LUẬN TAM PHÁP ĐỘ
Tác giả: Tôn giả Sơn Hiền
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Đại sư Cù Đàm Tăng Già Đề Bà
Việt dịch: Nguyên Huệ

 

QUYỂN TRUNG

Phẩm 1: ĐỨC (tiếp theo)

Hỏi: Trước đã nói về nguyên do, là Gồm đủ, Phương tiện, Quả. Trong ấy đã nói về Gồm đủ, Phương tiện. Vậy Quả là gì?

Đáp: Quả là Phật, Phật Bích-chi, Thanh-văn. Phật, Phật Bích-chi, Thanh-văn, ba bậc ấy là quả.

Hỏi: Là quả gì?

Đáp: Là giới thượng chỉ trí.

Hỏi: Nay nói nguyên do. Nguyên do là đạo. Vì sao quả cũng là đạo?

Đáp: Quả nầy nói là hữu dư. Trước nói là vô dư. Vô dư là Bát-Niết-bàn, thế nên không lỗi.

Phật là lìa tất cả chướng ngại, chứng đắc mười lực, đạt bốn vô sở úy, thấu đạt hết thảy pháp Phật. Giới, định, tuệ của chư Phật là không sai lạc.

Phật Bích-chi: Là tự giác, không vì kẻ khác, mà tự giác ngộ nên nói là Phật Bích-chi.

Thanh-văn: Là do người khác thuyết giảng.

Lại nữa, giải thoát đầy đủ có hai thứ: một là bi, hai là chán. Nếu từ bi, đắc đạo đầy đủ là Phật. Chán gồm đủ có hai loại: một là do tự đạt được. Hai là do kẻ khác nên đạt được. Nếu tự đạt được là Phật Bích-chi. Nếu do người khác nên đạt được là Thanh-văn.

Lại nữa, nếu nhận biết khắp, tận cùng, gồm đủ công đức, lìa các thứ ác là Phật. Phật Bích-chi tuy lìa các thứ ác, nhưng các sự việc còn lại thì không như thế. Thanh-văn là duyên nơi kẻ khác để lìa các thứ ác.

Hỏi: Vì sao nhận biết chư Phật là không sai lầm? Thanh-văn cũng lại như thế chăng?

Đáp: Thanh-văn là lìa dục, chưa lìa dục. Thanh-văn A-la-hán có sai lầm, phân biệt về tướng, tín đứng đầu năm căn có chỗ dựa hạ trung thượng, thế nên Thanh-văn có sai khác nơi tất cả địa.

Hỏi: Thế nào là lìa dục?

Đáp: Không dục là tín. Giải thoát, kiến đáo, thân chứng. Do tín đứng đầu nơi độ nên gọi là tín giải thoát. Do tuệ đứng đầu nơi độ nên gọi là kiến đáo. Cả hai cùng đạt là thân chứng, là vô lượng chủng loại, nay sẽ nêu rõ. Tín giải thoát là thượng lưu, hành, vô hành Bát-Niết-bàn, tức thượng lưu Bát-Niết-bàn, hành Bát-Niết-bàn, vô hành Bát-Niết-bàn, ba loại ấy là tín giải thoát.

Thượng lưu: Là ái pháp kia dẫn đến bậc thượng.

Lại nữa, lưu là đạo. Pháp kia ở nơi cõi Dục sắp đạt đến bậc thượng nên gọi là thượng lưu.

Hành Bát-Niết-bàn: Hành nghĩa là hữu vi. Có nhiều phương tiện cùng đạo duyên nơi hành đến vô vi, nên gọi là hành Bát-Niết-bàn.

Vô hành Bát-Niết-bàn: Vô hành là vô vi, ít phương tiện cùng đạo duyên nơi vô vi đến vô vi, nên gọi là vô hành Bát-Niết-bàn. Đó gọi là ba thứ tín giải thoát.

Hỏi: Thế nào là kiến đáo?

Đáp: Kiến đáo là trung, sinh Bát-Niết-bàn, cũng là thượng lưu kiến đáo, cũng có ba thứ: Trung Bát-Niết-bàn, Sinh Bát-Niết-bàn, Thượng lưu Bát-Niết-bàn.

Trung Bát-Niết-bàn: Là ở đây mạng chung, chưa sinh nơi khác mà đắc đạo. Trung Bát-Niết-bàn như ngọn lửa nhỏ, cháy sáng lên chưa rơi xuống đất đã tắt. Nghĩa ấy cũng như thế.

Sinh Bát-Niết-bàn: Như ngọn lửa cháy sáng khắp, rơi xuống đất liền tắt. Như thế là mới sinh, thứ lớp đắc đạo, Bát-Niết-bàn.

Thượng lưu, như trước đã nói. Cõi Vô sắc nầy cũng như thế. Ba thứ ấy là kiến đáo.

Hỏi: Thế nào là thân chứng?

Đáp: Thân chứng là hành, vô hành, sinh Bát-Niết-bàn. Các thứ nầy trước đã nói.

Hỏi: Chẳng phải là đã nói lần nữa chăng?

Đáp: Không phải. Cõi khác nên lìa dục giới, cũng lìa sắc giới, là hai thứ trừ hết trung ấm, không phải có trung ấm của cõi Vô sắc. Lại nữa, trước nói không giải thoát. Thân chứng là có giải thoát. Giải thoát, phần sau sẽ nói.

Hỏi: Đã nói về lìa dục. Thế nào là chưa lìa dục?

Đáp: Chưa lìa dục là thứ tám, Tu-đà-hoàn, Bạc địa. Thứ tám, Tu-đà-hoàn, Bạc địa, ba thứ ấy là chưa lìa dục.

Hỏi: Thế nào là thứ tám? Nếu là số thì phải là thứ nhất, không phải thứ tám. Đầu tiên là hướng, sau đến A-la-hán. Vì sao ở đây là A-la-hán chăng?

Đáp: Không nên quán như người có tám. Trẻ con kia không phải do lớn là thứ tám, do ấu thơ là thứ tám. Như thế là con công đức của Đức Thế Tôn có tám, bậc A-la-hán kia là lớn, các lậu đã dứt hết. Tức đầu tiên là hướng, là ấu thơ, do đấy nói là thứ tám.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Thứ tám là tín, tuệ cùng có. Tộc tánh nầy, lúc là người phàm, có đủ tín và tuệ như thế. Kẻ ấy, hoặc tín thắng, tuệ tùy, hoặc tuệ thắng, tín tùy theo, hoặc cùng là sinh pháp trí. Đã từ tín hành là độn căn, từ pháp hành là trung căn, cùng hành cả hai là lợi căn. Ba thứ nầy là thứ tám. Đã kiến đế, nếu tín là thắng, là tột bậc bảy. Tuệ thắng là trung. Cùng thắng là Gia gia. Đây là địa kiến. Nếu lên địa tu là tại Bạc địa. Tín thắng là nhất vãng lai. Tuệ thắng là trung. Cùng thắng là nhất chủng. Nếu lìa dục của cõi Dục, tín thắng là tín giải thoát. Tuệ thắng là kiến đáo. Cùng thắng là lìa sắc, đắc thân chứng. Nếu tất cả lậu dứt hết, tín thắng là tuệ giải thoát. Tuệ thắng là câu giải thoát, cùng được giải thoát. Cùng thắng là cũng cùng giải thoát.

