SỐ 1535
THÍCH KINH ĐẠI THỪA TỨ PHÁP
Hán dịch: Không có tên người dịch
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

* Gồm có:

Nói về sự thành lập tông chỉ: Về tông chỉ của thế gian ghi nhận tóm lược có 2: (1) Ngoài. (2) Trong.

Tông chỉ bên ngoài nhận thấy: Tuy có rất nhiều, nhưng không ngoài hai thứ, nghĩa là đoạn và thường, nói rộng như nơi luận.

Tông chỉ bên trong nhận thấy: Đại sư tại thế, đồng học một thầy, không có sai biệt. Sau khi Phật diệt độ, tông chỉ của Đại Tiểu thừa chia ra thành nhiều bộ.

Như Tông phái của Tiểu thừa thấy có hai mươi hai, như Luận Tông Luân (Luận Dị Bộ Tông Luân) mỗi mỗi đều biện minh rộng.

Tông chỉ của Đại thừa thấy phân ra làm ba phần riêng: (1) Tông nêu thắng nghĩa đều không. (2) Duy thức Trung quán. (3) Pháp tánh viên dung.

Ba tông này thấy rõ là mỗi mỗi đều được nói rộng, như Luận Trung Quảng Bách Tam Thập v.v…

Nay kinh này nói: Như có Bồ-tát hiệu là Thế Thân, quả vị đều là gia hạnh, đã tạo luận giải thích. Vì thế nên biết đều thuộc về Tông Trung Quán Duy Thức.

Nói về phần biện minh việc quy về Thừa: Đức Như Lai do tâm đại bi, dẫn dắt quần mê, theo căn cơ lập giáo, nói có ba và năm.

Nói có ba: (1) Thừa Thanh văn. (2) Thừa Duyên giác. (3) Thừa Bồ-tát.

Nói có năm: Là thêm Nhân thừa, Thiên thừa.

Năm thừa như thế, hành nghĩa hiện có, Kinh – Luận đã phân biệt, quảng diễn nơi nhiều chỗ.

Nay theo kinh này, mỗi mỗi chỉ thuyết minh về hành của Bồ-tát, là Đại, không phải là Tiểu, do đấy nên biết thuộc về tông Đại thừa.

Nói việc làm rõ phần quy về: Là chư Phật, Bồ-tát và Thanh văn đã giảng nói giáo pháp, tuy có rất nhiều, nhưng tùy theo loại tướng nên có mười hai phần, nghĩa là như Khế kinh v.v… về mỗi mỗi hành tướng, như nơi các chỗ khác đã nói rõ. Nay kinh này vì không thỉnh mà giảng nói nên thuộc về phần Tự thuyết. Không bỏ tâm Bồ-đề vô thượng v.v… là vì hành rộng lớn của Bồ-tát, nên thuộc về phần Phương quảng. Do có Già-tha (Kệ) nên thuộc về phần Ứng tụng. Là liễu nghĩa nên thuộc về phần Luận nghị. Có đủ thí dụ nên thuộc về phần Thí dụ. Vì thế nên biết là thuộc về năm phần.

Nói sự biện minh quy về Tạng: Như trên đã nói về mười hai phần giáo. Nói tóm lược là quy về 3 Tạng:

1. Tạng Tố-đát-lãm, đây dịch là Khế kinh. Quán xuyến liên kết chặt chẽ, đối tượng được giảng giải (nghĩa lý) là Định học. Vì khế lý, khế cơ, tạo lợi ích cho mọi người. Tạng là thâu giữ.

2. Tạng Tỳ-nại-da, đây dịch là Điều phục, thuộc về Giới học. Điều hòa ba nghiệp, chế phục hành ác mà thâu tóm lợi ích.

3. Tạng A-tỳ-đạt-ma, đây dịch là Đối pháp, đối tượng được nêu giảng là Tuệ học. Đối là đối hướng Niết-bàn, đối quán bốn đế, để thâu tóm lợi ích.

