Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Nhược khởi tưởng niệm tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác”. (Nếu khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác): Đây là nguyện thứ ba mươi mốt “Bất tham kế thân” (Chẳng tham chấp thân). Tham chấp thân là chấp có thân ta nên tham đắm, so đo. Phàm phu tu hành phần nhiều hay bị mắc vào “Thân kiến”. “Thân kiến” là kiến chấp lớn nhất trong “Kiến Hoặc”. “Kiến Hoặc” chẳng đoạn, không thể dự vào dòng Thánh, tất nhiên còn lưu chuyển trong sinh tử không có ngày ra!

Sách Hội Sớ giảng: “Vọng chấp tự thân, so đo, yêu, ghét, thuận, nghịch, thì gọi là tham chấp. Đấy gọi là Ngã Chấp”. Phàm phu vọng tưởng thân mình cho là Ngã rồi tham chấp, so đo, ham thích, gìn giữ, bồi bổ, vv… Thuận với mình thì sinh tâm yêu thích; nếu trái nghịch thì sinh giận dữ. Tất cả phân biệt, tham đắm ấy đều là phiền não. Chúng sinh trong sáu cõi, cho dù đến Đại Phạm Thiên, Ma Hê Thủ La Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, “Thân kiến” đều chưa đoạn nên họ vẫn là phàm phu sáu cõi. Tuy phước báo lớn được sinh về cõi trời, nhưng khi phước hưởng hết vẫn phải trôi lăn chịu khổ trong luân hồi.

Kinh nói: “Tham kế thân giả”; “tham” là tham ái; “kế” là toan tính, phân biệt, kế hoạch, suy lường. Đây là gốc bệnh, gốc khổ! Trung Quốc mấy ngàn năm trước Lão Tử từng nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân. Nhược ngô vô thân, hà hữu chi hoạn”. Ta có đại hoạn bởi vì ta có thân, Lão Tử đã giác ngộ rồi! Kiến giải của ngài cùng với người thường không giống nhau, ngài cho rằng thân này là gánh nặng, thân này là tai họa, ngài thông minh hơn nhiều so với người bình thường.

– Nhưng thân này có phải là gánh nặng, là tai họa chăng?

– Không hẳn vậy! Thân này có thể là công cụ, nếu biết dùng thì thân này rất tốt! Không biết dùng thì nó là tai họa! Người biết dùng sẽ lợi dụng thân này để phục vụ tất cả chúng sinh khổ nạn, tạo ra vô số công đức. Người không biết dùng, dùng nó để tạo nghiệp!

– Ai là người biết xử dụng thân này?

– Người giác ngộ! Bậc thánh Tam thừa, cấp bậc thấp nhất là quả vị Tu-đà-hoàn Tiểu thừa, không còn chấp trước thân này là ta. Nhà Phật thường nói “mượn giả tu thật”, thân này là giả, ta phải mượn nó để tu thật.

– Thật là gì?

– Là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.

Lần này, tôi đến California, nước Mỹ một chuyến. Nguyên nhân là lúc ở văn phòng lầu hai, Cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã đặt một cuốn tạp chí ở trên bàn, tình cờ tôi lật ra xem. Bên trong có một bảng thống kê nói về kỷ lục phạm tội của học sinh tiểu học và học sinh trung học tại Mỹ. Tôi xem thấy thực sự là khó tin! Nước Mỹ là quốc gia khoa học rất phát triễn, họ thường xuyên không ngừng công bố con số điều tra thống kê. Tôi nghĩ tưởng, vấn đề này thật vô cùng nghiêm trọng! Giáo dục nhân gian lơ là rồi! Luân lý đạo đức hầu như đoạn tuyệt! Tư tưởng tư lợi đã in sâu vào nội tâm của thanh thiếu niên. Nếu cứ đà này phát triễn thì vô cùng đáng sợ!

Mạnh Tử xưa kia gặp Lương Huệ Vương. Lương Huệ Vương vừa gặp ngài, câu nói đầu tiên là hỏi ngài:

– Tiên sinh đến quốc gia tôi, đem lại những lợi ích nào cho chúng tôi không?