Lại nữa, tín thắng là độn căn. Tuệ thắng là trung căn. Cùng thắng là lợi căn. Như thế lần lượt đến bậc thượng.

Hỏi: Đã nói rộng về thứ tám, dần dần sinh khởi rừng công đức, nhưng không rõ điều ấy là thế nào? Xin được hiển bày.

Đáp: Tu-đà-hoàn là tối đa bảy lần trong Gia gia. Tu-đà-hoàn là ba thứ, trụ nơi quả thứ nhất, cầu quả thứ hai. Tu-đà-hoàn là đạo. Đi lên là đạo, nên gọi là hoàn, là thân kiến, trộm giới (giới cấm thủ), nghi đoạn, nẻo ác dứt hẳn. Hàng độn căn tối đa bảy lần vui thích thọ sinh trong cõi trời, người, mong Bát-Niết-bàn. Gia gia là cũng trụ nơi quả thứ nhất, ba kiết đã dứt hẳn. Do tư duy đoạn đã dứt hết một ít, là ở trong ấy sinh, từ nhà đến nhà mà Bát-Niết-bàn. Trung là ở trong hai thứ ấy, không phải hoàn toàn từ nhà đến nhà Bát-Niết-bàn. Cũng không hoàn toàn tối đa là bảy lần thọ sinh nơi cõi trời, người mà Bát-Niết-bàn, nhưng ở nơi trung gian Bát-Niết-bàn.

Hỏi: Đã nói về Tu-đà-hoàn, vậy thế nào là Bạc địa?

Đáp: Bạc địa là nhất lai, nhất chủng, trung, kiết của cõi Dục mỏng dần (bạc) an trụ, nên gọi là Bạc địa. Ba thứ ấy là nhất lai, nhất chủng, trung. Nhất lai là ở đây trọn sinh nơi cõi trời, một lần sinh mà Bát-Niết-bàn. Nhất chủng là thọ sinh một hữu mà Bát-Niết-bàn, nên công đức tăng trưởng. Trung là cùng có hai thứ ấy.

Ba thứ nầy gọi là chưa lìa dục.

Hỏi: Thế nào là A-la-hán?

Đáp: A-la-hán là lợi độn trung căn. A-la-hán là nói về tên gọi cúng dường. Có thể thọ nhận sự cúng dường, nên gọi là A-la-hán.

Hỏi: Vì cái gì nên có thể thọ nhận?

Đáp: Vì tất cả chúng sinh, nên nói là A-la-hán. A-la-hán ấy có ba loại, là lợi căn, độn căn, trung căn.

Hỏi: Thế nào là lợi căn?

Đáp: Lợi căn là pháp trụ, thăng tiến, bất động. Pháp trụ, pháp thăng tiến, pháp bất động, nên biết đó là lợi căn.

Pháp trụ: Là lìa phương tiện, trừ diệt phiền não, nên gọi là pháp trụ.

Pháp thăng tiến: Là trừ bỏ các phiền não, cầu thượng thắng có thể đạt được, nên gọi là thăng tiến. Thắng là đạt, thông, biện.

Pháp bất động: Là đã được thắng quả, tất cả sự đàm luận đều không loạn động được biện tài. Đó gọi là lợi căn.

Hỏi: Thế nào là độn căn?

Đáp: Độn căn là pháp thối, niệm, hộ. Pháp thối, pháp niệm, pháp hộ, ba thứ ấy là độn căn.

Pháp thối: Là hoặc sai lạc nên thối chuyển không phải Thánh đế, nên gọi là pháp thối. Hoặc lại ở nơi địa tu thối chuyển. Tu là tu tập. Nói do không tu tập, đó gọi là thối. Như học kinh rồi, không luôn hành tập nên quên. Như vậy, không tu tập nên nơi địa tu thối chuyển. Bệnh nghiệp ấy, tụng cùng tranh chấp, xa lìa hành quán nên thối chuyển. Do đấy nên gọi là địa tu.

Pháp niệm: Là đã đắc A-la-hán, hành kém nên cùng với thân kém, liền khởi niệm: Chỗ tạo tác của ta, đã làm rồi, ta làm sao để trụ? Như thế là suy niệm. Niệm là có nhiều phẩm loại. Cũng tư niệm về tài sản cùng may mặc y phục, song ở đây là suy niệm về xả bỏ thân mạng.

Pháp hộ (xả): Là không thối chuyển, cũng không tư niệm, chỉ xả phương tiện cực lớn. Như người nghèo có nhiều phương tiện được của cải thì giữ lấy. Đó là độn căn.

Hỏi: Thế nào là trung căn?

Đáp: Trung căn là tuệ giải thoát, cụ bất cụ giải thoát. Được tuệ giải thoát là thấp. Câu giải thoát có hai: một là đắc cụ giải thoát. Hai là bất cụ. Câu giải thoát là tín và tuệ. Đã được hai thứ ấy nên là thắng.

Hỏi: Thế nào là giải thoát?

Đáp: Giải thoát là dục, sắc, diệt tận. Giải thoát cõi Dục, cõi Sắc, diệt tâm thường trụ, cùng ba cõi tận. Đó là ba thứ giải thoát. Giải thoát đối với phiền não, nên gọi là giải thoát.

Hỏi: Thế nào là giải thoát dục?

Đáp: Giải thoát dục là nội sắc tưởng vô sắc, bất tịnh cũng tịnh. Nội là tự nội, là hai thứ tưởng có sắc và tưởng hoại sắc. Ở đây là nội hoại sắc. Nơi nghĩa địa quán xét thịt rữa nát từng phần. Mắt lồi, bụng vỡ, ruột lòi ra, từ chỗ đại tiểu tiện chảy đầy các thứ bất tịnh, vô số loài trùng duỗi bò nhung nhúc trên đấy, quạ chim tranh nhau ăn. Tay, chân, đầu lâu, mỗi thứ ở mỗi nơi. Thấy rồi, khởi vô dục, liền suy niệm: Thân nầy, do đấy nên chúng sinh giận dữ, tranh chấp, kiện tụng, kiêu mạn, cao ngạo, dấy lên vô lượng ác. Quán như vậy rồi, giải thoát, ác dứt, tâm định. Đó gọi là tưởng nội sắc, bất tịnh giải thoát, là tưởng nội hoại sắc thứ hai. Do định nên như không sắc, như vậy được lập quán, thân kẻ khác cũng lại như trên. Đó gọi là tưởng nội không sắc, bất tịnh giải thoát. Tịnh giải thoát là các sắc xanh vàng đỏ trắng, duyên nơi hoa, y phục v.v… Do phát khởi ý tư duy, tâm trụ bất động, là tịnh giải thoát. Ba thứ ấy là giải thoát dục.

