Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

Thiên nhân qui ngưỡng, thỉnh chuyển pháp luân”: “Chuyển pháp luân” là tướng thứ bảy trong “ Bát tướng thành đạo” của Phật. Kinh Pháp Hoa chép: “Khi ấy, các Phạm Vương và các trời Đế Thích, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, cùng Đại Tự Tại Thiên và   các chúng trời khác, quyến thuộc trăm ngàn vạn, cung kính chấp tay lễ, thỉnh ta chuyển pháp luân”.

Chữ “Pháp Luân” chỉ giáo pháp của Phật diễn thuyết. “Luân” chính là luân bảo (bánh xe báu) của Chuyển Luân Thánh Vương xoay chuyển trong tứ thiên hạ, đè bẹp các oán địch. Cho nên, nó thường được ví với giáo pháp của Phật cũng lưu chuyển trong hết thảy chúng sinh giới, phá trừ các phiền não.

Sách Thám Huyền Ký giảng chữ “Pháp Luân” như sau: “Pháp nghĩa là Quỹ Trì, nói chung có bốn nghĩa là: Giáo, Lý, Hạnh, Quả. “Luân” là cái được thành tựu, cũng có bốn nghĩa:

  1. Viên mãn: Do chẳng khuyết giảm.
  2. Đức đầy đủ: Do các tướng: vành, đùm, căm v.v… đều đầy đủ.
  3. Hữu dụng: Do nghiến nát các Hoặc chướng.
  4. Chuyển động: nghĩa là từ đây tới kia, tức là từ Phật chuyển tới chúng

Cũng có nghĩa là từ kia hướng đến đây, tức là từ chúng sinh đạt đến Phật quả”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Pháp luân” là tỉ dụ; vào thời cổ xưa, mỗi dân tộc đều có một đồ án làm tiêu chí cho dân tộc đó. Hiện tại, buôn bán bất cứ ngành nghề nào cũng đều có thương hiệu. “Tịnh Tông Học Hội” chúng ta cũng có “logo” phía trên. Cho nên, Phật pháp cũng thuận theo thế gian pháp, cũng chọn một tiêu chí đại biểu cho giáo học của Thế Tôn đối với xã hội.

Đồ án dùng trong nhà Phật có ba loại: Chữ vạn, hoa sen và pháp luân. Chữ “vạn” biểu thị ý nghĩa cho sự tốt đẹp. Tất cả pháp Phật nói ra đều tốt đẹp nhất. Hoa sen, đại biểu cho thanh tịnh vô nhiễm, sinh ra từ bùn nhưng không nhiễm bùn. “Bùn” biểu thị cho sáu cõi. Bên trên bùn là nước, “nước” biểu thị Pháp giới Bốn Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Hoa sen nở vượt hẳn trên mặt nước, ý nói siêu việt sáu cõi lẫn siêu việt mười pháp giới, trụ ở pháp giới Nhất Chân. Ý này cũng ngầm bảo: Không những sáu cõi không nhiễm mà Pháp giới Bốn Thánh cũng không nhiễm. “Pháp luân” tức bánh xe pháp biểu thị viên mãn nhất, chân thật là biểu thị đại viên mãn!

– Bánh xe là tướng “động”, trong “động” có “không động”.

Thử nghĩ: Còn thứ nào có thể hàm nghĩa cả hai tướng này chăng?

– Chỉ có bánh xe! Bánh xe là tròn, tâm vòng tròn bất động. Vành xe động, trung tâm không động. Cho nên, bánh xe đại biểu cho: “động” và “tịnh” không hai; “động” và “tịnh” là một. Ý nghĩa sâu hơn một tầng là tiêu biểu cho Tánh, Tướng không hai; “không” và “có” là một. Bạn xem! Vành bánh xe biểu thị “tướng có”; tâm bánh xe biểu thị “tướng không”, cũng đại biểu cho “tánh”. Tất cả những sự việc trên không biểu tượng nào có thể hiển thị được bằng “bánh xe”.

– Tâm viên ở đâu?

– Không tìm ra được! Hiện tại không có học thuyết nào có thể nói ra được rõ ràng, chỉ nói đó là “điểm”. “Điểm” là khái niệm trừu tượng không phải sự thật. Thế nhưng, điểm di động, đó chính là “tuyến”; “tuyến” di động chính là “diện”. “Tuyến” và “diện” chúng ta có thể quan sát được, “Điểm” không thể quan sát. Cho nên, không tìm ra tâm viên. Tâm là “không”, tướng là “có”.

– “Có” từ đâu mà ra?

– “Có” từ “không” mà ra! Cho nên, “có” vẫn là “không”; “có” không phải là thật có, mà là “huyễn có”.

Chân không bất động, diệu hữu phi hữu”: Bánh xe biểu trưng cho ý này. Ý này thật viên mãn! Đích thật mười phương ba đời tất cả chư Phật vì chúng sinh nói pháp cũng chính là nói rõ đại   đạo lý, chân tướng của vũ trụ nhân sinh này. Vòng tròn của bánh xe “pháp luân” biểu thị mười Pháp giới y chánh trang nghiêm. Trung tâm của “Pháp luân” đại biểu cho tự tánh, cho Pháp Thân lý thể, cũng chính là chân tâm bổn tánh của chúng ta.

Bánh xe nhất định phải động! “động” là hoạt động. Nếu bánh xe không động thì biến thành phế vật, thành đồ vô dụng! Ngày nay khoa học phát triễn, có được thành tựu huy hoàng đều nương nhờ bánh xe chuyển động. Bất cứ máy móc nào cũng không ngoài vòng tròn này. Hiện tại, bánh xe còn làm thành răng, bánh răng ngay trong bánh xe ăn khớp với nhau mới có thể sinh ra tác dụng chuyển động.

Phật giảng kinh nói pháp, dùng bánh xe pháp để biểu thị “Pháp Luân thường chuyển”, hàm nghĩa thúc đẩy công tác giáo dục Phật Đà, giáo dục xã hội. Có thể nói trong Tám tướng thành đạobảy tướng kia đều vì cái tướng này, cho nên, tướng “Chuyển Pháp Luân” phải đặc biệt nói thật tường tận.

