lúc được sáu căn. Những thứ sinh kia trước nhất được thân căn, mạng căn. Các căn khác theo thứ lớp được thành.

Bốn hữu: Sinh hữu, tử hữu, bản hữu, trung hữu. Khoảng giữa sự sống chết là năm ấm vi tế, đó là trung hữu.

Trung hữu và sinh hữu ví như in ra chữ, như cha con giống nhau. Trừ cõi vô sắc, tất cả cõi khác đều thọ thân trung ấm. Từ cõi vô sắc mạng chung, sinh nơi cõi dục, cõi sắc và thọ thân trung ấm. Ví như Trung A-na-hàm có trung ấm. Trung hữu, sinh hữu của đời khác cũng như vậy.

 

Phẩm thứ 4: NGHIỆP

Trong tâm tạp duyên tạp cấu, khởi hành (Nghiệp) tạp. Trong hành tạp thọ nhận báo tạp.

Thế nào là hành tạp? Có ba thứ hành: Hành của thân, hành của miệng và hành của ý. Lại có hành thiện, hành bất thiện và hành vô ký. Hành học, hành vô học và hành phi học phi vô học. Hành do kiến đế đoạn trừ, hành do tư duy đoạn trừ và hành không đoạn trừ.

Quả báo cũng có nhiều thứ như: Báo hiện đời, sinh báo, hậu báo. Lạc báo, khổ báo, bất lạc bất khổ báo. Báo đen, báo trắng, báo tạp.

Hành không báo không trắng không đen. Lúc hành hết, có hành tất phải thọ báo, có hành tất không phải thọ báo.

Thế nào là hành của thân? Hành của thân là thân cử động, tác động làm việc. Thế nào là hành của miệng? Miệng cử động, nói ra. Thế nào là hành của ý? Là ý hoạt động, suy nghĩ.

Thế nào là hành thiện? Là thân thiện tạo ra miệng thiện, tạo ra ý thiện. Thế nào là hành bất thiện? Là thân bất thiện tạo ra miệng bất thiện, ý bất thiện. Thế nào là hành vô ký? Là thân vô ký tạo ra miệng vô ký, nghĩ ra ý vô ký.

Thế nào là hành học? Thân học vô giáo, khẩu học vô giáo, ý học nghĩ ra (Vô giáo = Vô biểu). Thế nào là hành vô học? Thân vô học vô giáo, khẩu vô học vô giáo, ý vô học nghĩ ra. Thế nào là hành phi học phi vô học? Thân hữu lậu hành động, miệng hữu lậu hành động, ý hữu lậu nghĩ ra.

Thế nào là hành do kiến đế đoạn trừ? Nghĩa là do kiên tín, kiên pháp, kiến nhẫn đoạn trừ tám mươi tám kiết, tương ưng với tư. Thế nào là hành do tư duy đoạn trừ? Nghĩa là tín giải thoát, kiến đáo do tư duy đoạn trừ mười sử tương ưng với tư. Và hành của thân nhiễm ô, hành của miệng, hành hữu lậu thiện, hành vô ký. Thế nào là hành không đoạn trừ? Nghĩa là các hành vô lậu.

Thế nào là báo hiện đời? Nếu tạo hành thiện ác, thì ngay trong đời này tức được báo, không phải đến đời sau mới được. Thế nào là sinh báo? Tùy theo sau khi tạo hành thiện ác, ngay đời thứ nhất là được báo, không phải đến đời khác. Thế nào là hậu báo? Tùy theo sau khi tạo hành thiện, ác, thì đời thứ hai được báo, hoặc đời thứ ba, thứ tư, hoặc hơn nữa mới được báo.

Thế nào là lạc báo? Hành thiện của cõi dục, cõi sắc, cho đến hành thiện của ba thiền là thọ lạc báo. Thế nào là khổ báo? Hành bất thiện tức thọ khổ báo. Thế nào là bất khổ bất lạc báo? Hành hữu lậu thiện của thiền thứ tư và hành hữu lậu thiện của cõi vô sắc.

Thế nào là báo hắc hắc? Hành bất thiện tức thọ nhận báo hắc hắc. Thế nào là báo bạch bạch? Hành hữu lậu thiện tức thọ nhận báo bạch bạch. Thế nào là tạp báo? Hành thiện ác xen tạp của cõi dục tức thọ nhận báo xen tạp.

Thế nào là hành không hắc, không bạch, không báo? Khi hành hết thì lậu của ba cõi hết. Tư duy vô lậu thuộc về đạo vô ngại. Thế nào là hành tất thọ báo? Hành ngũ nghịch tất thọ nhận báo ác, báo hiện đời, sinh báo, hậu báo và tàn dư của chúng. Có duyên, có người, tất thọ nhận báo. Không duyên, không người, không tất thọ nhận báo. Vì tất cả đều là hành hữu lậu, nên tạo nghiệp thành thục thì thọ báo. Nếu không cố ý tạo nghiệp không thành thục thì không thọ báo.

Ba thứ hành: Thân nghiệp có giáo (Hữu biểu), không giáo (Vô biểu), khẩu nghiệp có giáo không giáo, ý nghiệp có giáo.

Thế nào là hành có giáo? Nếu là thân, miệng, ý tạo ra.

Thế nào là hành không giáo? Lúc thân, miệng tạo nghiệp xong, ý sinh khởi tâm khác, thường còn không mất nơi sắc không giáo (Sắc vô biểu). Trong tâm thiện bất thiện sinh khởi, tâm vô ký không sinh nơi sắc không giáo. Vì sao? Vì sức của tâm vô ký yếu kém. Vô ký có hai thứ: Có ẩn mất (hữu phú) và không ẩn mất (vô phú). Bị kiết sử che lấp là ẩn mất (hữu phú). Không bị che lấp là không ẩn mất (vô phú).

Thế nào là pháp vô ký ẩn mất? Là thân tà (thân kiến), biên tà (biên kiến) trong cõi dục. Và vô minh pháp cộng hữu tương ưng với chúng. Tất cả kiết sử của cõi sắc, vô sắc và thân khẩu hành của cõi sắc. Đó gọi là pháp vô ký ẩn mất.

Thế nào là pháp vô ký không ẩn mất? Đi, đứng, nằm, ngồi, pháp báo của kỹ xảo, tâm biến hóa và hư không, phi trí duyên tận.

Đó gọi là pháp vô ký không ẩn mất.

Ba thứ không giáo (vô biểu): (1) Vô lậu. (2) Định cộng. (3) Luật nghi giới.

Thế nào là giới vô lậu? Là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Thế nào là giới định cộng? Là đắc thiền, lìa pháp dục ác.

Thế nào là luật nghi giới? Là lúc thọ giới được hành thân, miệng thiện hữu lậu.

Thế nào là được ba thứ luật nghi? Tất cả thành tựu được đạo luật nghi vô lậu. Tất cả thành tựu được luật nghi thiền định cộng. Người cõi dục thọ nhận giới nên luật nghi giới thành tựu. Người thọ luật nghi giới đầu tiên có giáo tác hiện tiền nên thành tựu vô giáo. Nếu cuối cùng không mất thì thành tựu quá khứ. Người đắc thiền thì thành tựu tất cả quá khứ, vị lai, đều thuộc luật nghi định cộng. Nếu nhập định quá khứ, vị lai, hiện tại thành tựu thì luật nghi vô lậu ở vị lai, tất cả đều thành tựu. Nếu nhập đạo hiện ở trước thì thành tựu, nếu cuối cùng không mất thì thành tựu người luật nghi quá khứ.

Nếu tạo điều bất thiện ác nặng thì thành tựu hữu giáo, vô giáo bất thiện. Nếu không tạo điều bất thiện ác nặng thì thành tựu hữu giáo bất thiện, không vô giáo. Nếu tâm ác diệt thì không thành tựu hữu giáo vô giáo.

Người không luật nghi, hiện tại thành tựu vô giáo bất thiện. Nếu hoàn toàn không mất thì thành tựu vô giáo bất thiện trong quá khứ. Nếu làm điều thiện quan trọng thì thành tựu hữu giáo, vô giáo thiện. Nếu không làm điều thiện quan trọng thì thành tựu hữu giáo thiện không vô giáo.

Nếu tâm thiện diệt thì không thành tựu hữu giáo, vô giáo. Nếu người trung gian hoặc làm việc thiện, hoặc bất thiện quan trọng thì cũng thành tựu hữu giáo, vô giáo thiện, bất thiện. Nếu làm việc thiện, bất thiện không quan trọng thì thành tựu hữu giáo không vô giáo. Nếu tâm thiện, bất thiện diệt thì không thành tựu hữu giáo, vô giáo.

Nếu được tâm thiện cõi sắc, thì thành tựu luật nghi thiền. Nếu tâm thoái chuyển thì không thành tựu luật nghi thiền. Tất cả luật nghi trong tâm thiện của cõi sắc đều tương ưng với tâm, trừ tâm của nhãn, tâm của nhĩ, thân tâm nơi văn tuệ lúc chết. Sức của tâm vô lậu nơi sáu địa thành tựu luật nghi vô lậu.

