ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2. Tác ác thọ hại (làm ác mắc hại)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.1. Trực thị vật sát (dạy thẳng thừng đừng giết chóc)

(Kinh) Hoặc dĩ sanh hạ, thận vật sát hại, thủ chư tiễn vị, cung cấp sản mẫu, cập quảng tụ quyến thuộc, ẩm tửu, thực nhục, ca nhạc huyền quản, năng linh tử mẫu, bất đắc an lạc.

()或已生下慎勿殺害取諸鮮味供給產母及廣聚眷屬飲酒食肉歌樂絃管能令子母不得安樂。

(Kinh: Hoặc nếu đã sanh xong, hãy cẩn thận đừng sát hại để lấy vị tươi cung cấp cho người mẹ, và tụ hội quyến thuộc đông đảo, uống rượu, ăn thịt, ca nhạc, đàn sáo, khiến cho mẹ lẫn con đều chẳng được an lạc).

Đối với chuyện sát hại, xưa nay đều cùng thương xót. Không gì chẳng phải là thấu hiểu tấm lòng hiếu sanh của thiên đạo, giữ gìn sanh mạng rất khó có của con người. Há có nên vì sướng miệng và thân ta, do đãi đằng mừng sanh con mà thương tổn sanh vật, đoạn mạng của chúng, mổ bụng, lóc vảy, trái nghịch lòng nhân của trời, chọc thần giận dữ ư? Vì thế, Vân Thê đại sư (tổ Liên Trì) nói: “Sanh con chớ nên sát sanh. Người không con thì buồn, có con ắt vui. Chẳng nghĩ hết thảy cầm thú cũng đều yêu thương con của chúng nó. Mừng con ta sanh ra, khiến con chúng nó bị chết, tâm há yên chăng? Phàm trẻ thơ mới sanh, chẳng vì nó tích tụ phước, mà lại ngược ngạo sát sanh tạo nghiệp, cũng ngu quá đỗi thay! Xưa kia, học sĩ Châu Dự đã từng nấu lươn, thấy nó cong thân hướng lên trên, còn đầu đuôi đều bị ngập trong nước nóng. Mổ ra, thấy trong bụng nó có lươn con, mới biết lươn cong mình tránh canh nóng vì yêu thương con. Than ôi! Tuy người và loài vật bất đồng, tấm lòng yêu con như một. Sao nỡ mừng nhà ta mẹ vừa sanh con, khiến cho mẹ con nó ôm đau khổ mà chết, ôm lòng bi thương mà thác! Đã bị mổ, chặt, lại bị nấu, đun, đau khổ khó thể nói được! Thấu xương, lọt tủy! Ngay trong lúc ấy, lòng nhân bé tí của ta mất sạch, oán khí vô  cùng  của  chúng  trường tồn. Muốn đời sau chúng nó chẳng truy tìm đòi trả báo, tôi chẳng tin!”

“Quảng tụ quyến thuộc” (tụ tập quyến thuộc đông đảo) là để mừng con mới sanh. Chủ Mạng răn cấm “đừng giết chóc”, bởi lẽ [không sát sanh] sẽ tăng thêm phước thọ cho con. Cổ nhân nói: “Rượu là thuốc để hòa dịu tâm thần, thịt là thức ăn để khỏi đói”. Xưa nay cùng một lẽ, nay sao lại coi thường? Ấy là vì thịt do sát hại sanh mạng mà có, rượu có thể làm loạn tâm thần. Chẳng ăn là lý, há nên làm càn! Trong kinh Ương Quật, đức Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh, sanh tử luân chuyển, vô phi phụ, mẫu, huynh, đệ, tỷ, muội, do như kỹ nhi, biến dịch vô thường” (Hết thảy chúng sanh trôi lăn sanh tử, không ai chẳng phải là cha, mẹ, anh em trai, chị em gái của nhau, giống như đào kép đổi vai chẳng thường hằng). Thịt ta hay thịt chúng nó, đều cùng là thịt. Vì thế, chư Phật đều chẳng ăn thịt. Hơn nữa, uống rượu đoạn chủng tử trí huệ, ăn thịt đoạn chủng tử từ bi. Chủng tử trong tương lai còn bị đoạn mất, sao bảo đảm chủng tử hiện tại chẳng bị đoạn dứt ư? Nếu tuân theo lời giáo huấn của Chủ Mạng, không chỉ là tiêu tai, hết lỗi, mà còn có thể gom góp phước, kéo dài tuổi thọ. Xin hãy suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng câu nệ thói tục!

“Ca nhạc” như đã giải thích trong phần trước. “Huyền quản” là tiếng tơ, tiếng trúc. Ngay cả những thứ ấy (ca nhạc, đàn địch) cũng phải kiêng, bởi lẽ, uống rượu, ăn thịt đã loạn tánh, lại còn tổn thương lòng Từ; ca nhạc đàn sáo khiến cho tình thức phóng đãng, ý chí buông lung. Đã trái nghịch lòng nhân đức của trời đất, lại trái nghịch rất lớn lòng Từ của Chủ Mạng, khiến cho nhà cửa bị giảm oai quang, xúc phạm ý hộ trì của thổ địa, mẹ con chẳng được an lạc, lỗi ấy quy về ai đây?

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2. Chuyển thích kỳ ý (giải thích ý ấy)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2.1. Sản thời ác quỷ đạm huyết (khi sanh nở, ác quỷ ăn máu)

(Kinh) Hà dĩ cố? Thị sản nạn thời, hữu vô số ác quỷ, cập võng lượng tinh mị, dục thực tinh huyết.

()何以故是產難時有無數惡鬼及魍魎精魅欲食腥血。

(Kinh: Vì sao vậy? Do lúc sản nạn, có vô số ác quỷ và võng lượng tinh mị muốn ăn tinh huyết).