Hỏi: Thế nào là giải thoát sắc?

Đáp: Giải thoát sắc là vô sắc lìa sắc, dục rồi, bốn thứ tâm trụ cũng lại là hữu lậu. Đó gọi là giải thoát sắc. Điều nầy trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là giải thoát diệt tận?

Đáp: Tâm cùng tưởng của các tâm nên diệt. Đó gọi là giải thoát diệt tận.

Phần thứ ba của phẩm Đức nơi Chân độ đã nêu bày xong.

 

Phẩm 2: ÁC

Hỏi: Đã nói rộng về Phẩm Đức nơi ba Chân độ. Thế nào là Ác?

Đáp: Ác là Hành, Ái, Vô minh ác. Hành, ái, vô minh ác, ba thứ ấy nên biết. Ác nầy làm nhiễm ô hành thiện, nên gọi là ác. Đây cũng làm nhiễm ô con người, tức là người cấu nhiễm. Ý vui thích nơi ác, như loài heo vui thích nơi bất tịnh. Ở đây, đầu tiên là hành ác của thân miệng ý. Các ác nầy là đầu tiên, là ba thứ hành ác của thân miệng ý.

Hành ác: Là việc làm của người ác nên gọi là hành ác.

Lại nữa, hành nầy là ác nên gọi là hành ác. Là chỗ tạo tác ác của thân, là hành ác của thân. Miệng, ý cũng như thế.

Hỏi: Thế nào là Hành ác của thân?

Đáp: Hành ác của thân là sát, đạo, dâm. Hành ác của thân nên biết là ba thứ sát sinh, trộm cắp, dâm dục.

Hỏi: Đã biết hành ác của thân là ba thứ. Vậy thế nào là sát sinh?

Đáp: Sát sinh là niệm, giáo, tác. Niệm, giáo, tác, là nói về ba thứ sát sinh. Phần còn lại cũng như thế. Như hành ác của thân, ba thứ niệm, giáo, tác của sát sinh, trộm cắp, dâm dục cũng như vậy. Khẩu nghiệp cũng thế.

Hỏi: Biết phần còn lại cũng như thế, nhưng chưa biết niệm. Thế nào là niệm?

Đáp: Niệm là tâm dục, dục khiến kẻ khác tạo tác, hoan hỷ. Niệm gọi là tư duy, là ba thứ tâm dục tạo tác, muốn khiến tạo tác, kẻ khác tạo tác thì hoan hỷ. Như ý sát hại chúng sinh là dục tạo tác. Ý khiến sát hại là dục khiến tạo tác. Kẻ khác sát hại rồi, ý vui thích là kẻ khác tạo tác thì hoan hỷ. Đó gọi là ba thứ niệm.

Hỏi: Thế nào là giáo?

Đáp: Giáo là dạy, khiến, có thể. Dạy bảo, sai khiến, có thể, đó là ba thứ giáo.

Dạy bảo: Là như ngoại đạo nói, giết heo, dê để cúng tế trời, là dạy bảo.

Sai khiến: Là như vua sai khiến quan: Ta có kẻ oán địch, khanh phải đi đến sát hại hắn, đó là sai khiến.

Có thể: Là như có người hỏi: Gã kia là oán địch của ta, ông muốn đi đến giết hắn chăng? Người nầy tức nhiên nhận lời. Đó gọi là có thể.

Ba thứ ấy là giáo.

Hỏi: Thế nào là hành tác?

Đáp: Hành tác là tưởng chúng sinh xả bỏ, đoạn mạng. Tác gọi là thi hành sự. Như nói sát sinh, nên biết là dạy bảo, sai khiến, có thể. Hành ác của ý cũng như thế. Ở đây có tưởng chúng sinh khác, xả bỏ chúng sinh, đoạn mạng chúng sinh, là ba hành tác gồm đủ. Thầy thuốc không hiểu rõ việc cắt mổ ung nhọt, nếu lúc cắt mổ, bệnh nhân bị chết thì không phải do thầy thuốc sát sinh, vì ông ấy không có ý sát hại. Ba sự việc như thế nếu không đủ thì không phải là sát sinh. Đó gọi là ba thứ hành tác.

Hỏi: Thế nào là trộm cắp?

Đáp: Trộm cắp là vật của kẻ khác, nghĩ tưởng, khởi ý trộm lấy. Vật của kẻ khác, nghĩ tưởng, khởi ý trộm lấy, là ba thứ trộm cắp gồm đủ. Vì sao? Vì giả sử có vật của kẻ khác, không có ý trộm cắp mà lấy vật ấy, là ta cho phép, do giống nhau nên không phải là trộm. Nếu vật của kẻ khác, không có ý trộm lấy là không trộm cắp, như lấy vật tri thức. Ba sự như thế, nếu không đủ thì không phải là trộm cắp. Gồm đủ mới là trộm cắp. Đó gọi là ba thứ trộm cắp.

Hỏi: Thế nào là tà dâm?

Đáp: Tà dâm là kẻ khác, pháp thọ, phi đạo, là hành tà dâm. Ba thứ phạm là kẻ khác thọ phạm, pháp thọ phạm và không phải đạo.

Hỏi: Nói dâm là gốc, do những gì nên gọi là tà dâm?

Đáp: Người có hai loại: xuất gia và tại gia. Ở đây, xuất gia hành dâm là nói về hành ác. Tại gia hành dâm thì không phải là hành ác, nhưng tà vạy là hành ác. Nếu tại gia hành dâm là hành ác, là Tu-đà-hoàn hành dâm nên bị đọa địa ngục. Nếu không như thế thì tà dâm là hành ác, nên kinh nói hai thứ không lỗi.

Đáp: Thế nào là kẻ khác thọ nhận?

Đáp: Kẻ khác thọ nhận là chủ, thân, vua. Chủ đã thọ nhận, thân đã thọ nhận, vua đã thọ nhận, là tất cả kẻ khác thọ nhận. Chủ có hai: Có chí cánh và có thiếu thời. Chí cánh là như nơi chốn, gia pháp, người nữ thuộc về chủ. Nếu dâm với người nữ ấy, thì theo các thứ kia là tà dâm. Chủ thiếu thời: Nếu người nữ theo kẻ kia lấy vật, hạn mức có thời. Nếu dâm với người nữ nầy, theo các thứ kia là tà dâm.

Thân là cha mẹ, anh em, cậu, cùng nuôi dưỡng người nữ, hoặc nhận lấy việc nuôi dưỡng mà bỏ người nữ.

Vua thọ nhận: Là nếu không có người thân, không có chủ, mà thọ nhận theo lệnh vua.

Hỏi: Thế nào là pháp thọ nhận?

Đáp: Pháp thọ nhận là học, trai, tộc pháp. Nếu thọ học pháp là học pháp thọ nhận. Nếu thọ trai pháp là trai pháp thọ nhận. Nếu thọ tộc pháp là tộc pháp thọ nhận, là trong đó cùng có thể nói.

