NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Phan Đối Phù
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù

(thư thứ nhất)

Hôm qua tôi nhận được thư của thầy Minh Đạo chùa Thái Bình, biết các hạ lại gởi bốn mươi đồng, kính cẩn giữ lấy, để đợi đến năm sau dùng làm chi phí in sách. Mười gói Gia Ngôn Lục đã bảo Đại Trung Thư Cục gởi đi, chắc không lâu nữa ông sẽ nhận được. Ông cũng sẽ nhận được sách Khuê Phạm. Trong mùa Hạ, hòa thượng Diệu Liên tuân lệnh các hạ, đem bài bi ký về chuyện thỉnh Đại Tạng Kinh sai Quang gọt giũa. Quang do bận việc, trả lời trước bằng một lá thư, đợi sau khi về núi sẽ lại bàn tiếp. Tới mồng Hai tháng Chạp về đến núi, phàm những thứ dồn lại đều gởi đi bằng thư bảo đảm vào ngày Mười Chín. Chữ nghĩa dùng trong nguyên văn [bài bi ký] rất hay, tiếc là nói dông dài quá nhiều, chưa chỉ ra được nguyên do của Phật pháp. Tôi vốn muốn sửa đổi đại lược, nào ngờ Quang học thức chẳng đạt đến mức “hay khéo, vuông tròn thuận theo ý muốn”, [sửa chữa] xong, bài bi ký ấy biến thành một bài khác! [Theo Quang nghĩ], dùng khẩu khí của ngài Diệu Liên, coi Diệu Liên như là chủ nhân ngôi chùa và những lời lẽ đề cao dư thừa trong bi ký, chẳng bằng lưu lại sự thật cho đời sau. Có lẽ biện pháp như vậy là đắc thể, đã trình lên các hạ giám định. Nếu có chỗ nào sai sót, thiếu thỏa đáng, [các hạ cứ] sửa đổi đừng ngại gì cả!

Quang là người trọn chẳng có ngã tướng, điều chẳng muốn nghe là tâng bốc quá lố; ngoài ra chẳng chấp trước một chuyện gì. Chắc là các hạ đã biết đại lược điều này từ lâu rồi! Năm nay in sách nhiều nhất, đã hơn hai vạn đồng. Nửa đầu năm sau còn có rất nhiều sách sẽ in, sau Thu sẽ đi khắp Nam Bắc Đông Tây không có chỗ nhất định để khỏi phải thù tiếp thư từ, chỉ bận bịu vì kẻ khác [đến nỗi] hỏng cả đại sự của chính mình. Các hạ già rồi, thế đạo như thế này, hãy nên dùng cảnh duyên này để tự răn nhắc, ngõ hầu cái tâm cầu sanh Tây Phương về mặt Sự được mười phần châu đáo, tha thiết. Lại xin hãy dạy bảo con cái và cả nhà, thường nói đến lợi ích do trợ niệm khi lâm chung và họa hại của việc tắm rửa, thay quần áo sẵn, khóc lóc… khiến cho bọn họ hiểu rõ lợi – hại, trọn chẳng đến nỗi vì thể hiện lòng hiếu mà trở thành chuyện “đã té xuống giếng còn bị quăng đá!”

Năm nay Quang sáu mươi bảy tuổi, tinh lực đã suy; nếu vẫn chẳng biết lượng sức, nhất định sẽ làm nhục đến pháp môn. Hiện thời những Chỉ Bản[1] của các bộ Văn Sao v.v… đều đã được hoàn thành tốt đẹp rồi; có ai muốn in thì cứ tiếp xúc Đại Trung Thư Cục sẽ được như nguyện. Văn Sao lại được chế ra bốn bức Chỉ Bản, An Sĩ Toàn Thư, [Thọ Khang] Bảo Giám mỗi cuốn đều có hai bản, Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, đều được làm thành bốn bản. Quán Âm Tụng lại được làm thành hai bản. Ngoài ra còn có Giới Sát Phóng Sanh Hiện Báo Lục, Học Phật Thiển Thuyết v.v… những cuốn sách nhỏ lặt vặt đều đã giữ lại bản in. Do vậy, mùa Thu năm sau có thể đi luôn, chẳng cần biết là ở nơi nào để lo tu trì. Chúng ta trải đời bất quá sáu mươi mấy năm, mà nay [trong cõi đời lại có] bao nhiêu hiện tượng kể từ khi có mặt con người trong trời đất đến nay, phần nhiều đều chưa hề thấy, đời loạn đến cùng cực rồi! Nếu chẳng cực lực đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục gia đình thì chẳng thể nào hy vọng thái bình được nữa! (Ngày Hai Mươi Hai).