Mạnh Tử trả lời rất hay, trong đó có một câu nói, đây là kết luận cuối cùng:

– Trên dưới tranh lợi nhau, nước ấy nguy rồi!

Trên là chư hầu, thiên tử; dưới là thứ dân. Từ trên xuống dưới đều nghĩ đến tư lợi thì quốc gia này nguy rồi! Trong nước không nói đến đạo nghĩa, chỉ nghĩ đến tư lợi! Có lợi là bạn bè, không có lợi thì thù địch! Có lợi thì hợp tác, không có lợi thì tiêu diệt đối phương! Tai họa thật vô cùng!

Ngày nay không những người trong nước trên dưới tranh lợi nhau mà cả người trên thế giới cũng đều đang cạnh tranh mưu lợi thì toàn thế giới này nguy rồi! Cá nhân tôi, sao cũng được! Tuổi tác cao rồi thì chết lúc nào cũng được. Tôi hiện nay đối với cái chết rất hoan hỉ, không hề kiêng kỵ. Nhìn thấy thế gian này biết bao nhiêu người khổ nạn, tương lai đi về đâu?! Cho nên, trước khi đi Mỹ, tôi đã bàn vấn đề này với Cư sĩ Lý Mộc Nguyên: Hiện nay phải nhanh chóng làm, mất bò mới lo làm chuồng thì đã quá muộn, vẫn tốt hơn không làm! Hội trưởng Lý đồng ý.

– Cách làm như thế nào?

– Biện pháp duy nhất là lợi dụng công cụ truyền hình, làm thế nào có thể đem nền giáo dục chánh diện thiện truyền bá đến khắp mọi nơi.

Chuyến đi này, chủ yếu là đồng tu ở Mỹ nghe chúng tôi tổ chức Pháp hội tại Malaysia có đến mười ngàn người tham dự. Họ điện thoại nói với tôi, hy vọng tôi đến Mỹ một chuyến. Họ dự trù số người tham dự Pháp hội có thể sẽ đến vài vạn người. Tôi từ chối, bảo với họ: – Tôi không thích đứng đầu gió! Tôi không cần có cái   cảnh tượng này! Ở Malaysia thì đặc thù! Họ là quốc gia Hồi giáo, trước đây đối với hoạt động của Phật Giáo có rất nhiều hạn chế, nên họ mời là tôi đi ngay. Nước Mỹ là quốc gia dân chủ, tự do mở cửa, nên muốn tổ chức hoạt động quy mô lớn này, tôi không hứng thú! Họ hỏi tôi:

– Ý Pháp sư thế nào?

– Phát thanh truyền hình, phát sóng truyền hình vệ tinh, tôi sẽ đi ngay!

Họ quả nhiên tìm đến đài truyền hình vệ tinh Bắc Mỹ. Chủ tịch Tổng giám đốc đài truyền hình này tuy chưa từng gặp tôi, nghe nói tôi muốn đi, họ bèn cho chúng tôi sáu giờ miễn phí. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên! Sau khi đến đó, vừa gặp mặt, ông chủ tịch tổng giám đốc nói: Pháp sư! Chúng ta biết nhau rất lâu, rất lâu rồi! Tôi hỏi sự việc ra sao? Hóa ra ông ấy xem băng ghi hình của tôi, đã xem mấy năm rồi. Họ nói: Cả nhà chúng con đều xem băng của thầy, cố tìm được băng của thầy để trong nhà xem. Cho nên thảo nào họ cho tôi sáu giờ miễn phí!

Lần này, sau khi bàn xong mọi việc thì sáu giờ không đủ! Thế phải làm sao? Trường kỳ! Họ muốn phát sóng miễn phí băng ghi hình giảng của chúng tôi. Tôi nói với họ: Hơn ba mươi năm trước, có người thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ: Nước Mỹ là nước siêu cường trên thế giới, cho dù vậy vẫn sẽ có ngày bị diệt vong! Thế gian này không có chi tồn tại vĩnh viễn. Nếu nước Mỹ tương lai bị diệt vong, nhân tố đứng đầu là gì? Tiên sinh Phương không hề do dự, lập tức trả lời: Truyền hình! Nước Mỹ tương lai mất nước là do truyền hình!

