KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát nào thành tựu được bốn pháp tùy hỷ liền chứng đắc Tam-muội hiện tiền này, mau đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nào gọi là bốn pháp tùy hỷ?

Nghĩa là Đại Bồ-tát phải nghĩ như vầy: Tất cả chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, vào thời quá khứ, khi thực hành Bồ-tát đạo đều do nhân tùy hỷ mà chứng đắc Tam-muội này, do nhân nơi Tammuội nên đạt đầy đủ sự học rộng, do có học rộng nên mau thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như ta ngày nay cũng như vậy: Do nương vào tùy hỷ chứng đắc Tam-muội này, nhờ Tam-muội nên có đầy đủ sự học rộng, do học rộng nên mau thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Hiền Hộ! Đó là tích chứa công đức tùy hỷ thứ nhất của Bồ-tát.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại phải tự nghĩ: Như tất cả chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, vào đời vị lai, khi thực hành Bồ-tát đạo đều nhân nơi tùy hỷ chứng đắc Tam-muội này, nhờ Tam-muội này nên có đầy đủ sự học rộng, do đầy đủ sự học rộng nên mau thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như ta ngày nay cũng vậy, nhờ tùy hỷ mà được Tam-muội này, quay về nương tựa Tam-muội, mong cầu được đầy đủ sự học rộng, do được học rộng nên mau thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Hiền Hộ! Đó chính là tích chứa công đức tùy hỷ thứ hai của Đại Bồ-tát.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát này lại phải tự suy nghĩ: Tất cả chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác trong vô lượng, vô biên atăng-kỳ các thế giới hiện tại, mỗi vị khi xưa tu hành Bồ-tát đạo cũng nhân tùy hỷ mà chứng đắc Tam-muội này, nhờ Tam-muội này đạt đầy đủ sự học rộng, do học rộng nên hiện tại đều chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như ta ngày nay cũng tùy hỷ cho đến cũng vì muốn mau thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Hiền Hộ! Đó chính là tích chứa công đức tùy hỷ thứ ba của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát cũng phải suy nghĩ: Ta nay đã đạt được sự kính học, đối với tất cả chư Như Lai xưa nay trong ba đời, nơi quá khứ khi hành Bồ-tát đạo đều nhân tùy hỷ mà đắc Tammuội này, đều do Tam-muội mà đạt đầy đủ sự học rộng, đều do học rộng mà thành tựu Phật. Nay ta dùng tùy hỷ công đức này, nguyện cùng tất cả chúng sinh, cùng phát sinh tùy hỷ, cùng được Tam-muội, cũng đầy đủ sự học rộng, đều cùng thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Hiền Hộ! Đó là tích chứa công đức tùy hỷ thứ tư của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đã được thành tựu tùy hỷ như vậy, Tam-muội như vậy, học rộng như vậy, nên mau thành tựu Bồ-đề như vậy rồi, đem công đức này cùng tất cả chúng sinh hồi hướng đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Công đức như vậy khó có thể nói hết. Nay ta lược nói chút ít cho ông. Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.

Này Hiền Hộ! Ví như có người mức thọ một trăm tuổi, thân thư thái khỏe mạnh, đi nhanh như bay. Một đời người này đã có thể đi khắp thế giới. Trước tiên đi khắp phương Đông, như vậy lần lượt người này đi đến phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới, đi khắp mười phương tận cùng mọi cõi.

Này Hiền Hộ! Ý ông nghĩ thế nào? Giả sử có người thông minh, sinh ra đời thông suốt được kỹ thuật tính toán, có thể tính đếm được con đường người này đi gần hay xa, dài hay ngắn không?

Hiền Hộ thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Lại có thể lường tính được không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Lại có thể xem xét được không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Cũng có thể suy nghĩ được không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

Đức Thế Tôn bảo:

–Này Hiền Hộ! Bỏ qua việc trước. Giả sử người này đủ trăm năm đi nhanh lui tới khắp vô lượng thế giới trong mười phương.

Người tính toán thông minh kia có thể biết được không?

