TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười hai: Trang nghiêm  phúc đức, trí tuệ

H3. Liệt cử hai sự trang nghiêm phước đức, trí tuệ để khuyến khích
I1. Hỏi đáp phần trên

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, Bồ tát làm thế nào để trang nghiêm cho mình và người?”

Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Bồ tát có hai pháp, có thể trang nghiêm cho mình và người: Một là phúc đức, hai là trí tuệ.”

[Giải]    Ở đây tiếp tục câu hỏi trên “như thế nào có thể trang nghiêm cho mình và người?” Đức Phật được xưng là Lưỡng túc tôn, do đó Ngài trả lời rằng cần phải có đầy đủ phước đức và trí tuệ, mới có thể trang nghiêm cho mình và người.

I2. Hỏi đáp để cứu xét nguyên nhân

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà được hai pháp trang nghiêm này?

– Thiện nam tử! Bồ tát tu tập sáu pháp Ba la mật, sẽ được hai pháp trang nghiêm: bố thí, trì giới, tinh tiến, được gọi là phúc đức trang nghiêm; nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, được gọi là trí tuệ trang nghiêm. Lại có sáu pháp làm nhân cho hai pháp trang nghiêm này, tức là pháp lục niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, gọi là trí tuệ trang nghiêm; niệm giới, niệm thí, niệm thiên, gọi là phúc đức trang nghiêm.

[Giải]    Trong sáu Ba la mật, cũng có người phân biệt: bố thí, nhẫn nhục, trì giới là phước đức, bát nhã là trí tuệ, còn tinh tiến và thiền định là chung cho cả hai phần phước trí; lại có người cho rằng: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định đều là phước đức, chỉ có bát nhã là trí tuệ. Còn bổn kinh thì lại là một trường hợp khác.

I3. Nói rõ hành tướng của hai sự trang nghiêm
J1. Dùng thành quả để biện minh

Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ hai pháp trang nghiêm này, có thể lợi mình lợi người. Vì chúng sinh chịu khổ trong ba đường ác, mà trong tâm vẫn không sinh sầu khổ, hối hận. Nếu có thể đầy đủ hai pháp trang nghiêm này, sẽ được phương tiện thiện xảo vi diệu, thấu rõ pháp thế gian và xuất thế gian.

Thiện nam tử! Phúc đức trang nghiêm tức là trí tuệ trang nghiêm, trí tuệ trang nghiêm tức là phúc đức trang nghiêm. Vì sao? Vì kẻ có trí tuệ, có thể tu pháp lành, đầy đủ mười điều thiện, thu hoạch được sự giàu có cùng sự tự tại. Vì được hai việc này, nên có thể làm việc lợi mình lợi người.

Kẻ có trí tuệ, tất cả những sự học hỏi đều hơn người khác, do nhân duyên này, được sự giàu có và tự tại. Bồ tát đầy đủ hai pháp như vậy, có thể trong đời này và đời sau làm lợi cho mình và người. Người trí có thể phân biệt pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Pháp thế gian tức là tất cả học thuyết cùng thiền định của phàm phu; pháp xuất thế gian là sự hiểu biết về năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới. Bồ tát hiểu rõ nhân duyên của hai pháp, nên có thể lợi mình và người.

Thiện nam tử! Bồ tát tuy biết rõ những sự vui sướng thế gian chỉ là huyễn dối không thực, nhưng lại có thể tạo những nhân duyên cho những sự vui trên đời. Vì sao? Vì muốn lợi ích cho các chúng sinh.

[Giải]    Năm ấm, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Mười hai nhập, tức là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Mười tám giới, tức là mười hai nhập và sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

J2. Dùng nhân hạnh để biện minh

Thiện nam tử! Hai pháp trang nghiêm này, có hai nguyên nhân chính: Một là tâm từ, hai là tâm bi. Tu hai nhân này, tuy vẫn tiếp tục lăn lộn trong sinh tử, song tâm không sinh hối tiếc. Lại nữa, Bồ tát đầy đủ hai pháp, có thể làm trang nghiêm Vô Thượng Bồ Đề: Một là không tham luyến sinh tử, hai là quán sát thâm sâu pháp giải thoát, thế nên có thể làm lợi ích trong hai đời. Hiểu rõ pháp tướng, được trí tuệ rộng lớn, làm cho của cải cùng thọ mệnh của mình và người đều được tăng trưởng.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ hai pháp như vậy, bất cứ khi nào làm việc bố thí, đều không sinh sự hối tiếc. Thấy những sự ác, cũng đều nhẫn nhịn được. Bồ tát lúc bố thí, quán sát hai loại ruộng: Một là ruộng phúc, hai là ruộng bần cùng. Bồ tát vì muốn tăng trưởng phúc đức, thế nên bố thí cho kẻ bần khổ; vì muốn tăng trưởng trí tuệ vô thượng, thế nên cúng dường phúc điền Tam Bảo; vì muốn tăng trưởng nhân duyên cho tất cả sự phúc lạc, thế nên cúng dường Tam Bảo; vì muốn xa lìa nhân duyên của tất cả sự nghèo khổ, thế nên bố thí kẻ bần cùng. Bồ tát nếu bố thí cho kẻ thân quyến, chính là vì muốn trả ơn cho họ. Bồ tát nếu bố thí cho kẻ oán thù, chính là vì muốn tiêu trừ sự thù hận. Bậc Đại Bồ tát thấy người đến xin, xem như con một của mình, vì thế tùy sức mình nhiều ít đều đem bố thí, thế nên gọi là Bố thí Ba la mật. Bồ tát lúc bố thí, rời bỏ tâm sẻn tiếc, thế nên gọi là Trì giới Ba la mật. Có thể nhẫn chịu những lời cay nghiệt của kẻ đến xin, thế nên gọi là Nhẫn nhục Ba la mật. Tự tay mình đem bố thí cho kẻ đến xin, thế nên gọi là Tinh tiến Ba la mật. Chuyên tâm nhất ý, quán sát sự giải thoát, thế nên gọi là Thiền định Ba la mật. Không còn phân biệt người thân kẻ thù, thế nên gọi là Bát nhã Ba la mật.

