NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

15. SỰ HY SINH VÔ BỜ BẾN CỦA CÁC BẬC CHA MẸ

Các bạn trẻ thân mến,
Tuổi trẻ Việt Nam, nhứt là các bạn đã sanh ra và lớn lên trên đất nước nầy, nơi mà đa phần giá trị con người chỉ được nhìn qua chức tước, địa vị, quyền uy và tiền bạc. Xin các bạn hãy cố mà tìm hiểu thêm về nền văn hóa cao đẹp của ông cha mình. Dù rằng những giá trị cổ truyền ấy có khi hoàn toàn ngược hẳn với những gì mà các bạn đang học ở trường và đang tiếp xúc hằng ngày, rất khó cho các bạn thâm nhập, nhưng cái giá trị văn hóa cổ truyền ấy cao đẹp lắm các bạn ạ !

Cho dù các bạn sanh ra và lớn lên ở đây, có khi nào các bạn tự hỏi rằng các bạn vẫn khác những người bản xứ, chẳng những về hình hài vóc dáng, mà ngay cả về cung cách sống nữa các bạn ạ ! Các bạn có cảm thấy dù thế nào đi nữa, cung cách đối xử với cha mẹ của các bạn vẫn khác xa cung cách của những người ngoại chủng. Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, tôi xin chia xẻ với các bạn một tí về truyền thống hiếu hạnh cao đẹp của của người Việt Nam. Kỳ thật, người Việt Nam chúng ta đã có truyền thống sống hiếu hạnh ngay từ thời mới lập quốc, nhưng sự bày tỏ về tình cha nghĩa mẹ không được mọi người nhắc đến một cách công khai trong các buổi hội hè đình đám, mà chỉ qua những câu ca dao truyền khẩu, nói lên thế nào là tình cha nghĩa mẹ và thế nào là chữ hiếu hạnh của con cái như “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Hoặc “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau.” Hoặc “Còn cha còn mẹ như tiên, mất cha mất mẹ như đờn đứt dây. Đờn đứt dây cũng còn chỗ nối, cha mẹ chết rồi con phải mồ côi.” Đến khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam, bao nhiêu giá trị chân lý của Phật giáo đã được áp dụng bên cạnh những truyền thống cổ truyền cao cả, khiến cho chữ hiếu của người Việt chúng ta trở nên vô cùng thâm thúy.

Ở Mỹ thì có ngày của Mẹ (Mother’s Day) hay ngày của Cha (Father’s Day), nhưng xét ra ngày ấy đối với họ hãy còn nặng phần trình diễn, hoặc nặng phần hình thức. Họ chỉ chú trọng về vật chất hơn là những giá trị tinh thần. Đa phần họ ăn ở với cha mẹ như thế nào thì chắc chúng ta đã thấy. Lúc cha mẹ còn mạnh khỏe thì họ không dòm ngó đã đành; lúc cha mẹ đã ươn yếu, họ lại đem gửi vào viện dưỡng lão. Thế mà đến ngày Cha ngày Mẹ thì họ đem bông đem hoa đến tặng đầy nhà. Làm như vậy để làm gì ? Có lẽ họ làm như vậy để lương tâm họ cảm thấy yên ổn đôi chút. Riêng đối với chúng ta, cuộc sống hiếu hạnh không chỉ có ở ngày dành cho Cha, hay ngày dành cho Mẹ. Ngược lại, ngày nào đối với chúng ta cũng là ngày dành cho Cha hay cho Mẹ. Nhứt là đối với những người con Phật, chúng ta không chỉ yêu thương cha mẹ trong mùa Vu Lan báo hiếu. Mùa Vu Lan là nhằm nhắc nhở chúng ta nên ăn ở hiếu thảo với cha mẹ, chứ kỳ thật đối với chúng ta, mỗi ngày đều là ngày báo hiếu cho các bậc sanh thành. Mùa Vu Lan không chỉ dành để nhắc nhở chúng ta báo hiếu cho Mẹ, mà còn cho Cha nữa. Mùa Vu Lan đã trở thành thiêng liêng trong truyền thống Á Đông của chúng ta. Cho dù chúng ta cài lên ngực một bông hồng đỏ, hay bông hồng trắng, mọi người trong chúng ta đều mong mỏi được báo hiếu cho các bậc cha mẹ, đã sanh thành và dạy dỗ cho chúng ta nên người.

