“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH”
Hạnh Đoan lược dịch
Chương 12: KHẢ NĂNG NHẠY BÉN
Trước khi tôi bế quan, một cư sĩ lớn tuổi đến thăm, hỏi: – Rồi thầy sẽ thành một NGƯỜI như thế nào?
Bởi vì lúc bế quan thì phải tinh tấn dụng công, cho nên thiên hạ thắc mắc, muốn biết sau khi bế quan rồi, tôi sẽ thành như thế nào? Giống như họ muốn biết một vật dụng được nhào nặn bằng đất sét được bỏ vào lò nung rồi sẽ thành phẩm ra sao?
Lìa đoàn thể, sống độc cư, đối với đa số người Châu Á mà nói, là rất khó kham. Kiểu xử tội nghiêm khắc nhất nơi pháp đình là biệt giam, nhốt phạm nhân đơn độc. Do vậy, vị tu sĩ trải qua bế quan trường kỳ, thường được người cho là đắc đạo, được dành cho sự tôn kính và xem như bậc phi phàm.
Nhưng mà có đắc đạo thật hay không? Trong lúc bế quan họ làm gì? Có những người xuất gia vì không biết làm gì ở đời, sau khi xuất gia xong vẫn chưa xác định được mục tiêu, lý tưởng. Sở dĩ họ phải bế quan, là vì trước nhất họ được thí chủ tán trợ. Tôi đã thấy qua một số am thất bế quan kiểu này: Ngoài cửa có mấy trăm dấu ghim, mỗi ghim đại biểu cho một vị công đức chủ. Và vị tăng lữ ở trong thất, suốt ngày phải vì người nhà của thí chủ mà tụng kinh. Công trình bế quan ba năm chỉ là một người tụng kinh, cũng chẳng biết mình có tiến bộ được gì? Mặc dù làm như thế là rất có lòng bi, và người có khả năng hoàn thành ba năm sống độc cư thì cũng xem như là giỏi.
Bế quan, không phải để tôi giống như vật thể bằng đất sét được cho vào lò nung rồi có hình thể cứng cáp.
Tôi muốn vận dụng toàn lực để noi theo Đức Phật. Suốt thời kỳ bế quan, tôi được cùng Ngài ở chung, sớm tối bên nhau. Tôi muốn tiếp tục học tập Ngài, nhưng chưa biết sẽ phát triển theo hướng nào. Tương lai tôi sẽ thành người ra sao? Sẽ làm gì? Những điều này phải chờ xem tương lai nhân duyên chín mùi như thế nào.
Lúc tôi xuất quan (xả thất), Đài Loan đang là một sa mạc khô cằn văn hóa và tri thức. Toàn đảo chỉ có hai cơ quan báo chí, nhưng đều bị chính phủ khống chế. Chỉ có một số ít các loại tạp chí văn học, song nhà sách rất ít, xuất bản cũng hiếm hoi, nên các tác giả vô phương hoạt động. Về nghệ thuật, cũng có trường dạy, nhưng hiếm người có thời gian để thưởng thức hoặc có dư tiền để tiêu pha vào mặt này. Vì vậy hầu như không có viện nghệ thuật hay âm nhạc chuyên nghiệp gì. Mọi người chỉ biết nghe đài phát thanh truyền bá các tiết mục. Các đoàn thể hoạt động đều thuộc quân đội, không nằm trong cơ cấu dân gian. Bởi dân chúng lo ăn còn chưa no, làm sao có thể tham gia các nghành này? Sinh hoạt nghệ thuật cũng chỉ có trong quân đội, khi buồn chán, các quân nhân có thể biểu diễn, tấu hài.
Đối với chư Tăng, Ni; người ta còn quan niệm kỳ thị rất lớn. Dù tôi từng viết bài đăng báo, các tác phẩm được biết đến và cũng có tiếng tăm đôi chút, nhưng vẫn không được phép vào trường đại học. Bởi người ta quan niệm giới tu sĩ Phật giáo tuyệt không có khả năng để học và hiểu không thể tiếp thu nền giáo dục cao đẳng… Ngay cả các phần tử trí thức ở Đài Loan, những nhà giáo dục và các cao quan chính phủ đều cho rằng: “Trong Phật giáo toàn là những phần tử mê tín thấp kém trong xã hội, chưa được giáo dục”. Một phần là do Phật giáo đồ hay tham gia các hoạt động thờ cúng chư thần và các anh hùng theo tục lệ dân gian. Chùa miếu xây lên là để cho họ vọng bái thần linh, vì vậy mà tượng của Phật giáo và Lão giáo thường được đặt song song trong đó. Người Trung Quốc thông thường không tìm hiểu tôn giáo sâu, nhất là những phần tử ở tầng lớp cao. Các người giàu hấp thụ nền giáo dục Tây phương, đôi lúc cũng thành tín đồ Tin Lành hoặc Thiên Chúa giáo. Cho dù nhân số họ ít, nhưng có thế lực rất lớn; họ cùng chính phủ cao tầng và các phần tử trí thức khác duy trì mối quan hệ tốt lành, trong khi Phật giáo đồ thì hoàn toàn chẳng có kiểu quan hệ giống vậy.
