QUYỂN BA MƯƠI BỐN

PHẨM BỒ TÁT CA-DIẾP

Phẩm thứ mười hai – Phần hai

Thiện nam tử! Có hai hạng Bồ Tát: một là hạng Bồ Tát đúng nghĩa chân thật, hai là hạng Bồ Tát giả danh.

“Hạng Bồ Tát giả danh nghe nói rằng còn ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn, thảy đều sanh lòng thối chuyển, nói rằng: ‘Đức Như Lai còn là vô thường, chẳng trụ, thì chúng ta đây làm được gì? Vì sự vô thường ấy mà trong vô số kiếp chúng ta phải chịu khổ não lớn; nay Như Lai Thế Tôn thành tựu đầy đủ vô lượng công đức còn không trừ được ma chết, huống chi bọn ta lại trừ nổi hay sao?’

“Thiện nam tử! Cho nên vì hạng Bồ Tát ấy mà ta nói rằng: ‘Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta liền bảo rằng: ‘Như Lai rốt cùng không hề buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Có những chúng sanh sinh khởi quan điểm đoạn diệt, nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh sau khi thân mạng dứt rồi thì không có ai thọ nhận các nghiệp thiện, ác.’ Ta vì những người ấy ta nên nói rằng: ‘Quả báo thiện ác thật có người thọ nhận.’

“Vì sao biết là có? Thiện nam tử! Vào thuở quá khứ, tại thành Câu-thi-na có một vị vua tên là Thiện Kiến. Thời niên thiếu của vua ấy kéo dài đến tám mươi bốn ngàn năm. Đến thời gian ngài làm thái tử cũng kéo dài tám mươi bốn ngàn năm. Cho đến khi ngài lên ngôi vua, thời gian trị nước cũng kéo dài tám mươi bốn ngàn năm.

“Đức vua ấy trong khi ngồi một mình ở nơi vắng vẻ tự suy xét rằng: ‘Chúng sanh phước mỏng, sống đời ngắn ngủi, thường có bốn mối oán thù đeo đuổi mà không tự biết nên mãi buông thả, lười nhác. Vì thế ta nên xuất gia tu hành, trừ dứt bốn mối oán thù là sanh, già, bệnh, chết.’

“Vua liền sai quan hữu tư[26] làm một tòa nhà bằng thất bảo ở phía ngoài thành. Sau khi làm xong, vua liền tuyên cáo với tất cả quần thần, bá quan, hậu phi trong cung, cùng với con cái và quyến thuộc rằng: ‘Mọi người nên biết rằng, nay ta muốn xuất gia. Mọi người có thuận ý hay không?’

“Bấy giờ, tất cả đại thần và quyến thuộc của vua thảy đều tâu lên rằng: ‘Lành thay, Đại vương! Nay chính là lúc thích hợp.’

“Vua Thiện Kiến liền cùng với một người hầu đến ở tòa nhà ấy, trải qua suốt tám mươi bốn ngàn năm tu tập tâm từ. Nhờ nhân duyên của đức từ ấy mà về sau ngài được liên tiếp làm Chuyển Luân Thánh vương trong tám mươi bốn ngàn đời; lại làm Thích-đề-hoàn-nhân trong ba mươi đời; và làm tiểu vương trong vô số kiếp.

“Thiện nam tử! Vua Thiện Kiến thuở ấy nào phải ai xa lạ? Cũng không cần quán tưởng [tìm hiểu] việc ấy, [vì] chính là ta ngày nay đây.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng có ngã và ngã sở.’[27]

“Lại có lần ta vì chúng sanh mà nói rằng: ‘Ngã tức là tánh. Chẳng hạn như: nhân duyên trong và ngoài, Mười hai nhân duyên, năm ấm của chúng sanh, cảnh giới tâm thức của thế gian, mọi công đức, hạnh nguyện, tác nghiệp, đời sống ở cõi trời Tự tại… đó gọi là ngã.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng có ngã.’

“Thiện nam tử! Lại một lần khác, có vị tỳ-kheo đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Thế Tôn! Sao gọi là ngã? Ngã đó là ai? Vì duyên cớ gì mà có ngã?’ Ta liền vì tỳ-kheo ấy mà dạy rằng: ‘Tỳ-kheo! Thật không có ngã và ngã sở. Nói ngã đó tức là vốn trước không mà sau thành có; rồi từ có trở lại thành không. Khi cái ngã ấy sanh ra, chẳng từ đâu đến; khi nó diệt đi, cũng chẳng về đâu. Tuy có nghiệp quả nhưng không có người tạo tác. Không có người lìa bỏ năm ấm [cũ] và thọ nhận năm ấm [mới]. Như lời ông hỏi: Sao gọi là ngã? Ngã đó chính là các giai đoạn, thời kỳ [chuyển biến khác nhau].’ Lại hỏi: ‘Ngã đó là ai?’ ‘Chính là các nghiệp [thiện ác đã tạo].’ Lại hỏi: ‘Vì duyên cớ gì mà có ngã?’ ‘Chính là do nơi tham ái.’

“Tỳ-kheo! Ví như hai bàn tay vỗ lại, âm thanh do nơi đó mà sanh ra; cái ngã cũng vậy, do ba nhân duyên là chúng sanh, nghiệp [lực] và tham ái nên gọi đó là ngã.

“Tỳ-kheo! Hình sắc của tất cả chúng sanh chẳng phải ngã; trong ngã không có sắc, trong sắc không có ngã; cho đến đối với thức cũng vậy.[28]

“Tỳ-kheo! Những người ngoại đạo tuy nói rằng có ngã, nhưng rốt cùng không lìa khỏi năm ấm. Nếu nói rằng lìa khỏi năm ấm mà riêng có ngã thì thật là vô lý! Hành vi [tạo tác] của tất cả chúng sanh đều như huyễn hóa, như những gợn sóng lung linh hiện ra khi trời nắng gắt.

“Tỳ-kheo! Năm ấm đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ có vô số tỳ-kheo quán xét lẽ năm ấm là không có ngã và ngã sở, nhờ đó chứng đắc quả vị A-la-hán.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng không có ngã.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh ta lại có dạy rằng: ‘Có ba việc hòa hợp nên thọ thân này: một là cha, hai là mẹ, ba là thân trung ấm.’ Có đủ ba việc ấy hòa hợp mới được thân này. Có khi ta lại dạy rằng bậc A-na-hàm nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại; hoặc nói là nhập Niết-bàn với thân trung ấm; hoặc lại nói rằng: ‘Thân căn trung ấm được sáng tỏ trọn vẹn, đều do nơi nghiệp đời trước trong sạch tinh khiết như chất đề-hồ.’

“Thiện nam tử! Có lúc ta dạy rằng: ‘Thân trung ấm mà những chúng sanh xấu ác nhận lấy giống như cái áo vải thô cũ rách; thân trung ấm mà chúng sanh thuần thiện nhận lấy giống như lụa trắng tốt được làm ra ở Ba-la-nại.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có [thân] trung ấm.’

“Thiện nam tử! Ta lại vì những chúng sanh phạm [năm] tội nghịch mà dạy rằng: ‘Những kẻ tạo năm tội nghịch, khi bỏ thân này liền vào thẳng địa ngục A-tỳ.’ Ta lại dạy rằng: ‘Tỳ-kheo Đàm-ma-lưu-chi vừa xả thân liền vào thẳng trong địa ngục A-tỳ, khoảng giữa không có một chút thời gian ngừng nghỉ.’ Ta lại vì ông Phạm-chí Độc Tử[29] mà dạy rằng: ‘Phạm-chí! Nếu có thân trung ấm, ắt có sáu cảnh giới hiện hữu.’[30] Ta lại có dạy rằng: ‘Chúng sanh cõi Vô sắc không có thân trung ấm.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng không có trung ấm.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh ta lại dạy rằng có sự thối chuyển. Vì sao vậy? Do nơi vô số những tỳ-kheo biếng nhác, trì trệ, không tu tập Chánh đạo, nên ta thuyết dạy rằng có năm loại [nhân duyên] thối chuyển: một là ưa thích nhiều việc, hai là ưa bàn nói việc đời, ba là ưa thích ngủ nghỉ, bốn là ưa thích gần gũi người thế tục, năm là ưa thích việc đi chơi đây đó. Do những nhân duyên này mà vị tỳ-kheo sanh ra thối chuyển.

“Ta cũng dạy rằng nhân duyên thối chuyển có hai loại, một là nhân duyên bên trong, hai là nhân duyên bên ngoài. Bậc A-la-hán tuy lìa khỏi nhân duyên bên trong nhưng chưa lìa dứt nhân duyên bên ngoài. Do nhân duyên bên ngoài nên sanh phiền não. Vì sanh phiền não, nên phải thối chuyển.