Trong truyền thống Đông phương, Đức Khổng Tử đã từng dạy rằng trong bách hạnh, hiếu hạnh là hạnh đầu. Đức Phật cũng đã chỉ rõ trong các kinh điển của Ngài là phụ mẫu tại đường như Phật tại thế, nghĩa là cha mẹ còn sống, chẳng khác nào như Phật còn trụ thế vậy. Phụng dưỡng cha mẹ là cúng dường chư Phật, thứ cúng dường cao tột nhất. Làm con cái mà không hiếu thảo với cha mẹ, thì sẽ không làm nên bất cứ thứ gì vì thân nầy có được là nhờ ai ? Nếu không có cha mẹ sanh ta ra, nuôi dưỡng cho ta lớn lên từ thể chất đến tinh thần, dạy dỗ ta từ trí dục đến đức dục, chịu ngậm cay nuốt đắng, thì làm gì chúng ta có được ngày hôm nay ? Chính cha mẹ là dòng suối ngọt ngào, là bóng mát cho ta nương tựa, không riêng gì lúc ta còn nhỏ, mà là mãi mãi. Dù rằng có khi các ngài không còn nữa, nhưng những lời dạy dỗ, cũng như hình ảnh của các ngài sẽ còn và còn mãi mãi.

Các bạn trẻ thân mến,
Cho dù chúng ta đang sống tha hương, cho dù hoàn cảnh xã hội, văn hóa và kinh tế có khác, đối với chúng ta, tình thân phụ mẫu vẫn là cái gì thiêng liêng và cao cả nhất. Hình ảnh người cha, tuy có nghiêm khắc, nhưng tiếng cha vẫn là một cái gì thân thương và gần gũi. Cha là cả bầu trời che chở cho con. Cha là hình ảnh những chú kiến ì ạch tha mồi về tổ cho con. Không có cha, thân phận chúng ta sẽ không hơn gì những con ve sầu đói khát của mùa Đông. Còn riêng hình ảnh mẹ, quả là một cái gì thiêng liêng cao quí mà không bút mực nào có thể diễn tả hết được. Tiếng mẹ không là tiếng mà chúng ta thốt ra đầu tiên mỗi khi ta gặp phải việc gì khó khăn rắc rối hay sao ? Tiếng mẹ không là một biểu tượng tuyệt vời của cả dân tộc ta hay sao ? Biết bao nhiêu thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ đã viết ra không biết bao nhiêu lời lẽ để tán thán về mẹ, nhưng hình như vẫn chưa đủ. Mà kỳ thật, làm sao chúng ta có thể nói cho cùng, viết cho cạn được tấm lòng bao la vô bờ vô bến của hiền mẫu. Mẹ là vũ trụ, mẹ là tất cả. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền, đúng như lời của một bài hát về mẹ. Riêng đối với người con Phật, mẹ còn là hình ảnh của một vị Bồ Tát, vì suốt cuộc đời mẹ, mẹ chỉ biết hiến dâng mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì đền trả lại. Trong suốt cuộc đời, mẹ chỉ biết ban cho, mà không đòi trả lại bất cứ thứ gì. Vì con mà thân thể mẹ hao mòn, mẹ cũng không màng. Vì con mà năm canh chầy, thức đủ năm canh, mẹ cũng không quản. Vì con