KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 13: MƯỜI PHÁP TRONG TAM-MUỘI HIỆN TIỀN

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Nếu có Tỳ-kheo nào ưa thích tu tập Tam-muội này thì trước phải suy nghĩ tưởng nhớ đến tính chất vô tướng, suy nghĩ xong sự ngã mạn sẽ không sinh.

Này Hiền Hộ! Vị ấy diệt trừ ngã mạn rồi tâm ý bỗng nhiên xa lìa các tướng. Khi ấy, liền tùy căn cơ giảng nói Tam-muội này cho mọi người, không nên khởi sự tranh chấp. Ở đây, thế nào gọi là tranh chấp? Đó là những vọng tưởng, chê bai, phỉ báng không cần thiết. Nên gọi là tranh chấp.

Này Hiền Hộ! Vì thế, Tỳ-kheo kia do không tranh chấp nên có thể tu học giảng nói Tam-muội này cho mọi người.

Này Hiền Hộ! Các thiện nam, thiện nữ nào muốn tu học, muốn giải thích Tam-muội cho người thì phải thành tựu đầy đủ mười pháp, sau đó mới có thể giảng giải Tam-muội này cho mọi người. Những gì là mười? Đó là:

  1. Các thiện nam, thiện nữ trước hết phải trừ bỏ sự ngã mạn phát tâm cung kính.
  2. Biết nhớ ân không quên, tâm thường nghĩ đến việc báo đáp.
  3. Tâm không cậy thế cũng không ganh ghét.
  4. Diệt trừ nghi ngờ và các chướng ngại.
  5. Tin sâu, không bỏ mất những tưởng nhớ, suy nghĩ.
  6. Siêng năng tinh tấn, mong cầu thực hành theo kinh điển, không mệt mỏi.
  7. Thường đi khất thực, không thọ nhận sự cầu thỉnh riêng biệt.
  8. Ít ham muốn, biết đủ, điều phục được các căn.
  9. Tin chân thật vào pháp Nhẫn vô sinh sâu xa.
  10. Thường nghĩ: Nếu ai được Tam-muội này liền xem đó là thầy, tưởng như chư Phật, sau đó tu tập Tam-muội ấy.

Này Hiền Hộ! Thiện nam, thiện nữ đã hành đầy đủ mười pháp như trên, sau đó cũng phải tu tập Tam-muội này, cũng làm cho người khác nhận giữ, đọc tụng. Người tu hành như vậy sẽ được tám việc. Thế nào là tám?

  1. Hoàn toàn thanh tịnh, đối với các giới cấm không phạm, phá.
  2. Thấy, biết thanh tịnh, trí tuệ hòa hợp không tương ưng với các pháp khác.
  3. Trí tuệ thanh tịnh, không thọ thân nơi các đời sau.
  4. Bố thí thanh tịnh, không nguyện được tất cả phước báo do các hành nghiệp đem đến.
  5. Đa văn thanh tịnh được nghe pháp rồi thì hoàn toàn không quên.
  6. Tinh tấn thanh tịnh lúc nào cũng cầu quả vị Phật.
  7. Xa lìa thanh tịnh, tức đối với tất cả danh lợi không vướng mắc.
  8. Không lui thanh tịnh tức sẽ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bao giờ bị lay động.

Này Hiền Hộ! Đó là tám pháp mà thiện nam, thiện nữ nhận được.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn làm rõ lại nghĩa này, nên nói kệ:

Người trí không sinh tưởng có tướng
Nên trừ cố chấp và ngã chấp
Đối với pháp nhẫn không vướng mắc
Có thể mau nói Tam-muội này.
Trong không xưa nay chẳng phiền não
Niết-bàn không tướng, thật vắng lặng
Với Phật không hiềm, pháp không chê
Có thể mau nói Tam-muội này.
Bậc trí không sinh ý ganh ghét
Biết nhớ ân Phật, Pháp và Tăng
Trọn đời giữ đúng không lay chuyển
Sạch trong như vậy giữ Tam-muội.
Không ganh ghét cũng không nghi ngờ
Suy nghĩ pháp chân thật sâu xa
Tinh tấn không lười, lìa ham muốn
Có thể đạt được Tam-muội này.
Pháp khất thực Tỳ-kheo nên làm
Bỏ thỉnh riêng, huống gì cầu báu
Diệt trừ cấu nhiễm đạt chân như
Có thể đạt được Tam-muội này.
Ai có thể được Tam-muội ấy
Ta nên lắng nghe lưu truyền khắp
Xem đó thầy mình tưởng như Phật
Có thể đạt được Tam-muội này.
Nếu người tu hành Tam-muội ấy
Đầy đủ công đức vượt thế gian
Nên mau nhận giữ tám loại pháp
Khen chư Phật thanh tịnh không nhơ.
Giữ giới thanh tịnh không biên vực
Bồ-đề Tam-muội và thắng kiến
Có thể sạch trong ở các cõi
Trụ vào khối công đức nhiệm mầu.
Trí thanh tịnh không nhận đời sau
Bố thí lìa nhơ nhập vô vi
Được học rộng rồi chẳng thể quên
Người trí này là kho công đức.
Dũng mãnh tinh tấn được Bồ-đề
Danh lợi ở đời không tham đắm
Những người trí nào thực hành tốt
Nhập định sâu xa vô thượng này.