TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười ba: Thâu phục đệ tử

[Giải]    Phần trước nói muốn tu thành Bồ tát thực nghĩa cần phải làm lợi người, muốn làm lợi người ắt phải cần phải thâu phục đệ tử, đây là duyên khởi của phẩm này.

G2. Hóa độ, thâu nhiếp chúng sinh
H1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, Bồ tát sau khi đầy đủ hai pháp trang nghiêm, làm sao thâu phục đệ tử của mình?”

[Giải]    Cần phải đây đủ lợi mình lợi người, mới gọi là Bồ tát thực nghĩa; phải là Bồ tát thực nghĩa, mới có thể trang nghiêm mình và người. Các bậc xuất gia, tại gia đầy đủ trang nghiêm, tự nhiên có đệ tử tín đồ đến y chỉ.

Người tại gia thì chủ trì học xá, học viện, v.v…, người xuất gia thì chủ trì tùng lâm, tự viện, v.v…, đềøu do vì có đệ tử tín đồ.

Hỏi “nuôi dưỡng đệ tử, nên dạy dỗ họ cách nào”, tức là hỏi dùng phương pháp nào để nhiếp phục, nuôi dưỡng đệ tử mà giáo hóa họ.

H2. Như Lai trả lời
I1. Biện minh tổng quát, dùng pháp tứ nhiếp thâu phục đệ tử

– Thiện nam tử! Bồ tát nên dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục, làm cho họ xa rời điều ác, tăng trưởng pháp lành. Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình.

[Giải]    Pháp tứ nhiếp, là phương pháp dùng để thâu phục chúng sinh, bao gồm: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự; tức là dùng pháp tứ nhiếp để thâu phục, dẫn dắt.

Trong pháp bố thí, giống như nói muốn cầu bè bạn, truớc tiên nên bố thí cho họ, làm cho kẻ xa lạ trở thành thân thiết, rồi mới có thể thâu phục họ. Bố thí không cần tài vật, mà có thể dùng lời nói, sự lễ phép, v.v…

Trong sáu độ, bố thí độ là chú trọng đến việc đoạn trừ bỏn sẻn của chính mình, còn bố thí trong pháp tứ nhiếp là chú trọng đến sự nhiếp phục chúng sinh, cho nên hiệu dụng của hai bên hơi khác nhau.

Aùi ngữ, Đức Phật thuyết pháp, dùng bốn tất đàn làm tông chỉ, đầu tiên, tùy thuận thế gian, nói pháp làm cho họ hoan hỷ; kế đến, tùy theo nhu cầu của mỗi người mà nói; kế nữa, nói pháp để đối trị phiền não; cuối cùng, nói pháp đệ nhất nghĩa làm cho họ chứng thánh quả đoạn sinh tử.

Như đối với những người học khoa học, triết học hiện nay, trước tiên nên từ những điểm giống nhau của Phật giáo và triết học, khoa học mà nói; kế đó, từ trong sự tương đồng nói lên sự khác biệt giữa đôi bên;  kế nữa, biện minh tường tận sự tương đồng hoặc sự khác biệt; cuối cùng, nói lên thuyết lý chân như không tương đồng cũng không khác biệt, hiển rõ sự thù thắng của Phật pháp.

Lợi hành, tức là làm những việc lợi ích cho đối phương.

Đồng sự (cùng chung làm một công việc), ắt là tình cảm giữa hai bên không còn ngăn ngại, và như thế, dễ độ hóa đối phương.

Nếu khéo sử dụng pháp tứ nhiếp, tức người ở gần sẽ vui vẻ, người ở xa sẽ tìm đến, và không bao giờ xa lìa. Điều này thuần túy là hạnh của chư Đại Bồ tát, thực sự khó mà thực hành được.

Trong Phật pháp cũng có người chuyên dùng sở học sở thích của mình giáo hóa người khác, điều này tương đối dễ dàng, thế nhưng, thường thường vì không được người học tin hiểu, cho nên thoái thất tâm Bồ đề, đây cũng là vì không biết thực hành pháp tứ nhiếp gây nên.