mà chỗ ướt mẹ nằm, dành chỗ khô ráo cho con. Còn nhiều thứ vì con mà mẹ phải hy sinh lắm. Vì con mà ngay cả sinh mạng mẹ, mẹ cũng không màng. Mẹ chính là hình ảnh của một vị Phật hóa thân, vì có lúc nào mà mẹ không nghĩ đến sự an lạc và hạnh phúc của các con đâu ? Trái tim của mẹ là trái tim của Phật, chính nơi đó tuôn ra đủ thứ từ, bi, hỉ, xả, công bình, bác ái… Những bà mẹ Việt Nam có thể gầy còm, ốm yếu, có thể tóc bạc da nhăn, răng long gối mỏi, nhưng còn hình ảnh nào cao đẹp hơn hình ảnh thân cò lặn lội bờ sông, vừa nuôi con, có khi lại vừa phải nuôi chồng ? Lặn lội sướt da, rách chân, nhưng không một lời than thở phiền hà. Mẹ đã đem máu thịt mình tạo ra hình hài con, rồi mẹ cũng lại hao mòn chính máu thịt mẹ để nuôi nấng và dạy dỗ cho con được khôn lớn nên người. Tình mẫu tử là cái gì thiêng liêng cao đẹp vô cùng vô tận, có nói cũng không hết, có viết cũng không cạn. Các bạn trẻ đã từng đọc “Anh Phải Sống” của nhà văn Khái Hưng bao giờ chưa ? Nếu chưa, xin đề nghị các bạn nên tìm đọc. Đọc để hiểu rõ hơn về tình mẹ thương con là bao la vô bờ vô bến. Chuyện kể có hai vợ chồng nghèo, trong một lần bơi xuồng ra sông Cái vớt củi, bất ngờ trời đổ cơn mưa, sấm sét như trời long đất lở. Xuồng chìm, cả hai vợ chồng anh Thức chị Lạc bì bõm lội vào bờ trong cơn mưa to sấm dữ. Một lúc thì anh Thức thấy vợ mình đuối sức, bèn bơi lại cứu. Lúc sau nữa thì anh Thức cũng đuối vì phải tay bơi tay xốc vợ. Dù mệt thế mấy anh Thức cũng quyết không buông vợ. Anh quyết định, nếu phải chết thì cả hai cùng chết. Nhưng chị Lạc khẽ nói: “Thằng Bò ! cái Nhớn ! cái Bé ! Không ? … Anh phải sống.” Vì thằng Bò, vì cái Nhớn, cái Bé… Vì con mà chị đã buông anh Thức ra cho thân mình chìm lỉm dưới đáy sông Cái. Chị đã buông tay anh Thức ra, để anh có đủ sức sống sót bơi vào bờ, mà lo cho các con. Ôi còn lòng hy sinh nào cao cả và vô bờ vô bến hơn tình mẹ thương con. Vì thương con mà người đã không quản ngại bất cứ thứ gì, ngay cả hy sinh tánh mạng mình. Đó tình mẹ Việt Nam như vậy đó, như tình chị Lạc dành cho thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé. Tình yêu của mẹ không cao kỳ nhưng chứa đựng cả một trời thương. Mẹ đã đến với các con trong tình yêu thương không suy tính, không đo đếm, thứ tình yêu không diễn tả được bằng lời. Biển Thái Bình còn có bờ có bến, núi Thái Sơn còn đo được bằng thước, chứ tình mẹ thương con thì vô bờ vô bến và cao vòi vọi các bạn ạ!