Hiền Hộ thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Người thông suốt, biết tính toán kia còn không thể biết đoạn đường đi lúc đầu gần hay xa, làm sao có thể tính toán được đoạn đường một đời người này gắng hết sức bay đi khắp vô lượng thế giới trong mười phương, dài ngắn là bao nhiêu dotuần? Nếu muốn biết rõ, chỉ có Thế Tôn, đệ tử lớn Xá-lợi-phất và các hàng Bồ-tát Bất thoái chuyển mới có thể biết được.

Phật bảo Hiền Hộ:

–Đúng vậy, đúng vậy! Ta nói ông biết: Thiện nam, thiện nữ có tâm tin kính đem ngọc báu chứa đầy những thế giới mà người tráng sĩ đi nhanh và vượt qua như gió ấy để dâng cúng chư Phật khắp mười phương, người đó đạt được phước đức tuy rất nhiều nhưng vẫn không bằng chút phần công đức của người tin kính, tùy hỷ Tam-muội kia. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì Đại Bồ-tát tu học Tam-muội này, được đầy đủ bốn pháp tùy hỷ như trên, lại đem hồi hướng đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong cầu sự học rộng để thành tựu Bồ-đề.

Này Hiền Hộ! Do đó đem phước bố thí so với công đức tùy hỷ thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn vạn, không bằng một phần trăm ngàn ức, cho đến không bằng phần toán, phần số, phần ví dụ.

Này Hiền Hộ! Ông nên biết: Các hàng Bồ-tát tùy hỷ hồi hướng đều được công đức, thế nên ta nay vì ông nói phần nhỏ công đức tùy hỷ của Bồ-tát, ông nên lắng nghe.

Này Hiền Hộ! Ta nhớ vào thời quá khứ, trải qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, khi ấy có Phật xuất hiện ở đời tên là Sư Tử Ý gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Này Hiền Hộ! Khi ấy, thế giới Diêm-phù-đề này muôn dân giàu có, rất nhiều của cải, an lạc thái bình.

Này Hiền Hộ! Bấy giờ, đất đai trong cõi Diêm-phù-đề này rộng khoảng một vạn tám ngàn do-tuần, trong đó, lại có một vạn tám ngàn thành ấp, xóm làng, tất cả đều làm bằng bảy báu, thành rộng mười hai do-tuần, trong ngoài thành có chín ức nhà dân.

Lúc ấy, thành lớn tên là Hiền tác, trong thành có sáu mươi ức

dân chúng, Như Lai Sư Tử Ý đã sinh ra ở thành ấy.

Này Hiền Hộ! Bấy giờ, hội thuyết pháp thứ nhất của Như Lai Sư Tử Ý, có chín mươi ức người chứng quả A-la-hán, cách bảy ngày sau là hội thuyết pháp thứ hai, có chín mươi ức người chứng quả A-lahán. Nơi hội thuyết pháp thứ ba, lại có chín mươi ức người chứng quả A-la-hán. Qua ba hội này lại có chín mươi ức người đều từ phương khác đến hội họp, đều là các hàng Bồ-tát thanh tịnh. Từ đó về sau, Đức Phật ấy luôn thường có vô lượng a-tăng-kỳ các chúng Thanh văn.

Này Hiền Hộ! Thời ấy, dân chúng thực hành mười khéo đạo nghiệp thiện, cũng như vào đời vị lai, Phật Di-lặc xuất thế giáo hóa các chúng sinh thành tựu đầy đủ mười nghiệp thiện. Bấy giờ, tuổi thọ của con người là tám vạn bốn ngàn năm như tuổi thọ của con người vào thời Phật Di-lặc.

Này Hiền Hộ! Trong thành lớn kia có vua Chuyển luân tên là Thắng Du, dùng giáo pháp trị đời, đầy đủ bảy báu, đó là xe vàng báu, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ ma-ni báu, trưởng giả báu, quang chủ, binh báu. Lại có một ngàn người con, thân tướng đoan nghiêm, oai lực đầy đủ, chiến thắng giặc thù. Nhà vua thống lãnh tất cả thế giới, không dùng đao binh, cũng không dùng oai lực lấn hiếp, không thu thuế mà các vật tự nhiên có đầy đủ.

