TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười bốn: Thọ Giới

[Giải]    Trong phẩm này, phần thọ giới phương tiện, ý nghĩa của sự cúng dường sáu phương, kinh Thiện Sinh cũng đã từng nói qua. Còn sự chánh thức thọ giới pháp, sáu giới trọng hai mươi tám giới khinh, chỉ riêng bổn kinh mới có. Mười ba phẩm đầu, biện minh về người thọ giới, còn phẩm này biện minh về giới pháp phải thọ trì. Nếu lấy phẩm này làm trung tâm của bổn kinh, thì từ phẩm này về sau, tức là những  hạnh mà người thọ giới phải tu trì. Do đây, nên xưng bổn kinh là Ưu Bà Tắc Giới Kinh.

D4. Thọ trì giới hạnh
E1. Thọ giới
F1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tại gia làm thế nào để thọ được giới Ưu bà tắc?”

F2. Thế Tôn trả lời
G1. Phương tiện trước khi thọ giới
H1. Cúng dường

– Thiện nam tử! Bồ tát tại gia nếu muốn được thọ giới Ưu bà tắc, trước hết nên theo thứ lớp cúng dường lễ lạy sáu phương: đông, tây, nam, bắc, dưới và trên.

Phương đông tức là cha mẹ. Nếu có người cúng dường cha mẹ: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, phòng nhà, của báu, cung kính, lễ bái, ca ngợi, tôn trọng, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương đông. Cha mẹ cùng phải đem năm việc đền đáp: Một là hết lòng thương yêu; hai là không bao giờ lừa dối con cái; ba là giao hết của cải; bốn là gả con cho nhà dòng dõi; năm là dạy con rành rõi việc đời.

Phương nam tức là sư trưởng. Nếu có người cúng dường sư trưởng: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, tôn trọng, ca ngợi, cung kính, lễ bái, thức khuya dậy sớm, học hỏi tu tập lời dạy hay của thầy, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương nam. Sư trưởng cũng đem năm việc đền đáp: Một là dạy dỗ không để lãng phí thì giờ; hai là dạy hết những điều mình đã biết; ba là thấy học trò hơn mình, không sinh lòng ghen ghét; bốn là gởi gấm học trò đến những bậc thầy hay, bạn tốt; năm là khi chết, giao hết tài sản cho trò.

Phương tây tức là người vợ. Nếu có người cung cấp vợ mình: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, anh lạc, đồ trang sức, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương tây. Người vợ nên dùng mười bốn việc đền đáp: Một là làm bất cứ việc gì đều phải tận tâm; hai là thường siêng năng làm việc không biếng nhác; ba là làm bất cứ việc gì đều hoàn tất; bốn là làm việc đều nhanh chóng, không phí thì giờ; năm là thường chăm sóc khách khứa; sáu là quét dọn nhà cửa ngăn nắp; bảy là yêu kính chồng con, nói lời mềm dịu; tám là dùng lời nhỏ nhẹ dạy dỗ tôi tớ; chín là khéo giữ tiền của; mười là thức khuya dậy sớm; mười một là khéo léo trong việc nấu nướng; mười hai là khéo nghe lời dạy bảo; mười ba là khéo che lỗi cho chồng; mười bốn là khéo chăm sóc khi chồng đau bệnh.

Phương bắc tức là bạn lành. Nếu có người cúng dường bạn lành, tùy sức cung cấp, cung kính, nói lời mềm dịu, lễ bái, ca ngợi, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương bắc. Bạn lành nên dùng bốn việc báo đáp: Một là dạy dỗ tu tập pháp lành; hai là làm cho xa lìa pháp ác; ba là cứu giúp khi gặp sợ hãi; bốn là làm cho xa lìa sự phóng dật.

Phương dưới tức là tôi tớ. Nếu có người cung cấp quần áo, thức ăn, thuốc men cho tôi tớ, không đánh đập, mắng nhiếc họ, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương dưới. Tôi tớ nên dùng mười việc báo đáp: Một là không làm điều lỗi; hai là không đợi sai bảo mới làm; ba là làm việc gì phải cho xong; bốn là làm nhanh chóng không để mất thì giờ; năm là chủ tuy nghèo khổ cũng không rời bỏ; sáu là dậy sớm; bảy là giữ gìn đồ đạc, không để lạc mất; tám là nhận ơn dù ít, đền đáp rất nhiều; chín là chí tâm kính mến; mười là khéo dấu tật xấu của chủ.

Phương trên tức là Sa môn, Bà la môn, v.v… Nếu có người cúng dường Sa môn, Bà la môn quần áo, thức ăn, nhà cửa, thuốc men, cứu giúp khi họ lâm cảnh hiểm nguy, cúng dường thức ăn lúc họ đói khát, khéo che đậy lỗi lầm, cung kính, lễ bái, tôn trọng, khen ngợi công đức của họ, v.v…, người đó là kẻ cúng dường phương trên. Bậc xuất gia nên đem năm việc báo đáp: Một là dạy dỗ làm sinh lòng tin; hai là dạy dỗ làm tăng trưởng trí tuệ; ba là dạy dỗ làm tăng trưởng bố thí; bốn là dạy giữ giới; năm là dạy cần phải học rộng.