Học pháp thọ nhận: Là nếu chủ trước thuận theo học, sau phạm là tà. Đó gọi là học pháp thọ nhận.

Trai pháp thọ nhận: Là nếu chủ trước thuận theo việc thọ trai, sau phạm là tà. Đó gọi là trai pháp thọ nhận.

Tộc pháp thọ nhận: Là như trước đã nói về thân thọ nhận. Song người biên chép kinh muốn khiến cho đủ ba pháp, nên lại nói tộc pháp thọ nhận.

Mẹ, chị em người nữ, vợ và cùng họ, là tất cả không thể phạm. Phạm là tà.

Hỏi:. Thế nào là hành không phải đạo (phi đạo)?

Đáp: Hành không phải đạo là người nữ sinh đẻ, người nam không thành nam, gọi là hành phi đạo. Nếu người nữ mới sinh đẻ, sau phạm là hành phi đạo. Nếu dùng thế lực, phạm người nữ chưa kết hôn, là hành phi đạo, cùng dâm với người nam không thành nam, đó là ba hành phi đạo.

Hỏi: Đây nói không đủ. Vì sao? Vì trong đó còn có các thứ tà dâm khác, ở đây đã nói làm sao gồm thâu chúng? Nếu không gồm thâu, thế nên ở đây nói không đủ.

Đáp: Đây nói đã đủ. Vì sao? Vì trước đã nói lìa người nữ lúc sinh đẻ. Nếu nói người nữ, nên biết là đã nói về súc sinh. Nếu nói lìa lúc sinh nở, nên biết là đã nói về các hành khác. Do đấy là đã nói đầy đủ.

Hỏi: Các thứ ác phi nghĩa nầy, từ đâu mà sinh?

Đáp: Đều từ tham sân si sinh. Tất cả các thứ kia nên biết đều từ tham sân si sinh.

Hỏi: Vì sao nói tất cả là sát, đạo, dâm?

Đáp: Không chỉ như thế. Nếu chỉ nói như thế là do người biên chép kinh. Phải nên nói tức là chỉ gồm thâu tất cả, vậy nên tìm bản kinh. Tất cả hành ác của thân miệng ý nên nói riêng.

Hỏi: Vì sao ở đây nói từ trong ba ác sinh? Ở đây có lỗi. Vì sao? Vì không phải do lạc thọ, khổ thọ cùng một lúc sinh, cũng không phải do lạc thọ đã khiến giận dữ. Dâm là nói vui thích hành tập. Dục là dâm. Ở đây vì sao nói là giận dữ?

Đáp: Không phải là nói từ dâm sinh ra giận dữ. Ở đây nói là từ nguyện gốc. Vì yêu mến đến cả răng, lông, nên khởi giận dữ, sát hại. Như thế, trước phát khởi giận dữ: Kẻ kia phạm vợ ta, ta cũng đáp trả lại, nhưng sau hành dâm khởi ái, song nguyện gốc từ trong giận dữ sinh. Dục từ thứ kia sinh, do đó không lỗi. Các thứ khác cũng như vậy.

Hỏi: Trước nói tất cả từ tham sân si sinh. Ở đây đã nói hành ác của thân, song không rõ Hành ác của miệng là thế nào?

Đáp: Hành ác của miệng là chẳng thật, chẳng hư, ỷ ngữ. Hành ác của miệng có bốn thứ, song chỉ nêu ba pháp, nên biết là ba. Ba pháp nầy cũng hiển thị bốn.

Hỏi: Thế nào là không thật?

Đáp: Không thật là vì mình, vì kẻ khác, có lợi, nên kiêng, tránh sự thật. Nếu không thật là hành ác của miệng, tức là vì mình, kẻ khác, có lợi, nên ý kiêng, tránh sự thật. Kiêng, tránh sự thật là ý che giấu. Như ý nhận biết rồi, miệng nói lại khác. Nói ba thứ là vì mình, vì kẻ khác, vì có lợi.

Vì mình: Là mạng sống của mình. Vì kẻ khác: Là người thân. Vì có lợi: Là vật dụng, của cải. Đó gọi là ba thứ. Như Đức Thế Tôn nói: Ở nơi quyến thuộc, nhân nơi mình, nhân nơi kẻ khác, nhân nơi có lợi, nên biết rồi lại nói dối.

Hỏi: Đã nói hành ác của miệng là không thật, còn thế nào hành ác của miệng là chẳng hư?

Đáp: Chẳng hư: Là chẳng ái, biệt ly, cùng hành. Chẳng hư gọi là hành chẳng ái, là hành biệt ly, là cùng hành. Hành là tạo tác chẳng ái. Hành gọi là ác khẩu. Ái nên nói lời giận dữ là không ác khẩu. Nếu không như thế thì không gì là không ác khẩu. Ác khẩu là vì mình sinh. Nếu khác, thì Đức Thế Tôn cũng ác khẩu. Đức Thế Tôn vì từ bi, nên nghe Điều-đạt nói mà giận. Do đấy, tạo hành không ái là ác khẩu. Như kẻ mù lòa gọi kẻ mù lòa giận dữ, tuy có lời nói thật, song do ý ác, thế nên tạo chẳng ái, gọi là hành ác.

Hành biệt ly: Tuy có lời nói thật, song vì hành biệt ly nên là nói hai lưỡi. Nếu không tạo hành biệt ly, mà có thể biệt ly, thì không phải là nói hai lưỡi. Nếu không như thế, thì Đức Thế Tôn cũng chính là nói hai lưỡi. Đức Thế Tôn vì từ bi đối với đám dị học nên đã độ họ làm đệ tử. Do đấy, tạo hành biệt ly nên là ác.

Cùng hành: Tức là hai sự việc ấy, tạo chẳng thật cùng chẳng hư. Như thế, ác khẩu là do ác khẩu, cũng gọi là nói hai lưỡi.

Hỏi: Thế nào là ỷ ngữ (nói lời thêu dệt)?

Đáp: Ỷ ngữ là chẳng đúng lúc, chẳng thành thật, không nghĩa mà nói. Không đúng lúc mà nói, không thành thật mà nói, không ý nghĩa mà nói, là ba thứ ỷ ngữ, phân biệt là vô lượng.

Không đúng lúc mà nói: Là lúc nên nói thì không nói. Lúc không nên nói, lại nói. Như vào lúc hôn nhân hội hợp, vui vẻ, hoặc có người nói: Nầy anh bạn kia! Tất cả mọi sự hội họp đều quy về hoại diệt, muôn vật là vô thường, thịnh rồi tất suy, anh nên mau chóng xả bỏ sự việc nầy. Kẻ kia nói lời ấy, được Phật, Phật Bích-chi, Thanh-văn khen ngợi, song do nói không đúng lúc, nên là ỷ ngữ.

