NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

11. BẢN LÃNH TUỔI TRẺ

Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta đang sống với một cuộc sống đầy những bấp bênh, bất công, lầm lạc và lắm khi tuyệt vọng. Cuộc sống ấy nào có khác chi một chiếc thuyền mành đang dong buồm ra bể khơi, trong cơn sóng gió và giông bão. Các bạn có biết chuyện gì sẽ xảy ra cho con thuyền mong manh ấy không ? Chắc chắn sóng gió và giông bão sẽ nhận chìm con thuyền ấy. Các bạn trẻ thân thương, các bạn đi vào đời còn thua chiếc thuyền mành đang đi vào biển cả ấy nữa. Con thuyền ấy dẫu sao vẫn còn có bánh lái, để lái được về một hướng nào đó. Còn các bạn thì sao? Nếu không có sự hướng dẫn và dạy dỗ của các bậc cha mẹ, cũng như thầy cô ở học đường, chắc chắn các bạn sẽ bị tệ nạn xã hội lôi kéo và nhận chìm.

Các bạn trẻ thân mến,
Ai trong chúng ta lại không muốn lớn lên với một tương lai rạng rỡ ? Nhưng làm sao để có được cái tương lai rạng rỡ hỡi các bạn? Ngay chính học đường và các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng gia đình đóng góp một vai trò không thể thay thế được trong việc giáo dục cá nhân đi vào đời. Vì gia đình là một trường đời thu hẹp, một xã hội nho nhỏ. Nếu trong gia đình, các bạn là những đứa con ngoan, biết lắng nghe lời dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, anh chị, hay cô chú, thì chắc chắn ngoài xã hội, các bạn sẽ là những công dân gương mẫu và đạo đức. Nếu trong gia đình mà các bạn biết kính trên nhường dưới và vị tha lân mẫn, thì chắc chắn ra đời các bạn cũng sẽ sống như vậy. Nếu trong gia đình mà các bạn sống đơn giản, biết đủ, không đua đòi theo vật chất xa hoa, thì ra đời chắc chắn các bạn sẽ không bị lôi kéo bởi những cám dỗ của chủ nghĩa vật chất, hoặc những đua đòi của cá nhân.

Các bạn trẻ thân mến,
Cuộc sống thiện lành và đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải một ngày một bữa mà có được. Muốn được cuộc sống ấy, các bạn phải từng giờ từng ngày hẹn với lòng là quyết vâng lời cha mẹ, thầy cô và những bậc trưởng thượng. Vì chính họ đã có kinh nghiệm và lắm khi họ đã phải trả một cái giá quá đắc cho những kinh nghiệm ấy. Có thể họ đã từng lãng mạn và đam mê trong yêu đương quá sớm, nên đường học vấn và sự nghiệp của họ bị gẫy đổ nửa chừng. Và vì thế họ phải ra đời kém cỏi, bằng cấp không có, nghề nghiệp chuyên môn cũng không, high school (trung học) lại cũng chưa xong, nên họ đành phải làm những công việc mà Mễ, Mỹ đều chê, với mức lương tối thiểu. Đôi khi họ phải làm đôi ba việc mới có đủ tiền để lo cho các bạn. Nay họ không muốn cho các bạn phải đi vào vết xe đã gẫy đổ của họ, nên họ có rầy la ngăn cản, không cho các bạn đi chơi hoang đàng, thế thôi. Đến đây chắc các bạn đã thấy đâu là quang lộ thênh thang, còn đâu là mê đồ tăm tối. Nghe hay không nghe là hoàn toàn tùy thuộc nơi các bạn.

Các bạn trẻ thân mến,
Bước vào tuổi đôi tám, đôi chín của các bạn là bước vào giai đoạn kỳ cục nhứt của cuộc đời. Ở cái tuổi nầy các bạn cứ tưởng mình là trung tâm của vũ trụ, trời đất nầy đối với các bạn chỉ bằng cái vun, cái chén. Thêm nữa, lại sống trên cái đất nước tự do quá trớn nầy, nơi mà tuổi trẻ đa phần sống bất cần đời, muốn sống thoát ly và độc lập với gia đình. Đối với Âu Mỹ, một thiếu nữ mười bốn, mười lăm tuổi mang bầu, sanh con đã là một nhức nhối, huống là đối với văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đó là đứng về mặt đạo đức mà nói. Còn đứng về mặt thực tế, thử hỏi ở tuổi mười bốn, mười lăm, hoặc giả mười bảy mười tám, cái tuổi mà ông bà chúng ta thường nói là tự ăn chưa no, tự lo chưa tới. Thế mà lại mang bầu sanh con, thì cuộc đời các bạn sẽ ra sao ? Thân của các bạn, các bạn lo chưa xong, nói chi đến việc làm cha mẹ người khác ? Chưa nói đến việc các bạn phải bỏ học và phải sống một cuộc sống nghèo khổ triền miên.

Các bạn trẻ thân mến,
Vẫn biết rằng khó mà thuyết phục được các bạn thay đổi bản lãnh của các bạn, vì ở tuổi các bạn, các bạn đâu có chịu cho mình thua ai. Ở nhà thì không nghe lời, hoặc nghi ngờ về những lời dạy dỗ của cha mẹ vì cho rằng những lời lẽ ấy đã lỗi thời. Đến trường thì thay vì học hành, các bạn lại tụ năm tụ bảy, trốn học đi chơi. Bây giờ thì các bạn đâu có thấy trục trặc, nhưng về sau nầy các bạn sẽ thấy, các bạn ạ ! Nếu bỏ học một thời gian rồi thì đâu còn muốn trở lại trường nữa, phần vì không theo kịp chương trình và bạn hữu, phần vì không còn nhiệt tâm nhiệt huyết nữa đâu để học với hành. Thế là các bạn bắt đầu dấn bước lang thang vào con đường vô định. Từ chuyện bỏ một vài buổi học, đến thoát ly gia đình, đến hư hỏng, nghiện ngập, hút xách, sì ke, ma túy. Rồi con trai phải làm ma cô, con gái phải bán thân, hoặc giả phải gia nhập vào băng đảng, cướp giựt để có tiền tiêu phí cho những thói hư tật xấu vừa kể. Các bạn có thấy cuộc phiêu lưu như vậy là trục trặc nhiều lắm không các bạn ?