Nếu có kẻ cúng dường sáu phương, kẻ đó tăng trưởng tài sản, tuổi thọ, có thể thọ trì giới Ưu bà tắc.

[Giải]    Phần trước biện minh sáu phương tức là sáu độ; ở đây biện minh sáu phương là sự hệ thuộc hoàn cảnh của người tại gia, tương đương với sự chú trọng ngũ luân (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu) xưa nay ở Trung quốc. Nếu như sự chiếu cố không chu toàn, ắt sẽ đưa đến sự xung đột, mỗi bên sẽ trở nên cực đoan, đưa đến tình trạng xã hội nhân loại không thể điều hòa, đây là điều Phật pháp không muốn xảy ra. Hiểu rõ ý nghĩa này, ắt sẽ hiểu rõ ý nghĩa của sự cúng dường sáu phương.

Phương đông là phương sinh trưởng, cho nên nói tức là cha mẹ.

Sư trưởng, bao gồm sư trưởng dạy dỗ pháp tắc thế gian và xuất thế gian.

Người vợ, có thể bao gồm vợ lẫn con cái.

Bạn lành (Hán: thiện tri thức), tức là những người bạn cùng học tập thiện pháp.

Sa môn, tức là những người học Phật, xuất gia tu hành.

Bà la môn, có hai loại tại gia và xuất gia, tức là giai cấp chưởng quản sự giáo dục ở Aán độ, giống như nhà Nho ở Trung quốc.

Trong đây, đều lấy trưởng giả Thiện Sinh có thể bẫm thọ giới Ưu bà tắc làm trung tâm điểm, mục đích muốn nói, kẻ muốn thọ giới Ưu bà tắc, trước tiên phải thực hành những điều luân lý đạo đức, nghĩa là sự tu thân, tề gia đều hoàn hảo, sau đó mới có thể thọ giới Ưu bà tắc.

H2. Thỉnh cầu sự cho phép

Thiện nam tử! Nếu có người thọ giới ưu bà tắc vì muốn tăng trưởng của cải và tuổi thọ, trước hết họ phải hỏi ý kiến cha mẹ. Nếu cha mẹ đã bằng lòng, kế nên báo cho vợ con và người làm biết. Nếu vợ con tôi tớ đều bằng lòng, kế đó nên thưa với nhà vua. Nếu nhà vua đã cho phép, họ có thể đến bất cứ vị xuất gia nào đã phát tâm Bồ đề, cúi đầu làm lễ, cung kính thưa rằng: “Kính bạch Đại đức, con là trượng phu, đầy đủ thân người nam, nguyện thọ giới Bồ tát Ưu bà tắc. Cúi xin Đại đức từ bi cho con thọ giới.”

[Giải]    Thông thường, thọ giới Ưu bà tắc, không cần phải trịnh trọng như vậy; còn ở đây là thọ giới Bồ tát ưu bà tắc, cần phải làm việc lợi mình lợi người, giáo hóa chúng sinh, thâu phục đệ tử, cho nên cần phải đặc biệt trịnh trọng.

Nhân vì phát sinh sự biến hóa lớn, quan hệ đến gia tộc, pháp tắc quốc gia, xã hội, cho nên cần phải có sự đồng ý của cha mẹ, nhẫn đến sự đồng ý của nhà vua (nhà cầm quyền).

Trượng phu, có nghĩa là đã trưởng thành, nhân vì sắp thọ giới ưu bà tắc, nên nói đầy đủ thân người nam.

H3. Hỏi đáp
I1. Hỏi già nạn

Lúc đó vị Tỳ khưu nên hỏi như sau: “Cha mẹ, vợ con, tôi tớ của ông và nhà vua đã cho phép chưa?”

Nếu người đó trả lời đã cho phép, nên hỏi tiếp: “Ông có thiếu nợ của Tam bảo hoặc của người khác hay không?”

Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Thân thể hay tâm thần của ông có bệnh hoạn gì không?”

Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có phá hoại phạm hạnh của Tỳ khưu hoặc Tỳ khưu ni hay không?”

Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có tạo tội ngũ nghịch hay không?”

Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có nghe trộm pháp hay không?”

Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có phải là người hai căn, hoặc vô căn hay không? Ông có phá hoại bát quan trai? Khi cha mẹ đang bị đau bệnh, ông lại bỏ đi mà không săn sóc? Trộm cắp tài sản của hiện tiền tăng? Nói đâm thọc? Nói lời thô ác? Đối với cha mẹ, chị em có làm điều loạn luân hay không? Có ở trước đại chúng nói dối hay không?”

[Giải]    Đây là hỏi già nạn. Nếu như người cầu thọ giới, phạm vào một trong những điều già nạn, thì không cho phép kẻ đó thọ giới.