Phần như Khế kinh v.v… sao lại cùng thuộc về ba Tạng? Luận Đối Pháp Tập nói: Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, đây là Tạng Tố-đát-lãm (Kinh) của Thanh văn. Duyên khởi, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh cùng Già quyến thuộc gọi là Tạng Tỳ-nại-da. Phương quảng, Hy pháp (Pháp hy hữu) đây là thuộc về Tạng Tố-đát-lãm của Bồ-tát. Nếu chỉ có liễu nghĩa cũng thuộc về Tạng A-tỳ-đạt-ma. Như lý nên xét.

* Tiếp theo là giải thích phần chánh văn của kinh: Về môn chia làm 2:

  1. Giải thích về đề mục của kinh.
  2. Giải thích về chánh kinh.

Giải thích về đề mục: Hết thảy Thánh giáo, phàm lập tên đều căn cứ theo bốn thứ để thành lập. Nghĩa là: Người, Nơi chốn, Pháp, Thí dụ. Nay theo kinh này là căn cứ nơi Pháp để lập.

Nói Đại: Là có bảy nghĩa Đại:

1. Đối tượng duyên đại: Như Kinh Bát Nhã v.v… đã nói rõ: Tất cả hạnh khổ khó làm, cảnh giới rộng lớn, là cảnh giới nơi đối tượng duyên của Bồ-tát.

2. Tu hành đại: Là tu tập rộng về hành của mình và hành của người khác.

3. Trí đại: Là có khả năng thấu đạt hai thứ vô ngã là người và pháp.

4. Tinh tấn đại: Là hành trì các việc khó làm trong ba vô số kiếp.

5. Phương tiện đại: Là không trụ nơi sinh tử và Niết-bàn.

6. Hành nghiệp đại: Là tận cùng nơi biên vực sinh tử, vì có khả năng hành tác tất cả nghiệp của chư Phật.

7. Thành tựu đại: Là có khả năng thành tựu các công đức lớn như mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng v.v… Do bảy Đại này vượt khỏi hàng Nhị thừa, nên nói là Đại.

Thừa: Là nghĩa vận tải. Sinh tử là bờ này. Niết-bàn là bờ kia. Hữu tình gọi là giữa dòng. Kinh này đã nói bốn thứ: Thuyền pháp vận chuyển đưa hữu tình vượt qua biển sinh tử, khiến đến Niết-bàn, nên gọi là Thừa.

Tứ (Bốn): Là số lượng. Vì sao nêu ra số lượng? Trong Luận đã tự nêu rõ.

Pháp: Là nghĩa giữ lấy, phép tắc. Phần tiếp sau của kinh nói về bốn thứ pháp hành, tức là phép tắc phải tuân theo của Bồ-tát.

Kinh: Tiếng Phạn là Tố-đát-lãm, có bốn nghĩa, tức là: Y, Diên, Tịch, Kinh. Nay lấy nghĩa Diên. Như sợi chỉ xâu các hoa, dù gió có thổi mạnh, hoa cũng không rơi. Tức nghĩa có thể dùng giáo pháp xâu lại, kẻ tà không thể phá được. Người giữ Kinh, Luật, lấy giáo pháp gồm thâu chúng sinh, như tấm vải mới dệt thành, khiến họ chứng được quả vị Thánh, chẳng phải là do giáo pháp mà thấy rõ được sao!

Sợi chỉ kinh, nếu theo Luận Chân Thật nói thì có 5 nghĩa:

  1. Tượng tuyền. (Suối tràn)
  2. Thằng mặc. (Mực thước)
  3. Kết man. (Kết tràng hoa)
  4. Xuất sinh. (Sinh ra)
  5. Hiển thị. (Chỉ rõ)

Nếu dựa theo phương này (Trung Hoa), thì kinh là thường, là pháp, là đường thẳng, xưa nay không thay đổi, định rõ về chánh tà, làm thấm nhuần, thông suốt lý vật.

Luận Kinh Trang Nghiêm nói: “Chỉ bày về nơi chốn và nghĩa pháp tướng, gọi là kinh”.

HẾT