Thường dĩ Pháp âm, giác chư thế gian” (Thường dùng pháp âm giác ngộ các thế gian): Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Từ câu này trở đi cho đến trước câu “ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ” đều nói về tướng “Chuyển Pháp Luân”. Chữ “Pháp âm” chỉ chung cho tất cả giáo pháp của Phật, chẳng giới hạn trong thanh âm, ngôn ngữ. Ấy bởi đức Thế Tôn thuyết pháp là vi trần thuyết, hoặc cõi nước thuyết, thuyết một cách mạnh mẽ, không gián đoạn; lúc nói là thuyết pháp mà lúc im lặng cũng là thuyết pháp; không riêng chỉ hữu tình thuyết mà vô tình cũng thuyết. Vì vậy, chẳng thể cho rằng “Pháp âm” chỉ hạn hẹp trong ngôn giáo của đức Thế Tôn . Chỗ này, Hòa Thượng Tịnh Không nêu ra câu hỏi và giải thích:

– Pháp âm của Phật là Pháp gì vậy?

– Phía sau nói “giác”, pháp này là “Pháp giác”, giúp tất cả chúng sinh “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Tám chữ này chính là Tông chỉ, mục đích giáo học của Thích Ca Mâu Ni Phật.

– Khổ từ đâu mà có?

– Từ mê hoặc mà có! Mê rồi thì có khổ!

– Vui từ đâu mà có?

– Từ giác ngộ mà có! Giác ngộ thì liền vui! Cho nên, mê ngộ là nhân, khổ vui là quả. Phải từ trên nhân mà hạ thủ, trên quả thì không có cách gì!

“Giác chư thế gian”: Đại sư La Thập giảng chữ “thế gian” như sau: “Thế gian là tam giới”, tức là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Thế Tôn sau khi nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, suốt đời ngài diễn giảng đều vận dụng đủ các pháp: Đại, Tiểu, Quyền, Thật, Thiên, Viên để đánh thức tất cả chúng sinh trong tam giới, nên nói: “Thường dĩ pháp âm, giác chư thế gian”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Thế gian có ba loại: Hữu tình thế gian chủ, Khí thế gian chủ, Trí Chánh Giác thế gian chủ:

– Hữu tình thế gian chủ: Mọi người chúng ta đều thuộc về chúng sinh hữu tình.

– Khí thế gian chủ: Cũng là chúng sinh, nhưng mắt thịt phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy. Trên kinh nói: Thần đất, thần núi, thần cây v.v… Đó là “Khí thế gian chủ”.

Đạo tràng chúng ta có thần hộ trì. Nhà ở của chúng ta, Kinh Địa Tạng nói, có thần trạch bảo hộ, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy. Nếu ta tạo ác nghiệp, những thiện thần này sẽ bỏ đi mất, thay vào đó là ác thần đến, chúng đến để xúi dục ta tạo nghiệp, muốn ta tương lai đọa vào địa ngục, chúng sẽ rất vui mừng. Trong quỉ  thần:

Ác thần có rất nhiều, thiện thần rất ít. Đại khái thiện thần đều qui y tam bảo, đều là đệ tử của Phật, trong đó cũng có rất nhiều Bồ Tát thị hiện, không phải chân thật là quỷ thần.

– Trí Chánh Giác thế gian chủ: Chỉ cho những bậc chứng quả từ A-la-hán trở lên. Tông Thiên Thai gọi là Tạng giáo Phật; Phật của thông giáo đều thuộc về “Trí Chánh Giác thế gian chủ”.

Đối tượng Phật giảng kinh nói pháp đều bao gồm cả ba loại này nên gọi là “chư thế gian”, cũng chính là chúng sinh trong chín Pháp giới. “Thường dĩ pháp âm, giác chư thế gian”; hai câu này là tổng tướng của “Chuyển Pháp Luân”, nói rõ Thế Tôn vì sao phải xuất thế? Vì sao Thế Tôn xây dựng Phật pháp ở thế gian này? Nhà Phật thường nói: Như Lai gia nghiệp”, hai câu nói trên chính là “Như Lai gia nghiệp”, thường không có gián đoạn, đặc biệt hiển thị rất rõ ở trên hội Hoa Nghiêm gọi là: Trần thuyết, sát thuyết, vô gián đoạn thuyết.

Nên nhớ: Chữ “Pháp âm” chỉ có Phật mới có thể nói. Như Lai thân, khẩu, ý, ba thân đều không ngoài lợi ích tất cả chúng sinh nên gọi là “Pháp âm”. Kinh là dấu hiệu của ngôn ngữ; văn tự chỉ là phù hiệu, là ghi chép của ngôn ngữ, dùng phương pháp này để truyền được lâu dài. Cho nên, văn tự kinh điển cũng thuộc về phạm vi của “Pháp âm”. Ngày nay, chúng ta được tiếp thu kinh điển, nghe được Phật pháp khiến tư tưởng, kiến giải, quan niệm, hành vi của chúng ta có thể được chuyển biến, ấy đều nhờ vào tác dụng hiệu quả của “Pháp âm”.

“Giác chư thế gian”, cũng theo Hòa Thượng Tịnh Không, câu này trọng điểm ở chữ “giác”; khiến cho thế gian được phổ biến, bình đẳng giác ngộ, đấy là mục đích cứu cánh của chư Phật Như Lai thị hiện ở đời. “Thế gian”: chữ “thế” là nói thời gian. Người Trung Quốc lấy ba mươi năm làm một đời. Bạn xem! Chữ “Thế” (世) này là tam thập, ba mươi năm gọi là một đời; “gian” là không gian. Chữ “thế gian” có thể gọi là thế giới hay vũ trụ cũng cùng một nghĩa. Dùng lời hiện tại mà nói chính là “thời không”. “Thế” hay thời gian cùng không gian” trong “thời không” đã bao hàm vô lượng, vô biên tất cả vạn sự vạn vật nên gọi là “chư thế gian”. “Thế gian” vô lượng vô biên, đức Phật vì phương tiện nói pháp để khai mở, đem nó phân thành ba loại lớn: Hữu tình thế gian, Khí thế gian và Trí Chánh Giác thế gian. Phật đối với ba loại thế gian này đều “thường dĩ Pháp âm”, giúp họ giác ngộ.

* Khí thế gian là nói thế giới của vật chất, các vật vô tình như cây cối, đất đá, cỏ hoa v.v… tức là quốc độ nơi tất cả chúng sinh sinh sống. Trong mười pháp giới, chánh báo” là “hữu tình thế gian”; “y báo” là “khí thế gian”. Trên kinh cũng nói; trong mười pháp giới: Bốn pháp giới phía trên gọi là “Trí Chánh Giác thế gian” còn “Hữu tình thế gian” là chuyên chỉ chúng sinh sáu cõi. Cách nói này cũng được.