Thế nào là sáu địa? Nghĩa là địa thiền vị đáo, thiền thứ nhất, thiền trung gian, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư. Tâm của sáu địa thoái chuyển thì không thành tựu luật nghi vô lậu.

Có hai sự làm mất luật nghi vô lậu: Hoặc thoái chuyển, hoặc được đạo quả.

Có hai sự làm mất luật nghi thiền: Hoặc thoái chuyển, hoặc mạng chung.

Có ba sự làm mất luật nghi giới: Phạm giới, xả giới và khởi ác tà. Nếu lúc pháp diệt tận, có người nói là mất luật nghi giới. Có kẻ lại nói không mất. Thật sự thì không mất.

Có bốn việc làm mất không luật nghi: (1) Thọ giới. (2) Không còn tạo nghiệp. (3) Nhất tâm dứt mong cầu. (4) Được sắc thiện của đạo.

Thế nào là làm mất? Hoặc đoạn trừ căn thiện. Hoặc mạng chung. Tâm số pháp nhiễm ô còn thừa lại. Lúc đoạn trừ kiết, sự đoạn trừ ấy có năm thứ quả: (1) Quả báo. (2) Quả sở y. (3) Quả tăng thượng. (4) Quả thân lực. (5) Quả giải thoát.

Pháp hữu lậu thiện hoặc có bốn quả, hoặc có năm quả. Có thể đoạn trừ kiết sử, đó là năm quả. Không thể đoạn trừ kiết, đó là bốn quả, trừ quả giải thoát. Pháp bất thiện có bốn quả, trừ quả giải thoát. Pháp vô lậu hoặc có bốn quả, hoặc có ba quả. Nếu đoạn trừ kiết thì có bốn quả, trừ quả báo. Nếu không đoạn trừ kiết thì có ba quả, tức trừ quả báo và quả giải thoát. Pháp vô ký có ba quả, trừ quả báo, quả giải thoát.

Thế nào là quả báo? Pháp bất thiện, pháp hữu lậu thiện được quả báo.

Thế nào là quả sở y? Pháp thiện, bất thiện, vô ký, thường hành tăng trưởng, tạo lợi ích cho đến cuối cùng đạt được. Đó gọi là quả sở y.

Thế nào là quả tăng thượng? Hoặc tốt đẹp, hoặc không tốt đẹp, đều cùng thọ nhận chung, thọ nhận trên hết. Đó gọi là quả tăng thượng.

Thế nào là quả thân lực? Là thân hành tạo tác. Đó gọi là quả thân lực.

Thế nào là quả giải thoát? Trí diệt trừ kiết. Đó gọi là quả giải thoát.

Có ba thứ căn: Căn thiện, căn bất thiện và căn vô ký. Ba thứ căn thiện: Không tham, không sân, không si. Ba thứ căn bất thiện: Tham dục, giận dữ, ngu si. Bốn thứ căn vô ký: Ái vô ký, vô minh vô ký, kiến vô ký và mạn vô ký.

Có ba thứ pháp: Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký.

Thế nào là pháp thiện? Nghiệp thân, miệng thiện và tâm thiện. Pháp tương ưng với tâm, tâm bất tương ưng hành và trí duyên tận. Đó gọi là pháp thiện.

Thế nào là pháp bất thiện? Nghiệp thân, miệng bất thiện và tâm bất thiện. Pháp tương ưng với tâm và tâm bất tương ưng hành. Đó gọi là pháp bất thiện.

Thế nào là pháp vô ký? Nghiệp thân, miệng vô ký và tâm vô ký. Pháp tương ưng với tâm và tâm bất tương ưng hành, hư không phi trí duyên tận. Đó gọi là pháp vô ký.

Không uống rượu, bố thí, cúng dường, tôn trọng v.v… Đó gọi là thuộc về nghiệp thân, miệng thiện. Uống rượu, đánh đập, kiêu mạn, không tôn trọng v.v… Đó gọi là thuộc về nghiệp thân, miệng bất thiện.

Đấy là nghiệp thân miệng của cõi dục không thuộc về mười nghiệp đạo mà là bốn đại tạo của cõi dục,

Như vậy, nghiệp thân, miệng vô lậu của cõi sắc là bốn đại nào tạo? Nếu dựa vào sáu thứ địa, tức bốn đại của địa đó tạo. Nếu sinh nơi cõi vô sắc, như vậy vốn đã được nghiệp thân, miệng vô lậu, tức là bốn đại của địa đó tạo.

Ba thứ mạng chung: Có mạng hết phước không hết. Có phước hết mạng không hết. Có phước hết mạng hết.

 

Phẩm thứ 5: ẤM TRÌ NHẬP

Các pháp hữu lậu có bốn sự việc nên xa lìa. Bốn sự việc đó là gì? Là các lậu, phiền não vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Vì sao? Vì đi đến tất cả xứ sinh. Vì lậu của tâm rót chảy liên tục, rơi vào thế giới. Đó gọi là hữu lậu.

Ba cõi có một trăm lẻ tám phiền não: Chín mươi tám kiết và mười triền là phiền não sinh ở xứ nào? Là nói pháp hữu lậu, cũng gọi là thọ ấm và xứ phiền não. Từ trong phiền não này có hai thứ năm ấm: Hữu lậu và vô lậu. Thọ ấm tất cả đều hữu lậu.

Thế nào là sắc ấm? Các thứ do bốn đại tạo, mười hai nhập trừ ý nhập. Các nhập còn lại và sắc vô giáo thuộc về pháp nhập. Đó gọi là sắc ấm.

Sắc ấm này có hai thứ: Có thể thấy, không thể thấy. Thế nào là có thể thấy? Là một nhập tức sắc nhập. Thế nào là không thể thấy? Là chín nhập và sắc vô giáo thuộc về pháp nhập.

Lại có ba thứ sắc: Sắc có thể thấy, có đối. Sắc không thể thấy, có đối. Sắc không thể thấy, không đối. Sắc nhập là có thể thấy, có đối.

Chín nhập còn lại là không thể thấy, có đối. Pháp nhập và sắc vô giáo là không thể thấy, không đối. Đó gọi là sắc ấm.

Thế nào là thống (thọ) ấm? Thọ ấm sinh ra từ sáu cánh lạc (xúc). Ấm này có hai thứ thọ: Thân thọ và tâm thọ.

Ba thứ thọ: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ.

Bốn thứ thọ: Thân hữu ký, vô ký, tâm hữu ký, vô ký.

Năm thứ thọ: Là năm thọ căn.

Sáu thứ thọ: Nhãn xúc thọ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xúc thọ.

Mười tám thứ thọ: Nhãn v.v… có hỷ, lạc, hộ.

Ba mươi sáu thứ thọ: Trong mười tám thứ thọ có thiện, bất thiện.

Một trăm lẻ tám thứ thọ: Mỗi đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều có ba mươi sáu thứ thọ. Mỗi mỗi chúng sinh trong khoảnh khắc đã khởi lên vô số thọ. Đó gọi là thọ ấm.

Thế nào là tưởng ấm? Ý có vô số duyên nơi tất cả pháp tưởng, là ba thứ này: nhỏ, lớn vô số thứ loại gồm vào các thứ ngoại nhập. Do nhân duyên này, tưởng gọi là tưởng ấm.

Thế nào là hành ấm? Là hành tạo ra vô số các thứ pháp trong pháp hữu vi, là hành ấm. Hành ấm này có hai thứ: Pháp tương ưng với tâm và pháp không tương ưng với tâm. Thế nào là pháp tương ưng với tâm? Có ba thứ: (1) Tư. (2) Cánh lạc (xúc). (3) Các pháp được nhớ lại. Đó gọi là pháp tương ưng với tâm. Thế nào là pháp không tương ưng với tâm? Đó là: (1) Đắc. (2) Vô tưởng. (3) Định diệt tận v.v… là những pháp không tương ưng với tâm. Đó gọi là hành ấm.

Thế nào là thức ấm? Là thức phân biệt các pháp xanh, vàng, đỏ, trắng. Thức này có sáu thứ: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Thế nào là nhãn thức? Nhãn căn làm chỗ dựa cho sắc của thức, đó gọi là nhãn thức. Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn làm chỗ dựa cho pháp của thức, tức là ý thức. Đó gọi là thức ấm.

Mười hai nhập gồm: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập, là sáu nội nhập. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhập, là sáu ngoại nhập. Lại nữa, mười hai thứ nhập trên hợp với sáu thức, là từ nhãn thức cho đến ý thức, tức thành mười tám trì (mười tám giới).

Bốn đại tịnh tạo ra nhân duyên của sắc, thức, gọi là nhãn nhập. Như vậy, do bốn đại tịnh tạo ra nhân duyên của thanh, hương, vị, xúc và thức gọi là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân nhập.