Các bạn trẻ thân mến,
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, không gì hơn là chúng ta hãy cố sống một cuộc sống lành mạnh. Hãy lấy đạo hiếu làm đầu. Hãy sống cho có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nếu chúng ta còn nhỏ và còn đang sống với cha mẹ, cha mẹ có rầy la, dù là oan uổng, chúng ta cũng phải lắng nghe rồi hạ hồi phân giải. Chúng ta phải luôn nghĩ rằng cha mẹ vì thương nên mới la rầy. Các ngài la rầy là vì luôn muốn cho chúng ta trở thành những người hữu dụng cho nhân quần xã hội sau nầy. Nếu chúng ta đã ra đời, hãy hết lòng phụng dưỡng cha mẹ từ vật chất đến tinh thần. Ở tuổi xế chiều, các ngài không cần nhà cao cửa rộng đâu. Cái mà các ngài cần là sự chăm nom han hỏi về tinh thần. Những người con Phật chúng ta nên luôn nhớ rằng, dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, dù vinh hiển hay cơ khổ, ngày nay chúng ta được nên người là nhờ ai dưỡng dục? Chúng ta không làm sao sánh kịp với những Bồ Tát Địa Tạng hay Đại Hiếu Mục Kiền Liên, nhưng ai cấm chúng ta ngày ngày sống trong hiếu hạnh?

Các bạn trẻ thân mến,
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, cách báo hiếu tuyệt vời nhất với những người con Phật là hãy sống một cuộc sống thật xứng đáng. Hãy cài cho nhau những bông hồng, dù đỏ hay dù trắng, là những bông hồng hiếu hạnh. Hãy cùng dắt dìu nhau lên núi Thái Sơn để nhìn thấy sự cao dầy của công cha, hãy dắt dìu nhau ra biển Thái Bình để thấy cho được sự bao la của nghĩa mẹ. Hãy ôn lại hình ảnh của Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, để cùng nhau sống với tấm gương hiếu hạnh tuyệt vời ấy. Cách báo hiếu tuyệt vời nhất không gì bằng lúc nhỏ lắng nghe những lời dạy dỗ của cha mẹ, đừng làm gì buồn lòng các ngài. Còn gì diễm phúc cho bằng khi còn đủ đầy cả cha lẫn mẹ ? Còn gì diễm phúc cho bằng khi cả cha lẫn mẹ đều vì tương lai con cái mà khuyên lơn dạy dỗ ? Chính một đại thiền sư, tác giả Bông Hồng Cài Áo, cũng đã viết trong nhựt ký của ngài rằng ngày mẹ mất là một tai nạn lớn. Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Mất cha mất mẹ như mất cả một bầu trời, bầu trời thương yêu mà chúng ta đã từng lặn hụp trong đó. Hỡi những ai còn cha còn mẹ, hãy lặn hụp trong yêu thương trìu mến tuyệt vời của cha mẹ đi, để không ân hận một khi những vì sao cha mẹ đã khuất. Hỡi những ai còn cha còn mẹ, hãy trân trọng giữ gìn những gì cao quý nhất của cuộc đời. Cha mẹ chúng ta không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta đâu ! Những người con Phật hiếu hạnh, hãy can đảm lên, hãy bưng cho cha một tách trà, hãy dâng cho mẹ một bát cơm đượm tình con thương mẹ. Hãy nhìn kỹ những khuôn mặt cằn cỗi, rạm nắng rạm sương vì tháng năm lặn lội nuôi con của mẹ của cha. Hãy nói với cha với mẹ những câu nói yêu thương. Dù ở xa hay ở gần, mà còn có cha mẹ là cuộc sống vẫn như tiên. Nếu ở gần thì nên ngày ngày hỏi han thăm nom cha mẹ. Nếu ở xa cũng nên thường xuyên điện thoại thăm hỏi các ngài. Các ngài không cần tiền nhiều lắm đâu, mà các ngài chỉ cần tình cảm nồng thắm nơi các con, các cháu. Hãy cố làm những gì có thể làm được ngay từ bây giờ, để một mai các ngài có khuất, chúng ta không có gì để ân hận trong lòng. Hãy sống trong hiếu hạnh để bầu trời thương của mẹ của cha luôn rạng ngời từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Làm được như vậy, chẳng những chúng ta sẽ có một mùa Vu Lan bất tận, mà thế hệ nầy sẽ dắt dìu thế hệ kế tiếp với tình yêu thương tràn trề của những con người chí hiếu chí thành. Thật là đáng quý và đáng trọng lắm thay !