THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả
TRONG NHÁY MẮT ĐẬU PHƯƠNG BIẾN THÀNH NGƯỜI KHỜ DẠI ĐIÊN CUỒNG
Đường Tương Thanh
Tại tỉnh Thiểm Tây có người già họ Đậu, ông có người con trai tên Phương, bẩm tính lanh lợi thông minh, đọc qua một lần liền nhớ như in không sai một câu một chữ. Đáng tiếc thay, do quá thông minh lanh lợi, sinh tâm cống cao ngạo mạn, xem trời bằng vung, không coi ai ra gì, luôn cho mình thông minh tuyệt đỉnh không ai hơn, như thể trên thế giới này chẳng ai có thể so sánh được với y. Đậu Phương lớn lên với bản tính cuồng vọng như vậy, đối với người cha già lưng còng gối mỏi mắt mờ, việc gì cũng cãi được. Phụ thân nói trắng, y cố tình nói đen, phụ thân muốn đi về Đông, y cố tình đi về Tây. Y còn bác bỏ kinh nghiệm xử thế quí báu như bảo bối hơn mấy mươi năm của cha già, ngày càng khó chịu với cha, cho rằng ông là người cổ lổ sĩ, bất kể lời nói việc làm gì của cha cũng đều lạc hậu, không thích hợp với lớp trẻ năng động. Đậu lão tiên sinh có đứa nghịch tử ương ngạnh cuồng vọng như thế, ông thường than ngắn thở dài, lắc đầu không thôi.
Một hôm, Đậu lão tiên sinh dạy nghịch tử Đậu Phương:
– Đạo lí hiếu thuận, quan trọng nhất chính là nghe theo lời chỉ dạy của cha mẹ, song bất cứ việc gì con cũng đều trái nghịch ý chỉ của cha, xưa nay chưa có lần nào con nghe lời cha hết, như vậy có thể gọi là hiếu sao?
Không để ông cụ nói hết lời, Đậu Phương tức giận đỏ mặt tía tai nộ lớn:
– Thời đại cứ liên tục phát triển hướng đến trước, ông bảo tôi cái gì cũng nhất nhất nghe theo những điều cổ lổ sĩ của hạng nhà quê không một chữ cắn đôi, đó chẳng phải giẫm lên vết xe đổ sao?
Hai cha con biện luận qua lại, nhưng Đậu Phương giành nói lia lịa, không chịu nghe lời dạy bảo hết lòng hết dạ của cha, lại còn lên nước dạy đời, Đậu lão tiên sinh chỉ biết tức giận run người cúi đầu chẳng thốt nên lời.
Đậu lão tiên sinh đã không còn cách nào cải hóa con mình, ông mặc kệ để nó muốn làm gì thì làm, có thái độ chống đối thế nào cũng được, các việc lớn nhỏ trong gia đình, Đậu lão tiên sinh đều buông hết không nghe không hỏi, hết thảy đều để con quyết định. Ai có việc gì đến bàn tính với Đậu gia, cũng do Đậu Phương giải quyết, vì thế trong ngoài chỉ biết có Đậu Phương, chẳng ai buồn để ý đến sự hiện diện của Đậu lão tiên sinh.
Đậu Phương có một người chị đã lấy chồng, là con gái lớn của Đậu lão tiên sinh. Gia cảnh nhà chồng quá cơ hàn, không thể duy trì cuộc sống, trở về nhà cha ruột xin ít thức ăn. Đậu lão tiên sinh thương con gái đói rách, bảo Đậu Phương lấy cho chị 2 tạ ngũ cốc. Đậu Phương ngỗ nghịch đã trở thành thói quen, không chỉ bất hiếu với cha, đối với người chị ruột cũng chẳng chút thương tình. Y quyết không cho, một chút cũng không được, bình thản ngồi nhìn chị đói rách. Việc này càng làm tổn thương Đậu lão tiên sinh, lòng ông như dao cắt kim châm, tức giận lắm nhưng đành bất lực, chỉ biết ngồi gục đầu khóc chung với con gái.
Một hôm, Đậu Phương và bạn hữu đến chùa Báo Ân tham quan, thấy trong chùa có quyển kinh Địa Tạng Bồ- Tát Bổn Nguyện, trong kinh ghi sự tích Bồ-tát Địa Tạng bày nhiều phương cách cứu mẫu thân, đọc qua một lượt, y bắt đầu tranh luận kịch liệt:
– Con người chết đi rồi, làm gì còn linh hồn, càng làm gì có chuyện địa ngục với không địa ngục? Khi còn tại thế, mẫu thân của Bồ-tát Địa Tạng, bất quá cũng chỉ thích ăn loài cá trạch và không kính chư tăng, làm gì có tội lớn như vậy, để đến nỗi phải đọa vào 18 tầng địa ngục, lãnh thọ các loại quả báo xấu ác như thế? Những gì ghi trong kinh, toàn nói bậy bạ, nói càn nói rỡ.
Nói xong, tức giận xé nát cuốn kinh Địa Tạng.
Đột nhiên y cảm thấy buồn ngủ không chịu được, mượn phòng của chư tăng ngủ trưa đỡ, mộng thấy mình đến một nơi rất đẹp, trên cửa treo hai câu đối, nội dung: “Địa Tạng Bổn Nguyện kinh, không chỗ nào không nói đến hiếu hạnh; ánh sáng của Bồ-tát Địa Tạng, mới có khả năng nhân từ”. Lát sau, có đứa trẻ chạy đến nói:
– Bồ-tát mời ông vào!
Y bước theo đứa trẻ đi vào, thấy Bồ-tát Địa Tạng đứng thẳng cầm tích trượng, y phục trang sức chẳng khác nào bức phù điêu trên vách, Bồ-tát dạy Đậu Phương:
– Sự tích cứu mẹ được ghi trong kinh điển nhà Phật, Đức Phật là bậc thánh trên bậc thánh, là vị nói lời chân thật, sao có lí lừa gạt người ta? Con xé kinh Phật, là sự bất kính rất lớn. Con thấy chuyện ta cứu mẹ sau khi chết, đại hiếu đó biết chừng nào, con thì lại ngỗ nghịch chống đối phụ thân khi còn sống, trái ngược hoàn toàn với ta, quả thực bất hiếu rất lớn. Hành động bất kính bất hiếu như con, sao có thể gọi là người? Nếu con không lập tức sám hối, ăn năn, nguyện sửa đổi, e ác báo khó tránh.
Bồ-tát giáo hóa y một cách từ bi khẩn thiết như thế, nhưng do nghiệp xấu ác của Đậu Phương đã gây tạo ở đời trước và đời này quá sâu dày, ương ngạnh không thể hóa độ, y chẳng biểu hiện ăn năn, hối cải, nguyện cải tà qui chính.
Đậu Phương vừa giật mình tỉnh giấc, thần hồn điên đảo, không có phản ứng gì với những việc xảy ra trước mắt, khờ dại suốt cả ngày, so với trước kia giống như hai người. Đút cho y ăn, đút bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không thấy no; có khi tự lẩm bẩm nói gì đó với mình, có khi vừa khóc vừa cười, không biết xấu hổ. Một thanh niên vốn thông minh lanh lợi, hốt nhiên lại biến thành điên cuồng, thần kinh không ổn định, đây chẳng phải minh chứng rõ ràng quả báo xấu ác của hành vi ngỗ nghịch bất hiếu đó sao?