Tất cả sắc trần của nhãn thức gồm có mười hai loại: dài, ngắn, sáng, tối, xanh, vàng, đỏ, trắng, thô, tế, hư không, thân giáo. Tất cả thanh trần của nhĩ thức bao gồm âm thanh của số chúng sinh và số phi chúng sinh. Tất cả hương trần của tỷ thức: Các mùi hương tốt, mùi hôi v.v… Tất cả vị trần của thiệt thức gồm sáu mươi ba thứ vị: Cay, chua, mặn, đắng, ngọt v.v… Tất cả xúc trần của thân thức: Nhẹ nhàng, cứng, mềm, lạnh, nóng, đói, khát, bốn đại v.v… Tất cả pháp trần của ý thức. Đó gọi là tất cả pháp.

Năm thức không thể phân biệt, chỉ ý thức phân biệt. Tâm, ý, thức không khác nhau mà nói có khác nhau. Căn, trần và thức hòa hợp là sinh cánh lạc (xúc) cùng sinh ra thống (thọ). Mười địa đại, mười phiền não địa đại, mười tiểu phiền não địa là các pháp cùng với tâm sinh ra, cùng duyên, cùng trụ, cùng khởi rồi cùng diệt. Ví như ngọn đèn sáng thì cùng nóng, cùng cháy, cùng trụ, cùng tắt.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký ?

Đáp: Có tám thứ vô ký. Mười thứ nên phân biệt: Sắc trì, thanh trì, bảy thức trì, pháp trì có thiện, bất thiện, vô ký.

Thế nào là sắc thiện? Là thân giáo thiện. Thế nào là sắc bất thiện? Là thân giáo bất thiện. Thế nào là sắc vô ký? Trừ thân giáo thiện, bất thiện, các sắc trì còn lại là vô ký.

Như vậy thanh trì và nhãn thức trì có thiện, bất thiện và vô ký. Thế nào là thiện? Là ghi nhớ thiện, tương ưng với nhãn thức. Thế nào là bất thiện? Là ghi nhớ bất thiện, tương ưng với nhãn thức. Thế nào là vô ký? Là ghi nhớ vô ký, tương ưng với nhãn thức.

Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, ý thức trì, pháp trì hoặc là thiện, bất thiện, vô ký. Thế nào là thiện? Là nghiệp thân, miệng thiện, thọ, tưởng, hành ấm thiện và trí duyên tận thuộc pháp trì. Thế nào là bất thiện? Là nghiệp thân, miệng bất thiện, thọ, tưởng, hành ấm bất thiện, thuộc về pháp trì. Thế nào là vô ký? Là thống (thọ), tưởng, hành ấm vô ký thuộc pháp trì và hư không phi trí duyên tận.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?

Đáp: Có mười lăm trì là hữu lậu, ba trì nên phân biệt.

Những gì là ba? Là ý trì, pháp trì, ý thức trì. Sự ghi nhớ hữu lậu tương ưng với ý trì, nên gọi là hữu lậu. Sự ghi nhớ vô lậu tương ưng với ý trì, nên gọi là vô lậu. Ý thức cũng như vậy

Nghiệp thân miệng hữu lậu, thọ, tưởng, hành ấm hữu lậu, thuộc pháp trì, đó gọi là hữu lậu. Nghiệp thân miệng vô lậu, thọ, tưởng, hành ấm vô lậu và pháp vô vi, thuộc pháp trì, đó gọi là vô lậu.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ thuộc cõi dục, bao nhiêu thứ thuộc cõi sắc, bao nhiêu thứ thuộc cõi vô sắc và bao nhiêu thứ không hệ thuộc?

Đáp: Có bốn thứ thuộc cõi dục: Là hương, vị, tỷ thức, thiệt thức, do là xứ đoàn thực. Mười bốn thứ nên phân biệt:

Nhãn trì thuộc cõi dục và cõi sắc. Thế nào là nhãn trì thuộc cõi dục? Là do bốn đại tạo hệ thuộc cõi dục. Như vậy, các trì của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, tế hoạt (xúc) thuộc cõi dục, do bốn đại tạo hệ thuộc cõi dục. Thế nào là nhãn trì thuộc cõi sắc? Là do bốn đại tạo hệ thuộc cõi sắc. Như vậy, các trì của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, xúc thuộc cõi sắc, do bốn đại tạo hệ thuộc cõi sắc.

Nhãn thức trì thuộc cõi dục và cõi sắc. Thế nào là nhãn thức trì thuộc cõi dục? Là sự ghi nhớ của cõi dục tương ưng với nhãn thức trì. Nhĩ, thân thức trì cũng như vậy. Thế nào là nhãn thức trì thuộc cõi sắc? Là sự ghi nhớ của cõi sắc tương ưng với nhãn thức trì. Nhĩ, thân thức trì cũng như vậy.

Ý trì thuộc cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, hoặc không hệ thuộc. Thế nào là thuộc cõi dục? Là sự ghi nhớ của cõi dục tương ưng với ý trì. Thế nào là thuộc cõi sắc? Là sự ghi nhớ của cõi sắc tương ưng với ý trì. Thế nào là thuộc cõi vô sắc? Là sự ghi nhớ của cõi vô sắc tương ưng với ý trì. Thế nào là không hệ thuộc? Là sự ghi nhớ vô lậu tương ưng với ý trì. Ý thức trì cũng như vậy

Pháp trì hoặc thuộc cõi dục, hoặc thuộc cõi sắc, hoặc thuộc cõi vô sắc, hoặc không hệ thuộc.

Thế nào là thuộc cõi dục? Là nghiệp thân, miệng hệ thuộc cõi dục, thuộc về pháp trì, và thọ, tưởng, hành ấm của cõi dục thuộc về pháp trì. Đó gọi là thuộc cõi dục.

Thế nào là thuộc cõi sắc? Là nghiệp thân, miệng hệ thuộc cõi sắc, thuộc về pháp trì, và thọ, tưởng, hành ấm của cõi sắc thuộc về pháp trì. Đó gọi là thuộc cõi sắc.

Thế nào là thuộc cõi vô sắc? Là thọ, tưởng, hành ấm của cõi vô sắc thuộc về pháp trì. Đó gọi là thuộc cõi vô sắc.

Thế nào là không hệ thuộc? Là nghiệp thân, miệng vô lậu thuộc về pháp trì, cùng thọ, tưởng, hành ấm vô lậu và pháp vô vi. Đó gọi là không hệ thuộc.

Hỏi: Trong mười tám trì (giới), có bao nhiêu thứ thuộc về nội nhập, bao nhiêu thứ thuộc về ngoại nhập?

Đáp: Có mười hai trì thuộc về nội nhập: Là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý trì. Nhãn thức trì, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức trì. Sáu trì thuộc về ngoại nhập: Là sắc trì, thanh, hương, vị, xúc, pháp trì.

Hỏi: Trong mười tám trì có bao nhiêu thứ có giác có quán, bao nhiêu thứ có giác không quán, bao nhiêu thứ không giác không quán?

Đáp: Có mười thứ trì không giác không quán là năm tình (căn), năm trần (cảnh, nhập). Năm thức thì có giác có quán. Ba thứ cần phân biệt: Là ý trì hoặc có giác có quán, hoặc có giác không quán, hoặc không giác không quán.

Thế nào là có giác có quán? Thiền thứ nhất cõi dục là có giác có quán. Thiền trung gian có giác không quán. Địa trên thì không giác không quán. Ý thức trì cũng như vậy. Nghiệp thân, miệng thuộc pháp trì, các hành bất tương ưng, vô vi là không giác không quán. Ngoài ra như ý trì.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ là duyên chung, bao nhiêu thứ là không duyên chung?

Đáp: Có bảy tâm trì duyên chung. Vì sao? Vì tự duyên nơi trần. Mười trì không duyên chung là năm tình (căn), năm trần (cảnh, nhập). Pháp trì nên phân biệt. Nghiệp thân, miệng thuộc pháp trì, các tâm bất tương ưng hành, vô vi là không duyên chung, ngoài ra là duyên chung.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ là thọ, bao nhiêu thứ là không thọ?

Đáp: Có chín trì là căn tình hợp. Nếu hiện tại là thọ, trong đó tâm tâm số pháp là dừng trụ. Quá khứ, vị lai thì không thọ, vì không phải tâm tâm số pháp kia dừng trụ. Thanh trì, bảy thức trì, pháp trì là không thọ, vì không phải tâm tâm số pháp kia dừng trụ.

Hỏi: Trong mười tám trì, có bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp: Có mười bảy thứ là hữu vi. Pháp trì cần phân biệt: Hoặc hữu vi, hoặc vô vi. Thế nào là hữu vi? Các thống (thọ) tưởng, hành ấm của nghiệp thân, miệng thuộc pháp trì, đó gọi là hữu vi. Trí duyên tận, phi trí duyên tận, hư không, đó gọi là vô vi.

 

Phẩm thứ 6: HÀNH

Tất cả pháp hữu vi đều không có uy lực để tự khởi, phải nhân nơi sức khác để cùng sinh. Các pháp này có bốn tướng: Khởi (sinh), trụ, lão, vô thường.

Hỏi: Nếu có bốn tướng tức chúng nên còn có tướng nào nữa chăng?