Cho nên, tôi nói với các vị lãnh đạo truyền hình: Các bạn có thể hủy diệt xã hội và cả thế giới! Nhưng đồng thời cũng có thể cứu vãn xã hội và cả thế giới này chỉ trong một niệm của bạn. Nếu  phát tâm cứu xã hội, cứu kiếp nạn của tất cả chúng sinh thì công đức của bạn rất lớn không thể kể xiết! Cho dù chư Phật Như Lai cùng nhau đồng thanh tán thán cũng tán thán không hết! Tôi nói: Mỗi ngày không cần nhiều, chỉ cần phát sóng nửa giờ hoặc một giờ thì sau một năm, phong khí của xã hội nhất định sẽ thay đổi bộ mặt. Ngạn ngữ nói rất hay: “Đừng sợ không biết hàng, chỉ sợ hàng so với hàng”.

Cho nên, kinh doanh truyền hình vệ tinh không nhằm kiếm lợi làm mục tiêu, mà phải lấy cứu người, cứu đời làm mục đích. Nếu được vậy thì chủ tịch của bạn chính là Như Lai, là Phật Đà; nhân viên của bạn đều là Bồ Tát. Họ nghe xong đều rất hoan hỉ! Họ muốn làm Phật, muốn làm Bồ Tát! Rất tốt! Băng ghi hình giảng kinh của chúng tôi liên tục không dứt sẽ cung cấp cho họ. Hy vọng nước Mỹ tiên phong dẫn đầu, sau đó các quốc gia khu vực khác, tất cả truyền hình vệ tinh, truyền hình quần chúng, cùng mạng internet có thể phổ biến phát sóng nền giáo dục tích cực. Tôi nghĩ: Như vậy mới có thể thu được một ít hiệu quả.

Truyền hình không có tội! Đó là công cụ như thân thể này của chúng ta; khéo dùng nó để tích lũy công đức sẽ vượt qua luân hồi, ra khỏi mười pháp giới thành Phật, thành Tổ; không biết dùng nó thì tạo nghiệp! Tương lai đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì thật đáng tiếc!

Sách Vãng Sinh Luận bảo: “Xa lìa ngã tâm, tham đắm thân mình, xa lìa tâm chẳng an chúng sinh, xa lìa tâm cúng dường cung kính thân mình. Cần biết rằng: Ba pháp ấy đều chướng ngại Bồ Đề tâm nên phải xa lìa.” “Ngã tâm” này là “Mạt-na-thức” là vọng tâm, là tâm tự tư tự lợi!

Đại sư Hiền Thủ trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán nói: khởi nguyên của vũ trụ do một niệm bất giác mà có vô minh, vô minh biến thành Tam Tế Tướng của A-lại-da, vũ trụ liền xuất hiện:

– “Nghiệp tướng” của A-lại-da là “nhất niệm bất giác”.

– “Chuyển tướng” của A-lại-da là “Mạt-na-thức”.

– “Cảnh giới tướng” của A-lại-da là hiện tướng của thế giới vật chất.

Tinh thần có trước, vật chất có sau. Hiện tại, các nhà Lượng tử học đã chứng minh: Vật chất là do ý niệm biến hiện ra. Ý niệm đó chính là “Chuyển tướng” trong A-lại-da, là Mạt-na-thức. Trong Pháp Tướng Tông nói: Mạt-na-thức có bốn đại phiền não thường theo nhau, đó là: Ngã Kiến, Ngã Ái, Ngã Si và Ngã Mạn. Kế đến là ba độc “tham-sân-si” khi sinh ra đã có, từ trong tự tánh biến hiện ra.

