NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Diệp Ngọc Phủ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ

Nhận được thư khôn ngăn cảm động, hổ thẹn. Quang là hạng người nào mà dám nói những lời ấy? Nhưng các hạ đã bảo Quang nói, nếu chẳng nói sẽ có lỗi! Trộm nghĩ: Các hạ muốn khuông phò, cứu giúp thời thế, nhưng chẳng thể thỏa lòng được thì hãy buông ý niệm ấy xuống, gắng sức cầu tự độ. Hãy nên dùng học thức của chính mình để xướng suất, hướng dẫn những người cùng hàng, khiến cho hết thảy mọi người tin tưởng Phật pháp biết rõ nhân quả ba đời, thậm chí khiến cho hết thảy những kẻ chẳng tin Phật pháp cũng đều biết tới nhân quả ba đời. Hễ biết nhân quả báo ứng thì cái tâm tự tư tự lợi sẽ dần dần tiêu diệt.

Hơn nữa, cõi đời ít có người lành là do trong gia đình không khéo dạy dỗ, nhưng trong một gia đình khéo dạy dỗ thì sự dạy dỗ của mẹ quan trọng nhất. Bởi lẽ, con người lúc bé hằng ngày ở bên mẹ, được hun đúc tánh tình nhiều nhất từ nơi mẹ! Do vậy, thiên chức của phụ nữ là giúp chồng dạy con. Nếu không có hiền nữ, làm sao có hiền thê, hiền mẫu cho được? Vì thế, nói rằng: Khéo dạy cho con cái biết nhân quả ba đời chính là cái đạo “gốc chánh, nguồn trong” để bình trị thiên hạ vậy! Hiện thời nam nữ tin Phật ở Thượng Hải rất nhiều, dùng danh vọng học thức của các hạ để bước lên cao hô hào thì mọi người sẽ hùa nhau bắt chước theo. Nếu phong thái ấy được thực hiện rộng rãi thì thế đạo tự nhiên thái bình. Cái đạo “gốc chánh, nguồn trong” như vừa mới nói đó cố nhiên ở nơi ấy chứ không ở đâu khác!

Các hạ đã chẳng thể vãn hồi thế đạo ngay lập tức, sao chẳng trông mong nơi bọn hiền tài sẽ dấy lên đông đảo vào mười năm, hai mươi năm sau? Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Lại nói: “Dạy dỗ con cái là căn bản để bình trị thiên hạ, nhưng dạy con gái lại càng thiết yếu”. Bởi lẽ, những kẻ làm quan hoặc giặc cướp hiện thời chuyên trọng vũ lực, chẳng đoái hoài đạo nghĩa đều là vì thuở ban đầu chẳng được cha mẹ hiền dùng nhân quả báo ứng để khéo dạy dỗ mà ra! Nếu thuở bé đã được nghe những lời dạy tốt lành thì thà chết cũng chẳng dám làm những chuyện thảm khốc trọn chưa hề có ấy! Tội lỗi ấy quả thật do cha mẹ bọn chúng khởi đầu, chứ không phải chỉ riêng mình bọn chúng! Trong cõi đời lúc này, nếu chẳng đề xướng những sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi v.v… mà muốn thế đạo thái bình, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền đều cùng xuất hiện trong cõi đời thì cũng không làm gì được!

Vì vậy, vào năm Dân Quốc thứ mười (1921), Quang in bộ An Sĩ Toàn Thư, tính quyên mộ để in ra mấy chục vạn bản, nhưng chỉ được bốn vạn; hiện thời đã in được năm vạn bốn năm ngàn bộ theo lối khắc ván. Nay đang in bộ Đại Sĩ Tụng, sang năm sau nữa sẽ in Nhị Thập Tứ Sử Cảm Ứng Lục đều là vì muốn cho người ta biết tới nhân quả. Biết nhân quả sẽ chẳng dám tổn người lợi mình, thương thiên hại lý! Những kẻ cường bạo trong cõi đời nếu nói đến chuyện đạo đức nhân nghĩa với bọn họ, chắc họ trọn chẳng động tâm; nhưng đem nhân quả báo ứng nói với họ, đừng nói đến [trường hợp] người nghe tin tưởng ngay lập tức, dẫu cho chẳng tin cũng sẽ kinh hãi sợ sệt. Các hạ có địa vị, chẳng thể vãn hồi con sóng cuồng loạn ngay được, sao chẳng hiện thân cư sĩ dùng chuyện này để làm kế vãn hồi cho tương lai ư? Dùng điều này để độ người tức là tự độ, há chẳng thích hợp hơn đi tới nước lạ để tìm tòi những bản kinh chưa hề thấy, lễ di tích của đức Phật để tự độ hay sao?