Đáp: Lại có bốn tướng. Bốn tướng khác trong các tướng kia đều cùng sinh: sinh là sinh, trụ là dừng lại, lão là già, vô thường là vô thường.

Hỏi: Nếu như vậy thì không thể tận cùng chăng?

Đáp: Lần lượt tự tướng là các pháp hành có hai thứ: Có thứ tương ưng với tâm. Có thứ không tương ưng với tâm.

Thế nào là hành tương ưng với tâm? Là thọ, tưởng, tư, cánh lạc (xúc), ức (nhớ nghĩ), dục, giải thoát, tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ, giác quán, tà hạnh, bất tà hạnh, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, tất cả sử, não, kiết, phược, triền, tất cả trí tuệ. Các thứ pháp như vậy gọi là hành tương ưng với tâm.

Thế nào là hành không tương ưng với tâm? Là đắc, sinh, trụ, lão, vô thường, định vô tưởng, định diệt tận, vô tưởng xứ, các thứ phương đắc, vật đắc, nhập đắc, danh chúng, cú chúng, vị chúng, tánh phàm phu. Các thứ pháp như vậy gọi là hành không tương ưng với tâm.

Nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên, tất cả pháp hữu vi đều từ bốn duyên này sinh khởi.

Thế nào là nhân duyên? Có năm nhân là nhân tương ưng, nhân cộng hữu, nhân tự nhiên, nhân biến và nhân báo. Đó gọi là nhân duyên.

Thế nào là thứ đệ duyên? Tâm, tâm số trong các pháp là pháp diệt, là pháp khởi. Đó gọi là thứ đệ duyên.

Thế nào là duyên duyên? Vì duyên với trần nên tâm, tâm số pháp sinh. Đó gọi là duyên duyên.

Thế nào là tăng thượng duyên? Tất cả muôn vật đều không cùng ngăn cách, trở ngại. Đó gọi là tăng thượng duyên.

Có sáu nhân: Nhân tương ưng, nhân cộng hữu, nhân tự nhiên, nhân biến, nhân báo và nhân sở tác.

Thế nào là nhân tương ưng? Tâm làm nhân cho các tâm số pháp. Các tâm số pháp làm nhân cho tâm.

Thế nào là nhân cộng hữu? Các pháp mỗi mỗi đều làm bạn với nhau. Tâm là nhân của các tâm số pháp. Các tâm số pháp là nhân của tâm.

Lại nữa, bốn đại cùng sinh là nhân cộng hữu. Bốn đại tạo ra sắc, tâm bất tương ưng hành. Tâm, tâm số pháp là nhân của tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là nhân tự nhiên? Nghĩa là nhân có trước kia sinh thiện, về sau sinh thiện. Trước sinh bất thiện, sau sinh bất thiện. Trước vô ký, sau vô ký.

Thế nào là nhân biến? Là thân kiến, chấp ngã, ngã có thường. Các thọ ấm có thường, ngã, lạc, tịnh v.v… sinh ra các phiền não.

Thế nào là nhân báo? Là thiện sinh báo vui, bất thiện sinh báo khổ.

Thế nào là nhân sở tác? Tất cả các pháp mỗi mỗi đều không chướng ngại nhau, không giữ lại, không trụ. Tâm của báo có năm nhân, trừ nhân biến. Tâm số pháp cũng như vậy.

Tất cả phiền não có năm nhân, trừ nhân báo. Báo sinh sắc và hành bất tương ưng có bốn nhân, trừ nhân tương ưng và nhân biến. Sắc nhiễm ô và hành bất tương ưng có bốn nhân, trừ nhân tương ưng, nhân báo.

Tâm, tâm số pháp còn lại có bốn nhân, trừ nhân báo và nhân biến. Tâm bất tương ưng hành khác hoặc có hai nhân, hoặc ba nhân, trừ nhân tương ưng, nhân biến và nhân báo, hoặc trừ nhân tự nhiên, hoặc đều là tâm vô lậu ban đầu.

Pháp tương ưng có ba nhân, trừ nhân tự nhiên, nhân báo và nhân biến. Tâm vô lậu này ở trong tâm sinh sắc và tâm bất tương ưng hành có hai nhân: nhân cọng hữu và nhân sở tác.

Tâm, tâm số pháp là từ bốn duyên sinh. Định vô tưởng, định diệt tận là từ ba duyên sinh, trừ duyên duyên. Tâm bất tương ưng hành và các pháp sắc là từ hai duyên sinh, trừ thứ đệ duyên và duyên duyên. Không có pháp từ một duyên sinh, vì phải nhờ vào sức của pháp khác mới sinh.

Một pháp có ba sự: hội hợp, tiếp xúc, cộng sinh. Thọ, tưởng, tư, ức, dục, giải thoát, tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ, hộ cùng tâm khởi, hợp thành tựu. Cộng tâm của các pháp này đều cùng có ba pháp: Hội, cánh lạc (xúc), thân tâm thọ nhận, thọ duyên phân biệt thức, tưởng tác động tư, tâm ghi nhớ không quên. Ức, dục tạo tác tâm dục hành, vô ngại giải thoát tín.

Vô số sự siêng năng, tinh tấn, duyên hơn hẳn không quên, niệm tâm định không động. Phân biệt pháp là tuệ, tâm không nhiễm chấp là sự hộ. Duyên khởi tương ưng với tâm pháp, được các pháp thành tựu. Thọ, tưởng, tư, cánh lạc (xúc), ức, dục, giải thoát, niệm, định, tuệ là mười pháp đại địa. Vì sao? Vì tất cả tâm đều cùng sinh.

Thế nào là hành tương ưng cùng một duyên không tăng không giảm? Đó gọi là tương ưng.

Mười phiền não đại địa cùng sinh trong tất cả tâm bất thiện, là bất tín, giải đãi (biếng nhác), quên, tâm loạn, ám độn, tà ức, tà giải thoát, điệu (trạo cử), vô minh, tà hạnh.

Thế nào là bất tín? Là tâm không tin vào pháp.

Thế nào là giải đãi? Là tâm mỏi mệt không làm việc.

Thế nào là quên? Là không nhớ nghĩ.

Thế nào là tâm loạn? Là không nhất tâm.

Thế nào là ám độn? Là không hiểu biết sự việc.

Thế nào là tà ức? Là nhớ nghĩ về phi đạo.

Thế nào là tà giải thoát? Là không từ bỏ điên đảo.

Thế nào là điệu (trạo cử)? Là tâm chạy rong không dừng.

Thế nào là vô minh? Là không hiểu biết trong ba cõi.

Thế nào là tà hạnh? Là không trụ nơi pháp thiện.

Mười tiểu phiền não địa: Sân, Ưu-ba-na, bất ngữ (phú), ba-đàxá, Ma-dạ, Xá-sỉ, xan (keo kiệt), tật (ganh ghét), mạn, đại mạn.

Thế nào là sân? Là tâm hành phẫn nộ.

Thế nào là Ưu-ba-na? Là tâm chứa độc ở trong.

Thế nào là bất ngữ? Là che giấu tội lỗi.

Thế nào là Ba-đà-xá? Là giữ gấp sự việc phi pháp không bỏ.

Thế nào là Ma-dạ? Là thân, miệng khinh khi người.

Thế nào là Xá-sỉ? Là tâm ganh ghét, mưu hại.

Thế nào là xan? Là tiếc lận, sợ hết của.

Thế nào là tật? Là thấy việc tốt đẹp của người khác thì nổi giận.

Thế nào là mạn? Là đối với kẻ thấp cho là ta hơn, đối với người trên ta cho là ta bằng.

Thế nào là đại mạn? Là đối với người ngang hàng thì cho là ta lớn, đối với người lớn thì cho mình là lớn hơn.

Mười phiền não địa này tương ưng với ý thức, không phải là năm thức, nên nói là tiểu. Trong đó, có bảy phiền não thuộc cõi dục. Xá-sỉ thuộc cõi dục, cùng Phạm thiên. Mạn, đại mạn thì thuộc ba cõi.

Mười thiện đại địa: Không tham, không sân, tín, ỷ (khinh an), không phóng dật, tinh tấn, hộ, bất nhiễu não, tàm (hổ), quý (thẹn).

Thế nào là không tham? Là đối với tài sản vật dụng của mình và người khác không muốn, không lợi.

Thế nào là không sân? Là đối với chúng sinh, phi chúng sinh, tâm không khởi giận.

Thế nào là tín? Là nhận biết thật sự với tâm thanh tịnh.

Thế nào là ỷ? Là tâm khéo lìa các thứ nặng nề nên được nhẹ nhàng, mát mẻ.

Thế nào là không phóng dật? Là tâm buộc vào pháp thiện.

Thế nào là tinh tấn? Là hành tập gần pháp thiện.

Thế nào là hộ (xả)? Là trụ ở chỗ lìa các pháp.

Thế nào là bất nhiễu não? Là thân, miệng, ý không gây tạo điều ác đối với hết thảy chúng sinh.

Thế nào là tàm? Là xấu hổ về việc mình làm ác.

Thế nào là quý? Là thẹn vì làm việc không thích hợp đối với người.

