NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

NGÀI PHÓ CỤC TRƯỞNG

Ở Sơn Đông có một gia đình: Người chồng là Phó cục trưởng “Cục Công thương”, vợ kinh doanh tiệm tạp hóa. Họ có hai con trai: Con trưởng là cán bộ Cục Công thương, con thứ làm nghề may y phục. Cả hai cậu con đều chưa kết hôn.

Khoảng 9 giờ tối, Phó cục trưởng lái xe đến gặp tôi, xin được thưa chuyện riêng. Thế là có câu chuyện như sau:

Trước tiên xin kể về cậu cả: Là người có tài, tính không ưa chơi bời giao lưu bạn gái. Nhưng hễ tan sở thì chẳng về nhà, mà lại tụ tập cùng đám bạn ăn nhậu chơi bài. Song thắng ít mà thua nhiều. Một đêm thua ít nhất phải mấy mươi, nhiều thì mấy trăm, chưa đầy một tháng đã thua hơn cả vạn. Con bạc đòi nợ, thì cậu hướng các Giám đốc xí nghiệp vay tiền, mỗi khi viết giấy nợ, toàn là ghi tên của cha mình: Phó cục trưởng Cục Công thương. Các chủ xí nghiệp không thể từ chối khi cậu vay. Thời gian lâu dần, tiền nợ tăng hơn cả vạn, các Giám đốc bèn tìm đến đưa giấy nợ cho Phó cục trưởng và nói:

– Đây là giấy nợ do cậu cả ghi, ngài không cần hoàn tiền, chỉ cần ngài chiếu cố cho chúng tôi phương diện kia, nọ v.v… là đủ.

Kể đến đây, Phó cục trưởng than:

– Tôi là cán bộ quốc gia, cũng tin nhân quả, thì làm sao có thề làm chuyện lấy công giúp tư được chứ? Mấy năm nay tôi đã thay con trả nợ hơn hai mươi vạn, nhưng nó vẫn không hối cãi, khuyên gì cũng không nghe!

Riêng thằng con út cũng rất phức tạp: Tính ưa ăn nhậu, thường la cà các tửu quán. Hễ khi nhậu thì rủ bạn bè đông, xài rất rộng tay: Chi, bao… hào phóng. Do vậy mà thành thiếu nợ và giấy nợ cũng toàn là… ghi tên tôi. Đến nay, tiền tôi trả thay cho nó ít nhất cũng đã hai mươi vạn. Vậy mà nó còn hay hướng tôi xin tiền, thậm chí chạy ra tiệm mẹ nó ngoài chợ, hễ không cho thì la hét, quậy ầm lên. Đến nỗi mẹ nó bị ám ảnh, hễ vừa nghe tin “Nhị thiếu gia” tới!… thì đã hoảng kinh, vội chụp lấy hộp tiền, lẻn ra cửa sau mà chạy trốn. Nhưng có trốn cũng không thoát, vì tối đến nó mò về xin ngay tại nhà, một lần hả miệng ra xin là phải đưa tới mấy ngàn, không cho thì nó đòi nhảy lầu.

Tôi cười hỏi:

– Thế cậu út nói nhảy lầu… là có phải muốn hăm he… hù dọa hai vị chăng?

Phó cục trưởng nói:

– Dạ không! – Nó nhảy thực đấy, may mà tôi cứu kịp, tôi đã chụp chân nó kéo lên từ ngoài lan can… một lần rồi!

Những gì tôi dành dụm đều đã tiêu sạch. Tiền mẹ nó bán buôn được cũng phải góp trả phụ vào. Đó là nhờ tôi vay bạn bè thêm mấy mươi vạn nữa, chứ mình tôi sao có thể trả nổi khoản nợ cao như vậy? Từ lúc xem sách “Báo ứng Hiện Đời” của ông rồi, thì tôi rất ước ao mong được gặp ông. Tôi mà hiểu được nguyên do chuyện này rồi, thì dù có nhắm mắt tôi cũng cam lòng!…

Vậy tôi xin phép hỏi một câu:

– Số tiền nợ “khủng” mà ông vừa kể đó, đâu hẳn là do hai công tử tạo ra?…

Ông nhìn tôi kinh ngạc, hơi ngây người một lúc, rồi lộ vẻ xấu hổ nói:

– Tôi có một chuyện khó thể hé răng, giờ không dám giấu nữa, xin thố lộ cùng ông…

Thế là câu chuyện thứ ba tôi được biết như sau:

“Năm đó, do giải quyết việc cho công ty, ông phải một mình đến đàm phán với một nữ nhân viên của xí nghiệp nọ và được cô này mời vào nhà hàng khách sạn. Kết quả: Do uống say, không kềm chế được trước sự mồi chài của cô, ông đã quan hệ vượt giới hạn…