Thiện nam tử! Như những chúng sinh, lúc khởi tâm tham giết hại, trong một niệm đầy đủ mười hai nhân duyên; Bồ tát, lúc bố thí cũng thế, trong một niệm đầy đủ sáu Ba la mật, thế nên gọi là trang nghiêm công đức và trí tuệ.

[Giải]    “Không tham luyến sinh tử”, tức là ở trong dòng sinh tử độ chúng sinh mà không tham luyến.

Ruộng bần cùng, tức là những chúng sinh nghèo khổ, thiếu thốn.

Bố thí kẻ oán thù, tức có thể giải trừ sự thù hận.

Từ phương diện “dung thông quán nhiếp” mà nói, bố thí ba la mật có thể đầy đủ sáu ba la mật, năm ba la mật khác cũng thế.

Mười hai nhân duyên, có người từ quan điểm “một đời” mà giải thích, có người từ “hai đời”, “ba đời” mà giải thích. Lại có người từ “một niệm” mà giải thích.

Nếu như có thể niệm niệm không thoái chuyển, thì tức là cảnh giới của Bồ tát Bát địa.

J3. Dùng hành tướng khác biệt để biện minh

Lại nữa, bậc Đại Bồ tát tạo tác nhân duyên cho những pháp “bất cộng” với bậc Tiểu thừa, gọi là phúc đức trang nghiêm; dạy dỗ chúng sinh làm cho họ được ba loại Bồ đề, gọi là trí tuệ trang nghiêm.

Lại nữa, thiện nam tử! Bồ tát có thể điều phục chúng sinh, gọi là trí tuệ trang nghiêm, cùng với chúng sinh nhẫn chịu sự khổ não, gọi là phúc đức trang nghiêm. Bồ tát có thể làm cho chúng sinh rời bỏ những ác kiến, nên gọi là trí tuệ trang nghiêm; có thể giáo hóa chúng sinh làm cho họ tăng trưởng lòng tin, bố thí, trì giới, nghe nhiều Phật pháp, trí tuệ, nên gọi là phúc đức trang nghiêm.

Lại nữa, thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ năm pháp, có thể trang nghiêm Vô thượng Bồ đề. Thế nào là năm pháp? Một là lòng tin, hai là lòng bi, ba là can đảm, bốn là đọc sách vở thế gian không biết nhàm chán, năm là học tập nghề nghiệp thế gian không biết mỏi nhọc.

Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ hai pháp trang nghiêm, sẽ có được bảy tướng. Thế nào là bảy tướng? Một là tự biết lỗi mình, hai là không nói lỗi của kẻ khác, ba là ưa chăm sóc người bệnh, bốn là ưa bố thí kẻ nghèo, năm là được tâm Bồ đề, sáu là tâm không buông lung, bảy là bất cứ lúc nào cũng thường chuyên tâm tu tập sáu pháp Ba la mật.

Thiện nam tử! Lại có bảy tướng: Một là ưa dạy dỗ kẻ oán thù, hai là dạy dỗ họ không hề biết nhàm chán, ba là làm cho nhân duyên giải thoát của chúng sinh được chín muồi, bốn là đem hết tất cả những điều học hỏi dạy cho kẻ khác, mà không tham cầu sự cung kính cúng dường, năm là có thể nhẫn chịu tất cả những sự ác, sáu là không bao giờ nói những điều mà người khác không vui, bảy là thấy những kẻ phá giới cùng những kẻ tệ ác, tâm không hờn giận, mà thường sinh lòng thương xót.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát biết rõ bảy tướng này, thì có thể lợi mình lợi người.

[Giải]    Pháp bất cộng, tức là phần trên đã giải thích mười tám pháp bất cộng.

“Làm cho rời bỏ ác kiến”, Bồ tát tạo các loại luận thuyết, đều là vì phá trừ ác kiến của chúng sinh.

Lòng tin, tức là tin thực, đức, năng. Tin thực, nghĩa là tin sự lý chân thực; tin đức, tức là tin công đức của Phật pháp tăng; tin năng, nghĩa là tin nhân dẫn đến quả, cùng tin mình có thể thành Phật.

“Đọc sách vở thế gian, học nghề nghiệp thế gian”, trên phương diện trí tuệ của Bồ tát, các ngài đối với sách vở, nghề nghiệp thế gian vốn có thể không cần phải đọc, phải học, thế nhưng vì muốn giáo hóa chúng sinh, các ngài cũng đọc cũng học. Nếu không, công đức trí tuệ của Bồ tát vượt hơn tất cả chúng sinh, nếu coi thường chúng sinh mà không giáo hóa, thì chúng sinh làm sao được độ thoát?

Những kẻ tệ ác, tức là những kẻ cực ác, Bồ tát không thể giáo hóa họ, phải nên thường cảm thấy hổ thẹn.

I4. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập hai pháp trang nghiêm này không khó, Bồ tát tại gia tu tập hai pháp trang nghiêm này mới là khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.