Không thành thật mà nói: Hoặc tưởng thật nên nói tà vạy. Như các dị học nói ngã là Nhất thiết trí. Họ tuy có tưởng thật, song chỉ là ỷ ngữ. Vì sao? Vì đấy không phải là Nhất thiết trí, chỉ là tưởng mà thôi.

Không có ý nghĩa mà nói: Là nói về cười đùa, ca múa, sầu lo.

Đó gọi là hành ác của miệng.

Hỏi: Thế nào là Hành ác của ý?

Đáp: Hành ác của ý là tham, giận, tà kiến, là chỗ hành ác của ý nên gọi là hành ác của ý, là ba thứ tham, giận, tà kiến ấy.

Tham là mong có được tài sản, vật dụng của kẻ khác.

Hỏi: Nếu mong có được tài sản vật dụng của kẻ khác là tham, tức là nói lặp lại, có lỗi. Tại trong niệm nên đã nói ở đấy. Niệm là tâm mong muốn, mong muốn khiến hành tác, kẻ khác tạo tác thì hoan hỷ chăng?

Đáp: Đây nói không có trùng lặp. Ý muốn như thế. Niệm là ý mong muốn như thế, muốn hành tác. Ở đây không muốn hành tác mà muốn đoạt lấy vật dụng của kẻ khác. Tham nên khiến tài sản vật dụng ấy có nơi mình. Như thế là ý nhiễm ô, vướng mắc trong tài sản vật dụng của kẻ khác. Tham là hướng tới vật dụng của kẻ khác. Sân là bức bách kẻ khác với ý ác.

Hỏi: Thế nào là tà kiến?

Đáp: Tà kiến là nghiệp quả trái nhau, không thấy biết. Nghiệp trái nhau, quả trái nhau, không thấy biết, là tóm lược về ba thứ tà kiến. Nếu phân biệt là vô lượng. Như ở đây, dị kiến là tà kiến.

Hỏi: Thế nào là nghiệp trái nhau?

Đáp: Nghiệp trái nhau là ý tịnh bất tịnh, ý bất tịnh tịnh, cùng một ý. Ý tịnh bất tịnh, ý bất tịnh tịnh, cùng một ý là ba thứ nghiệp trái nhau.

Ý tịnh, bất tịnh: Là nghiệp thân miệng ý thiện, quả bất thiện.

Ý bất tịnh, tịnh: Là nghiệp thân miệng ý bất thiện, quả thiện.

Cùng một ý: Là nghiệp thân miệng ý thiện, bất thiện, quả thiện bất thiện. Quả cũng như vậy. Như phân biệt về nghiệp, phân biệt về quả cũng thế. Trên cõi trời khổ, Niết-bàn khổ, so sánh như thế là quả tịnh ý bất tịnh. Đường ác vui, sinh tử vui, so sánh như thế là quả bất tịnh, ý tịnh. Đường ác khổ phi khổ, so sánh như thế là cùng một ý.

Hỏi: Thế nào là không thấy biết?

Đáp: Không thấy biết là không thấy biết nghiệp quả chúng sinh. Không thấy biết nghiệp, không thấy biết quả, không thấy biết chúng sinh. Đó là ba thứ không thấy biết.

Không thấy biết nghiệp: Là không thí, không trai giới, không thuyết giảng, không phương tiện, không tạo tác nghiệp thiện bất thiện.

Không thấy biết quả: Là tạo thiện bất thiện không có quả báo, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Không thấy biết chúng sinh: Là không có cha mẹ, không có chúng sinh sinh nơi thế gian, không có Sa-môn, Phạm-chí thật. Đó gọi là vô lượng thứ của tà kiến.

Đây là ba thứ hành ác của ý nơi vô lượng thứ. Tất cả nhân ác được tạo cùng trái với tất cả nhân thiện được tạo, trong phần Giới ở trước đã nói.

Phần thứ nhất của phẩm Ác nơi Chân độ đã nêu bày xong.

Hỏi: Đã nói về Hành ác, còn thế nào là Ái?

Đáp: Ái là nhiễm, giận, mạn. Nhiễm giận mạn là ba thứ ái, nên biết. Ái là cầu, là ba thứ nói chung làm một.

Hỏi: Thế nào là nhiễm?

Đáp: Nhiễm là chấp trước dục, hữu, phạm hạnh. Chấp trước dục, chấp trước hữu, chấp trước phạm hạnh, là ba thứ nhiễm.

Ở đây, dục là năm dục: sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc). Là dựa nơi ba thứ ấy, các chúng sinh mỗi mỗi đều vui thích, vướng mắc, các sự khác thì không thế. Tại đây, chấp trước dục là nữ, nam, chẳng thành nam chấp trước dục. Nữ “dục” nam, nam dục nữ cùng chẳng thành nam. Chẳng thành nam dục nữ, dục nam.

Hỏi: Trước đã nói về chấp trước năm dục, nay nói nữ, nam, chẳng thành nam, chẳng phải là lỗi sao?

Đáp: Nữ, nam, chẳng thành nam, nữ nam chẳng thành nam là lặp lại ở trong năm dục, mỗi mỗi thứ đều vướng mắc. Đối với các sự việc khác thì không thế. Như Đức Thế Tôn đã nói: Ta không thấy sắc ái nào khiến nhiễm đắm như là sắc nam nữ, như là cảnh giới của năm dục. Do đó không có lỗi về ái. Dục có ba thứ: kém, vừa, hơn. Kém là dục của nam. Vừa là dục của nữ. Hơn là dục của chẳng thành nam. Đó gọi là chấp trước nơi dục.

Hỏi: Thế nào là chấp trước nơi hữu?

Đáp: Chấp trước hữu là dục, sắc, vô sắc hữu. Chấp trước nơi dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, đó gọi là chấp trước hữu.

Hỏi: Như ở đây, chấp trước dục, trước đã nói riêng nơi nữ, nam, chẳng thành nam. Nay vì sao lại ở trong chấp trước hữu nói nữa?

Đáp: Chấp trước hữu là vì chúng sinh nên nói. Chấp trước dục là vì phiền não nên nói. Tất cả pháp của cõi Dục gọi là dục hữu. Nếu chấp trước nơi chúng thì đó là chấp trước dục hữu. Pháp của cõi Sắc gọi là sắc hữu, nếu chấp trước chúng thì đó là chấp trước sắc hữu. Pháp của cõi Vô sắc gọi là vô sắc hữu, nếu chấp trước chúng thì đó là chấp trước vô sắc hữu. Do đấy nên nói riêng, không lỗi.

Hỏi: Thế nào là chấp trước phạm hạnh?

Đáp: Chấp trước phạm hạnh là được, chưa được, mất, chấp trước dục, lo. Chấp trước phạm hạnh là đã được liền chấp, chưa được liền mong cầu, nếu mất liền lo. Do nghĩa ấy, nên cũng nói là chấp trước dục hữu: Đã được liền chấp, chưa được liền mong cầu, nếu mất liền lo lắng. Như vậy, chấp trước dục hữu, phạm hạnh, mỗi thứ đều có ba, nên nói là chín.