 (thư thứ hai)

Năm ngoái cư sĩ X… mất, trước đấy ông ta đã phát đại tâm sai lầm, muốn ở trong thế gian này độ người [chứ không cầu vãng sanh]. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), ông ta lên núi bị Quang quở trách, dường như đã xoay chuyển ý niệm. Sau này, con ông ta gởi cáo phó đến nói ông ta ngủ suốt ba ngày, chẳng ăn, chẳng nói gì rồi qua đời. Xem tình trạng đó, đúng là tướng trạng chưa được vãng sanh. Do vậy, muốn cầu vãng sanh phải buông thế gian này xuống và buông vọng tâm quá phận xuống (Chẳng hạn như [muốn] được giống như Bồ Tát ở trong sanh tử độ thoát chúng sanh. Điều này thì chính mình phải là Bồ Tát mới được. Nếu chính mình vẫn là phàm phu mà muốn gánh vác chuyện này thì chẳng những không thể độ người mà còn chẳng thể tự độ. Bao nhiêu thiện tri thức trong thế gian đều mắc phải bệnh này, mà vẫn nói là mình có đại Bồ Đề tâm. Cần biết rằng [đã có] tâm ấy trước hết phải cầu vãng sanh thì mới hữu ích. Nếu sẵn có tâm này mà chẳng cầu vãng sanh thì phải là bậc Bồ Tát mới được. Nếu không, sẽ mắc hại chẳng cạn!) Tâm cuồng vọng quá phận là chướng ngại lớn nhất cho người tu hành thật sự, chẳng thể không biết [điều này]!

Hơn nữa, cư sĩ X… là người quá hiếu danh, vì thế những sách do ông ta soạn ra đều phỏng theo giọng điệu kinh Phật, [mắc] lỗi đem phàm lạm thánh thật chẳng nông cạn. Vì thế, dốc công hoằng pháp mà chẳng được lợi ích thật sự! Thân thế trăm năm, chớp mắt liền qua đời, chỉ mong chuyên tâm dốc chí nơi niệm Phật cầu vãng sanh. Vị cư sĩ X… ấy chính là một tấm gương răn nhắc lớn lao vậy!

(thư thứ ba)

Nhận được thư, khôn ngăn cảm thán. Các hạ dùng đức dầy đối xử rất hậu với người khác, nên bọn tàn binh[2] thổ phỉ cũng bảo nhau đừng khuấy nhiễu. Nếu không có chuyện thật sự khiến cho người khác cảm động thì làm sao đạt được như thế? Đối với người dân, cái ăn quan trọng nhất; rộng rãi với dân ắt trời sẽ ban phước cho. Bọn tàn binh thổ phỉ ấy há nào có tâm đạo nghĩa, nhưng do thiên địa, quỷ thần gia bị, khiến cho chúng nó giữ đạo nghĩa. Từng thấy trong bản chú giải Âm Chất Văn có ghi một câu chuyện chứng minh hơi giống như chuyện của các hạ, nay tôi sao chép lại để trình lên cho ông xem.

Năm Tân Tỵ (1761) đời Càn Long, vỡ đê Hoàng Hà ở tỉnh Dự (Hà Nam), khắp mặt đất nước sâu hơn một trượng, lều tranh của dân gian bị nhận chìm mất nửa. Ở huyện Trần Lưu có người họ Tào, căn nhà đang ở bị lũ nhấn chìm đã ba ngày đêm rồi, [ai nấy] đều nói là không còn lẽ sống nào nữa! Đến khi nước rút, tường nhà vẫn chưa sụp đổ, mà người trong nhà cũng an nhiên vô sự! Mọi người hỏi thì họ cho biết: “Sáng ra chỉ thấy sương mù dày kịt, chẳng thấy mặt trời. Thoạt đầu chẳng biết là đang ở trong nước”. Quan địa phương thấy lạ, hỏi người ấy có làm điều lành nào hay chăng, ông ta cho biết mỗi năm gặt hái xong, ngoài phần chừa lại đủ chi dùng cho cơm áo ra, còn bao nhiêu đều dùng hết để giúp đỡ những người nghèo thiếu lối xóm, cho đến nay chưa hề thiếu sót một chút nào. Đã thực hiện được như vậy năm đời, suốt hơn một trăm năm! Quan Hiến Ty[3] đều ban cho biển ngạch để khen ngợi chuyện lạ.

Nước vốn vô tình mà quỷ thần che chở, tuy toàn thể bị ngập trong nước, nhưng chẳng thấy nước. Do vậy biết rằng con người có thật đức thì trời sẽ báo đáp lạ lùng. Những kẻ bóc lột mỡ màng của trăm họ để cầu mong con cháu phú quý, rốt cuộc đều thành gia đình tan nát, dòng dõi tuyệt diệt, thần thức còn bị vĩnh viễn đọa trong ác đạo chẳng có thuở thoát ra, đáng thương vậy thay! Do vậy, muốn cứu người đời mà nếu chẳng cực lực đề xướng nhân quả báo ứng sẽ trọn chẳng thể đạt được hiệu quả thật sự.

***

[1] Theo Từ Hải, Chỉ Bản là một lối in xưa, người ta sắp bản in với các chữ in rời bằng kẽm (tức là mỗi chữ đều được đúc riêng biệt bằng kẽm, rồi sắp vào khuôn gỗ) đưa vào máy in nén mạnh trên giấy cho lõm xuống. Khi cần in sẽ chụp những trang đó, không cần phải sắp chữ lại.

[2] Ở đây chỉ những tên lính đào ngũ sau khi quân Quốc Dân Đảng thất trận.

[3] Hiến Ty: Một chức quan đã có từ đời Tống, chuyên giữ nhiệm vụ chấp hành, giám sát, củng cố việc thực hiện các hiến điển (những điều lệ quy định về trị an, hành chánh, dân sự v.v…) Đến thời Minh – Thanh, chữ này thường được dùng để chỉ chung các cấp cai trị trong huyện, trong phủ, trong tỉnh.