“Lại có vị tỳ-kheo tên là Cồ-đàn, sáu lần thối chuyển. Sau mỗi lần thối chuyển đều lấy làm hổ thẹn, trở lại tinh tấn tu tập. Đến lần thứ bảy thì chứng đắc. Chứng đắc rồi lại sợ thối chuyển nên dùng dao mà tự hại [mạng sống]. Có khi ta [phân biệt] nói [các quả vị] giải thoát tùy thời,[31] hoặc nói về sáu hạng A-la-hán.[32] Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có sự thối chuyển.’

“Thiện nam tử! Trong kinh lại có dạy rằng: ‘Ví như đốt cây thành than, than ấy không thể trở lại thành cây; như cái bình đã vỡ không thể dùng được nữa. Phiền não cũng vậy, khi vị A-la-hán đã dứt trừ rồi thì phiền não không bao giờ sanh khởi trở lại.’

“Trong kinh cũng có dạy: ‘Các nhân sanh ra phiền não của chúng sanh có ba loại, một là chưa dứt trừ phiền não, hai là không dứt nhân duyên, ba là không khéo suy xét. Nhưng vị A-la-hán không có hai [trong số ba] nhân duyên vừa nói, vì [vị ấy] đã dứt trừ phiền não và biết khéo suy xét.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng không có sự thối chuyển.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta dạy rằng: ‘Thân Như Lai có hai loại, một là thân được sanh ra, hai là Pháp thân.

“Nói thân được sanh ra tức là thân phương tiện ứng hóa. Thân này có thể nói là có sanh, già, bệnh, chết, cao, thấp, đen, trắng; có cái này, cái kia; có học hỏi, có vô học.

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng thân Phật là pháp hữu vi.’

“Còn Pháp thân là thường, lạc, ngã, tịnh, vĩnh viễn lìa khỏi mọi điều sanh, già, bệnh, chết; chẳng phải trắng, chẳng phải đen; chẳng phải cao, chẳng phải thấp; chẳng phải cái này, chẳng phải cái kia; chẳng phải học hỏi, chẳng phải vô học. Dù Phật có ra đời hay không, thân ấy vẫn là thường trụ không lay động, không có sự biến đổi.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng thân Phật là pháp vô vi.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Thế nào gọi là Mười hai nhân duyên? Do vô minh sanh ra hành; do hành sanh ra thức; do thức sanh ra danh sắc; do danh sắc sanh ra sáu nhập; do sáu nhập sanh ra xúc chạm; do xúc chạm sanh ra cảm thọ; do cảm thọ sanh ra tham ái; do tham ái sanh ra chấp thủ; do chấp thủ sanh ra hiện hữu; do hiện hữu mà có sanh; do sanh mà có già, có chết, các mối lo khổ.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Mười hai nhân duyên nhất định là pháp hữu vi.’

“Lại có lần ta dạy bảo các tỳ-kheo rằng: ‘Dù có Phật hay không có Phật, tánh và tướng của Mười hai nhân duyên vẫn là thường trụ.’

“Thiện nam tử! Có [pháp thuộc về] Mười hai duyên, không do duyên sanh ra; lại có [pháp] do duyên sanh ra, không thuộc về Mười hai duyên; lại có [pháp] do duyên sanh ra, cũng thuộc về Mười hai duyên; lại có [pháp] không do duyên sanh ra, cũng không thuộc về Mười hai duyên.

“[Các pháp thuộc về] Mười hai duyên, không do duyên sanh ra, đó là nói Mười hai chi của đời vị lai. [Các pháp] do duyên sanh ra, không thuộc về Mười hai duyên, đó là nói năm ấm của vị A-la-hán. [Các pháp] do duyên sanh ra, cũng thuộc về Mười hai duyên, đó là nói năm ấm, Mười hai nhân duyên của phàm phu. [Các pháp] không do duyên sanh ra, cũng không thuộc về Mười hai duyên, đó là nói hư không, Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Mười hai duyên nhất định là pháp vô vi.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh tạo ra những nghiệp lành, dữ; khi vừa bỏ thân thì bốn đại liền tan rã. Những người tạo toàn nghiệp lành thì tâm đi lên [cảnh giới] cao; những kẻ tạo toàn nghiệp dữ thì tâm đi xuống [cảnh giới] thấp.[33]

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tâm thức nhất định là thường tồn.’

“Thiện nam tử! Có lần ta bảo vua Tần-bà-sa-la rằng: ‘Đại vương nên biết, sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì sắc ấy do nhân vô thường sanh ra. Nếu sắc ấy do nhân vô thường sanh ra, người có trí làm sao có thể nói rằng đó là thường? Nếu sắc là thường, hẳn nó không thể hoại diệt, sanh các khổ não. Nay thấy rằng sắc ấy là tiêu tan, hư hoại, nên biết rằng sắc là vô thường… Cho đến thức cũng giống như vậy.’[34]

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tâm thức nhất định là đoạn diệt.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Đệ tử Phật tuy thọ nhận các món hương hoa, vàng bạc, châu báu, vợ con, tôi tớ, tám thứ vật bất tịnh… nhưng vẫn đạt được Chánh đạo; đạt được Chánh đạo rồi cũng chẳng lìa bỏ những thứ ấy.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng sự hưởng thụ năm món dục không trở ngại Thánh đạo.’

“Lại có lần ta dạy rằng: ‘Người tại gia không có lý nào lại đạt được Chánh đạo.’ Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng sự hưởng thụ năm món dục nhất định là ngăn trở che chướng Chánh đạo.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Lìa xa phiền não nhưng chưa đạt được giải thoát cũng giống như tu tập Thế đệ nhất pháp.’ Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Đệ nhất pháp chỉ ở tại Dục giới.’

“Ta lại có dạy rằng: ‘Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp đều ở từ Sơ thiền cho đến Đệ tứ thiền. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Những pháp Như Lai nói đó đều ở tại Sắc giới.’

“Ta lại có dạy rằng: ‘Những người ngoại đạo trước đã dứt trừ phiền não trong cảnh giới Tứ thiền, tu tập Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, quán xét Bốn chân đế, chứng đắc quả A-na-hàm.

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Đệ nhất pháp ở tại Vô sắc giới.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Trong bốn trường hợp bố thí, có ba trường hợp được thanh tịnh. Bốn trường hợp bố thí gồm có: Một là người bố thí tin vào nhân quả và sự bố thí, nhưng người nhận bố thí không tin vào nhân quả và sự bố thí; hai là người nhận bố thí tin vào nhân quả và sự bố thí nhưng người bố thí không tin vào nhân quả và sự bố thí; ba là cả người bố thí và người nhận bố thí đều có lòng tin [vào nhân quả và sự bố thí]; và bốn là cả người bố thí và người nhận bố thí đều không có lòng tin [vào nhân quả và sự bố thí].

“Trong bốn trường hợp bố thí ấy, ba trường hợp trước là thanh tịnh. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng việc bố thí chỉ do nơi tâm ý.’

“Thiện nam tử! Có lần ta dạy rằng: ‘Người thực hành bố thí dùng đến năm món để bố thí. Những gì là năm? Một là bố thí vật chất; hai là bố thí công sức; ba là bố thí sự an ổn; bốn là bố thí mạng sống; năm là dùng biện tài để bố thí. Do [năm] nhân duyên này, người bố thí có được năm loại quả báo.

“Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng bố thí tức là năm ấm.’

“Thiện nam tử! Có lần ta dạy rằng: ‘Niết-bàn là xa lìa [tất cả], vĩnh viễn dứt trừ phiền não, không còn chút vết tích nào. Như ngọn đèn đã tắt, không còn pháp nào sanh ra nữa; Niết-bàn cũng vậy. Nói hư không tức là không có gì cả. Ví như người thế gian, vì không có gì cả nên gọi là hư không. Không phải do dứt mất đối tượng nhận biết mà gọi là không có. Nếu đã là có, ắt phải có nhân duyên. Vì có nhân duyên nên phải có sự diệt mất. Vì không có nhân duyên nên không có sự diệt mất.

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có Ba vô vi.’[35]

“Thiện nam tử! Có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Niết-bàn đó chính là theo kinh văn giảng giải, là dấu tích [của bậc giải thoát], là nơi đến rốt ráo [của người tu tập], là không còn sợ sệt, là bậc thầy lớn [để nương theo], là kết quả lớn lao, là trí tuệ rốt ráo trọn vẹn, là sức kham nhẫn lớn, là pháp tam-muội không ngăn ngại, là cõi pháp mênh mông, là vị cam lộ [bất tử],[36] là rất khó thấy biết.