Nhưng ả này không biết xấu hổ, thậm chí sau đó còn ngang nhiên chặn đường ông, đe dọa là: Sẽ công khai cho mọi người biết chuyện xảy ra giữa ông với ả. Vì vậy ông phải dùng tiền để bồi thường cho mối quan hệ sai lầm này. Nhưng tiền đã cho rồi mà ả cứ giở mửng cũ, không ngừng hành hạ ông… Tới giờ thì vợ ông cũng đã biết chuyện, tuy bà không làm ầm náo gì, nhưng điều khiến ông đau lòng nhất là: Hiện mình đang bị dồn vào tuyệt lộ, không còn đường sống, đành đến cầu xin tôi giúp đỡ…

Ngay lúc ông kể, trong óc tôi bỗng hiện ra hoạt cảnh nhân quả (giống như bộ phim đang chiếu)… liên quan đến nguyên nhân thống khổ hiện tại của ông. Đó là hậu quả của ba câu chuyện, tôi xin thuật lại như sau:

Chuyện thứ nhất:

Có một chàng nông dân mặc y phục thời cổ, tay cầm nông cụ, đang bước qua cái cầu cây. Chợt anh nghe có tiếng động trong nước, liền quay đầu lại nhìn thì thấy có một cánh tay đang ló trên mặt nước quơ quơ… Nghĩ là ai đó đang chơi đùa bơi lội, nên anh liền bỏ đi, mới tiến tới vài bước, anh bỗng nghĩ lại: – Thời tiết lạnh thế này đâu hợp để chơi đùa bơi lội? Thế là anh quay đầu dòm lại, phát hiện: Không phải người ta chơi đùa mà là đang giẫy giụa trong nước… Tuy anh có chạy tới, nhưng do không biết bơi nên đành đứng yên giương mắt nhìn người kia chìm dần trong làn nước.

Sau đó anh nhìn quanh, bắt gặp hành lý nạn nhân để lại trên đất: Có tới mấy kiện hàng, trông rất hấp dẫn, khấm khá…. Anh vội mở ra xem thì thấy bên trong có một di thư, nhiều ngân lượng và rất nhiều của cải…

Trong di thư người chết viết, đại khái nói là: Do mình làm ăn thất bại, không còn mặt mũi về quê gặp cha mẹ, vợ con… đành để lại số tiền và của cải này, xin ủy thác cho người qua đường nào bắt gặp, xin hãy chuyển giao đến thân nhân kẻ bất hạnh giùm!

Anh nông dân sau khi nhìn thấy mớ tài sản này thì động lòng tham. Dù nhà người chết ở cách đó không xa, nhưng anh chẳng làm đúng theo thư tuyệt mệnh đã ủy thác, mà nhẫn tâm độc chiếm toàn bộ của cải, còn nghĩ thầm: Đâu có ai chứng kiến mà loi…

Câu chuyện thứ hai:

Có một người tên Khang, mặc y phục thời Thanh, muốn mở tiệm buôn. Do vốn không có đủ, nên đã hướng láng giềng tên Tân vay một số tiền, hứa là ba năm sau sẽ trả đủ cả vốn lẫn lời.

Nhưng đến năm thứ hai thì chủ nợ Tân có việc gấp, nên đề nghị Khang trả tiền sớm, tiền lời sẽ giảm cho. Nhưng thương nhân Khang cho rằng thời gian trả tiền chưa đến, nên nhất quyết “một xu cũng không đưa”… Anh Tân không biết làm sao, quá tức giận nên đứng từ hiên lầu nhảy xuống, may mà Khang lanh tay, chụp chân Tân kéo lại được, nhờ vậy mà Tân tự tử không thành.

Để ứng phó, Khang đành trả tạm một chút tiền, do không đủ giải quyết nhu cầu cấp bách của Tân, mà Tân không mượn được tiền của ai, nên đành phải dùng lại hạ sách cũ, nghĩa là mỗi lần đòi tiền Tân đều phải liều mạng… nhảy lầu để ép buộc khang, mới có thể lấy được ít tiền về. Khi hạn kỳ ba năm đã mãn, tuy vốn lời tính đủ, nhưng trong lòng Tân đối với thương gia Khang vẫn còn ôm oán hận, ghi mãi trong lòng…

Chuyện thứ ba:

Vào một kiếp nọ, có một vị nhìn giống như tướng quân thời cổ Ai Cập. Những lúc rảnh rỗi đi chơi, ông quen một cô gái xinh đẹp con nhà thường dân và đem nàng vào doanh trại. Do chiến tranh tàn khốc, nên bọn họ không thể thành phu thê như bao người bình thường.

