VÀO THIỀN
Nguyên Minh

NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA KIẾP NGƯỜI

Bạn có thể đến với thiền do sự hiếu kỳ hoặc ham mê hiểu biết. Nhưng những động cơ này ít có khả năng giữ bạn lại với thiền một cách lâu dài. Phần lớn những người khác đến với thiền để tìm kiếm một giải pháp cho những trăn trở mà tri thức lý luận không thể giúp họ vượt qua.

Mâu thuẫn lớn nhất mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt trong kiếp người là khát vọng sinh tồn hiện hữu trong một thực thể tất yếu phải diệt vong. Cho dù ta luôn mong muốn được giữ mãi đời sống này, nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều phải chết. Vấn đề còn tệ hại hơn nữa khi chúng ta thấy rõ được sự bất lực hoàn toàn của mình trong việc bảo vệ mạng sống mong manh này. Chúng ta luôn nỗ lực để nắm phần chủ động với những gì diễn ra trong cuộc sống, nhưng ngay cả việc đời sống sẽ chấm dứt vào lúc nào chúng ta lại cũng hoàn toàn không biết được. Và bên kia dấu chấm hết của đời sống là một khoảng trống vô định mà chúng ta không sao soi rọi những tia sáng của tri thức lý luận vào đó để thấy được bất cứ điều gì!

Giải pháp mà nhiều thế hệ đi trước của chúng ta đã chọn để xoa dịu vấn đề là niềm tin vào một thế giới bên kia sau khi chết, bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn còn được sống! Nhiều tôn giáo khác nhau đã mô tả khác nhau về thế giới ấy. Những khái niệm khác nhau được dựng lên. Tất cả đều nhằm xoa dịu nỗi lo sợ diệt vong của mỗi kiếp người mà không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi.

Tuy chúng ta không thể vượt qua vấn đề sống chết bằng vào tri thức lý luận, nhưng rồi sự bất lực kéo dài rất thường đẩy chúng ta vào chỗ tạm quên đi. Trong thực tế, qua một giai đoạn trăn trở nhất định nào đó trong cuộc đời, rồi thì rất nhiều người trong chúng ta chọn giải pháp lãng quên, tránh né không đề cập đến vấn đề. Chúng ta mặc nhiên chấp nhận, bởi vì không còn hướng giải quyết nào khác hơn ngoài việc phải chấp nhận.

Nhưng vấn đề sống chết cũng mới chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề. Ngay cả khi quên đi vấn đề sống chết thì mỗi ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với hàng loạt những mâu thuẫn khác nữa trong đời sống. Tất cả những vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc, đớn đau, vinh quang, nhục nhã… và vô số những tâm trạng khác nhau nữa, luôn xuất hiện thành từng cặp đối đãi trong đời sống. Ở một cực của vấn đề, chúng ta thỏa mãn, vui sướng… trong khi ở cực bên kia chúng ta bất mãn, đau khổ…

Chúng ta quay cuồng và xoay chuyển trong những được, thua, còn, mất… của kiếp người mà không tìm được manh mối nào để thoát ra khỏi đó. Nhưng về bản chất thì mỗi chúng ta lại không ngừng thao thức vươn lên một cuộc sống hoàn thiện, mong muốn thoát khỏi mọi khổ đau trong đời sống. Ở đây, sự lãng quên không thể là giải pháp, vì vấn đề thôi thúc chúng ta phải đối mặt trong từng giờ, từng ngày không lúc nào ngưng nghỉ.

Mặt khác, trong khi mỗi chúng ta đều không ít lần cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống, thì đồng thời chúng ta cũng phải gánh chịu vô số những khổ đau tất yếu mà đời sống mang lại. Tất cả chúng ta đều không thoát khỏi những nỗi khổ như già yếu, bệnh tật, biệt ly, thất vọng…

Sự vận dụng tri thức lý luận vào việc quan sát, phân tích những vấn đề như trên luôn dẫn ta đến chỗ bế tắc. Bởi vì khi sự phân tích lý luận dẫn ta đến những kết quả tất yếu nào đó thì về mặt cảm tính chúng ta lại không sao chấp nhận được những kết quả như thế. Chúng ta bị dằn vặt giữa lý trí và cảm tính; giữa giới hạn tồn tại của vật chất và tính chất vô hạn của tinh thần; giữa sự thay đổi tất yếu diễn ra trong thế giới vật chất qua thời gian với sự thường tồn bất biến trong tâm thức.

Liệu có một giải pháp nào đó có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi những khổ đau triền miên trong cuộc sống này chăng? Những trí tuệ lớn của nhân loại xưa nay quả thật đã không ngừng tìm kiếm một giải pháp như thế. Không ít câu trả lời đã được đưa ra, nhưng vấn đề đối với mỗi chúng ta là phải chọn lấy một giải pháp cho riêng mình.