NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

14. QUÊN HẲN TIẾNG MẸ ĐẺ ĐỂ CHỈ NÓI CHUYỆN VỚI NHAU BẰNG TIẾNG TÂY TIẾNG MỸ LÀ MỘT SAI LẦM NGU MUỘI

Các bạn trẻ thân mến,
Các bạn có biết vì sao giới trẻ ở hải ngoại rất nhiều người thành công, chẳng những trong việc học, mà còn về khả năng chuyên môn, thương trường và ngay cả trong chính trường nữa ? Các bạn có nhận thấy cho dù các bạn đang sống ở bất cứ đâu, đang là công dân của bất kỳ quốc gia nào từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, vân vân. Hãy nhìn lại chính các bạn mà xem, các bạn vẫn là những đứa con Việt Nam. Mẹ Việt Nam đã sanh đẻ ra cha ông và các bạn. Tiếng nói và văn hóa Việt Nam đã hun đúc hết thế hệ nầy đến thế hệ khác. Không có tiếng nói và nền văn hóa ấy, thì có lẽ Việt Nam đã thành dĩ vãng từ lâu lắm rồi, và có lẽ cũng không có sự hiện diện của các bạn ngày nay đâu!

Ngay khi chúng ta đang sống nơi xứ người, với những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa và cách sống khác hẳn hoàn toàn với chúng ta, gốc rễ văn hóa Việt Nam vẫn âm ỉ bộc phát trong chúng ta. Các bạn có đồng ý không ? Như vậy cho dù văn hóa và tiếng nói Việt Nam có phong phú hay không, tiếng nói ấy và văn hóa ấy vẫn là những gì thân thương nhứt đối với chúng ta. Tiếng nói Tây phương có cái hay riêng của nó, nhưng tiếng nói Đông phương, nhứt là tiếng Việt chúng ta, cũng có những cái rất hay của nó. Quên hẳn tiếng mẹ đẻ để chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ, quả là một sai lầm ngu muội. Quên mất đi những chữ “Dượng,” “Bác,” “Cậu,” “Chú,” để chỉ nhớ một chữ “Uncle,” hoặc “L’oncle” quả là uổng vô cùng các bạn ạ ! Tiếng Việt chúng ta phong phú và dễ thương lắm các bạn ạ ! Ngoài chuyện ý thức vấn đề chim có tổ, người có tông, cây có cội, nước có nguồn, học tiếng mẹ đẻ còn giúp chúng ta khơi sáng và tưởng niệm công đức của các bậc tiền nhân, đã dựng nước và giữ nước qua bao thăng trầm của thời cuộc. Học tiếng Việt là trở về học những gì hay ho và cao đẹp của dân tộc. Học tiếng Việt là tìm đường đến với nền văn hóa đã có gần năm ngàn năm lịch sử, là duy trì truyền thống văn hóa cao đẹp của mình; đồng thời, có cơ hội so sánh và học hỏi những điều tốt lành của văn hóa nước người, nhằm giúp chúng ta trở thành những con người hoàn thiện hoàn mỹ hơn. Như vậy học tiếng Việt và văn hóa Việt cũng nhằm giúp cho chính chúng ta dễ dàng trong tiến trình hội nhập vào xã hội và văn hóa của nước ngoài.

Ngoài ra, học tiếng Việt là tìm trở về với dòng giống Tiên Rồng và tư tưởng Việt Đạo thâm thúy với đầy đủ nhân bản và ái quốc, khi xem Trời Đất là cha mẹ mình, xem nhân loại là anh em cốt nhục đồng bào một thai của mình, xem giống nòi, đất nước như chính thân mình.

Các bạn trẻ thân mến,
Có đôi lúc các bạn sẽ cảm thấy bị tương phản và khó khăn vì những tư tưởng đối chọi nhau. Chẳng hạn như ở các xã hội Âu Mỹ thì “Tiên học kỹ thuật, lễ nghĩa chẳng cần.” Ngược lại, Văn hóa Việt dạy các bạn “Tiên học lễ, hậu học văn chương,” nghĩa là trước nhất phải học về lễ nghĩa, rồi sau đó mới học văn chương hay khoa học kỹ thuật. Xã hội Âu Mỹ thì không đặt nặng vấn đề lễ nghĩa, chứ xã hội Việt Nam lúc nào cũng tôn trọng lễ nghĩa, vì những kẻ vô lễ vô nghĩa thì chưa phải là một con người đúng nghĩa của nó. Như vậy dù ở đâu và ở trong bất kỳ trạng huống nào, các bạn đều có quyền lựa chọn. Không ai có quyền bắt buộc các bạn chỉ học đòi theo khoa học kỹ thuật, mà xem thường lễ nghĩa của một con người có văn hiến và văn hóa. Không ai có quyền bắt buộc các bạn trở thành những đứa con Việt Nam mất gốc, quên cội quên nguồn, quên tổ quên tông, vô ơn bạc nghĩa, chỉ biết mưu cầu lợi lạc cho riêng bản thân mình. Hãy can đảm lên các bạn trẻ ! Hãy cố gắng học cho thật giỏi tiếng mẹ đẻ, để đem những gì cao đẹp nhất của dân tộc ta từ nếp sống, suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động hòa hợp với những gì cao đẹp nhứt của người, hầu tạo thành một bản sắc thật đặc biệt và thật tốt đẹp cho những cộng đồng Việt Nam nơi đất khách quê người.