TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

KIÊN TRÌ LÀ NGUYÊN TẮC HAY THIÊN KIẾN

“Kiên trì” là một phẩm chất tốt đẹp trong cách đối nhân xử thế, nhưng kiên trì như thế nào là nguyên tắc? Hay đó chỉ là thiên kiến? Đối với bất kì vấn đề gì bạn đều kiên trì bảo vệ cách nghĩ của mình, đó có phải là sự kiên trì đúng đắn. Nếu bạn chỉ quan tâm đến chính mình, bỏ qua ý kiến phê bình đánh giá của người khác, quyết không thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình, không biết đặt mình vào vị trí người khác nhất định sẽ tổn thương đến người khác hoặc gây bất lợi cho công việc. Nếu bạn cho rằng đấy chính là sự kiên định theo nguyên tắc của mình thực chất đó chỉ là sự thiên kiến của bạn, là cái tôi “cố chấp” .

“Nguyên tắc” phải xây dựng trên cơ sở được số đông mọi người công nhận và mình quyết thực hiện đến cùng một mục tiêu, một ý tưởng nào đó mới được gọi là “kiên trì một nguyên tắc”. Không chỉ những người đang sống chấp nhận mà người trong tương lai cũng chấp nhận, thậm chí trong quá khứ cũng từng có người chấp nhận, đấy mới gọi là nguyên tắc.

Làm người, làm việc đều cần đến nguyên tắc. Với nguyên tắc làm người, trước tiên chúng ta cần “Bảo vệ cho chính mình”. Bảo vệ chính mình không có nghĩa làm hại đến người khác, khi nghĩ đến bản thân bạn cần phải tôn trọng người khác. Điều có lợi cho mình phải nghĩ đến cho người, giữ lập trường hai bên đều có lợi, đấy mới là nguyên tắc đúng đắn. Trong công việc, nguyên tắc chính là nên nghĩ đến lợi ích của số đông. Nếu nguyên tắc xuất phát từ cá nhân hoặc chỉ vì số ít, hoặc thể hiện lòng tham, đấy chính là thiên kiến, là cố chấp.

Muốn biết đấy là thiên kiến hay nguyên tắc, chỉ cần chú ý đến cảm nhận của người khác đối với sự việc đó, ta có thể nhận biết đấy là gì. Những gì bạn làm hoặc nghĩ khiến người khác không thể chấp nhận, mang lại đau khổ, mọi người đều cho là sai lầm, có vấn đề; chỉ mình bạn nghĩ rằng đúng, rất có thể đó là thiên kiến. Ngược lại nếu nó phù hợp với mọi người, hoặc đó là cách nghĩ và ý nguyện chung của mọi người, đấy chính là nguyên tắc đúng đắn.

Nguyên tắc cũng không phải là cái bất biến, tùy vào từng khu vực, hoàn cảnh khác nhau và theo thời gian nó sẽ thay đổi, điều duy nhất không thay đổi: nghĩ vì mọi người, mọi người vui vẻ chấp nhận.

Có người nhận xét “đối nhân xử thế phải trong vuông ngoài tròn”, “trong vuông” là nguyên tắc, “ngoài tròn” là không hại người. Dù mình có những tiêu chuẩn nhất định, tuy nhiên khi cần có sự thay đổi linh hoạt, cũng không nên khư khư cố chấp.

Cần có sự thay đổi tinh tế, thuận lợi, các quan niệm và cách nghĩ cần có sự chuyển hướng đúng lúc. Nên nhìn nhận sự vật từ nhiều góc độ, cần thống nhất đồng tâm đồng lòng, cần dùng những từ ngữ mềm mỏng khiến người khác không nghĩ bạn là người khó gần gũi, như thế sự việc sẽ thành công nhanh chóng, tốt đẹp.

Lúc nào cũng tự nhắc nhở mình nguyên tắc phải “trong vuông ngoài tròn”, từ bỏ những cách làm cố chấp. Hơn nữa nếu chúng ta từ bỏ cố chấp, không coi cái tôi là trung tâm, nhìn nhận đánh giá sự việc theo nhiều góc độ, mềm mỏng, thông thoáng. Ngoài ra cần có thái độ bao dung tất cả mọi người, mọi việc, tự nhiên bạn sẽ tránh được thiên kiến, không thấy phiền muộn.