“Mục-kiền-liên! Nếu nói rằng không có Niết-bàn, vì sao những kẻ phỉ báng Niết-bàn lại đọa vào địa ngục?’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng thật có Niết-bàn.’

“Lại có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Con mắt không bền chắc…, cho đến thân[37] cũng đều không bền chắc. Vì không bền chắc nên gọi là hư không, chỉ là chỗ để thức ăn đi vào xoay chuyển tiêu hóa. Tất cả âm thanh đều gọi là hư không.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có hư không vô vi.’

“Lại có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Có người khi chưa đắc quả Tu-đà-hoàn, đang trụ ở Nhẫn pháp, dứt trừ được vô lượng quả báo trong ba đường ác, nên biết rằng [người ấy] không do nhân duyên trí tuệ mà diệt [được vô lượng quả báo xấu ác].’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có Phi trí duyên diệt.’[38]

“Thiện nam tử! Lại có lần ta vì tỳ-kheo Bạt-ba thuyết dạy rằng: ‘Bạt-ba! Vị tỳ-kheo [khi] quán xét hình sắc, như hình sắc trong quá khứ, vị lai hoặc hiện tại; như hình sắc ở gần hoặc ở xa; như hình sắc thô ráp hoặc tinh tế; [thì thấy rằng] mọi thứ hình sắc như thế đều không phải là ngã, ngã sở. Nếu tỳ-kheo quán xét như vậy rồi thì có thể dứt trừ sự tham ái đối với hình sắc.’

“Bạt-ba lại thưa hỏi rằng: ‘Thế nào gọi là danh và sắc?’ Ta đáp: ‘Bốn đại gọi là sắc; bốn ấm [còn lại] gọi là danh.[39] Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng sắc là bốn đại.

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Ví như nhân có gương soi ắt phải có hình bóng hiện ra [trong đó]. Hình sắc cũng như vậy, nhân nơi bốn đại tạo nên; chẳng hạn như: thô, mịn, nhám, trơn; xanh, vàng, đỏ, trắng; dài, ngắn, vuông, tròn; tà, nhọn, nhẹ, nặng; lạnh, nóng, đói, khát; khói mây, bụi bặm, mù sương… Đó gọi là hình sắc được tạo ra, cũng giống như tiếng dội [của âm thanh], hình bóng [hiện trong gương].’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có bốn đại ắt có tạo ra hình sắc, thật không có bốn đại thì không tạo ra hình sắc.’

“Thiện nam tử! Trước đây có lần Vương tử Bồ-đề nói rằng: ‘Như có vị tỳ-kheo hộ trì cấm giới mà phát khởi tâm xấu ác, nên biết rằng ngay khi ấy liền mất giới tỳ-kheo.’ Ta liền dạy: ‘Vương tử Bồ-đề! Giới có bảy loại, do nơi thân và miệng, có hình sắc không biểu lộ.[40] Do nhân duyên là hình sắc không biểu lộ, nên dù tâm xấu ác, trong chỗ vô ký cũng không gọi là mất giới, vẫn là trì giới. Do nhân duyên gì gọi là hình sắc không biểu lộ? Vì không có nhân từ những hình sắc khác, không tạo thành quả là những hình sắc khác.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có hình sắc không biểu lộ.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh khác ta có dạy rằng: ‘Giới tức là ngăn cấm, chế ngự các pháp xấu ác. Nếu không làm việc ác thì gọi là trì giới.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai giảng thuyết nhất định rằng không có hình sắc không biểu lộ.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Sắc ấm cho đến thức ấm của bậc thánh nhân cũng đều do nhân duyên là vô minh sanh ra. Tất cả phàm phu cũng vậy; từ nơi vô minh sanh ra tham ái, nên biết rằng tham ái tức là vô minh. Từ nơi tham ái sanh ra chấp thủ, nên biết rằng chấp thủ tức là vô minh, tham ái. Từ nơi chấp thủ sanh ra hữu; hữu ấy tức là vô minh, tham ái, chấp thủ. Từ nơi hữu sanh ra thọ, nên biết rằng thọ ấy tức là hành, hữu. Do nhân duyên là thọ mà sanh ra danh sắc, vô minh, ái, thủ, hữu, hành, thọ, xúc, thức, sáu nhập… các thứ, cho nên thọ đó chính là Mười hai nhân duyên.[41] Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có các tâm sở.’[42]

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Từ nơi bốn yếu tố là con mắt, hình sắc, ánh sáng và sự tham muốn xấu, ắt phải sanh ra nhãn thức. Nói ham muốn xấu đó tức là vô minh. Đang khi ham muốn mong cầu gọi là tham ái. Tham ái làm nhân duyên cho chấp thủ. Chấp thủ gọi là nghiệp. Nghiệp làm nhân duyên cho thức. Thức làm duyên cho danh sắc. Danh sắc làm duyên cho sáu nhập. Sáu nhập làm duyên cho xúc. Xúc làm duyên cho tưởng, thọ, ái. Các pháp như tín, tinh tấn, định, tuệ đều nhân nơi xúc mà sanh ra, nhưng không phải là xúc.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói rằng thật có các tâm sở.’

“Thiện nam tử! Có khi ta dạy rằng: ‘Chỉ có duy nhất một cảnh giới hiện hữu.’ Lại có khi ta dạy là có hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín… cho đến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói rằng có năm cảnh giới hiện hữu, hoặc nói rằng có sáu cảnh giới hiện hữu…’

“Thiện nam tử! Có một lần ta đang ở trong rừng Ni-câu-đà tại Ca-tỳ-la-vệ. Lúc ấy, Thích-ma-nam[43] đến chỗ ta thưa hỏi rằng: ‘Thế nào gọi là ưu-bà-tắc?’[44] Ta liền vì ông ấy thuyết giảng: ‘Nếu có thiện nam tử[45] đầy đủ các căn, thọ Tam quy y thì gọi là ưu-bà-tắc.’ Thích-ma-nam lại thưa hỏi: ‘Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc không trọn vẹn?’ Ta đáp: ‘Ma-nam! Nếu ai thọ Tam quy và chỉ thọ trì một giới thì gọi là ưu-bà-tắc không trọn vẹn.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng giới ưu-bà-tắc có thể không cần thọ đủ.’

“Thiện nam tử! Có lần ta đang ở bên bờ sông Hằng, Ca-chiên-diên[46] tìm đến chỗ ta thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con giáo hóa chúng sanh, khiến họ thọ Tám giới trai[47] trong một ngày, hoặc trong một đêm, hoặc trong một lúc, hoặc chỉ trong một niệm. Những người như vậy có thành tựu Tám giới trai hay không?’ Ta đáp: ‘Tỳ-kheo! Những người như vậy làm được điều lành chứ không thành tựu Tám giới trai.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Tám giới trai buộc phải thọ đủ mới được.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Tỳ-kheo nào đã phạm Bốn trọng cấm[48] rồi thì không nên gọi là tỳ-kheo nữa, nên gọi đó là tỳ-kheo phá giới, tỳ-kheo hư hỏng, không thể trở lại sanh khởi hạt giống lành. Ví như hạt giống đã bị cháy thì không sanh quả hạt, như cây đa-la[49] bị chặt ngọn không thể sanh trái. Tỳ-kheo phạm vào các trọng cấm cũng giống như vậy.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng các tỳ-kheo đã phạm các trọng cấm thì mất giới tỳ-kheo.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có vì Thuần-đà nói về bốn hạng tỳ-kheo. Một là các tỳ-kheo rốt cùng sẽ đạt được Chánh đạo; hai là các tỳ-kheo chỉ bày Chánh đạo [cho chúng sanh]; ba là các tỳ-kheo thọ nhận Chánh đạo; bốn là các tỳ-kheo làm ô uế Chánh đạo. Tỳ-kheo phạm vào Bốn trọng cấm chính là hạng làm ô uế Chánh đạo.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng các tỳ-kheo đã phạm vào Bốn trọng cấm không mất giới cấm.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy các tỳ-kheo về một thừa duy nhất, một đạo, một hạnh, một duyên. Từ một thừa cho tới một duyên ấy, có thể vì chúng sanh mà tạo ra sự vắng lặng an tĩnh, dứt trừ vĩnh viễn mọi sầu khổ trói buộc, khổ và nguyên nhân của khổ, khiến cho tất cả chúng sanh đều đạt đến một thừa duy nhất. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, thảy đều đạt được đạo của Phật.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Hàng Tu-đà-hoàn sau bảy lần tái sanh trong cõi người và cõi trời sẽ nhập Niết-bàn. Hàng Tư-đà-hàm chỉ còn thọ thân một lần trong cõi người hoặc cõi trời, rồi sẽ nhập Niết-bàn. Hàng A-na-hàm có năm hạng:[50] hoặc ở trong khoảng trung gian mà nhập Niết-bàn, cho đến sanh lên những cõi cao nhất của Sắc giới[51] mà nhập Niết-bàn.[52] Hàng A-la-hán có hai hạng, một là hiện tại, hai là vị lai. A-la-hán hiện tại dứt phiền não năm ấm, A-la-hán vị lai cũng dứt phiền não năm ấm.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán đều không đạt được đạo của Phật.’