Con người hiện thời đa số tánh tình có phần mang thói ưa khoe khoang, lớn lối; [chẳng hạn như] chưa hoằng pháp nhưng trước hết đã cầu tìm kinh điển chưa được dịch [sang tiếng Hán] ở ngoại quốc; vậy thì đối với những kinh đã được dịch trong nước, có từng nghiên cứu mỗi một kinh cho đến tột cùng hay chưa? Huống chi nếu đã nhận hiểu được một hai nghĩa lý trong kinh Phật sẽ liền có thể thượng hoằng hạ hóa! Huống nữa, [kinh Phật đã được dịch sang tiếng Hán] dẫu nhiều đến mấy ngàn quyển vẫn [cho rằng] chẳng đủ dùng, cứ muốn tìm tòi tại các nước thuộc Ấn Độ ư? Phàm với những kiểu đề xướng như vậy, Quang đều chẳng cho là đúng! Những ý kiến như vậy đều xuất phát từ thói ham cao, chuộng xa, thấy khác lạ, nghĩ đi tận đâu đâu, hòng khiến cho mình được nổi bật lên giữa mọi người; nếu người ta nói sao mình cũng nói hệt như vậy thì chẳng đáng gọi là kỳ lạ, đâu thể hiện được bản lãnh của ta!

Luận về tài năng của các hạ, hãy nên theo như những gì Quang đã nói thì lợi ích sẽ lớn lắm. Nếu không, hãy chọn lấy một chỗ vắng lặng kín đáo để tận lực tu Tịnh nghiệp, đem học vấn, văn chương đã đạt được trước kia vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, nghĩ mình vốn là một kẻ vô tri vô thức, trong tâm chẳng sanh phân biệt, ngày đêm sáu thời chuyên trì một câu hồng danh thánh hiệu. Nếu có thể chết sạch được cái tâm mong ngóng, ắt sẽ đích thân thấy được bản lai diện mục! Từ đấy, dựng cao pháp tràng, khiến cho hết thảy mọi người đều cùng trở về biển pháp Tịnh Độ, sống làm bậc thánh bậc hiền, chết dự vào hội Liên Trì thì mới chẳng phụ sở học ấy, mới là bậc đại trượng phu chân Phật tử vậy! Còn chuyện viễn du Ấn Độ, chẳng qua nhằm mở rộng tầm mắt, mở rộng tri kiến mà thôi; chứ đối với phương diện sanh tử, muốn được tự độ thì [tự độ] ở chính nơi đây, nào phải ở nơi kia! Huống chi đường sá xa xôi, tốn kém không ít, thể lực của các hạ cũng chẳng mạnh mẽ cho lắm, gặp phải cảnh bôn ba nhọc nhằn ấy thì tổn hại rất nhiều, lợi ích thật ít, Quang trọn chẳng tán thành. Nay dẫn một chứng cứ; Khổng Tử nói: “Mạnh Công Xước vi Triệu Ngụy lão tắc ưu, bất khả dĩ vi Đằng Tiết đại phu[1] (Mạnh Công Xước làm gia thần cho họ Triệu, họ Ngụy là hai khanh đại phu của nước Tấn thì tài năng có thừa, nhưng làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết thì không thể được). Hai câu nói [trên đây] của Quang chính là “Triệu Ngụy lão” vậy, chuyện viễn du Ấn Độ chính là “Đằng Tiết đại phu” vậy. Các hạ thử xét kỹ xem, chắc sẽ chẳng cho lời Quang là sai lầm!