Nên biết: Trong tự tánh có bốn đức: “kiến, văn, giác, tri”; sau khi mê biến thành “thọ-tưởng-hành-thức”. Sau này, “thọ” trở thành năm thức trước; “tưởng” trở thành thức thứ sáu; “hành” chỉ cho Mạt-na-thức; “thức” là chỉ cho A-lại-da; vũ trụ chính do đây mà phát sinh. Công năng của thức thứ sáu vô cùng lớn: Đối nội, nó có thể duyên đến A-lại-da nhưng không duyên được tự tánh; đối ngoại có thể duyên đến hư không pháp giới.

Khoa học hiện tại đã chứng minh được điều này. Chúng ta thấy báo cáo của các nhà khoa học, họ đã dùng những thiết bị quan sát vũ trụ, chỉ có thể nhìn thấy được mười phần trăm của toàn vũ trụ, còn chín mươi phần trăm của vũ trụ, họ không cách chi nhìn thấy được! Đây là ý thức của họ không duyên được tự tánh. Chín mươi phần trăm vũ trụ họ không nhìn thấy, trong kinh Phật nói: Đã trở về tự tánh rồi. Đẳng Giác Bồ Tát hướng lên một bước nữa, đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, chứng được Diệu Giác vị, họ liền trở về Thường Tịch Quang tức là tự tánh, thì không thấy nữa.

Xa lìa ngã tâm, tham đắm tự thân”, đây là sai lầm cần phải xả bỏ, phải giác ngộ! Giác ngộ thân này chỉ là công cụ sinh tồn, công cụ tạo tác của chúng ta. Phải khéo sử dụng nó đúng như lời Phật dạy:

Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” (Chớ làm các việc ác, vâng làm những việc thiện, giữ tâm ý thanh tịnh).

Ở đây, cư sĩ Hứa Triết đã biểu diễn cho chúng ta thấy, bà là người có đời sống bình thường. Bà năm nay một trăm lẻ một tuổi (sinh năm 1900). Qui tắc sống của Bồ Tát, sáu Ba La Mật, bà thảy đều làm được. Bố thí Ba La Mật, vì tất cả chúng sinh phục vụ. Trong phục vụ bao gồm cả ba loại:

“Bố thí tài”: Bà một xu cũng không có, bà dùng nội tài bố thí. Nội tài là sức lao động; chúng ta ngày nay gọi là việc nghĩa.

“Bố thí pháp”: Vì người diễn nói; tự thân bà là tấm gương sáng cho người nhìn thấy sinh tâm giác ngộ, sinh tâm ngưỡng mộ, sinh tâm học tập bà, đây là Bố thí pháp.

“Bố thí vô úy”: Bà chăm sóc, thương yêu, an ủi những người già, người bệnh, những kẻ khốn khó, khiến họ vơi đi niềm âu lo, sợ hãi.

Tôi nói bà là người phú quý thật sự.

– Sao gọi là phú?

– Nhu cầu vật chất thường ngày bà biết tri túc, không hề thấy thiếu thốn, đây chính là “phú”. Tuy không có địa vị, tiền tài nhưng bà được đại chúng xã hội khắp nơi tôn kính, đây là “quí”. Phú quí chân thật!

Lần đầu gặp bà, tôi rất kinh ngạc, trông bà chỉ khoảng trên bốn mươi tuổi, nếu không đem chứng minh thư ra xem chắc không thể tin bà là một trăm lẻ một tuổi. Bà nói với chúng tôi: Bà là một thanh niên một trăm lẻ một tuổi. Nghe nói, năm rồi báo Tin Tức đã phỏng vấn bà, trên báo chí đã đăng một bài viết rất lớn nói về bà. Tôi đặc biệt mời bà đến đây để dạy chúng ta: Làm thế nào tu học, xa lìa tất cả bất thiện mà bà đã làm được.