“Thiện nam tử! Trong kinh này ta có dạy rằng: ‘Tánh Phật có đủ sáu đức: thường còn, đúng thật, chân chánh, hiền thiện, thanh tịnh và có thể thấy.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại; chẳng phải trong, chẳng phải ngoài; không chịu sự chi phối bởi hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm. Tánh Phật cũng như thế.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh như của báu chôn giấu trong nhà người đàn bà nghèo; như hạt châu kim cang quý ẩn giữa trán người lực sĩ; như suối nước cam lộ của vị Chuyển Luân Thánh vương.’ Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có nói: ‘Những kẻ phạm bốn trọng cấm, nhất-xiển-đề, phỉ báng kinh Phương đẳng, làm năm tội nghịch đều có tánh Phật. Những chúng sanh như vậy đều không có pháp lành. Tánh Phật là lành.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy: ‘Chúng sanh tức là tánh Phật. Vì sao vậy? Lìa khỏi chúng sanh thì không có sự chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên ta đưa ra ví dụ người mù sờ voi với vua Ba-tư-nặc. Như những người mù mô tả con voi, tuy [người nghe] không nhận ra được con voi, nhưng cũng không ra ngoài [hình thể] con voi. Chúng sanh nói rằng sắc là tánh Phật, cho đến thức là tánh Phật, cũng giống như vậy; tuy không phải tánh Phật nhưng cũng không ra ngoài tánh Phật. Như ta vì nhà vua nói ví dụ về cây đàn không hầu.[53] Tánh Phật cũng như thế.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền đưa ra đủ mọi thuyết. Cũng như người mù hỏi về sữa;[54] tánh Phật cũng thế. Vì nhân duyên ấy, có người nói rằng: ‘Những kẻ phạm bốn trọng cấm, phỉ báng kinh Phương đẳng, làm năm tội nghịch, hạng nhất-xiển-đề, thảy đều có tánh Phật.’ Hoặc có người nói rằng: ‘Những người như vậy không có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Ở nhiều nơi trong các kinh điển ta có nói rằng: ‘Một người ra đời mà nhiều người được lợi ích, một quốc độ mà có hai Chuyển luân vương, một thế giới mà có hai vị Phật ra đời; những việc như vậy đều không thể có. Trong một cõi Tứ thiên hạ mà có tám vị Tứ thiên vương, cho đến có hai cõi trời Tha hóa tự tại; cũng là không thể có.’ Nhưng ta có đề cập đến từ địa ngục A-tỳ [bên dưới] cõi Diêm-phù-đề lên đến cõi trời A-ca-ni-trá.[55] Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có mười phương chư Phật.’ [Nhưng] trong các kinh Đại thừa ta thật có nói đến mười phương chư Phật.[56]

“Thiện nam tử! Những chỗ sai khác phân biệt biện giải như vậy là cảnh giới của Phật, không phải chỗ biết của hàng Thanh văn, Duyên giác. Như ai đối với những điều [sai lầm] nói trên sanh tâm nghi ngờ, may ra còn có thể phá hoại được phiền não như núi Tu-di. Nếu ai sanh tâm quyết định tin chắc những điều ấy thì gọi là chấp trước.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp trước?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người [sanh tâm quyết định tin chắc] như vậy, dù được nghe biết [những điều ấy] từ người khác, hoặc tự tìm học trong kinh điển, hoặc được người khác ra công dạy bảo, nhưng đối với những điều [đã tin chắc thì] vướng mắc không thể buông xả, đó gọi là chấp trước.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Chấp trước như vậy là thiện hay bất thiện?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chấp trước như vậy không thể gọi là thiện. Vì sao vậy? Vì không thể phá tan được các mối nghi ngờ.”

Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những người [sanh tâm quyết định tin chắc] như vậy, vốn không có lòng nghi, sao nói rằng không thể phá tan các mối nghi ngờ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Phàm người không có lòng nghi, chính là đang nghi [mà không biết] đó thôi.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! [Như vậy] nếu có người bảo rằng vị Tu-đà-hoàn không đọa vào ba đường ác, hẳn phải gọi đó là người vướng mắc, có lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó gọi là có lòng [tin] quyết định, không phải là có lòng nghi. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Ví như có người trước đã nhìn thấy người ta và cây cối; về sau khi đi đêm trông thấy ở xa có một cái cây đã bị đốn ngang, bèn sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là hình người hay thân cây?’

“Thiện nam tử! Như người trước đã được thấy các vị tỳ-kheo, Phạm chí.[57] Về sau, khi đi đường trông thấy một vị tỳ-kheo từ xa liền sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là tỳ-kheo hay Phạm chí?’

“Thiện nam tử! Như người trước đã nhìn thấy bò và trâu. Về sau, khi thấy một con bò từ đằng xa liền sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là bò hay trâu?’

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, trước có được nhìn thấy hai vật [khác nhau] thì sau đó mới sanh lòng nghi. Vì sao vậy? Vì trong lòng không biết rõ. Ta không hề nói [phân biệt hai điều khác nhau] rằng vị Tu-đà-hoàn có đọa vào ba đường ác và không đọa vào ba đường ác.[58] Như vậy, người mà ông nói đó làm sao lại sanh lòng nghi?”

Bồ Tát Ca-diếp bạch rằng: “Thế Tôn! Như lời Phật dạy, trước phải được nhìn thấy [hai vật khác nhau] rồi sau mới sanh lòng nghi. Nhưng có những người khi chưa được thấy hai vật [khác nhau] cũng sanh lòng nghi. Đó là nói điều gì? Chẳng hạn như Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người đi đường gặp dòng nước đục, dù trước đó chưa từng thấy nhưng cũng sanh lòng nghi: ‘Không biết dòng nước này sâu hay cạn?’ Người ấy chưa từng thấy, vì sao lại sanh lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Niết-bàn là dứt khổ. Không phải Niết-bàn tức là khổ. Chỗ thấy của tất cả chúng sanh đều có hai loại: thấy khổ và thấy không khổ. Khổ và không khổ đó là: đói, khát, lạnh, nóng, hờn giận, vui mừng, ốm bệnh, an ổn, già nua, trai tráng, sanh ra, chết đi, trói buộc, giải thoát, lìa xa người yêu thương luyến mến, gần gũi kẻ oán ghét thù nghịch. Chúng sanh thấy vậy rồi liền sanh lòng nghi: ‘Liệu có sự xa lìa rốt ráo những khổ não ấy chăng?’ Vì thế mà chúng sanh đối với Niết-bàn có sanh lòng nghi.

“Như ông hỏi rằng: ‘Người ấy từ trước chưa từng thấy dòng nước đục, sao lại sanh lòng nghi?’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Người ấy đã từng thấy [sự việc tương tự] ở nơi khác rồi, nên ở nơi chưa từng đến mới sanh lòng nghi.”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Trước đây khi thấy chỗ sâu, chỗ cạn, người ấy đã không sanh lòng nghi; vì sao nay nhìn thấy lại sanh lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì là nơi chưa từng đi qua nên mới sanh nghi. Vì vậy ta có nói: ‘Không biết rõ nên nghi.’”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như lời Phật dạy, nghi tức là vướng mắc, vướng mắc tức là nghi. Đó là nói hạng người nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó là những kẻ dứt mất căn lành.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những hạng người nào có thể dứt mất căn lành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có những người thông minh lanh lợi, trí tuệ sáng suốt, khéo biết phân biệt, nhưng lìa xa bạn tốt, không nghe Chánh pháp, không khéo suy xét, không thực hành đúng pháp; những người như vậy có thể dứt mất căn lành.