Mấy năm sau, trong một lần bị địch quân đánh úp, vị tướng quân này bỏ mặc người đẹp kẹt lại trong vòng vây để tự thoát thân một mình. Do vậy mà số phận cô này rất bi thảm… Kể từ đó nàng đối với tướng quân ôm mối thù hận thâm sâu.

Nhân quả báo ứng như bóng theo hình, độc giả có thể tự mình suy gẫm đối chiếu để hiểu…

Người tự sát, lưu di thư và tài sản cho thân quyến nhưng bị anh nông dân tham lam chiếm đoạt, nay chính là cậu cả. Còn anh láng giềng Tân cho mượn tiền mà phải đòi khốn khổ bằng cách… nhảy lầu, nay chính là cậu con út của ngài Phó cục trưởng. Còn nữ lang ôm hận kia, hiện thời là cô gái giăng bẫy tống tiền ông…

Không cần nói ắt quý vị cũng biết tiền thân ngài Phó cục trưởng là ai ròi? ông rất tin những chuyện tôi kể là có thực, bởi vì khi tôi nói cô gái này có tài xem tay, bói toán (do tập khí cũ của thời cổ Ai Cập lưu lại)… thì ông xác nhận ngay: Đây chính là tài đặc biệt mà cô ta dùng để dẫn dụ trói buộc ông. Rồi ông hỏi tôi: Vợ ông hiền lành đáng thương như thế, vì sao lại phải gánh chung tội nợ cùng ông?

Tôi giải thích: Hai vị đã từng là vợ chồng nhiều kiếp và bà đã cùng ông tiêu xài những món tiền bất nghĩa nên phải cùng trả báo…

Tôi bảo:

– Ông hãy ở trước Phật tha thiết sám hối tội lỗi đối với hai nam nhân xa xưa, vì họ tụng 49 hoặc 108 bộ “Kinh Địa Tạng”, càng nhiều càng tốt. Còn phải vì cô gái kia tụng một bộ “Tâm Kinh” và hai mươi mốt bộ “Kinh Địa Tạng”. Nhất là phải “Triệt để dứt bỏ đồ mặn, ăn chay trường” thì tụng kinh mới linh và chiêu hiệu quả tốt.

“Muốn biết nhân đời trước, xem quả thọ đời này”. Lời Phật dạy muôn vàn chính xác. Hãy nghĩ xem đời này chúng ta tạo đã bao nhiêu nghiệp? Từ vô thỉ kiếp đến nay ắt là tội tạo vô lượng vô biên? Bất kể thân phận địa vị bạn cao quý mấy, giàu đến đâu, thì nhà nào cũng có “những câu chuyện khó nói, những phiền muộn kể không bao giờ hết”…

Nếu vị Phó cục trưởng kia nghe xong mấy câu chuyện tiền kiếp này rồi, mà biết đem tâm oán hận người, chuyển thành ăn nần sám hối tội lỗi mình, thì tất sẽ có ngày hóa giải được mọi nạn khổ kia.

Xin hồi hướng công đức kể ra câu chuyện này đến gia đình ông Phó, hy vọng cả nhà ông sớm an ổn vui hòa.

Sám văn:

Đã biết nguồn gốc đau khổ đều do ác nghiệp thì phải dũng mãnh diệt trừ. Điều kiện thiết yếu để diệt khổ, chỉ có cách sám hối. Cho nên trong kinh, Phật thường khen rằng: “ở đời có hai hạng người mạnh nhắt: Một là người không tạo tội; hai là người tạo tội rồi mà biết ăn năn, sám hối”.

Giải thích:

Đoạn văn này nhấn mạnh tầm quan trọng của sám hối, trong kinh nói: Hạng mạnh nhất là người không tạo tội, nhưng hiếm có ai được vậy. Còn “người tạo tội rồi mà biết ăn năn sám hối”, thì chúng ta đều có thể làm được. Hy vọng mỗi chúng ta đều có thể chân thành sám hối sửa lỗi, vượt phàm vào dòng thánh, huân bồi phẩm hạnh thanh cao (không còn tạo lỗi nữa).

Do thân khẩu ý, tạo họa ương…
Chìm trong sinh tử khổ khôn lường
Oán thù theo báo không ngừng nghỉ
Sám hối tội tiêu, tạ sám Lương…
Một niệm thành, cảm mười phương Phật
Lễ sám diệt tội, hết còn vương
Ai nói: “Núi băng không thể chảy? ”
Phật pháp phá tan, hay lạ thường!

Phải sám hối tất cả ác nghiệp của thân, do thân mà có đủ khổ báo. Giờ tôi xin kể một câu chuyện để chứng minh câu: “Ai làm nấy chịu. Tự gây nhân thì tự lãnh quả”.