Giải thích thêm ý nghĩa, tức là có ác quỷ muốn ăn tinh huyết. Do lúc sanh nở, quỷ mị đến vây quanh nơi máu rơi trên đất và chỗ hôi thối bộc lộ. Các loài tà vạy gây điên khùng, đụng chạm tử thi, các loài quỷ gây điên đảo do cổ độc đều đến ngấm nghé, toan xâm phạm. Như các mẩu thịt rơi nơi ngã tư đường, chim, diều hâu, ưng, sói đều cùng tranh giành. Các loài yêu quỷ tà vạy muốn ăn chất bài tiết của trẻ vây đầy chung quanh cũng giống như thế. Kinh Hộ Tịnh dạy: “Ngạ quỷ thường thủ bộ phụ nữ sản tạng huyết bất tịnh dĩ vi ẩm thực” (Các loài quỷ đói thường cướp lấy máu và các chất bất tịnh nơi tử cung của phụ nữ mới sanh nở để làm thức ăn). Bài kệ trong kinh Phân Biệt Thiện Ác chép: “Hiếu điều nhiễu lão thiểu, khất nhi dữ bệnh nhân. Hậu vi tao ngạ quỷ, thực sản nhũ ác lộ” (Thích quấy nhiễu già, trẻ, ăn mày, và bệnh nhân. Chết đi thành ngạ quỷ, ăn chất dơ bà đẻ). Ác nghiệp của quỷ thật quá đáng thương!

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2.2. Ngã lệnh thổ địa hộ (con ra lệnh cho thổ địa che chở)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2.2.1. Hộ linh an lạc (che chở cho họ được an vui)

(Kinh) Thị ngã tảo linh xá trạch thổ địa, linh kỳ, hà hộ tử mẫu, sử linh an lạc, nhi đắc lợi ích.

()是我早令舍宅土地靈祇荷護子母使令安樂而得利益。

(Kinh: Con đã sớm sai thổ địa và thần kỳ chủ quản nhà cửa ấy bảo vệ mẹ lẫn con, khiến cho họ được an vui, đạt được lợi ích).

Chủ Mạng tự nói: “Con đã chủ quản sanh mạnh, người sắp sanh có can hệ đến con. Vì thế, trước đó đã sai thổ địa che chở mẹ con họ”. Đấy chính là giống như [thí dụ] đội vác giùm vật nặng trong phần trước, khiến cho người ấy chẳng bị vấp té. Cho nên nói là “hà hộ” (荷護, gánh vác, bảo vệ). Hê Ma Bạt Đà (Haimavata) dịch là Xá Chủ (舍主, chủ nhà) e rằng là tên của vị thần bảo hộ nhà cửa. “An lạc, lợi ích”: Khiến cho họ được sanh nở an ổn. Nghe tiếng con khóc lọt lòng, cha mừng nhà có thêm con, chẳng phải lo dòng dõi đoạn tuyệt. Vì thế, thổ địa bảo vệ, thật ra là do Chủ Mạng hạ lệnh. Theo Đạo Tạng, khi nhân gian sanh con cái, Cửu Thiên Huyền Nữ[1] sai thiên thần ở trong hư không xướng  danh  về những điều kính phụng. Sanh con trai thì xướng lên một ngàn sáu trăm câu như: “Mong cho đứa trẻ này ở nhà thì phụng dưỡng cha mẹ, ra làm quan sẽ phụng sự vua”. Sanh con gái cũng xướng lời cung chúc một ngàn sáu trăm câu, khiến cho khi nó về nhà chồng, sẽ kính phụng bố mẹ chồng và chồng. Khi [các thiên thần] sắp xướng lên lời chúc tụng, cát hung chỉ ngay trong khoảnh khắc ấy. Chuyện ấy được nói ở đây vậy.

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2.2.2. Bất tri thiết phước (chẳng biết làm phước)

(Kinh) Như thị chi nhân, kiến an lạc cố, tiện hợp thiết phước, đáp chư thổ địa, phiên vi sát hại, tập tụ quyến thuộc.

 ()如是之人見安樂故便合設福答諸土地翻為殺害集聚眷屬。

(Kinh: Người như thế, do thấy [mẹ con sanh nở] an lạc, lẽ ra phải nên làm phước để đáp tạ các thổ địa, lại ngược ngạo giết hại, tụ họp quyến thuộc).

Câu đầu tiên chỉ ra: Gia đình vừa mới sanh con trai hay con gái, đã thấy sanh nở an vui, hãy nên nghĩ: Được an vui là do công của thổ địa, đáng phải nên làm chuyện phước thiện để đền áp ơn trạch chủ. Nay lại ngược ngạo sát hại sanh linh, tụ tập quyến thuộc, uống rượu, ăn thịt, ca nhạc, đàn sáo, chọc giận thần thánh, thiếu suy nghĩ quá đáng! Xưa kia, vào năm Vạn Lịch 33 (1605) nhà Minh, ông Thái Hòe Đình (húy Thừa Thực) làm thái thú ở Gia Hưng, đã hạ lệnh cấm sát sanh cúng thần. Ở đây, tôi trích đại lược lời phủ dụ như sau: “Quỷ thần hưởng dụng khác với nhân gian. Con người chuộng rượu, thịt, liền dùng rượu, thịt để cúng thần. Ví như giòi ăn phân, liền dâng phân cho người, há chẳng mắc tội với người ư? Do thần minh thanh tịnh, ngửi mùi rượu, thịt ô uế của nhân gian, ghét bỏ còn chẳng xuể, há chịu xét soi hưởng dụng ư? Vì thế, tế Nam Giao[2] chỉ dùng rượu nhạt, người đứng tế kiêng rượu, ăn chay, có thể suy ra mà hiểu ý ấy! Còn như ngạ quỷ chẳng thể uống nước, sao có thể ăn thịt cho được? Ngài Mục Liên cứu mẹ, có thể theo đó mà xét soi. Phàm cúng tế thần minh, hãy nên dâng hương, sửa soạn cỗ chay, và tụng một quyển kinh Kim Cang, thần sẽ tự xét soi, thâu nhận. Âm ty hết sức coi trọng kinh ấy. Nếu vẫn như cũ, sát sanh làm ô uế thần, không chỉ vô ích, lại còn bị trách tội!” Tôi cho ông Thái Minh Phủ đúng là [bậc Bồ Tát] hiện thân tể quan, vì vạn quỷ, vạn dân mà thuyết pháp. Tiếc rằng người đời chẳng biết tín phụng, tự chuốc lấy tội lỗi, biết làm sao được nữa!

