NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Pháp Sư Thái Hư
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời pháp sư Thái Hư

Ngày hôm qua nhận được thư Ngài, nói muốn đến Ninh Ba, có lẽ tới Trung Thu sẽ có thể lại đến đây. Ngu ý cho rằng tọa hạ học vấn, văn chương, bia miệng chở đạo, ra đi lần này, ắt sẽ có người lôi kéo mời làm chủ giảng, thúc đẩy những kẻ xuất thế chen nhau tìm kiếm; chuyện trở lại Bạch Hoa[1] sợ chỉ trở thành mong tưởng mà thôi! Quang tuy tuổi chưa già, tinh thần lẫn thể xác đã suy cùng cực, một hơi thở hít vào tuy còn giữ được, một hơi thở ra khó giữ nổi! Dẫu cho tọa hạ sẽ trở lại nơi này để [Quang] lại được chiêm ngưỡng khuôn mẫu tốt đẹp, lại được đọc những trước tác đẹp đẽ thì đấy vẫn là điều chưa thể dự liệu được.

Trộm nghĩ hiện thời thế đạo bạc ác, mỏng manh, đạo thầy trò đã bị chôn vùi, phần nhiều hùa theo ca ngợi siểm nịnh, chẳng tuân theo sự uốn nắn, răn nhắc, đến nỗi bậc thượng trí chậm thỏa mong ước trở thành bậc thánh, kẻ hạ ngu đánh mất lợi ích “mỗi ngày một mới”. Quang vốn là một gã kém hèn ở phía Bắc tỉnh Thiểm Tây, bản chất giống như cát, đá, thường đối trước ngọc quý mặc tình phô phang dáng vẻ thô tháp, xù xì, muốn cho viên ngọc quý ấy mau trở thành món vật hoàn thiện, trở thành món đồ quý báu trong cõi đời, dẫu tan thân nát xương cũng chẳng nuối tiếc! Tọa hạ là ngọc đẹp không tỳ vết, là vàng ròng tuyệt không chất cặn, cần gì những uốn nắn, răn nhắc, đâu bị hãm trong lời khen ngợi siểm nịnh? Thuật cỡi lừa của Quang trọn chẳng áp dụng được! Nhưng muốn kế thừa người trước, mở lối cho người sau, hiện thân thuyết pháp, ứng khắp quần cơ, dẫn dắt người khác tiến vào chỗ thù thắng, dường như có chỗ phải bù đắp đôi chút; do vậy lấy bài thơ tọa hạ đáp lời ông Dị Thật Phủ để họa quấy quá[2] [mấy vần thơ] cho xong hòng diễn tả ý “do có duyên cùng nhau mà chọn người giao du” [trong thư của tọa hạ] ngày hôm qua, không phải là thổi lông tìm vết, mà thật sự là muốn cho ngọc được vẹn toàn phẩm đức, nhưng lời thô ý vụng khiến gai mắt nhã, xin hãy thương tưởng mà dung thứ tấm lòng ngu thành, bỏ qua văn từ thì may mắn lắm thay!

***

[1] Chữ Bạch Hoa ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa:

1. Phổ Đà nói chung vì Phổ Đà (Potalaka) chính là tên một loại hoa màu trắng mọc rất nhiều ở đảo Lanka. Do vậy, Lanka (Lăng Già) mới được gọi là Phổ Đà Lạc Ca.

2. Am Bạch Hoa trên núi Phổ Đà.

[2] Trong Niên Phổ, Thái Hư đại sư đã cho biết khi các ông Dịch Thật Phủ, Thịnh Quý Bảo v.v… lên chơi núi Bạch Vân ở Quảng Châu, tình cờ gặp lại thi hữu là đại sư Thái Hư ở đó bèn cùng nhau xướng họa; đại sư đã họa lại bài thơ của ông Dịch Thật Phủ có câu: “Thái hư như thái hư, na phạ bạch vân yểm” (Thái hư như thái hư, nào sợ mây trắng phủ). Câu thơ được ghi vào thi tập. Ấn Quang đại sư đọc được câu này vào năm Tuyên Thống thứ ba (1911), rất tán thưởng, viết bài thơ họa lại, gởi cho Thái Hư có câu: “Thái hư đại vô biên, hà vật năng tương yểm, bạch vân ngẫu nhĩ thê, đương xử tiện đảm ảm, xuy dĩ hạo đãng phong, hoa cảnh liễu vô điểm, thứ khả quán cận giả, mạc do trì tuấn biếm” (Thái hư rộng vô biên, vật nào che lấp được, ngẫu nhiên mây trắng đậu, chỗ ấy thành âm u, một trận gió to thổi, hoa cảnh lại rạng ngời, mong được đến gần ngắm, không cách nào ruổi rong). Thái Hư đại sư họa lại: “Nhật nguyệt hồi hỗ chiếu, thái hư ánh hoàn yểm, hữu thời phong lãng lãng, hữu thời vân ảm ảm, vạn tượng tư nghiên sửu, đương xứ tuyệt trần ai, tuy hữu xuân thu bút, diệc nan thi bao biếm” (Nhật nguyệt cùng chiếu rọi, thái hư ánh sáng ngăn, có lúc gió lồng lộng, có khi mây lờ mờ, muôn vật thành đẹp xấu, nơi ấy bặt bụi trần, bút xuân thu dẫu sẵn, cũng khó thể khen chê). Hai vị xướng họa qua lại, tình cảm rất sâu đậm.