“Ngoài bốn điều vừa nói,[59] [những người này] trong lòng còn tự suy xét rằng: ‘Không có vật bố thí. Vì sao vậy? Bố thí tức là lìa bỏ tài vật. Nếu việc bố thí có quả báo, nên biết rằng người bố thí thường phải nghèo khốn. Vì sao vậy? Vì hạt giống và quả [của nó] là tương tự như nhau. Cho nên nói rằng không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, đó gọi là dứt mất căn lành.

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Người bố thí, người nhận bố thí và tài vật bố thí, ba điều ấy là vô thường, không lúc nào trụ yên. Nếu không trụ yên, sao có thể nói được đâu là người bố thí, là người nhận bố thí, là tài vật bố thí? Nếu không có người nhận bố thí, làm sao có được quả báo? Vì nghĩa ấy nên không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Trong khi người thực hành việc bố thí, dùng đến năm sự bố thí.[60] Người nhận bố thí rồi, có khi làm điều thiện, có khi làm điều bất thiện, nhưng người đã bố thí lại không nhận được quả thiện hoặc quả bất thiện. Như lẽ thường ở thế gian, do hạt giống sanh ra quả, quả ấy lại tạo thành hạt giống. Nhân tức là người bố thí; quả tức là người nhận bố thí. Nhưng người nhận bố thí không thể dùng những pháp thiện hoặc bất thiện để làm cho thí chủ đạt được [quả báo]. Vì nghĩa ấy nên không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Không có vật bố thí. Vì sao vậy? Vì vật bố thí là vô ký.[61] Nếu là vô ký, làm sao có thể được quả báo thiện? Không có quả báo thiện, tức là vô ký. Nếu tài vật là vô ký, nên biết rằng không có quả báo thiện, ác. Cho nên không có việc bố thí, không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Bố thí là ý niệm. Nếu là ý niệm thì không nhìn thấy, không có đối tượng, không thuộc pháp hình sắc. Nếu không phải là hình sắc, làm sao có thể bố thí? Cho nên không có việc bố thí, không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Nếu người bố thí vì hình tượng Phật, thiên thần, hoặc vì cha mẹ đã qua đời mà làm việc bố thí, ắt không có người thọ nhận. Nếu không có người thọ nhận, lẽ ra không có quả báo. Nếu không có quả báo, tức là không có nhân. Nếu không có nhân, tức là không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Không có cha mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sanh, là bậc sanh ra chúng sanh, thì theo lý phải thường sanh mãi, không có sự dứt mất. Vì sao vậy? Vì nhân là thường có. Nhưng vì không thường sanh mãi, nên biết rằng không có cha mẹ.’

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Không có cha mẹ. Vì sao vậy? Nếu thân của chúng sanh là nhân nơi cha mẹ mà có, lẽ ra mỗi người đều phải có đủ hai căn[62] nam, nữ. Nhưng vì không có đủ [hai căn] nên biết rằng chúng sanh chẳng phải nhân nơi cha mẹ mà có.’

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Chẳng phải nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Vì sao vậy? Trước mắt nhìn thấy chúng sanh không giống hệt cha mẹ, như về thân thể, hình sắc, tâm tánh, cách đi đứng… Cho nên cha mẹ chẳng phải là nhân sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Tất cả những thứ thế gian gọi là không được phân làm bốn loại. Một là vì chưa sanh ra nên gọi là không, như khi đất sét mới nhồi thành khối, chưa có công dụng của cái bình. Hai là diệt mất rồi nên gọi là không, như khi cái bình đã bể nát thì gọi là không [có cái bình]. Ba là khác biệt nhau nên có cái này thì không cái kia, như trong con bò không có con ngựa, trong con ngựa không có con bò. Bốn là hoàn toàn không có nên gọi là không, như sừng thỏ, như lông rùa… Cha mẹ của chúng sanh cũng vậy, đồng với bốn loại không có ấy. Nếu nói rằng cha mẹ là nhân của chúng sanh, khi cha mẹ chết sao con không nhất định chết theo? Cho nên cha mẹ chẳng phải là nhân sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sanh, lẽ ra phải thường nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Nhưng lại có những loài do biến hóa sanh ra, do ẩm ướt sanh ra, vì thế nên biết rằng chẳng phải nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc lại suy xét rằng: ‘Chúng sanh là tự có, chẳng phải nhân nơi cha mẹ mà sanh ra, lớn lên. Ví như loài chim khổng tước[63] nghe tiếng sấm mà sanh chim con; như loài chim thanh tước, chim mái uống nước mắt chim trống mà sanh chim con; như loài chim mạng mạng,[64] chim mái nhìn thấy chim trống múa mà sanh chim con.’

“Đang khi suy nghĩ [những điều] như thế, nếu không gặp được bậc thiện tri thức, nên biết rằng người như thế có thể dứt mất căn lành.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Thế gian hoàn toàn không có quả báo thiện, ác. Vì sao vậy? Vì [trước mắt thấy] có những chúng sanh thực hành đầy đủ mười điều lành, vui thích làm việc bố thí, siêng tu công đức, nhưng lại mang nhiều tật bệnh nơi thân, tuổi trung niên chết yểu, hoặc hao tổn tài vật, vướng phải nhiều sự lo âu buồn khổ. Lại [thấy] có những chúng sanh làm đủ mười điều ác, tham lam bủn xỉn, ganh ghét đố kỵ, lười nhác trì trệ, chẳng tu mọi pháp lành, nhưng lại được thân thể an ổn không bệnh, mạng sống dài lâu, được nhiều tiền của, không gặp phải những lo âu sầu khổ. Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Ta từng nghe các bậc thánh nhân dạy: Có người tu thiện, khi mạng chung thì phần nhiều đọa vào ba đường ác. Có những kẻ làm ác, khi mạng chung lại sanh vào cõi người, cõi trời. Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Lời dạy của tất cả thánh nhân phân làm hai loại: Một là nói rằng kẻ sát sanh được quả báo thiện; hai là nói rằng kẻ sát sanh chịu quả báo ác. Vì thế nên biết rằng lời dạy của bậc thánh là không nhất định. Nếu [lời dạy của] bậc thánh đã không nhất định, ta làm sao [tin tưởng] nhất định? Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Trong khắp thế gian không có bậc thánh nhân. Vì sao vậy? Nếu là thánh nhân ắt phải đạt được Chánh đạo. Tất cả chúng sanh đang khi có đủ phiền não, tu tập Chánh đạo, nên biết rằng những người ấy cùng lúc có cả Chánh đạo và phiền não. Nếu cùng lúc có cả hai, nên biết rằng Chánh đạo không thể phá trừ phiền não. Nếu không có phiền não mà tu Chánh đạo, thì Chánh đạo ấy có tác dụng gì? Như vậy, với người có đầy đủ phiền não thì Chánh đạo không thể phá trừ; với người không có phiền não thì Chánh đạo ắt là vô dụng. Vì thế nên biết rằng trong khắp thế gian không có bậc thánh nhân!’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Vô minh làm duyên cho hành, cho đến sanh làm duyên cho già, chết. Mười hai nhân duyên ấy, tất cả chúng sanh đều có đủ. Tánh của Tám Thánh đạo là bình đẳng, nên lẽ ra [tất cả chúng sanh cũng đều có đủ] như vậy; khi một người đạt được, lẽ ra tất cả mọi người cũng được; khi một người tu tập, lẽ ra tất cả mọi người đều diệt được khổ. Vì sao vậy? Vì phiền não là như nhau. Nhưng nay không được [như vậy], nên biết rằng không có Chánh đạo.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân đều có những pháp đồng với phàm phu, như là: ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, lạnh nóng, lo sầu, sợ sệt… Nếu đồng với phàm phu những việc như vậy thì nên biết rằng thánh nhân không đạt được Thánh đạo. Nếu đạt được Thánh đạo, lẽ ra phải vĩnh viễn dứt hẳn những việc như vậy. Những việc như vậy nếu không dứt trừ thì nên biết rằng không có Thánh đạo.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân có thân, hưởng thụ năm món dục lạc, lại cũng nhục mạ, đánh đập người khác, cũng ganh ghét đố kỵ, kiêu mạn, thọ nhận mọi sự khổ, vui, tạo tác các nghiệp thiện, ác. Vì nhân duyên ấy nên biết rằng không có thánh nhân. Nếu là người có đạo, lẽ ra phải mãi mãi dứt hẳn những việc ấy. Những việc ấy không dứt trừ nên biết rằng không có Thánh đạo.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Người giàu lòng thương xót thì gọi là thánh nhân. Do nhân duyên gì gọi là thánh nhân? Do nhân duyên là Thánh đạo nên gọi là thánh nhân. Nếu tánh của Thánh đạo là thương xót, lẽ ra phải thương xót, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sanh, chẳng đợi tu tập rồi mới có được sự thương xót ấy. Nếu là không có lòng thương xót, vì sao thánh nhân do nơi việc đạt được Thánh đạo rồi mới có lòng thương xót? Vì thế nên biết rằng thế gian không có thánh nhân.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Tất cả bốn đại không do nhân mà sanh ra, chúng sanh đều có đủ như nhau. Tánh của bốn đại ấy không phân biệt chúng sanh, bên này nên tới, bên kia chẳng nên tới… Nếu có Thánh đạo, lẽ ra cũng phải có tánh [không phân biệt] như vậy; nhưng nay không phải thế, [vì có kẻ được người không,] vì thế nên biết rằng trong thế gian không có thánh nhân.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Nếu như các bậc thánh nhân chỉ có [chung] một Niết-bàn, nên biết như vậy ắt là không có thánh nhân. Vì sao vậy? Vì [Niết-bàn ấy] không thể đạt được! Theo lý thì pháp thường trụ là không thể đạt được, không thể nắm bắt, không thể buông bỏ. Nếu các bậc thánh nhân có nhiều Niết-bàn thì đó là vô thường. Vì sao vậy? Vì là pháp có thể tính đếm. Nếu Niết-bàn là một thì khi một người đạt được, lẽ ra hết thảy mọi người đều đạt được. Nếu Niết-bàn là nhiều, ắt có ranh giới phân biệt. Nếu có ranh giới, làm sao gọi là thường? Nếu như nói rằng thể của Niết-bàn là một nhưng giải thoát là nhiều, cũng như đầu người là một nhưng răng, lưỡi là nhiều. Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Chỗ đạt được của mỗi người không phải chỗ đạt được của tất cả mọi người. Vì có ranh giới phân biệt nên lẽ ra là vô thường. Nếu là vô thường, sao có thể gọi là Niết-bàn? Nếu không có Niết-bàn thì ai là thánh nhân? Vì thế nên biết rằng không có thánh nhân.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Đạo của thánh nhân không phải do nhân duyên mà đạt được. Nếu đạo của thánh nhân không phải do nhân duyên đạt được, vì sao tất cả mọi người không làm thánh nhân? Nếu tất cả mọi người không phải thánh nhân, thì nên biết rằng không có thánh nhân cũng như Thánh đạo.’

