TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

RŨ BỎ CHÂN LÝ, THẬT SỰ TỰ DO

Nhiều người suốt đời theo đuổi chân lý, đi đến chốn thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng núi độc tìm thầy học đạo. Có người từng nói “Tôi yêu thầy nhưng không bằng tình yêu đối với chân lý”. Với họ chân lý là tất cả. Nhưng trong đời này, đâu là chân lý thực sự? Kiên quyết theo đuổi chân lý phải chăng là cố chấp?

Thực ra, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta dễ dàng phát hiện rằng hôm nay đó là chân lý được mọi người thừa nhận, ngày mai có thể nó sẽ trở thành lời nói xằng bậy. Chân lý của người phương Tây, không nhất định đó cũng là điều mà người phương Đông thừa nhận.

Dù đó là sự nhấn mạnh về triết học hay trí tuệ, tôn giáo cũng không thể khiến mọi người đều đồng ý. Ví dụ tôn giáo này luôn được coi là chân lý, nhưng tôn giáo khác lại coi đó là ma quỷ.

Nhìn từ phương diện lịch sử, bất kì một quan niệm, tư tưởng hoặc nguyên tắc nào cũng chỉ được đại đa số mọi người tạm thời coi là đúng, qua một thời gian, có những quan điểm mới hơn và tốt hơn, hoặc phương pháp tốt hơn xuất hiện, quan niệm tư tưởng hoặc nguyên tắc phương pháp vốn có sẽ bị đào thải. Ví dụ thời Hi Lạp cổ đại đến cận, hiện đại, về lĩnh vực triết học có nhiều trường phái nhưng quan điểm hoàn toàn khác nhau. Mỗi trường phái có lý luận và học thuyết khác nhau, tư tưởng triết học thường phủ định nhau, cái ra đời sau thường phủ định cái trước trên cơ sở kế thừa và phát huy ưu điểm của cái trước, tư tưởng triết học hoặc bất kì một lĩnh vực nào cũng thay đổi, biến động theo thời đại, môi trường hoàn cảnh.

Vì vậy, “chân lý” thực chất chẳng qua là hiện tượng không có thật, có thể nói đó là cái trước mắt muốn đến gần, nhưng không phải là cái vĩnh hằng, mãi mãi, bất biến. Nó thường thay đổi theo thời gian, không gian. Vì vậy, thế giới chúng ta không thể có những chân lý bất biến, mà đã là những chân lý khả biến, thì cớ sao chúng ta phải khư khư cố chấp vào nó.

Tín đồ Phật giáo đối với Phật pháp cũng vậy, “Kinh Kim Cương” có nêu ra ví dụ: Mục đích của chiếc bè để đưa người qua sông, khi đã qua sông chúng ta không nên cố chấp, luyến tiếc rồi mang cả chiếc bè theo mình lên bờ.

Điều đó muốn nói rằng, Phật pháp bất quá cũng chỉ là phương tiện đưa mình qua sông, với những người chưa qua sông, hãy để cho họ nắm lấy Phật pháp, dựa theo những điều của Phật pháp để tu hành. Nhưng đối với những người biết vận dụng đúng đắn Phật pháp, cần phải hướng dẫn cho họ biết từ bỏ ngay cả Phật pháp. Ở đây Phật giáo muốn nói đến “giải thoát tuyệt đối, giải thoát rốt ráo”. Giải thoát đối với cả công cụ, phương tiện giúp mình giải thoát.

Đương nhiên, với người chưa hiểu Phật pháp, chưa biết tu hành, tín đồ Phật giáo sẽ nói với họ: “Phật pháp là cái tốt nhất, Phật pháp là chân lý”. Tuy nhiên với những người đã lĩnh hội về Phật pháp, cần phải hiểu được: Phật pháp chỉ là một biện pháp mà không phải là nguyên tắc để bạn phải giữ lấy một cách tuyệt đối, mãi mãi không bao giờ từ bỏ.

Ví dụ “Thường, lạc, ngã, tịnh” hoặc “khổ, tập, diệt, đạo” v.v… trong Phật pháp đạo lý sinh lão bệnh tử, ban đầu chúng ta coi chúng là chân lý, định kiến để nắm lấy chúng, nhưng một khi chúng ta dùng những chân lý này để phục vụ cho chính mình, hoặc giúp cho người khác, nên rũ bỏ chúng, mới có thể đạt được sự giải thoát thực sự.

Hoặc có người hỏi: Nếu người học Phật pháp khi vận dụng chúng lại không nắm giữ lấy chúng, đó có phải là sự định kiến vô tâm, có phải là sự không rõ ràng, không phân biệt được tốt xấu?

Không phải vậy! “Không chấp trước” ở đây đã từng trải qua quá trình “chấp trước”. Xả bỏ không phải vô tâm, vô ân mà xả bỏ thể hiện bạn đã đạt đến tầng cao hơn. Theo đuổi chân lí, một khi bạn đã nắm bắt chân lí bạn còn phải biết xả bỏ ngay cả ý niệm về theo đuổi chân lí, đó mới là sự tự do đích thực.