Cả đời bà thành lập mười mấy viện dưỡng lão bao gồm ở Singapore và các khu vực quốc gia khác, ở Phi Châu đều có. Trước kia, bà là một y tá. Bà nói với tôi: Gần sáu mươi tuổi bà mới đến nước Anh để học hộ lý. Ngay trong mấy mươi năm này, bà mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Bà ăn trường chay, vừa sinh ra bà đã ăn trường chay, ngửi thấy mùi tanh thì nôn ra. Người Trung Quốc gọi là chay từ trong thai. Bà chỉ ăn rau xanh, cũng có lúc dùng nước nấu. Bà không ăn muối, đường, dầu, v.v… Bao gồm tất cả phối liệu có mùi vị bà đều không ăn, hoàn toàn hồi phục đại tự nhiên; tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần. Chúng tôi hỏi bà:

– Bà có tức giận không?

– Không có! Từ trước đến giờ chưa từng khởi tức giận. Bà nói: Khởi tức giận một phút phải ba ngày mới có thể hồi phục lại bình thường! Lời nói này tôi hiểu: Hoan hỉ chỉ là chấn động nhỏ; sân giận mới là chấn động lớn, rất nghiêm trọng! Hơn nữa, sức giận càng sâu, tuổi thọ càng rút ngắn!

Sau khi nhìn thấy bà, tôi mới nghĩ ra: Lúc trước, thầy Lý thường nói với chúng tôi: Y học của Trung Quốc không phải trị bệnh mà chú trọng đến cái đạo trường sanh. Căn cứ theo sách y học thời xưa như trong “Hoàng đế nội kinh” có nói: Thọ mạng con người ít nhất phải hơn hai trăm tuổi. Người sống đến hai trăm tuổi là chuyện bình thường. Nếu biết bảo dưỡng, sống đến ba trăm, bốn trăm, năm trăm tuổi là thật có, không phải giả. Đó là hoàn toàn hiểu được điều thân, điều tâm, hiểu được đạo dưỡng sinh.

Chúng tôi hỏi bà:

– Trong xã hội có rất nhiều người làm ác, bà cảm thấy thế nào? Bà nói:

– Tôi xem thấy người ác, việc ác cũng giống như tôi đi trên đường xem thấy những người qua lại không quen! Không hề có chút ấn tượng nào! Bà đã làm được việc này!

Hiện tại, bà rất ngưỡng mộ Phật pháp. Bà hỏi tôi: Bà có tư cách làm đệ tử của Phật hay không? Tôi nói: – Bà tam qui, ngũ giới, thập thiện, đều đã đạt đến điểm mười, không có chút khiếm khuyết, bà là một đệ tử nhà Phật tiêu chuẩn. Trong nhà Phật, trọng thực chất không trọng hình thức.

Kinh Kim Cang nói: “Lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện”. Tất cả tướng ở đây là: Ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, và thọ giả tướng. Bà chân thật làm đến được “vô ngã”. Bà khởi tâm động niệm đều nghĩ đến những người đáng thương, làm thế nào để giúp họ. Bà nói với chúng tôi, chính bà mấy mươi năm qua không dùng đến tiền. Tiền hoàn toàn không hữu dụng đối với bà. Thế nhưng, người tặng tiền cho bà rất nhiều. Bà nói: Những người đó vì sao phải đưa tiền cho tôi? Là muốn tôi làm việc tốt thay cho họ.

Cho nên, bà thường hay ra ngoài, xem thấy người nghèo khổ không tiền thuê nhà, không tiền trả tiền điện, nước v.v… bà liền giúp họ. Mỗi ngày vì chúng sinh khổ nạn, giải quyết vấn đề. Chúng ta thường nói: “Nhật hành nhất thiện” (Mỗi ngày làm một việc thiện). Bà mỗi ngày luôn phải làm đến mười việc thiện trở lên. Thân tâm thanh tịnh, đời sống đơn giản, quần áo trước giờ chưa hề mua qua một bộ, đều là nhặt quần áo cũ của người khác, họ vứt đi không cần nữa, bà nhặt lại mặc, chân thật gọi là “phấn tảo y”.

– Vì sao không mua quần áo mới? Bà nói:

– Tôi thấy thế gian còn rất nhiều người không có ăn, không có mặc; tôi mặc quần áo mới rất dễ coi, cảm thấy có lỗi với những người khổ nạn này!