Sự thật thì trong Phật giáo các phần tử trí thức có đầy, đa số là những người bổn tỉnh Đài Loan từng du học ở Nhật Bản. Họ là Phật giáo đồ; nhưng lại khó tiến vào tầng lớp cao trong xã hội, nên phần đông họ giảng Nhật văn. Còn các cao quan Đài Loan (là nhân sĩ Quốc dân đảng đến từ Đại Lục), đều giảng quốc ngữ.
Tôi thành là một vị tăng hành cước, đi khắp nơi khai ban mở lớp. Tôi phụ dạy tại Cao Hùng và Học Viện Phật Giáo Đài Bắc. Sách của tôi, bao gồm Ấn Độ Phật giáo sử, So sánh tôn giáo học, Giới luật học cương yếu, v.v… Thực tế đều vì một số học viện mà viết, tôi đem các tư liệu chương trình dạy thu thập được, biên thành sách; lúc đó không có nhiều người biên sách giáo khoa, nên sách tôi được nhiệt liệt hoan nghinh; căn cứ vào giáo trình trên lớp dạy, tôi tiếp tục viết rất nhiều sách. Trong tháng ngày dài dằng dặc của cuộc đời, tôi tổng cộng xuất bản hơn trăm cuốn sách Anh văn.
Ngoài khóa dạy tại học viện, tôi cũng đi giảng ở các nơi khác, cùng học sinh giao lưu, đàm thoại. Tôi dạy họ ngồi thiền và cùng họ uống trà. Các vị giáo thọ lớn đều không ủng hộ, vì cho rằng cùng học sinh nói chuyện là trái luân lý. Thuở tôi còn là học sinh ở Phật học viện thì các thầy giáo luôn giữ khoảng cách rất xa với tôi. Chúng tôi rất sợ nói chuyện cùng các thầy, nếu như không có lý do thích đáng, thì không được tiếp cận họ.
Về phương diện khác, tôi cũng là một đối tượng bị bình luận. Thời còn trong quân đội, tôi từng viết bài xuất bản, đã có tiếng tăm chút chút ở Đài Loan, một phần cũng do phê bình mà nổi. Người ta sợ tôi là vì không đoán trước được tôi sẽ viết những điều táo bạo gì? Họ sợ tôi sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn họ, bởi tôi là tác giả có tiếng. Tôi phê bình không phải do ác ý, ác tâm, mà vì mong giới Phật giáo lưu tâm, tiếp nhận quan niệm mới.
Tôi cổ xúy Phật giáo hiện đại hóa, đem pháp Phật áp dụng vào đời sống thường nhật. Nhiều người không ưa tôi dùng ngôn ngữ hiện đại để thuyết giảng Phật pháp. Thí như tôi đề xướng Phật giáo nên mở rộng, cho phép tân nương và tân lang làm lễ tại tự viện và để cho Tăng chúng được dùng pháp Phật chúc phúc trong lễ cưới. Tôi mong giáo lý Phật được truyền rộng để người ta có thể áp dụng vào sinh hoạt gia đình. Quan niệm này bị phản đối dữ! Rất nhiều người phê bình tôi và nói: – Chùa chiền là nơi thanh tịnh, không nên để phái nữ vào, sao có thể đề nghị: “Cho phép tổ chức lễ cưới tại chùa?”…
Đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều người có quan niệm như thế.
Nhưng mà, do tôi ngày trước hay phê bình người, cho nên bị người phê bình lại cũng là chuyện đương nhiên. Khi tôi nghe kể mình bị người bàn luận, phê phán, tôi nhận thấy đây là báo ứng. Người ta phê bình tôi, nhưng chẳng ai dám đối mặt nói thẳng.