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2.2.2. Kết thị hại tổn (kết lại lời dạy về sự tổn hại)

(Kinh) Dĩ thị chi cố, phạm ương tự thọ, tử mẫu câu tổn.

 ()以是之故犯殃自受子母俱損。

(Kinh: Do bởi lẽ ấy, đã phạm lỗi phải tự chịu tai ương, mẹ lẫn con đều bị tổn hại).

“Phạm ương tự thọ” (phạm lỗi, tự gánh chịu họa ương): Kinh dạy: “Hữu Dạ Xoa, La Sát, thường hỷ đạm nhân thai, năng linh nhân vô tử, thương hại ư bào thai, cập sanh thời đoạt mạng, vị kỳ tác nhiễu hại” (Có Dạ Xoa, La Sát, thường thích ăn thai người, khiến cho người không con, tổn hại đến bào thai. Lúc sanh thì đoạt mạng, quấy nhiễu và làm hại). Như vậy thì sanh con ra mà con bị chết yểu là do người ta sát hại tự gây nên, chẳng phải là vì thổ địa không che chở!

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2. Khuyến tử thời tu thiện (khuyên lúc chết nên tu thiện)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.1. Trần kỷ bổn ý (trần thuật ý mình)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.1.1. Thị thiện ác câu siêu (thiện hay ác đều được siêu thoát)

(Kinh) Hựu Diêm Phù Đề lâm mạng chung nhân, bất vấn thiện ác, ngã dục linh thị mạng chung chi nhân, bất lạc ác đạo, hà huống tự tu thiện căn, tăng ngã lực cố.

()又閻浮提臨命終人不問善惡我欲令是命終之人不落惡道何況自修善根增我力故。

(Kinh: Lại nữa, người Diêm Phù Đề lúc sắp mạng chung, bất luận thiện hay ác, con đều muốn cho người mạng chung ấy chẳng rơi vào ác đạo, huống hồ là người tự tu thiện căn sẽ tăng thêm sức cho con).

Kinh Pháp Cú dạy: “Mạng như hoa quả thục, thường khủng hội linh lạc. Dĩ sanh giai hữu khổ, thục năng trí bất tử” (Mạng như hoa quả chín, thường sợ sẽ rơi rụng. Đã sanh đều có khổ, có ai được bất tử?) Vì thế nói: “Sanh thì tám thức nâng đỡ, tử thì Tứ Đại tan lìa. Trăm tuổi thoáng chốc, rốt cuộc đều mòn diệt! Xoay vần trong ba cõi, lưu chuyển chẳng hề ngừng”. Do vậy, kinh dạy: “Hữu thỉ, hữu chung, ký sanh tắc diệt, thùy năng cấm kỳ bất tử da?” (Có khởi đầu thì có kết thúc, đã có sanh thì có diệt, ai có thể ngăn cấm khiến cho chính mình chẳng chết ư?) Nhưng lúc lâm chung, cái nghiệp thiện ác đã tạo lúc bình thời sẽ cùng lúc nhanh chóng hiện ra, [người chết phải] theo nghiệp mà thọ sanh. Kinh Pháp Cú dạy: “Nhân tác thiện ác, ương phước tùy nhân, tuy cánh sanh tử, bất khả đắc miễn” (Người làm thiện ác, họa phước theo người. Dẫu qua sanh tử, chẳng thể tránh khỏi). Nhưng trong ý con (Chủ Mạng), chẳng cần biết người ấy thường nhật làm lành hay làm ác, con đều làm cho người ấy sanh vào chốn lành, chẳng để cho người ấy rơi vào đường ác. Huống hồ người ấy vốn chẳng làm ác, tự tu Thí, Giới; do thiện căn đã tu thành của người ấy sẽ khiến cho oai đức của con cũng tăng thêm mạnh mẽ. Khi người ấy cảm báo, ắt sanh lên cõi trời, hoặc sanh trong nhân gian.

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2. Quỷ thần biến ác (quỷ thần biến hiện chuyện ác)     

(Kinh) Thị Diêm Phù Đề hành thiện chi nhân, lâm mạng chung thời, diệc hữu bách thiên ác đạo quỷ thần, hoặc biến tác phụ mẫu, nãi chí chư quyến thuộc, dẫn tiếp vong nhân, linh lạc ác đạo, hà huống bổn tạo ác giả.

()是閻浮提行善之人臨命終時亦有百千惡道鬼神或變作父母乃至諸眷屬引接亡人令落惡道何況本造惡者。

(Kinh: Người làm lành trong Diêm Phù Đề, khi sắp mạng chung, cũng có trăm ngàn quỷ thần trong đường ác, hoặc biến thành cha mẹ, cho đến các quyến thuộc, tiếp dẫn người mất, khiến họ rơi vào ác đạo, huống hồ kẻ vốn làm ác).