Nếu mở rộng hơn một chút, cũng có thể nói: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là “Trí Chánh Giác thế gian”, đây là “Pháp giới Bốn thánh”. Trên kinh Đại Thừa, Phật nói: Sáu cõi là phàm phu; pháp giới Bốn thánh cũng là phàm phu. Sáu cõi gọi là “nội phàm”, “Pháp giới Bốn thánh” gọi là “ngoại phàm”. “Ngoại phàm” vẫn chưa được xem là Thánh nhân. Tiêu chuẩn Thánh nhân này cao!

Trong “Pháp Tướng Duy Thức” lấy “Đồng sanh” và “Dị Sanh” làm tiêu chuẩn để phân định: “Đồng sanh” là “Trí Chánh Giác”, “Dị sanh” là phàm phu.

– Thế nào gọi là “Đồng sanh”, “Dị sanh”?

– “Đồng sanh” là cùng với chư Phật Như Lai dùng đồng một chân tâm, tâm bạn và tâm chư Phật là như nhau. “Dị sanh” là tâm bạn cùng tâm chư Phật không như

– Vì sao không như nhau?

Chúng ta khởi tâm động niệm là dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở! Đó chính là “Dị sanh tánh”. Ngay đến Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát quyền giáo, Tạng giáo Phật, Thông giáo Phật cũng là “Dị sanh tánh” vì họ chưa kiến tánh vẫn còn dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở!

– Rốt cuộc ai là “Đồng sanh tánh”?

– “Biệt giáo Sơ Địa” trở lên; “Viên giáo Sơ Trụ” trở lên, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là “Đồng sanh tánh”, cùng “chư Phật Như Lai” dùng đồng một chân tâm, đây mới chân thật gọi là “Chánh Giác”, cũng gọi là “Đẳng Chánh Giác” hay “Chánh Đẳng Chánh Giác”.

“Chánh Đẳng Chánh Giác”, tuy siêu việt mười pháp giới, trụ “nhất Chân Pháp giới”, những Bồ Tát này trên kinh Hoa Nghiêm gọi là bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ vẫn còn bốn mươi mốt giai bậc, họ vẫn chưa viên mãn, nên Phật vẫn còn phải giúp họ, vẫn thường dùng “Pháp âm giác chư thế gian”. Chữ “Pháp âm” này vi diệu không thể nghĩ bàn! Quyết không phải loại giảng kinh nói pháp như thông thường chúng ta. Do đây có thể biết: “Pháp âm”, hai chữ này rất quan trọng! Phải thể hội được ý nghĩa của nó: Chỉ cần là trùng trùng phương pháp, phương tiện khéo léo giúp tất cả chúng sinh giác ngộ, đều gọi là “Pháp âm”. Tương lai chúng ta sẽ đọc đến trên hội Kinh Hoa Nghiêm: Trời Quang Âm tương thông ý kiến với nhau, không cần dùng ngôn ngữ, vậy thử hỏi:

– Phật dùng phương pháp gì để tương thông ý kiến?

– Phóng quang! Vừa phóng quang, mọi người xem thấy liền giác ngộ. Đây thật là tiện lợi, không thể nghĩ bàn! Ngôn ngữ mệt chết người, tốn nhiều sức! Một bộ Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta khổ  cực chuyên cần giảng một ngày hai giờ đồng hồ, phải giảng trong năm năm. Riêng đối với Phật, chỉ cần phóng quang, vừa phóng quang chỉ một thoáng sát-na là giảng xong bộ Kinh Hoa Nghiêm. Thật vô cùng tuyệt diệu! Chân thật không thể nghĩ bàn!

Nên biết, từ trời Quang Âm trở đi đều không dùng ngôn ngữ. Phạm vi của ngôn ngữ, thật tế mà nói rất nhỏ hẹp, rất giới hạn: “Từ” không thể diễn đạt “ý”; “từ” cùng “ý” trái nhau. “Ý” là nói ý thức thứ sáu. Năng lực của ý thức thứ sáu vượt hơn nhiều so với ngôn ngữ. Thức thứ sáu bên ngoài có thể duyên đến A-lại-da thức. Thế nhưng, nó vẫn còn có giới hạn, không duyên được đến Chân Như bổn tánh. Cho nên, nếu dùng tâm ý thức tu hành, cho dù rất đúng pháp, hoàn toàn chiếu theo kinh giáo của Phật, cuối cùng có thể làm đến được Tạng giáo Phật, Thông giáo Phật, nhưng vẫn chưa ra khỏi được mười pháp giới! Vì sao? Vì giới hạn của thức thứ sáu chỉ hạn cuộc trong mười pháp giới!

Nếu tường tận rồi, bạn có thể “chuyển thức thành trí”. Chuyển tám thức thành bốn trí, bạn đã siêu vượt mười pháp giới, liền vào “Pháp giới Nhất Chân”. Vào “Pháp giới Nhất Chân” thì “Đồng sanh tánh” với Phật. Nên biết: “Thường dĩ pháp âm, giác chư thế gian” bao gồm mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai trong hư không pháp giới rộng độ khắp chúng sinh, tám chữ này đã biểu đạt được tất cả, đó là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc.

Chúng ta học Phật phải khéo nắm được tổng cương lĩnh. Câu này nói với chúng ta chính là tâm Bồ Đề viên mãn tròn đầy. Tâm Bồ Đề vô thượng chính là “Tứ Hoằng Thệ nguyện” viên mãn. Trong “Tứ Hoằng Thệ nguyện”, “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, dùng phương pháp gì để độ chúng sinh? – “Pháp âm”! Phía sau là “đoạn phiền não”, “học pháp môn”, “thành Phật đạo”; hai chữ này đều bao gồm cả. Đó là phần “tổng tướng”. Kế đến, phần “Biệt tướng” chính là áp dụng của “Tổng tướng”.

– Làm thế nào thực hiện trên sự tướng?

– Phật pháp Đại Thừa lấy bốn vị Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng làm căn bản, như xây một căn nhà phải có đủ bốn trụ cột, nếu thiếu một trụ thì không được.“Tứ đại danh sơn” ở Trung Quốc là bốn ngọn núi cao nổi tiếng, biểu trưng thị hiện của bốn vị Bồ Tát này.