Chúng tôi có đến thăm viếng, tham quan nơi bà ở. Đó chỉ là một phòng nhỏ rất gọn gàng, sạch sẽ, chính bà chỉnh lý. Bà ưa thích đọc sách. Trên giá sách có không ít sách đặt chỉnh tề, ngăn nắp. Bà là người Triều Châu, nói tiếng Triều Châu, biết được tiếng Quảng Đông, đi học ở nước Anh, biết Anh ngữ, Hoa ngữ. Tôi nhất định sẽ mời bà đến đây để gặp mọi người, vì chúng ta để làm chứng minh.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói: Bà sống thêm một trăm tuổi nữa chắc chắn không thành vấn đề. Nếu bà vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất định là vãng sinh “Thượng Thượng phẩm”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có danh từ bất thiện, hiện tại bà đã không có danh từ bất thiện. Ngay trong viện dưỡng lão, nếu cùng với những đồng sự có xử sự không tốt, bà không hề nói lỗi lầm của người khác, bà nói do chính mình không biết cách làm người, không biết cách làm việc, khiến người khác không ưa thích. Quyết không nói lỗi người khác! Việc này không phải người thông thường có thể làm được!

Lục Tổ Huệ Năng nói trong Đàn Kinh: “Nếu là người chân chánh tu hành, không thấy lỗi thế gian”. Đây là chúng ta chính mắt xem thấy một người như vậy! Không thấy lỗi thế gian, không thấy lỗi người khác, chỉ thấy lỗi chính mình. Đây là người chân thật tu hành, nhiệt tâm giúp đỡ người khác.

Hôm đó, bà biểu diễn gân cốt cho chúng tôi xem, toàn thân mềm mại, bà tự xưng là thanh niên một trăm lẻ một tuổi. Tôi hỏi:

– Bình thường bà sinh hoạt thế nào? Bà nói:

– Bình thường bà tĩnh tọa nhiều, khi tĩnh tọa không có một vọng niệm nào.

Tôi nói qua với cư sĩ Lý, chúng ta phải một lần phỏng vấn bà, làm ra một đĩa về bà, giới thiệu đến toàn thế giới.

Ngày nay, chúng ta giảng Phật pháp, có người không tin tưởng! Chân thật người học Phật không già; không những không già mà còn không chết, một chút cũng không giả! Bà không sợ chết, bà biết được sau khi chết sẽ có một nơi rất tốt để đi. Cho dù không sinh Tây phương Tịnh Độ, quyết định sinh thiên. Chúng ta chân thật là có phước báo, ở Singapore này có được một kiến chứng thật tại, một chứng minh tốt đến như vậy!

Hôm nay, nhân duyên vô cùng thù thắng, Hứa Triết đã chính thức thọ qui y. Bà là cư sĩ nữ tu, cư sĩ nữ tu đến giảng đường chúng ta làm kiến chứng, chứng minh cái nguyện “Bất tham kế thân” này. Lời của cư sĩ Hứa Triết, nói với mọi người ở nơi đây, các bạn nghe thật kỹ, suy nghĩ thật kỹ sẽ thấy bà không chấp trước thân này là ta. Bạn hỏi bà:

– Cái gì là ta?

Tất cả chúng sinh khổ nạn là ta! Bạn nghĩ xem! Bà một trăm lẻ một tuổi vẫn còn muốn xây viện dưỡng lão.

– Xây viện dưỡng lão như thế nào?

– Không giống như viện dưỡng lão thông thường ở thế gian. Viện dưỡng lão của bà phải mang tính cách rất gia đình: Xem người già là cha mẹ mình, là anh chị em mình; theo cách thức như vậy mà chăm sóc.

Bà sống đơn giản, ăn uống đơn giản, áo quần đơn giản. Điểm đặc biệt: Bà không biết nóng lạnh, bà không hiểu được nóng, lạnh. Thời tiết có nóng hay lạnh bà cũng mặc một bộ đồ. Rất bình thường!