Thông thường, thọ Tam quy, ngũ giới, không có hỏi già nạn; còn ở đây là thọ giới Bồ tát ưu bà tắc, sau khi thọ giới, tức là Bồ tát tại gia, cho nên phải hỏi gìa nạn.

Đệ tử xuất gia, lúc thọ giới xuất gia, cũng có hỏi già nạn. Trong đây, tỳ khưu là chỉ Bồ tát tỳ khưu.

Từ “thiếu nợ Tam bảo” trở xuống, chánh thức hỏi già nạn, tổng cộng có tám việc.

Trộm pháp, tức là nghe lén, hoặc coi lén giới luật của tỳ kheo, tỳ kheo ni, hoặc lén trà trộn vào hàng ngũ tăng chúng nghe lén giới luật.

Hai căn, tức là nam căn, nữ căn. Vô căn, tức là không có nam căn, hoặc nữ căn.

I2. Thẫm xét sự chí thành

Nếu người ấy trả lời không, lúc ấy nên bảo họ rằng: “Giới Ưu bà tắc rất khó giữ gìn. Vì sao? Vì giới ấy làm nền tảng cho giới Sa di, giới Tỳ khưu, và giới Bồ tát, nhẫn đến làm nền tảng cho sự chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Kẻ nào chí tâm thọ trì giới Ưu bà tắc, kẻ đó sẽ được vô lượng lợi ích của những giới đó. Nếu như hủy phạm những giới này, thì sẽ trong vô lượng đời sinh vào ba đường ác, chịu vô lượng khổ não. Nay ông muốn được vô lượng lợi ích, có thể chí tâm thọ trì hay không?”

[Giải]    Nếu như người cầu giới không phạm vào tám điều già nạn ở trên, tiếp đến thẩm xét xem kẻ ấy có tâm chí thành cầu giới hay không?

“Hủy phạm những điều giới này”, tức là sau khi thọ giới, tự mình hủy phạm những điều giới mà mình đã thệ nguyện thọ trì. Vô lượng lợi ích hoặc vô lượng khổ não, đều hệ thuộc vào sự trì giới hay phạm giới của hành giả, do đây, có thể thấy được hành trình của một đời người, có sự quan hệ vô cùng to lớn.

Sa di, gọi là cầu tịch, nghĩa là mong cầu sự viên tịch của Niết bàn, đây là tên gọi chung cho người nam xuất gia thọ mười giới. Mười giới của sa di là: (1) không sát sanh, (2) không trộm cắp, (3) không dâm dục, (4) không vọng ngữ, (5) không uống rượu, (6) không xoa hương thơm trang sức, (7) không ca hát xem nghe, (8) không ngồi nằm giường cao rộng, (9) không ăn quá ngọ, (10) không giữ vàng bạc trân bảo.

Giới tỳ kheo, thông thường xưng là hai trăm năm mươi giới.

Bồ tát giới: Phạm Võng giới có mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh; Du Già giới có bốn giới trọng, bốn mươi ba giới khinh.

I3. Khai thị vềâ sự quy y và giới pháp

Nếu trả lời có thể, nên nói tiếp: “Giới Ưu bà tắc này rất khó thọ trì. Nếu đã quy y Phật, thà mất thân mệnh, quyết không quy y trời thần quỷ vật, v.v… Nếu đã quy y Pháp, thà mất thân mệnh, quyết không quy y kinh sách ngoại đạo. Nếu đã quy y Tăng, thà mất thân mệnh, quyết không quy y thầy tà, bạn ác. Ông có thể chí tâm quy y Tam bảo như thế hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên nói tiếp: “Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc này rất khó thọ trì, nếu có kẻ nào quy y Tam bảo, kẻ ấy phải bố thí cho chúng sinh sự không sợ. Kẻ nào có thể bố thí sự không sợ cho chúng sinh, kẻ ấy sẽ được giới Ưu bà tắc, nhẫn đến chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Ông có thể bố thí sự không sợ như thế cho chúng sinh hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp: “Có năm điều làm cho tuổi thọ của chúng sinh không được tăng trưởng. Năm điều ấy là gì? Một là tham việc sát hại, hai là tham việc trộm cắp, ba là tà dâm, bốn là nói dối, năm là uống rượu.

Tất cả chúng sinh, nhân vì sát hại sinh mệnh, mà đời này mang quả báo xấu xí, ốm yếu, tiếng xấu bêu rêu, tuổi thọ ngắn ngủi, tiền của hao mòn, quyến thuộc chia lìa, bị các bậc Hiền thánh chê trách, người khác không tin dùng, kẻ khác làm ác, mình bị tội lây. Đây là quả báo đời này. Khi bỏ thân này rồi, sẽ bị đọa địa ngục, chịu nhiều sự khổ não, đói lạnh, đời sống dài lâu trong địa ngục, xấu xí ốm yếu, tiếng xấu đồn xa, đây là quả báo đời sau. Nếu được thân người, hình mạo xấu xí, yểu mệnh nghèo khổ. Vì sức mạnh của ác nghiệp của kẻ đó ảnh hưởng đến hoàn cảnh bên ngoài, mà ngũ cốc cùng hoa quả đều bị tổn hoại và mọi người chung quanh đều chịu nhiều tai họa.

