NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI

Hòa Thượng Thích Đỗng Minh

NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI BỒ-TÁT TẠI GIA

(Tổ chức sau lễ truyền giới Bồ-tát xuất gia)

 A. PHẦN MỞ ĐẦU

I. LỄ THỈNH SƯ

Tại phương trượng:

Dẫn thỉnh hướng dẫn:

Sau khi khai 3 tiếng chuông báo chúng, báo giờ truyền giới Bồ-tát tại gia bắt đầu, khoảng 10 phút, vị Dẫn thỉnh đánh 3 hồi khánh và 4 tiếng, xướng rằng:

– Cung thỉnh chư Tôn vân tập Trượng đường.

 Cung thỉnh chư Tôn đức an tọa.

– Chư Giới tử cầu thọ Bồ-tát giới tại gia tựu ban.

Đại diện Giới tử tác bạch cầu thỉnh Giới sư:

– Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Ngưỡng bạch chư Tôn Đại đức,

Chúng con có duyên sự, xin đầu thành đảnh lễ tác bạch:

(Tất cả Giới tử đồng lạy 1 lạy, quỳ bạch)

– Ngưỡng bạch chư Tôn Đại đức!

Chúng con là…., bấy lâu có lòng khát ngưỡng Giới pháp Bồ-tát, hôm nay gặp đủ duyên lành trên Hòa thượng Giới sư, chư Tôn Đại đức thuỳ từ lân mẫn, hợp thời chúng con thành tâm đảnh lễ kiền thỉnh chư Tôn Đại đức không quản lao nhọc, đăng đàn truyền cho chúng con Giới pháp Bồ-tát tại gia. Cúi xin chư Tôn đức ai lân hứa khả để chúng con được ân triêm công đức.

Hòa thượng hứa khả:

– Lành thay! Để truyền thừa sự nghiệp của đức Phật, chư Tôn Đại đức hiện tiền đều hoan hỷ hứa khả.

Đại diện Giới tử bạch:

– Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Chư Tôn Đại đức đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin đầu thành đảnh lễ. (Giới tử đồng lạy 3 lạy).

Dẫn thỉnh xướng:

– Chư Giới tử xuất ban.

– Cung thỉnh chư Tôn Đại đức quang lâm Tổ đường.

 (Đoàn cung thỉnh gồm có tàng, lọng, bê, tích, khánh, pháp hiệu, ngũ âm… dẫn đầu. Giới tử quỳ hai hàng, từ phương trượng đến Tổ đường).

Tại Tổ đường:

Dẫn thỉnh xướng:

– Cung thỉnh chư Tôn đức lập ban, niêm hương bạch Tổ.

Chư Giới sư niêm hương xong, Dẫn thỉnh tiếp xướng lễ Tổ:

– Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại chư vị Tổ sư Hòa thượng, tam bái.

– Cung thỉnh chư Tôn đức phân lập lưỡng ban.

– Chư Giới tử Bồ-tát tại gia tựu ban.

– Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại chư vị Tổ sư Hòa thượng, tam bái. (Giới tử đồng lạy 3 lạy).

– Chư Giới tử thối ban.

(Giới tử và đoàn cung nghinh tiếp tục cung nghinh Giới sư đăng lâm Bảo điện).

– Cung thỉnh chư Tôn đức đăng lâm Bảo điện.

Tại Bảo điện:

Dẫn thỉnh xướng:

– Cung thỉnh chư Tôn đức lập ban.

– Chư Giới tử tựu ban.

– Chư Giới tử trường quỳ, hiệp chưởng.

– Khởi chung cổ.

– Cung thỉnh Giới sư niêm hương, bạch Phật cầu gia bị.

Sau khi niêm hương xong, Dẫn thỉnh xướng lễ:

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai Thập phương thường trú chư Phật.         

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai Thập phương thường trú tôn Pháp.

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai Thập phương thường trú hiền thánh Tăng.

Nhất tâm đảnh lễ Đạo tràng Giáo chủ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.     

Nhất tâm đảnh lễ Phạm Võng Giáo chủ Lô-xá-na Phật.                                                    

Nhất tâm đảnh lễ Thiên Hoa đài thượng, thiên bách ức hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật.                            