I2. Tùy có đức hay không mà thu phục đệ tử có lợi hay hại

Thiện nam tử! Bồ tát nếu không dùng những sự như vậy mà thâu phục đệ tử, thì đó là kẻ tệ ác, là Bồ tát giả danh, không phải Bồ tát thực nghĩa, là chiên đà la, là kẻ bẩn thỉu hôi thối, phá hoại Phật pháp. Chư Phật mười phương sẽ không đoái hoài những kẻ như vậy.

Thiện nam tử! Bồ tát phải nên tùy lúc mà dạy dỗ khuyên răn. Tùy lúc, nghĩa là lúc đệ tử khởi tâm tham, sân, si. Lúc họ khởi tâm tham, nên dạy họ những phương pháp đối trị, giúp cho họ trừ diệt tâm tham. Trừ diệt sân, si, cũng giống như thế. Kế đó dạy họ học mười hai phần giáo, thiền định, tam muội, phân biệt nghĩa lý thâm sâu, điều phục thân tâm, làm cho họ tu pháp lục niệm, không được buông lung. Khi đệ tử bệnh phải chăm sóc cho họ, mà không sinh tâm chán ghét. Nhẫn chịu những lời mắng nhiếc, hủy báng, nhục mạ, cùng sự thống khổ của thân tâm. Giả sử đệ tử bị khổ nạn, phải cứu vớt làm họ hết khổ, tiêu trừ tâm tệ ác nghi ngờ cho đệ tử. Khéo biết căn tính của đệ tử là lợi căn, trung căn hay độn căn. Dạy đệ tử độn căn làm cho họ sinh lòng tin đối với Phật pháp, đối với kẻ trung căn, dạy dỗ làm cho họ thuần thục, đối với kẻ lợi căn, dạy dỗ làm cho họ được giải thoát. Nếu Bồ tát siêng năng dạy dỗ đệ tử như vậy, gọi là Bồ tát thực nghĩa, là người lành, là hoa Phân đà lợi, là hương tượng trong loài người, là đại thuyền sư.

Thiện nam tử! Chẳng thà thọ ác giới, trong một ngày giết vô lượng chúng sinh, quyết không nuôi dưỡng đệ tử ác mà mình không thể dạy dỗ. Vì sao? Phạm giới ác, chỉ liên hệ đến thân mình, nuôi đệ tử ác mà không dạy dỗ, có thể khiến cho vô lượng chúng sinh làm ác, có thể làm chúng sinh hủy báng vô lượng pháp lành vi diệu, phá hòa hợp tăng, làm cho nhiều chúng sinh phạm tội ngũ nghịch, do đó, còn ác liệt hơn tội ác luật nghi.

[Giải]    “Không dùng những sự như vậy”, nghĩa là không biết sử dụng uy đức của pháp tứ nhiếp, v.v…

Làm đệ tử hư hỏng, đây còn là tội nhỏ; sự việc từ từ lan rộng, làm hư hỏng những người khác, đây mới là tội lớn.

Chiên đà la, là kẻ ti tiện nhất, dưới cả bốn giai cấp trong xã hội Aán độ, gọi là “không thể chạm đến”, vì chạm đến họ là một điều bất tường, bất tịnh.

Trong Phật pháp, tất cả đều bình đẳng, Đức Phật cũng đã từng độ chiên đà la làm đệ tử.

Nên tùy lúc mà dạy dỗ, khuyên nhắc, thì cũng có thể gọi là kẻ có đức hạnh.

Phương pháp đối trị, như đối với kẻ có tâm tham, dạy họ tu pháp quán bất tịnh; đối với người hay sân hận, dạy họ tu pháp quán từ bi, v.v…

Thiền định, tam muội, nếu giảng theo nghĩa rộng, đều có thể thông dụng; nếu phân biệt mà giảng, thì thiền là bốn cõi thiền sắc giới, định là bốn cõi định vô sắc giới, còn tam muội (tam ma địa) là tâm an trụ một cảnh, bình đẳng tự tại.

Học tập mười hai phần giáo, là văn tuệ và tư tuệ, còn tương ưng với thiền, định và tam muộia, thì là tu tuệ.