– “Phá phiền não thành, hoại chư dục tiệm (Phá thành phiền não, hoại các hào dục). Phiền não là tham, sân, si v… là phiền tâm, não thân nên gọi là phiền não. Hơn nữa, mười thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ được gọi là mười phiền não. Tông Thiên Thai gọi ba thứ “Hoặc”: Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh là ba phiền não. “Thành” là thành trì. Phật diễn diệu pháp, phá tan thành lũy phiền não trong thâm tâm chúng sinh nên kinh nói. “Phá phiền não thành”. Đây là “Biệt tướng”, tuy nói “Biệt tướng” vẫn là nguyên tắc, cương lĩnh.

– “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, phải bắt tay từ  chỗ nào?

– Từ “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phải bắt tay ngay từ chỗ này! Phiền não không thể đoạn thì chính mình cũng không thể độ, làm sao độ được người khác! Muốn độ người khác, chính mình trước phải đoạn phiền não.

Phiền não vô lượng vô biên! Thế Tôn lúc giảng kinh thuyết pháp, ngài đem vô lượng vô biên phiền não qui nạp thành tám vạn bốn ngàn. Con số này không phải mơ hồ, tùy tiện mà nói, mà xác thật từng điều Phật đều nói rõ. Người thời nay thích đơn giản, sợ phiền phức mất thì giờ. Phật rất hiểu! Đem nó qui nạp một lần nữa   thành một trăm lẻ tám điều, đây là cương lĩnh. Một trăm lẻ tám loại này gọi là “Bách bát phiền não”. Xâu chuỗi niệm Phật của chúng ta có một trăm lẻ tám hạt hàm nghĩa: Phải niệm A Di Đà Phật, niệm “Giới- Định-Tuệ”, đoạn dứt một trăm lẻ tám cái phiền não.

Thế nhưng, một trăm lẻ tám vẫn xem là rườm rà, phiền phức, nên ngài Thiên Thân Bồ Tát làm bài “Bách pháp minh môn luận”, đem những phiền não này qui nạp một lần nữa thành hai mươi sáu loại. Cho nên, ngày nay nói đến phiền não, đều y theo phương cách của Thiên Thân Bồ Tát. Hai mươi sáu loại này gồm có: Sáu “Căn bản phiền não” và hai mươi cái “Tùy phiền não”. Sáu “căn bản phiền não” là: tham, sân si, mạn, nghi, ác kiến (ác kiến là tà tri tà kiến). Hai mươi “Tùy phiền não” là: Phẫn (giận), hận (tức tối), phú (che dấu tội lỗi), não (bức rức), tật (ganh ghét), xan (bỏn xẻn), cuống (lừa dối), xiễm (nịnh hót), hại (tổn hại), kiêu (kiêu căng), vô tàm (tự mình không biết hổ thẹn), vô quý (không biết xấu hổ với người), trạo cử (sự dao động trong tâm), hôn trầm (mờ ám, u trệ), bất tín (không có niềm tin), giải đải (biếng nhác), phóng dật (buông lung), thất niệm (đãng trí, lãng, quên), tán loạn (rối loạn), bất chánh tri (hiểu biết sai lầm).

Hai mươi sáu loại này nếu qui nạp sẽ thành sáu loại “căn bản phiền não” như đã nêu trên. Cách nói này vẫn quá nhiều; Phật qui nạp thành ba loại là: “Tham-sân-si” tức “Phiền não tam độc”. Ba loại này nếu qui nạp thành một, chính là “tham”. Tất cả chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay lưu chuyển trong sáu đường sinh tử luân hồi không hề ngừng dứt, nguyên nhân căn bản chính là “tham”.

– Dùng phương pháp gì để đối trị phiền não “tham”?

– Phật dạy: Phải bố thí để đối trị phiền não “tham”.

– Bạn có từng nghĩ đến: Chúng ta trong đời này, sống với mục đích gì không? Quan hệ cả đời, sao bạn không nghĩ đến?! Ngay trong đời bạn đến khắp nơi đụng chạm, đụng đến tét đầu chảy máu, sau cùng vẫn là mê hoặc điên đảo, để lỡ qua một đời, có đáng tiếc hay không?!

– Thời xưa, người xuất gia chí hướng rất rõ ràng, tường tận, minh bạch; mục đích của họ ở đâu?

– Ra khỏi ba cõi, vĩnh thoát sinh tử luân hồi! Rõ ràng chúng ta đang làm cái sự việc này!

– Người tại gia thì thế nào?

– Cổ Thánh tiên Hiền cũng dạy chúng ta phải lập chí, phải có phương hướng, mục tiêu. Chí mà không lập, mục tiêu chẳng có thì oan uổng cả cuộc đời! Cho dù chúng ta có nỗ lực, phấn đấu thế mấy, công phu cũng chỉ là trống không, chẳng có được thành tựu.

Lập chí trong thế pháp cùng phát nguyện trong Phật pháp là như nhau. Sau khi lập chí, nếu muốn chí nguyện mình thành tựu viên mãn, cần phải nỗ lực, phấn đấu cầu học. Cầu học, việc thứ nhất là phải “đoạn phiền não, dứt dục vọng”. Vì sao? Vì phiền não, dục vọng làm chướng ngại trí tuệ bạn không được khai mở, không thể kiến tánh! Nếu không có trí tuệ, cho dù học pháp môn nào; Đại sư Thanh Lương trong “Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao” nói rất hay: Cái bạn học được đều là tà tri tà kiến! Giả như không đoạn phiền não, học pháp môn mà vẫn có thể thành tựu thì người thành Phật, thành Tổ đã quá nhiều rồi! Yêu ma quỉ quái cũng đều thành Phật cả!

Phật pháp không gì hơn, chính là dạy bạn đoạn dứt hai loại chướng ngại: Một là “Phiền não chướng”, hai là “Sở tri chướng”. Chỉ cần đoạn dứt hai chướng ngại này, trí tuệ Bát nhã, đức năng đầy đủ trong tự tánh của bạn liền có thể hiện tiền.

Khi Đại Sư Liên Trì còn trẻ, tham phỏng Biến Dung lão Hòa Thượng, một cao tăng đương thời; Đại sư rất chân thành; như Đại Sư Ấn Quang nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”, ngài là mười phần thành kính, ba bước một lạy, khẩn thiết ai cầu, lạy đến lên chót núi, đến trước mặt lão Hòa Thượng, cầu Hòa Thượng khai thị. Lão Hòa Thượng nói những gì với ngài? – “Ông không nên bị danh vọng lừa dối!”