“Hoặc [người ấy] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân dạy rằng sự thấy biết chân chánh có hai nhân duyên. Một là được nghe Chánh pháp từ người khác, hai là tự trong lòng mình suy xét [biết được]. Hai nhân duyên này nếu là do duyên [khác] sanh ra, thì duyên [khác] ấy cũng lại là do duyên khác nữa sanh ra. Cứ xoay vần tiếp nối mãi như thế, không bao giờ dứt. Nhưng nếu hai [nhân duyên thấy biết chân chánh] ấy không phải do duyên sanh, thì tại sao tất cả chúng sanh lại không [tự nhiên] đạt được sự thấy biết chân chánh?’

“[Người ấy] trong khi quán xét những điều như trên thì có thể dứt mất căn lành.

“Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào thấy biết sâu xa những lý không nhân quả [theo cách] như vậy, thì người ấy có thể dứt mất năm căn lành như tín căn, [tinh tấn căn]…[65]

“Thiện nam tử! Những kẻ dứt mất căn lành không phải là hạng người hèn hạ thấp kém, ngu độn; cũng không phải hàng chư thiên cõi trời hay những chúng sanh trong ba đường ác. Những kẻ phá hoại Tăng đoàn cũng vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những người như vậy, đến khi nào sẽ có thể sanh trở lại căn lành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người ấy có hai thời điểm [có thể] sanh trở lại căn lành, một là khi vừa mới vào địa ngục, hai là khi ra khỏi địa ngục.

“Thiện nam tử! Pháp lành có ba loại: quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu là quá khứ thì tánh tự diệt mất; [nguyên] nhân tuy diệt mất nhưng quả báo chưa chín muồi, vì thế nên không gọi là dứt mất quả của quá khứ. [Chỉ người] dứt hết cả nhân [lành] trong quá khứ, hiện tại và vị lai mới gọi là dứt mất [căn lành].”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu dứt hết cả nhân [lành] trong ba đời gọi là dứt mất căn lành, thì người dứt căn lành tức nhiên có tánh Phật. Tánh Phật như vậy là quá khứ, là hiện tại, là vị lai, hay là khắp trong ba đời?

“Nếu [tánh Phật] là quá khứ, làm sao gọi là thường? Tánh Phật là thường, nên biết là không phải quá khứ.

“Nếu [tánh Phật] là vị lai, làm sao gọi là thường? Vì sao Phật nói rằng tất cả chúng sanh nhất định sẽ đạt được [tánh Phật]? Nếu nhất định sẽ đạt được, sao lại nói là [có thể] dứt mất?

“Nếu [tánh Phật] là hiện tại, làm sao lại gọi là thường? Vì sao Phật nói rằng nhất định có thể thấy được?

“Như Lai cũng dạy rằng tánh Phật có sáu đức: thường tồn, chân chánh, đúng thật, hiền thiện, thanh tịnh và có thể thấy. Nếu những kẻ dứt mất căn lành mà có tánh Phật, ắt không thể gọi là dứt mất căn lành. Còn nếu họ không có tánh Phật, vì sao nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật? Nếu nói rằng tánh Phật lại khi có khi mất thì tại sao Như Lai nói rằng [tánh Phật là] thường?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn vì chúng sanh nên dùng đến bốn phương thức trả lời. Một là trả lời bằng cách xác định chắc chắn, [gọi là định đáp]; hai là trả lời bằng cách phân biệt giải thích, [gọi là phân biệt đáp]; ba là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi, [gọi là tùy vấn đáp]; bốn là trả lời bằng cách phớt lờ, xem như không nghe, [gọi là trí đáp].[66]

“Thiện nam tử! Thế nào là trả lời bằng cách xác định chắc chắn? Như hỏi rằng: ‘Tạo nghiệp ác sẽ được quả thiện hay quả bất thiện?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Sẽ phải chịu quả bất thiện.’ Đối với việc tạo nghiệp lành cũng [nên trả lời chắc chắn] như vậy: ‘Sẽ được quả báo tốt lành.’

“Như hỏi rằng: ‘Như Lai có phải là bậc Nhất thiết trí [rõ biết tất cả] hay chăng? Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Đúng là bậc Nhất thiết trí.’ Như hỏi rằng: ‘Phật pháp có thanh tịnh chăng?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: “Nhất định là thanh tịnh.’ Như hỏi rằng: ‘Đệ tử của Như Lai có làm theo đúng pháp chăng?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Có làm theo đúng pháp.’

“Như thế gọi là trả lời bằng cách xác định chắc chắn.

“Thế nào là trả lời bằng cách phân biệt giải thích? Như ta có giảng về giáo pháp Bốn chân đế. Thế nào là bốn? Đó là khổ, tập, diệt, đạo. Thế nào là Khổ đế? Vì có tám nỗi khổ[67] nên gọi là Khổ đế. Thế nào là Tập đế? Vì năm ấm là nhân [hợp lại] nên gọi là Tập đế. Thế nào là Diệt đế? Vì tham, sân, si đều dứt hết nên gọi là Diệt đế. Thế nào là Đạo đế? Vì có Ba mươi bảy pháp trợ đạo nên gọi là Đạo đế…

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Thế nào là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi? Như ta có dạy rằng: ‘Tất cả các pháp đều vô thường.’ Lại có người hỏi: ‘Như Lai Thế Tôn vì những pháp gì mà nói lý vô thường?’ Liền đáp rằng: ‘Vì pháp hữu vi nên Như Lai nói lý vô thường.’ Đối với lý vô ngã cũng thế.

“Như Phật có dạy: ‘Tất cả các pháp [thế gian] đều như lửa dữ thiêu đốt.’ Kẻ khác lại hỏi: ‘Như Lai Thế Tôn vì những pháp gì mà nói rằng tất cả các pháp [thế gian] như lửa dữ thiêu đốt?’ Liền đáp rằng: ‘Vì tham, sân, si nên Như Lai nói rằng tất cả pháp [thế gian] đều như lửa dữ thiêu đốt.’

“Như thế gọi là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi.