Kinh Tịnh Độ Tam Muội nói: “Nhược nhân tạo thiện ác nghiệp, sanh thiên, đọa ngục, các hữu nghênh nhân. Bệnh dục tử thời, nhãn tự kiến lai nghênh. Ưng sanh thiên thượng giả, thiên thần trì thiên y, kỹ nhạc lai nghênh. Ưng sanh tha phương giả, nhãn kiến tôn nhân vị thuyết diệu ngôn. Nhược vi ác, đọa địa ngục giả, nhãn kiến binh sĩ, trì đao, thuẫn, mâu, kích, sách vi nhiễu. Sở kiến bất đồng, khẩu bất năng ngôn, các tùy sở tác, các đắc kỳ quả” (Nếu ai tạo nghiệp thiện, ác, sanh lên trời, hay đọa vào địa ngục, đều có người đến đón tiếp. Khi người bệnh sắp chết, mắt tự thấy có người đến đón. Người đáng sanh lên trời, thiên thần cầm áo trời, kỹ nhạc đến đón. Người đáng sanh vào phương khác, mắt sẽ thấy người tôn quý vì người ấy nói lời mầu nhiệm. Nếu là kẻ làm ác đọa địa ngục, mắt thấy binh sĩ cầm đao, thuẫn, mâu, kích, dây trói vây quanh. Mỗi người thấy khác nhau, miệng chẳng thể nói được, mỗi người đều thuận theo những gì đã làm mà tự đạt được cái quả). Vì thế, khi lâm chung, quả thật có ác quỷ nhiễu loạn. Dẫu cho người một mực làm lành, vẫn khó tránh khỏi bị quấy nhiễu. Hoặc là [ác quỷ thần] biến thành cha, mẹ, anh, em, chú, bác, cô, dì, khiến cho tâm người ấy (người sắp chết) yêu mến, tinh thần nhiễu loạn. Quỷ liền dùng thân giống như cha mẹ v.v… dẫn người ấy vào đường ác, huống hồ chính người ấy tạo ác. Bởi lẽ, người sắp chết, Thiên Đế truyền văn thư xuống. Người ấy chưa đến lúc chết, quỷ thần Thái Sơn bèn xúi giục kẻ ấy tạo tội, khiến cho người ấy rơi vào ác đạo. Hãy nên biết là những quỷ thần đó giở trò, chứ còn ai nữa?

 Vì thế, Đại Luận dẫn kinh Phân Biệt Nghiệp như sau: “Phật cáo A Nan: ‘Hành ác nhân, hảo xứ sanh; hành thiện nhân, ác xứ sanh’. A Nan viết: ‘Thị sự vân hà?’ Phật ngôn: – Ác nhân kim thế tội nghiệp vị thục, túc thế thiện nghiệp dĩ thục, cố kim tuy vi ác, nhi sanh hảo xứ. Hoặc lâm tử thời, thiện tâm tâm số pháp sanh, diệc sanh hảo xứ. Hành thiện nhân sanh ác xứ giả, kim thế thiện vị thục, quá khứ ác dĩ thục. Cố kim tuy vi thiện, nhi sanh ác xứ. Hoặc lâm tử thời, bất thiện tâm tâm số pháp sanh, diệc sanh ác xứ” (Đức Phật bảo A Nan: “Người làm ác sanh về chỗ tốt đẹp, người làm lành sanh về chỗ ác”. Ngài A Nan hỏi: “Chuyện ấy là như thế nào?” Đức Phật dạy: “Kẻ ác do tội nghiệp đời này chưa chín muồi, thiện nghiệp đời trước đã chín muồi, cho nên nay tuy làm ác mà sanh về chốn tốt đẹp. Hoặc khi sắp chết, các tâm số pháp của thiện tâm sanh khởi, cũng sanh về chỗ tốt đẹp. Kẻ làm lành mà sanh về chỗ ác, là vì điều thiện đời này chưa chín muồi, điều ác trong quá khứ đã chín muồi, cho nên nay tuy làm lành mà sanh vào chốn ác. Hoặc lúc sắp chết, các pháp tâm số của tâm bất thiện sanh khởi, cho nên cũng sanh vào chỗ ác). Vì thế, luận Câu Xá nói: “Nếu người lâm chung dấy lên tâm tà kiến, là do các điều bất thiện trước kia làm duyên, cho nên đọa địa ngục”. Vậy thì dẫu không có quỷ dẫn dắt, vẫn khó đảm bảo “làm lành sẽ sanh về chốn lành”. Huống hồ kẻ vốn tạo ác, tự nhiên sẽ bị dẫn vào ác đạo!

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.2. Thị nhân bất hội (người lâm chung không hiểu biết)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.2.1. Vong giả thần thức hôn muội (người mất thần thức tối tăm, mê muội)

(Kinh) Thế Tôn! Như thị Diêm Phù Đề nam tử, nữ nhân, lâm mạng chung thời, thần thức hôn muội, bất biện thiện ác, nãi chí nhãn, nhĩ, cánh vô kiến văn.

()世尊如是閻浮提男子女人臨命終時神識惛昧不辯善惡乃至眼耳更無見聞。

(Kinh: Bạch đức Thế Tôn! Nam tử, nữ nhân trong cõi Diêm Phù Đề như thế, khi sắp mạng chung, thần thức tối tăm, mê muội, chẳng phân biệt thiện, ác, cho đến mắt, tai, trọn chẳng thấy nghe).

“Lâm chung thần thức tối tăm”: Thần thức trong thân có lúc rời đi ngay, có khi rời đi theo thứ tự trước sau. Chỉ có thức thứ tám rời đi cuối cùng, cũng nào có biết?  

Kinh Niết Bàn dạy: “Như nhân xả mạng, thọ đại khổ thời, tông thân vi nhiễu, hào khốc áo não. Kỳ nhân hoảng bố, mạc tri y cứu. Tuy hữu ngũ tình, vô sở tri giác. Chi tiết chiến động, bất năng tự trì. Thân thể hư lãnh, noãn khí dục tận. Kiến tiên sở tu thiện ác báo tướng, như nhật thùy một, sơn, lăng, đôi, phụ ảnh hiện đông di, lý vô Tây thệ. Chúng sanh nghiệp quả, diệc phục như thị. Cố lâm chung thời, chư căn ảm nhiên, thức bất năng biện. Nhãn, nhĩ tuy tại, hà năng kiến văn?” (Như người lúc xả mạng, chịu đại khổ, họ hàng vây quanh, gào khóc áo não. Người ấy hoảng sợ, chẳng biết nương vào ai để cầu cứu. Tuy có năm tình thức, nhưng chẳng hay biết. Chi thể và các lóng đốt rúng động, chẳng thể tự khống chế được. Thân thể hư nhược, lạnh lẽo, hơi ấm gần dứt. Thấy các báo tướng do điều thiện lẽ ác đã làm trước kia, như mặt trời sắp lặn, núi, ghềnh, đồi, gò đều hiện bóng chiếu sang Đông, chẳng có lẽ nào ngả về Tây. Nghiệp quả của chúng sanh cũng giống như thế; cho nên khi lâm chung, các căn ảm đạm, thức chẳng thể biện định. Tai, mắt tuy hãy còn, sao có thể thấy, nghe?)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2. Quyến thuộc đương vị tu phước (quyến thuộc hãy nên vì người ấy tu phước)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1. Đa thiện duyên, ly ác đạo khổ (do nhiều thiện duyên, sẽ lìa nỗi khổ trong đường ác)