Mười pháp này tương ưng với tất cả tâm thiện, thế nên nói là đại địa.

Có ba xứ: Xứ ái, xứ không ái, xứ ở giữa.

Xứ ái: Là xứ của các phiền não như dâm dục, keo kiệt, tham lam, luyến tiếc v.v… sinh khởi.

Xứ không ái: Là xứ của các phiền não như giận dữ, tranh chấp, ganh ghét v.v… sinh khởi.

Xứ ở giữa: Là xứ của các phiền não như ngu si, kiêu mạn v.v… sinh khởi.

Tất cả phiền não kiết sử thuộc về ba độc. Vì sao? Vì có ba căn bất thiện. Tất cả phiền não kiết sử đều từ ba độc này sinh, chúng có thể đoạn trừ ba căn thiện, có thể gây não loạn chúng sinh trong ba cõi, thế nên thuộc về ba độc.

 

Phẩm thứ 7: CHỦNG LOẠI NHÂN DUYÊN

Mười hai nhân duyên: Là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, cánh lạc (xúc), thống (thọ), ái, thọ (thủ), hữu, sinh, lão tử. Mười hai nhân duyên này có ba thứ: (1) Phiền não. (2) Nghiệp. (3) Khổ.

Ba thứ phiền não: Là vô minh, ái, thọ (thủ).

Hai thứ nghiệp: Là hành và hữu.

Bảy thứ khổ: Là thức, danh sắc, lục nhập, cánh lạc (xúc), thống (thọ), sinh, lão tử.

Hai thứ thuộc quá khứ. Hai thứ thuộc vị lai. Tám thứ thuộc hiện tại.

Các phiền não là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của khổ. Khổ là nhân của phiền não. Phiền não là nhân của phiền não. Phiền não là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của khổ, là nhân của khổ khổ. Những nhân đó theo thứ lớp khởi.

Vô minh quá khứ cùng với tất cả phiền não tương ưng là vô minh. Duyên nơi đấy tạo nghiệp. Tạo nghiệp là tạo nên quả thế gian, đó gọi là hành. Do nhân duyên của hành kia khiến tâm nhiễm ô, được thức phân biệt của thân căn. Ví như nghé con biết mẹ là thức. Thức này cùng sinh ra bốn ấm vô sắc, cũng tiếp nối sinh ra sắc, đó gọi là danh sắc. Nương vào cảnh giới của căn như nhãn v.v… là sáu nhập. Căn, trần và tâm hòa hợp là cánh lạc (xúc). Cánh lạc (xúc) sinh ra thọ nhận là thống (thọ). Sự nhiễm chấp của thống (thọ) là ái. Sự khao khát đã gây đủ thứ phiền nhọc là thọ (thủ), khiến vất vả tạo nghiệp là hữu. Quả vị lai là sinh, sinh khởi vô lượng khổ là lão tử.

Lại nữa, vô minh không nhận biết bốn đế, các pháp trong ngoài, quá khứ, vị lai, cùng các nhân duyên của pháp Phật trong hiện nay. Vô số các pháp thật như vậy không nhận biết, đó gọi là vô minh. Người ngu si tạo ra ba thứ hành (nghiệp): hành có đức, hành không đức và hành bất động.

Thế nào là hành có đức? Là thọ nhận báo tốt đẹp.

Thế nào là hành không đức? Là thọ nhận báo xấu ác.

Thế nào là hành bất động? Là sinh nơi cõi sắc, vô sắc.

Lại nữa, bố thí, giữ giới, tu thiền.

Thế nào là bố thí? Có hai thứ bố thí: (1) Tài thí. (2) Pháp thí.

Năm thứ giữ giới: Nếu lãnh thọ giới đến thanh tịnh rốt ráo, trừ bỏ hết cấu uế của tâm ác, thường nghĩ đến giữ gìn, không mong cầu báo của thế gian. Thiền định là ý quán bất tịnh, quán sổ tức v.v… Tất cả pháp định hữu lậu thiện là hành có đức.

Thế nào là hành không đức? Là các thứ tội của ba căn bất thiện nơi mười đạo bất thiện. Đó gọi là hành không đức.

Thế nào là hành bất động? Là từ thiền thứ nhất cho đến định hữu tưởng vô tưởng là hành bất động.

Ba nhân duyên: Thức hữu lậu thọ nhận hữu thứ nhất của bảy hữu, đó gọi là thức. Từ thức có danh sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm, đó gọi là danh. Bốn đại và sắc được tạo, đó gọi là sắc. Hai sự này cùng nói là danh sắc. Từ danh sắc sinh sáu nhập, sáu nhập sinh cánh lạc (xúc).

Cánh lạc (xúc) có sáu thứ: Hai thứ thân, ý khởi có đối và tăng ngữ. Vì sáu thức phân biệt, nên có sáu thứ cánh lạc (xúc). Cánh lạc (xúc) sinh ái, không ái.

Có ba thứ thống (thọ): Khổ thọ, lạc thọ, thọ không khổ không lạc.

Thế nào là khổ thọ? Là sử sân hận sai khiến.

Thế nào là lạc thọ? Là sử dục sai khiến.

Thế nào là thọ không khổ không lạc? Là bị sử vô minh sai khiến.

Khởi vui, trụ nơi vui, vui hết là không vui, đó gọi là lạc thọ. Khởi khổ, trụ nơi khổ, khổ hết là không khổ, đó gọi là khổ thọ. Không trí, không vui lúc trí vui, đó gọi là thọ không khổ không lạc.

Sinh ba thứ khát: Là dục khát, sắc khát, vô sắc khát, cùng tưởng khao khát mong cầu không biết chán đủ.

Sinh bốn thứ thọ (thủ): Dục thọ, kiến thọ, giới thọ và ngã thọ. Thuộc cõi dục, trừ mười hai kiến, các phiền não còn lại, đó gọi là dục thọ (dục thủ). Bốn tà kiến, đó gọi là kiến thọ. Bên ngoài giữ giới, tìm cầu đạo, đó gọi là giới thọ. Thuộc cõi sắc, vô sắc, trừ hai mươi bốn kiến, các phiền não còn lại, đó gọi là ngã thọ. Bốn thọ sinh xứ nghiệp của các kiết sử.

Ba thứ hữu: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Có năm ấm của sinh đắc, đó gọi là sinh. Hành suy yếu khổ sở là lão.

Có hai thứ lão: Là lão do tiêu hao dần và lão do tuổi già chín muồi.

Có hai thứ chết: Người tự chết và bị người khác giết chết. Khiến sầu lo buồn bã, khổ não.

Thế nào là tâm sầu? Là tâm nóng bức, không cần dùng, không còn mong muốn việc gì đến với mình, đó gọi là sầu.

Thế nào là buồn khóc? Các thứ khóc kể, đó gọi là buồn.

Thế nào là khổ? Là thân khổ não, đó gọi là khổ.

Thế nào là lo lắng? Là tâm sầu não, đó gọi là lo lắng.

Thế nào là não? Là những sự việc cấp bách như: đến cửa quan, các nạn nước, lửa, trộm, giặc v.v… và các sự việc khác, đó gọi là não.

Vô lượng khổ tụ như vậy là nhân duyên của vô minh v.v… Nhân duyên này dứt hết, các quả báo cũng hết. Như vậy là vô lượng khổ tụ dứt hết.

Sáu thứ hợp được thân người. Sáu thứ đó là: Bốn đại và không, thức.

Bốn đại là địa thủy hỏa phong. Ba đại có sắc là địa thủy hỏa, do có thể lường tính về dài ngắn, to nhỏ. Gió, chủng loại gió là một chủng loại. Bốn đại thường xuyên kết hợp không sai biệt. Tướng cứng là đất, tướng ẩm ướt là nước, tướng nóng là lửa, tướng lay động là gió. Bốn đại ngoài thành tựu bốn đại chủng trong. Khoảng không trong sắc, nhãn thức duyên có trong, ngoài, đó gọi là chủng loại không. Năm thức và ý thức hữu lậu, đó gọi là chủng loại thức.

Sự sinh có ba mươi sáu thứ: Đất thì cứng chắc, cao ráo. Nước thì thấm ướt hòa hợp. Lửa có tác dụng nấu nướng, loại trừ chất thối rữa, mùi hôi. Gió có tác dụng làm lay động. Những động tác ngồi, đứng, sinh trưởng là nhân nơi khoảng không. Thức uống ăn được tiêu hóa là nhờ tác dụng của gió duy trì, loại bỏ. Nhờ sức của thức mà có thân mạng. Đó gọi là con người.

 

Phẩm thứ 8: CĂN TỊNH

Dâm, nộ (giận), si (tham sân si) tương ưng với tâm. Đó gọi là phiền não, là kiết phược. Người muốn trừ bỏ ba thứ này phải chế ngự, trừ bỏ và trí đoạn.

Thế nào là chế ngự? Nếu chưa được tâm vô lậu cần phải giữ giới, tư duy, nhằm loại trừ tâm dâm, nộ, si, không thọ nhận. Đó gọi là chế ngự.