Khi ấy, vua Thắng Du đi đến chỗ Như Lai Sư Tử Ý Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi lui ra ngồi một bên.

Biết tâm khao khát ngưỡng mộ của vua Thắng Du, bấy giờ Như Lai Sư Tử Ý liền giảng nói rộng rãi về Tam-muội Hiện tiền. Nhà vua nghe được Tam-muội Hiện tiền này rồi, rất vui mừng phát tâm tùy hỷ, liền cầm ngọc báu rải lên cúng dường Phật. Nhà vua do gieo căn lành tùy hỷ này, nên sau khi qua đời, sinh lại trong cõi Diêm-phù-đề, làm con vua tên là Phạm Đức. Sau đó nối ngôi vua, dùng chánh pháp giáo hóa.

Sau khi Đức Phật kia diệt độ, ở trong chánh pháp có một Tỳkheo tên là Bảo, thông tuệ tinh tấn, thường xuyên nêu giảng khen ngợi chánh pháp, diễn nói rộng rãi kinh điển này cho bốn chúng.

Này Hiền Hộ! Bấy giờ, ở chỗ Tỳ-kheo, bảo vua Phạm Đức nghe Tam-muội rồi, được lòng tin sâu xa, phát tâm tùy hỷ, đem áo quý báu trị giá trăm ngàn phủ lên thân Tỳ-kheo.

Này Hiền Hộ! Nghe Tỳ-kheo giảng nói Tam-muội rồi, nhà vua Phạm Đức liền phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, kính mến chánh pháp, bỏ ngôi vua xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa. Khi ấy, cũng có đồ chúng trăm ngàn người thành tựu đức tin liền theo nhà vua xuất gia, mặc pháp phục, cũng là do kinh điển nói về Tam-muội này.

Tỳ-kheo Phạm Đức cùng với chúng Tỳ-kheo trăm ngàn người, trải qua tám ngàn năm hầu hạ cúng dường Tỳ-kheo Bảo không mệt mỏi, nhưng hoàn toàn không thể chứng đắc Tam-muội ấy, chỉ trừ một lần lắng nghe, nghe rồi có đầy đủ sự tùy hỷ, đem bốn loại tùy hỷ công đức này hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như lúc đầu tùy hỷ hạnh rộng lớn.

Về sau, Tỳ-kheo Phạm Đức và trăm ngàn chúng nhờ căn lành này nên gặp được sáu vạn tám ngàn chư Phật Thế Tôn. Phàm sinh vào chỗ nào, cũng đều giảng nói Tam-muội này cho các chúng. Tỳkheo vua ấy nhờ căn lành này lại gặp sáu vạn tám ngàn ức chư Phật. Như vậy, lần lượt gieo trồng căn lành, vị ấy đạt được Tammuội này, thông tỏ đầy đủ pháp trợ đạo Bồ-đề, liền được thành tựu quả Vô vị Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Kiên Cố Tinh Tấn đầy đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Chúng Tỳ-kheo trăm ngàn người kia cũng đạt được Tam-muội này, cũng có thể thành tựu pháp trợ đạo, tất cả đều thành đạo quả Bồ-đề vô thượng, hiệu là Kiên Dũng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, lại làm cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh được an trụ đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Này Hiền Hộ! Chỉ tai nghe còn được như vậy huống gì là Bồ-tát lại lắng nghe, lãnh thọ Tam-muội, đọc tụng, nhớ nghĩ, nhận giữ, giảng thuyết rộng ra cho mọi người, lại còn siêng năng suy nghĩ, thực hành mà không chứng đắc được sao.