Nhất tâm đảnh lễ Đương hội đạo tràng nhất thiết chư Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Đương hội đạo tràng nhất thiết tôn Pháp.                                        

Nhất tâm đảnh lễ Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ-tát. Nhất tâm đảnh lễ Đại Từ Di-lặc Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma-ha-tát.      

Nhất tâm đảnh lễ chư vị Hộ pháp Bồ-tát.

Dẫn thỉnh cử tán:

Nhất trần tài nhiệt

                         Hải tạng viên thâu 

                         Hà sa chư Phật hiện mao đầu

                         Xứ xứ tiện quy hưu

                         Hương ái sơ phù

                         Tâm địa giới châu lưu.

          Nam mô Hương vân cái Bồ-tát ma-ha-tát.

Dẫn thỉnh xướng:

– Chư Giới tử trường quỳ, hiệp chưởng.

Vị Dẫn thỉnh quỳ phía hữu (phía để chuông gia trì), quay mặt vào giữa, chắp tay, xướng:

Nhất chú chiên đàn hương

                       Cử khởi biến thập phương

                       Thỉnh sư đăng bảo tọa

                       Bỉnh pháp quảng tuyên dương.

Dẫn thỉnh xướng:

– Cung thỉnh chư Giới sư thăng tòa.

Chờ an tọa xong, Dẫn thỉnh xướng tiếp:

– Chư Giới tử! Khởi thân, chí thành đảnh lễ tam bái.

– Chư Giới tử xuất ban.

Dẫn thỉnh trở về cùng ngồi như chư Tôn đức.

B. PHẦN TRUYỀN GIỚI

I. KHAI LUẬT

Hòa thượng Chủ đàn đứng dậy, cầm thủ lư, cử tụng:

Nguyện thử hương hoa vân

                       Biến mãn thập phương giới

                       Nhất thiết chư Phật độ

                       Vô lượng hương trang nghiêm

                       Cụ túc Bồ-tát đạo

                       Thành tựu Như Lai hương.

              Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Khai Luật kệ:

Vô thượng thậm thâm Tỳ-ni pháp

                  Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

                  Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

                 Nguyện giải Như Lai Tỳ-ni nghĩa.

Giới sư Chủ đàn để thủ lư xuống bàn, ngồi kiết già an tọa.

II. TRUYỀN GIỚI

Dẫn thỉnh xướng:

– Giới tử cầu thọ Bồ-tát tại gia tựu ban. 

(Giới tử Nam bên trái, Giới tử Nữ bên phải)

Các Giới tử hãy nghe tôi xướng và theo mỗi tiếng chuông, chí thành đảnh lễ:

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương thường trú chư Phật.        

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương thường trú tôn Pháp.

Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương thường trú Hiền thánh tăng.

Nhất tâm đảnh lễ Đạo tràng Giáo chủ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Phạm Võng Giáo chủ Lô-xá-na Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Thiên Hoa đài thượng, thiên bách ức hóa thân Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.              

Nhất tâm đảnh lễ Đương hội đạo tràng nhất thiết chư Phật.                                                                

Nhất tâm đảnh lễ Đương hội đạo tràng nhất thiết tôn Pháp.                                            

Nhất tâm đảnh lễ Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát.  

Nhất tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Đại từ Di-lặc Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Đương hội đạo tràng chư Tôn Bồ-tát.

Nhất tâm đảnh lễ Lịch đại chư vị Tổ sư Bồ-tát.                           

Nhất tâm đảnh lễ Truyền giới Đàn đầu Hòa thượng. 

Nhất tâm đảnh lễ Yết-ma A-xà-lê sư.

Nhất tâm đảnh lễ Giáo thọ A-xà-lê sư.

Nhất tâm đảnh lễ Thất vị Tôn chứng sư.

Nhất tâm đảnh lễ hiện tiền chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng-già.

Dẫn thỉnh xướng tiếp:

– Chư Giới tử trường quỳ, hiệp chưởng.

Các Giới tử! Các vị đã nhất tâm đảnh lễ chư Phật, chư Bồ-tát, chư Tổ và liệt vị Giới sư. Giờ này, để khỏi bở ngỡ trong khi nói lời tác bạch, cần cầu được truyền trao Đại giới Bồ-tát, các Giới tử hãy lặp lại theo lời tôi sau đây:

Đại đức nhất tâm niệm, đệ tử pháp danh là…. Cầu xin Đại đức truyền trao cho tất cả tịnh giới Bồ-tát. Cúi xin Đại đức không vì mệt nhọc, thương tưởng hứa khả lời thỉnh cầu của chúng con.