Thế nào là trừ bỏ? Được thiền định là lìa pháp dâm ác bất thiện. Đó gọi là trừ bỏ.

Thế nào là trí đoạn? Giác ý duyên nơi khổ, tập đoạn. Đó gọi là trí đoạn.

Hoặc chế ngự, hoặc trừ bỏ, hoặc có lúc tịnh, bất tịnh, trí vô lậu đoạn trừ. Đó gọi là thanh tịnh.

Hai mươi hai căn: Các căn nam, nữ, mạng là ngoại nhập. Khổ, lạc, ưu, hỷ, hộ (xả) tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ, vị tri, dĩ tri, đại tri căn và sáu căn nội như trước đã nói. Tướng nam nhận biết là nam, là nam căn. Tướng nữ nhận biết là nữ, là nữ căn. Tướng sinh hoạt trong ba cõi, là mạng căn. Lạc thống (thọ) tương ưng với sáu thức, là lạc căn. Khổ thống (thọ) tương ưng với năm thức, là khổ căn. Lạc thọ tương ưng với ý thức, là hỷ căn. Khổ thọ tương ưng với ý thức, là ưu căn. Không khổ không lạc thọ tương ưng với sáu thức, là hộ căn (xả căn). Tín kính trong các pháp thiện, là tín căn.

Như vậy, các căn tinh tấn, niệm, định, tuệ, thuộc về đạo kiên tín, kiên pháp. Chín căn vô lậu là vị tri căn, thuộc về đạo kiến đáo, tín giải thoát. Chín căn vô lậu là dĩ tri căn, thuộc về đạo vô học. Chín căn vô lậu là đại tri căn.

Thế nào là nghĩa của căn? Có sức, có lợi, đó gọi là căn. Sáu căn như mạng, nam, nữ, chín căn trong thế giới là có sức, có lợi. Năm thọ căn sinh phiền não là có sức, có lợi. Năm căn như tín v.v… là có sức, có lợi trong pháp thiện. Ba căn vô lậu là có sức, có lợi trong đạo. Vì được đạo nên các căn đều tự có sức, có lợi.

Hỏi: Trong hai mươi hai căn, có bao nhiêu thứ thuộc cõi dục, bao nhiêu thứ thuộc cõi sắc, bao nhiêu thứ thuộc cõi vô sắc, bao nhiêu thứ không hệ thuộc?

Đáp: Có bốn căn thuộc cõi dục là nam, nữ, ưu, khổ căn. Năm căn thuộc cõi dục, cõi sắc là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Hỷ căn, lạc căn hữu lậu thuộc cõi dục, cõi sắc. Hộ căn, ý căn, mạng căn hữu lậu, năm căn như tín v.v… tất cả thuộc ba cõi. Ý căn, hộ căn, hỷ căn, lạc căn, năm căn như tín v.v… vô lậu là không hệ thuộc. Chín căn này hợp lại là ba căn vô lậu: Vị tri căn, dĩ tri căn, đại tri căn.

Hỏi: Trong hai mươi hai căn, có bao nhiêu thứ là thọ, bao nhiêu thứ là không thọ?

Đáp: Năm căn như lạc v.v…, năm căn như tín v.v… tất cả căn vô lậu là không thọ. Các căn còn lại hoặc là thọ, hoặc là không thọ.

Hỏi: Trong hai mươi hai căn, có bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Có tám căn thiện là năm căn như tín v.v… và ba căn vô lậu. Tám căn vô ký là năm căn như nhãn v.v… và mạng căn, nam căn, nữ căn. Sáu căn nên phân biệt: Ý căn, năm thọ căn như lạc căn v.v… hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Hỏi: Trong hai mươi hai căn có bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu?

Đáp: Năm căn như tín v.v…, lạc, hỷ, hộ, ý căn, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Ba căn sau là vô lậu. Mười căn hữu lậu là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nam, nữ, mạng, ưu, khổ.

Ba thứ sinh đầu tiên được hai căn là thân căn và mạng căn. Hóa sinh hoặc sáu, bảy, tám. Vô hình: sáu. Một hình: bảy. Hai hình: tám, là năm căn như mắt v.v… và mạng căn, nam căn, nữ căn. Các căn còn lại lần lượt được.

Sinh đầu tiên trong cõi sắc được sáu căn là năm căn, mạng căn. Sinh đầu tiên ở cõi vô sắc được một mạng căn. Tâm vô ký của cõi dục dần dần mạng chung có bốn, hoặc tám, chín, mười căn. Nếu tâm thiện mạng chung thì có chín hoặc mười ba, mười bốn, hay mười lăm thứ căn.

Hỏi: Trong hai mươi hai căn, có bao nhiêu thứ do kiến đế đoạn, bao nhiêu thứ do tư duy đoạn, và bao nhiêu thứ không đoạn?

Đáp: Có bốn căn hoặc do kiến đế đoạn, hoặc do tư duy đoạn, hoặc không đoạn, là ý căn, lạc căn, hỷ căn, hộ căn. Ưu căn thì hoặc do kiến đế đoạn, hoặc do tư duy đoạn. Năm căn như tín v.v… hoặc do tư duy đoạn, hoặc không đoạn. Ba căn vô lậu thì không đoạn. Các căn còn lại là do tư duy đoạn.

 

Phẩm thứ 9: KIẾT SỬ, THIỀN TRÍ

Chín mươi tám sử do hai thứ đoạn trừ, là do kiến đế đoạn và do tư duy đoạn.

Hai mươi tám thứ do kiến khổ đoạn. Mười chín thứ do kiến tập đoạn. Mười chín thứ do kiến tận đoạn. Hai mươi hai thứ do kiến đạo đoạn. Mười thứ do tư duy đoạn.

Kiến khổ đoạn mười sử thuộc cõi dục. Kiến tập đoạn bảy sử. Kiến diệt đoạn bảy sử. Kiến đạo đoạn tám sử. Tư duy đoạn bốn sử. Đó là ba mươi sáu sử thuộc cõi dục. Trừ sân hận cùng các kiết sử khác trong cõi sắc, vô sắc, mỗi cõi đều đoạn trừ ba mươi mốt sử.

Nói tóm tắt là mười sử thật: Thân tà (thân kiến), biên tà (biên kiến), tà kiến, trộm kiến (kiến thủ), trộm giới (giới cấm thủ), nghi, ái, sân, mạn và vô minh.

Thế nào là thân tà (thân kiến)? Chấp ngã trong năm ấm, thấy biết như vậy là thân tà. Thế giới hữu biên, vô biên v.v… thấy biết như vậy là biên tà. Cho không có quả báo, nhân duyên của bốn đế, thấy biết như vậy là tà kiến.

Chấp thường là thứ nhất trong pháp hữu lậu, thấy biết như vậy là trộm kiến. Cầu đạo tịnh trong nhân duyên phi tịnh, thấy biết như vậy là trộm giới.

Chưa được tâm đạo, si mê không hiểu rõ về phải, không phải, về có, không có, đó là tâm nghi. Nhiễm đắm dục trong các pháp, đó là ái.

Trong tâm si, không muốn đối đáp lại, tâm phẫn nộ, náo động, đó là sân. Tâm tự đại, cao ngạo, đó là mạn. Không biết được thật tướng của các pháp, đó là vô minh.

Các sử này là thuộc khổ đế của cõi dục. Tất cả tập đế, bảy thứ nơi tận đế cũng như vậy. Đạo đế có tám thứ, tà nghi do kiến đế đoạn. Bốn sử của cõi dục do tư duy đoạn. Sáu sử của cõi sắc, vô sắc do tư duy đoạn. Tham, sân, mạn, vô minh do năm hành đoạn. Nghi, tà kiến, trộm đạo do bốn đế đoạn. Thân tà, biên tà do khổ đế đoạn. Trộm giới do khổ đế, đạo đế đoạn. Khổ đế đoạn sáu sử của cõi dục là năm tà và nghi. Tập đế đoạn ba là hai tà và nghi.

Vô minh có hai thứ do khổ đế đoạn là vô minh hiện khắp và vô minh không hiện khắp.

Thế nào là hiện khắp? Là vô minh tương ưng với sáu sử và vô minh bất cộng, đó gọi là hiện khắp.

Thế nào là không hiện khắp? Là vô minh tương ưng với ba sử, đó gọi là không hiện khắp. Như vậy, tập tương ưng với ba sử và vô minh bất cộng, đó gọi là hiện khắp. Ngoài ra là không hiện khắp.

Các sử, trừ ái, sân, mạn, số còn lại là nhất thiết biến (biến hành). Vì sao? Vì các sử này có năm duyên là hai tà trong sử nhất thiết biến (sử biến hành) và vô minh tương ưng với chúng. Sử nhất thiết biến là ở nơi cõi mình, không phải là cõi khác. Cõi sắc cũng như vậy. Sử nhất thiết biến của cõi vô sắc là nhất thiết biến của cõi mình. Sử nhất thiết biến còn lại thì nhất thiết biến nơi cõi mình, cũng duyên nơi cõi khác. Vô minh là nhân tương ưng của tất cả sử và vô minh bất cộng. Tà kiến, nghi, vô minh của ba cõi do tận đế, đạo đế đoạn trừ.