(Kinh) Thị chư quyến thuộc, đương tu thiết đại cúng dường, chuyển độc tôn kinh, niệm Phật Bồ Tát danh hiệu. Như thị thiện duyên, năng linh vong giả ly chư ác đạo, chư ma, quỷ, thần tất giai thoái tán.

 ()是諸眷屬當須設大供養轉讀尊經念佛菩薩名號。如是善緣能令亡者離諸惡道諸魔鬼神悉皆退散。

(Kinh: Các quyến thuộc ấy hãy nên sắm sửa cúng dường to lớn, tụng niệm tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát. Thiện duyên như thế có thể khiến cho người mất lìa khỏi các ác đạo, các ma, quỷ, thần sẽ đều lui tan).

“Đương tu thiết cúng dường” (Hãy nên sắm sửa cúng dường) là chuyện cần phải lo liệu. Ví như thuyền đi vào chỗ hiểm, cần phải gấp gắng sức. Hễ có chút nào sơ sểnh, người lẫn thuyền đều bị chìm. Ấy là vì Tiền Ấm (thân thể trong đời hiện tại của người sắp chết) sắp chấm dứt, thân Trung Ấm sanh khởi. Trung Ấm có hai loại: Một là thiện nghiệp quả, hai là ác nghiệp quả. Do thiện nghiệp, nên đắc thiện giác quán. Do ác nghiệp, nên đắc ác giác quán. [Thần thức người chết] theo nghiệp nhân duyên, hướng đến chỗ thọ sanh. Kinh Ngũ Giới dạy: “Sanh tử hiểm nạn, thật khả kinh bố” (sanh tử hiểm nạn, thật đáng kinh sợ). Vì thế, cần phải sắp đặt cúng dường to lớn, đọc kinh, xưng danh. Cúng mà nói là “đại”, ý nói dốc cạn tài lực của chính mình, kiệt lực lo liệu. Nhưng trong lúc cúng dường, cần phải lìa cái tâm cho rằng những thứ [vật phẩm cúng dường] đó thật sự [chỉ có chừng ấy. Phải biết rằng]: Dù hương, hay hoa, Thể của chúng là pháp giới, tánh của người dâng cúng và đấng được cúng vốn là chân không. Do đó, những vật cúng ấy sẽ sanh khởi xứng với tâm lượng, thuận theo tánh mà thường trụ. Cúng dường trọn khắp Tam Bảo giống như cúng khắp mười phương. Tuy nói là “thí tài”, thật sự là pháp cúng dường, cho nên nói là Đại.

Niệm Phật, Bồ Tát thì như Kim Quang Minh Kinh Sớ viết: “Quán tâm đã là như vậy. Quán Phật cũng thế, cho nên nói là niệm Phật”. Đấy là nói về Lý Quán, nay chỉ xưng danh. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã dạy: “Nhược hữu nhất nhân xưng Nam-mô Phật, nãi chí tất khổ, kỳ phước bất tận” (Nếu có người xưng Nam Mô Phật một tiếng, cho đến hết sạch khổ, phước ấy chẳng hết). Đại Luận viết: “Hỏi: Vì sao chỉ xưng niệm suông danh tự, liền được hết khổ, phước ấy bất tận? Đáp: Từng nghe công đức của Phật có thể độ người thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết. Cúng dường dù nhiều hay ít, và xưng danh hiệu Phật, sẽ được vô lượng phước”. Vì thế, kinh Đại Bi dạy: “Nhược năng chí thành tâm, niệm Phật công đức, nãi chí nhất hoa, tán ư không trung. Ư vị lai thế, tác thiên Phạm Vương, kỳ phước bất tận. Dĩ kỳ bất tận, chung chí Niết Bàn” (Nếu tâm có thể chí thành thì do công đức niệm Phật, cho đến [do công đức] dùng một đóa hoa rải lên không trung, trong đời vị lai, sẽ làm Phạm Vương trên cõi trời. Phước ấy bất tận, cuối cùng đạt đến Niết Bàn). Nay đã do thiện duyên cúng dường, tụng kinh, xưng danh, sẽ tự có thể làm người chết lìa khỏi tam đồ ác đạo, chẳng cần trừ khử các ma quỷ biến hình (biến thành hình dạng người thân) mà chúng nó tự lui tan.

3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.2. Thiểu thiện duyên, trừ vô gián tội (do chút thiện duyên, trừ tội Vô Gián)

(Kinh) Thế Tôn! Nhất thiết chúng sanh lâm mạng chung thời, nhược đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, hoặc Đại Thừa kinh điển, nhất cú, nhất kệ, ngã quán như thị bối nhân, trừ Ngũ Vô Gián sát hại chi tội, tiểu tiểu ác nghiệp, hợp  đọa  ác  thú  giả, tầm  tức giải thoát.

()世尊一切眾生臨命終時若得聞一佛名一菩薩名或大乘經典一句一偈我觀如是輩人除五無間殺害之罪小小惡業合墮惡趣者尋即解脫。

(Kinh: Bạch Thế Tôn! Hết thảy chúng sanh khi mạng sắp chấm dứt, nếu được nghe danh hiệu một vị Phật, danh hiệu một vị Bồ Tát, hoặc kinh điển Đại Thừa, một câu, một kệ, con thấy những người như thế được trừ tội Ngũ Vô Gián và sát hại, các ác nghiệp nho nhỏ đáng đọa vào trong đường ác sẽ liền được giải thoát).