Lại nữa, được người nữ liền tham đắm, chưa được liền mong cầu, nếu mất liền lo lắng. Như vậy, nữ, nam, chẳng thành nam nơi chấp trước dục cũng nên nói chín thứ. Như thế, chấp trước dục hữu, chấp trước phạm hạnh, nên nói là hai mươi bảy.

Hỏi: Chấp trước phạm hạnh có thể được như thế là phiền não chăng?

Đáp: Có. Như Đức Thế Tôn nói: Ba cầu là cầu dục, cầu hữu, cầu phạm hạnh. Cầu ái, nhiễm chấp là một nghĩa.

Lại nữa, như đã nói, dục cùng phạm hạnh, lìa ái luôn nhớ nghĩ.

Hỏi: Nếu như thế thì phạm hạnh không thể hành. Vì sao? Vì có chấp trước. Lại nữa, nếu như chỗ đã nói thì tất cả phạm hạnh nên có chấp trước?

Đáp: Nên theo phương tiện hành, như họ Thích đã hành. Họ Thích là hành phạm hạnh mà không chấp trước phạm hạnh. Họ lìa tội phước, nên hành đạo không để cầu quả. Người cầu quả gọi là chấp ngã. Do giới nầy, do khổ hạnh nầy, do phạm hạnh nầy, nên được sinh lên cõi trời, cùng cõi khác. Như thế là hành chấp trước, nhiễm ô, cầu mong vào lúc nào ta sẽ được phạm hạnh, khiến ta được sinh trong nẻo thiện? Nếu chấp trước phạm hạnh để được an vui của đời sau, là đã nắm giữ ái lạc, tạo phi phạm hạnh sinh hối tiếc, khiến ta thối chuyển. Đó gọi là lo lắng. Như thế gọi là chấp trước phạm hạnh.

Hỏi: Thế nào là giận?

Đáp: Giận là đã có thân, oán, đã có phẫn nộ. Thân, oán, phẫn nộ, là ba thứ giận.

Hỏi: Thế nào là nơi xứ ái nói về giận?

Đáp: Giận là cầu ác, cầu không ái, là đã có nên trong bốn môn hành thân oán cũng hành trong bốn môn.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Vì mình, cùng người thân, chưa được an vui thì cầu, đã được thì khiến không mất. Đã bị khổ thì muốn xả bỏ, chưa bị thì không muốn khiến cho bị. Như vậy, mình và người thân, trái với bốn thứ là oán.

Chưa bị khổ, muốn khiến cho bị, đã bị rồi muốn khiến không bỏ. Chưa được vui thì muốn khiến không được. Đã được thì muốn khiến mau chóng mất. Đó gọi là vì oán nên cầu ác, là giận. Do đấy nơi xứ ái nói giận không lỗi.

Hỏi: Thế nào là vì mình?

Đáp: Vì mình là ba thời cầu không lợi. Ba thời là quá khứ, hiện tại, vị lai, như đã nói. Kẻ kia vì ta đã cầu không lợi, sẽ cầu không lợi, nay cầu không lợi, nên sinh giận. Đó gọi là vì mình, ba thời cầu không lợi, sinh giận.

Hỏi: Thế nào là thân?

Đáp: Thân cũng như thế. Như vì mình, ba thời cầu không lợi, sinh giận. Như vậy là vì người thân, ba thời cầu không lợi, sinh giận.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Như đã nói, nếu ta thân ái với kẻ kia, vì đấy đã cầu không lợi, sẽ cầu không lợi, nay cầu không lợi, sinh giận. Đó gọi là thân.

Hỏi: Thế nào là oán?

Đáp: Oán là trái nhau, oán gia khác nhau như đã nói. Như ta oán kẻ kia, vì đấy đã cầu lợi, sẽ cầu lợi, nay cầu lợi, sinh giận. Như thế là vì oán cầu lợi nơi ba thời, sinh giận. Đó gọi là chín thứ giận.

Hỏi: Giận nầy và giận trong ba hành ác có sai biệt gì?

Đáp: Đây là dựa vào phương tiện sinh. Còn giận của hành ác, nên biết là từ vô trí nên giận dữ.

Hỏi: Chín thứ giận của tất cả chúng sinh là như nhau chăng?

Đáp: Trụ nầy như vẽ nơi nước đất đá. Giận ấy tùy theo chúng sinh nên biết như vẽ nơi nước, đất, đá. Chúng sinh với từng ấy loại, nên biết giận có hạ trung thượng. Như vẽ trên nước tức thì mất ngay. Vẽ trên đất thì có được ít thời gian, nếu bị gió mưa cùng nhân duyên khác mới bị mất. Vẽ trên đá thì cho đến trụ đá không còn đá mới mất. Như thế, chúng sinh với từng ấy thứ giận không đồng. Hoặc lúc mới sinh giận liền tự trách: Ta không đúng, chúng sinh là pháp tự nhiên diệt, vô lượng khổ bức bách tự chúng sẽ dứt. Ta không có tội, không có ý ác hủy hoại kẻ khác. Như thế là giận dữ kia tự dứt như vẽ trên nước. Hoặc lại sinh giận không thể tự kìm chế, nếu có thầy, bạn lành từ bi quở trách thì mới dứt được, như vẽ trên đất. Hoặc lại có ý ác, không suy xét đúng đắn, sinh giận, Phật, Phật Bích-chi, Thanh-văn kia cũng không thể làm cho dứt, cùng với thân cùng diệt, như vẽ trên đá. Đó gọi là giận.

Hỏi: Thế nào là mạn?

Đáp: Mạn là ý dấy khởi thấp, ngang, hơn, do đấy để dựa cậy, nên gọi là mạn. Lại nữa, nêu tính về các thứ kia đây nên gọi là mạn, là ba thứ ý khởi ta là kém, ý khởi ta là bằng, ý khởi ta là hơn.

Nếu có sắc, giàu sang, tộc họ noi theo, ta không như kẻ kia, nên gọi là ý khởi ta kém. Hoặc có sắc, giàu sang, tộc họ noi theo, ta cùng với kẻ kia bằng nhau, nên gọi là ý khởi ta bằng. Hoặc có sắc, giàu sang, tộc họ đông vui, ta đối với kẻ kia là hơn, nên gọi là ý khởi ta hơn.

Hỏi: Đã nói về tướng của mạn như kém (ty), bằng (đẳng), hơn (thắng). Làm sao nhận biết đấy là chân độ, phân biệt tất cả mạn? Mạn có vô lượng thứ, như trong phần thô tạp đã nói?

Đáp: Thấp kém (ty) là tà, bất như, cực hạ mạn. Ty mạn là ba thứ tà mạn, bất như mạn, cực hạ mạn. Tà mạn là ta tạo nghiệp cực ác, lại khởi ý cao ngạo.

Bất như mạn: Là thọ nhận sự khen ngợi, tán dương của kẻ khác nói: Lành thay! Ông có đức lớn! Nghe rồi trong lòng hoan hỷ: Đối với ta, vì sao không được như thế?