Mười tám sử này duyên nơi vô lậu, các sử còn lại duyên nơi hữu lậu. Các sử duyên nơi hữu lậu và hữu lậu kia duyên tương ưng với vô minh, ngoài ra vô minh duyên nơi vô lậu. Tất cả kiết sử của ba cõi tương ưng với hộ căn (xả căn). Các sử trong các trời Phạm thiên, Quang diệu tương ưng với hộ căn và hỷ căn. Các sử của trời Biến tịnh tương ưng với hộ căn, lạc căn. Tà kiến, vô minh thuộc cõi dục, tương ưng với ba căn là hỷ căn, ưu căn, hộ căn. Nghi tương ưng với hai căn là ưu căn, hộ căn. Sân tương ưng với ba căn là ưu căn, khổ căn, hộ căn. Các sử còn lại ở cõi dục do kiến đế đoạn tương ưng với hai căn là hỷ căn và hộ căn. Các sử do tư duy đoạn trừ trong cõi dục tương ưng với sáu thức, trừ mạn. Mạn tương ưng với ý thức. Tất cả sử do kiến đế đoạn tương ưng với ý thức.

Mười tiểu phiền não nói là triền: (1) Sân. (2) Sợ tội của mình. (3) Thùy (ngủ nghỉ). (4) Miên (ngủ say). (5) Điệu (trạo cử). (6) Hý (ố tác, hối). (7) Xan. (8) Tật. (9) Vô tàm (không hổ). (10) Vô quý (không thẹn).

Thế nào là sân? Là tâm ác khởi động mạnh.

Thế nào là sợ tội của mình? Là sợ người thấy nghe.

Thế nào là thùy? Là tâm chìm đắm, thân tâm nặng nề, tương ưng với tất cả kiết sử.

Thế nào là miên? Là tâm hòa hợp với lúc nằm ngủ, khi thức dậy không tự tại, tương ưng với ý thức, thuộc cõi dục.

Thế nào là điệu? Là tâm bất thiện bồng bột không dứt, tương ưng với tất cả kiết sử.

Thế nào là hý? Là tạo ra việc thiện, bất thiện, về sau lại hối tiếc, tương ưng với ưu căn.

Thế nào là xan? Là tâm luyến tiếc, keo kiệt.

Thế nào là tật? Là thấy người khác được việc tốt đẹp, mình không hoan hỷ, muốn cho họ phải đau khổ. Hai kiết này thuộc cõi dục, do tư duy đoạn trừ.

Thế nào là vô tàm? Là tự làm điều ác không biết xấu hổ.

Thế nào là vô quý? Là làm điều ác không thẹn với người khác.

Hai thứ này tương ưng với tất cả pháp bất thiện.

Ba kiết: Ái, sân, vô minh, tương ưng với sáu thức. Hai thứ ái, vô minh của cõi sắc tương ưng với bốn thức. Kiết sử còn lại tương ưng với ý thức. Trong một lúc do đạo vô ngại đoạn kiết sử, lúc tác chứng lại tác chứng. Đoạn trừ kiết của cõi dục được ba trí đoạn. Khổ đế, tập đế đoạn trừ kiết sử ở cõi dục được một trí đoạn. Tận đế (diệt đế) đoạn trừ kiết sử được hai trí đoạn. Đạo đế đoạn trừ kiết sử được ba trí đoạn. Kiết sử nơi cõi sắc, vô sắc do bốn đế đoạn trừ hết được ba trí đoạn. Năm kiết sử phần dưới trong cõi dục đoạn trừ hết được bảy trí đoạn. Ở cõi sắc, kiết sử do tư duy đoạn trừ hết được tám trí đoạn. Tất cả phiền não kiết sử đoạn trừ hết được chín trí đoạn. Diệt trừ kiết hoàn toàn đó gọi là trí đoạn. Có các kiết sử như vậy, tâm không tương ưng trói buộc tâm tương ưng, sự việc này là không đúng với tất cả tâm tương ưng. Vì sao? Vì khởi phiền não kiết sử là hủy hoại pháp thiện. Lúc thấy kiết sử là pháp thiện sinh, thế nên nhận biết tất cả kiết sử đều tương ưng với tâm. Tất cả các kiết sử này đều có hai sự đoạn là tâm tương ưng với trí thiền.

Thế nào là thiền? Là tâm nhu hòa ban đầu đoạn trừ. Thế nào là trí? Là phân biệt các pháp. Nhất tâm nhập định, tư duy là thiền.

Quán xét các pháp vô thường v.v… là trí. Thiền trí đều cùng hành tư duy, được giải thoát. Ba thời khéo tinh tấn là lúc nhất tâm, gìn giữ, tọa thiền, nếu tâm nhu hòa, lúc ấy nên tinh tấn tư duy. Nếu tâm điệu (trạo cử), khi đó phải nhất tâm tư duy theo điều thiện. Nếu cả hai sự việc này đều cùng không nhu hòa, không điều phục, thì lúc ấy là phóng tâm nên trừ bỏ. Ví như thợ luyện vàng, đem vàng đặt trong lửa, luôn thổi lửa để nung, luôn đem nước rưới lên, và cũng luôn tạm ngưng luyện. Vì sao? Vì nếu thường xuyên thổi lửa thì vàng sẽ chảy ra. Nếu thường rưới nước thì vàng sẽ nguội lạnh, không nóng. Nếu thường tạm dừng thì không điều hợp được. Việc tọa thiền cũng như vậy. Thổi lửa như sức tinh tấn, nhúng vàng vào nước như thiền, buông bỏ như xả. Vì sao? Vì thường tinh tấn thì điều phục tâm. Thường định thì nhất tâm, tâm nhu hòa. Thường xả thì không thọ nhận các tâm. Thế nên luôn siêng năng, tinh tấn, luôn nhất tâm định và luôn xả. Tâm hòa hợp, điều phục như vậy, trong tất cả kiết sử tức được giải thoát.

 

Phẩm thứ 10: BA MƯƠI BẢY NGƯỜI VÔ LẬU

Pháp tọa thiền trước là buộc giữ tâm ở một chỗ. Hoặc ở đỉnh đầu, hoặc ở trán, hoặc khoảng giữa chân mày, hoặc ở chóp mũi, hoặc ở trong tâm, khiến tâm trụ nơi một chỗ. Nếu niệm chạy đi thì kéo trở lại rồi đặt vào chỗ cũ. Tâm này ví như con vượn, buộc cổ nó vào cây trụ khiến vượn chỉ chạy quanh trụ, không chạy đi được, bắt buộc phải dừng. Tâm chạy rong cũng như vậy. Buộc tâm vào pháp khiến tâm không đi nữa, bắt buộc phải trụ lại. Dần dần quán thân, thọ, ý (tâm), pháp, là trong người, pháp, ý chỉ, thuần thục nhất tâm, được trí tuệ thật. Quán thật tướng của tất cả hành, vì sinh diệt không dừng nên vô thường. Vì chất chứa tai họa nên khổ. Vì bên trong không có người nên không. Vì không tự tại nên phi ngã (vô ngã). Từ đấy được pháp noãn khởi trong ý. Ví như dùi lửa trong cây sinh. Căn thiện tín tịnh được sinh trong pháp Phật.

Bốn duyên quán mười sáu hành. Bốn hành quán khổ đế: Từ nhân duyên sinh, vì không trụ nên vô thường. Vì sức của vô thường hủy hoại nên khổ. Vì không có người nên không. Vì không tự tại nên phi ngã.

Bốn hành quán tập đế: Vì tướng sinh giống như quả nên là nhân. Vì sống chết không dứt nên là tập. Vì không thể hết nên là hữu. Vì không giống nhau nhưng nối tiếp nhau nên là duyên.

Bốn hành quán diệt đế: Vì đóng kín tất cả khổ nên là tận. Vì trừ bỏ tất cả lửa kiết sử nên là chỉ. Vì hơn tất cả pháp nên là diệu. Vì ra khỏi ba cõi nên là độ.

Bốn hành quán đạo đế: Vì có thể dẫn đến Niết-bàn nên là đạo. Vì không phải là điên đảo nên là ứng. Vì là nơi chốn hành hóa của Thánh nhân nên là trụ. Vì có thể lìa phiền não của thế gian nên là xuất.

Quán mười sáu hành pháp thiện, thường siêng năng tinh tấn, đó gọi là pháp noãn. Từ căn thiện noãn này tăng trưởng, đó gọi là căn thiện đảnh. Tin Tam bảo, hoặc tin năm ấm là vô thường, hoặc khổ, không, phi ngã (vô ngã). Như vậy, duyên nơi mười sáu hành của bốn đế, vì hơn pháp noãn, nên nói là đảnh. Đảnh đã tăng thượng, tùy theo đế nhẫn gọi là căn thiện nhẫn. Nhẫn này có ba thứ: thượng, trung, hạ. Duyên nơi pháp quán của bốn đế, quán mười sáu hành thuận với căn thiện tăng thượng của đế, đó gọi là pháp đệ nhất thế gian. Tâm, tâm số pháp lúc nhất tâm, đó gọi là căn thiện thứ nhất thế gian.