Thiện nam tử! Nếu người ưa trộm cắp, cũng sẽ bị quả báo hình mạo xấu xí, ốm yếu, tiếng xấu đồn xa, yểu mệnh, tiền của tiêu hao, quyến thuộc chia lìa, người khác mất của thường hay nghi mình, tuy gần gũi người khác nhưng họ không tin cậy mình, lại thường bị các bậc Hiền thánh quở trách. Đây gọi là quả báo hiện tại. Sau khi bỏ thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục, nhận thọ hình mạo xấu xí, tiếng xấu đồn xa, đói khát, khổ não, nhận chịu sự thống khổ lâu dài. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu được sinh làm người, bần cùng thiếu thốn, nếu được tiền của đều bị mất mát. Cha mẹ, anh em, vợ con đều ghét bỏ. Thân thường chịu sự khổ sở, trong tâm lại thường sầu não không nguôi. Vì sức mạnh của nghiệp lực của kẻ đó ảnh hưởng đến hoàn cảnh mà mọi người chung quanh tuy ăn uống đầy đủ, vẫn không có được sức lực đầy đủ. Ác báo của kẻ đó đem tai họa đến tất cả mọi người.

Thiện nam tử! Nếu có người ưa nói dối, kẻ ấy sẽ bị quả báo ăn nói thô tục, hình thù xấu xí, lời nói tuy chân thực nhưng người khác vẫn không tin. Mọi người đều chán ghét, không muốn thấy mặt. Đây gọi là quả báo hiện đời. Sau khi mất thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục, nhận chịu sự thống khổ dữ dội của đói khát và thiêu đốt. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu được sinh làm người, sứt môi méo miệng, tuy nói lời chân thực, người khác không tin tưởng, và tìm cách lánh xa. Dù nói chánh pháp, người khác cũng không thích nghe. Vì sức mạnh của nghiệp lực của người ấy ảnh hưởng đến hoàn cảnh mà sự sinh sản của các loài vật đều bị giảm bớt.

Thiện nam tử! Nếu có người ưa uống rượu, kẻ ấy hiện đời hay mất mát tiền của, thân tâm đều nhiều bệnh tật, tiếng xấu đồn xa, tổn giảm trí tuệ, tâm không biết hổ thẹn, dung mạo xấu xí, thân thể ốm yếu, thường bị mọi người chê trách, xa lánh, không khéo tu pháp lành. Đây là ác báo hiện đời của sự uống rượu.

Thiện nam tử! Nếu có người ưa tà dâm, kẻ ấy không thể giữ gìn thân mình cũng như thân người khác, và thường thường bị người khác nghi ngờ. Làm mọi việc gì, cũng đều gian dối. Bất cứ lúc nào cũng thường nhận chịu sự khổ não. Tâm thường tán loạn, không thể tu pháp lành. Hay mất mát của cải, vợ con đều chán ghét, tuổi thọ ngắn ngủi. Đây là quả báo hiện đời của sự tà dâm. Sau khi mất thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục. Chịu vô lượng thống khổ của sự ốm yếu, đói khát, dung mạo xấu xí, v.v…, trong thời gian lâu dài. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu sinh làm thân người, hình mạo xấu xí, ốm yếu, ăn nói thô tục, mọi người đều xa lánh, không thể giữ gìn vợ con. Vì nghiệp lực của người ấy ảnh hưởng, tất cả những vật bên ngoài đều không được tự tại.

Thiện nam tử! Ông có thể chân thực xa lìa năm pháp ác này hay không?”

[Giải]    Muốn thọ giới Ưu bà tắc, trước tiên cần phải quy y Tam bảo. Sau khi quy y Tam bảo, nếu như còn quy y Thiên ma, ngoại đạo, quỷ thần, v.v…, thì sẽ mất giới thể Tam quy.

Chữ Tăng, trong quy y Tăng, là chỉ các bậc hiền thánh tu học Phật pháp của ba Thừa.

Bố thí sự không sợ, tức là không sát hại chúng sinh; sau khi quy y Đại bi Tam bảo, cần phải tu tập đầy đủ tâm không hại chúng sinh, chúng sinh nhân đây mà xa lìa sự sợ hãi. Đức Quán Thế Aâm Bồ tát cũng được xưng là Đấng Thí vô úy.

Tà dâm, nghĩa là hành dâm với người không phải là kẻ hôn phối chính thức với mình.

Địa ngục, âm Phạn là na lạc ca, hoặc nê lê, dịch là khổ khí, tức là thế giới khổ. Địa ngục không phải đều ở dưới mặt đất, khoa học cũng chứng minh dưới đất có lửa, nhưng không thể có sinh vật. Phật pháp thì nói có tám địa ngục nóng, có chúng sinh thọ quả báo khổ sinh vào trong đó; còn tám địa ngục lạnh, ắt là tại biên tế của mặt đất, như Nam cực, Bắc cực chẳng hạn.