Này Hiền Hộ! Do nghĩa ấy, các hàng Bồ-tát nghe Tam-muội này ai mà không tùy hỷ, không đọc tụng, không nhận giữ, không tu tập, không giảng thuyết rộng. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì Bồ-tát đã nghe Tam-muội này liền thành tựu được pháp trợ đạo, mau thành quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Hiền Hộ! Do nhân duyên ấy, ta bảo ông: Nếu người nào có lòng tin chân thật thanh tịnh cầu đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trước hết nên hết lòng mong cầu Tam-muội này. Nếu được nghe trong khoảng cách trăm do-tuần có kinh nói về Tam-muội sâu xa này thì Bồ-tát nên đích thân đến để nghe, nghe rồi nên đọc tụng, thọ trì, tu tập, suy nghĩ, giảng nói cho mọi người.

Này Hiền Hộ! Hãy gác lại sự việc ấy.

Nếu Bồ-tát nghe trong khoảng cách hai trăm do-tuần, hoặc ba trăm do-tuần, bốn trăm, năm trăm, cho đến một ngàn do-tuần có giảng nói Tam-muội này, ở trong thành phố kia, ở xóm làng kia thì Bồ-tát phải tự đến đó để lắng nghe, lãnh thọ, tu tập, đọc tụng, thọ trì. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì do lòng tin chân thật thanh tịnh của Bồ-tát là mong cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên Bồ-tát không thể lười biếng, mệt mỏi, tán loạn mà phải tinh tấn, dũng mãnh vì Tam-muội nên tìm đến chỗ cách xa một ngàn do-tuần đó, dù chỉ được nghe Tam-muội này, huống chi là đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ, giảng nói cho người. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì Tam-muội này có khả năng thau gồm tất cả các pháp trợ đạo.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Trong trường hợp ấy, nếu có Bồ-tát nào tâm trong sạch thuần khiết, mong cầu quả Bồ-đề, nên đến chỗ cách ngàn do-tuần để lắng nghe pháp Tam-muội này, trong lúc nghe Bồtát nên phụng sự cúng dường vị Pháp sư kia, tất cả vật dùng đều dâng cúng đầy đủ, thường phải theo hầu vị Pháp sư, hoặc một năm, hoặc mười năm, hoặc hai mươi năm, hoặc trải qua trăm năm cho đến suốt đời, không được xa lìa, cũng là dốc mong cầu được nghe Tam-muội ấy huống chi là được đọc tụng, lãnh thọ, suy nghĩ về nghĩa lý, giải thích cho mọi người. Như vậy, khi Bồ-tát theo Pháp sư thì không làm những việc theo ý mình, mà phải thuận theo ý của Pháp sư A-xà-lê, nên chuyên tâm phụng sự, không được trái lời dạy, phát tâm cung kính và quý trọng, trừ bỏ tất cả các sự việc không yêu kính. Đối với Pháp sư nên tưởng như bạn tốt cho đến nên phát tâm xem như chư Phật.

Này Hiền Hộ! Ở chỗ Pháp sư A-xà-lê ấy, Bồ-tát đã có thể phát tâm yêu kính như vậy rồi, mà không được đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ, giảng nói rộng cho đến lắng nghe Tam-muội thì việc này hoàn toàn không thể có, chỉ trừ đời trước bị nghiệp chê bai kinh điển sâu xa này, nên khi quả chín nhất định bị đọa trong các đường ác, đó là do nghiệp không tịnh.

Này Hiền Hộ! Giả sử Bồ-tát nào hoặc phải xa lìa Pháp sư thì thường phải biết ân, thường phải nhớ ân, thường phải báo đáp ân. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì vị Pháp sư này đã giảng giải tạo nhân duyên khiến kinh điển này trụ lâu ở đời, không bị đoạn diệt.

Này Hiền Hộ! Nếu Bồ-tát vì Tam-muội này mà phải đi đến chỗ cách xa ngàn do-tuần, huống chi là gần trong thành, nước, thôn ấp, xóm làng, hoặc ở nơi đồng vắng, chốn núi rừng mà không thể đến đó để lắng nghe, lãnh thọ, đọc tụng, suy nghĩ về nghĩa lý, giảng thuyết rộng cho mọi người hay sao.