“Thiện nam tử! Như Lai có đủ các pháp như Mười lực, Bốn vô sở úy, Đại từ, Đại bi, Ba niệm xứ, tám vạn ức các môn tam-muội như [tam-muội] Thủ-lăng-nghiêm, Ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp, ba mươi lăm ngàn các môn tam-muội như tam-muội Ngũ trí ấn, bốn ngàn hai trăm các môn tam-muội như tam-muội Kim cang, tam-muội Phương tiện… Vô lượng vô biên các pháp như vậy đều là tánh Phật của Phật. Tánh Phật ấy có bảy đức: thường, ngã, lạc, tịnh, chân, thật và thiện. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Thiện nam tử! Tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng[68] có sáu đức: thường, tịnh, chân, thật, thiện, thấy được phần nhỏ. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Theo như câu hỏi của ông trước đây: ‘Những kẻ dứt mất căn lành có tánh Phật hay không? Những kẻ ấy cũng có tánh Phật của Như Lai, cũng có tánh Phật của [Bồ Tát] thọ thân sau cùng. Vì hai tánh Phật ấy bị che lấp ở đời vị lai nên gọi là không; vì rốt cùng rồi sẽ đạt được tánh Phật nên gọi là có. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Tánh Phật của Như Lai không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai. Tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng là thuộc về hiện tại và vị lai. Vì thấy được một phần nhỏ tánh Phật nên gọi là hiện tại; vì chưa thấy được trọn vẹn nên gọi là vị lai. Nhân tánh Phật của Như Lai khi chưa chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; nhưng quả thì không như vậy, có thuộc về ba đời, cũng có không thuộc về ba đời. Nhân tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Với hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ chín, tánh Phật có sáu đức: thường, thiện, chân, thật, thanh tịnh, có thể thấy. Nhân tánh Phật của vị này cũng thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Từ hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ tám xuống đến hàng trụ ở địa vị thứ sáu, tánh Phật có năm đức: chân, thật, tịnh, thiện, có thể thấy. Nhân tánh Phật của các vị này cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Từ hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ năm xuống đến hàng sơ trụ, tánh Phật có năm đức: một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là có thể thấy, năm là thiện và bất thiện.

“Thiện nam tử! Tánh Phật có năm đức, sáu đức, hoặc bảy đức ấy, những kẻ dứt mất căn lành cuối cùng rồi cũng sẽ đạt được, vì vậy nên có thể nói rằng họ có tánh Phật. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Như có người nói rằng: ‘Kẻ dứt mất căn lành nhất định là có tánh Phật’, hoặc nói rằng: ‘Nhất định là không có tánh Phật.’ Đó là [trường hợp cần phải] trả lời bằng cách phớt lờ, xem như không nghe.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Con nghe nói rằng: Không đưa ra câu trả lời mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ. Nay vì nhân duyên gì Như Lai thật có trả lời mà gọi là phớt lờ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta cũng không nói rằng gạt sang một bên không trả lời mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ. Thiện nam tử! Trả lời bằng cách phớt lờ có hai ý nghĩa: Một là ngăn chặn [vấn đề, không cho phát triển thêm]; hai là không vướng mắc [vào vấn đề ấy]. Do những nghĩa đó nên mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ.”

KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN BA MƯƠI BỐN
[26] Hữu tư: cũng đọc là hữu ty, chỉ chức quan được giao phó chuyên trách một việc gì.

[27] Ngã và ngã sở: kiến chấp mê lầm cho rằng có một bản ngã tồn tại độc lập (ngã) và các đối tượng thuộc về bản ngã ấy (ngã sở).

[28] Câu này nói tóm gọn từ sắc ấm cho đến thức ấm, tức là chỉ chung cả năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như vậy.

[29] Phạm chí Độc Tử: một tu sĩ ngoại đạo, dịch âm là Bà-tư. Vị này về sau quy y Phật, nên cũng gọi là tỳ-kheo Độc Tử.

[30] Sáu cảnh giới hiện hữu: chỉ sáu cảnh giới thọ sanh là cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

[31] Chỉ các quả vị giải thoát nhưng chưa đủ tự lực, tùy theo những lúc có thuận duyên thì được giải thoát, nếu gặp nghịch duyên thì phải thối chuyển, đánh mất đạo tâm. Phật dạy trong sáu hạng A-la-hán thì có đến năm hạng thuộc về loại này.

[32] Sáu hạng A-la-hán: 1. Thối pháp A-la-hán: khi gặp nghịch duyên có thể sanh phiền não, thối chuyển đạo tâm, đánh mất chỗ sở đắc; 2. Tư pháp A-la-hán: tuy được giải thoát nhưng thường lo sợ sự thối chuyển, thường nghĩ cách tự đoạn dứt mạng sống; 3. Hộ pháp A-la-hán: được giải thoát rồi thì hoan hỷ phòng hộ chỗ chứng đắc của mình; 4. An trụ pháp A-la-hán: đạt được giải thoát và trụ yên vững vàng, không cần phòng hộ cũng không có thối chuyển, nhưng không được tăng tiến; 5. Kham đạt pháp A-la-hán: đạt được giải thoát và đủ sức nhận lãnh giáo pháp cao siêu, tu tập tinh tấn để đạt đến quả vị rốt ráo; 6. Bất động pháp A-la-hán: đạt được giải thoát rốt ráo và vững vàng không thể xao động, không thể lay chuyển, thối thất.

[33] Nội dung này được giảng rất rõ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.

[34] Cho đến thức cũng giống như vậy: Câu này nói tóm ý từ sắc đến thức, nghĩa là gồm cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

[35] Ba vô vi (Tam vô vi), là ba nhận thức chân thật về thực tại, bao gồm: 1. Hư không vô vi: hư không không có sự ngăn ngại, không có sự nhiễm ô, là tánh thật của tất cả các pháp, có thể dung nhiếp được vạn vật mà vẫn biến hiện khắp mọi nơi; 2. Trạch diệt vô vi: hàng Thanh văn tu tập dùng trí tuệ giản trạch, phân biệt, xa lìa được tất cả phiền não trói buộc, chứng đắc lý tịch diệt chân không; 3. Phi trạch diệt vô vi, cũng gọi là Phi sổ diệt vô vi hay Phi trí duyên diệt vô vi: vị Thanh văn sau khi chứng quả, các phiền não đã dứt sạch không còn khởi lên trở lại, tự nhiên khế ngộ được lý chân không tịch diệt, không cần đến sự tư duy giản trạch. Ba vô vi này thuộc về pháp Tiểu thừa, được đề cập đến trong Câu-xá luận (quyển 1), Thành Duy thức luận (quyển 2), Đại Tỳ-bà-sa luận (quyển 32), Nhập A-tỳ-đạt-ma luận (quyển hạ), vốn không đồng nhất với những điều Phật vừa giảng về Niết-bàn ở đoạn này, chỉ vì người nghe không hiểu được ý Phật nên nhầm lẫn.

[36] Cam lộ, phiên âm là a-mật-lý-đa, chỉ loại nước mà chư thiên dùng để uống, nên cũng gọi là thiên tửu. Cam lộ có vị ngọt, được tin là uống vào sẽ được sống lâu, thân thể an ổn khỏe mạnh, nên cũng gọi là bất tử dược.

[37] Câu này nói tóm ý từ mắt cho đến thân, bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, tức năm căn, giúp tâm ý giao tiếp với ngoại cảnh.

[38] Phi trí duyên diệt: pháp thứ ba trong Ba vô vi (Tam vô vi) vừa đề cập ở một đoạn trước. Cần chú ý khái niệm này của Tiểu thừa không đồng nhất với ý nghĩa đức Phật đang giảng giải ở đây.

[39] Sắc chỉ tất cả hình thể vật chất nhận biết được bằng các giác quan; danh chỉ các tên gọi được hình thành để chuyển tải khái niệm nhận biết phân biệt về từng đối tượng trong thực tại. Do đó, trong năm ấm thì sắc thuộc về hình thể vật chất, bốn ấm còn lại là thọ, tưởng, hành, thức đều không có hình thể vật chất, nên thuộc về danh.

[40] Hình sắc không biểu lộ: nguyên bản Hán văn dùng vô tác sắc cũng dịch là vô biểu sắc, vô biểu nghiệp; vì là không có biểu hiện bằng hình thể vật chất, người ngoài không thể nhận biết được nên gọi là vô biểu. Dựa theo ý nghĩa được giảng giải từ Phạn ngữ nên chúng tôi dịch là hình sắc không biểu lộ.

[41] Nguyên bản Hán văn ở đây dùng Thập nhị chi, cũng là tên khác của Mười hai nhân duyên.

[42] Nguyên bản Hán văn dùng tâm sổ, cách dịch mới (tân dịch) về sau dịch là tâm sở, đều chỉ các trạng thái khác nhau của tâm. Vì tâm có rất nhiều trạng thái nên gọi là tâm sổ. Các thuật ngữ tâm vương, tâm sở… hiện quen thuộc với nhiều người hơn nên chúng tôi chọn dùng thay cho tâm sổ.