Cực hạ mạn: Là biếng nhác, dấy khởi niệm nầy: Con người không thể hướng tới nẻo thù thắng. Đó là ba thứ ty mạn.

Hỏi: Thế nào là đẳng mạn?

Đáp: Đẳng mạn là ngã, cống cao, bất kính mạn. Đẳng mạn là ba thứ ngã mạn, cống cao mạn, bất kính mạn.

Ngã mạn: Là chấp năm ấm là ngã, đã ở trong ác cho là công đức.

Cống cao mạn: Là thọ nhận sự cung phụng của kẻ khác.

Bất kính mạn: Là không kính các bậc sư trưởng.

Đó gọi là ba thứ đẳng mạn.

Hỏi: Thế nào là thượng mạn?

Đáp: Thượng mạn là đại mạn, mạn đại mạn, tăng thượng mạn.

Đại mạn: Là đối với chỗ kém và bằng, cho ta là hơn, sinh kiêu mạn.

Mạn đại mạn: Là đối với kẻ hơn, cho ta là hơn, sinh kiêu mạn.

Tăng thượng mạn: Là đối với việc chưa được quả thù thắng cho là được, sinh kiêu mạn.

Đó gọi là ba thứ thượng mạn. Tất cả mạn ấy từ nơi ái lạc, lo sợ sinh, do đấy nói nơi xứ ái.

Phần thứ hai của phẩm Ác nơi Chân độ đã nêu bày xong.

Hỏi: Đã nói về Ái, thế nào là Vô minh?

Đáp: Vô minh là trí Phi, , Hoặc. Phi trí, tà trí, hoặc trí, ba thứ ấy là vô minh. Vô minh là giả danh của si, là phân biệt về chữ, nói kẻ kia hủy báng để lập tên gọi. Như người có con ác thì gọi là không con. Như thế, vô minh nầy là minh ác nên nói là vô minh.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Phi trí là hữu vi vô vi, không thể nói, không biết. Hữu vi, vô vi, không thể nói, không biết, đó là ba thứ phi trí.

Hỏi: Hai thứ hữu vi là thọ cùng không thọ. Ở đây làm thế nào để định rõ?

Đáp: Hữu vi là thọ, không thọ cùng thọ. Nếu là phi trí, nên biết là thọ si, không thọ si, cùng si. Ở đây, thọ là hai thứ tự thọ, tha thọ của ấm, giới, nhập. Không thọ là so sánh với cây cỏ, tường vách. Ở đây, hoặc tha thọ, hoặc không thọ, nên biết là không thọ, trong ấy mỗi mỗi đều bị si ám. Đó gọi là phi trí. Như Đức Thế Tôn nói: Sáu cánh nhập, phi trí không thấy biết. Như thế, quảng diễn như kinh đã nói. Thọ gọi là nghĩa nhận lấy. Nhân nơi nghiệp cùng phiền não, ý si chấp ngã là ngã sở. Đó gọi là thọ.

Hỏi: Vô vi là Niết-bàn, là một, vì sao nói ba?

Đáp: Vô vi là hữu dư, vô dư, cùng có. Tuy Niết-bàn là một vô vi, song là sự nên nói hai thứ là hữu dư và vô dư. Hữu dư là thân đã thọ nhận nghiệp và phiền não, là nói hữu dư. Kẻ ấy đoạn trừ hết tất cả phiền não, tác chứng rồi, nên là hữu dư, là nói về hữu dư.

Vô dư là nếu thọ ấm nầy xả, lại không nối tiếp, như đèn tắt, là Niết-bàn, đây gọi là vô dư, trong đó, mỗi mỗi thứ và cùng diệt, là vô vi không biết.

Hỏi: Thế nào là không thể nói?

Đáp: Không thể nói là thọ nhận, quá khứ, diệt nêu bày. Thọ nhận nêu bày, quá khứ nêu bày, diệt nêu bày. Nếu không biết, đó gọi là không thể nói, không biết.

Thọ nhận nêu bày: Là chúng sinh đã thọ nhận ấm, giới, nhập, chấp là một, là khác.

Quá khứ nêu bày: Là nhân nơi ấm, giới, nhập của quá khứ mà nói. Như đã nói: Ta nơi bấy giờ tên là Cù-tuần-đà.

Diệt nêu bày: Là nếu đã diệt là nhân nơi thọ mà nói. Như đã nói: Đức Thế Tôn Bát-Niết-bàn.

Lại nữa, quá khứ nêu bày: Là chế phục chúng sinh chấp đoạn. Diệt nêu bày: Là chế phục hữu thường. Thọ nêu bày: Là chế phục về vô. Không thọ nêu bày: Là chế phục về hữu. Trong kia, mỗi mỗi đều không biết. Đó gọi là không thể nói, không trí.

Hỏi: Đã nói về Phi trí, thế nào là Tà trí?

Đáp: Tà trí là kiến thân, biên, trộm. Thân kiến, biên kiến, trộm kiến là ba thứ tà trí. Tà là điên đảo, không phải như, chẳng chân thật đồng một nghĩa.

Thân kiến: Là ngã, ngã ấy, tự tại. Ngã tất như thế, ngã ấy tất như thế, tự tại tất như thế, là thân kiến.

Ngã tất như thế: Tức ấm là huyễn hóa, như dợn nắng, như tiếng vang, như bóng trăng trong nước, hình tướng giống năm ấm, nên chấp trước là ngã.

Ngã ấy tất như thế: Là giả mượn chuỗi anh lạc, cây trái tích tụ, tương tợ như năm ấm, chấp là sở hữu của ngã.

Tự tại tất như thế: Là thân cây chuối, các thứ bọt bóng nước giống như cảnh giới của năm dục, chấp là tự tại, như làng xóm trống vắng. Thân kiến là kiến chấp về sở hữu của ngã nơi thân. Như vậy gọi là ba thứ thân kiến.

Hỏi: Thế nào là biên kiến?

Đáp: Biên kiến là đoạn, thường, cùng đoạn thường, cùng là ba thứ biên kiến thọ nhận. Biên là không do đạo lý, là kiến chấp một bên. Ở đây, đoạn thường là thế gian hữu thường, vô thường, phi hữu thường phi vô thường. Thế gian là hữu biên, vô biên, phi hữu biên phi vô biên. Chúng sinh là hữu chung, chúng sinh là vô chung, phi hữu chung phi vô chung, là thân là mạng, so sánh như thế.

Cùng là hữu thường, vô thường, hữu biên, vô biên. Hữu chung, vô chung, so sánh như thế. Đó gọi là ba thứ biên kiến.

Hỏi: Thế nào là trộm kiến?

Đáp: Trộm kiến là giới, kiến, nương dựa. Trộm kiến nầy từ trong ba thứ sinh: Một là giới. Hai là kiến. Ba là nương dựa. Trong trộm kiến ấy, giới thì nơi phần Chân độ thứ nhất đã nói. Do giới nầy được thanh tịnh nên cùng thọ giới. Đó gọi là hai thứ giới trộm. Đây là chân thật, thứ khác là hư, không phải thật. Đó gọi là kiến trộm. Chấp là chân thật tất như thế, cũng là nói về kiến trộm.