Hoa Phân đà lợi, tức là hoa sen trắng, cũng tức là hoa sen đẹp nhất trong các loại sen.

Aùc giới, tức là giới thệ nguyện thọ trì ác pháp. Khi Phật còn tại thế, cũng có người thọ giới ngoại đạo, được ra lệnh trong một ngày phải giết một ngàn người, như trong kinh Ương Quật Ma La có nói.

Phạm tội ngũ nghịch, tức là tạo năm nghiệp cực ác, như giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hòa hợp tăng.

I3. Biện minh riêng biệt sự thâu nhiếp đệ tử của hàng tại gia và xuất gia
J1. Biện minh tổng quát xuất gia tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có hai loại đệ tử: một là xuất gia, hai là tại gia. Bồ tát tại gia chỉ có một loại đệ tử tại gia.

[Giải]    Bồ tát tại gia, nếu nuôi dưỡng đệ tử xuất gia, tức là phá hoại giáo chế của Phật.

J2. Biện minh riêng biệt xuất gia, tại gia
K1. Xuất gia giáo hóa hai chúng
L1. Giáo hóa đệ tử xuất gia

Bồ tát xuất gia dạy đệ tử xuất gia mười hai phần giáo, tùy chỗ phạm tội, dạy họ sám hối. Lại dạy họ tám loại tư tuệ: Một là trí biết pháp, hai là trí biết nghĩa, ba là trí biết thời, bốn là trí biết đủ, năm là trí biết chính mình, sáu là trí biết kẻ khác, bảy là trí biết căn cơ chúng sinh, tám là trí khéo phân biệt.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát, nếu có thể dạy dỗ, điều phục đệ tử xuất gia như thế, cả thầy lẫn trò đều được vô lượng lợi ích. Thầy trò như thế, có thể hưng long Tam Bảo. Vì sao? Vì đệ tử đó, biết tám trí rồi, có thể siêng năng cúng dường sư trưởng, hòa thượng, bậc trưởng lão có đức hạnh; biết nghe lời lành, siêng năng đọc tụng, lại hay giảng nói Phật pháp, tâm không phóng túng, điều phục chúng sinh, thường hay chăm sóc những kẻ bệnh khổ, bố thí cho kẻ bần cùng, thiếu thốn.

[Giải]    Hòa thượng, dịch là thân giáo sư, tức là bậc mà mình thân cận để học hỏi giáo pháp. Các vị thầy thông thường, gọi là sư trưởng. Trưởng lão là bậc kỳ lão (lớn tuổi) có đức hạnh.

L2. Giáo hóa đệ tử tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát xuất gia, nếu có đệ tử tại gia, cũng nên dạy pháp không phóng dật. Không phóng dật, tức là tu hành chính pháp, cúng dường cha mẹ, cùng các bậc thầy, Hòa thượng, những bậc tuổi tác cao, những bậc có đức hạnh, đem đến sự an vui cho họ. Đem tâm chí thành thọ giới, không dám hủy phạm. Nhận vật của người gởi, không được chuyên quyền. Có thể nhận chịu sự hung hăng của kẻ khác. Không bao giờ nói lời ác cùng lời vô nghĩa. Thương xót chúng sinh. Đối với quốc vương, trưởng giả, quan lớn, thường sinh tâm cung kính, sợ sệt. Có thể tự điều phục vợ con, quyến thuộc, phân biệt người thân, kẻ thù. Không khinh thường chúng sinh, trừ diệt sự kiêu mạn, không gần bạn ác, ăn uống có chừng mực, giảm trừ lòng tham, ít muốn biết đủ, không lân la đến chỗ tranh cãi, ngay đến lúc giởn hớt cũng không nói lời ác. Như vậy gọi là pháp không phóng dật. Bồ tát xuất gia nếu nuôi đệ tử tại gia, trước nên dạy dỗ, răn nhắc pháp không phóng dật; thường cùng với đệ tử chia xẻ nỗi vui buồn. Nếu đệ tử tại gia nghèo khổ thiếu thốn, ngoài sáu vật của người xuất gia, nếu họ cần dùng vật gì, đều nên cung cấp cho họ mà không sẻn tiếc. Nếu họ có bệnh tật, nên đi tìm những vật mà họ cần dùng. Lúc săn sóc bệnh cho họ, không nên sinh tâm nhàm chán. Nếu Bồ tát tự mình không có của, nên đi khắp nơi tìm kiếm; nếu tìm không được, nên mượn vật Tam bảo. Sau khi lành bệnh, kẻ đệ tử tại gia phải trả lại gấp mười lần, như pháp của nước Xá Vệ của vua Ba Tư Nặc. Nếu kẻ đệ tử tại gia không thể trả được, nên bảo họ rằng: “Ông nay mượn của Tam bảo rất nhiều, nếu không thể trả được, ông phải nên siêng năng tu tập quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, hoặc nếu có thể phát tâm Bồ đề, hoặc dạy được mọi người sinh lòng tin trong sạch đối với Phật pháp, hoặc diệt trừ được sự thấy biết tà ác sâu nặng của họ.”

