TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

HOA NỞ HOA TÀN KHÔNG NÊN CỐ CHẤP

Vạn vật trong đời, bất luận là sông núi, mặt đất, bất kì một sự vật và hiện tượng, môi trường, cơ thể, tư tưởng, phản ánh tâm lý của chúng ta… đều trong quá trình biến đổi không ngừng, không có cái gì là vĩnh hằng bất biến, thậm chí cái được gọi là nguyên tắc, chân lý, cũng theo sự thay đổi của thời gian và không gian. Đến thời kì cần thay đổi, lúc cần phải từ bỏ hãy từ bỏ, không nên nắm giữ chúng.

Tuy nhiên làm được việc không nắm giữ lấy thì không dễ dàng, nên từ bỏ việc nắm giữ như thế nào? Hãy xuất phát từ nhận thức lý tính để phân tích và đối chiếu với sự trải nghiệm về tâm lý của mình, để luyện tập việc từ bỏ cái đang nắm giữ.

Phân tích từ nhận thức lý tính, chính là dùng quan niệm “nhân duyên” để tìm hiểu chân tướng của sự vật. Nhân duyên dùng để chỉ tất cả các hiện tượng, bất luận đó là các hiện tượng tâm, sinh lý hay hiện tượng tự nhiên, xã hội, chúng đều nảy sinh mối quan hệ, ràng buộc nhau trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Sự hiện hữu của bất kì một sự vật hiện tượng nào đều do rất nhiều các điều kiện nhân duyên hòa hợp nhau mà sinh ra, không thể nảy sinh một cách đơn độc, cũng không phải sự xuất hiện đột ngột, cũng không phải là sự tồn tại bất biến, chỉ cần một điều kiện nhân duyên ở bên trong thay đổi sẽ kéo theo sự biến động của toàn bộ, những sự việc ban đầu bạn cho rằng nó sẽ không bao giờ thay đổi, sẽ lại có sự thay đổi.

Trong quá trình chúng ta thể nghiệm chính bản thân mình, phát hiện ra cuộc đời của con người từ nhỏ cho đến già, đến khi chết, đều là sự biến đổi không ngừng, cơ thể, sinh lý, tâm lí chúng ta thay đổi, quan niệm cũng thay đổi.

Ví dụ với một người, vốn là một cậu bé, cô bé, sau đó là thiếu niên, thiếu nữ, tiếp đó trở thành trung niên, cuối cùng trở thành ông già, bà già, không ngừng biến đổi. Vậy nếu muốn nắm giữ, chúng ta cần phải nắm giữ gì? Cuối cùng, 16 tuổi mới là tôi hay 18 tuổi mới thực sự là tôi? Thực chất đều không phải, bởi tuổi 16 đã qua đi rồi, tuổi 18 bây giờ cũng sẽ qua đi, vì vậy không cần phải nắm giữ lấy nó.

Từ sự thay đổi của cơ thể có thể từng bước thể nghiệm sự thay đổi của quan niệm và sinh lý. Bắt đầu từ nhỏ, chúng ta không ngừng tiếp thu sự giáo dục, không ngừng bị ảnh hưởng của môi trường, cha mẹ, thầy giáo và những ảnh hưởng của sự thay đổi thời đại, hầu như không có quan niệm nào thuộc về bản thân mình, đều là sự tích lũy được từ bên ngoài, sau đó mới trở thành cách nghĩ của riêng mình.

Tuy nhiên cách nghĩ đó cũng sẽ thay đổi, ví dụ khi bạn nói chuyện với người khác, đối phương nói ra một quan niệm mới mà bạn chưa nghe qua, sau khi bạn nghe xong, cách nghĩ trong đầu bạn cũng có thể vì điều đó mà biến đổi, không cần nói cách nhìn nhận của ngày hôm qua đã khác với cách nhìn ngày hôm nay, có thể lúc này bạn đã không giống với bạn trước đó.

Bất luận là sự phân tích về mặt lý luận, hay là sự thể nghiệm của bản thân mình, đều có thể chứng minh rằng, không thể có cái tôi vĩnh hằng bất biến, thậm chí không có sự tồn tại của “cái tôi”, vậy thì còn có cái gì đáng để nắm giữ nữa?

Mặc dù nhân duyên đang thay đổi, nhưng trước mắt tạm thời vẫn có các hiện tượng đang tồn tại. Giống như một đóa hoa, hôm nay bạn có thể thấy nó rất đẹp, rất đáng yêu, nhưng chỉ qua vài ngày, nó sẽ bị héo úa, không đẹp, không còn đáng yêu nữa, có thể cần thay thế bông hoa khác.

Đã biết sự thật là như vậy, không nên nắm giữ lấy bông hoa đó. Bởi vì hoa nở, hoa tàn, là hiện tượng tự nhiên, không nên nắm giữ chúng quá nhiều.