 Phần trên đã nói ba thứ công đức “sắp đặt cúng dường, đọc kinh, xưng danh” để giúp phước cho người trong cõi âm lìa ác đạo, đẩy lùi quỷ thần [quấy nhiễu]. Đó là công năng của nhiều phước. Nhưng nay [trong đoạn này, khẳng định] đối với danh hiệu của Phật Bồ Tát, chỉ một danh hiệu mà thôi, đối với kinh điển, chỉ một câu, một kệ mà thôi, sẽ liền có thể trừ khử tội Ngũ Vô Gián cực nặng.

“Một kệ”: Xứ Thiên Trúc chỉ cần đếm đủ ba mươi hai chữ thì gọi là một kệ, thường gọi là A Nậu Tốt Đổ Bà (Anuṣṭubh), hoặc Thâu Lô Ca Ba (Śloka). Chuyện này cũng là do có đại nhân duyên, cho nên lâm chung được nghe. Đại tội thượng phẩm đã trừ, những ác nghiệp nho nhỏ trung hạ, đáng đọa vào các biên tiểu ngục (các tiểu địa ngục phụ), sẽ lập tức giải thoát siêu thăng, như mặt trời rạng rỡ tan sương, há có tội khiên thừa sót ư? Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ninh thọ địa ngục khổ, đắc văn chư Phật danh. Bất thọ vô lượng lạc, nhi bất văn Phật danh” (Thà chịu khổ địa ngục, được nghe danh chư Phật. Chẳng hưởng vô lượng vui, mà chẳng nghe tên Phật). Do vì xưa kia, trong vô số kiếp chịu khổ, trôi lăn trong sanh tử do chẳng được nghe danh hiệu Phật. Hỏi: Vì sao chỉ nghe danh hiệu Phật liền đắc đạo? Đáp: Có chúng sanh phước đức thuần thục, tâm kết sử mỏng manh, nếu nghe danh hiệu Phật, sẽ lập tức đắc đạo; như vải len trắng mới sạch, dễ nhuộm mầu. Nghe danh hiệu Phật, công sức của phước ấy há lường nổi ư? Chủ Mạng trần thuật tâm ý đã xong.

3.2.3.2.2.2.2.2.1.2. Thế Tôn tán khuyến (đức Thế Tôn tán thán, khuyên răn)    

(Kinh) Phật cáo Chủ Mạng  quỷ  vương: “Nhữ  đại  từ  cố, năng phát như thị đại nguyện, ư sanh tử trung hộ chư chúng sanh. Nhược vị lai thế trung, hữu nam tử, nữ nhân, chí sanh tử thời, nhữ mạc thoái thị nguyện, tổng linh giải thoát, vĩnh đắc an lạc”.

()佛告主命鬼王汝大慈故能發如是大願於生死中護諸眾生。若未來世中有男子女人至生死時汝莫退是願總令解脫永得安樂。

(Kinh: Đức Phật bảo Chủ Mạng quỷ vương: “Ông do đại từ nên có thể phát đại nguyện như thế, ở trong sanh tử bảo vệ các chúng sanh. Nếu trong đời vị lai, có nam tử, nữ nhân đến lúc sanh tử, ông đừng lui sụt nguyện ấy, luôn làm cho họ giải thoát, vĩnh viễn hưởng yên vui”).

Đây là phần kinh văn chép lời tán thán, khuyên răn của đức Như Lai. Nói “đại từ” tức là có cái tâm giống như Phật. Phát đại nguyện tức là giống như tâm niệm của Bồ Tát. Nay đã lấy tâm Phật làm tâm của chính mình, có thể phát đại nguyện như thế, tức là Phật, Bồ Tát rồi. Vì thế, nay ta khuyên ông: Trong đời vị lai, hễ nam nữ gặp lúc sanh tử, ông đừng lui sụt tâm nguyện cứu giúp, che chở. Bất luận có tội hay vô tội, đại ác hay tiểu ác, ông đều làm cho họ giải thoát tam đồ, được hưởng niềm yên vui trong cõi trời, người, thật sự chẳng phụ lời ta căn dặn ngày nay!

3.2.3.2.2.2.2.2.1.3. Quỷ vương thọ mạng (quỷ vương vâng mạng)

3.2.3.2.2.2.2.2.1.3.1. Minh kỷ ủng hộ (nói rõ chính mình sẽ ủng hộ)

(Kinh) Quỷ vương bạch Phật ngôn: “Nguyện bất hữu lự! Ngã tất thị hình, niệm niệm ủng hộ Diêm Phù chúng sanh, sanh thời, tử thời, câu đắc an lạc”.

 ()鬼王白佛言願不有慮我畢是形念念擁護閻浮眾生生時死時俱得安樂。

(Kinh: Quỷ vương bạch Phật rằng: “Xin Ngài chớ lo! Cho đến hết mạng này, con trong mỗi niệm đều ủng hộ chúng sanh Diêm Phù lúc sanh, lúc tử, đều được yên vui”).

Ý nghĩa dễ hiểu.

3.2.3.2.2.2.2.2.1.3.2. Nguyện sanh tín thọ (mong chúng sanh tin nhận)

(Kinh) Đản nguyện chư chúng sanh, ư sanh tử thời, tín thọ ngã ngữ, vô bất giải thoát, hoạch đại lợi ích.

()但願諸眾生於生死時信受我語無不解脫獲大利益。

(Kinh: Chỉ mong các chúng sanh trong lúc sanh tử, tin nhận lời con thì không ai chẳng được giải thoát, đạt lợi ích to lớn).