Nếu Bồ tát xuất gia dạy đệ tử tại gia những sự việc như thế, cả hai thầy trò đều sẽ được vô lượng lợi ích.

[Giải]    Đây là những điều dạy dỗ đệ tử phải nên thực hành.

Nhận vật người không được chuyên quyền, nghĩa là nhận vật của người khác gửi, không được tùy ý sử dụng, sau đó lấy vật khác thường vào.

“Phân biệt thân thù”, tức là có thể giải trừ oán địch, báo đáp người ân.

Đệ tử tại gia không nên sử dụng vật của Tam bảo.

Sáu vật của người xuất gia, tức là ba y, bình bát, ngọa cụ và đảy lọc nước.

Tỳ kheo khất thực, nên phân làm ba phần, dùng một phần bố thí cho người bệnh, một phần bố thí cho chim chóc, thú vật, một phần tự mình sử dụng.

K2. Tại gia giáo hóa một chúng
L1. Sư trưởng giáo hóa đệ tử

Thiện nam tử! Bồ tát tại gia nếu nuôi dưỡng đệ tử tại gia, trước tiên cũng nên dạy pháp không phóng dật. Không phóng dật có nghĩa là cúng dường cha mẹ, sư trưởng, Hòa thượng, người già cả, người có đức hạnh; lại cũng cung cấp cho anh em, bạn bè, quyến thuộc, kẻ sắp đi xa, hoặc người nơi xa đến. Khi ăn, nên đem thức ăn đến phân phát đầy đủ cho kẻ tôi tớ, sau đó tự mình mới dùng. Lại làm cho họ tin tưởng Tam bảo, chia xẻ sự khổ vui với họ. Không bao giờ tự hưởng một mình. Tùy thời ban thưởng cho họ, không để họ đói lạnh. Không bao giờ đánh chưởi, hoặc dùng roi gậy làm họ khổ sở. Nên dùng lời mềm dịu mà dạy dỗ khuyên răn. Nếu họ có bệnh, phải nên săn sóc. Những gì mà họ cần, nên đi tìm cho. Phải dạy cho họ những việc thế gian. Khi họ lập gia thất, nên đi tìm chỗ xứng đáng, đừng chọn chỗ thấp hèn. Dạy cho họ năm bộ kinh của Như Lai. Thấy người ly tán, nên làm cho họ hòa hợp. Đã hòa hợp xong, nên làm cho họ tăng trưởng lòng thiện. Đối với tất cả bậc xuất gia, trong đạo cũng như ngoài đạo, tùy ý cúng dường, không nên lựa chọn. Vì sao? Trước nên dùng pháp bố thí dẫn dụ, sau đó mới điều phục họ. Đem sáu pháp Hòa kính mà khuyến dụ họ. Nếu đệ tử vì cầu tiền của mà kinh doanh, làm ruộng, hay làm việc cho chính phủ, Bồ tát dạy họ phải nên chuyên tâm làm cho đúng pháp. Đã được tiền của, phải dạy họ giữ tiền đúng cách, ham thích bố thí, tu tập phúc đức. Thấy đệ tử làm đúng như lời dạy, tâm sinh hoan hỷ. Đây gọi là pháp không phóng dật. Bồ tát tại gia nếu có thể dạy dỗ đệ tử tại gia như thế, thầy trò đều được vô lượng lợi ích.