Rất nhiều người ở đó nghe được lời này, cho rằng lão Hòa Thượng nào có khai thị quí báu gì đâu, chỉ câu nói tầm thường như vậy! Họ cười ngài Liên Trì: ông chân thành đến như vậy! Lời nói của Hòa Thượng chỉ là lời nói thường ngày, không có chút chi mới mẽ, vẫn là một câu nói cũ rích! Họ nghe mấy trăm lần đều như gió thoảng qua tai, không có tác dụng! Đại Sư Liên Trì thì khác! Nghe câu nói này như sấm nổ bên tai, liền khởi tác dụng, ngài nói với mọi người: “Lão Hòa Thượng thật từ bi, không nói huyền, nói diệu với tôi, ngài khuyên tôi một lời thành thật”. Đại Sư liên Trì nói: Thành tựu cả đời ngài đều nhờ vào lời khai thị này! Viễn ly danh vọng lợi dưỡng, thành thật tu hành, ngài thật khởi được tác dụng!

– Người hiện tại có mấy ai thành thật?!

– Năm xưa nói lời này, đại khái có khoảng hai mươi năm trước, Pháp Sư Thanh Độ ở Nhật Bản, ông rất thân với tôi, cũng rất chịu giúp đỡ những pháp sư Đài Loan. Ở Nhật, ông tìm mấy học bổng Tiến Sĩ Phật học để tặng cho Đài Loan, tặng một phần cho Pháp Sư Ấn Thuận, còn có những ai tôi cũng không tường tận; Ông cũng muốn tặng một phần cho tôi, nhưng tôi từ chối!

– Ham tước Tiến Sĩ đó là cái gì?

– Là thòng lọng của ma vương buộc lấy bạn! Bạn rơi vào trong danh vọng lợi dưỡng rồi! Lấy được thạc tước Tiến Sĩ rồi, cống cao ngã mạn! Chúng ta rất rõ ràng, không lọt vào cái thòng lọng này. Thòng lọng này có thể buộc người khác, nhưng không buộc được tôi.

Chúng ta học Phật, không phải là mong cầu danh vọng lợi dưỡng thế gian, một chút tiêm nhiễm cũng không có. Chỉ cần có một chút tiêm nhiễm thì liền đọa lạc!

– Đọa lạc vào đâu?

– Vào sáu cõi luân hồi, ba đường ác!

– Lúc nào bạn có thể đoạn “tham-sân-si”?

– Lúc nào bạn được tâm thanh tịnh hiện tiền!

– Tu hành thế nào mới gọi là công phu?

– Thuận cảnh không khởi tham ái! Nghịch cảnh không khởi tâm sân hận! Trong tất cả cảnh duyên rõ ràng, tường tận, thông suốt thấu đáo. Dù thuận hay nghịch cảnh vẫn không động tâm, đó mới là thiền định. Trên Kinh Kim Cang nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”.

“Bất thủ ư tướng” là đối với cảnh giới bên ngoài: Thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, thiện duyên cũng tốt, ác duyên cũng tốt, không động tâm, không chấp trước đó là công phu của bạn. Tu hành chính là phải tu việc này. Trong cảnh giới khởi tâm động niệm đó là phàm phu. Trong cảnh giới không khởi tâm, không động niêm, không phân biệt, không chấp trước thì nắm chắc phần.

– Phần gì vậy?

– Pháp hỉ! Chân thật hoan hỉ! Cho dù công phu chưa thành tựu, phước báo đời sau quyết không ở nhân gian mà ở cõi trời để hưởng phước. Thế nhưng, trong đây phải giác ngộ, nhất định phải cầu sinh Tịnh Độ! Vì sao?

– Cõi trời không phải là cứu cánh! Ngại là vừa đến cõi trời đã bị mê rồi! Hưởng hết phước trời vẫn phải đọa lạc, luân hồi  sinh tử, rơi vào ba đường ác, đó chẳng phải là quá sai lầm ư?! Cho nên, dẫu là phước trời cũng không nên động tâm.

– Làm thế nào mới chân thật phá được phiền não?

– Có phước không nên hưởng, phước để mọi người hưởng! Việc này, Thế Tôn đã làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng Thiên thượng nhân gian, phước báo có lớn, viên mãn đến đâu cũng không hơn được Phật. Phật là đấng “Nhị túc tôn”; Trí tuệ, phước đức của Phật đều viên mãn.

– Phật có hưởng hay không?

– Không có! Phật vẫn ba y một bát, vẫn nửa ngày ăn một bửa, dưới gốc cây ngũ qua đêm, cả đời không thay đổi.

– Vì sao Phật phải làm vậy?

– Làm để chúng ta xem! Phước báo của Phật để cho tất cả chúng sinh hưởng, đặc biệt là gia trì tất cả chúng sinh khổ nạn, khiến tai nạn họ giảm nhẹ, thời gian chịu nạn của họ rút ngắn. Đây là Phật lực gia trì! Nên biết, nếu không có Phật lực từ bi gia trì, thế giới này ngày nay không biết phải gặp tai nạn khủng khiếp đến dường nào! Chúng ta không biết được, cũng không biết cảm kích! Mỗi ngày đọc tụng “Thượng báo tứ trọng ân” (trên đền bốn ân nặng), có miệng vô tâm! Rốt cuộc có cái ân gì cũng không tường tận, thật đáng hỗ thẹn!

“Phiền não thành”, chữ “thành” biểu thị rất kiên cố, giống như thành trì.

– Phiền não, tập khí không dễ đoạn, có thể đoạn được hay không?

– Nhất định có thể đoạn được!

– Làm thế nào mới có thể đoạn được phiền não?

– Nếu gặp duyên thù thắng, rất có khả năng đoạn được!

– Duyên gì vậy?

– Ngày ngày nghiên cứu Đại Kinh, Đại luận! Mỗi giờ mỗi phút thường nhắc nhỡ chúng ta thì có khả năng đoạn trừ phiền não, tập khí. Một ngày không đọc kinh, tâm Bồ đề liền suy, phiền não liền thêm lớn! Ba ngày không đọc kinh, hoàn toàn thoái chuyển, liền quay lùi lại! Do đó, người phước duyên sâu, ngày ngày đọc kinh, ngày ngày niệm Phật, suốt năm không gián đoạn, tính cảnh giác của họ sẽ rất cao; mỗi giờ mỗi phút đều có thể nhớ ra được, dần dà phiền não chuyển biến thành Bồ Đề, chân thật là phá mê khai ngộ.