Ý nghĩa của năm giới, nếu nói tường tận, thì bốn giới đầu: sát hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối là tính giới, còn giới uống rượu là giá giới. Cấm đoán uống rượu, là không cho dẫn đến việc làm các điều ác khác. Nếu như chỉ uống rượu, không phạm giới khác, chỉ có tổn hại cho thân tâm của mình, đối với người khác vẫn không xâm phạm. Thế nhưng, người uống rượu thường hay phạm điều ác, cho nên liệt kê vào giới điều mà cấm đoán sự vi phạm.

Nếu y vào phép nước mà hành hình, hoặc chiến tranh quốc tế, vốn là vì muốn đoạn trừ sự sát hại mà sát hại, đều không phải là do ham thích sự sát hại. Nếu như ham thích sát hại, ắt sẽ có sự hổ tương tàn hại, không bao giờ chấm dứt, và nhân loại do đây mà bị giết sạch!

Nếu ưa thích sự trộm cắp, tức là sẽ có sự cướp đoạt lẫn nhau, không lo sản xuất, ắt dễ gây ra sự nhiễu loạn của nhân quần, dẫn đến sự suy tàn của dân tộc.

Sự tai hại của nói dối lại càng lớn. Nếu như mọi người không đối xử với nhau chân thật, sẽ đưa đến sự nghi ngờ lẫn nhau, và như vậy, xã hội sẽ bị phân tán.

Nếu uống rượu, ắt sẽ đưa đến bốn việc ác trên, mà còn giảm thiểu trí tuệ, phát sinh thêm nhiều thị hiếu không tốt, và nhân đây sức khoẻ trở nên hao tổn.

Do đây mà quán xét, cấm đoán năm việc ác này, chắc chắn là điều cần thiết để duy trì sự sinh tồn của nhân loại, cho nên ngũ giới là điều kiện tối cơ bản của đời người.

Nếu biết có người làm ác sẽ ảnh hưởng đến toàn thể thế giới, thì không thể thúc thủ bàng quan, xem sự việc đó như không liên can gì đến mình, mà phải dùng tất cả phương pháp để ngăn chặn họ.

Hiện tại, thiên tai đầy dẫy, sức khoẻ giảm thiểu, khổ não gia tăng, đây chẳng phải là cộng nghiệp của chúng sinh chiêu cảm hay sao?

Đọc đến đoạn văn này, phải nên sinh tâm lo sợ, mở sáng đôi mắt, lập chí tu trì giới pháp, nguyện cầu chuyển đổi sự khổ não thành sự an lạc.

I4. Nói rộng sự giáo giới

Nếu người ấy trả lời có thể xa lìa, thì nên bảo rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có bốn pháp không nên làm. Bốn pháp đó là gì? Không nên gian dối vì những nhân duyên sau: Một là tham lam, hai là giận dữ, ba là ngu mê, bốn là khiếp sợ. Ông có thể xa lìa bốn ác pháp này hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có năm chỗ không nên tới lui: Một là chỗ của bọn hàng thịt, hai là chốn lầu xanh, ba là chỗ bán rượu, bốn là chỗ của vua, năm là chỗ của kẻ đê tiện. Ông có thể lánh xa năm chỗ như thế hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có năm việc không nên làm: Một là không được bán sinh vật, hai là không buôn bán vũ khí, ba là không buôn bán thuốc độc, bốn là không được bán rượu, năm là không được ép dầu. Ông có thể lìa xa năm việc này hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Có ba việc không nên làm: Một là không nên làm nghề đan lưới, hai là không nên làm nghề thợ nhuộm, ba là không nên làm nghề thuộc da. Ông có thể xa lánh ba việc như thế hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có hai việc không nên làm: Một là cờ bạc, hai là những việc ca hát nhảy múa, v.v… Ông có thể xa lánh hai việc như thế hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, không nên gần gũi bốn hạng người: Một là những kẻ cờ bạc, hai là những kẻ rượu chè, ba là những kẻ gian dối, bốn là những kẻ bán rượu. Ông có thể xa lánh bốn hạng người đó hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, không nên làm những việc phóng dật. Thế nào gọi là phóng dật? Nghĩa là không tu pháp lành trong những thời gian sau đây: khi lạnh, nóng, đói, khát, khi ăn cơm no, buổi sáng, buổi tối, lúc sợ hãi, lúc làm việc, lúc dự định công việc, lúc mất, lúc được, lúc vui, lúc có giặc cướp, lúc lúa gạo mắc mỏ, lúc bệnh hoạn, khi còn trai tráng, lúc già nua, khi giàu có, lúc nghèo nàn, lúc làm việc để sinh sống. Ông có thể xa lánh sự phóng dật như vậy hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, trước hết phải học những kiến thức thế gian, sau khi đã thông đạt, theo đúng pháp mà làm việc kiếm tiền. Nếu có tiền của nên chia làm bốn phần: một phần dùng để nuôi sống cha mẹ, vợ con, quyến thuộc và chính mình, hai phần dùng để kinh doanh, một phần còn lại để dành, nhỡ khi có việc cần dùng. Ông có thể làm được bốn việc như vậy hay không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp: “Thiện nam tử! Không nên giao gửi tiền bạc cho bốn chỗ: Một là người già, hai là những nơi xa xăm, ba là kẻ xấu ác, bốn là kẻ có quyền thế. Những nơi như vậy, không nên giao gửi tiền của. Ông có thể xa lánh được không?”

Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, nên xa lánh bốn hạng người ác. Một là ưa nói lỗi người khác, hai là ưa nói điều tà ngụy, ba là hạng người “khẩu Phật tâm xà”, bốn là hạng người nói nhiều làm ít. Ông có thể xa lánh bốn hạng người như thế không?”

H4. Trắc nghiệm quán xét

Nếu trả lời có thể, nên bảo người đó trong vòng sáu tháng, phải gần gủi, hầu hạ những bậc xuất gia có trí tuệ. Bậc trí tuệ đó cũng phải quán sát bốn uy nghi của người cần thọ giới.

G2. Chánh thức truyền thọ giới pháp
H1. Truyền thọ tổng quát tam quy ngũ giới

Nếu biết kẻ thọ giới có thể y theo lời dạy mà thực hành, sau khi hết sáu tháng, nên triệu tập chúng tăng đủ số hai mươi người, làm pháp yết ma.

Bậc trí tuệ bạch yết ma: “Các vị Đại đức Tăng, xin chú ý nghe! Nay có (…..), đến giữa chúng Tăng cầu thọ giới Ưu bà tắc. Trong sáu tháng nay, bốn uy nghi đều thanh tịnh, chí tâm thọ trì giới pháp thanh tịnh trang nghiêm. Người này là bậc đại trượng phu, thân người nam đầy đủ. Nếu chúng Tăng chấp nhận, xin tất cả im lặng. Còn vị nào không đồng ý, xin lên tiếng.”

Nếu chúng Tăng đã chấp nhận, bậc trí tuệ nên nói như sau: “Thiện nam tử! Chú ý nghe cho rõ ràng. Chúng Tăng đã hòa hợp, cho phép ông thọ trì giới Ưu bà tắc. Giới này là cội gốc của tất cả pháp lành. Kẻ nào có thể thành tựu pháp này, sẽ đắc quả Tu đà hoàn, nhẫn đến quả A na hàm. Nếu như phá giới, sau khi mất đi, sẽ đọa vào ba đường ác.

Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì sau khi thọ giới này, dù hưởng thọ ngũ dục, nhưng vẫn không chướng ngại quả Tu đà hoàn, cho đến quả A na hàm. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn. Ông có thể vì thương xót chúng sinh mà thọ quả này hay không?”

Nếu trả lời có thể, lúc ấy bậc trí giả nên vì kẻ ấy mà nói pháp Tam quy y. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như thế. Sau khi thọ pháp Tam quy, được gọi là ưu bà tắc. Tiếp đến, bậc trí tuệ nên bảo rằng: “Thiện nam tử! Lắng nghe cho kỹ. Đức Như Lai Chánh Giác nói giới Ưu bà tắc có nhiều trình độ thọ giới khác biệt, hoặc một phần, hoặc nửa phần, hoặc không có phần, hoặc nhiều phần, hoặc toàn phần. Nếu như ưu bà tắc, sau khi thọ Tam quy, không thọ năm giới, thì gọi là ưu bà tắc không thọ giới; nếu thọ Tam quy giữ một giới, gọi là ưu bà tắc một phần; nếu thọ Tam quy giữ hai giới, gọi là ưu bà tắc thiểu phần. Sau khi thọ Tam quy giữ hai giới, nếu phá một giới, thì được gọi là không có phần. Nếu thọ Tam quy giữ ba giới, bốn giới, gọi là ưu bà tắc nhiều phần; nếu thọ Tam quy giữ năm giới, gọi là ưu bà tắc toàn phần. Nay ông muốn thọ giới ưu bà tắc một phần, hay giới ưu bà tắc nhiều phần?” Sau khi người thọ giới nói lên ý mình, bậc trí tuệ sẽ y theo sở thích mà truyền giới.

[Giải]    Hiện nay, đoàn thể hội nghị, ít nhất cần phải có năm người, sự việc này tương tự với đoàn thể tăng già cần phải có bốn người trở lên. Oâng Tôn Dật Tiên đề cập đến Hội nghị pháp trong quyển Dân Quyền Sơ Bộ, hai ngàn năm trăm năm trước đó ở Aán độ đã thực hành.Tại sao sau khi Phật giáo truyền nhập Trung quốc, lại dần dần mất đi tinh thần đoàn thể đó?

Yết ma, dịch là tác nghiệp, tức là việc làm của hội nghị. Có khi bốn người trở lên có thể làm pháp yết ma, có khi lại cần phải hai mươi người trở lên. Bạch yết ma, tức là báo cáo đề án của hội nghị, ở đây tức là đề xuất sự thọ giới. Im lặng, tức là không có người phản đối. Không đồng ý, tức là có người phản đối. Hòa hợp, tức là tất cả đồng ý thông qua.