Thân trói buộc, dựa nương vào đấy: Tức nếu dựa vào giới cùng kiến là năm ấm. Do đấy nên hoặc giới hoặc kiến chấp là năm ấm tịnh. Nên biết là giới trộm chấp năm ấm là bậc nhất, không phải thứ khác. Nên biết kiến trộm là dựa vào đấy. Đó gọi là ba thứ trộm kiến.

Hỏi: Thế nào là Hoặc trí?

Đáp: Hoặc trí là bảo, đế, trong định không biết rõ. Bảo không nhận biết rõ, đế không nhận biết rõ, trong định không nhận biết rõ. Không nhận biết rõ là không quyết đoán nơi nghi, đồng một nghĩa với do dự.

Hỏi: Thế nào là Bảo?

Đáp: Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, nên biết là Tam bảo. Phật là phổ trí, thành tựu tất cả công đức, lìa hết thảy ác.

Hỏi: Phật do những gì gọi là bảo?

Đáp: Do công đức ấy.

Lại nữa, do đại từ đại bi, do thuyết pháp chân thật, do vô sự thân, do khó xuất hiện ở đời, như hoa Ưu-đàm. Như thế, do thành tựu công đức không thể tính kể, nên nói là bảo (báu).

Pháp là phương tiện cùng quả của phương tiện, trong ấy, chỉ nói về Niết-bàn, là Pháp bảo. Phật ấy, ở tại trên tất cả pháp, như kinh đã nói. Nếu có pháp hữu vi và vô vi, thì Niết-bàn vô vi kia là bậc nhất. Bảo nầy không bị hủy hoại, diệt trừ hết các khổ, an vui rốt ráo, khó đạt được, không thể cùng tận. So sánh như thế nên gọi là bảo.

Tăng là, trong phần Thanh-văn ở trước đã nói, là bảo, do phước đức lớn rộng, không trái với giáo pháp của Đức Thế Tôn, là phước điền vô thượng, được Đức Thế Tôn khen ngợi, không bị hủy hoại, luôn hòa hợp không tranh chấp. So sánh như thế về vô lượng công đức được thành tựu, nên gọi là bảo.

Hỏi: Đã nói về bảo. Vậy thế nào là đế?

Đáp: Đế là đẳng, tướng, đệ nhất nghĩa đế, tức đẳng đế, tướng đế, đệ nhất nghĩa đế là ba thứ đế.

Đế là thật có đế, chân đế, bất hư đế, như đế, nên nói là đế.

Đẳng đế: Là phương tục, tộc, học được nêu lên. Tức phương tục được nêu lên, tộc họ được nêu lên, học xứ được nêu lên, đó gọi là ba thứ đẳng đế. Hành vô số sự việc nên gọi là đẳng đế. Hành vô số sự việc là nghĩa của trí. Ở đây, phương tục được nêu lên là nghĩa tất như thế. Sự việc nầy là ta đã chấp thuận. Sự việc kia, tên gọi kia, như nước đầy dẫy, chảy tràn trề. So sánh như thế, về chỗ được nêu lên như thế, đó gọi là đẳng đế.

Tộc họ được nêu lên: Là gia pháp của mình.

Học xứ được nêu lên: Là do oai nghi, phép tắc làm hành, cùng suy xét, lãnh hội kinh. Lại nữa, thọ thực nơi ban ngày, không thọ thực vào ban đêm. Không chặt phá cây cỏ, mùa mưa không đi. So sánh như thế về hành, đó gọi là đẳng đế.

Hỏi: Thế nào là tướng đế?

Đáp: Tướng đế là khổ, tập, đạo. Tức khổ đế, tập đế, đạo đế là ba tướng đế. Do đế cùng quán nên là tướng. Tướng của đế là nói về sinh, lão, vô thường. Tướng là nói về cờ hiệu. Trong đó, tướng bức bách là khổ đế. Tướng chuyển thành là tập đế. Tướng xuất yếu là đạo đế. Diệt là vô tướng, ở đây sẽ nói riêng.

Lại nữa, khổ đế là ấm, giới, nhập. Tập đế là tham sân si. Đạo đế là giới, định, trí. Đó gọi là tướng đế.

Hỏi: Thế nào là đệ nhất nghĩa đế?

Đáp: Là tạo, chữ, niệm, dừng dứt rốt ráo. Tạo, chữ, cùng tất cả niệm, dừng dứt rốt ráo, đó gọi là đệ nhất nghĩa đế. Tạo là thân nghiệp. Chữ là khẩu nghiệp. Niệm là ý nghiệp. Nếu ba thứ ấy đạt đến vắng lặng rốt ráo, đó gọi là đệ nhất nghĩa đế, là nghĩa Niết-bàn.

Hỏi: Như Đức Phật nói kệ:

Một đế không có hai
Nếu đời đời nơi Hoặc
Nan-đà quán các đế
Là Sa-môn không nói.

Như bốn đế vì sao nói là một?

Đáp: Đây là đệ nhất nghĩa đế, nên nói không có hai Niết-bàn. Như kệ nầy đã nói:

Nan-đà quán các đế
Là Sa-môn không nói.

Do nửa kệ nầy có thể nhận biết không nói về đế khác là không lỗi.

Hỏi: Đã nói về đế, còn thế nào là định?

Đáp: Định là định sắc, vô sắc, vô lậu. Tức định sắc, định vô sắc, định vô lậu, đó gọi là định.

Định là nghĩa tâm hành định. Ở đây, định sắc là vô lượng trừ nhập của thiền cõi Sắc. giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba, cùng nhập thứ nhất nơi tất cả nhập.

Định vô sắc: Là bốn vô sắc, hai nơi tất cả nhập.

Định vô lậu: Là không, vô nguyện, vô tưởng.

Thiền vô lậu là vô lậu. Định vô sắc là vô lậu. Năm tưởng trước cùng định đoạn cõi, tất cả các thứ ấy đều không quyết đoán về nghi hoặc, đều do dự, đó gọi là Hoặc trí. Đây cũng là Hoặc của khổ phi khổ, tập diệt đạo phi đạo. Bốn đế như thế, nơi ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc là mười hai thứ. Đối với Hoặc trí nầy, như nơi xứ ái đã nói. Nơi xứ vô trí cũng nói về tà trí, tà kiến. Trong hành ác của ý ở trước đã nói. Kiến trộm cũng như thế. Thân kiến, biên kiến ở nơi khổ thuộc ba cõi. Giới trộm ở nơi khổ, đạo thuộc ba cõi.

Lại nữa, ái cũng do tư duy đoạn, như thế là đã phân biệt nói về chín mươi tám sử.

Phần thứ ba của phẩm Ác nơi Chân độ đã nêu bày xong.

HẾT – QUYỂN TRUNG

Pages: 1 2 3