Hiện tại, chúng ta đọc kinh, niệm Phật quá ít; đem đọc kinh, niệm Phật xem thành buổi điểm tâm; “tham-sân-si-mạn” trở thành bửa cơm chính! Vậy làm sao có thể đoạn dứt được phiền não! Nhất định phải ghi nhớ: Người học Phật muốn vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, không đoạn trừ phiền não thì không được! Thật sự muốn dứt trừ phiền não, tâm bạn mười ác phải không còn, cũng không có “tà tư”. Đối với người, với việc, với vật phải một mãng chân thành, cung kính, từ bi; quyết không có mãy mai ý niệm chiếm tiện nghi, lợi ích của người khác, đó là “tà tư”.

Phải nên xả mình vì người. Người khác có chiếm đoạt tài vật, của cải của ta, cũng không nên sân giận, “Bố thí Ba- la mật” cúng dường cho họ! Chúng ta quyết: miệng không nói lời ác, thân không tà hạnh, mỗi niệm quan tâm xã hội, quan tâm chúng sinh, thương yêu xã hội, thương yêu chúng sinh, toàn tâm toàn lực giúp xã hội, giúp tất cả chúng sinh. Giữ được cái tâm này nhất định được chư Phật hộ niệm; long thiên thiện thần bảo hộ, phiền não liền sẽ ít đi.

“Hoại chư dục tiệm”: “Tiệm” là con sông đê hộ thành (hộ thành hà). Thành thị này ngày nay không còn nữa. Hiện tại, Trung Quốc vẫn còn gìn giữ vài cái cổ thành như tường thành ở Tây An vẫn còn. Bên ngoài bức tường thành là sông hộ thành, con sông này gọi là “tiệm” để phòng thủ thành trì. Ở đây, Phật chỉ dùng để tỉ dụ, đem phiền não ví cho “thành”, đem “dục vọng” ví cho “sông hộ thành”.

Chúng sinh thế gian này cứ mãi mê tham đắm ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Những thứ này phải viễn ly, phải xả bỏ, phải đạm hóa chúng. Người xưa nói: “Không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”,“niệm” là phiền não, vọng tưởng; “giác” là câu A Di Đà Phật. Khi tham tâm vừa khởi, lập tức câu A Di Đà Phật, đem tâm tham dịu xuống. “Sân khuể” vừa trổi, niệm A Di Đà Phật, cơn giận không sinh. Ý niệm thứ nhất là phiền não, ý niệm thứ hai là A Di Đà Phật, đem vọng tưởng, phiền não xua tan hết, đây gọi là thật sự biết dụng công.

Đoạn dục vọng, nhu cầu đời sống đơn giản, càng hạ thấp đến mức tối đa thì đối với thân tâm càng khỏe mạnh, không ưu tư, không gánh nặng, không phiền phức, tâm bạn liền được đại tự tại. Người thế gian mê hoặc điên đảo, nghĩ hết cách phải thành gia lập nghiệp.

– Lập nghiệp là nghiệp gì?

– Là nghiệp chướng! Là trói buộc! Là chướng ngại bạn minh tâm kiến tánh; chướng ngại bạn thoát ly sinh tử ra khỏi ba cõi!

– Phải học người thông minh, phải biết những thứ này không phải là việc tốt, phải quyết xả bỏ tất cả những chướng ngại mới có thể được đại tự tại.

Nói đến đây, tôi bỗng nhớ có đồng tu đến nói với tôi: Có số người nghe tôi giảng kinh nói pháp, họ bèn đem nhà và gia nghiệp thảy đều buông bỏ hết để đến học Phật. Sự nghiệp vừa buông, không làm việc, không thu thập, qua vài ngày đời sống trở thành có vấn đề! Cả nhà đều kêu khổ; thân thích bạn bè xem thấy cho rằng người học Phật này bị ma ám, mê muội mất rồi! Sau khi nghe qua, tôi cảm thấy họ đã hiểu sai ý của tôi nói, không phải tôi dạy như vậy!

Trên kinh nói “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, thực tế là không dễ dàng! Ý nghĩa lời tôi nói, bạn đã hiểu sai, bạn còn có thể hiểu được ý của Như Lai sao?!- Trong kinh Phật dạy chúng ta buông bỏ là buông bỏ phiền não, buông bỏ dục vọng, không phải bảo bạn buông bỏ công việc. Bạn xem lại đi! Bất cứ kinh nào trong kinh luận Đại thừa hay Tiểu thừa, chỗ nào Phật bảo bạn buông bỏ cả công việc?! Nếu nói Phật dạy phải buông bỏ tất cả công việc, thì việc giảng kinh thuyết pháp của Phật cũng phải buông bỏ, như thế thì thế gian sẽ không còn Phật pháp!

Nên biết: Công việc không hề chướng ngại. Trên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lý sự vô ngại; sự sự vô ngại”. “Ngại” là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tương đồng với chỗ này nói phiền não, dục vọng. Các thứ này là chướng ngại trên tâm lý phải buông bỏ, trên sự không có chướng ngại, không những Phật không dạy bạn đem công việc buông bỏ mà còn dạy bạn phải chăm chỉ làm việc, nỗ lực hơn người.

Phải biết “tham-sân-si-mạn”, năm dục, sáu trần hại chúng ta đến nỗi đời đời kiếp kiếp không ngững đầu được! Không thể nói, chúng ta không có thiện căn; nếu không có thiện căn, hôm nay bạn đâu thể ngồi đây đến hai tiếng đồng hồ để nghe kinh. Bạn có thể ngồi được hai giờ đồng hồ, biểu thị bạn có thiện căn, Phật duyên của bạn rất sâu. – Quá khứ, đời đời kiếp kiếp bạn thân cận chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, Tổ Sư, Đại Đức; vì sao bạn vẫn đọa lạc vào sáu cõi sinh tử luân hồi? Chính vì phiền não bạn chưa đoạn, dục vọng bạn chưa đem nó xả hết! Cho nên, phải thường hay suy nghĩ đến việc này.