Giới cao nhất của người tại gia chỉ đến bậc A na hàm, là vì chưa hoàn thành tăng tướng. Nếu như chứng quả A la hán, lúc đó tự nhiên trở thành tướng xuất gia.

Câu hỏi trịnh trọng cuối cùng “ông có thể thọ giới hay không?”, là muốn cho người thọ giới trân trọng chú ý, hầu đắc được vô tác giới thể. Vô tác giới thể là vô biểu sắc.

H2. Khai thị riêng biệt các giới trọng khinh
I1. Giới tướng của sáu giới trọng
J1. Chánh thức thuyết minh

Sau khi đã thọ giới, nên dạy tiếp rằng: “Giới pháp của ưu bà tắc, có sáu giới trọng. Thiện nam tử! (1) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại. Nếu phạm giới giết hại, hoặc bảo người giết, hoặc tự mình giết, sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ nhất. (2) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, ngay đến một đồng tiền, cũng không được trộm cắp. Nếu phạm giới trộm cắp sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ hai. (3) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được đại vọng ngữ: “Tôi đã chứng được pháp quán bất tịnh”, …, hoặc: “Tôi đã chứng được thánh quả A na hàm”. Nếu phạm giới đại vọng ngữ sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ ba. (4) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được tà dâm. Nếu phạm giới tà dâm sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ tư. (5) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được rao nói tội lỗi của bốn chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Nếu phạm giới rao nói tội lỗi của bốn chúng sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ năm. (6) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được bán rượu. Nếu phạm giới bán rượu sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ sáu.

[Giải]    Thông thường thọ ngũ giới, chỉ thọ năm giới trọng là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu. Ở đây, vì thọ giới Bồ tát ưu bà tắc, cho nên cần phải thọ sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh.

Ở đây, không được nói lỗi của bốn chúng, là một trong các giới trọng. Thế nhưng, trong bốn chúng, lỗi lầm của một cá nhân nào đó, cũng không phải không thể nói, chỉ phải dùng phương pháp riêng biệt và hạn chế mà thôi. Như trong đại chúng tỳ kheo, hàng trưởng lão có thể vạch lỗi của một vị tỳ kheo nào đó, khiến cho vị ấy sám hối; trong chúng ni cũng thế. Hàng tại gia ưu bà tắc, ưu bà di, tuy không có quy định này, thế nhưng trong đại chúng của họ, cũng có thể phỏng theo quy lệ của hàng xuất gia.

Giới trọng, âm Phạn là ba la di, đây gọi là tha thắng xứ. Mất giới, nghĩa là phạm sáu giới trọng, tức sẽ bị mất giới thể, không cho phép sám hối.

Noãn pháp là một trong bốn pháp gia hạnh, nghĩa là giống như sự cọ lửa, trước tiên có khí ấm.

Ưu bà tắc xú uế, tức là phạm giới trọng này, thì là kẻ xú uế (hôi thối) trong hàng ưu bà tắc; ưu bà tắc chiên đà la, nghĩa là phạm giới trọng này, tức là trở thành kẻ hạ tiện không thể đến gần trong hàng ưu bà tắc; ưu bà tắc cấu ô, nghĩa là kẻ bẩn thỉu trong hàng ưu bà tắc; ưu bà tắc bị triền phược, nghĩa là kẻ đầy phiền não trong hàng ưu bà tắc.

Quán bất tịnh, tức là quán thân thể bất tịnh, để đình chỉ tâm tham ái.

Ở đây đem giới uống rượu liệt kê vào giới khinh, còn giới bán rượu thì là giới trọng, đồng với giới Bồ tát Phạm Võng; bởi vì bán rượu làm cho nhiều người khác hôn ám mê muội.

J2. Kết luận tán thán

Thiện nam tử! Nếu ưu bà tắc sau khi thọ giới có thể hết lòng giữ gìn không cho hủy phạm thì sẽ đắc được thánh quả như trên. Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc là ngọc anh lạc trang nghiêm, là hương thơm vi diệu xông khắp mọi nơi, là quỹ luật cho pháp thiện, ngăn chận các pháp bất thiện, là kho tàng diệu bảo vô thượng, là chủng tính của dòng dõi tôn quí, là nơi đại tịch tĩnh, là vị cam lộ, là đất sanh ra thiện pháp. Chỉ cần chân thực phát tâm thọ giới đã được vô lượng vô biên lợi ích như vậy, huống chi là nhất tâm giữ gìn không cho hủy phạm.

[Giải]    Đoạn này tán thán công đức của kẻ có thể thọ trì sáu giới trọng. Anh lạc, tiếng Phạn là chỉ do la, nối ngọc với nhau để đeo lên thân.

