NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Thần Hiểu Viên
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Thần Hiểu Viên

Thư nhận được đầy đủ cả. Tuổi quá năm mươi, ngày tháng không còn nhiều; đúng là lúc hãy nên sốt sắng giữ vẹn luân thường, niệm Phật để mong “sống dự vào bậc hiền thánh, mất trở về cõi Cực Lạc”. Nói đến chuyện “giữ vẹn luân thường”, sợ ông chưa hiểu ý, nay tôi giải thích đại lược. Người đời phần nhiều chẳng biết ý nghĩa “giữ vẹn luân thường” [có phạm vi] bao quát rất rộng, chỉ coi “hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng người bề trên” là giữ vẹn luân thường. Hiểu như vậy thì cũng rất đúng, nhưng nhỏ nhoi lắm! Khéo dạy dỗ con cái, khiến cho chúng nó đều là người hiền, mềm mỏng, nho nhã, [đấy mới] quả thật là kẻ giữ vẹn luân thường lớn lao! Bởi lẽ, con cái đã đều hiền thiện thì anh em trai, chị em gái, chị em dâu, con cháu đều nhìn theo nhau làm lành. Từ đấy [đời nào cũng] nối tiếp nhau là người hiền thì người hiền sẽ đông, kẻ xấu sẽ ít. [Do vậy] kẻ xấu cũng có thể bị cảm hóa trở thành người hiền, người lành. Nền tảng khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui đều nằm trong sự dạy dỗ con cái. Có thể hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên, và hết thảy những thứ bên ngoài đều tốt lành, nhưng chẳng khéo dạy dỗ con cái thì người ấy vẫn chưa đáng gọi là “bậc quân tử giữ vẹn luân thường!” Nếu có thể hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên và hết thảy [mọi mặt] đều đúng như pháp, lại còn khéo dạy dỗ con cái thì người ấy tuy sống ở trong nhà không thi thố gì mà lại bồi đắp lớn lao cho nước nhà, cho xã hội vậy!

Hiện tại, cõi đời đã loạn đến cùng cực; xét đến cội nguồn đều là vì cha mẹ phạm lỗi “chẳng khéo dạy dỗ con cái”! Nếu ai nấy đều khéo dạy dỗ con cái, làm sao những thứ thảm kịch lại được cực lực thực hiện và diễn ra cho được? Con cái ông đã lớn, chớ nên không nói nguyên do với chúng, để sau này khi chúng nó làm cha làm mẹ người khác sẽ chẳng đến nỗi chìm nổi theo thời thế, chỉ biết nuôi con chứ không biết dạy, khiến cho đứa có thiên tư quen thói cuồng vọng, đứa không có thiên tư cam phận bướng bỉnh, ngu độn. Do ông nói “đời đã loạn gần đến mức tận cùng”, nên tôi nói với ông pháp môn căn bản để vãn hồi đời loạn. Xin chớ coi đây là lời nói thừa thãi thì con ông, cháu nội ông, con rể ông, và những đứa cháu ngoại của ông đều có thể trở thành người hiền, người thiện, khiến cho ông được nở mày rạng mặt khôn cùng!

Cô con cả đã là góa phụ, đúng là phải nên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Cô con thứ đang chờ mai mối, nếu có thể thường niệm Phật và niệm Quán Thế Âm thì túc nghiệp tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, tự nhiên sẽ kiếm được người chồng hiền thiện, mà sau này khi sanh con đẻ cái cũng không bị khổ vì sản nạn, những đứa con sanh ra đều là hiền thiện. Con cái đi học khi được nghỉ, nên dạy chúng nó đọc kỹ Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn để hướng dẫn tiền đồ (tương lai). Ngay cả hai đứa con gái cũng phải đọc để mong nhờ vào đây mà tự sửa mình và dạy dỗ người khác. Thiên hạ không yên, thất phu có trách nhiệm! Đây quả thật là pháp căn bản để thất phu tạo bình trị cho thiên hạ vậy!

Hơn nữa, hãy nên bảo con cái đọc đi đọc lại An Sĩ Toàn Thư, Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ và những thiện thư hữu ích cho thân tâm. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Hiểu, nghĩa là dùng trí huệ để tự hành chuyện “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, quyết định cầu sanh Tây Phương trong đời này”. Lại còn dùng những điều ấy để khuyên lơn con cái, thê thiếp… trong gia đình và thân thích bằng hữu, làng nước, xóm giềng bên ngoài, để họ cùng hiểu [những điều] lợi ích thật sự cho thế gian lẫn xuất thế gian này, ngõ hầu chẳng phụ lòng thành phát tâm quy y Phật pháp của ông! Đối với những cách tu trì niệm Phật thì trong Văn Sao đã nhắc tới nhiều lần, ở đây không viết cặn kẽ nữa! Nếu vô sự đừng gởi thư đến, Quang đã bảy mươi rồi, tinh thần chẳng đủ, lại còn phải lo những chuyện giảo chánh, in sách v.v… không rảnh rỗi để phúc đáp được đâu! (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Chín năm Dân Quốc 19 – 1930)