KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: CÔNG ĐỨC CỦA PHÁP BẤT CỘNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát kia lại phải thành tựu mười tám pháp Bất cộng. Thế nào gọi là pháp Bất cộng?

Nghĩa là Đức Như Lai lúc mới thành quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến khi nhập Niết-bàn, trong khoảng thời gian đó Như Lai lấy trí tuệ của ba nghiệp làm đầu. Nghĩa là tất cả những nghiệp của thân đều hành động theo trí tuệ, tất cả nghiệp của miệng đều hành động theo trí tuệ, tất cả nghiệp của ý đều hành động theo trí tuệ.

Lại nữa, sự thấy biết của các Như Lai về quá khứ không có chướng ngại, thấy biết về vị lai không có chướng ngại, thấy biết ngay trong hiện tại không có chướng ngại.

Việc làm của các Đức Như Lai không có lầm lẫn, lời nói chính xác, không sai ý, không quên mất, không nghĩ gì khác, thường ở trong Tam-muội, xả bỏ tất cả những điều đã biết.

Các Đức Như Lai ý muốn không giảm, tinh tấn không giảm, thiền định không giảm, trí tuệ không giảm, giải thoát không giảm, giải thoát tri kiến không giảm.

Này Hiền Hộ! Đó là mười tám pháp Bất cộng của Như Lai. Đại Bồ-tát nên tu tập đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát nào muốn thành tựu đầy đủ sự thọ trì chánh pháp sâu xa khó thấy, lại muốn giảng nói được ngay Tam-muội này thì phải thọ nhận mười loại pháp thù thắng. Thế nào là mười?

Đó là mười Lực của Như Lai. Thế nào là mười Lực?

Này Hiền Hộ! Lực Xứ phi xứ của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với các việc hợp lý, không hợp lý có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Việc hợp lý, không hợp lý, Như Lai có thể dùng chánh trí biết như thật. Đó là lực xứ phi xứ của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ nhất của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực nhất thiết chí xứ đạo của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với tất cả đường khác nhau đưa đến tất cả nơi khác nhau đều có thể dùng chánh trí biết như thật. Này Hiền Hộ! Như vậy, tất cả các con đường dẫn đến tất cả mọi nơi, Như Lai có thể dùng chánh trí nhận biết như thật. Đó là lực chí xứ đạo của Như Lai. Như Lai được lực này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ hai của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Thế gian chủng chủng giới lực của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với vô lượng cảnh giới sai khác, có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Như vậy, với đủ các cảnh giới của thế gian, Như Lai có thể dùng chánh trí biết như thật. Đó là lực cảnh giới thế gian của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi tức nhận biết đúng lý như thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp mà xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ ba của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực tâm hành của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với vô lượng tâm và nghiệp sai khác của chúng sinh đều có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Như vậy, các tâm và nghiệp của chúng sinh có vô lượng sai khác, Như Lai có thể dùng chánh trí biết như thật. Đó là trí lực biết tâm và nghiệp nơi chúng sinh của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi, tức biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ tư của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực tri chúng sinh chư căn sai biệt lực của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với các căn của chúng sinh có đủ mọi thứ sai khác, đều có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Như vậy, các căn của chúng sinh có những sai khác, Như Lai đều có thể dùng chánh trí nhận biết như thật. Đó là lực các căn sai khác của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-lamôn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ năm của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực thiền định của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với tất cả các thiền định, giải thoát Tam-muội khiến cho phiền não từ lúc phát sinh đến khi được diệt trừ, đều có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Như vậy, tất cả thiền định, giải thoát Tam-muội, từ lúc phát sinh phiền não cho đến khi được thanh tịnh, Như Lai đều dùng chánh trí biết như thật. Đó là lực thiền định của Như Lai. Như Lai đạt được định này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ sáu của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực nghiệp của Như Lai, nghĩa là Như Lai đối với tất cả các loại nghiệp sai khác của chúng sinh và đời vị lai hòa hợp lại, mắc quả báo cũng vô lượng sai khác, Như Lai có thể dùng chánh trí biết như thật.