I2. Hai mươi tám giới khinh
J1. Liệt cử

Thiện nam tử! Như Đức Phật đã dạy: (1) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (2) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, ham mê uống rượu, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (3) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (4) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (5) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, gặp các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc các vị ưu bà tắc thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (6) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thấy tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ, họ không bằng mình, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (7) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, mỗi tháng không thọ sáu ngày bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (8) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, trong vòng bốn mươi dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (9) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thọ dụng đồ dùng của chư tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v…, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (10) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (11) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đi một mình trong chỗ nguy hiểm, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (12) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, một mình ngủ đêm tại chùa ni, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (13) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (14) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đem thức ăn thừa bố thí cho tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc ưu bà tắc, ưu bà di khác, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (15) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng mèo, chồn, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (16) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, hoặc các loại súc vật khác, không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (17) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, không chứa sẵn tăng già lê, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng Tăng, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (18) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (19) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho kẻ trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi. Nếu không làm như thế, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (20) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, hành dâm không đúng chỗ, không đúng thời, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (21) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề thương mại, công nghiệp, v.v…, không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (22) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, vi phạm luật pháp quốc gia, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (23) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, lúc lúa, trái cây, rau cải được mùa, không dâng cúng Tam bảo trước, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (24) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, Tăng già không cho phép thuyết pháp, khen ngợi, mà vẫn cứ làm, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (25) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, ra đường đi trước các tỳ khưu, sa di, v.v…, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (26) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (27) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi tằm lấy tơ, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (28) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi.

[Giải]    Dưới đây là hai mươi tám loại giới khinh.

Sơ ý (Hán: thất ý; thất, nghĩa là mất, lạc mất), là tội khinh (nhẹ), nhẹ so với sáu giới trọng.

Sơ ý là không chú ý mà phạm, không phải là không thể sám hối, cũng không mất vô tác giới thể.

Không khởi tâm sám hối ắt sẽ bị đọa vào ác đạo.

Ham mê uống rượu, tức là không dùng rượu làm thuốc trị bệnh mới phạm giới này.

Thọ trì bát quan trai giới, tức là thọ giới xuất gia ngắn hạn, tốt nhất là nên hành trì tại chùa.

Người xuất gia thường dùng đãy lọc nước để gạn trùng nhỏ trong nước, ở đây nghi nước có trùng, nếu chưa dùng đãy lọc nược để lọc mà đã uống, thì phạm vào giới này.

Một mình ở chùa ni, dễ làm người khác hiềm nghi, hủy báng, do đó phạm tội.

Mèo, chồn chuyên môn giết ăn các loài chuột bọ, vì thương chúng sinh, cho nên không được nuôi dưỡng chúng.

Tất cả gia súc, không được giữ làm của mình, có thể tịnh thí cho người chưa thọ giới, rồi mượn đó mà dùng.

Điều trọng yếu nhất của giới hạnh là: báo ân, kính trọng bậc đức hạnh, cứu tế người bần khổ. Hai mươi tám giới khinh, giới đầu tiên là báo ân, giới cuối cùng là cứu khổ.

Phẩm Thọ giới có in thành tập riêng lưu hành, trong quyển Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập cũng có sưu tập. Ngài Ngẫu Ích đời Minh cũng đã từng chú giải phẩm này. Ở Trung quốc xưa nay chỉ truyền thọ Ngũ giới thông thường, chưa hề y chiếu theo quyển kinh này mà thọ trì.

Trong đây, đối với sự sinh hoạt hằng ngày, đều có sự quy định đại khái, khiến cho người hành trì, được tâm an lý đắc, đây là công hạnh tuyệt diệu nhất.

Chiêu đề, là âm Phạn, có nghĩa là thập phương thường trụ, như tùng lâm, cũng có thể gọi là chiêu đề. Y tăng già lê, tức là đại y. Bình bát, tích trượng đều là vật dụng thanh tịnh của tỳ kheo, tỳ kheo ni. Chứa sẵn ba y, tích trượng, bình bát, để chuẩn bị cúng dường cho tỳ kheo dùng, chứ không phải người tại gia được dùng.

Không đúng thời, không đúng chỗ, là chỉ cho vợ chồng chính thức.

J2. Kết luận tán thán

Thiện nam tử! Nếu ưu bà tắc nào, có thể chí tâm thọ trì giới pháp này, kẻ ấy là hoa Phân đà lợi  trong hàng ưu bà tắc, là hương thơm vi diệu trong hàng ưu bà tắc, là hoa sen trong sạch trong hàng ưu bà tắc, là trân báu chân thực trong hàng ưu bà tắc, là bậc đại trượng phu trong hàng ưu bà tắc.

[Giải]    Hoa Phân đà lợi, tức là hoa sen trắng; còn hoa sen trong sạch là chỉ chung cho tất cả loại hoa sen.

I3. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Đức Phật có dạy: Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia gọi là tỳ khưu (tỳ khưu ni), Bồ tát tại gia gọi là ưu bà tắc (ưu bà di). Bồ tát xuất gia trì giới xuất gia, điều này không khó. Bồ tát tại gia trì giới tại gia, điều này mới khó. Tại sao như vậy? Bởi vì Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.