Một nguyên nhân khác khiến tôi luôn bị loại ra ngoài, là vì tôi không theo tông phái riêng nào. Lúc đó đoàn thể Phật giáo Đài Loan rất nhỏ, chỉ có hơn trăm; giữa các đoàn thể riêng cũng không có tổ chức gì, họ giống như tập đoàn xã hội; thường là lấy người ngoại tỉnh hay người bổn tỉnh (Đài Loan) ra làm ranh giới. Tôi có thể gia nhập hoặc tham gia hoạt động với họ, nhưng vì tôi không thích xã giao nên cũng không có ý chọn lựa một đoàn thể nào. Thậm chí tôi cũng không tham gia vào đoàn thể của sư phụ mình. Tôi là một người cô độc, mỗi khi có người mời tôi tham gia các sinh hoạt xã giao, tôi luôn nói: – “Tôi không có thời gian”.
Đây chẳng phải là lý do duy nhất khiến tôi từ chối tham gia, tôi bế quan lìa đám đông ở một mình, vì cảm thấy việc tu của mình quan trọng hơn chuyện xã giao.
Tôi cũng phát hiện, tôi đối sự vật chung quanh, mức độ mẫn cảm gia tăng rất nhiều, trực giác cũng cực kỳ nhạy bén. Trong lúc tôi cùng người đàm luận, tôi có thể quan sát thấu đáo. Khi ai đó đến thăm tôi, cho dù họ không có hẹn hay nói trước với tôi, tôi cũng dự biết và cảm nhận họ đang đi trên đường. Hoặc sau khi tôi nghĩ tới họ vài ba lần rồi, thì họ xuất hiện. Lúc tôi hỏi họ: – Vì sao đến? Thì họ nói: -“Tôi không biết, chỉ là nghĩ muốn gặp thầy”. Hoặc : “Tôi nằm mơ thấy thầy, cho nên muốn gặp thầy”.
Khi sư phụ tôi muốn tôi xả thất rời cốc, tôi cũng linh cảm được. Quả nhiên hai ngày sau, tôi nhận thư ông thúc tôi: – “Đã đến lúc nên xuất quan!”… Sau này khi sư phụ viên tịch, tôi cũng cảm biết được, cho dù lúc đó tôi đang ở Mỹ quốc cách xa mấy ngàn dặm.
Tôi không phải là kẻ duy nhất có trực giác nhạy bén này. Người con cũng có lúc cảm nhận mẫu thân đang nhớ tới mình, nên gọi điện về nhà thăm. Người tu rất dễ phát triển trực giác nhạy bén.
Tôi không nói đến thần thông, người sở hữu thần thông có thể tùy thời nghe hoặc nhìn thấy những gì họ nghĩ và lưu tâm đến. Thiền tông có khuynh hướng tránh thần thông, cho dù các Đại sư
sau khi tu hành đạt được thần thông, cũng không hề bàn đến nó. Lại càng không khuyến khích người khác tu luyện hay phát triển năng lực huyền bí này.
Thần thông xem ra có vẻ rất hữu dụng, nhưng cho dù bạn biết hay không biết rõ việc của người khác, bạn có thể giúp họ cải thiện đời sống chăng? Luật cân bằng giữa vũ trụ là do nhiều nhân tố vận hành liên quan gắn bó, cho dù bạn có thể vận dụng thần thông hòng tránh khỏi vài việc không tốt, thì bất quá cũng chỉ là kéo dài, để nó phát sinh chậm mà thôi. Phật giáo quy định rất nghiêm, không cho tu sĩ hiển hiện hoặc sử dụng thần thông. Bản thân tôi cũng chẳng muốn có các năng lực như thế.
Khi tôi cảm nhận được khả năng này, tôi cũng làm lơ, không đặc biệt chú trọng. Thí như, có lúc tôi thấy thần thổ địa trên đất, hoặc quỷ ma xuất hiện ở dưới cội cây, quanh mộ, hay những vùng âm u v.v… Tôi chẳng thèm quan tâm tới! Vì nếu như tôi chú ý, khởi niệm trụ vào, thì sẽ bị phiền phức lôi thôi vây bủa. Người ta sẽ đòi tôi đuổi ma trục quỷ giùm những khi họ thấy bất an; hoặc sẽ nhờ tôi tra xét giúp coi trong nhà họ có ma quỷ hay không v.v… Nhưng tôi hoàn toàn chẳng hứng thú với những việc như thế.