Kinh Thế Ký chép: “Phật ngôn: – Nhất thiết nam tử, nữ nhân, sơ thỉ sanh thời, giai hữu quỷ thần tùy trục ủng hộ. Nhược kỳ tử thời, bỉ thủ hộ quỷ nhiếp kỳ tinh khí, kỳ nhân tắc tử” (Đức Phật dạy: “Hết thảy nam tử, nữ nhân, lúc mới sanh, đều có quỷ thần theo sát ủng hộ. Nếu đến lúc người ấy chết, các quỷ thần ấy sẽ thâu nhiếp tinh khí, người ấy liền chết”). Vì thế, Chủ Mạng mong mọi người lúc sanh, lúc tử, hãy cẩn thận đừng sát hại, hãy nên tu thiện duyên. Kinh Đại Tập dạy: “Nhược tu Từ giả, đương xả thân mạng thời, kiến thập phương Phật, thủ ma kỳ đảnh. Mông thủ xúc cố, tâm an khoái lạc, tầm đắc vãng sanh thanh tịnh Phật độ” (Nếu là người tu lòng Từ, khi sắp xả thân mạng, sẽ thấy mười phương Phật đưa tay xoa đỉnh đầu. Do được tay Phật chạm vào, tâm an vui sướng, liền được sanh về cõi Phật thanh tịnh). Vì thế, ngài Vân Thê (tổ Liên Trì) đã răn: “Cúng tế tổ tiên, chớ nên sát sanh để ngầm giúp phước cho người thân trong cõi âm. Phàm món ăn ngon quý bày la liệt trước mặt [linh vị], sao có thể khiến cho di cốt từ nơi chín suối sống dậy để ăn được ư? Đã vô ích lại còn tai hại, kẻ trí chẳng làm!”

3.2.3.2.2.2.2.2.2. Như Lai phát bổn (Như Lai nêu rõ bổn nhân của quỷ vương)

3.2.3.2.2.2.2.2.2.1. Phát viễn bổn (nêu rõ bổn hạnh lâu xa)

(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: “Thị đại quỷ vương Chủ Mạng giả, dĩ tằng kinh bách thiên sanh, tác đại quỷ vương, ư sanh tử trung, ủng hộ chúng sanh. Thị đại sĩ từ bi nguyện cố, hiện đại quỷ thân, thật phi quỷ dã.

()爾時佛告地藏菩薩是大鬼王主命者已曾經百千生作大鬼王於生死中擁護眾生。是大士慈悲願故現大鬼身實非鬼也。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: “Vị đại quỷ vương Chủ Mạng này đã từng trải qua trăm ngàn đời làm đại quỷ vương, ở trong sanh tử, ủng hộ chúng sanh. Vị đại sĩ này do nguyện đại từ bi mà hiện thân đại quỷ, chứ thật sự chẳng phải là quỷ”).

Phàm luận về Bổn và Tích, Bổn đồng mà Tích khác. Ấy là từ Bổn mà hiện Tích, Tích chẳng khác Bổn, do Tích mà hiển lộ Bổn. Bổn chẳng lìa Tích. Bổn và Tích tuy khác, nhưng đều là chẳng nghĩ bàn như nhau. Vì thế, nêu ra Bổn từ trăm ngàn kiếp trước, đạo chẳng hai với Phật. Nay làm thân quỷ này chính là do nguyện từ bi biến hiện. Ví như một vầng trăng trên bầu trời, bóng in xuống các chỗ có nước. Nếu chấp bóng trăng là thật, tức là đã đánh mất cái gốc. Vì thế nói: “Hiện thân đại quỷ, chứ thật sự chẳng phải là quỷ”.

Xưa kia, ngài Đạo Sanh thuyết pháp ở Hổ Khâu, có một quỷ hiện thân, hằng ngày đến nghe pháp. Ngài Đạo Sanh khuyên quỷ nên thác sanh. Quỷ dùng thơ để trả lời: “Tố quỷ kinh kim ngũ bách thu, dã vô phiền não, dã vô sầu, Sanh công khuyến ngã vi nhân khứ. Chỉ khủng vi nhân bất đáo đầu” (Năm trăm năm làm quỷ, chẳng phiền não, ưu sầu. Nay thầy khuyên làm người. Chỉ sợ trót làm người. Nẻo về lại lạc mất). Nay vị đại quỷ vương này đã trải qua trăm ngàn đời, há chẳng phải là do nương theo nguyện lực mà đến, hiện thân quỷ để thuyết pháp đấy ư?

3.2.3.2.2.2.2.2.2.2. Ký kiếp, quốc (thọ ký kiếp số và quốc độ)

(Kinh) Khước hậu quá nhất bách thất thập kiếp, đương đắc thành Phật, hiệu viết Vô Tướng Như Lai, kiếp danh An Lạc, thế giới danh Tịnh Trụ. Kỳ Phật thọ mạng, bất khả kế kiếp.

 ()卻後過一百七十劫當得成佛號曰無相如來劫名安樂世界名淨住。其佛壽命不可計劫。

 (Kinh: Qua một trăm bảy mươi kiếp sau, sẽ được thành Phật, hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp tên là An Lạc, thế giới tên là Tịnh Trụ. Vị Phật ấy thọ mạng chẳng tính nổi kiếp).