Có người nói: Năm căn như tín v.v… là nghĩa như thật của pháp đệ nhất thế gian. Tâm, tâm số pháp lúc nhất tâm là căn thiện thứ nhất thế gian, có thể mở cửa ngõ Niết-bàn, là duyên thứ nhất trong pháp của phàm phu. Quán bốn hành của một đế là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì tâm vô lậu thứ nhất duyên nơi khổ đế. Pháp đệ nhất thế gian cũng như vậy.

Sáu địa thiền: Thiền vị đáo (thiền vị chí), thiền trung gian và bốn thiền, là các căn thiện nhẫn, đảnh, noãn. Trong sáu địa, có pháp đệ nhất thế gian theo thứ lớp khởi nơi người vô lậu, đó gọi là khổ pháp nhẫn. Chưa từng thấy, vì mới thấy nhưng có thể nhẫn, nên nói là nhẫn, là nhẫn đầu tiên nơi đạo vô ngại. Theo thứ lớp khổ pháp trí sinh. Nhận biết như thật về tướng khổ là khổ pháp trí nơi đạo giải thoát, hai tâm này duyên nơi khổ thuộc cõi dục. Vị tri nhẫn nơi đạo vô ngại, vị tri trí nơi đạo giải thoát, hai tâm này duyên nơi khổ thuộc cõi sắc, vô sắc. Tập, diệt, đạo đế cũng như vậy.

Pháp chánh quán này là mười sáu tâm tịnh. Hàng lợi căn trong mười lăm tâm là nói Tùy pháp hành. Hàng độn căn là nói Tùy tín hành. Hai người này chưa lìa kiết của cõi dục, hướng đến quả thứ nhất. Sáu thứ kiết sử của cõi dục đã đoạn trừ, hướng đến quả thứ hai. Nếu chín thứ kiết đã hết, hướng đến quả thứ ba. Hướng đến quả thứ nhất, nhằm đến người tu hành trong mười lăm tâm, cũng lại là người tu hành của trung gian quả, là hai người Tùy pháp hành, Tùy tín hành này, tiến đến được trụ quả trong mười sáu tâm. Hai người ấy trước đây chưa đoạn trừ kiết, do viên mãn mười sáu tâm nên đều cùng là Tu-đà-hoàn. Nếu đoạn trừ sáu thứ kiết, viên mãn mười sáu tâm, thì cùng là Tư-đà-hàm. Nếu đoạn trừ chín thứ kiết, đầy đủ mười sáu tâm thì cùng là A-na-hàm, được quả thứ ba và tám mươi tám kiết đoạn hết.

Vì căn thiện nơi giới vô lậu của người ấy thành tựu, nên nói là Tu-đà-hoàn. Hàng lợi căn được quả gọi là Kiến đáo. Hàng độn căn được quả gọi là Tín giải thoát. Nếu hai người này do tư duy đoạn trừ kiết thuộc cõi dục không hết, thì phải trải qua bảy lần chết, bảy lần sinh. Nếu trước diệt hết ba phẩm kiết, thì gọi là Gia gia, trải qua ba lần chết, ba lần sinh. Trong dòng nước tám trực đạo (tám chánh đạo) dẫn đến Niết-bàn hành trong ấy là Tu-đà-hoàn. Sáu thứ kiết đã hết, gọi là Tư-đà-hàm. Tám thứ kiết hết, gọi là Nhất chủng. Sinh lên trời cõi dục, trở lại sinh trong loài người liền bát Niết-bàn, đó gọi là Nhất chủng và Tư-đà-hàm.

Năm A-na-hàm là Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn, Hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn và Thượng lưu A-ca-ni đến A-nahàm. Lại có A-na-hàm sinh nơi cõi vô sắc. Khổ của cõi sắc, vô sắc dứt hết, được bát Niết-bàn, không sinh nơi cõi dưới là nói A-na-hàm.

Chín thứ kiết sử của cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc cũng như vậy. Các kiết sử này do hai đạo đoạn trừ là đạo vô ngại và đạo giải thoát. Trước hết là đạo vô ngại đoạn trừ, đạo giải thoát thành tựu. Ví như bắt được rắn độc bỏ vào trong chiếc bình, rồi bịt miệng bình lại. Đạo thế tục, đạo xuất thế gian đoạn trừ các kiết sử thuộc cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Đạo thế tục cũng có thể đoạn trừ sử nơi các cõi trên.

Tám địa lìa dục được định diệt tận, là nói A-na-hàm Thân chứng. Nếu pháp của A-la-hán Câu giải thoát tợ như Niết-bàn, thân trụ trong đó, đoạn hết năm kiết phần dưới tức được A-na-hàm. Đoạn hết năm kiết phần trên tức được A-la-hán. Các kiết sử, triền phược còn lại trong cõi sắc, vô sắc này là nói do tâm điều phục, như định kim cang, lần lượt sinh ra diệt trí. Bấy giờ, được quả A-la-hán, là đạo vô ngại lìa dục trên hết, cũng là tâm học sau cùng, là thứ lớp của định kim cang. Vô học đầu tiên phát sinh diệt trí: Các sự sinh của ta đã hết, ta đã được A-la-hán, tất cả kiết đã hết, đại tiểu phiền não đều diệt hết, gọi là A-la-hán, người nên được thọ nhận sự cúng dường trong tất cả hàng người, trời. Đó gọi là A-la-hán.

Bậc vô học này có chín thứ: (1) Pháp thoái. (2) Pháp không thoái. (3) Pháp tư. (4) Pháp thủ hộ. (5) Pháp trụ. (6) Pháp năng tấn. (7) Pháp không động. (8) Tuệ giải thoát. (9) Câu giải thoát.

Thế nào là pháp thoái? Là trí kém, tinh tấn yếu, hành đủ năm thoái, là thoái quả đạo. Đó gọi là pháp thoái chuyển.

Thế nào là pháp không thoái? Là trí nhạy bén, siêng năng, tinh tấn, không hành trong năm thoái, được quả đạo bất thoái. Đó gọi là pháp không thoái.

Thế nào là pháp tư? Là trí kém, tinh tấn kém, siêng năng quán thân bất tịnh, đáng ghét bỏ, tư duy tự diệt thân, là pháp tư.

Thế nào là pháp thủ hộ? Là trí kém, siêng năng tinh tấn, gìn giữ thân, là pháp thủ hộ.

Thế nào là pháp trụ? Là trí bậc trung, tinh tấn thuộc phẩm trung, đạo hành bậc trung, không tăng giảm, là pháp trụ.

Thế nào là pháp năng tấn? Là trí ít nhạy bén, siêng năng tinh tấn, có thể đạt được điều thiện không động, là pháp năng tấn.

Thế nào là pháp không động? Là hàng lợi căn, rất siêng năng tinh tấn, lúc trước được điều thiện không động, là pháp không động.

Thế nào là Tuệ giải thoát? Là A-la-hán không được định diệt tận, là Tuệ giải thoát.

Thế nào là Câu giải thoát? Là A-la-hán có thể được định diệt tận, là Câu giải thoát.

Tùy tín hành nơi năm hạng A-la-hán gọi là Thời giải thoát. Các vị A-la-hán này có hai trí, là diệt trí và trực kiến vô học (chánh kiến vô học). Tùy pháp hành nhất chủng nơi A-la-hán, hàng lợi căn gọi là Bất thời giải thoát. A-la-hán này đạt ba trí là diệt trí, vô sinh trí và trực kiến vô học. Tám A-la-hán ái thời giải thoát, thành tựu pháp không động. Tùy tín hành thành tựu chín căn vô lậu trong mười lăm tâm của đạo kiến đế, đó gọi là vị tri căn. Mười sáu tâm đắc quả, là chín căn vô lậu, đó gọi là dĩ tri căn. Chín căn này đều cùng là pháp vô học, đó gọi là đại tri căn. Lúc đắc quả, làm mất hướng đạo, trong đạo đoạn trừ hết kiết sử.

Có hai thứ thành tựu là hữu vi, vô vi. Lúc được đại quả, tất cả đều làm mất hai thứ gốc, được một thứ thành tựu. Chín thứ đoạn trừ kiết sử và các pháp không ẩn mất là tâm thứ chín, tất cả đều được đoạn trừ.

A-la-hán pháp năng tấn được việc thiện không khuynh động, không phải là pháp khác. Tín giải thoát hữu học đắc lợi căn gọi là kiến đáo, không phải vị khác. Các kiết sử trong đạo kiến đế mỗi mỗi đều khác. Pháp vô lậu mỗi mỗi đều khác. Do đấy nên dần dần kiến đế, không phải kiến đế cùng một lúc. Do sức của đạo vô ngại nên chứng đắc quả. Vì thế nên có hai thứ quả: (1) Quả hữu vi. (2) Quả vô vi.

Pages: 1 2