Này Hiền Hộ! Ta bảo cho ông rõ: Nếu có Bồ-tát vì Tam-muội này có thể đi đến chỗ cách xa ngàn do-tuần, nhưng lại không được nghe Tam-muội. Tuy Bồ-tát không được nghe Tam-muội này, nhưng vẫn ở trong pháp này, nghĩ cầu căn lành, luôn siêng năng sáng suốt, không lười biếng, ông nên biết, người này tất sẽ được bất thoái chuyển đối với quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống gì là lắng nghe, lãnh thọ, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập, giảng nói cho người.

Này Hiền Hộ! Nay ông nên xét xem Bồ-tát nghe Tam-muội này rồi, có thể lãnh thọ, suy nghĩ, tu hành, liền được bao nhiêu là nhóm công đức lớn, cho đến mong cầu mà không thể được nghe, lại cũng được đầy đủ bấy nhiêu là căn lành lớn, hoặc nghe, hoặc không nghe đều đã an trụ quả vị bất thoái chuyển, thành tựu rốt ráo đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống gì là lắng nghe rồi đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ, tu tập, giảng nói rộng ra cho mọi người, cũng làm cho nhiều người nghe rồi đọc tụng, thọ trì, tu tập, suy nghĩ làm rõ, lưu truyền rộng khắp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta nhớ thuở xưa có Phật, tên:
Sư Tử Ý trong cõi trời, người
Lúc ấy có vua đứng đầu chúng
Tự mình đến Phật cầu Tam-muội.
Với trí tuệ lớn vua được nghe
Vui mừng tràn khắp không thể nói
Tay cầm châu báu rải dâng lên
Cúng dường Thế Tôn Sư Tử Ý.
Tâm suy nghĩ rồi cung kính thưa:
Con xin quy y bậc Tối thượng
Làm lợi ích lớn cho thế gian
Nguyện xin giảng nói Tam-muội này.
Khi vua dâng cúng Đức Phật rồi
Bỏ thân mạng lại sinh cung khác
Tìm đến gặp thầy Tỳ-kheo Bảo
Đức lớn danh tiếng khắp mười phương.
Khi nghe thầy Tỳ-kheo giảng nói
Tâm vui mừng không thể lường tính
Liền đem y phục quý báu nhất
Phủ thân Tỳ-kheo để cầu đạo.
Hàng ngàn người cùng xin xuất gia
Cúng dường hầu hạ Tỳ-kheo đó
Trải qua đủ tám ngàn năm rồi
Chỉ để mong cầu Tam-muội này.
Chỉ nói một lần không nói lại
Nghe, lãnh pháp sâu xa như biển
Khi ấy tâm trí đều không mệt
Mong cầu thiền định tối thắng này.
Những người kia tu hành cũng vậy
Gặp được chư Phật oai đức lớn
Đầy đủ sáu vạn tám ngàn vị
Ở đó cũng nghe Tam-muội này.
Đời khác lại cúng dường hầu hạ
Sáu vạn tám ngàn ức Thế Tôn
Nghe pháp sâu xa đều vui theo
Do nhờ Như Lai Sư Tử này.
Vua tu hành đầy đủ như vậy
Sau được thành Phật hiệu Kiên Tấn
Giáo hóa chúng sinh nhiều vô lượng
Tuy ở sinh tử xa phiền não.
Theo vua xuất gia hàng ngàn người
Cũng đều thành Phật hiệu Kiên Dũng
Đức, danh tiếng vang khắp mười phương
Nghe tên Tam-muội chứng đại giác.
Huống là lại giảng nói cho người
Không đắm chìm các thế giới đó
Lại bày rõ suy nghĩ thù thắng
Nếu chư Phật nói Tam-muội này.
Biết Tam-muội cách trăm do-tuần
Vì cầu Bồ-đề nên đến nghe
Với lời dạy chớ có chán bỏ
Người nghe công đức không thể lường.
Nếu đi đến đó không được nghe
Thì cũng tích chứa được bao phước
Huống nghe rồi suy nghĩ giảng nói
Chỉ mau chóng cầu Tam-muội này.
Nên niệm đủ như Phạm Đức kia
Thân cận hầu hạ chớ nhàm chán
Chỗ Tỳ-kheo nào có kinh này
Đều nên đến đó mà cúng dường.