(Bạch 3 lần, 3 lần cúi đầu xá)

Hòa thượng đáp:

– Lành thay! Chư Tôn đức đều hoan hỷ hứa khả.

Dẫn thỉnh xướng:

– Chư Giới tử đảnh lễ tam bái.

Yết-ma dạy:

– Này các Giới tử! Giới, tiếng Phạn gọi là “Ba-la-đề-mộc-xoa”. Tàu dịch là “Bảo đắc giải thoát 保得解脫”, có nghĩa là Giới thường bảo hộ người tu hành, giải thoát sanh tử, đạt đến Vô thượng Bồ-đề. Bởi thế, Giới là vị Đạo sư của quả vị tối thượng Bồ-đề, là đường tắt vào Vô thượng Đại Niết-bàn. Quá khứ, chư Phật nhờ Giới mà thành đạo. Hiện tại, chư Phật lấy Giới để độ sinh. Người tu hành nhờ Giới mà được giải thoát. Giới là nền tảng của thiền định và trí tuệ. Muôn đức trang nghiêm, Giới là căn bản. Vì thế, Kinh có nói rằng: “Giới như đất bằng, muôn giống lành từ nơi đất mà sinh. Giới như vị lương y hay trị ba độc tham, sân, si. Giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ. Giới như chuỗi anh lạc để trang nghiêm Pháp thân”. Nhưng Giới này có ba thứ: một là Giới tại gia có 5 giới và 8 giới; hai là Giới xuất gia có 10 giới và 250 giới; ba làBồ-tát tam tụ tịnh giới mà các vị sắp lãnh thọ.

Thế nào là tam tụ tịnh giới?

1- Nhiếp luật nghi giới: không làm các điều ác để cầu chứng pháp thân.

2- Nhiếp thiện pháp giới: làm mọi điều lành để cầu chứng báo thân.

3- Nhiêu ích hữu tình giới: làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh để cầu chứng hóa thân.

Giới thể tuy một, nhưng vì nhân duyên của các hàng tại gia và xuất gia không giống nhau nên sự hành trì do đó có khác, tức là phân biệt có “xuất gia Bồ-tát giới” và “tại gia Bồ-tát giới”. Giới pháp này chính là căn bản của hết thảy thiện pháp. Nếu ai thành tựu được giới pháp như vậy, chẳng những sẽ chứng đắc Tu-đà-hoàn quả cho đến A-na-hàm quả, mà còn sẽ dẫn đến Bồ-tát đạo. Nếu ai phá giới này sẽ đọa lạc trong ba ác đạo.

Các Giới tử! Các vị có phải vì thương hết thảy chúng sanh mà cầu thọ giới pháp này chăng?

Giới tử đồng thanh đáp:

– Nam mô Phật, phải.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!

Giáo thọ tiếp hỏi các già nạn:

– Các Giới tử! Để thọ giới Bồ-tát tại gia, các Giới tử phải không có 7 tội chướng. Bây giờ tôi hỏi các vị, các vị cứ như sự thật mà đáp:

– Nay Phật không còn ở đời, nhưng những hành động moi khoét tượng Phật, phá chùa, hoại tháp đều đồng loại với tội làm thân Phật ra máu. Phật tử có phạm tội này chăng ?

Giới tử đáp:

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có giết cha không?

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có giết mẹ không?

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có giết Hòa thượng không?

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có giết A-la-hán không?

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có phá Yết-ma Tăng không?

– Nam mô Phật, không.

– Phật tử có giết Thánh nhân Tăng không?

– Nam mô Phật, không.

Dẫn thỉnh xướng:

– Chư Giới tử! Khởi thân đảnh lễ tam bái.

Dẫn thỉnh xướng tiếp:

– Chư Giới tử! Trường quỳ, hiệp chưởng.