Phải hiểu mọi thứ đều giả, không thật có, quyết không có một pháp nào có được. Trong Tâm kinh nói: “Vô trí diệc vô đắc”, “vô đắc” mới là thật. Đừng nghĩ: Cái này là của tôi, cái kia cũng của tôi v.v… vậy thì hỏng hết! Đó là tạo “tam ác đạo”. Càng nghĩ càng đáng sợ! Càng nghĩ càng thấy vấn đề này nghiêm trọng! Ngay trong đời này, chúng ta gặp được Phật pháp, được cơ duyên thù thắng thuận lợi, có thể được vãng sinh hay không? Phải xem sức nhẫn nại chịu đựng và công phu của bạn ra sao ? Có đem được phiền não, dục vọng hạ xuống đến mức thấp nhất hay không? Nếu có thể xả bỏ, có thể hạ thấp thì đời này bạn chắc chắn được thành tựu. Nếu đời này vẫn để tập khí sai sử, vẫn y như đời trước không chịu buông bỏ, vậy thì chỉ kết được thiện duyên với A Di Đà Phật mà không thể đi được! Thành thật mà nói: Bạn lại uổng qua một đời này! Xem có đáng tiếc hay không?

“Tẩy trạc cấu ô, hiển minh thanh bạch” (Rửa sạch cấu ô, hiển bày đức thanh tịnh): “Tẩy trạc” là rửa sạch; “cấu” là phiền não, là“phiền não chướng”. “Ô” là vô minh, là “Sở tri chướng”, chúng ta phải tẩy rửa cho tinh sạch.

Theo Thiền tông, “Tẩy trạc cấu ô” là “hồi thoát căn, trần” (thoát khỏi “căn” và “trần”). “Căn” là sáu căn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. “Trần” là sáu trần; là cảnh giới bên ngoài: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Thoát khỏi “căn” và “trần” tức là đối với trần cảnh bên ngoài không nhiễm, mà đối với “căn” cũng không dùng nữa. Trên Kinh Lăng Nghiêm, ngài Giao Quang nói: “Bỏ thức, dùng căn”, “dùng căn” là dùng cái “tánh” trong “căn”, tức là “căn tánh”. Đây mới là cao minh, cùng với chư Phật, Bồ Tát giống nhau. Dùng “tánh thấy” để thấy, không dùng “nhãn thức” (mắt thấy) để thấy; dùng “tánh nghe” để nghe, không dùng “nhĩ thức” (tai nghe) để nghe v.v… “Thức” là phân biệt thì ô nhiễm. “Tánh” là quang minh. Dùng “căn tánh” của sáu căn chính là dùng chân tâm.

Nói dễ nhưng làm rất khó! Phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, không biết cách dùng, suốt ngày chỉ dùng sáu thức.

Dùng sáu thức cũng có thể vãng sinh, đây là ưu thế của “Pháp môn Tịnh Độ”, là “Đới nghiệp vãng sinh”. Nếu dùng “căn tánh” (tánh trong căn) thì chẳng phải là “đới nghiệp” nữa.

Theo Tịnh Tông: “Đô nhiếp lục căn” (cùng nhiếp sáu căn), chính là “Tẩy trạc cấu ô “. Hai câu “Tẩy trạc cấu ô, hiển minh thanh bạch”; dùng lời của Đại Thế Chí Bồ Tát mà nói, tức là “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”.

– Làm thế nào để gom nhiếp sáu căn?

– “Nhiếp” là thâu nhiếp, gom lại. Tâm phàm phu thường nương theo sáu căn mà duyên theo sáu trần: Mắt duyên sắc, tai duyên tiếng v.v… Phải gom nhiếp cái tâm này lại, đó chính là công

– Xã hội hiện tại rất phức tạp, như trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tà Sư nói pháp như cát sông Hằng!” Phật không nói quá đáng!

– Cái gì là “tà sư”?

– Phàm cái gì mê hoặc bạn đều là “tà sư”!

– Cái gì đang dạy bạn?

– Truyền hình đang dạy bạn! Ca vũ, bạo động, sắc tình đang dạy bạn! Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài đều đang dạy bạn!

– Dạy bạn cái gì?

– Dạy bạn tạo mười ác nghiệp! Dạy bạn tăng trưởng “tham- sân- si- mạn” v.v…, mục đích là kéo bạn vào A Tỳ địa ngục. Bồ Tát Địa Tạng ở đó khổ cực lắm mới khuyên dạy được bạn, kéo bạn từ địa ngục ra. Chưa được mấy ngày, ma vương bên ngoài lại tiếp tục mê hoặc bạn! Khiến bạn vừa ra khỏi lại lập tức trở vào! “Chúng sinh Diêm Phù Đề cang cường, nan hóa”, rất khó độ là như vậy!

Phải hiểu được “gom nhiếp sáu căn”, không rơi vào thòng lọng của yêu ma, quỉ quái. Người chân thật tu hành không nên  xem truyền hình. Truyền hình vào thời đại hiện nay là đồng hiệu với ma vương, qua lại với nó, phiền não sẽ rất lớn! Chúng ta phải cảnh giác cao độ.

Hiện nay, trẻ em từ nhỏ đã kết giao mật thiết với nó rồi, một ngày cũng không rời khỏi! Hiện tại chỉ là ma vương, tương lai e rằng thay thế ma vương còn hung hãn, tàn ác hơn nữa như đường truyền internet, không cách chi phòng bị! Nội dung trong đó quá tà, quá ác! Chúng ta nghĩ đến chỗ này không sao khỏi động tâm! Vốn dĩ là một công cụ tốt lại bị ma vương lợi dụng! Là đệ tử tốt của Phật, chúng ta phải phát tâm vận dụng công cụ này để tuyên dương chánh pháp. Thế gian, người có thiện căn vẫn không ít, nếu có được một sự so sánh, họ sẽ giác ngộ quay đầu.

Lần trước, tôi đến Hồng Kông giảng kinh, lão Pháp Sư Giác Quang gọi điện cho tôi. Chúng tôi ít gặp nhau; ông nói với tôi, ông vừa từ Hoa Kỳ trở lại. Ở Hoa Kỳ, ông có hai đạo tràng ở Seattle. Mỗi năm ông đều phải đi đi, về về hai lần; mỗi lần ở mười mấy ngày. Lần này ở Seattle, ông có nghe tôi giảng kinh. Tôi rất kỳ lạ! Tôi ở đây làm sao lại có thể giảng kinh ở Seattle? Thì ra đó là trong truyền hình!