Vì sao? “Bất tham kế thân”! Bà không suy tính thân này là mình. Chúng ta thì quá xem trọng cơ thể! Phải bồi dưỡng, phải yêu quí nó! Nhưng, thực tế đã hoàn toàn hại nó! Bà một trăm lẻ một tuổi vẫn chưa hề bệnh, vẫn chưa hề phiền não, chưa hề có bận tâm, chưa từng ghét bỏ bất cứ một người nào. Có người không ưa bà, ác cảm với bà nhưng bà không ghét bỏ họ, không ác cảm với họ, không phải người bình thường có thể làm được!

Mấy năm gần đây bà xem sách Phật; trên thực tế, sách của những tôn giáo khác bà đều ưa thích xem. Cho nên, các giáo hữu của Thiên chúa giáo thấy bà xem sách của những tôn giáo khác, xem sách Phật giáo, liền nói với bà:

– Sao bà lại xem những thứ của ma quỉ?! Bà trả lời rất hay:

– Tôi thấy tất cả tôn giáo thảy đều là một mãng quang minh!

Bà thật không có phân biệt, cũng không có chấp trước.

Phật trong kinh nói: Xa lìa tất cả chấp trước liền thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Buông xả tất cả phân biệt liền thoát khỏi mười pháp giới. Thử nghĩ xem cảnh giới của bà là gì? Bà ở nơi đây tiếp xúc với mọi người chúng ta một chút lại liền đi, bà còn nhiều việc phải làm.

– Việc gì?

– Từng lớp người khổ nạn cần bà giúp đỡ. Với từng tuổi này, bà vẫn không có nghỉ ngơi! Tôi nhìn kỹ, thấy bà chỉ mới mất có một cái răng, đọc báo không cần đeo kính, tai mắt sáng suốt, phản ứng nhanh lẹ. Đây là không suy tính thân tướng mà được lợi ích thù thắng như vậy.

Chúng ta hôm nay giảng cái nguyện này “Bất tham kế thân”, mọi người chính mắt nhìn thấy. Chúng tôi nhìn thấy cũng rất ngưỡng mộ. Trường thọ nhất định phải khỏe mạnh mới là phước báo. Trường thọ không khỏe mạnh không phải phước. Vì sao? Vì phải phiền phức rất nhiều người! Bạn xem! Bà cả đời không phiền đến người, cũng không muốn làm phiền chính mình. Ăn uống giản dị cũng là một trong những phương cách không phiền chính mình. Cư sĩ Lý hỏi bà:

– Bà rốt cuộc tin tôn giáo nào? Bà trả lời:

-Tôi tin tôn giáo tình thương! Tình thương chính là tôn giáo! Lời nói này không sai tí nào!

Nhà Phật nói: “Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”. Từ bi chính là yêu thương. Chúng ta ngày nay với chín tôn giáo ở Singapore giao thiệp vô cùng mật thiết. Trong giáo nghĩa của chín tôn giáo, nếu nói điểm hoàn toàn tương đồng, không hề có mảy mai chống trái, đó chính là một chữ “yêu”. Chúng ta ngày nay nói “Đa nguyên văn hóa”; bà đã nắm được hạt nhân của “Đa nguyên văn hóa” rồi, cho nên bà không nghĩ đến bản thân. Bà vừa mới nói: Ông trời sẽ chăm sóc bà, cũng chính là chư Phật, Bồ Tát, chúng thần chăm lo cho bà. Chính bà đã nắm chắc thiện tâm, thiện niệm, thiện hành “xa lìa ngã tâm, tham đắm tự thân”, bà đã làm được.

Câu thứ hai: “Xa lìa tâm chẳng an chúng sinh”, câu nói này thực tế mà nói thật vô cùng quan trọng! Đây là ý gì? Tất cả chúng sinh vì “Ngã” mà bất an, loại tâm hành này phải viễn ly!