Đại Sĩ Tụng ước chừng sẽ in trước hai ngàn bộ trong năm nay để gởi cho những người đã đặt mua trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa sắp chữ được một nửa, sợ khó thể bắt đầu in trong năm nay được! Nay tôi gởi kèm theo một trang thuyết minh biện pháp, ông đọc sẽ tự biết. Bốn trăm đồng của các hạ sẽ in được một ngàn hai trăm bộ sách, xin hãy cho biết phải gởi sách ấy về đâu hoặc [muốn chúng tôi] thay mặt [các hạ] gởi đến cho ai để chúng tôi thực hiện đúng như thế. Bộ Nhị Thập Tứ Sử Cảm Ứng Lục được phát khởi là do ông Ngụy Mai Tôn ở Nam Kinh muốn vãn hồi sát kiếp, Quang bảo ông ta hãy sưu tập rộng khắp những chuyện nhân quả trong hai mươi bốn bộ sử[2] để chúng được lưu truyền rộng rãi trong cõi đời thì sẽ có hy vọng [thế đạo thái bình]. Do vậy, Quang đem bộ sách [Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục] của Bành Hy Tốc biên soạn gởi đi, bảo ông ta hãy mở rộng bộ sách ấy. Ông ta nghĩ Quang nói đúng, gắng hết sức sưu tập, chia thành từng môn, từng loại. Dưới mỗi đoạn lại còn ghi rõ xuất phát từ sách nào, tập nào, quyển nào, trang nào. Có lẽ trong năm sau sách sẽ hoàn thành, tôi sẽ ra sức đề xướng mạnh mẽ cho sách được lưu truyền rộng khắp để giúp cho thế đạo nhân tâm trong tương lai. Tôi nghĩ các hạ cũng tỏ lòng đồng tình đề xướng vậy (Chuyện này ông Ngụy chưa thực hiện được, nhưng tạo thành duyên khởi cho ông Hứa Chỉ Tịnh biên tập bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ. Xin hãy đọc bài tựa của tổ Ấn Quang viết cho bộ Thống Kỷ sẽ tự biết nguyên do).

***

[1] Đây là câu nhận định về tài năng của Mạnh Công Xước trích từ chương Hiến Vấn, sách Luận Ngữ. Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của cụ Lý Bỉnh Nam trong Luận Ngữ Giảng Yếu. Cụ giải thích thêm: “Theo Khổng An Quốc, do tánh tình của Mạnh Công Xước liêm khiết, thanh cao, ít ham muốn, mà hai nước Đằng, Tiết nhỏ nhoi, chánh sự phiền toái, nhiều mưu mô phải đối phó, nên họ Mạnh sẽ không thể đảm đương được”. Năm 1046 trước Công Nguyên, sau khi Châu Công Đán đánh dẹp chư hầu trở về đã phong cho em là Cơ Tú làm vua đất Đằng, đóng đô ở Đằng Thành (cách huyện Đằng tỉnh Sơn Đông 7 km), đầu thời Xuân Thu nước này có quan hệ mật thiết với nước Lỗ. Về sau nước Đằng bị Tống Khang Vương diệt (không rõ năm nào). Tiết cũng là một nước chư hầu rất nhỏ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Điều kỳ lạ là sử không ghi chép về vị trí, lịch sử nước này. Chỉ biết nước Tiết ba lần dời đô, kinh đô đầu tiên là Tiết Thành (nằm về phía Đông Nam huyện Đằng), rồi dời sang Hạ Bi (nay thuộc Bi Huyện tỉnh Giang Tô) cuối cùng dời đến Thượng Bi (phía tây Tiết Thành). Như vậy, nước Tiết nằm ở phần ranh giới giữa tỉnh Sơn Đông và Giang Tô hiện thời.

[2] Nhị Thập Tứ Sử là hai mươi bốn bộ sử chánh yếu của Trung Hoa, gồm Sử Ký (Tư Mã Thiên soạn), Hán Thư (Ban Cố soạn), Hậu Hán Thư (Phạm Việp soạn), Tam Quốc Chí (Trần Thọ soạn), Tấn Thư (Phòng Huyền Linh soạn), Tống Thư (Trầm Ước soạn), Nam Tề Thư (Tiêu Tử Hiển soạn), Lương Thư (Diêu Tư Liêm soạn), Trần Thư (Diêu Tư Liêm soạn), Ngụy Thư (Ngụy Thâu soạn), Bắc Tề Thư (Lý Bách Dược soạn), Châu Thư (Lệnh Hồ Đức Phân soạn), Tùy Thư (Ngụy Trưng soạn), Nam Sử (Lý Diên Thọ soạn), Bắc Sử (Lý Diên Thọ soạn), Cựu Đường Thư (Lưu Hú soạn), Tân Đường Thư (Âu Dương Tu, Tống Kỳ soạn), Cựu Ngũ Đại Sử (Tiết Cư Chánh soạn), Tân Ngũ Đại Sử (Âu Dương Tu soạn), Tống Sử (Thoát Thoát soạn), Liêu Sử (Thoát Thoát soạn), Kim Sử (Thoát Thoát soạn), Nguyên Sử (Tống Liêm soạn), và Minh Sử (Trương Đình Ngọc soạn). Tuy vậy, một số sử gia như Tư Mã Quang không coi Tân Đường Thư và Tân Ngũ Đại Sử là sử liệu đích thật, chỉ coi đó là hai tác phẩm văn chương mang tính chất tham khảo mà thôi!