Sẽ được thành Phật”: Bậc Sơ Trụ làm Phật trong trăm cõi. “Vô Tướng”: Không chỉ là chẳng có tướng sanh, trụ, dị, diệt, mà vô tướng cũng chẳng có. Do vậy gọi là Vô Tướng. Nhưng dùng quỷ tướng để thành vô tướng, chẳng phải là trơ trơ như hư không. Hư không chẳng có một vật, còn vô tướng chính là tướng. Đem Vô Tướng ngày sau để quán quỷ tướng, [sẽ thấu hiểu quỷ tướng] chẳng phải là nhe nanh hung ác, mà nhằm thị hiện [sanh tử trong lục đạo] có các sự sợ hãi, tướng chính là vô tướng. Tướng quỷ ngày nay chính là Diệu Hữu chẳng thể nghĩ bàn. Vô tướng trong đời sau chính là Chân Không chẳng thể nghĩ bàn. Do Hữu chính là Không, Hữu đã chẳng thể được. Do Không chính là Hữu, Không chẳng thể gọi tên! Không lẫn Hữu đã mất, Trung Đạo chẳng lập. Dù quỷ hay Phật, danh ấy gởi vào đâu? Dù tướng hay vô tướng, Thể của chúng há tồn tại? Danh hiệu đã là như thế, kiếp và thế giới cũng vậy. Sao có thể nói quỷ thần luôn bị sai khiến, chẳng được an lạc ư? Kiếp nào cũng vốn tự an lạc, ai nói quỷ thần thuộc về cõi âm, trong chốn bất tịnh ư? Cõi nào cũng vốn sẵn tịnh trụ, sao có thể nói là tất cả năm tháng tuổi thọ của quỷ chỉ có năm trăm năm ư? Phật thọ chẳng thể tính kiếp; do vậy biết: Dùng Bổn để nghiệm Tích, Tích vẫn đồng Bổn. Dùng nhân để đối ứng với quả, quả chẳng khác nhân. Dụng ý nêu rõ Bổn hay khéo ở chỗ này!

3.2.3.2.2.2.2.2.2.3. Kết độ nhân (kết lại chuyện hóa độ người)

(Kinh) Địa Tạng! Thị đại quỷ vương, kỳ sự như thị bất khả tư nghị, sở độ thiên nhân, diệc bất khả hạn lượng.

()地藏是大鬼王其事如是不可思議所度天人亦不可限量。

(Kinh: Này Địa Tạng! Vị đại quỷ vương này có chuyện chẳng thể nghĩ bàn như thế đó, Ngài độ trời, người cũng chẳng thể hạn lượng).

“Kỳ sự bất khả tư nghị” (chuyện chẳng thể nghĩ bàn): Ước theo Bổn để tán thán Tích. Như kinh A Nan Cứu Diệm Khẩu có nói: “Kỳ trung vi chủ tể, thống lãnh thượng thủ chi giả, giai thị trụ bất khả tư nghị giải thoát Bồ Tát, từ bi thệ nguyện, phân hình bố ảnh, thị hiện hóa thân, tại lục đạo trung, đồng loại thọ khổ. Thiết ư phương tiện, vi thiện tri thức. Thành thục lợi lạc nhất thiết hữu tình chứng đại Niết Bàn” (Những vị làm chủ tể, thống lãnh, thượng thủ trong ấy đều là hàng Bồ Tát trụ giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, do từ bi thệ nguyện, phân thân hiện hình, thị hiện hóa thân làm đồng loại ở trong sáu đường thọ khổ, lập bày phương tiện, làm thiện tri thức để thành thục, lợi lạc hết thảy hữu tình chứng đại Niết Bàn). Như vậy thì những vị như Chủ Mạng quỷ vương v.v… và Diêm La thiên tử há cũng thật sự là do nghiệp thọ sanh, ba thời đều chịu khổ ư? Lại hãy nên biết: Hết thảy đều là các tướng huyễn hóa phù trần, từ ngay nơi ấy sanh ra, sẽ ở chính ngay nơi đó mà diệt mất. Huyễn vọng gọi là tướng, nhưng tánh của nó thật sự là cái Thể giác ngộ sáng suốt mầu nhiệm. Nếu thấu hiểu ý này, thì đối với hóa môn Quyền Thật của chư thánh đã biết hơn một nửa!


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Cửu Thiên Huyền Nữ (còn  gọi  là  Cửu  Thiên  Huyền  Mẫu, Cửu  Thiên  Nương

Nương, Huyền Tẫn Thị, Cửu Thiên Huyền Mẫu Thiên Tôn, hay Cửu Thiên Huyền Dương Nguyên Nữ Thánh Mẫu Đại Đế Huyền Tẫn Thị) là một vị nữ thần tối cổ trong thần thoại Trung Hoa. Bà được coi là một vị thần chủ trì thuật số, sáng tạo Thái Ất Độn Giáp Kỳ Môn, cũng như các phù chú nổi tiếng của Đạo giáo như Âm Phù, Linh Bảo Ngũ Phù. Chữ Huyền trong danh hiệu của bà thể hiện ý nghĩa trời cao, như kinh Dịch phần viết về quẻ Khôn đã ghi “thiên huyền, địa hoàng” (trời đen, đất vàng). Do trời xa thẳm, nhìn lên chỉ thấy một màu đen kịt khi trời tối, nên Huyền còn có nghĩa là huyền diệu, khó thấu hiểu. Địa vị của bà trong thần miếu Đạo Giáo được coi là chỉ kém Tây Vương Mẫu. Theo truyền thuyết, bà từng là thầy của Hoàng Đế, bản lãnh quân sự cao tột, giúp vua đánh bại Xi Vưu. Truyền thuyết cũng cho rằng Cửu Thiên Huyền Nữ hóa thân thành cô gái ẩn danh xứ Việt giúp Việt Vương Câu Tiễn huấn luyện quân sĩ hùng mạnh đánh bại Ngô Vương Phù Sai, khôi phục nước Việt. Tương truyền, ngay cả quân sư Lưu Bá Ôn của nhà Minh sở dĩ tinh thông Kỳ Môn Độn Giáp là do được Cửu Thiên Huyền Nữ truyền dạy.

[2] Nguyên văn là Giao Tự (郊祀) là một nghi lễ trọng đại thời cổ. Vào một ngày tốt do Khâm Thiên Giám chọn lựa kỹ càng, thường là trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Ba, vua dẫn các quan đại thần lớn nhỏ ra ngoài kinh thành, thường là đến một khu lễ đàn đã lập sẵn ở nơi thanh vắng, thường gọi là đàn Nam Giao, dâng lễ trời đất, cảm tạ hoàng thiên hậu thổ che chở đất nước, cũng như cầu quốc thái dân an.