Yết-ma dạy:

– Các Giới tử! Các vị đã không có các chướng nạn, tức các vị có thể thọ lãnh giới Bồ-tát. Bây giờ các vị phải hết lòng cầu thỉnh đức Phật Thích-ca làm Hòa thượng, Bồ-tát Văn-thù và Di-lặc làm A-xà-lê, mười phương Như Lai làm Tôn chứng sư, mười phương Bồ-tát làm bạn lữ đồng học. Các vị hãy nhất tâm lặp lại theo lời tôi hướng dẫn, để cầu thỉnh:

– Đệ tử pháp danh là…., nhất tâm phụng thỉnh đức Thích-ca Như Lai, vì con làm Hòa thượng. Con nương theo Hòa thượng để được thọ giới tại gia Bồ-tát. Xin thương xót chúng con! (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là…., nhất tâm phụng thỉnh Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, vì con làm Yết-ma A-xà-lê. Con nương theo A-xà-lê để được thọ giới Bồ-tát tại gia. Xin thương xót chúng con! (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là…., nhất tâm phụng thỉnh Di-Lặc Bồ-tát, vì con làm Giáo thọ A-xà-lê. Con nương theo A-xà-lê để được thọ giới Bồ-tát tại gia. Xin thương xót chúng con! (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là…., nhất tâm phụng thỉnh Thập phương Như Lai, vì con làm Tôn chứng. Con nương theo các đức Như Lai, để được thọ giới Bồ-tát tại gia. Xin thương xót chúng con! (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là…. Nhất tâm phụng thỉnh Thập phương chư Đại Bồ-tát, vì con làm bạn lữ đồng học. Con nương theo các Bồ-tát, để được thọ giới Bồ-tát tại gia. Xin thương xót chúng con! (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Dẫn thỉnh xướng:

– Khởi thân đảnh lễ chư Phật, chư Bồ-tát tam bái.

Chư Giới tử! Trường quỳ, hiệp chưởng.

Giáo thọ dạy:

– Các Giới tử! Nay tôi lại hướng dẫn các vị cầu xin giới Bồ-tát tại gia. Các vị hãy lặp lại theo lời tôi nói:

Chúng con pháp danh là…., thành tâm cầu xin chư Đại đức thương xót, trao cho chúng con tất cả tịnh giới Bồ-tát tại gia. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

Yết-ma đáp:   

– Lành thay! Hiện tiền chư Tôn đức đều hứa khả.

Yết-ma dạy:

– Các Giới tử! Các vị muốn cầu giới pháp, các vị hãy chuyên tâm thành kính hướng về cảnh giới thanh tịnh, chớ có vọng tưởng đến cảnh khác. Hãy khởi tâm suy nghĩ như thế này: “Tôi nay không bao lâu nữa sẽ được đại công đức tạng không lường, không cùng, không có công đức nào hơn giới pháp này”.

Các Giới tử! Các vị nên biết, muốn thọ giới Bồ-tát cần phải phát Bồ-đề tâm. Tâm Bồ-đề là tâm đại đạo. Thế nào là tâm đại đạo? – Nghĩa là tâm thật rộng lớn, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ tất cả chúng sanh, đó là đại đạo tâm, tức là Phật tâm.

Vì muốn cầu Phật đạo, hàng Bồ-tát phát tâm không hạn lượng, phụng thờ cúng dường, không chỉ một đức Phật, hai đức Phật, mà cho đến trăm ngàn đức Phật ở khắp mười phương vô tận thế giới, hư không giới để cầu trí Nhất thiết, thành tựu không lường trăm ngàn pháp môn.

Lại vì cứu độ chúng sanh, hàng Bồ-tát phát tâm không hạn lượng, không những chỉ độ chúng sanh trong một thế giới, hai thế giới mà còn cho đến độ thoát tất cả chúng sanh khắp mười phương vô tận pháp giới, hư không giới.

Đó là hai mục đích mà Bồ-tát phát tâm Bồ-đề. Người phát tâm và lập nguyện như thế chính là Bồ-tát. Trong giờ phút trang nghiêm và thanh tịnh này, các vị đã phát tâm như thế chưa?

Giới tử đáp: Nam mô Phật, đã phát.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

– Các Giới tử! Bồ-tát chỉ mới phát tâm Bồ-đề thôi, mà đã có căn lành, công đức không hạn lượng. Vì sao? – Vì Bồ-tát này không dứt chủng tánh Như Lai. Vì do phát tâm mà hàng Bồ-tát được tất cả chư Phật trong ba đời thường nhớ tưởng, hộ niệm và sẽ được Vô thượng Bồ-đề của tất cả chư Phật trong ba đời, đồng thời cũng được nhập vào thể tánh bình đẳng như tất cả Phật. Bởi thế, ngay lúc phát tâm Bồ-đề, liền được tất cả Như Lai khen ngợi, liền được trừ diệt tất cả khổ trong các ác đạo, sẽ được thanh tịnh cõi Phật và được chủng tánh Phật. Rồi đây các Phật tử sẽ ở trong các thế giới, sẽ thị hiện làm Phật.