Hiện tại, ở Hoa Kỳ, mỗi ngày chúng ta được một giờ đồng hồ phát sóng băng đĩa giảng. Ông xem thấy rất là hoan hỉ, gọi điện nói với tôi. Ông nói:

Trước đây trong truyền hình cũng có một số tà sư nói pháp mê hoặc người, nhưng sau khi phát tiết mục này của tôi, những tiết mục đó liền rất ít, người xem cũng rất ít, dần dà cũng không còn nữa. Ông đem tin tức này nói với tôi, mời tôi ăn cơm. Cho nên, chúng ta phải cố gắng vận dụng công cụ khoa học kỹ thuật, đem chánh pháp thuần thiện của Phật truyền bá khắp thế giới. Ngạn ngữ có câu: “Không sợ không biết hàng, chỉ sợ hàng đụng hàng”. Chúng ta dùng đồ thật, đồ tốt để làm ra một sự so sánh, vẫn còn một số người có thiện căn, họ biết chọn lựa, đó là việc tốt.

– Hiện nay kiếp nạn, tai biến xảy ra khắp nơi! Có thể hóa giải được hay không?

– Trên lý luận khẳng định là có!

– Kiếp nạn do đâu mà hình thành?

– Do chúng sinh tạo ác nghiệp mà chiêu cảm! Chúng ta nói lời này, có rất nhiều người không tin! Họ không thể tiếp nhận! Đức Phật thường nói: Mười Pháp giới y chánh trong nghiêm, do “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Lại nói “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, chính là sự việc này!

Người chân thật học Phật, cầu vãng sinh Tịnh Độ, quyết không xao lãng, từng giờ từng phút luôn kiểm soát tâm niệm mình, quyết “tẩy sạch cấu ô”, vứt phăng phiền não, dục vọng. Tâm địa có thanh tịnh thì “hiển minh thanh bạch”, tự đắc tâm khai, kiến tánh thành Phật; ngay trong đời này, phải lấy đây làm mục tiêu tu học.

Điều chúng sinh, tuyên diệu lý”: Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Điều” là điều hòa, “chúng sinh” là hết thảy hữu tình, “tuyên” là chỉ bày, “diệu lý” là lý thể của Thật tướng, cũng chính là “Phật tri kiến” của Kinh Pháp Hoa. “Khai Phật tri kiến” và “Thị Phật tri kiến” là “tuyên diệu lý” khiến cho hết thảy hữu tình “Ngộ Phật tri kiến” và “Nhập Phật tri kiến”, đây là “điều chúng sinh”. Cũng chính là khiến họ “khế nhập Trung Đạo”. Pháp môn Tịnh Độ là “tri kiến Phật”; “Trì Danh Niệm Phật” là “khế nhập Trung Đạo”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Điều” là điều ngự, điều lý, điều hòa, điều thuận. “Chúng sinh” là vọng tưởng tạp niệm, phiền não rất nhiều. Phật, Bồ Tát vì chúng sinh thiện xảo phương tiện “tuyên diệu lý” để hiển bày chân tướng của vũ trụ nhân sinh mà Kinh Pháp Hoa gọi là “Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. “Ngộ, Nhập” là việc của chúng ta, của học trò. Phật là thầy, là đấng Đạo Sư của chúng ta, Phật chỉ có “Khai, Thị”.

Chữ “điều” trong “điều chúng sinh” vô cùng quan trọng, đây là chữ then chốt. Về mặt sinh lý, nếu thân không điều hòa tức là “bốn Đại” không “hòa”; bạn liền có đau bệnh. Về mặt tâm lý nếu như không “hòa”, bạn liền có ưu tư, phiền não. Cho nên, nguyên tắc giáo học của Phật là giúp chúng sinh hiểu biết làm thế nào để có thể điều tâm, điều thân.

Tiêu chuẩn của “điều” là “pháp tắc tự nhiên”. Nếu có thể thuận theo “pháp tắc tự nhiên” thân tâm liền khỏe mạnh. “Pháp tắc tự nhiên” trong kinh Phật gọi là “Pháp tánh” hay “Phật tánh”. Tương ứng với “Thể tánh” đó gọi là “điều thuận”. Nếu trái với “Thể tánh” thì phiền phức liền đến. Tất cả chúng sinh mê mất đi tự tánh, tư tưởng kiến giải hoàn toàn trái với pháp tắc tự nhiên, cho nên chiêu cảm đến tất cả khổ nạn, đến tất cả những việc không vừa ý. Đạo lý chính ngay chỗ này.

Chúng ta học Phật, quan trọng nhất là phải tu tâm thanh tịnh. Trên đề Kinh Vô Lượng Thọ đã đem nguyên tắc tu học nói với chúng ta: “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”.

Ba nguyên tắc này chúng ta phải thể hiện cho được ngay trong hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất. Mỗi ngày sáu căn tiếp xúc với sáu trần cảnh bên ngoài, ý niệm vừa khởi, cho dù niệm thiện hay niệm ác đều là ô nhiễm; ý niệm vừa khởi, lập tức đề khởi câu A Di Đà Phật đem ý niệm này lắng xuống. Tịnh Tông dùng phương pháp này hóa giải tất cả các vọng niệm qui về câu A Di Đà Phật.

– A Di Đà Phật là gì?

– Là đức hiệu trong tự tánh của chúng ta, là “chân như bổn tánh”. Nói cách khác, “chân như bổn tánh” chính là A Di Đà Phật. “A Di Đà Phật” là Phạn ngữ, dịch thành ý nghĩa Trung văn là “Vô Lượng Giác”. Tất cả đều qui về “Vô Lượng Giác”. Chân thật mà nói: Câu Phật hiệu này bạn phải biết niệm. Cái biết niệm này chính là đem tất cả ý niệm của bạn chuyển biến thành A Di Đà Phật. Trong tâm ngoài câu A Di Đà Phật ra, không có bất cứ một tạp niệm nào, tâm bạn mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là “nhất tâm bất loạn”, là “Niệm Phật tam-muội”. “Tammuội” là tiếng Phạn, ý nghĩa là “Chánh thọ”, là hưởng thụ bình thường. Ngày nay, chúng ta hưởng thụ không bình thường. Hưởng thụ bình thường là “vô niệm”; “niệm mà không niệm”; “không niệm mà niệm”, đó là hưởng thụ bình thường, cũng chính là “điều tâm”. Tông chỉ giáo hóa của Phật cũng nhằm mục đích này, chính là “Điều chúng sinh, tuyên diệu lý”.