Chúng tôi đã đi qua rất nhiều khu vực, tiếp xúc với các tầng lớp xã hội nên hiểu rõ: Bất cứ là nhân vật trong tầng lớp nào, bất kể là nam nữ, già trẻ; bất luận ngành nghề nào đều có cảm giác không an toàn! Không như xã hội thời xưa, mọi người sống rất an toàn, tự tại. Đây là điều đáng buồn cho thế hệ của chúng ta! Ngay đến người xuất gia hằng ngày niệm Phật, nghe kinh, tham thiền v.vThế nhưng, khi cảnh giới hiện tiền cũng hoàn toàn không dùng được!

Tôi lần này ở Mỹ, có đồng tu đến than với tôi: Con cái không nghe lời, học trò không nghe lời! Hành vi làm loạn nhiều không  kể xiết! Tôi nói với họ: Con cái bạn không sai! Học trò của bạn cũng không sai! Mà chính bản thân bạn đã sai!

Họ nghe xong rất ngỡ ngàng! Tôi phân tích cho họ: Phật trong kinh dạy chúng ta, giảng kinh thuyết pháp phải biết khế cơ, khế lý. “Cơ” là tình trạng thực tế của xã hội hiện đại, chúng ta phải hiểu rõ, phải thích ứng với hoàn cảnh, đây là “khế cơ”. Xã hội hiện nay là xã hội gì? Nếu bạn cho rằng bản thân bạn là cha mẹ, xem trẻ nhỏ của bạn là con cái, dùng quyền cha mẹ để dạy chúng, bạn sai rồi! Xã hội ngày nay không có quan hệ cha con, không có quan hệ thầy trò, ai nghe lời bạn?! Cho nên giáo dục luân lý không còn nữa!!

– Làm thế nào chung sống tốt với chúng? Tôi dạy họ:

– Xem chúng như bạn bè! Ngay cả vợ chồng cũng xem nhau như bạn. Cha con là bạn bè! Anh em là bạn bè! Thầy trò cũng là bạn bè! Mọi người bình đẳng! Phải cư xử như thế thì bạn cùng họ có thể chung sống tốt ngay. Nếu tự cho mình cao hơn người khác, họ còn cao hơn bạn!

Nhà Nho nói “lễ” là hạ mình mà tôn người. Xã hội đã đi đến cái mức này cũng giống như dòng sông, đê phòng hộ đã vỡ! Nước đã lan tràn! Quyết không thể dùng phương pháp luân lý để đối xử với chúng sinh. Thời kỳ bất thường phải có nhãn quan phi thường, phương cách phi thường khiến tất cả chúng sinh thân tâm được an ổn.

Câu thứ ba: “xa lìa tâm cúng dường, cung kính thân mình”. Câu này vô cùng quan trọng! Ngăn trừ tâm tham của chính chúng ta. Tuyệt đối không mong cầu người khác cúng dường ta, cũng không mong cầu người khác cung kính ta. Nếu tham trước người khác cúng dường, cung kính, tâm bạn, liền đọa lạc, liền thoái chuyển!

Cho nên, đối với tất cả những cúng dường, người khác cung kính, chúng ta phải dùng tâm cung kính hồi đáp, lấy khiêm tốn mà đối với người; đối với tất cả chúng sinh phải giống như đối với chư Phật, Bồ Tát, công đức chúng ta mới viên mãn. Nếu bản thân hoằng pháp, hộ pháp đều cho rằng mình là cao bậc ở trên thì sai rồi! Liền bị biến chất. Phải “làm như không làm; không làm mà làm”, tâm mới thanh tịnh.

Tóm lại, cả ba tâm: Tham chấp tự thân, tâm làm cho chúng sinh chẳng được yên ổn, tâm mong cầu người khác cúng dường, cung kính thân ta, đều chướng ngại tâm Bồ Đề. Kinh này lấy “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” làm Tông. Nếu tâm Bồ Đề bị chướng ngại, ắt chẳng được vãng sinh, nên A Di Đà Phật nguyện rằng: “Nhược khởi tưởng niệm tham kế thân giả bất thủ Chánh Giác” (Nếu khởi niệm tưởng tham chấp thân mình thì chẳng lấy Chánh Giác).