Các Giới tử! Các vị có phải là Bồ-tát không?

Giới tử đáp:

– Nam mô Phật, phải.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

Yết-ma hỏi tiếp:

– Các Giới tử đã nguyện phát tâm Bồ-đề chưa?

– Nam mô Phật, đã phát.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!

Hòa thượng dạy:

– Các Giới tử hãy lắng nghe tôi hỏi.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, các vị muốn nương nơi tôi để thọ tất cả học xứ của Bồ-tát, thọ tất cả tịnh giới của Bồ-tát, đó là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Học xứ như thế, tịnh giới như thế, quá khứ tất cả Bồ-tát đều đã đầy đủ, vị lai tất cả Bồ-tát đều sẽ đầy đủ, hiện tại tất cả Bồ-tát đang có đầy đủ. Học xứ này, tịnh giới này, quá khứ tất cả Bồ-tát đã học, vị lai tất cả Bồ-tát sẽ học, hiện tại tất cả Bồ-tát đang học. Các vị có thể học được không?

Giới tử đáp:

– Nam mô Phật, học được.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

Yết-ma dạy:

– Các Giới tử! Trong giờ phút này, các vị còn phải thọ trì bốn điều tin kiên cố, Kinh gọi là “Tứ bất hoại tín”. Các vị hãy lặp lại theo lời tôi hướng dẫn và hãy chí thành lãnh thọ.

Đệ tử pháp danh là…., từ thân này cho đến thân cùng tột vị lai, nguyện qui y Phật, quy Pháp, qui y Tăng, qui y chánh giới. (3 lần lặp lại, 3 lần cúi đầu xá).                                    

Giáo thọ dạy:

– Các Giới tử! Các vị đã thọ bốn đức tin kiên cố rồi. Giờ này, trước Tam bảo, các vị nên sám hối tội lỗi trong ba đời. Các vị hãy lặp lại theo lời tôi nói:

Đệ tử pháp danh là…., nếu trong quá khứ, thân, khẩu, ý đã tạo mười điều tội ác, thì hôm nay nguyện cùng tận đời vị lai không bao giờ sinh khởi, tái phạm.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

 Đệ tử pháp danh là…., nếu đời hiện tại, thân, khẩu, ý tạo mười điều tội ác, thì hôm nay nguyện cùng tận đời vị lai không bao giờ sinh khởi, tái phạm.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

– Đệ tử pháp danh là…., nếu đời vị lai, thân, khẩu, ý tạo mười điều tội ác, nguyện cùng tận đời vị lai, không bao giờ sinh khởi tái phạm.

Dẫn thỉnh xướng:

– Khấu thủ!         

Giáo thọ dạy tiếp:

– Các Giới tử! Các vị cần phải dốc lòng cầu sám hối các tội lỗi. Hãy lặp lại theo lời tôi hướng dẫn:

                   Xưa con đã tạo các ác nghiệp

                    Đều do vô thỉ tham, sân, si

                    Từ thân, miệng, ý phát sanh ra

                    Tất cả con đều xin sám hối.

          Nam mô Cầu sám hối Bồ-tát ma-ha-tát.

(3 lần cúi đầu xá)

Dẫn thỉnh xướng:

– Khởi thân chí thành đảnh lễ Tam bảo, tam bái.

– Trường quỳ, hiệp chưởng.

Hòa thượng khuyên dạy:

– Các Giới tử! Các vị đã sám hối rồi, ba nghiệp đều thanh tịnh, như bình lưu ly trong sạch, trong ngời sáng chói. Bây giờ các vị đối với bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo phát bốn lời thệ nguyện rộng lớn.

Thế nào là Khổ đế? – Khổ là các thứ quả báo mà tất cả các chúng sanh trong lục đạo đều phải gánh chịu. Bồ-tát thấy thế, liền phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh thoát ly khổ quả, tức là Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.

Thế nào là Tập đế? – Tập là những phiền não, vọng tưởng mà tất cả chúng sanh đã tích lũy từ vô thỉ kiếp đến nay, phải chiêu cảm vô lượng quả khổ ở vị lai.