[43] Thích-ma-nam: một vị tỳ-kheo trước vốn là vương tử dòng họ Thích, là con người chú ruột của thái tử Tất-đạt-đa. Vị này cũng là một trong số năm tỳ-kheo thuộc nhóm ông Kiều-trần-như, được nghe Phật thuyết pháp trước tiên tại Lộc Uyển.

[44] Ưu-bà-tắc: cư sĩ nam, cũng gọi là cận sự nam, chỉ người nam giới quy y Phật và tu tập tại gia, trong điều kiện sống với gia đình.

[45] Nguyên bản Hán văn dùng thiện nam tử, thiện nữ nhân. Chúng tôi e là người khắc bản theo quán tính đã khắc thừa, vì ở đây đang giảng về cư sĩ nam, không thể có ‘thiện nữ nhân’. Danh xưng dùng cho vị cư sĩ nữ là ưu-bà-di.

[46] Ca-chiên-diên: một trong Thập đại đệ tử của Phật, là vị có danh xưng Luận nghị đệ nhất.

[47] Tám giới trai (Bát trai giới hoặc Bát quan trai giới): pháp tu do Phật chế định dành cho người Phật tử tại gia, người tu có thể được truyền giới và trì giới trong suốt một ngày một đêm. Tám giới trai bao gồm Năm giới (không giết hại, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối) và ba giới khác nữa là: không dùng các loại hương thơm, đồ trang sức để tô điểm thân thể; không ca múa và xem người khác ca múa; không ngồi nằm trên giường ghế cao đẹp. Cần lưu ý, giới thứ ba trong Năm giới của người cư sĩ là không tà dâm (không hành dâm với người không phải vợ hoặc chồng mình) nhưng khi thọ trì Tám giới trai sẽ chuyển thành không dâm dục, nghĩa là dứt hẳn sự hành dâm.

[48] Bốn trọng cấm: bốn giới cấm nặng: 1. Giết người; 2. Trộm cắp; 3. Dâm dục; 4. Nói dối rằng mình đã chứng thánh quả.

[49] Cây đa-la là loại cây khi bị chặt đứt ngọn thì không thể mọc lên được nữa, cũng như cây dừa, cây cau… Trong giới luật, đức Phật dùng cây này để ví dụ những trường hợp phạm tội không thể cải hối.

[50] A-na-hàm dịch nghĩa là Bất hoàn hoặc Bất lai, vì người chứng đắc quả vị này không còn tái sanh trong Dục giới, sau khi xả thân này liền thọ thân ở Sắc giới hoặc Vô sắc giới rồi nhập Niết-bàn. Người chứng đắc quả vị A-na-hàm tùy theo trạng thái sẽ nhập Niết-bàn mà phân ra năm hạng, gọi chung là Ngũ chủng Bất hoàn, gồm có: Trung bát, Sanh bát, Hữu hành bát, Vô hành bát và Thượng lưu bát.

[51] Đây chỉ các cõi trời Sắc cứu cánh hoặc Hữu đỉnh, là những cõi cao nhất của Sắc giới. Vị A-na-hàm sanh lên các cõi này rồi mới nhập Niết-bàn được gọi là Thượng lưu bát.

[52] Câu này nói tóm ý về cả năm hạng A-na-hàm, từ hạng Trung bát cho đến Thượng lưu bát như vừa chú giải ở trên.

[53] Không hầu: một loại nhạc khí thời cổ đại có 23 dây, nay không còn nữa. Ví dụ đàn không hầu được nêu ra trong quyển 26, phẩm 10, phần 6. Xem lại từ trang 179 của Tập 5.

[54] Ví dụ về mô tả sữa được đưa ra để so sánh với sự mô tả tánh Phật ở quyển 29, phẩm 11, phần 3. Trong ví dụ này, hình thể và tính chất của sữa được mô tả với một người “chưa từng thấy sữa” (sơ bất kiến nhũ) chứ không dùng “người mù hỏi về sữa” (manh vấn nhũ) như trong nguyên bản Hán văn ở đoạn này. Tuy nhiên, ý nghĩa sai lệch này cũng không quan trọng. Xin xem lại ở phần đã dẫn bắt đầu từ trang 493 của Tập 5.

[55] Cõi trời A-ca-ni-trá, dịch nghĩa là Sắc cứu cánh thiên, là cõi trời cao nhất trong Sắc giới.

[56] Theo Nam bản thì từ đây hết quyển 31, bắt đầu quyển 32, phẩm Bồ Tát Ca-diếp phần thứ hai (Ca-diếp Bồ Tát phẩm chi nhị).

[57] Tu sĩ Phật giáo vào thời đức Phật được gọi là tỳ-kheo hoặc sa-môn, còn các tu sĩ đạo Bà-la-môn được gọi là Phạm chí.

[58] Về điểm này, trong tất cả các kinh điển Phật chỉ nói chắc chắn một điều: ‘Vị Tu-đà-hoàn không đọa vào ba đường ác.’ Vì thế, người tin vào điều này không thể gọi là có lòng nghi như lời Bồ Tát Ca-diếp vừa nói trước đó.

[59] Bốn điều vừa nói là: 1. Lìa xa bạn tốt; 2. Không nghe Chánh pháp; 3. Không khéo suy xét; 4. Không thực hành đúng pháp.

[60] Năm sự bố thí (ngũ sự thí): đã có nói ở đoạn trước, gồm: 1. Dùng vật chất bố thí (thí sắc); 2. Dùng công sức bố thí (thí lực); 3. Dùng sự an ổn bố thí, tức là bảo vệ người khác (thí an); 4. Dùng mạng sống để bố thí (thí mạng); 5. Dùng tài biện luận bố thí, nghĩa là dùng khả năng biện luận để giúp người được lợi lạc (thí biện).

[61] Vô ký: không thuộc về thiện, cũng không thuộc về bất thiện.

[62] Hai căn: ở đây chỉ bộ phận sanh dục nam và nữ.

[63] Khổng tước: tên một loài chim, dịch âm là ma-do-la.

[64] Mạng mạng: tên một loài chim, dịch âm là kì-bà-kì-bà-ca.

[65] Năm căn lành: tín căn, có lòng tin vào Tam bảo, vào giáo pháp Tứ đế…; tinh tấn căn cũng gọi là cần căn, là chuyên cần tu học và thực hành các pháp lành; niệm căn, thường nhớ nghĩ Chánh pháp; định căn, thường giữ tâm an định, không mất chánh niệm; và tuệ căn thường dùng trí tuệ suy xét chân lý. Vì các pháp này là cội nguồn sanh ra tất cả các pháp lành nên gọi chúng là căn, nghĩa là cội gốc.

[66] Nguyên bản Hán văn dùng trí đáp, các bản trước đây đều dịch là đáp bằng cách yên lặng, không đúng với ý nghĩa ở đây. Có rất nhiều trường hợp đức Phật dùng cách yên lặng mà đáp (mặc nhiên nhi đáp), nhưng sự yên lặng ấy có thể biểu lộ sự đồng ý, tán thành, khác với nghĩa dùng ở đây. Chữ trí hoàn toàn không mang nghĩa “yên lặng”, mà có nghĩa là phớt lờ, gạt sang một bên, không quan tâm đến, xem như không có… Và đây mới chính là ý nghĩa của cách đáp này, vì vấn đề nêu lên có thể là không cần thiết phải giải đáp, chỉ nằm trong phạm trù hí luận mà không giúp ích gì cho sự giải thoát. Như vậy, tuy cũng là yên lặng không nói, nhưng ý nghĩa không nằm ở sự yên lặng, mà ở chỗ là không lưu tâm đến sự việc nêu ra, vì biết đó là việc vô bổ.

[67] Tám nỗi khổ (Bát khổ): gồm có 1. Sanh là khổ; 2. Già là khổ; 3. Bệnh là khổ; 4. Chết là khổ; 5. Mong cầu không được là khổ; 6. Năm ấm phát triển bất thường là khổ; 7. Xa lìa người thương yêu là khổ; 8. Gặp gỡ, gần gũi kẻ oán ghét là khổ.

[68] Bồ Tát thọ thân sau cùng: tức vị Bồ Tát đản sanh để thành Phật, không còn thọ thân sau nữa. Nguyên bản dùng ‘hậu thân Bồ Tát’, nói đủ là ‘tối hậu thân Bồ Tát’, cũng gọi là ‘Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ’.

Pages: 1 2 3 4 5 6