[Giải]    Khi họ lập gia thất, nên đi tìm chỗ xứng đáng, tức là “xứng đôi vừa lứa”.

Năm bộ kinh, tức là năm bộ kinh A Hàm.

“Cúng dường ngoại đạo”, Bồ tát tại gia, vì muốn lập phương tiện nhiếp thọ ngoại đạo thì có thể cúng dường ngoại đạo, còn Bồ tát xuất gia không thể làm điều này.

“Làm việc cho chánh phủ”, người học Phật pháp, nhất là kẻ tại gia, không những không thể bỏ phế việc không làm, mà còn phải làm hay hơn, giỏi hơn, tích cực hơn những người không học Phật.

L2. Nhà vua giáo hóa dân chúng

Thiện nam tử! Nếu Bồ tát tại gia được thế lực làm vua nước lớn, nên bảo hộ dân chúng, coi như con một. Dạy họ xa lìa việc ác, tu tập pháp lành. Thấy kẻ làm ác, tuy trừng phạt khiển trách, nhưng không sát hại họ. Đánh thuế dân chúng, chỉ thâu một phần tài sản của họ. Thấy kẻ sân giận, dạy họ tu pháp nhẫn nhục và không buông lung. Đem lời nhỏ nhẹ dạy dỗ dân chúng, lại khéo phân biệt người lành kẻ dữ. Không tùy tiện tra hỏi người có tội. Nếu có tiền của, tùy lực phân phát cho nhân dân. Tùy sức đọc tụng năm bộ kinh. Khéo giữ gìn thân mệnh, của cải. Có thể dạy dỗ chúng sinh, không cho làm ác. Thấy kẻ nghèo khổ, sinh lòng thương xót. Đối với lãnh thổ của mình, thường tu pháp biết đủ. Quyết định không tin lời sàm tấu, hoặc hủy báng. Không dùng điều phi pháp bóc lột nhân dân. Như pháp bảo vệ quốc gia, xa lìa bảy điều ác: một là không ưa cờ bạc, hai là không thích săn bắn, ba là không thích rượu chè, bốn là tâm không háo sắc, năm là không nói lời thô, sáu là không nói lời đâm thọc, bảy là không bóc lột tài sản nhân dân. Thường hay cúng dường những bậc xuất gia. Có thể làm cho người dân trong nước đối với nhà cầm quyền khởi tâm cung kính. Tin tưởng nhân quả. Thấy người hơn mình, không sinh lòng ghen ghét. Thấy mình hơn người, cũng không sinh lòng kiêu mạn. Hay nghĩ việc trả ơn. Thọ ơn nhỏ, đền ơn lớn. Có thể điều phục sáu căn, làm sạch ba nghiệp. Khen ngợi người lành, khiển trách kẻ ác. Trước khi nói lời gì, đều suy nghĩ kỹ. Lời nói nhỏ nhẹ. Nếu tự mình không đủ thế lực, có thể lệ thuộc kẻ khác một cách đúng pháp. Lúc chiếm nước người, không dùng bốn thứ binh. Khi chúng sinh sợ hãi, có thể cứu hộ. Thường dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục chúng sinh. Khéo phân biệt tất cả pháp tướng. Đối với người không tin, dùng lời dịu dàng mà nhiếp phục họ.

[Giải]    Vị quốc vương nào có thể dùng những lời dạy ở đây của Đức Phật, đem giáo hóa nhân dân, thì vị quốc vương đó là Thánh vương.

I4. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai loại: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia nuôi dạy hai loại đệ tử không có gì khó, Bồ tát tại gia nuôi dạy đệ tử tại gia, đây mới thực khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Bồ tát tại gia nuôi dưỡng đệ tử khó khăn so với Bồ tát xuất gia.