Này Hiền Hộ! Như vậy các nghiệp sai khác, đời vị lai mắc quả báo cũng sai khác. Như Lai đều dùng chánh trí biết như thật. Đó là lực biết rõ nghiệp của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-lamôn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ bảy của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực Thiên nhãn của Như Lai, nghĩa là Như Lai thường dùng Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người nhìn thấy sự chết đây, sinh kia của các chúng sinh đời vị lai, nhìn thấy sự thọ nhận thân hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc thiện, hoặc ác, nhìn thấy được các sắc hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc dịu dàng, hoặc thô kệch, hoặc sinh đường thiện, hoặc sinh đường ác, lại thấy các chúng sinh làm các nghiệp thiện hoặc ác, có các chúng sinh thân tạo đủ nghiệp ác, miệng gây đủ nghiệp ác, ý nghĩ đủ nghiệp ác, chê bai Thánh nhân, phỉ báng chánh pháp, phá hòa hợp Tăng, với những nghiệp ác này, sau khi qua đời sẽ sinh vào đường ác. Như Lai cũng lại thấy các chúng sinh thân tạo đủ nghiệp thiện, tôn trọng chánh pháp, cúng dường chúng Tăng, thực hành đủ các nghiệp thiện này, sau khi qua đời được sinh vào đường thiện của cõi trời, người. Các việc này Như Lai đều biết đúng như thật.

Này Hiền Hộ! Dùng Thiên nhãn thanh tịnh, Như Lai thấy các chúng sinh chết đây, sinh kia, cho đến sau khi qua đời được sinh lên cõi trời. Đó là trí lực sinh tử của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Samôn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ tám của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực túc mạng trí của Như Lai, nghĩa là Như Lai dùng trí lực để có thể biết các đời trước của chúng sinh đã xảy ra trong quá khứ, có chúng sinh chết đây sinh kia, hoặc ở một chỗ mới thọ một đời, hoặc hai, hoặc ba, hoặc năm, hoặc mười, hoặc trăm, hoặc ngàn cho đến thọ vô lượng trăm đời, vô lượng ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời, như vậy, cho đến vô lượng kiếp, vô lượng kiếp chuyển, vô lượng kiếp định, vô lượng kiếp chuyển, không chuyển đều biết đúng như thật. Lại sinh ở chỗ kia, chỗ ở như vậy, nhà như vậy, dòng họ như vậy, tên gọi như vậy, tướng mạo như vậy, đời sống như vậy, y phục như vậy, ăn uống như vậy, việc làm như vậy, thiện ác như vậy, buồn vui như vậy, khổ sướng như vậy, cho đến tuổi thọ cũng đều biết đúng như thật. Lại nữa, hoặc bỏ thân chỗ này sinh thân chỗ kia, thân tướng như vậy, lời nói như vậy, trải qua thời gian như vậy, cho đến tuổi thọ, các việc đời quá khứ tất cả đều biết.

Này Hiền Hộ! Như Lai có thể dùng trí biết vô lượng đời sống ở kiếp trước của các chúng sinh, trải qua từ một đời cho đến vô lượng đời, cho đến tuổi thọ, các việc đời quá khứ đều biết đúng như thật. Đó là trí lực túc mạng của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ chín của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Lực lậu tận của Như Lai, nghĩa là Như Lai có thể dứt sạch các hữu, không còn các lậu, tâm và tuệ đều giải thoát, tự giác ngộ pháp. Thế nên tự mình nói: “Đây là thân mạng cuối cùng. Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không thọ thân đời sau nữa.”

Này Hiền Hộ! Như vậy, Như Lai có thể đoạn tận các lậu, tâm và tuệ đều giải thoát, tự chứng biết, nên nói: Đây là thân cuối cùng, cho đến không thọ thân sau, tất cả đều biết đúng như thật. Đó là trí lực lậu tận của Như Lai. Như Lai đạt được lực này rồi tức nhận biết đúng lý chân thật, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng gầm sư tử, chuyển bánh xe pháp xưa nay chưa từng chuyển. Các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Phạm vương, hoặc Ma vương, hoặc người trong tất cả thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.

Này Hiền Hộ! Đó là trí lực thứ mười của Như Lai. Đại Bồ-tát phải tu học đầy đủ trọn vẹn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này nên nói kệ:

Nên học mười tám pháp Bất cộng
Cùng mười Trí lực của chư Phật
Bồ-tát tu tập thiền vi diệu
Tự nhiên thành tựu hai pháp này.